Phát triển, cải tạo và tái thiết các không gian công cộng, không gian xanh đô thị trung tâm Hà Nội
MTXD - Sau 12 năm được định hướng phát triển, Hà Nội đã có tốc độ phát triển nhanh. Tuy nhiên, trong dài hạn, đô thị trung tâm nói riêng và TP Hà Nội nói chung rất cần được xem xét, xác định lại các hướng phát triển ưu tiên, phát huy động lực mới phù hợp với bối cảnh mới trong nước và quốc tế.
Trong bối cảnh và phạm vi rộng, có rất nhiều vấn đề cần đề cập có liên quan, bài viết này chỉ trình bày một số quan điểm, cách tiếp cận mới, nhấn mạnh về vai trò, sự cấp thiết của các chính sách, định hướng trong phát triển, cải tạo và tái thiết của các không gian công cộng, không gian xanh, vành đai xanh của đô thị trung tâm, đặc biệt là khu nội đô lịch sử và khu nội đô mở rộng.
1. Công cụ quy hoạch
Từ năm 1954 đến năm 2022, Thủ đô Hà Nội có 7 lần nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, với 4 lần được phê duyệt chính thức: Sau 10 năm thực hiện Quy hoạch chung năm 1998, đến tháng 8/2008, Hà Nội được Quốc hội điều chỉnh địa giới từ 924 km2 lên 3.344 km2 (là đô thị có quy mô lớn nhất cả nước), hợp nhất với tỉnh Hà Tây (cũ), huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Thủ đô mới có tổng diện tích tăng gấp 3,6 lần, lên mức hơn 3.344 km2, trở thành 1 trong 17 thành phố có diện tích lớn nhất thế giới.
Thủ đô Hà Nội trước khi Luật Quy hoạch đô thị năm 2017 thông qua đã được thực hiện nghiên cứu trên phạm vi liên vùng và toàn thành phố dựa trên cơ sở quy định của các Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng.
Các định hướng phát triển của Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại (01) Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô; (01) Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội (QHC1259); (08) Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng; và UBND TP Hà Nội đã cụ thể hóa các định hướng bởi (30) Quy hoạch ngành kinh tế - xã hội và (68) Quy hoạch chung huyện, quy hoạch phân khu đô thị.
Có thể thấy đây là một hệ thống 108 các loại đồ án đã được xây dựng, phê duyệt là cơ sở phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời gian qua. Năm 2023 là thời điểm thủ đô Hà Nội đồng thời triển khai lập mới và điều chỉnh 02 đồ án quy hoạch gồm: Lập mới đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch 2017 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 theo Luật Quy hoạch đô thị. Cụ thể:
+ Quy hoạch Thủ đô là quy hoạch tích hợp, xác lập tầm nhìn, vị thế, dự báo các kịch bản tăng trưởng (kinh tế), các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tích hợp, nhu cầu về đất đai, nguồn lực, vốn đầu tư, là cơ sở thực hiện các ngành lĩnh vực và cụ thể hóa định hướng không gian ở; Xác lập các giải pháp quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 và các tầm nhìn phát triển đến năm 2050.
+ Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng cụ thể hóa các mục tiêu, chiến lược phát triển của Thủ đô Hà Nội, cụ thể hóa các định hướng không gian lãnh thổ, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, phân bổ dân số, đất đai, chỉ tiêu cơ bản về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của đô thị; Cụ thể hóa các mô hình phát triển, cấu trúc phát triển không gian đô thị, không gian ngầm; đặc biệt là định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung; đánh giá môi trường chiến lược; chương trình ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện... giai đoạn đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065.
Có thể thấy, đây là thách thức rất lớn khi triển khai đồng thời 2 loại hình đồ án quy hoạch, sẽ là công cụ phát triển thủ đô trong thời gian tới, nhưng đây cũng là cơ hội hiếm hoi khi có thể xác lập được các quan điểm thống nhất trong phát triển Thủ đô ở nhiều ngành lĩnh vực và tổ chức không gian, đặc biệt là huy động nguồn lực, xác lập các nội dung quan trọng, ưu tiên nhằm tạo nên các thay đổi đáng kể, đóng góp cho sự phát triển bền vững. Trong đó, các chính sách, định hướng đối với cấu trúc đô thị trung tâm đã được xác định trong giai đoạn trước đây là hết sức quan trọng, đặc biệt là khu vực nội đô.
2. Thực tiễn và một số thách thức lớn trong phát triển đô thị trung tâm TP Hà Nội
Theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1259 của Thủ tướng Chính phủ, xác lập cấu trúc phát triển không gian của Thủ đô Hà Nội gồm 1 đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, cho đến nay, cấu trúc đô thị trung tâm cơ bản đã được xác định các định hướng cụ thể bởi các đồ án quy hoạch phân khu, là cơ sở đầu tư xây dựng các dự án.
