Phấn đấu cơ bản thông toàn tuyến Vành đai 3 TPHCM vào tháng 6/2025
MTXD - Chiều 29/1, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra dự án đường Tân Vạn-Nhơn Trạch (thuộc Vành đai 3 TPHCM), thăm, tặng quà cán bộ, công nhân, bà con nhân dân khu tái định cư dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác thi công trụ cầu P24-P33 cầu Nhơn Trạch trên sông Sài Gòn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng đi với Thủ tướng có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Từ bến Bạch Đằng (Quận 1), Thủ tướng di chuyển bằng thuyền trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai đến phạm vi dự án phía bờ TPHCM kiểm tra công tác thi công cầu Nhơn Trạch, nghe báo cáo của các đơn vị thực hiện dự án; thăm, tặng quà cán bộ, công nhân tham gia dự án.
Dự án Vành đai 3 TPHCM dài hơn 76 km, đi qua TPHCM (47,51 km), Bình Dương (10,76 km), Đồng Nai (11,26 km), Long An (6,81 km). Toàn tuyến Vành đai 3 khi hoàn thành sẽ kết nối 5 tuyến cao tốc hướng tâm, gồm: TPHCM-Trung Lương, TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, Bến Lức-Long Thành, TPHCM-Mộc Bài và TPHCM-Chơn Thành.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách Trung ương và địa phương. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023, hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2026.
Thủ tướng kiểm tra công tác thi công cầu Nhơn Trạch, nghe báo cáo của các đơn vị thực hiện dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Vành đai 3 được chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện 2 dự án, gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng. Tuyến đường có quy mô 6-8 làn xe, giai đoạn một sẽ làm trước 4 làn, hai bên xây đường song hành. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng sẽ được thực hiện toàn bộ để tránh tăng kinh phí giải phóng mặt bằng, với chiều rộng 63-120 m, tổng diện tích hơn 642 ha.
Có kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng, cầu Nhơn Trạch là hạng mục chính của dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn -Nhơn Trạch dài 8,22km thuộc Vành đai 3 TPHCM, hạng mục còn lại là đường dẫn ở hai đầu cầu tổng chiều dài hơn 5,6 km.
Cầu Nhơn Trạch kết nối huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) và TP. Thủ Đức (TPHCM), có điểm đầu từ cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, vượt sông Đồng Nai kết nối vào điểm cuối là Tỉnh lộ 25B của Đồng Nai.
Thủ tướng thăm hỏi, trò chuyện với cán bộ, kỹ sư, công nhân đang làm việc tại dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Vành đai 3 khi hoàn thành sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông trong khu vực; mở ra không gian mới, hình thành các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, giảm thời gian đi lại cũng như chi phí logistics. Điều này sẽ tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho khu vực, sẽ tạo động lực mới cho kinh tế, xã hội cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với hơn 20 triệu người.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, hiện nay, 4 tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua đã hoàn thành công tác phê duyệt và bàn giao ranh giới giải phóng mặt bằng phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đối với các dự án thành phần xây dựng, TPHCM và UBND tỉnh Long An đã phê duyệt cơ bản đáp ứng theo tiến độ yêu cầu của Chính phủ, hiện đang triển khai các công tác ở bước thiết kế kỹ thuật. Các dự án thành phần xây dựng của tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đang hoàn tất thủ tục phê duyệt.
Thủ tướng tặng quà, động viên đội ngũ thi công trụ cầu P24-P33 cầu Nhơn Trạch - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đối với các dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cả 4 địa phương đã phê duyệt dự án, đã triển khai các công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; cơ bản hoàn thành công tác đo vẽ, kiểm kê, đang lập phương án bồi thường. Các địa phương đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương lân cận có mỏ vật liệu chưa sử dụng đến thì chia sẻ với các địa phương để phục vụ dự án.
Tại công trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh 4 tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua đã phối hợp hiệu quả triển khai dự án; bước đầu công tác chuẩn bị đầu tư, bố trí nguồn vốn, chuẩn bị vật liệu... đã được các đơn vị chủ động thực hiện.
Thủ tướng đề nghị 4 tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, nhất là khâu thiết kế tránh phải điều chỉnh về sau này; tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, khởi công dự án vào 6/2023 để cơ bản thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào tháng 6/2025, hoàn thành toàn bộ dự án trong tháng 6/2026.
Thủ tướng thăm hỏi bà con nhân dân khu tái định cư dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đối với các đề nghị của TPHCM và các tỉnh có tuyến vành đai đi qua, Thủ tướng Chính phủ ủng hộ chủ trương, giao các bộ, ngành xem xét, giải quyết theo quy định, trên tinh thần hỗ trợ các địa phương để triển khai dự án Vành đai 3 TPHCM đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, đường Vành đai 3 đi vào khai thác, sẽ phát huy hiệu quả cao; đề nghị nghiên cứu xây dựng đường Vành đai 4 TPHCM.
Chính phủ sẽ cùng TPHCM và các địa phương cân đối, bố trí thêm vốn từ nguồn tăng thu để bổ sung cho các dự án đang triển khai tốt mà thiếu vốn.
Tại hiện trường, Thủ tướng cũng đề nghị xây dựng cây cầu Nhơn Trạch bảo đảm cả về kỹ thuật và mỹ thuật để tạo điểm nhấn cảnh quan.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tặng quà cho bà con nhân dân khu tái định cư dự án - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tiếp đó, Thủ tướng thăm, tặng quà bà con tái định cư dự án tại phường Long Bình-Long Thạnh Mỹ, TP. Thủ Đức. Theo UBND TP. Thủ Đức, Vành đai 3 qua thành phố dài khoảng 12km và đây là vị trí tái định cư đẹp nhất hiện nay của Thủ Đức.
Phát biểu với bà con tại đây, Thủ tướng nêu rõ, Vành đai 3 có vai trò hết sức quan trọng, chiến lược để hình thành mạng lưới giao thông liên kết các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Thủ tướng hoan nghênh TPHCM đã chủ động thực hiện công việc giải phóng mặt bằng, tái định cư; chuẩn bị, quy hoạch các khu tái định cư với hạ tầng tương đối tốt. Thủ tướng cảm ơn bà con đã sẵn sàng nhường đất cho dự án.
Thủ tướng đề nghị TPHCM và trực tiếp là TP. Thủ Đức khẩn trương triển khai các công việc để bà con sớm nhận đất, xây dựng nhà ở theo đúng quy hoạch, đồng thời các cấp chính quyền khẩn trương hoàn thiện đồng bộ hạ tầng điện, nước, y tế, giáo dục, văn hóa, cây xanh… để người dân yên tâm tái định cư, xây dựng khu tái định cư khang trang, xanh, sạch, đẹp.
Theo Hà Văn – Chinhphu.vn
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.