Nhận diện sự giao thoa văn hóa, kiến trúc Pháp - Việt, trường hợp các công trình thuộc địa tại Huế
MTXD - Thông qua việc nghiên cứu và khảo sát hiện trạng kiến trúc thuộc địa Pháp tại Huế, bài viết sẽ tiến hành nhận dạng sự giao thoa kiến trúc giữa hai nền văn hóa khác biệt này, tìm hiểu những nguyên nhân và động cơ xúc tác cho kiểu kiến trúc kết hợp này được xây dựng.
Tóm tắt: Thành phố Huế, một đô thị di sản đặc sắc cấp quốc gia của Việt Nam. Đặc biệt có kinh thành Huế từng là kinh đô của Việt Nam dưới triều nhà Nguyễn (1802-1945), được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993. Trong thời kỳ Pháp thuộc (1875-1945), Huế là thủ phủ của xứ Trung Kỳ (Annam). Người Pháp đã cho xây dựng tại nơi đây một lượng lớn các công trình kiến trúc với nhiều phong cách khác nhau, trong đó đặc biệt chú ý những công trình được thiết kế với phong cách kết hợp Pháp-Việt. Thông qua việc nghiên cứu và khảo sát hiện trạng kiến trúc thuộc địa Pháp tại Huế, bài viết sẽ tiến hành nhận dạng sự giao thoa kiến trúc giữa hai nền văn hóa khác biệt này, tìm hiểu những nguyên nhân và động cơ xúc tác cho kiểu kiến trúc kết hợp này được xây dựng.
Từ khóa: Kiến trúc thuộc địa; đô thị Huế; giao thoa kiến trúc; phong cách kết hợp; Trung Kỳ; Annam.
1.Đặt vấn đề
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay (2022) tại thành phố Huế còn khoảng hơn 50 công trình kiến trúc thuộc địa1 . Sở dĩ không có con số chính xác về số lượng các công trình là vì ở Huế không có cơ quan chức năng đứng ra chịu trách nhiệm lưu giữ hồ sơ về chúng (hoặc không công bố), một lý do nữa là các hồ sơ bản vẽ kiến trúc gốc của những công trình này có thể đã không còn tồn tại sau cuộc đảo chính của người Nhật đối với người Pháp vào năm 1945 (bị đốt hoặc được đem về nước Nhật). Với lý do khách quan đó nên trong bài viết chúng tôi sử dụng các cách tiếp cận như sau: Về phương pháp nghiên cứu sử dụng chính là khảo sát và vẽ ghi hiện trạng các công trình tại thực địa, đối tượng và phạm vị nghiên cứu của chúng tôi là những công trình kiến trúc thuộc địa mang phong cách kết hợp được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 18742 đến 1945 tại thành phố Huế. Mục tiêu của bài viết là nhận diện được sự giao thoa văn hóa và kiến trúc Việt - Pháp thông qua những công trình thuộc địa, nhận định những nguyên nhân chính dẫn đến sự xuất hiện thể loại công trình xây dựng đặc sắc này.
2.Khảo sát hiện trạng những công trình phong cách kết hợp
Căn cứ vào lịch sử hình thành và phát triển của quá trình thuộc địa Pháp ở Huế, quá trình khảo sát của chúng tôi tập trung ở 2 khu vực chính, bám dọc theo 2 bờ sông Hương: Khu vực Bắc sông Hương (đoạn từ chùa Linh Mụ kéo dài đến cuối đường Chi Lăng) và khu vực Nam sông Hương, còn gọi là khu phố Tây (đoạn từ Nhà Máy xi măng Long Thọ đến cầu Đập Đá); Ngoài ra nhóm nghiên cứu còn tìm kiếm và khảo sát một số công trình nằm rải rác và cách xa khu vực trung tâm (ví dụ: Nhà Máy nước Vạn Niên).
Sau khi quan sát hình ảnh của 50 công trình kiến trúc thuộc địa tại Huế chúng tôi tiến hành đối chiếu với các đặc điểm đặc trưng của các phong cách kiến trúc phương Tây, kết quả cho thấy có 12 công trình theo phong cách Tân Cổ Điển (tỷ lệ 24%); 23 công trình theo phong cách kết hợp Đông Tây (46%); 11 công trình theo phong cách Địa Phương Pháp (22%); 3 công trình theo phong cách ArtDéco (6%) và 1 công trình theo phong cách kiến trúc Triều Nguyễn (2%).
