Người nhặt rác ở đáy biển Đà Nẵng
MTXD - Hơn 10 năm, người đàn ông ấy giữ cho mình một tình yêu với biển đảo Đà Nẵng và thể hiện tình yêu ấy theo cách riêng của mình. Anh là “người nhặt rác ở đáy biển”.
Người nhặt rác đáy biển
Biển nhìn bên ngoài trong xanh nhưng bề mặt phía dưới có nhiều rác trôi lơ lửng. Rác nặng thì chìm, rác nhẹ theo sóng, gió tấp vào trong bờ. Nỗi buồn của biển đầy rác khiến anh Đào Đặng Công Trung (43 tuổi), giám đốc một công ty du lịch, và cũng là một người dân yêu biển đảo Đà Nẵng đau đáu bao năm qua. Biển Đà Nẵng, nơi được quốc tế công nhận là có những bãi biển đẹp và sạch. Thế nhưng tình trạng bỏ rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa và các loại vỏ chai, vỏ lon ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của những sinh vật biển, cũng như cảnh quan của biển.
Anh Đào Đặng Công Trung trong những lần lặn biển nhặt rác dưới đáy biển.
Yêu biển, và nỗi ám ảnh rác thải trong lòng đại dương đã đưa người đàn ông ấy đến với một công việc đặc biệt: Đi nhặt rác ở đáy biển. Anh Trung cùng những người bạn của mình thuộc vùng biển này như trong lòng bàn tay, nơi có những rạn san hô sống, những luồng di chuyển của cá. Vì yêu, nên hơn ai hết họ không thể chịu đựng được hình ảnh rác thải bủa vây san hô, rùa biển và nhiều sinh vật biển khác. Thế nên hơn 10 năm qua, anh cũng không khỏi chạnh lòng trước ý thức kém của những người xả rác.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Trung tâm sự: “Biển của mình sạch đẹp là thế, cá tôm nhiều là thế mà sao nhiều người vô ý thức cứ bỏ rác xuống biển. Rất nhiều lần khi mình đi và thấy, mình cũng chạnh lòng sao con người lại thiếu ý thức như vậy. Nhưng thôi thì cứ làm, cứ vui đi, lan tỏa đi rồi sau đó sẽ có nhiều người hưởng ứng!”.
Mỗi ngày, sau những công việc bận rộn mưu sinh lo cho gia đình, anh Trung lại giành ra 2 tiếng đồng hồ để làm sạch môi trường. Hết nhặt rác trên rừng, những điểm đến quen thuộc như Bãi Rạng, Bãi Đá, Ghềnh Bàng, Nam Ô, dưới chân đèo Hải Vân, Hòn Chải…, anh lại lặn xuống biển nhặt nhạnh những chai lọ, những rác thải chìm dưới đáy biển mang lên bờ. Mỗi lần lặn xuống biển nhặt rác, anh Trung gom được hàng chục kg rác. Còn trên rừng, anh bảo không thể thống kê hết được, bởi ý thức nhiều người quá kém.
Không chỉ làm sạch đáy biển, anh Trung cùng những người bạn còn nhặt rác trên các bãi biển Đà Nẵng.
Anh Trung cho biết: "Mỗi lần ra biển, mình rất trăn trở. Biển ở đây rất đẹp, tuy nhiên mỗi lần bắt gặp rác dưới đáy biển là tôi nghĩ mình cần phải có hành động gì đó để bảo vệ môi trường biển và đáy biển. Mình suy nghĩ nếu không thay đổi thì thế hệ sau phải ăn hải sản nhiễm độc từ những thứ do chính chúng ta vứt xuống biển hôm nay. Mình ám ảnh nhất là những cái chai, lọ len lỏi vào những rạn san hô mềm và nằm đó, và cả một vạt san hô mềm bị chết bởi rác đè lên. San hô mỗi năm chỉ phát triển được 1cm thôi, nếu cứ vứt rác như thế này, chẳng bao lâu nữa rạn san hô ở những bãi biển Đà Nẵng sẽ không còn".
Những hiểm nguy ít người biết
Hơn 10 năm làm công việc không giống ai này, anh Trung cũng đã trải qua nhiều lần gặp nguy hiểm. Nhưng vì niềm yêu thích với biển cả, anh vẫn chấp nhận và càng ngày càng có nhiều kinh nghiệm hơn. Anh Trung tâm sự, so với việc lặn xuống độ sâu từ 3-12 mét dưới đáy biển khá nguy hiểm và đòi hỏi kỹ năng bơi lặn cũng như khả năng điều áp, thì việc nhặt rác dưới biển mỗi ngày 2 tiếng cũng cần nhiều kỹ thuật, cũng như sức khỏe đảm bảo.
Anh Trung cho biết lấy rác dưới nước đòi hỏi nhiều kỹ năng chứ không chỉ bơi lặn giỏi, đặc biệt phải biết thích nghi với việc thay đổi áp suất. Với người lặn giỏi, quen việc thì trung bình mỗi hơi thở sẽ lặn được chừng 1,5 phút. Trong khoảng thời gian đó, người lặn sẽ khoanh vùng vị trí họ tiếp cận và lượng rác cần xử lý. Tùy theo độ sâu mà người lặn có thể lặn một hơi, tầm 5 - 7 m nước chỉ cố để nhặt 2 - 3 vỏ chai, vỏ hộp. Nếu gặp nơi nhiều rác quá mà cứ gắng nhặt từng cái và không lường được con nước để trồi lên, thì rất nguy hiểm. Ngoài hơi thở, người lặn còn phải đặc biệt lưu ý di chuyển của chân vịt, bởi nếu vướng lưới khi gần hết hơi thì rủi ro khôn lường.
