Nhìn lại quy hoạch khu trung tâmTP. Điện Biên Phủ

​MTXD - Bài viết tập trung vào vấn đề: Cấu trúc không gian đô thị với việc bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên và văn hóa-lịch sử để khẳng định bản sắc đô thị Điện Biên Phủ - một đô thị có vị trí đặc biệt ở vùng Tây Bắc của đất nước.

MTXD - Bài viết tập trung vào vấn đề: Cấu trúc không gian đô thị với việc bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên và văn hóa-lịch sử để khẳng định bản sắc đô thị Điện Biên Phủ - một đô thị có vị trí đặc biệt ở vùng Tây Bắc của đất nước.

Thành phố Điện Biên Phủ

  1. Đặt vấn đề

Thành phố (TP) Điện Biên Phủ có vị trí đặc biệt trong hệ thống đô thị ở nước ta bởi là nơi diễn ra chiến thắng Điện Biên Phủ, đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Ngày nay TP Điện Biên Phủ là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa quan trọng của vùng Tây Bắc.

Được chính thức thành lập năm Thiệu Trị thứ 1 (1841) với tên gọi Phủ Điện Biên. Diện mạo TP Điện Biên Phủ hiện nay là kết quả của quá trình phát triển lâu dài, trong đó có đóng góp quan trọng của Quy hoạch chung lần thứ nhất được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 733/QĐ-UBND ngày 5/8/2011.

Sắp tới kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Kỷ niệm là dịp để chúng ta ôn lại quá khứ và hướng về tương lai – một tương lai tốt đẹp hơn. Với tinh thần ấy, người viết bài nêu một số suy nghĩ cá nhân về nhìn lại việc quy hoạch chung TP Điện Biên Phủ, đặc biệt về thiết kế đô thị khu vực trung tâm hiện hữu với mong muốn góp thêm ý kiến để TP. Điện Biên Phủ phát triển bền vững, không chỉ là đô thị trung tâm với vai trò là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng mà còn mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc vùng Tây Bắc.

  1. Cấu trúc không gian đô thị

TP. Điện biên Phủ Về lý thuyết, cấu trúc không gian đô thị, nếu được xác định đúng, không chỉ đảm bảo sự phát triển đô thị hợp lý mà còn góp phần tạo nên bản sắc của đô thị. Cấu trúc không gian đô thị được thiết kế hợp lý nhất thiết phải hài hòa với bộ khung của cảnh quan thiên nhiên (còn gọi là hệ sinh thái tự nhiên) và phù hợp với đặc điểm văn hóa, lịch sử của địa phương (còn gọi là hệ sinh thái nhân văn). Cấu trúc không gian đô thị là tiền đề tạo nên môi trường sống tốt và có bản sắc của đô thị.

Bộ khung thiên nhiên của Điện Biên được cấu thành bởi các lớp dãy núi cao từ trên 400m đến gần 2000m, hướng vào lòng chảo Mường Thanh với con sông Nậm Rốn như một trục cảnh quan liên kết. Tất cả tạo nên bức tranh cảnh quan thiên nhiên diện rộng nhiều lớp, đa dạng và độc đáo. Bên cạnh đó là các hồ lớn như Pá Khoang và Huổi Phạ cùng với hệ thống suối tự nhiên tạo nên hệ thống cảnh quan diện hẹp với hình thái tự nhiên đa dạng, không lặp lại. Đây là những cơ sở để lựa chọn cấu trúc và thiết kế các đơn vị đô thị ở Điện Biên Phủ. Còn về bộ khung văn hóa, đó chính là sắc thái văn hóa đa dạng và đặc sắc của 19 dân tộc sống lâu đời trên mảnh đất này. Đặc biệt là hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ - thành phần quan trọng làm nên bản sắc của đô thị Điện Biên Phủ.