Trong quá trình khảo sát công trình kiến trúc thuộc địa Pháp tại Huế trong phạm vi nghiên cứu, chúng tôi đã phân loại, tổng hợp được 12 công trình xây dựng theo lối kiến trúc kết hợp Á-Âu. Cụm từ “phong cách kết hợp Á-Âu” mà chúng muốn nói đến ở đây là những công trình kiến trúc mà trước hết quan sát bằng mắt thường có thể thấy được cùng tồn tại kết hợp những chi tiết, họa tiết trang trí của kiến trúc Á Đông với Kiến trúc Cổ Điển Phương Tây.
Thông thường công trình này có đặc điểm về kết cấu, mặt bằng theo phong cách phương Tây nhưng về hình khối bên ngoài hay những chi tiết, hoa văn trang trí ở mặt đứng, mái, diềm mái, cửa, công-xôn theo kiểu truyền thống Việt Nam hoặc chịu ảnh hưởng của kiến trúc Hoàng cung.
Bảng 1: Thống kê các công trình kiến trúc thuộc địa được thiết kế theo phong cách kết hợp:
3. Nhận diện sự giao thoa kiến trúc Pháp -Việt qua các công trình phong cách kết hợp
3.1. Bố cục mặt bằng chi tiết công trình
Dựa vào những hình ảnh mặt bằng trên, có thể nhận diện như sau
Mặt bằng chia thành 4 xu hướng với các đặc trưng riêng:
Dạng thứ nhất (công trình số 8, số 7, số 6): Mặt bằng có dạng chữ nhật, nhà 1 tầng đối xứng. Sảnh chính vào không gian trang trọng nhất căn nhà, kế 2 bên là các không gian phụ. Riêng công trình số 6 mặt bằng hoàn toàn theo lối kiến trúc nhà ở truyền thống Huế (nhà rường) với khu vực khách, Đông phòng, Tây phòng, liêu;
Dạng thứ hai (công trình số 5, số 1, số 9, số 4, số 12): Mặt bằng có dạng chữ nhật, công trình từ 2 đến 3 tầng, đối xứng. Chỉ có một vài khác biệt nhỏ như là công trình có vệ sinh trong công trình như công trình 1, công trình 12; cầu thang chuyển tầng không được đặt đối xứng. Sảnh đón là điểm nhấn công trình, được bố trí nhô ra (công trình số 1, số 4); Dựa vào những hình ảnh mặt bằng trên, có thể nhận diện như sau Mặt bằng chia thành 4 xu hướng với các đặc trưng riêng: Dạng thứ nhất (công trình số 8, số 7, số 6): Mặt bằng có dạng chữ nhật, nhà 1 tầng đối xứng. Sảnh chính vào không gian trang trọng nhất căn nhà, kế 2 bên là các không gian phụ. Riêng công trình số 6 mặt bằng hoàn toàn theo lối kiến trúc nhà ở truyền thống Huế (nhà rường) với khu vực khách, Đông phòng, Tây phòng, liêu; Dạng thứ hai (công trình số 5, số 1, số 9, số 4, số 12): Mặt bằng có dạng chữ nhật, công trình từ 2 đến 3 tầng, đối xứng. Chỉ có một vài khác biệt nhỏ như là công trình có vệ sinh trong công trình như công trình 1, công trình 12; cầu thang chuyển tầng không được đặt đối xứng. Sảnh đón là điểm nhấn công trình, được bố trí nhô ra (công trình số 1, số 4);
Dạng thứ 3 (công trình số 3, số 11):Nhà 1 tầng mặt bằng dàn đều ra 2 bên, có hành lang;
Dạng thứ 4 (công trình số 2, số 10): Mặt bằng không đối xứng, không gian linh hoạt thoát khỏi sự ràng buộc về tỷ lệ, tạo sự mềm mại uyển chuyển không cứng nhắc rập khuôn như 3 dạng trên. Theo nhận xét chung, mặt bằng công trình có dạng hình chữ nhật, phần lớn công trình dạng đối xứng, có hành lang bao quanh. Riêng đối với công trình dạng thứ 4, có thể những công trình này được xây dựng vào cuối thời kỳ Pháp thuộc, khi con người có cái nhìn hiện đại hơn và tiếp thu những yếu tố mới cũng như kinh nghiệm của những công trình trước đây.