Về phân bố dân cư đô thị trung tâm: Đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội theo Quyết định 1259 của Thủ tướng Chính phủ xác định có quy mô gồm: Khu vực nội đô; Khu mở rộng phía Nam sông Hồng; Khu mở rộng phía Bắc sông Hồng, Nam sông Cà Lồ; Khu vực hai bên sông Hồng được xác định phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường Vành đai 4 và về phía Bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên. Dân số đến năm 2030 đạt khoảng 4,6 triệu người.
Trong đó, Khu vực nội đô gồm khu nội đô lịch sử với quy mô dân số đến năm 2030 dự kiến giảm từ 1,2 triệu xuống 0,8 triệu và khu nội đô mở rộng dự kiến 0,9 triệu người. Có thể thấy, mặc dù có các định hướng về giảm áp lực cho dân số khu vực nội đô nhưng do sự phát triển và kết nối với các khu vực nội đô mở rộng nên khu vực nội đô lịch sử vẫn chịu các áp lực lớn về dân số và lao động.
Định hướng phân bố dân số TP Hà Nội đến năm 2030 theo Quy hoạch chung 1259 (nguồn VIUP)
Trên thực tế, sự gia tăng dân số khu vực trung tâm khu vực hiện hữu do hạn chế trong khả năng di chuyển, kết nối, việc làm, dịch vụ đô thị, giáo dục, y tế... hay do vấn đề tài chính, các biến động của thị trường bất động sản... đã tạo nên xu thế phân bố dân cư đô thị tập trung lớn tại các khu vực đô thị hiện hữu, làng xóm đô thị hóa, đi ngược lại với các chính sách vĩ mô, vừa làm gia tăng áp lực với khu vực hiện hữu vừa làm giảm mức độ hấp dẫn của mô hình các khu đô thị mới, nhà ở xã hội... dẫn đến hiện tượng nhiều khu đô thị mới bị “bỏ hoang” không có người ở, tạo nên các hiện tượng xã hội tiêu cực liên quan đến đất đai, nguồn lực xã hội chưa được sử dụng hiệu quả.
Sự phát triển manh mún đầu tư theo dự án, dự án nhỏ lẻ cũng tạo nên bức tranh phát triển thiếu đồng bộ, thiếu kết nối với đô thị hiện hữu và làm cho khả năng hoàn thiện cấu trúc đô thị của các khu vực bị hạn chế, cảnh quan đô thị, môi trường còn nhếch nhác.
Về cầu trúc, chức năng đô thị trung tâm: Trên thực tế, trong đô thị trung tâm hiện nay, cơ bản các chức năng chính vẫn tập trung chủ yếu ở khu vực nội đô lịch sử, thu hút lượng lao động dịch chuyển thường xuyên từ các khu vực xung quanh trong đô thị trung tâm ra vào nội đô rất lớn, đặc biệt, tạo nên áp lực lên hệ thống giao thông đô thị.
Hiện tượng giao thông con lắc này chủ yếu do sức hút khu vực lõi trung tâm và do các trung tâm phân tán bên ngoài chưa hình thành theo quy hoạch.
Dân số, khách du lịch tập trung chủ yếu tại khu vực các quận Vành đai 3 gồm: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy với mật độ dân số rất cao, gây áp lực quá tải về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, không chỉ ở khu vực hiện hữu, làng xóm trong quá trình đô thị hóa mà còn ở cả các khu đô thị mới.
Về hình thái và mật độ đô thị: Hình thái phát triển đô thị chủ yếu là thấp tầng tại khu vực nội đô và phát triển hỗn hợp cao tầng, thấp tầng tại các khu vực nội đô mở rộng. Việc lựa chọn phát triển theo hình thái thấp tầng (hiện hữu), đan xen cao tầng thấp tầng (tự do), hỗn hợp cao tầng - thấp tầng (quy hoạch) cơ bản sử dụng nhiều quỹ đất của đô thị.
Mật độ xây dựng của các công trình cao, tối đa chỉ tiêu, chỉ tiêu kiểm soát về mật độ dân số, chỉ tiêu đất đơn vị ở rất cao trong giai đoạn 2008 - 2019. Các công trình cao tầng đa chức năng, hỗn hợp phát triển mạnh tạo điểm nhấn đô thị; Các khu đô thị mới cao tầng phát triển rất nhanh đã tạo nên lối sống đô thị với hình thái cao tầng.
Mặc dù vậy, các công cụ kiểm soát khối tích công trình chưa đạt hiệu quả, thiếu công cụ kiểm soát tổng thể phát triển trong khu vực rộng phía ngoài dự án. Đã có kiểm soát về chỉ tiêu m2/người nhưng chưa có kiểm soát về số lượng căn hộ/ha, chỉ tiêu mật độ cư trú người/diện tích xây dựng còn rất cao.
+ Hình thái cao tầng: Hình thái và mô hình phát triển theo các khu đô thị mới được đầu tư đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đã tạo nên bộ mặt đô thị hấp dẫn, tuy nhiên phát triển hỗn hợp gây nên áp lực phát triển lớn khi các hệ thống hạ tầng còn chưa phát triển đồng bộ, đặc biệt là giao thông và các không gian, chức năng công cộng, công viên vườn hoa còn hạn chế.