Hình 1. Sơ đồ vị trí và cảnh quan thiên nhiên khu vực quy hoạch chung TP. Điện Biên Phủ [4]

TP Điện Biên Phủ trong quy hoạch chung điều chỉnh đến năm 2045 phát triển về hướng Đông, Đông Bắc phía xã Mường Phăng là hợp lý. Đó là khu vực, không chỉ có cảnh quan thiên nhiên như hồ Pá Khoang với những dãy núi hùng vĩ và khu rừng Mường Phăng - khu bảo tồn tự nhiên với nhiều loại động, thực vật quý hiếm của tỉnh Điện Biên, mà còn có các di tích lịch sử độc nhất - Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ trong rừng Mường Phăng. Trong đó, điểm đáng chú ý là khu trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh Điện Biên chuyển về phía Đông khu vực Noong Bua, tạo điều kiện thuận lợi để TP Điện Biên Phủ, nhất là khu trung tâm hiện hữu hướng tới sự phát triển bền vững, đảm bảo tôn trọng cảnh quan tự nhiên, giữ gìn hệ thống di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ và bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc Tây Bắc. (Hình 1)

Dựa vào bộ khung thiên nhiên để phát triển đô thị luôn là một nguyên tắc tối quan trọng. Do đó, phát triển không gian kiến trúc đô thị của TP. Điện Biên Phủ nên theo hướng:

- Phát triển đô thị theo hướng bảo tồn và phát huy sự đa dạng và giá trị đặc trưng của cảnh quan sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn. Đặc biệt chú trọng bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

- Xác định cấu trúc không gian đô thị hài hòa với điều kiện cảnh quan tự nhiên và đặc điểm văn hóa miền núi theo hướng đô thị sinh thái. Hình thái tuyến, dải dân cư nhiều lớp có quy mô và tỷ lệ nhỏ là phù hợp.

- Tạo dựng nét đặc trưng riêng về kiến trúc cảnh quan cho từng khu vực trọng tâm như: các đồi di tích, khu trung tâm, làng bản dân tộc, không gian sông Nậm Rốn và cánh đồng Mường Thanh.

- Lựa chọn xu hướng kiến trúc tiên tiến, theo hướng kiến trúc xanh, tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn riêng có của TP. Điện Biên Phủ, thu hút sự quan tâm của mọi người.

3. Quy hoạch chi tiết khu trung tâm

TP. Điện Biên Phủ Đối với khu trung tâm TP. Điện Biên Phủ hiện nay. Hình thái cấu trúc không gian khu trung tâm đô thị, trải qua thời gian thực hiện theo quy hoạch đã định hình với đặc trưng riêng được coi là thành công trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và lịch sử. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế nhất định, đòi hỏi tiếp tục nghiên cứu và thiết kế.

Một số ý kiến cụ thể như: Về cảnh quan thiên nhiên: Các quả đồi tự nhiên và di tích được khai thác ở phía chân đồi thành các dải dân cư theo hình thái tự nhiên của đồi với cấu trúc Phố - Đồi đặc trưng. Cấu trúc Phố - Đồi phát triển theo từng lớp khá đa dạng về hình thái. Tuy vậy, trong can thiệp xây dựng vào đồi nhất thiết không được phá vỡ đặc trưng cảnh quan thiên nhiên của đồi. [3]

Để giữ được đặc trưng hình thái Phố - Đồi nên chú ý phát triển nhiều lớp và hướng tầm nhìn về phía các dòng suối ở bên trong giữa các quả đồi, cùng với việc khôi phục các dòng suối ở dưới thấp thành không gian xanh công cộng liên kết các khu dân cư, đồng thời không phát triển các tuyến phố liên tục mà có khoảng ngắt cho cây xanh xen kẽ cũng như giữ tỷ lệ không gian đô thị không lấn át thiên nhiên. (Hình 2)

Hình 2. Đường phố trung tâm TP Điện Biên Phủ [Internet]

Sông Nậm Rốm chảy qua thành phố là thành phần cảnh quan quan trọng đã được khai thác hai bên bờ thành công viên. Tuy nhiên, không gian dòng sông Nậm Rốm như là trục cảnh quan liên kết chưa được khai thác đầy đủ và hiệu quả. Rất cần kết nối không gian đô thị với dòng sông thông qua các không gian mở, không gian công cộng, quảng trường và tuyến phố. Đồng thời giữ hệ sinh thái tự nhiên mặt nước và các tầng thực vật bản địa kết hợp với các không gian văn hóa của các dân tộc. (Hình 3).