3.2. Bố cục mặt đứng công trình
Dựa vào những hình ảnh mặt đứng trên, công trình có sự tương đồng, ảnh hưởng của kiến trúc địa phương Huế như sau:
Mặt đứng công trình dạng đối xứng, dạng nhà 3 gian (công trình số 8), 5 gian (công trình số 6). Và có sự sai lệch về kích thước và tỷ lệ giữa một công trình Tây và nhà Việt; Yếu tố phương Tây thay đổi tuân theo bố cục gian - chái và trải rộng theo chiều ngang; Mái có độ dốc lớn, đổ về 2 hoặc 4 phía. Mái lợp ngói nhiều lớp, chủ yếu là các loại ngói truyền thống của một ngôi nhà rường như ngói liệt, ngói vảy cá, một số công trình có điểm nhấn là ngói lưu ly theo hình thức cung đình Huế;
Hệ mái của các ngôi nhà thuộc địa vẫn mô phỏng theo hệ mái của căn nhà ở truyền thống Huế, điểm khác biệt ở đây là công trình thuộc địa có mặt đứng 2 tầng trong khi đó một ngôi nhà truyền thống chỉ 1 tầng; Riêng đối với công trình số 2, công trình số 10 không đối xứng nhưng vẫn mang những nét kết trúc của nhà truyền thống Huế dựa vào hệ mái và các chi tiết họa tiết (phần này chúng tôi sẽ chi tiết hơn ở mục về chi tiết, họa tiết trang trí sau).
3.3. Vật liệu và kỹ thuật xây dựng
Vật liệu xây dựng địa phương sử dụng ở công trình kiến trúc truyền thống địa phương và kiến trúc Hoàng gia triều Nguyễn được sử dụng lại ở những căn nhà thuộc địa (gỗ, ngói và khảm sành sứ). Người Pháp cũng thừa nhận và sử dụng những người thợ xây dựng thủ công địa phương vì theo họ: “những người thợ thủ công này có thể đem lại những sự giúp đỡ rất lớn bằng cách trang trí cho những tòa nhà mới, với những hoa văn truyền thống mà họ thực hiện rất khéo léo; các họa tiết trang trí sẽ luôn luôn hài hòa rất tốt với tri thức của một đất nước. 3
Điểm khác biệt lớn nhất ở đây chính là một số vật liệu và kỹ thuật xây dựng hiện đại thời Pháp lúc bấy giờ được đưa vào sử dụng. Công trình có kết cấu phổ biến là thép chữ I chèn gạch rỗng, càng về sau, sàn bê tông cốt thép được đưa vào sử dụng để tạo ra những công trình có không gian, khẩu độ lớn. Vật liệu mới được sử dụng gồm xi măng, kính, gạch bông, sắt.
3.4. Các họa tiết trang trí
Dựa vào những hình ảnh họa tiết trang trí trên, công trình có sự tương đồng, ảnh hưởng của kiến trúc địa phương Huế như sau: Mái lợp ngói 2 lớp, ngói liệt (các công trình số 3, số 6, số 8, số 9, số 12), ngói vảy cá (công trình số 2, số 10), ngói lưu ly (công trình số 2); Công-xôn dạng đầu đao cách điệu (công trình số 2, số 5, số 11); Cột vuông, tròn theo lối cột truyền thống (các công trình số 3, số 6, số 9); Cửa sổ 2 lớp, lớp trong cửa kính, ngoài cửa lá sách (các công trình số 1, số 4, số 8, số 9, số 10, số 11, số 12). Một số công trình có cửa đi dạng cửa liệt bản (công trình số 3, số 6, số 9). Kết hợp cửa có khung sắt uốn cong hình chữ C làm thành một lưới hoa văn duyên dáng (kiến trúc Pháp) (công trình hình số 8, số 9). Các dạng cửa được sử dụng như cửa song chữ thọ (công trình số 2, số 12), chữ công (công trình số 5); Diềm mái dạng diềm lá đề (công trình số 3, số 11), diềm răng ngựa (công trình số 10), diềm cánh sen (công trình số 6, số 8, số 9); Đầu cột theo thức cột cổ điển Pháp, hoa văn trang trí cách điệu;
Phào chỉ được sử dụng tạo sự mềm mại cho công trình (kiến trúc Pháp); Các hoa văn trang trí đắp nổi kết hợp hài hòa, sinh động giữa phong cách cung đình Huế với các họa tiết hội họa và nghệ thuật khảm nổi sành sứ, thủy tinh về chủ đề hoa lá như mai, liên, cúc, trúc; và chủ đề con vật như lân, rồng, phượng và các chi tiết khác bác bửu, mây trời (công trình số 1, số 6),... kết hợp với họa tiết phương Tây như lá phong, chùm nho, đàn, đồng hồ,... (công trình số 4, số 7, số 9); Trang trí mái được sử dụng với các chi tiết của kiến trúc truyền thống như guột mây (công trình số 1, số 2), bẹ, mỏ cu,... tạo sự mềm mại cho mái công trình. Đối với công trình số12, hệ mái được trang trí bằng hàng hoa bách hợp với vật liệu sắt. Đây là chi tiết trang trí ưa chuộng trong kiến trúc Pháp lúc bấy giờ.
