Nỗ lực giảm phát thải trong cuộc đua với biến đổi khí hậu
MTXD- Trước thềm Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Anh từ 31/10 đến 12/11, chuyên đề “Những bước dịch chuyển của thế giới nhằm chống biến đổi khí hậu” đưa ra cái nhìn toàn cảnh về những nỗ lực của thế giới kiềm chế khí hậu nóng lên, vì sức khỏe của bà mẹ Trái đất, vì tương lai của sự sống trên toàn hành tinh.
Khí thải công nghiệp là nguyên chính gây hiệu ứng nhà kính
Hàng loạt quốc gia trên thế giới đã đưa ra những cam kết quan trọng để cắt giảm đáng kể lượng phát thải carbon, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 trong những năm sắp tới. “Phát thải ròng bằng 0” thường xuyên được nhắc đến như một biện pháp quan trọng để chống biến đổi khí hậu và sự tàn phá mà nó gây ra.
Theo Liên hợp quốc, “phát thải ròng bằng 0” có nghĩa là cắt giảm phát thải về mức càng gần 0 càng tốt, thí dụ thông qua chuyển sang nền kinh tế xanh và năng lượng tái tạo sạch. Bên cạnh đó, tất cả các khí thải còn lại phải được tái hấp thụ bởi rừng và đại dương "khỏe mạnh".
Nếu thế giới tiếp tục phát thải gây biến đổi khí hậu thì nhiệt độ Trái đất sẽ tăng vượt ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mức tăng này sẽ đe dọa cuộc sống và sinh kế của người dân trên toàn cầu. Đó là lý do ngày càng có nhiều quốc gia cam kết đưa phát thải ròng về 0 trong vài thập kỷ tới.
Đến nay, Bhutan và Suriname là hai quốc gia duy nhất trên thế giới đã đạt phát thải ròng bằng 0. Cùng với các công ty, thành phố và thể chế tài chính trên toàn cầu, hơn 130 quốc gia đã đặt ra hoặc đang xem xét mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào giữa thế kỷ 21.
Trong các bên tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, hơn 140 bên đã đệ trình bản kế hoạch hành động quốc gia mới hoặc bản cập nhật, hay còn gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), theo quy định của thỏa thuận này.
Các nhà lãnh đạo thế giới sau khi thông qua Thỏa thuận Paris tại COP21. (Ảnh: UN)
Liên minh châu Âu (EU) và 191 quốc gia đã gia nhập Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Có hiệu lực từ ngày 4/11/2016, hiệp định này theo đuổi mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái đất dưới 2 độ C, thậm chí là 1,5 độ C, so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Những mục tiêu dài hạn
Theo Viện Tài nguyên thế giới (WRI), khoảng 19 quốc gia, trong đó có Anh, Mỹ, Canada, Đức, Nhật Bản... đã công bố kế hoạch dài hạn để cắt giảm phát thải carbon trong nền kinh tế.
Tổng thống Mỹ Joe Biden từ lúc còn là ứng viên tham gia cuộc chạy đua vào Nhà trắng năm 2020 đã tuyên bố rằng ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu là ưu tiên hàng đầu của ông, chỉ sau xử lý đại dịch Covid-19.
Vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức vào tháng 1/2021, Tổng thống Biden đã ký sắc lệnh hành pháp để đưa Mỹ quay lại Thỏa thuận Paris và đặt ra lộ trình ứng phó với vấn đề khí hậu ở trong và ngoài nước, đạt phát thải ròng bằng 0 trước năm 2050.
Tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới diễn ra theo hình thức trực tuyến do Mỹ tổ chức trong ngày 22 và 23/4 vừa qua, ông Biden khẳng định Washington sẽ không chờ đợi và cái giá của việc trì hoãn hành động rất lớn.
Ông chủ Nhà trắng nhấn mạnh quyết tâm hành động của Mỹ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Ông đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đẩy nhanh kế hoạch giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nếu không muốn chứng kiến thất bại chung của thế giới trong việc ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu.
Ông Biden cũng đưa ra cam kết vào năm 2030, Mỹ sẽ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 50 đến 52% so với mức của năm 2005, tăng gấp đôi so với mức cam kết dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama.
Ngày 17/9 vừa qua, tại hội nghị trực tuyến trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế chủ chốt (MEF),Tổng thống Mỹ tiếp tục kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới chung tay cùng nước này và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra cam kết giảm phát thải khí methane để tạo động lực hành động trước thềm COP26.
EU hồi tháng 7 vừa qua đã công bố một trong những kế hoạch tham vọng nhất thế giới nhằm giảm phát thải carbon và hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, biến các mục tiêu xanh trở thành hành động cụ thể ngay trong thập kỷ này. Theo giới phân tích, khối 27 quốc gia châu Âu muốn trở thành điểm sáng về giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu trong các nền kinh tế lớn.