Hình 3. Quy hoạch chi tiết khu trung tâm hiện hữu [2]

Tương tự đối với cánh đồng Mường Thanh – một tài nguyên thiên nhiên được nhân văn hóa quý giá bậc nhất của Điện Biên Phủ chưa được quan tâm phát huy hiệu quả đúng mức. Một công viên lúa kết hợp với các bản của đồng bào Thái kế cận là một đề xuất để tham khảo. Công viên lúa thời công nghệ cao, công nghệ số sẽ là nơi vừa trải nghiệm văn hóa nông nghiệp vừa bảo tồn các nguồn gen lúa đặc sản của Điện Biên (Hình 4)

Hình 4. Các lớp cảnh quan núi và cánh đồng Mường Thanh [2]

Về hệ thống di tích chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử:

Các di tích lịch sử đã được chú trọng đầu tư, khai thác bên cạnh hệ thống các công trình nghĩa trang liệt sỹ, bảo tàng, đền thờ đã được xây dựng. Các di tích đã được bảo vệ và phát huy giá trị tích cực trong đời sống đô thị. Nhiều công trình trở thành điểm nhấn đặc trưng của đô thị, như Tượng đài chiến thắng trên đỉnh đồi D1. Gần đây, năm 2022 Đền thờ liệt sỹ tại chiến trường Điện Bên Phủ được xây dựng trên đỉnh đồi F ngay sau đồi A1 lịch sử. Đây là công trình mang ý nghĩa tri ân trọn vẹn và sâu sắc về những người đã hy sinh trong chiến trường Điện Biên Phủ chưa được quy tập.

Hình 5. Sơ đồ hệ thống đồi di tích và đồi tự nhiên [2]

Về phương diện thiết kế đô thị, việc lựa chọn đỉnh đồi không ảnh hưởng đến di tích lịch sử để xây dựng các công trình mới gắn với nội dung tri ân, tưởng nhớ và tôn vinh thế hệ cha anh là hợp lý, đồng thời tạo được cảnh quan đô thị độc đáo. Vì vậy, các ngọn đồi khác còn lại cũng cần được nghiên cứu khai thác, nhất là các ngọn đồi ở cửa ngõ thành phố như đồi Him Lam, đồi E1. Riêng đồi E1, kết hợp với sông Nậm Rốn có thể trở thành công viên văn hóa Tây Bắc hay không gian Võ Nguyên Giáp, tạo thêm điểm đến hấp dẫn du khách.

Cách khai thác các ngọn đồi trong thành phố rất thành công, góp phần tạo bản sắc đô thị vùng núi, có thể nhận thấy ở Đà Lạt và không ít các thành phố khác. Thêm nữa, để tăng hiệu quả cảm nhận thị giác cũng như phù hợp với tính chất sử dụng các quả đồi, nên chú ý tổ chức trồng cây xanh bản địa để nhấn mạnh nét đặc trưng. Ví dụ ở đồi D1, dần thay thế một tỷ lệ lớn cây hoa Ban – đặc trưng của Tây Bắc như góp niềm hân hoan chiến thắng, hay nên trồng cây gạo trên đồi F. Sắc đỏ thắm của hoa gạo mỗi mùa thanh minh về như nói lên tình cảm tri ân của thế hệ hôm nay về những liệt sĩ đã ngã xuống trong chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, nhất là các liệt sĩ còn vô danh.

Tuy nhiên việc xây dựng đô thị trên nền của hệ thống di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ có những hạn chế nhất định. Đô thị phát triển nếu không kiểm soát và quản lý tốt sẽ lấn át di tích lịch sử. Có thể dễ dàng nhận thấy trên thực tế là, các quả đồi xen lẫn trong các dải dân cư, kể cả các quả đồi di tích chưa tạo thành hệ thống cảnh quan thiên nhiên vốn đã từng là. Do đó cần thiết tạo tuyến đường di sản liên kết các quả đồi, nhất là các quả đồi di tích lịch sử, điểm di tích lịch sử với cảnh quan thiên nhiên thành một hệ thống cảnh quan. Về tư duy thiết kế đô thị, đó là các tuyến đường đi bộ và bằng phương tiện sử dụng năng lượng sạch được thiết kế cảnh quan kết hợp với sử dụng công nghệ số tạo nên sự hấp dẫn trong việc phục vụ khách thăm quan, du lịch khám phá di tích và giá trị của thiên nhiên và văn hóa Tây Bắc. (Hình 5,6,7,8,9)