4.Những yếu tố xúc tác trong việc tạo ra những công trình kiến trúc kết hợp
Đường lối chính trị của Toàn quyền Đông Dương:
Đến những năm 1920, kiến trúc thuộc địa đã được làm rõ nét bởi những thử nghiệm khác nhau, tuy nhiên không có được đường lối quy chuẩn từ phía Toàn quyền và chưa thực sự có được một người lãnh đạo cho những cơ quan xây dựng công cộng trong những thời kỳ này, cũng như là không có sự phối hợp cùng nhau giữa những quốc gia của cộng đồng Âu Châu4 . Tuy nhiên với chính sách kết hợp được điều hành bởi Albert Saraut trong suốt hai nhiệm kỳ làm tổng toàn quyền Đông Dương (1911-1914 và 1914-1919), kiến trúc được biết đến với một vai trò mới trong thuộc địa. Đường lối chính trị theo chủ trương kết hợp của toàn quyền Alber Sarraut dành cho xứ Đông Dương thuộc địa là lý do quan trọng nhất dẫn đến Triều đình Huế (Bảo Đại) cũng phải cho xây dựng các công trình kết hợp.
Trào lưu sính ngoại của giới chức triều đình nhà Nguyễn:
Giai đoạn cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, văn hóa và văn minh phương Tây bắt đầu xâm nhập và ngày càng có nhiều ảnh hưởng đối với văn hóa bản địa, thể hiện trên nhiều mặt của đời sống chính - trị xã hội, phong tục tập quán và khoa học - kỹ thuật. Các lễ nghi phương Tây bắt đầu được du nhập và phổ biến. Ở kinh đô Huế bắt đầu có trường đua ngựa, có cầu sắt bắc qua sông Hương, các Tiến sĩ được đi xe hơi dạo phố thay vì cưỡi ngựa như trước đây, vua học tiếng Pháp và lái xe hơi, các buổi biểu diễn nghệ thuật có thêm tuồng kịch phương Tây với các đạo cụ phục trang của người Pháp. Các buổi yến tiệc của triều đình khi đón tiếp khách phương Tây có nhảy đầm và uống rượu Tây.
Trị vì đất nước trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu tiếp xúc và hội nhập với văn hóa và văn minh phương Tây, Hoàng đế Khải Định trong những năm 1916 - 1925, với bản tính yêu nghệ thuật và chuộng sự mới lạ đã nhanh chóng tiếp nhận để từ đó làm người khởi xướng và chủ trì công cuộc cải tạo, kiến thiết các công trình mang phong cách Tân Cổ Điển nổi tiếng Huế như Cung An Định, điện Kiến Trung, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức và lăng mộ của chính mình (Ứng Lăng) v.v... Bên cạnh đó ông còn sáng tạo ra mẫu thiết kế trang phục độc đáo cho chính mình, kết hợp giữa kiểu quân phục phương Tây và triều phục của phương Đông.
Ảnh hưởng của môi trường tự nhiên và điều kiện khí hậu địa phương:
Pháp là một nước khí hậu lục địa, mùa hè mát nhưng mùa đông rất khắc nghiệt, trong khi đó Huế thuộc địa phương với vùng đồng bằng và khí hậu nhiệt đới gió mùa. Bản thân người Pháp trong thời gian đầu xây dựng những công trình kiến trúc theo lối Cổ Điển nguyên mẫu nên không thích hợp cho các quan chức Pháp khi làm việc, về thời gian sau này họ ý thức được điều đó và sử dụng lại những kinh nghiệm thông gió - chiếu sáng tự nhiên trong các căn nhà ở truyền thống của người dân địa phương để tích hợp vào trong các công trình thuộc địa giai đoạn sau.
5.Kết luận
Thông qua khảo sát khoảng 50 công trình kiến trúc thuộc địa Pháp tại Huế, chúng tôi đã phân loại được 12 công trình xây dựng theo lối kiến trúc Đông-Tây. Phần lớn những công trình này đều là những Cung, Biệt thự của các Quan chức người Việt làm trong bộ máy chính quyền thực dân (hoặc những quan lớn trong triều đình nhà Nguyễn). Như Paul Doumer đã nói “Phủ Khâm sứ, một doanh trại và một khách sạn nhỏ nằm bên hữu ngạn sông Hương, thành phố và Hoàng Thành trải dài bên tả ngạn, giữa chúng là nhánh sông dài 400m, thế cũng đủ để không va chạm nhau hàng ngày … sự ngăn cách này nói lên thực tế chế độ bảo hộ ở An Nam”5 , thông qua vấn đề này cho thấy được những phản ứng khá nhạy cảm của các quan chức người Việt trong vấn đề giữ gìn và phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống Triều Nguyễn, tuy nhiên họ cũng phải chấp nhận một điều là các gu thẩm mỹ này của họ bắt buộc cùng phải tồn tại trên một hương vị Tây Phương thời thượng lúc bấy giờ.
