Những bản sắc cần giữ gìn cho Điện Biên Phủ với tầm nhìn mới
MTXD - Những ký ức hào hùng về chiến thắng Điện Biên Phủ giúp cho thành phố này trở thành một địa danh du lịch nổi tiếng đối với cả khách du lịch nội địa và quốc tế. Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của khu vực Tây Bắc nói chung và Điện Biên Phủ nói riêng, chắc chắn sẽ tạo đà cho sự phát triển đô thị với tốc độ nhanh chóng hơn nhiều. Trong bối cảnh đó, một trong những thách thức đặt ra đối với thành phố này là việc giữ gìn được những bản sắc riêng của một đô thị vùng cao, tránh những sai lầm mà một số đô thị vùng núi khác đã mắc phải khi tạo nên một diện mạo đô thị mới không hòa nhập với cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa.
Thành phố Điện Biên Phủ, thủ phủ của tỉnh Điện Biên, là một đô thị tương đối trẻ và quá trình định cư của người Việt sau khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đã trở thành động lực cho một giai đoạn phát triển đô thị quan trọng. Những ký ức hào hùng về chiến thắng Điện Biên Phủ giúp cho thành phố này trở thành một địa danh du lịch nổi tiếng đối với cả khách du lịch nội địa và quốc tế. Cho đến nay, sự phát triển của thành phố chủ yếu vẫn theo trục dọc hai bên bờ sông Nậm Rốm với mật độ ở bờ phía Đông cao hơn và chạy dọc theo trục đường chính là đường Võ Nguyên Giáp. Xa hơn một chút về phía Đông, mật độ phát triển đô thị thấp hơn giữa các ngọn đồi và các khu vực chân núi, nơi dự kiến quy hoạch trung tâm hành chính mới.
Ở bờ phía Tây của sông Nậm Rốm có mức độ phát triển thấp hơn, do nằm liền kề với khu vực sân bay và đất nông nghiệp. Trong thời gian tới, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của khu vực Tây Bắc nói chung và Điện Biên Phủ nói riêng, chắc chắn sẽ tạo đà cho sự phát triển đô thị với tốc độ nhanh chóng hơn nhiều so với hai thập niên vừa qua.
Trong bối cảnh đó, một trong những thách thức đặt ra đối với thành phố này là việc giữ gìn được những bản sắc riêng của một đô thị trên cao, tránh những sai lầm mà một số đô thị vùng núi khác đã mắc phải khi tạo nên một diện mạo đô thị mới không hòa nhập với cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa.
Bản sắc địa hình và cảnh quan
Cùng với quá trình dịch chuyển khu trung tâm hành chính về phía Đông, không gian đô thị cũng đang được mở rộng theo hướng này. Đây là một định hướng đúng đắn khi không gian đô thị hóa thuộc khu vực phía Tây sông Nậm Rốm vẫn được kiểm soát tốt, nhất là trong bối cảnh sân bay Điện Biên Phủ đang tiếp tục được nâng cấp và mở rộng. Việc duy trì hình thái không gian tạo sự đối lập giữa hai bờ sông cũng sẽ tạo nên một nét đặc thù rất riêng của Điện Biên Phủ.
Cần tôn trọng và phát huy tối đa địa hình đan xen giữa thung lũng và đồi thấp
Tuy nhiên, trong quá trình mở rộng không gian đô thị về phía Đông, cần chú ý tới việc tôn trọng và phát huy tối đa nền địa hình đan xen giữa thung lũng và đồi thấp, tạo nhịp điệu cho cảnh quan đô thị đặc trưng của một thành phố trên cao. Trong những năm gần đây, một số thành phố thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc có xu hướng phát triển đô thị theo hướng “cào bằng san phẳng” nền địa hình là một cách tiếp cận vô cùng đáng tiếc. Cách làm đó khiến đô thị đánh mất hoàn toàn bản sắc riêng của mình mà những đô thị ở vùng đồng bằng không thể có được.
Ngay từ khâu nghiên cứu lập quy hoạch ở nhiều cấp độ khác nhau, cần đầu tư nhiều hơn cho giai đoạn đánh giá hiện trạng địa hình và thể hiện được diện mạo đô thị trong tương lai thông qua các bản vẽ mặt cắt dọc địa hình chứ không chỉ trên các sơ đồ mặt bằng. Ngay cả việc gìn giữ những đường viền chân trời uốn lượn nhờ địa hình đồi núi của Điện Biên Phủ cũng là một nét đặc thù mà nếu chúng ta đánh mất sẽ khó có thể khôi phục lại được.
