Phát triển đô thị biển bền vững
MTXD - Đô thị biển đều do con người tạo dựng ra để phục vụ con người với nhiều mục đích khác nhau. Đô thị biển đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho con người, tuy nhiên, quá trình thiết kế xây dựng và sử dụng có hiệu quả và bền vững không? Còn rất nhiều vấn đề cần bàn luận.
Tổng quan về đô thị biển
Sự hình thành và phát triển đô thị biển:
Biển là một đặc ân của thiên nhiên, con người từ rất sớm đã biết dựa vào biển để phát triển. Theo quy luật, đô thị biển có thể được hình thành từ một làng chài, một bến tàu, cảng biển, khu nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, chế xuất, công trình nghiên cứu khoa học, một điểm đồn trú (tiền tiêu) mục đích phục vụ quân sự... Có nhiều đô thị biển ở Việt Nam được hình thành và phát triển dần dần qua thời gian khá dài như Nha Trang, Vũng Tàu... nhưng cũng có những đô thị được quy hoạch và xây dựng phát triển nhanh chóng trong thời gian rất ngắn như Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (đảo Phú Quốc, Kiên Giang).
Ngày nay, có thể thấy các đô thị ven biển được phát triển rất đa dạng, có thể là đô thị có chức năng chuyên biệt là du lịch hay cảng biển hoặc là đô thị có chức năng tổng hợp là trung tâm hành chính, du lịch, và cảng biển... Đô thị có thể phát triển theo các dải đất ven biển, cũng có thể phát triển trên các vịnh, hay đảo lớn, nhỏ. Do nhu cầu phát triển ngày càng lớn, quỹ đất hạn chế nên một số đô thị có xu hướng lấn biển làm tăng thêm quỹ đất đô thị như Rạch Giá - Kiên Giang, Hạ Long - Quảng Ninh.(hình 1)
Hình 1: Nguồn sơ đồ : [3]. TP Nha Trang, Phú Quốc. (Ảnh internet)
Những hình thái kiến trúc và mô hình phát triển đặc trưng của các đô thị biển:
Đô thị cảng biển, công trình xây dựng mật độ khá cao khu vực cảng, là các công trình thương mại và hậu cảng, các khu dân cư phát triển ở các không gian lân cận, vừa là khu vực cung cấp lao động cho khu cảng, đồng thời cũng cung cấp các dịch vụ hậu cảng, kết hợp thương mại, du lịch. Theo Trịnh Minh Hiếu đã tổng hợp “Các dạng mô hình phát triển như đô thị du lịch bền vững, đô thị sinh thái, đô thị sáng tạo, trung tâm tài chính quốc tế và đô thị cảng thông minh được xây dựng khắp tại các khu vực đới bờ trên thế giới và trở thành các “cửa ngõ” của các quốc gia” [1].
Có những thành phố cảng được hình thành dần theo quá trình lịch sử lâu dài như một số thành phố châu Âu như Roterdam, Marseille, Le Havre.., nhưng cũng có những thành phố biển được quy hoạch và xây dựng, phát triển thành siêu đô thị chỉ mới mấy thập niên gần đây như Thẩm Quyến - Trung Quốc, là khu kinh tế tập trung quy mô lớn đầu tiên của Trung Quốc, hiện nay đã trở thành là một trong những siêu đô thị cảng lớn nhất thế giới.(hình 2)
Hình 2: Thành phố Thâm Quyến - Trung Quốc. (Ảnh internet)
Marseille là một bến cảng lịch sử tại khu vực Địa Trung Hải và là cửa ngõ chính đưa hàng hóa vào nước Pháp. Yokohama với hơn 3,7 triệu dân cư, chỉ sau Tokyo, là một thành phố cảng đồng thời là một đô thị sinh thái nổi bật với thành công giảm 38,7% lượng rác thải trong khoảng thời gian từ năm 2001 -2007 mặc dù là thành phố cảng lớn, đông dân nhưng Yokohama có chính sách bảo tồn không gian xanh và hài hoà không gian sống tốt cho người dân đô thị.[1](hình 3)
Hình 3: Yokohama, MM21 được xem là dự án “cửa ngõ” của đảo quốc Nhật Bản. [1](Ảnh internet)
Nhiều đô thị cảng biển trở thành các trung tâm tài chính lớn (CBD) xây dựng theo mô hình đô thị nén như New York (Mỹ), Hongkong, Brisbane (Úc), Singapore...