Sự phát triển hỗn hợp giữa nhà ở cao tầng và nhà ở thấp tầng tạo nên mật độ cư trú lẫn mật độ xây dựng cao do các diện tích trống phía mặt đất vốn là ưu thế của hình thái cao tầng lại được dành cho quỹ đất xây dựng nhà ở thấp tầng với nhược điểm là chiếm quỹ đất lớn; Mô hình này được cộng dồn thêm hình thái phát triển hỗn hợp đa chức năng gồm ở + thương mại + văn phòng (officetel) vốn chiếm đa số tại các công trình cao tầng càng làm trầm trọng vấn đề về mặt độ đô thị tại các khu vực phát triển khu đô thị mới.
Đồng thời việc phát triển các công trình cao tầng, mật độ cao lại thiếu đồng bộ với hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị (MRT) tạo nên thách thức lớn trong việc phát triển nén, phát triển theo mô hình TOD. Các phương thức dịch chuyển chủ yếu là phương tiện cá nhân càng tạo nên sự “đông đúc” về mật độ cư trú lẫn giao thông.
Thực tiễn phát triển hỗn hợp đan xen theo mô hình các khu đô thị mới khu vực quận Thanh Xuân và Cầu Giấy, thuộc khu nội đô mở rộng phía Tây Hà Nội (ảnh: Internet)
+ Hình thái thấp tầng: Hình thái phát triển thấp tầng và xen cấy cao tầng chủ yếu tập trung tại khu vực nội đô lịch sử và nội đô mở rộng, khu vực làng xóm đã bị đô thị hóa. Các khu vực này có sự phát triển rất nhanh chóng đã góp phần đáp ứng một phần lớn nhu cầu ở người dân, tuy nhiên cũng tạo nên các thách thức phát triển, cung cấp dịch vụ đô thị ở khu vực này, đặc biệt là giao thông, không gian công cộng, công viên vườn hoa.
Sự phát triển dày đặc khu vực hiện hữu, đặc biệt là khu vực làng xóm đô thị hóa mà thiếu đi các công cụ chính sách hiệu quả cho đến nay đã tạo nên vấn đề rất phức tạp trong cải tạo, chỉnh trang, mở đường giao thông, cung cấp dịch vụ đô thị, các vấn đề về an toàn đô thị, PCCC, phòng tránh thiên tai.
Các khu vực dân cư hiện hữu thấp tầng của TP Hà Nội phần lớn là các khu vực làng xóm trước đây, trong quá trình đô thị hóa đã phát triển rất nhanh do nhu cầu về nhà ở cao và các chính sách sau đổi mới 1986, đã tạo nên một thị trường bất động sản có mức độ giao dịch cao, thúc đẩy các hoạt động xây dựng phi chính thức (tự do) lớn.
Tuy nhiên, đây lại là khu vực khó kiểm soát và thiếu những chính sách kiểm soát phát triển và thực hiện cải tạo chỉnh trang thiếu hiệu quả, cũng như sự đồng bộ giữa các chính sách về đất đai, xây dựng, giao thông, kế hoạch, phân bổ nguồn lực tài chính.
Ở Việt Nam phương tiện xe máy cung cấp một lợi thế to lớn để tiếp cận đến hầu hết các vị trí trong đô thị, tạo nên dòng chảy “mạch máu” li ti nuôi dưỡng các cấu trúc đô thị đậm đặc nhất. Do vậy, tại Hà Nội, các khu vực hiện hữu là các làng xóm trước đây trong quá trình đô thị hóa, tiếp tục phát triển mạnh mẽ chủ yếu dựa trên hạ tầng sẵn có, với dạng nhà ống thấp tầng, đan xen cao tầng đáp ứng nhu cầu dân cư lớn.
Kết quả của việc phát triển với mật độ xây dựng cao, không có các cơ chế sắp xếp lại đất đai (tái điều chỉnh đất - land adjustment) phát triển đan xen thấp tầng, cao tầng đã tạo nên các “mảng đặc” rất lớn trong không gian đô thị, nơi mà không có các con đường có thể tiếp cận bằng ô tô đi qua. Và trên thực tế, phần lớn các công trình trong khu vực không thể tiếp cận bằng xe cơ giới tiêu chuẩn (ô tô) mà được cung cấp bởi phương tiện đi lại chủ yếu bằng xe máy.
Dấu vết các công trình xây dựng (2023) và khoảng trống cho phép xác định mật độ và cấu trúc hình thái thấp tầng chiếm ưu thế (mức độ dầy đặc công trình) trong mô hình phân bố dân cư đô thị khu vực nội đô Hà Nội (nguồn trích xuất dữ liệu mở từ Google maps; Open Buildings)
Sự phát triển của các hình thái thấp tầng phát triển mạnh mẽ tại nhiều không gian trong đô thị, nhưng gia tăng đặc biệt mạnh mẽ tại các khu vừng làng xóm đô thị hóa, nơi có nhiều quỹ đất nông nghiệp xen kẹt, chia tách thửa đất, đầu tư xây dựng dễ dàng, chi phí thấp, có lượng nhu cầu lớn… công tác quản lý trật tự xây dựng chưa chặt chẽ.