Con sông Nậm Rốm đoạn chảy qua khu vực trung tâm Thành phố Điện Biên Phủ đóng một vai trò đặc biệt quan trọng như một đường khâu nối hai mảng cảnh quan đô thị hai bên sông. Khúc sông này tương ứng với phạm vi từ cầu Thanh Bình phía Bắc đến cầu A1 phía Nam. Giá trị cảnh quan của sông Nậm Rốm không chỉ nằm ở không gian mặt nước mà còn ở các không gian xanh công cộng hai bên bờ sông. Nếu lấy cây cầu Mường Thanh làm vị trí trung tâm thì có thể phân chia không gian này thành hai phân khu tương đối rõ rệt. Phân khu phía Nam với chức năng chủ yếu dành cho du lịch tưởng niệm và phát huy giá trị di sản, còn phân khu phía Bắc chủ yếu hướng tới các chức năng xã hội và đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Mặc dù vậy, hai phân khu này hoàn toàn không hề tách biệt mà có sự giao thoa và chuyển tiếp rất tự nhiên ở chính công trình di sản chủ đạo là cầu Mường Thanh, mối quan tâm chung của cả du khách và người dân thành phố.
Có thể triển khai hàng loạt giải pháp quy hoạch phát huy giá trị cảnh quan hai bên bờ sông Nậm Rốm như củng cố các trục cảnh quan theo hướng Bắc - Nam dọc theo sông Nậm Rốm và theo hướng Đông - Tây đã được đề xuất trong Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Điện Biên Phủ. Dọc theo những trục không gian này cần quy hoạch các không gian công cộng mới hoặc cải tạo một số không gian đã có, luôn dựa trên nguyên tắc tôn trọng hiện trạng, tạo sự đối thoại giữa hai bên bờ sông (với các điểm vọng cảnh, quy hoạch các điểm nhìn bao quát, tạo các trục không gian liên kết theo chiều ngang). Theo Quy hoạch chung Xây dựng Thành phố Điện Biên Phủ, từ Trung tâm Hội nghị Thành phố sẽ được kết nối với bờ sông Nậm Rốm bằng một trục cảnh quan lớn. Trục không gian này thông thoáng và nhiều cây xanh sẽ trở thành một điểm kết nối quan trọng giữa thành phố và con sông, đảm bảo mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân thành phố và du khách: nhiều không gian công cộng hơn, nhiều không gian xanh hơn, mối liên kết về thị giác giữa không gian đô thị và dòng sông (kéo dài tới tận bờ kè dọc sông), một sự kết nối mạnh mẽ về cấu trúc không gian đô thị…
Không gian đô thị Điện Biên Phủ sẽ không thể hoàn hảo nếu thiếu cây cầu Mường Thanh - Ảnh trong bài nguồn internet
Sự gắn bó của sông Nậm Rốm với không gian đô thị Điện Biên Phủ sẽ không thể hoàn hảo nếu thiếu cây cầu Mường Thanh. Không chỉ đóng vai trò là một di tích lịch sử đặc biệt quan trọng, trong suốt một thời gian dài, cầu Mường Thanh còn đảm nhận chức năng là cây cầu duy nhất qua sông. Đó vừa là một công trình đặc biệt, vừa là một yếu tố liên kết hai bờ sông như một sự chuyển tiếp, kết nối không gian và con người. Trong những năm gần đây, cầu Mường Thanh đã được san sẻ rất nhiều gánh nặng về đảm bảo giao thông bởi dọc theo sông Nậm Rốm đoạn chảy qua trung tâm thành phố đã xuất hiện thêm nhiều cây cầu mới như cầu Thanh Bình ở phía Bắc và cầu A1 ở phía Nam.
Để có thể đảm bảo duy trì được tuổi thọ cho cây cầu lịch sử này và phát huy giá trị di sản theo hướng khai thác du lịch bền vững, cần tính đến giải pháp chuyển hướng giao thông cơ giới (hiện nay chủ yếu bằng xe máy) sang một cây cầu khác để cầu Mường Thanh hoàn toàn chỉ dành cho người đi bộ và xe đạp. Hướng khai thác này không chỉ tạo thuận lợi cho việc phát huy giá trị di sản của cây cầu, mà còn khuyến khích phát triển giao thông phi cơ giới. Bên cạnh đó, việc giảm bớt tải trọng tác động lên cấu trúc của cầu cũng sẽ giảm bớt yêu cầu về bảo dưỡng mà vẫn giữ được những dấu tích để lại gắn liền với lịch sử của cây cầu này.
Dọc hai bên sông Nậm Rốm hiện tại đã được quy hoạch hai tuyến đường dạo trong phạm vi từ cầu Thanh Bình đến cầu A1. Đây là một lợi thế rất lớn để phát huy giá trị cảnh quan hai bên sông cũng như tạo nên các không gian công cộng có chất lượng thu hút cả người dân và du khách. Tuy nhiên, tuyến đường dạo hiện nay được thiết kế khá đơn điệu, cần được cải tạo theo hướng có nhịp điệu hơn với nhiều không gian đa dạng về hình thức và chức năng sử dụng. Ví
dụ, cần bố trí nhiều cây bóng mát hơn để giúp cho việc đi bộ dễ chịu hơn khi trời nắng gắt, lựa chọn một số địa điểm mở rộng theo dạng bậc thềm mini có thể cho phép tổ chức các hoạt động mới, chẳng hạn như trong các lễ hội định kỳ hoặc các sự kiện không định kỳ.