Đô thị du lịch biển cũng đã và đang được phát triển khắp các quốc gia có biển trên thế giới, ngoài những không gian du lịch biển kết hợp ở các đô thị có chức năng tổng hợp, nhiều khu vực có những bãi tắm đẹp, cảnh quan thiên nhiên và có nền văn hoá bản địa độc đáo cũng được quy hoạch thành các đô thị du lịch. Đô thị du lịch biển có hệ sinh thái gắn với thiên nhiên và cảnh quan của khu vực, được tổ hợp nhiều khu nghĩ dưỡng, khách sạn và các khu vui chơi quy mô tuỳ theo điều kiện phát triển của mỗi quốc gia và mỗi địa phương.(hình 4)
Hình 4: Thành phố Brissbane - Úc [1](Ảnh internet)
Đô thị du lịch biển thường được xây dựng tập trung theo những dải đất bằng phẳng ven biển, là những khu vực có những bãi cát đẹp, với những cảnh quan thiên nhiên đặc trưng. hầu hết các công trình hướng biển, càng ngày người ta càng có nhiều biện pháp thiết kế để tận dụng tối đa các không gian hướng biển. Sự cạnh tranh để dành những quỹ đất ven biển, ngày càng khó khăn.
Đô thị biển đảo: Một số quốc gia có đảo thích hợp cho phát triển các hoạt động kinh tế biển cũng được khai thác phát triển. Thậm chí là quốc đảo Singapore, là một thành phố cũng là một quốc gia trên đảo, Singapore khai thác tối đa tiềm năng của đảo cho cảng biển container, và du lịch, trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu thế giới. Maldive cũng là một quốc đảo có quy mô khá nhỏ, chủ yếu phát triển du lịch, Indonesia nổi tiếng thế giới với đảo Bali, một thiên đường du lịch biển... và Việt Nam cũng đang quan tâm phát triển du lịch đảo, trong đó đảo Phú Quốc đã được phát triển là một thành phố loại II, chủ yếu được tập trung phát triển kinh tế du lịch, là một đảo có quy mô gần tương đương với Singapore, đã bắt đầu được đầu tư theo hướng thành phố du lịch sinh thái, thông minh và phát triển bền vững.(hình 5)
Hình 5: Singapore. (Ảnh internet)
Thương hiệu của mỗi đô thị biển là hình ảnh và ấn tượng về đô thị, được tích hợp từ điều kiện cảnh quan tự nhiên, công trình kiến trúc, bố cục quy hoạch, điểm nhấn công trình, văn hóa bản địa, thái độ dịch vụ, cộng đồng thân thiện, ẩm thực đặc trưng vệ sinh môi trường, điều kiện hạ tầng xã hội - kỹ thuật, và an ninh an toàn. Trong đó hình ảnh công trình kiến trúc cảnh quan và cộng đồng thân thiện thường để lại dấu ấn nhiều nhất. Các công trình kiến trúc được thiết kế tiêu biểu kết hợp với cảnh quan thiên nhiên đặc biệt của riêng khu vực đó sẽ trở thành hình ảnh thương hiệu của thành phố để quảng bá và là dấu ấn đáng nhớ của đô thị đó.(hình 6)
Hình 6: TP Đà nẵng. (Ảnh internet)
Mối quan hệ xã hội trong đô thị biển
Chỉ quốc gia có biển mới phát triển đô thị biển, và mỗi quốc gia có biển cũng chỉ có một không gian giới hạn nhất định. Do đó, sự cạnh tranh để sử dụng tài nguyên biển, đặc biệt là không gian trực tiếp với biển dễ gây nên sự bất bình đẳng và công bằng trong xã hội. Hầu hết những không gian thuận lợi cho cảng biển sẽ được phát triển và xây dựng dày đặc các công trình hậu cảng với quy mô khá rộng, hoặc không gian đẹp thuận lợi cho du lịch cũng được ưu tiên cho các nhà đầu tư du lịch, nhiều khu vực đã bị các công trình khách sạn có quy mô lớn chiếm hết không gian biển, thậm chí cộng đồng dân cư cũng không thể được tiếp cận với biển tại chính địa phương của họ.