Một số lượng lớn các công trình kiến trúc thuộc địa ra đời theo phong cách kết hợp là hệ quả tất yếu của quá trình giao thoa văn hóa giữa Pháp và Việt Nam (kiến trúc cung đình Triều Nguyễn). Những công trình này chính là thành quả của sự kết tinh, chắt lọc thông qua các yếu tố: Chính trị, văn hóa, lối sống, điều kiện tự nhiên v.v...
Đã có một sự chuyển biến lớn, tích cực trong lối sống và sinh hoạt hằng ngày của người dân địa phương khi họ tiếp nhận luồng văn hóa và văn minh phương Tây thông qua quá trình chinh phục thuộc địa của người Pháp. Ngược lại nền kiến trúc truyền thống lâu đời của Triều Nguyễn cũng đã tác động rất lớn đến những suy nghĩ, thiết kế của người Pháp, buộc họ phải thay đổi để thích nghi.
KTS Nguyễn Thị Hiền, TS Lê Minh Sơn
Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng
Tài liệu tham khảo
[1]. Để tăng tính khách quan trong việc khảo sát của chúng tôi, có thể xem thêm nghiên cứu của nhóm tác giả: Nguyễn Ngọc Tùng, Nguyễn Vũ Trọng Thi, Tôn Thất Hiếu Khoa, Trần Thị Thùy Hương, “Kiến trúc Pháp thuộc tại thành phố Huế”, TCKH Đại học Huế, Vol. 130 No. 6E (2021).
[2]. Ernest Hébrard, “L’architecture locale et les questions esthétiques en Indochine”, Jean Royer (dir.) L’urbanisme dans les colonies et les pays tropicaux, 1933, tome 2, tr. 33.
[3]. Gwendolyn Wright, “Indochina: the folly of grandeur”, The politics of design in French colonial urbanism, Chicago, University of Chicago Press, 1991, tr 161-233
[4]. Avenir du Tonkin, số 5214, ngày 7/8/1912. [5]. Paul Doumer, “xứ Đông Dương”, NXB Thế Giới, tr.282.
___________________________
1 Xem thêm khảo sát của nhóm tác giả: Nguyễn Ngọc Tùng, Nguyễn Vũ Trọng Thi, Tôn Thất Hiếu Khoa, Trần Thị Thùy Hương, “Kiến trúc Pháp thuộc tại thành phố Huế”, TCKH Đại học Huế, Vol. 130 No. 6E (2021)
2 Vào năm 1874 là mốc thời gian mà tòa công sứ đầu tiên được xây dựng tại Huế để phục vụ cho chính quyền thực dân.
3 Ernest Hébrard, « L’architecture locale et les questions esthétiques en Indochine », Jean Royer (dir.) L’urbanisme dans les colonies et les pays tropicaux, 1933, tome 2, p. 33.
4 Gwendolyn Wright, « Indochina: the folly of grandeur », The politics of design in French colonial urbanism, Chicago, University of Chicago Press, 1991, tr 161-233
5 Paul Doumer, “xứ Đông Dương”, NXB Thế Giới, tr282
Các tin khác
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Chính thức thông tuyến đại lộ Vinh - Cửa Lò (Nghệ An)
MTXD - Hôm qua 29/8, Sở Giao thông vận tải Nghệ An tổ chức thông xe khai thác Dự án Đường giao thông nối thành phố Vinh - thị xã Cửa Lò (giai đoạn 2) sau 2 năm thi công.
Chấm dứt dự án Bệnh viện 700 tỷ của TTH Group ở Quảng Trị
MTXD - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị cho biết, đã đề nghị Công ty Cổ phần TTH Group thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt đồng dự án Bệnh viện quốc tế TTH Đông Hà theo quy định.
Nghệ An: Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện giai đoạn 2-Đề án thí điểm xây dựng Đô thị thông minh giai đoạn 2020-2025, định hướng 2030
MTXD - Ngày 24/7/2020, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 2450/QĐ-UBND phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng Đô thị thông minh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025, định hướng 2030. Trung tâm điều hành thông minh IOC được ví như “bộ não số” với khả năng tích hợp dữ