Người đàn bà gánh cả bình minh

MTXD - Ngày ngày, khi bình minh chưa bừng giấc, người phụ nữ 75 tuổi lại quẩy đôi quang gánh trên vai ra ngoài mép biển. Bà đã hơn 35 năm đều đặn gánh lấy bình minh để làm cuộc mưu sinh.

MTXD - Ngày ngày, khi bình minh chưa bừng giấc, người phụ nữ 75 tuổi lại quẩy đôi quang gánh trên vai ra ngoài mép biển. Bà đã hơn 35 năm đều đặn gánh lấy bình minh để làm cuộc mưu sinh.

Đời đong nước

5 giờ sáng, với chiếc đòn gánh và đôi thùng nước tự chế là những chiếc vỏ thùng sơn, đôi chân trần đầy những vết nứt nẻ do ngâm nước biển và dẫm trên cát, bà Nguyễn Thị Học (75 tuổi, trú tại phường Thọ Quang, Sơn Trà, Đà Nẵng) miệt mài đi về phía con sóng, vục đầy hai thùng nước biển rồi thoăn thoắt gánh nước lên bờ. Ít ai biết rằng bà đã ở cái tuổi 75, và tròm trèm 35 năm gánh nước biển ở xứ này.

 Ngày nào cũng vậy, bà Học lặn lội gánh từng thùng nước để mưu sinh.

Từ bến Thọ Quang về tới nhà bà Học đi bộ gần 1 km, nhưng sáng nào hình ảnh người phụ nữ già yếu, gầy gò gánh trên lưng thùng nước để trở nên quen thuộc với bà con hàng xóm. Mấy chục năm rồi, bà cũng như bao người vợ, người mẹ làng biển, vẫn chu toàn thủy chung với đôi quang gánh, lúc thì gánh nước trượt dài trên những bờ cát dù ngày mưa hay nắng, vì mùa nào biển cũng mang lại niềm tin và khơi nguồn sự sống cho những người dân làng biển.

Chợ sáng cũng là thời điểm người đàn bà lớn tuổi làm nghề gánh nước biển thuê lật đật với quang gánh. Mép biển rì rào sóng vỗ, những con thuyền về lúc tảng sáng mang theo tôm cá của biển khơi. Và trên bờ, những tiếng í ới của những người mua sớm làm xao động cả mép biển. Không kể đêm tối hay ngày hè nóng nực, với đôi quang gánh và bộ quần áo lao động cũ kỹ, sờn màu, ướt sũng vì nước biển bà lão đã ngoài 75 tuổi vẫn miệt mài với công việc của mình. Chỉ với 1000 đồng/lượt, nhưng nghề gánh nước biển thuê từ bao giờ đã trở thành cái nghiệp của người phụ nữ làng chài Thọ Quang này.

Thi thoảng, lảnh lót lên trong mớ âm thanh hỗn tạp của chợ cá trước bình minh là câu gọi: “Bà ơ cho con thùng nước!”. Chỉ cần nghe tiếng gọi ấy, bà Học đáp lại rồi đi vội xuống con sóng, vục đôi gầu xuống và tất tưởi gánh lên. Mỗi gánh nước ấy được dùng để các thiểu thương làm sạch cá ngay trên bãi biển. Thường thì các tiểu thương sẽ dùng ngay nước biển để làm sạch hải sản, sau đó đóng vào thùng, hoặc chuyển ngay lên những xe tải nhỏ đang chờ sẵn trên đường để đưa vào các chợ cho kịp phiên chợ sáng.

Những chiếc nón lá chấp chới, những tiếng chào mời, tính toán, cân đong, tiếng máy tàu vừa cập bến với bao cá tôm sáng sớm... Đó là âm thanh của sự sống đang hiện hữu. Gần như ở chợ cá ấy, một vòng quay bất tận của công việc mà bất kỳ ai cũng đều là một mắt xích quan trọng. Tàu cá về, ngư dân đưa cá tôm xuống bãi, tiểu thương chờ sẵn để mua, và những người gánh nước biển như bà Học quẩy sẵn gánh nước để chờ người làm tôm cá. Cứ thế, những tiếng gọi, những thùng nước biển đổ rào rào xuống xen lẫn tiếng chân đi trên bờ cát tấp nập người.