Ủy ban châu Âu đã nêu ra chi tiết lộ trình giúp 27 quốc gia của khối chinh phục mục tiêu chung là giảm lượng phát thải ròng khí nhà kính xuống 55% so với mức của năm 1990 vào năm 2030. Đây là một bước tiến hướng tới mức phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Kế hoạch này đề xuất đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu phụ thuộc nhiều vào phát thải; cấm ô-tô chạy bằng động cơ đốt trong vào năm 2035; trồng 3 tỷ cây xanh vào năm 2030 như một phần của nỗ lực loại bỏ 310 triệu tấn carbon khỏi không khí...
Nhằm giải tỏa nỗi lo của người lái xe điện, Brussels đề xuất các quốc gia thành viên từ nay đến năm 2025 đặt các trạm sạc điện công cộng nằm cách các tuyến đường chính không quá 60 km.
Ngoài ra, việc điều chỉnh Hệ thống thương mại khí thải của EU (ETS), thị thường carbon lớn nhất thế giới, sẽ buộc các nhà máy sản xuất, nhà máy điện và hãng hàng không chi trả nhiều hơn để thải CO2.
Cam kết của nước chủ nhà COP26
Hai thế kỷ trước, Anh đã dẫn đầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, mang đến sự ra đời của nhiều thành phố lớn trên “quốc đảo sương mù”. Ngày nay, Anh với tư cách là nước chủ nhà COP26 cam kết sẽ dẫn dắt thế giới bước vào cuộc cách mạng mới mang tên Cách mạng công nghiệp xanh.
Trong 30 năm qua, Anh đã cho thấy thành công về kinh tế luôn gắn liền với trách nhiệm đối với môi trường. Từ năm 1990 đến năm 2019, “xứ sở sương mù” đã ghi nhận kỷ lục về tăng trưởng sạch. Trong giai đoạn này, nền kinh tế tăng thêm 78% trong khi lượng phát thải giảm 44% - mức giảm nhanh nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Kể từ năm 2000, Anh đã loại bỏ carbon ra khỏi nền kinh tế nhanh hơn tất cả các quốc gia khác trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Anh cũng là nền kinh tế lớn đầu tiên đưa vào luật mục tiêu đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo dữ liệu của Bộ Doanh nghiệp, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Anh (BEIS) và phân tích của Carbon Brief - website của Anh về khoa học và chính sách biến đổi khí hậu, nước này đã đi được một nửa chặng đường đưa phát thải ròng về 0. Phát thải của Anh trong năm 2020 đã giảm 51% so với con số này của năm 1990.
Trong bối cảnh thế giới bắt đầu phục hồi sau những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, Chính phủ Anh cho rằng đây là cơ hội để xây dựng lại tốt đẹp hơn: Đầu tư để đưa “quốc đảo sương mù” trở thành quốc gia hàng đầu về công nghệ xanh. Chủ tịch COP26, ông Alok Sharma, đánh giá Anh vẫn đang dẫn đầu trên con đường này.
Anh đang đặt quyết tâm biến nguy thành cơ, tạo ra hàng trăm nghìn việc làm mới nhờ phát triển các ngành công nghiệp tiên phong, đồng thời bảo vệ thế hệ tương lai trước tác động của biến đổi khí hậu và sự phá hủy môi trường sống.
Kế hoạch 10 điểm gồm:1. phát triển năng lượng gió ngoài khơi; 2. thúc đẩy sự gia tăng hydrogen được tạo ra bằng cách không phát thải hoặc phát ra rất ít khí nhà kính ; 3. cung cấp điện hạt nhân mới và hiện đại; 4. đẩy nhanh chuyển sang sử dụng phương tiện không phát thải; 5. tăng cường phương tiện giao thông công cộng xanh, đạp xe và đi bộ; 6. thúc đẩy ngành hàng không và hàng hải xanh; 7. kiến trúc xanh hơn; 8. đầu tư vào thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon; 9. bảo vệ môi trường tự nhiên; 10. tài chính xanh và đổi mới.
Những cam kết này nhằm xử lý phát thải khí nhà kính được Chính phủ Anh công bố vào năm 2020 đã xây dựng nền móng cho Cuộc cách mạng công nghiệp xanh mà London theo đuổi. Kế hoạch này sẽ huy động 12 tỷ bảng Anh từ quỹ đầu tư của chính phủ và có thể cùng với khoản tiền gấp 3 lần từ khu vực.
Nhanh chóng chuyển sang sử dụng các phương tiện không phát thải được đánh giá là minh chứng rõ ràng nhất cho nỗ lực của Anh để đồng thời đạt nhiều mục tiêu: tạo ra việc làm, tăng cường sức mạnh của nền công nghiệp, cắt giảm phát thải và giúp các hoạt động đi lại diễn ra thuận tiện.
Anh sẽ cấm bán mới ô-tô sử dụng xăng và diesel từ năm 2030, sớm hơn 10 năm so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, nước này sẽ cho phép bán xe hybrid đến năm 2035.