Khác với trên bờ, rác dưới đáy biển không chịu đứng yên. Chúng cứ trườn theo con nước. Người lặn buộc phải có sức khỏe tốt, kỹ năng thuần thục, hơi lặn dài, chịu được áp lực nước. Ngược lại sẽ bị tổn thương não, có thể gây ngất hoặc ngưng thở.
Việc quan trọng nhất là phải hiểu rõ khu vực cần lặn để nhặt rác như lòng bàn tay, từ vị trí các vỉa đá nhô ra biển cho đến các rạn san hô sống, những luồng nước, luồng cá... Đặc biệt, dù giỏi bơi lặn đến đâu và có phương tiện hỗ trợ cũng không chủ quan khi lặn, bởi việc ưu tiên hàng đầu vẫn là an toàn cho mình trước khi làm được việc gì đó, anh Trung nhắc nhở.
“Có lần tôi mải đuổi theo những chiếc vỏ hộp, cứ cố tận dụng thời gian để lấy cho được từng cái vì mỗi lần xuống và lên đều khó. Ham rướn mình theo rác, đôi khi tự mình đẩy mình vào những tình huống khó. Có khi lên còn cách mặt nước chưa được một mét thì đã đuối hơi”, anh Trung kể lại một lần lặn nhớ đời của mình. Đây cũng là lời cảnh báo về nguy cơ “ham rác”, “say rác” mà những người mới lặn, mới tham gia dễ vướng phải.
Anh Đào Đặng Công Trung và nỗi trăn trở về những vùng biển sạch rác.(ảnh nhân vật cung cấp)
Việc làm của anh Trung không chỉ giúp những bãi biển Đà Nẵng sạch đẹp hơn mà còn giúp lan tỏa tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường đến những du khách đi cùng anh và mọi người xung quanh. Đây là công việc có ý nghĩa, hạn chế ô nhiễm môi trường và tuyên truyền đến người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sẽ giúp các loài thủy sinh phát triển tốt.
Những chuyến lặn biển nhặt rác của nhóm anh Trung luôn có những túi nhỏ thu gom rác thải. Những chuyến vớt rác dưới đáy biển của anh Trung và những người bạn cứ thế thầm lặng. Sức người thì ít, rác thải ngày càng nhiều, công sức của anh và những người bạn cứ như muối bỏ biển. Nhưng anh vẫn làm, các bạn anh vẫn làm, đơn giản chỉ vì đáy biển đang cần những người như anh.
Anh Trung trăn trở, anh và mọi người rất tích cực dọn dẹp rác ven biển và lặn vớt rác đáy biển. Tuy nhiên, muốn giảm lượng rác thải ở biển và đáy biển thì phải tuyên truyền, thay đổi nhận thức người dân và du khách. Chính quyền cần hỗ trợ đặt thêm thùng chứa rác ở các điểm tham quan, bãi tắm, thu gom và xử lý rác nhanh chóng để tránh ùn ứ rác, ảnh hưởng đến mỹ quan du lịch của các bãi biển ở Đà Nẵng.
TIÊU DAO – TRƯƠNG HUẤN
Các tin khác
TP.HCM: Trao danh hiệu Doanh nghiệp Xanh năm 2024
MTXD - Ngày 29/8/2024, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng, tổ chức Lễ trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP.HCM năm 2024”. Đây là hoạt động hướng đến Diễn đàn kinh tế thành phố lần thứ 5 diễn ra từ 24/9/2024 đến 27/9/2024.
Dùng phế phẩm sản xuất dung dịch tẩy rửa hữu cơ thân thiện môi trường
MTXD - Nhóm bạn trẻ đã sử dụng các loại nguyên liệu từ rác hữu cơ như các loại rau xanh, vỏ trái cây và mật mía làm nguyên liệu tạo dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng an toàn cho người sử dụng và góp phần bảo vệ môi trường.
Hoàng Mai- Hà Nội: Cần quyết liệt xử lý các trạm trộn bê tông, nhà xưởng xây dựng trái phép
Hiện nay, tại khu vực ven sông Hồng thuộc địa bàn phường Trần Phú và phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Tp.Hà Nội hàng loạt trạm trộn bê tông, nhà xưởng hoạt động rầm rộ nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, vi phạm pháp luật về đê điều, đất đai và không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường,
Long Châu ra mắt dịch vụ vaccine ‘Mua trọn gói - trả từng phần’
MTXD - Với mong muốn góp phần giúp đỡ các gia đình có con nhỏ giảm nhẹ gánh nặng chi phí tiêm chủng, đồng thời nâng cao tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ và đúng hạn cho người dân tại Việt Nam, Tiêm chủng Long Châu cho ra mắt dịch vụ “Mua trọn gói - Trả từng phần” với nhiều ưu đãi hấp dẫn.
Tổng Công ty Điện lực miền Trung bị đề nghị xử lý vi phạm về đất đai
Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum mới ban hành Kết luận thanh tra về việc, giao đất cho Công ty Điện lực 3 Đà Nẵng ( Nay là Tổng Công ty Điện lực miền Trung) theo Quyết định số 552/QĐ-UBND ngày 26/51994 của UBND tỉnh.