Ngừng đôi quang gánh, bà Học chống đòn gánh xuống nghỉ mệt đôi chút để chờ chuyến tàu tiếp theo vào bờ. Ở cái tuổi sương pha mái tóc, bà chẳng còn nhiều sức khỏe như đôi ba mươi năm trước khi mới vào nghề gánh nước thuê nữa. Đầu gối bà đã chùng mỏi, đôi vai bà xương gồ lên, đôi quang gánh nặng hơn, và cuộc mưu sinh mỗi bình minh vẫn còn khốn khó. Bà nói chuyện với tôi, mà lời bà thì thào như gió biển.

Đã ngoài 75 tuổi, nhưng bà Học vẫn phải đi làm, nhiều lúc đang gánh nước chân giẫm lên vỏ sò, vỏ ốc chảy máu là chuyện bình thường. Những người buôn bán quanh chợ thấy bà làm việc rất vất vả. Bởi thế, nên có khi ngoài tiền nước gánh lên, họ còn trả thêm 5-10 ngàn đồng sau mỗi buổi chợ. Vào những ngày mưa bão, thuyền không đi biển được thì cuộc sống của bà càng thêm khó khăn hơn. Hay như những tháng vừa qua, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến tàu bè không thể ra khơi, hàng quán đóng cửa nên bà không có việc làm.

Mỗi gánh nước chỉ được 1000đ, nhưng đó là nghề mưu sinh mấy chục năm qua của bà Học.

Ngoài bà Học, ở bãi biển Thọ Quang còn có 3 người đàn bà lớn tuổi khác cùng làm nghề gánh nước biển thuê như bà Nguyễn Thị Côi, bà Ngô Thị Óa.. Mỗi người một cảnh nhưng đều nghèo. Cái nghèo đến xót xa, tội nghiệp và họ vẫn vất vả mưu sinh ở cái tuổi gần đất xa trời. Giữa bao âm thanh góp nhặt nơi này, còn đó ánh mắt và nụ cười tan vào sóng biển. Biển mặn và đời người cũng thế, ai cũng cuốn vào cuộc mưu sinh.

Xin trời đừng cho mùa biển đói

Bình minh lên, từng xe cá trĩu nặng được lái buôn chở đi tiêu thụ khắp nơi, bến cá vốn dĩ ồn ào, tấp nập tan vào cảnh vắng lặng. Những người đi gánh thuê rảo bước bên bến cảng, tranh thủ nhặt nhạnh những con cá nhỏ còn rơi rớt lại, để thêm phần vào bữa ăn của mình. Cứ thế, quanh năm suốt tháng, từng bước chân lầm lũi của người đàn bà gánh nước thuê vẫn lặng lẽ đi về sớm hôm.

Biết bao làng biển trên dọc dài đất nước này chẳng ai có thể nhớ hết. Nhiều làng biển chỉ như một chấm tròn nhỏ bé, vậy mà mãi vẫn không hết những câu chuyện buồn của những người phụ nữ phận đời chịu bao đắng cay với giông tố khơi xa. Chồng bà, một ngư dân ở làng chài Thọ Quang này đã bỏ thân lại trong một lần đi biển gặp nạn. Đau đớn, xót xa, suy sụp, nước mắt chẳng còn để khóc. Người làng đã tìm mọi cách tìm chồng bà để mang về nhưng giống tố biển khơi đã giữ ông ở lại mãi mãi cùng những con sóng bạc đầu. Thỉnh thoảng, người làng lại chứng kiến cảnh người phụ nữ ấy chạy dọc bờ biển thảm thiết gọi tên người đàn ông của mình trong mùa bão nổi. Nhưng rồi, sau 3 tháng 10 ngày đau đớn tìm kiếm khắp các bờ biển, cuối cùng, bà đành chấp nhận lập mộ gió thờ chồng.