Anh hiện là nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới. Nissan Leaf được sản xuất tại Anh là dòng ô-tô điện bán chạy thứ ba tại châu Âu trong năm 2019. Anh tuyên bố sẽ tận dụng cơ hội hiếm có này để xây dựng chuỗi cung ứng xe điện hàng đầu thế giới ngay trong nước và cải thiện chất lượng không khí của các thị trấn, thành phố...
Nước này cam kết đầu tư 1 tỷ bảng Anh vào phát triển xe điện và nguồn cung xe điện, trong đó có xây dựng các “siêu nhà máy” ở trong nước để sản xuất lượng pin cần thiết trên quy mô lớn. Một nhà máy như vậy có thể tuyển dụng khoảng 2.000 người lao động có tay nghề cao.
Anh cũng sẽ chi 1,3 tỷ bảng Anh để đẩy nhanh việc triển khai hệ thống trạm sạc xe điện, đặc biệt là điểm sạc nhanh trên các đường cao tốc, tuyến đường chính để giải quyết nỗi lo của những tài xế đường dài và điểm sạc gần nhà, công sở để giúp quá trình sạc điện trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết.
Để đạt được mục tiêu xây dựng hệ thống phương tiện giao thông công cộng xanh, Anh sẽ sớm chuyển sang các phương tiện bền vững hơn thông qua đầu tư vào dịch vụ đường sắt và xe buýt cũng như các biện pháp nhằm hỗ trợ người đi bộ và đạp xe. Nước này dự kiến rót vốn vào hàng nghìn xe buýt không phát thải và mở làn đường phục vụ người đi xe đạp tại các thị trấn, thành phố. Việc này không chỉ giúp cải thiện chất lượng không khí, giảm phát thải mà còn có lợi cho sức khỏe tinh thần và thể chất của người dân.
Đánh giá điện gió ngoài khơi là nguồn năng lượng tái tạo quan trọng đối với nền kinh tế, Anh dự kiến tăng gấp bốn lần năng suất của nguồn năng lượng này để cung cấp thêm điện cho tất cả các hộ gia đình trên toàn quốc. Hiện nay, Anh là nhà sản xuất điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới.
Trước thềm COP26, Thủ tướng Johnson ngày 19/10 tiếp tục cụ thể hóa 10 mục tiêu nêu trên trong Chiến lược phát thải ròng bằng 0: Xây dựng lại xanh hơn. Chiến lược này xây dựng kế hoạch toàn diện cho toàn bộ nền kinh tế về cách thức các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ được hỗ trợ để chuyển sang sử dụng năng lượng sạch và công nghệ xanh. Qua đó, Anh sẽ giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và nguy cơ giá cả tăng cao và biến động, đồng thời tăng cường an ninh năng lượng quốc gia.
Dù khẳng định Anh sẽ luôn tiên phong trong ứng phó biến đổi khí hậu song Thủ tướng Johnson cũng hối thúc tất cả các quốc gia phải hành động ở cấp quốc gia và quốc tế để xoay chuyển cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay và bảo vệ tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ mai sau. Trong bối cảnh thiên tai, thời tiết cực đoan, tình trạng ô nhiễm xuất hiện với tần suất nhiều hơn, COP26 chuẩn bị diễn ra tại Anh sẽ là sự kiện rất quan trọng và thế giới cần tận dụng cơ hội này để "phục hồi sạch hơn, tái thiết xanh hơn và khôi phục hành tinh của chúng ta"./.
KHÔI NGUYÊN T.H
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.
TP.HCM: Trao danh hiệu Doanh nghiệp Xanh năm 2024
MTXD - Ngày 29/8/2024, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng, tổ chức Lễ trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP.HCM năm 2024”. Đây là hoạt động hướng đến Diễn đàn kinh tế thành phố lần thứ 5 diễn ra từ 24/9/2024 đến 27/9/2024.
Huyện Hải Lăng ( Quảng Trị) : Lập biên bản yêu cầu công ty CP Thiên Tân giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Ngày 20/8/2024, Ban QLDA, PTQĐ&CCN huyện Hải Lăng tổ chức làm việc với Công ty cổ phần Thiên Tân về việc tập kết sản phẩm ống cống không đúng nơi quy định; xe vận chuyển nguyên, vật liệu gây ra bụi; xe có trọng lượng lớn gây sụt lún điểm đấu nối giữa Quốc lộ 1A với tuyến đường quy hoạch RD-2 Cụm côn
Quảng Nam: Nhiều trường học dọn dẹp môi trường chuẩn bị năm học mới.
MTXD - Những ngày trước khai trường, nhiều trường học ở các địa phương tỉnh Quang Nam đã tổ chức cho học sinh đến nhận lớp, dọn vệ sinh, chuẩn bị khai giảng năm học mới.
Huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk): Chỉ đạo kiểm tra hoạt động đốt than của các hộ dân
MTXD - Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn ( Đắk Lắk ) vừa chỉ đạo, UBND xã Ea Bar kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh của người dân về hoạt động đốt lò than tự phát gây ô nhiễm môi trường.