Các khu vực làng xóm thuộc các huyện được coi là nông thôn theo quy định còn được miễn giấy phép xây dựng. Sự kết hợp của nhiều yếu tố đã tạo nên sự tăng trưởng cực lớn, chủ yếu là diện tích sàn xây dựng là các công trình nhà ở riêng lẻ (chiếm 98% năm 2022)
Sự phát triển mở rộng khu vực làng xóm đô thị hóa khu vực Khương Hạ giai đoạn 2008 - 2023, phát triển chủ yếu là hình thái thấp tầng trên nền các không gian đất nông nghiệp, mặt nước, một số khu vực phát triển cao tầng đan xen dựa trên chuyển đổi chức năng của cơ sở công nghiệp (nguồn trích xuất dữ liệu mở từ Google maps; Open Buildings, 2023).
Mặc dù có tỷ lệ phát triển nhà ở thấp tầng (nhà ở riêng lẻ) lớn, nhưng các chính sách xây dựng đối với khu vực này còn nhiều hạn chế và chi phối nhiều bởi chính sách đất đai.
Trong báo cáo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia có đánh giá: “Nhà ở riêng lẻ vẫn là loại hình nhà ở chủ đạo trên toàn quốc, trong giai đoạn 2011 - 2020, nhà ở riêng lẻ chiếm khoảng hơn 90% diện tích nhà ở phát triển mới. khu vực đô thị năm 2019 chiếm đến 97,8% diện tích xây dựng mới. Tổng diện tích nhà ở riêng lẻ hiện hữu đến năm 2019 đạt khoảng 2,2 tỷ m² sàn, trong giai đoạn 2011-2020 tăng trung bình khoảng 69 triệu m2 sàn/năm”. Do vậy, vấn đề kiểm soát mật độ cư trú của hình thái nhà ở thấp tầng là rất quan trọng nhằm giảm áp lực phát triển đối với khu vực này trong các chính sách cải tạo, chỉnh trang đô thị.
Về các chính sách chưa đồng bộ: Trong khu vực đô thị hiện hữu, công cụ quy hoạch luôn đưa ra các chính sách kiểm soát hạn chế phát triển nhà ở, gia tăng dân số, mật độ xây dựng. Tuy nhiên trên thực tế, đây lại là khu vực có mật độ xây dựng cao do các chính sách chưa đồng bộ giữa các ngành lĩnh vực như: Chính sách về đất đai, xây dựng, giao thông, kế hoạch, phân bổ nguồn lực tài chính trong cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị.
Mặt khác, công cụ kiểm soát về diện tích (ngành Tài nguyên) và mật độ xây dựng, dân số (ngành Xây dựng) lại chưa thực sự đồng bộ. Chính sách “Diện tích tách thửa đất ở tối thiểu” (TP Hà Nội) với quy mô rất nhỏ (30m2), mặc dù đáp ứng nhu cầu kinh tế, nhà ở trong giai đoạn ngắn hạn nhưng lại tạo nên xu thế chia nhỏ đất đai, tạo nên những “mảng đặc” trong đô thị, gây khó khăn lớn về dài hạn trong cải tạo chỉnh trang đô thị, mở đường giao thông, phát triển các không gian mở theo hướng gia tăng các khoảng trống, không gian xanh, không gian công cộng đô thị.
Về hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và các không gian trống: Khu vực đô thị trung tâm đã được quan tâm đầu tư phát triển, nhưng không theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số, lao động, dẫn tới quá tải cơ sở hạ tầng xã hội, chỉ tiêu rất thấp so với quy chuẩn.
Trong đó, các không gian mở, không gian trống, không gian cây xanh, mặt nước còn rất hạn chế, chỉ tiêu thấp, không đạt yêu cầu của đô thị, chưa đáp ứng yêu cầu người dân đô thị, môi trường đô thị còn ô nhiễm.
Về giao thông công cộng và phương thức dịch chuyển: Các không gian xây dựng, mật độ xây dựng và đặc biệt là sự hình thành rất nhiều công trình cao tầng tại khu vực đô thị trung tâm vượt quá tốc độ phát triển của hệ thống hạ tầng đô thị, đặc biệt là giao thông đang tạo nên các áp lực, ùn tắc giao thông thường xuyên.
Nhiều các công trình cao tầng độc lập phát triển xen cấy trong đô thị hiện hữu, ảnh hưởng đến không gian cảnh quan đô thị, các công trình phát triển chức năng hỗn hợp xen kẹt, mặc dù được kiểm soát không làm tăng dân số (người ở) nhưng lại là điểm thu hút, gia tăng dân số lao động không theo quy hoạch, do vậy, gia tăng tổng thể dân số làm ảnh hưởng rất lớn tới hệ thống hạ tầng giao thông.