Thời kỳ phát triển nóng, nhiều thành phố biển trên thế giới cũng thiếu kiểm soát và bị tình trạng nêu trên, hiện đang phải cải tạo để khắc phục những bất cập đó. Ở Việt Nam, điển hình như Đà Nẵng, hàng chục ki-lô-mét dải ven biển được giao cho các nhà đầu tư xây dựng khu du lịch, cộng đồng khó tiếp cận được biển, các bãi biển trở thành sở hữu riêng của khu du lịch… Đây không chỉ mất công bằng đối với cộng đồng địa phương mà còn hạn chế cơ hội giao lưu văn hoá giữa người dân địa phương (gọi là chủ thể), với khách du lịch (gọi là khách thể).Quá trình lịch sử phát triển, sự dịch chuyển dân cư giữa các vùng khác nhau, giữa dân cư đô thị, nông thôn… tạo ra dân cư hiện tại có đặc điểm pha trộn nhiều hay ít. Từ đó, có những đặc điểm văn hoá, nhân văn của từng khu vực, những dấu ấn của lịch sử, văn hoá, sự giao lưu xã hội của dân bản địa với khách du lịch... Sự giao lưu giữa người dân bản xứ với khách du lịch từ nhiều vùng văn hoá khác nhau trên thế giới sẽ tác động, hình thành những yếu tố văn hoá mới.
Các hoạt động xã hội của khách du lịch với dân cư bản địa tạo ra một mối quan hệ hữu cơ tương hỗ để phát triển như khách du lịch tăng sẽ là tạo việc làm cho dân đô thị. Du lịch sinh thái cộng đồng ven biển đang là xu thế hấp dẫn khách du lịch và là môi trường giao lưu gần gũi nhất giữa cộng đồng địa phương với khách du lịch. "Tiếp cận sản phẩm biển thân thiện với môi trường và lấy cộng đồng ven biển là trung tâm... cách tiếp cận này đạt 2 mục tiêu là xã hội và môi trường, cả hai mục tiêu này hỗ trợ lẫn nhau"[7].
Để khắc phục những sai lầm trong quá khứ đối với cộng đồng, Pháp đã thực hiện siêu dự án mang lại “vị thế toàn cầu” Euroméditerranée hiện vẫn đang thay đổi bộ mặt và mô hình phát triển của đô thị cảng Marseille hàng ngày, cùng với trung tâm tài chính khu vực trung tâm (Central Business District - CBD) mới gần với khu vực cảng biển. Hai dự án này giúp giải thoát cho khu vực bị chiếm đóng bởi cảng biển và kho bãi trước đây và mang lại cơ hội tiếp cận đường bờ cho người dân [1].
Đặc điểm và thực trạng của đô thị biển Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia có biển, với hơn 3.200 km chiều dài bờ biển, có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và hàng nghìn đảo lớn nhỏ, vũng, vịnh với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp. Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới ôn hoà, nhất là khu vực phía Nam, nắng ấm nhẹ và mát mẻ quanh năm rất thuận lợi cho các hoạt động kinh tế biển đa dạng. Hiện có 28/63 tỉnh thành Việt Nam có biển, và có khoảng 40 đô thị biển lớn, nhỏ dọc theo bờ biển đã và đang phát triển, trong đó có thành phố lớn nhất là TP.HCM (đô thị đặc biệt), thành phố cảng lớn như Hải Phòng (thành phố loại I trực thuộc Trung ương), Đà Nẵng (thành phố loại I trực thuộc Trung ương), thành phố du lịch biển Hạ Long (đô thị loại I) có vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới, thành phố du lịch biển Nha Trang (đô thị loại I) có vịnh đẹp được thế giới xếp hạng...; đặc biệt là đô thị biển đảo Phú Quốc (đô thị loại II). Ngoài ra Việt Nam đã và đang phát triển 15 khu kinh tế tập trung ven biển với quy mô lớn, như Vân Đồn - Quảng Ninh, Nghi Sơn - Thanh Hoá, Chân Mây - TT-Huế, Chu Lai - Kỳ Hà - Quảng Nam, Dung Quất - Quảng Ngãi, Vịnh Vân Phong - Khánh Hoà... đây là tiền đề tạo lập nên những đô thị biển lớn trong tương lai.