Cũng từ ngày ấy, bà bắt đầu cuộc đời góa bụa đầy cơ cực. Do sức khỏe kém nên công việc hằng ngày của bà chỉ là gánh nước biển thuê. Hơn 35 năm qua, bà gánh nước nuôi con. Một mình bà ở vậy nuôi con. Thỉnh thoảng trong những giấc mơ, bà lại thấy chồng về an ủi. Nỗi nhớ thương và niềm hy vọng về một phép màu vì thế chưa bao giờ tắt trong lòng người đàn bà đáng thương ấy.

Trong mênh mông gió biển buổi sớm mai, bà Học nghẹn ngào kể: “Ngày ổng mất khi đi biển. Để kiếm tiền nuôi con ăn học, tôi chọn nghề gánh nước này để mưu sinh mấy chục năm ni rồi. Công việc ni tuy nặng nhọc thật nhưng làm miết, vai chai hết nên giờ cũng quen rồi! Quãng đường gánh nước từ biển lên đến chợ chừng hơn 20m. Trung bình mỗi ngày mỗi người chúng tôi gánh được khoảng 50 đến 60 gánh, nếu hết người thuê gánh nước thì chúng tôi lại tranh thủ đi nhặt hải sản giúp các tiểu thương để kiếm thêm được vài ngàn nữa…”, mắt bà ầng ậng nước, giọng bà nghẹn lại mà thăm thẳm nỗi niềm. Gió như cũng muốn miên man để xoa dịu nỗi đau đã nhiều năm kia, và sóng, như cũng nhẹ tiếng rì rào để làm tan đi những bão tố cuộc đời bà.

Ở cái tuổi 75, chẳng biết bà Học còn gánh nước tới khi nào nữa.

Trải qua hai mươi năm mưu sinh nhọc nhằn nhờ đôi gánh nước, bà Học đã làm việc quên thời gian, quên đi những cơn đau chỉ để kiếm tiền nuôi sống bản thân. Bà sống gắn với biển Thọ Quang. Bà đã quen thức khuya dậy sớm, hầu như ngày nào cũng đến chợ cá, trừ mùa mưa bão khi không có tàu cá về. Nương vào cuộc đời bằng đôi quang gánh, nhịp sống của người phụ nữ làng biển Đà Nẵng này đôi khi cứ nhẹ hều trong một câu nói, một ánh mắt, một dáng đi. Nhưng hạnh phúc của họ lại không thể để trôi như cát trên tay mà phải chắt chiu, gìn giữ.

Bà Học ngưng lại lời kể giữa chơi vơi sóng nước, rồi như bừng thức vì nghe nhắc tới đứa con gái, và mấy đứa cháu. Bà Học chỉ có 1 đứa con gái, con bà lấy chồng ở tận trong Nam nên thi thoảng mới về. Ngày ngày, sau những gánh gồng trên bờ cát, bà lại trở về chỉ để mong gọi điện thoại cho con, cho cháu. Thấy hoàn cảnh neo đơn của bà, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ bà được một suất thuê chung cư xã hội. Đó là nơi bà nương thân sau những giờ gánh nước biển thuê.

Mấy chục năm rồi người phụ nữ miền biển này vẫn thủy chung với gánh nước trên vai, gánh bao mùa xuân trôi qua bình lặng. Bà bảo, mỗi ngày bà gánh không dưới 100 gánh nước. Tôi chỉ nhẩm tính nếu 35 năm qua, có lẽ bà đã gánh hơn 1,2 triệu gánh nước! một con số nếu tính ra thì quả thực là khủng khiếp. Gánh nước biển để kiếm sống và gắn bó với biển như giữ cho bờ được bình yên. Sau những giờ làm lụng vất vả, bà lại trở về với ngôi nhà nhỏ dọn dẹp. Cứ thế những người phụ nữ này chắt chiu từng đồng để sống qua ngày. Tiếng bà hòa vào vị ngọt của biển ban mai, của cát trắng và những tháng ngày bình lặng. Áp vào những mạn thuyền vừa cập bến sau những ngày đạp sóng mưu sinh.