Hạ tầng giao thông công cộng đã được đầu tư, phát triển hệ thống đường sắt đô thị (MRT), đã góp phần thay đổi phương thức đi lại, được người dân ủng hộ, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD).
Tuy nhiên, hiện chưa hoàn thiện hệ thống, mạng lưới, nên chưa tạo nên tác động lớn đối với thay đổi phương thức đi lại. Phương thức di chuyển chủ yếu vẫn là xe máy do có khả năng linh hoạt, tiếp cận được mọi khu vực đô thị.
Về hạ tầng và môi trường: Mặc dù đã có sự đầu tư phát triển lớn đáng kể, tập trung nguồn lực trong thời gian qua, tuy nhiên các vấn đề ách tắc giao thông, ngập lụt đô thị, vẫn thường xuyên xảy ra, mất điện, mất nước còn xảy ra.
Không còn nhiều quỹ đất cho phát triển hạ tầng đô thị, diện tích các bãi đỗ xe thiếu, công tác giải tỏa mở đường rất tốn kém, nguồn lực, thời gian kéo dài, chưa đồng bộ nên chưa tạo nên được khung giao thông tổng thể, các tuyến vành đai 1, vành đai 2,5… chưa được hoàn thiện kết nối các tuyến hướng tâm.
Chất lượng môi trường đô thị bị ô nhiễm, ô nhiễm không khí đô thị rất nghiêm trọng, vấn đề về đảo nhiệt đô thị, các không gian tái tạo môi trường như không gian mở, không gian công cộng, công viên vườn hoa còn được đầu tư chưa nhiều. Vấn đề bê tông hóa không gian đô thị, thiếu các không gian thấm cho đô thị, thiếu các yếu tố giúp giảm tác động biến đổi khí hậu như không gian xanh, công viên, vườn hoa, mặt nước…
3. Dự thảo định hướng và tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 liên quan đến phát triển các không gian xanh, không gian công cộng đô thị
Dự thảo Quy hoạch thủ đô Hà Nội đã xác định các quan điểm chung phát triển Thủ đô; Quan điểm phát triển không gian; Mục tiêu tổng quát; Mục tiêu cụ thể; Các khâu đột phá và Định hướng phát triển các ngành lĩnh vực và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế. Các nội dung đề cập bao trùm, toàn diện đã đề cập rất nhiều vấn đề, xác định cấc phương hướng phát triển các ngành lĩnh vực, trong đó có đề cập nhiều đến các nội dung, định hướng liên quan đến phát triển đô thị xanh, không gian công cộng, không gian xanh.
Về quan điểm phát triển không gian: Xác định thúc đẩy phát triển các không gian công cộng, không gian xanh, cây xanh, mặt nước đô thị là 2/4 quan điểm liên quan, cụ thể:
+ Khai thác toàn diện, phân bố không gian phát triển hài hòa, hợp lý, có tính kết nối cao. Phát triển không gian theo chiều cao trên mặt đất, hạ thấp tỷ lệ diện tích đất cho xây dựng, tăng không gian xanh, không gian công cộng, bảo vệ không gian sông hồ, cảnh quan mặt nước; khai thác không gian ngầm để phát triển các dịch vụ đô thị, các công trình hạ tầng kỹ thuật và giao thông công cộng có khối lượng vận chuyển lớn; phát triển không gian số là nền tảng cho phát triển đô thị thông minh và kinh tế số; tạo lập không gian văn hóa để đưa văn hóa thành nguồn lực và động lực phát triển bền vững, mang bản sắc Hà Nội.
+ Mở rộng không gian đô thị xanh, hiện đại, thông minh, xây dựng đô thị đặc sắc kết hợp cây xanh, mặt nước, văn hóa, lịch sử hòa quyện với các lợi thể cảnh quan thiên nhiên có chất lượng môi trường cao, có sức thu hút những tinh hoa trong và ngoài nước đến sinh sống và làm việc, xây dựng và phát triển Thủ đô.
Về 5 khâu đột phá: Xác định phát triển không gian sông hồ là 1/5 khâu đột phá liên quan đến, bao gồm: Thể chế; Phát triển hạ tầng; Nguồn lực nhân văn; Mô hình đô thị TOD; Không gian sông, hồ. Cụ thể xác định: “Khai thác không gian hồ và các dòng sông vừa tạo cảnh quan đặc trưng riêng có của Thủ đô xanh, sinh thái, vừa tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển bền vững, vừa tạo không gian du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng đáp ứng nhu cầu khách du lịch và người dân đô thị”.
Về 6 trụ cột phát triển: đã xác định đô thị xanh, kinh tế tuần hoàn là 1/6 trụ cột phát triển thủ đô Hà Nội gồm: Văn hóa và di sản; Thể chế và năng lực quản trị; Đô thị xanh, kinh tế tuần hoàn; Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, việc làm; Hạ tầng giao thông vận tải hiện đại; Xã hội số, đô thị thông minh, kinh tế số.