Việc mở rộng tuyến đường dạo này cũng sẽ cho phép tạo ra những không gian quy tụ đông người hơn để có thể tổ chức biểu diễn âm nhạc hoặc tập luyện thể chất ... Các dãy lan can bằng kim loại (nhiều phần bị rỉ sét, thậm chí bị hư hại một phần) cần được thay thế bằng một dải cây xanh tạo khoảng cách với bờ sông để đảm bảo an toàn cho người đi bộ, đồng thời tạo được sự tiếp nối liên tục của cảnh quan về mặt thị giác. Bên cạnh đó, tuyến đường dạo cũng cần được đảm bảo tính liên tục trong một không gian hài hoà với thiên nhiên hơn, đặc biệt là khu vực phía nam cầu Mường Thanh, để kết nối các điểm di tích chính ở phía Nam thành phố: Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, đồi A1 và nghĩa trang liệt sĩ với khu lưu niệm niệm chiến trường. Riêng khu vực này còn có một lợi thế về đa dạng sinh học bởi đây là môi trường cư trú của nhiều loài chim hoang dã và các loài thực vật rất đa dạng. Với
hiện trạng đặc biệt phong phú về thực vật và động vật như vậy, cách tiếp cận hợp lý là bảo tồn tối đa các giá trị tự nhiên của khu vực này và biến nơi đây thành một “khu vườn tự nhiên” thực sự.
Bản sắc văn hóa các dân tộc của Điện Biên
Khi các cơ quan, đơn vị hành chính của tỉnh được di dời đến khu trung tâm hành chính mới, các công trình trụ sở cũ nằm dọc theo trục đường Võ Nguyên Giáp sẽ tạo nên một quỹ công sản có giá trị có thể chuyển đổi công năng mang lại nhiều giá trị thương mại hơn. Trong giai đoạn trước đây, việc chuyển đổi chợ trung tâm thành tổ hợp thương mại “Him Lam Plaza” là một ví dụ cần rút kinh nghiệm khi cân nhắc mô hình phát triển mới cho chợ Mường Thanh. Cần đảm bảo bố trí một nơi kinh doanh cho những tiểu thương thuộc các dân tộc thiểu số (thường không có nhiều hàng hóa) và những người buôn bán nhỏ.
Với đặc thù của một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc anh em sinh sống, Điện Biên Phủ cần quy hoạch xây dựng một khu chợ dành cho những tiểu thương là người dân tộc thiểu số để tạo điều kiện giúp họ tiêu thụ được các sản vật của mình đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân thành phố, từ đó tạo sự công bằng về cơ hội kinh doanh. Loại hình chợ như vậy có tính tương trợ cao hơn và cũng sẽ là điểm thu hút khách du lịch khi đến với Điện Biên. Thiết kế của khu chợ dành cho các tiểu thương người dân tộc sẽ là một cấu trúc nhẹ, với mặt nền được tôn cao, phân luồng ra vào cho các loại xe hai bánh và mái che đủ cao để đón ánh sáng tự nhiên và che mưa nắng.
Chợ Mường Thanh là chợ lớn thứ hai của thành phố Điện Biên Phủ, nhưng đứng đầu về các mặt hàng thực phẩm và đặc biệt là hàng tươi sống. Do đó, khu chợ này đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm không chỉ trong phạm vi khu vực xung quanh mà rộng hơn là cho toàn địa bàn thành phố Điện Biên Phủ. Ngoài vai trò kinh tế, chợ còn đóng vai trò cung cấp dịch vụ cho người dân thành phố, đặc biệt là bằng cách đảm bảo nguồn cung tại chỗ. Các gian hàng trong chợ chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm và một phần trong đó là phụ nữ các dân tộc thiểu số. Vì vậy, chợ Mường Thanh mang lại lợi ích xã hội, đảm bảo công bằng về mặt kinh tế và tạo thuận lợi cho sự hòa nhập của các dân tộc thiểu số.
Đây cũng là nơi phân phối các mặt hàng thực phẩm của địa phương với nhiều sản vật phong phú trên nguyên tắc cung cấp trực tiếp từ người sản xuất đến người tiêu dùng, từ đó góp phần bảo vệ môi trường bởi đáp ứng tốt các tiêu chí phát triển bền vững. Đây là kiểu chợ truyền thống, có quang cảnh sinh động và là một điểm thu hút khách du lịch nhờ các sản phẩm được bày bán tại đây, sự đa dạng của thành phần tiểu thương và khách hàng cũng như nhờ có vị trí trung tâm.
Do đó, chợ Mường Thanh thu hút sự quan tâm của du khách khi đến với một địa phương mà ngành du lịch có vai trò rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội./.
TS.KTS. EMMANUEL CERISE
Đại diện Vùng Île-de-France tại Hà Nội - Giám đốc PRX-Vietnam
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.