Hình 6. Hầm De Castries [Internet]

Hình 7. Đồi D1 – Tương đài chiến thắng Điện Biên Phủ [Internet]

Hình 8. Đồi F - Đền thờ liệt sỹ tại chiến trường Điện Bên Phủ [Internet]

Hình 9. Nghĩa trang liệt sĩ A1[Internet]

Về tài nguyên văn hóa:

Sự đa dạng và độc đáo văn hóa của 19 dân tộc sống ở Điện Biên là nguồn tài nguyên nhân văn quan trọng cần được khai thác trong quy hoạch và thiết kế đô thị TP Điện Biên Phủ, nhất là văn hóa dân tộc Thái – dân tộc chiếm tỷ lệ đông dân lớn nhất khoảng 39% dân số tỉnh và cư trú ngay trong khu vực TP Điện Biên Phủ.

Trong cấu trúc đô thị đã được định hình thời gian qua, ngoài đặc trưng của các dải dân cư ven đồi, còn có các bản làng của dân tộc Thái với các nếp nhà sàn truyền thống tạo nên không gian giàu bản sắc văn hóa của một đô thị vùng Tây Bắc.

Mô hình các bản văn hóa dân tộc được cộng đồng hưởng ứng, chung tay xây dựng đang từng bước phát triển, hoàn thiện là giải pháp cần được khuyến khích nhân rộng, không chỉ góp phần tích cực trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc phục vụ du lịch cộng đồng mà còn là nguồn thu bổ sung, nâng cao mức sống của người dân.

Tuy nhiên, trên thực tế phát triển đô thị, nguồn tài nguyên nhân văn giàu có của các dân tộc Điện Biên chưa được khai thác thực sự có hiệu quả. Vì thế, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc cần được đẩy mạnh hơn nữa với nhiều giải pháp đa dạng thu hút được đồng bào các dân tộc tham gia. Chẳng hạn trong quy hoạch cần có nhiều hơn các không gian văn hóa và dịch vụ của các dân tộc, nhất là dân tộc có số đông người, để họ trở thành chủ nhân thực sự, sống với các hoạt động lễ hội đặc sắc của dân tộc mình trong thành phố, chứ không phải chỉ là trình diễn như bấy lâu. Như vậy TP. Điện Biên Phủ sẽ thực sự là thành phố vùng cao đầy sắc màu văn hóa Tây Bắc. Hai bờ sông Nậm Rốn có thể là nơi phù hợp để tổ chức các không gian văn hóa dân tộc.

  1. Kết luận

Trên cơ sở nhận biết và khắc phục những hạn chế của quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch trong thời gian vừa qua, cùng với việc điều chỉnh quy hoạch chung nằm trong quy hoạch tỉnh, thể hiện ý chí thống nhất của lãnh đạo tỉnh Điện Biên cũng như tình cảm và trách nhiệm của đông đảo người dân cả nước đối với Điện Biên Phủ, TP Điện Biên Phủ hoàn toàn có cơ hội phát triển bền vững với tư cách là trung tâm động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng nhưng mang đậm bản sắc văn hóa Tây Bắc.

GS. TS. KTS. NGUYỄN QUỐC THÔNG

Hội Kiến trúc sư Việt Nam

(nguồn TC Quy hoạch đô thi số 50 )

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1. UBND tỉnh Điện Biên (2011). Quy hoạch chung TP. Điện biên Phủ. Quyết định số 733/QĐ-UBND ngày 5/8/2011.

2. Nguyễn Luận (2013). Quy hoạch chi tiết khu

trung tâm TP. Điện biên Phủ. Hội KTS Việt Nam

3. Nguyễn Luận (2013). Thành phố Điện Biên Phủ; Đô thị di sản và sinh thái. Hội thảo quóc gia kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Kỷ yếu hội thảo do Hội KTS Việt Nam và UBND tỉnh Điện Biên tổ chức.

4. Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt nam (2022). Nhiệm vụ quy hoạch chung TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

 

 

 

 

 

 

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.