Về định hướng về không gian hoạt động kinh tế xã hội Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 đã xác định không gian công cộng, không gian xanh là 1/5 không gian chính gồm: Không gian xây dựng ngầm; Không gian số; Không gian văn hóa; Không gian trên mặt đất và Không gian công cộng. Cụ thể, “Không gian công cộng (không gian xanh) phát triển hệ thống công viên, cây xanh, mặt nước của Thủ đô bền vững, đáp ứng mục tiêu quy hoạch và tạo bản sắc đô thị. Phát triển không gian xanh Thủ đô Hà Nội bao gồm các hành lang xanh, vành đai xanh, nêm xanh, đô thị sinh thái, công viên sinh thái, khu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, vùng trồng hoa, vùng bảo tồn cây xanh, trục cảnh quan”. (Trích báo cáo Quy hoạch Thủ đô 14/9/2023).
4. Phát triển, kết nối các không gian xanh, không gian công cộng đô thị trung tâm
Phát triển Đô thị xanh (Green Cities) là một trong các giải pháp cụ thể hóa quan điểm phát triển trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.
Các tiêu chí cho đô thị xanh gồm: Không gian xanh; Công trình xanh, Giao thông xanh, Công nghiệp xanh, Môi trường xanh, Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, các danh lam thắng cảnh, Dân cư xanh.
Cụ thể hóa chiến lược Hà Nội xanh gồm: Chiến lược hành lang xanh 60-40; Trục không gian xanh sông Hồng; Vành đai xanh sông Nhuệ; Mạng lưới nêm xanh, vành đai xanh; Phát triển đặc trưng sông hồ, mặt nước, công viên cây xanh; Phát triển chiến lược đô thị, kiến trúc, hạ tầng xanh gắn với phát triển kinh tế xanh, xã hội xanh.
Đối với cấu trúc đô thị trung tâm: Cần có giải pháp cụ thể kiểm soát phát triển các cấu trúc tự nhiên, không gian xanh, không gian mở tại các khu vực đã được xác lập trong định hướng Quy hoạch chung 1259 như: Vành đai xanh sông Nhuệ và các nêm xanh; trục không gian, cảnh quan sông Hồng. Hệ thống các công viên, mặt nước hiện hữu cũng cần được bảo vệ, cải tạo chỉnh trang, đặc biệt cần tạo nên các kết nối không gian hoặc liên kết theo tuyến giao thông xanh (xe đạp, xe điện, đi bộ…) giữa các không gian mở, hành lang sông, công viên, vườn hoa…với các không gian công cộng, quảng trường, kết nối các điểm trung chuyển (Hub) của giao thông công cộng (MRT, BRT, Bus)…
+ Trục không gian, cảnh quan sông Hồng đoạn qua đô thị trung tâm dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.
+ Vành đai xanh sông Nhuệ gắn với hành lang xanh trong khu vực giáp đô thị trung tâm và các kết nối mới không gian xanh trong đô thị trung tâm bảo vệ nghiêm ngặt không gian mặt nước cây xanh hiện có đảm bảo không lấn chiếm.
Vành đai xanh sông Nhuệ trong Quy hoạch phân khu đô thị GS và cấu trúc không gian sông Hồng đoạn qua đô thị trung tâm (Nguồn: Internet)
+ Đối với hệ thống ao hồ, mặt nước cần được bảo vệ và tiếp tục phát triển mở rộng tại đô thị trung tâm, đặc biệt trong khu vực làng xóm đô thị hóa. TP Hà Nội đã có văn bản số 1614/QĐ-UBND ngày 20/3/2023 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn TP Hà Nội. Đây là cơ sở quan trọng giúp Hà Nội tạo tiền đề quản lý và bảo vệ các không gian mặt nước trong địa bàn thành phố và đô thị trung tâm.
5. Khuyến nghị về một số kinh nghiệm phát triển cải tạo, tái thiết các không gian xanh, không gian công cộng và công viên vườn hoa đô thị trung tâm với sự tham gia cộng đồng
Để thực hiện các mục tiêu và định hướng phát triển không gian công cộng, không gian xanh đô thị cần xem xét các kinh nghiệm quốc tế gắn với bối cảnh chung, các định hướng cần đồng bộ nhằm thúc đẩy hiệu quả các chính sách, giải pháp. Các kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn cho thấy, giải pháp cải tạo tái thiết các không gian công cộng, không gian xanh, công viên, vườn hoa trong đô thị rất cần sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp:
- Nâng cao nhận thức cộng đồng trong kế hoạch “ReLeaf” (2022) tại TP Cedar Rapids, USA, là dự án có sự tham gia cộng đồng, doanh nghiệp với mục tiêu trồng lượng lớn cây xanh (669.000 cây xanh) tại thành phố sau thảm họa bão đã tàn phá thành phố năm 2021. Chính quyền thành phố xây dựng kế hoạch táo bạo này với sự tham gia của tổ chức xã hội, chính quyền và cộng đồng dân cư
Sứ mệnh của dự án ReLeaf Cedar Rapids là cam kết xây dựng lại những tán cây có khả năng phục hồi, chủ yếu là cây bản địa, bảo tồn sự đa dạng của thực vật trên toàn thành phố và đặc điểm riêng biệt của khu vực lân cận, đồng thời nỗ lực hạn chế biến đổi khí hậu, tăng công bằng xã hội, khuyến khích tình nguyện, phát triển nguồn nhân lực và giáo dục.