Bà Học thủ thỉ, bà chỉ lo khi nghĩ tới những ngày biển đói, thuyền không ra biển được thì cuộc sống của hàng trăm ngư dân ở làng biển Thọ Quang này cũng khốn khó, kéo theo đó là sự vất vả của những lái buôn không có hàng để bán, và cả những người gánh nước thuê như bà với nỗi lo về cơm, áo, gạo, tiền luôn thường trực. Bà chỉ cầu mong biển lặng sóng yên, cho tàu thuyền cập bến đầy ắp cá, tôm, để những phiên chợ đầy thanh âm của tiếng nói cười và bước chân in hằn lên cát. Đó là âm thanh và sắc màu của cuộc sống. Để ngày lại ngày, khi bình minh lên, cuộc sống của bà vẫn đắp bồi theo đôi quang gánh cuộc đời.

Mặt trời đã lên, chưa dứt câu chuyện với tôi, có người phụ nữ gọi to: “Cho gánh nước bà ơ…”. Không kịp chào chúng tôi, bà Học liền túm lấy đôi quang gánh và đôi thùng chạy về phía biển. Đằng sau tấm lưng đang còng xuống theo từng gánh nước đẫm mồ hôi sáng sớm ấy, tôi đọc được mùi vị của cuộc sống, của giá trị hạnh phúc, của nỗi buồn, của niềm hy vọng – đầy tha thiết. Tôi nghe thoang thoảng trong gió biển có lời cảm thán của ai đó, rằng: “Chẳng biết bà còn đong nước tới khi mô…!”.

TIÊU DAO – NGUYỄN QUANG

Các tin khác

TP.HCM: Trao danh hiệu Doanh nghiệp Xanh năm 2024
TP.HCM: Trao danh hiệu Doanh nghiệp Xanh năm 2024

MTXD - Ngày 29/8/2024, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng, tổ chức Lễ trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP.HCM năm 2024”. Đây là hoạt động hướng đến Diễn đàn kinh tế thành phố lần thứ 5 diễn ra từ 24/9/2024 đến 27/9/2024.

Dùng phế phẩm sản xuất dung dịch tẩy rửa hữu cơ thân thiện môi trường
Dùng phế phẩm sản xuất dung dịch tẩy rửa hữu cơ thân thiện môi trường

MTXD - Nhóm bạn trẻ đã sử dụng các loại nguyên liệu từ rác hữu cơ như các loại rau xanh, vỏ trái cây và mật mía làm nguyên liệu tạo dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng an toàn cho người sử dụng và góp phần bảo vệ môi trường.

Hoàng Mai- Hà Nội: Cần quyết liệt xử lý các trạm trộn bê tông, nhà xưởng xây dựng trái phép
Hoàng Mai- Hà Nội: Cần quyết liệt xử lý các trạm trộn bê tông, nhà xưởng xây dựng trái phép

Hiện nay, tại khu vực ven sông Hồng thuộc địa bàn phường Trần Phú và phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Tp.Hà Nội hàng loạt trạm trộn bê tông, nhà xưởng hoạt động rầm rộ nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, vi phạm pháp luật về đê điều, đất đai và không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường,

Long Châu ra mắt dịch vụ vaccine ‘Mua trọn gói - trả từng phần’
Long Châu ra mắt dịch vụ vaccine ‘Mua trọn gói - trả từng phần’

MTXD - Với mong muốn góp phần giúp đỡ các gia đình có con nhỏ giảm nhẹ gánh nặng chi phí tiêm chủng, đồng thời nâng cao tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ và đúng hạn cho người dân tại Việt Nam, Tiêm chủng Long Châu cho ra mắt dịch vụ “Mua trọn gói - Trả từng phần” với nhiều ưu đãi hấp dẫn.

Tổng Công ty Điện lực miền Trung bị đề nghị xử lý vi phạm về đất đai
Tổng Công ty Điện lực miền Trung bị đề nghị xử lý vi phạm về đất đai

Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum mới ban hành Kết luận thanh tra về việc, giao đất cho Công ty Điện lực 3 Đà Nẵng ( Nay là Tổng Công ty Điện lực miền Trung) theo Quyết định số 552/QĐ-UBND ngày 26/51994 của UBND tỉnh.