Kế hoạch cũng tăng cường sự hiểu biết khái niệm cho cộng đồng về cảnh quan dựa trên “lát cắt” để hiểu về cảnh quan dựa trên chủ yếu là hệ thống thực vật và động vật từ tự nhiên đến đô thị. Với khu vực tự nhiên sẽ có ít dấu ấn của con người và khu vực đô thị hoàn toàn do con người tạo ra và khu vực nông thôn là nơi con người quản lý thiên nhiên. Đây là cách tiếp cận đặt cộng đồng vào vai trò người ra quyết định với mức độ hiểu hiết về cảnh quan, thực vật, công viên cây xanh… từ đó nâng cao ý thức của người sử dụng, hưởng lợi từ dự án.
Lát cắt cây xanh từ tự nhiên đến đô thị.
- Phát triển công viên, vườn hoa trong dự án Midtown, Tokyo, Japan
Hệ thống tái phát triển đô thị tại Tokyo bao gồm 04 hệ thống: (1)Quy hoạch để xác định các khu vực khuyến khích tái phát triển đô thị; (2)Cụ thể hóa khối tích; (3)Sử dụng đất tăng cường; (4)Thiết kế toàn diện.
Hệ thống này được xây dựng dựa trên Tầm nhìn quy hoạch mới cho TP Tokyo năm 2021 nhằm thúc đẩy sự phát triển môi trường đô thị thông qua bãi bỏ các hạn chế xây dựng như hệ số sử dụng đất (FAR: Floor Area Ratio)[7][8][2], chiều cao xây dựng và góc vát tầm nhìn đối với công trình.
Theo đó, các công trình có thể tổ chức xây dựng cao hơn, tập trung hơn nhằm tạo nên các quỹ đất trống phát triển các không gian mở, không gian công cộng dành cho cộng đồng theo cơ chế phát triển các không gian công cộng thuộc sở hữu tư nhân POPS.
Midtown là một dự án tái thiết đô thị tại trung tâm TP Tokyo, với quy mô hơn 10ha, dự án đã áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi trong chương trình tái thiết đô thị thành phố và khái niệm pháp lý về chuyển nhượng quyền phát triển (TDR, AirRight Sale) và phát triển các không gian công cộng thuộc sở hữu tư nhân POPS (Privately Owned Public Spaces)[2] để kiến tạo nên không gian mở chia sẻ cho cộng đồng gắn với công viên công cộng Hinokicho Park rộng 4ha.
Sự thành công của dự án Midtown không chỉ là chính sách tạo ra quỹ đất phát triển công viên vườn hoa, không gian mở cho cộng đồng mà còn là sự tham gia của cộng đồng ở mức độ cao nhất khi góp phần xây dựng nên đặc trưng của công viên, cộng đồng mà do chính cộng đồng đó thụ hưởng ngày từ giai đoạn thiết kế và giám sát xây dựng cũng như hoạt động của nó.
- Cơ chế ưu đãi trong phát triển đô thị, chính sách về diện tích cảnh quan thay thế (LRAs) và phát triển công trình xanh tại Singapore
Singapore là một quốc gia, một thành phố có chính sách và thực tiễn thành công phát triển công viên, vườn hoa, cây xanh trong chiến lược phát triển đô thị xanh, công trình xanh quốc gia. Sự thành công của Singapore có nhiều yếu tố nhưng một trong những thành công là những chính sách phát triển đô thị gắn với mục tiêu tạo nên hình ảnh đô thị gắn liền với cây xanh, không gian xanh, mảng xanh. Công cụ chính trong chính sách phát triển đô thị là quản lý diện tích sàn xây dựng hay hệ số sử dụng đất (FAR), thu phí trên diện tích sàn xây dựng (còn được gọi là phí phát triển - DC: Development Charge) và URA (Cơ quan tái phát triển đô thị) cũng đã đề xuất xây dựng các chính sách ưu đãi, miễn giảm từ chính các diện tích sàn được quản lý này.
Đối với các không gian xanh bao gồm không gian xanh mặt đất, trên mái nhà, diện tường mặt đứng công trình cũng được quan tâm và có các chính sách gắn với các chiến lược hiệu quả trong một tinh thần “thành phố trong rừng” như phát triển không gian xanh tại tầng trệt, hướng đến ưu đãi FAR khi chủ đầu tư thực hiện xây dựng các không gian xanh tầng 1 hoặc tầng mái bằng những quy định cụ thể về việc miễn giảm thuế khi thay đổi cách tính diện tích sàn xây dựng cho các chức năng đó.
Kinh nghiệm Singapore cho thấy sự tác động của các chính sách phát triển đô thị đối với nhà đầu tư trong phát triển đô thị, đặc biệt là các công trình khu vực trung tâm đô thị. Vai trò đại diện lợi ích và sự thụ hưởng của cộng đồng đã được URA nghiên cứu đề xuất và quản lý hiệu quả đối với các nhà đầu tư phát triển bất động sản.
- Các bước tham gia cộng đồng trong dự án thí điểm vườn hoa Thanh niên, TP Hà Nội
Để có sự tham gia cộng đồng hiệu quả trong bước thiết kế, một kế hoạch triển khai với 03 bước chính đã được thực hiện gồm 1) Khảo sát hiện trạng, đề xuất giải pháp thiết kế KTCQ; 2) Tham vấn ý kiến cộng đồng đánh giá, lựa chọn giải pháp trực tiếp và online 3) Hoàn thiện giải pháp lựa chọn, thiết kế chi tiết, đánh giá kinh tế kỹ thuật.
Sự thành công của dự án thí điểm ở bước thiết kế là ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2, trong đó: + Giai đoạn 1, với sự giúp sức từ cộng đồng đã cho thấy bức tranh khác về địa điểm nghiên cứu với lịch sử, văn hóa và các yếu tố phi vật thể khác cũng như cảm nhận, mong muốn của cộng đồng thụ hưởng; + Giai đoạn 2, sử dụng phương pháp báo cáo các giải pháp, lấy ý kiến cộng đồng, lựa chọn giải pháp khả thi nhất. Nhóm đã có 03 phương án đề xuất ý tưởng và giải pháp kỹ thuật và đã được cộng đồng góp ý đưa ra những nhận xét về tính khả thi của từng phương án và lựa chọn phương án hiệu quả nhất. Đây là một quá trình tương tác quan trọng nhằm ra quyết định và cộng đồng đã được tham gia ở mức cao nhất.
Mặt cắt vườn hoa Thanh niên sau khi được cải tạo.
Sự tham gia cộng đồng dân cư phường Yên Phụ tại buổi báo cáo phương án.
Với chức năng phục vụ cho nhiều đối tượng trong cộng đồng dân cư của đô thị, các giải pháp thiết kế, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan cho hệ thống các công viên công cộng cần có tư duy đổi mới. Trong đó, cần nhấn mạnh sự tham gia tối đa và hiệu quả hơn của cộng đồng dân cư ở tất cả các bước từ thu thập số liệu, nhu cầu, mong muốn cho đến nghiên cứu đề xuất các phương án thiết kế, đóng góp lựa chọn phương án thiết kế, nhằm tăng sự ủng hộ, tích tham gia, vận hành trong giai đoạn xây dựng và sử dụng vườn hoa.
Kết luận
Phát triển, cải tạo và tái thiết của các không gian công cộng, không gian xanh, vành đai xanh của đô thị trung tâm, đặc biệt là khu nội đô lịch sử và khu nội đô mở rộng nằm trong các mục tiêu tham vọng phát triển Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 và xa hơn nữa.
Dựa trên các phân tích, đánh giá về thực trạng, thách thức phát triển càng cho thấy khả năng tạo nên một kỳ tích, sự thay đổi căn bản về cảnh quan không gian đô thị, tạo lập môi trường sống bền vững, nâng cao chất lượng môi trường, tạo lập các không gian tái tạo sức lao động cho người dân Thủ đô Hà Nội thì không có gì khác là phải có định hướng phát triển, cải tạo và tái thiết các không gian xanh, không gian công cộng, công viên, vườn hoa đô thị trung tâm, đặc biệt các khu vực phát triển dày đặc, khu vực làng xóm đô thị hóa.
Các giải pháp cần được tiếp cận từ góc độ vĩ mô đến vi mô, cụ thể giải pháp từ quan điểm giữ lại các cấu trúc của các không gian xanh, hành lang xanh, vành đai xanh đến gìn giữ, phát triển, kết nối cấc không gian mặt nước, cây xanh trong đô thị. Song song với đó cần có các giải pháp thu hút đầu tư, sự tham gia cộng đồng trong cải tạo tái thiết các hệ thống công viên, vườn hoa, cũng như sự tham gia chia sẻ, xã hội hóa các không gian công cộng của tư nhân cho cộng đồng (POPS) theo kinh nghiệm quốc tế, cần được thể chế hóa.
Các giải pháp, gợi ý về chính sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội cũng cần được xem xét với các nội dung điều khoản phù hợp trong Luật Thủ đô và các cơ chế đặc thù khác nhằm tạo nên hành lang pháp lý phù hợp, hợp pháp trong thực hiện các định hướng chiến lược phát triển của thành phố, trong đó có sự chia sẻ, phân cấp, giao chịu trách nhiệm với các chính sách mới, thu hút nguồn lực xã hội trong thực hiện các định hướng, chiến lược phát triển của TP.
PGS.TS.KTS LÊ QUÂN
Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.