Hệ sinh thái tự nhiên của các đô thị ven biển Việt Nam có những đặc điểm, có độ chuyển tiếp của các hệ sinh thái tự nhiên từ núi xuống biển có từng lớp kế tiếp nhau, hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên núi đá vôi (có nhiều nơi núi cận biển), rừng ngập mặn, thềm lục địa, sinh thái đảo và bán đảo, sinh thái ngầm: san hô, cỏ biển, sinh thái vũng vịnh, sinh thái đại dương, chế độ thuỷ triều, sóng biển, chế độ về độ mặn của nước biển, độ sâu, độ trong của biển, hệ sinh thái cưả sông với biển... Mỗi đô thị được cấu trúc tại những vị trí địa lý khác nhau, có đô thị có bờ biển phẳng lặng, với dạng địa hình đơn giản ví dụ như TP Sầm Sơn, TX Cửa Lò, một số đô thị có vị trí địa lý và địa hình rất phức tạp với nhiều vũng vịnh lồi lõm... như TP Hạ Long. Có đô thị trực tiếp với nhiều phía biển như TP Vũng Tàu, TP Đà Nẵng... Mỗi đô thị cận biển với những vị trí hệ kinh độ và vĩ độ khác nhau, chịu ảnh hưởng của hệ sinh thái của trái đất khác nhau như ảnh hưởng của hướng gió, hướng nắng... cũng như chế độ khí hậu, chế độ thủy triều của mỗi vùng miền khác nhau.
Ngoài ra, còn có một số đặc điểm của quy luật tự nhiên như về địa hình, do sự vận động của hệ sinh thái tự nhiên, như trục quay của trái đất, cường độ sóng biển, những dòng hải lưu thay đổi, sự vận động địa chấn, gió biển và gió từ lục địa... có tính chất kiến tạo thành vùng ven biển có rất nhiều dạng địa hình khác nhau, có vùng bồi, vùng lở.
Thực trạng:
Các đô thị ven biển Việt Nam hiện đang phát triển khá nóng, với sự tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cảng biển, các khu du lịch trung, cao cấp khắp từ Bắc vào Nam. TP Hải Phòng phát triển khu vực cảng Container quốc tế Tân Cảng, xây dựng cầu từ Lạch Huyện ra Cát Bà; TP Đà Nẵng phát triển đô thị dọc ven biển Mỹ Khê kéo dài hàng chục ki-lô-mét; TP Nha Trang cũng không ngừng mở rộng và phát triển các khách sạn cao cấp dày đặc dọc trục Trần Phú ven biển, khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh cũng đã dần hình thành những không gian đô thị du lịch quốc tế cao cấp.
Phát triển nhanh nhất là TP Phú Quốc, chỉ trong một thời gian ngắn khoảng 10 năm trở lại đây, các khu vực xây dựng tập trung của Phú Quốc khu vực phía Bắc và Nam, cũng như khu vực Bãi Dài đã được xây dựng quy mô lớn, hạ tầng cơ sở như sân bay quốc tế, cảng biển cũng được đầu tư đáng kể, kết hợp với điều kiện thuận lợi của khí hậu, đã tạo sức hút du lịch mạnh mẽ.(hình 7)
Hình 7: Cầu Lạch, huyện Cát Bà; Khu du lịch Nam đảo Phú Quốc (Ảnh internet)
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, nhiều đô thị ven biển cũng còn đang có một số vấn đề tồn tại như sau: Các đô thị tập trung dành quỹ đất để đầu tư các cơ sở du lịch như khách sạn, khu nghỉ dưỡng dày đặc, nhưng rất thiếu các không gian cộng cộng. Việc đầu tư dàn trải nên hạ tầng kỹ thuật đô thị không được đồng bộ và đầy đủ. Giao đất phía mặt biển quá mức, gây mất cân bằng và công bằng cho dân cư bản địa. Thiếu thiết kế đô thị, do đó nhiều kiến trúc không gian đô thị biển chưa thực sự đẹp, chưa tạo được điểm nhấn và ấn tượng cho đô thị. Một số khu vực đất vàng ven biển đã giao dự án, nhưng chậm thực hiện do đó gây nên sự lãng phí đất đai đô thị. Khai thác cạn kiệt hệ sinh thái ven bờ, bởi sự tập trung mật độ du lịch quá cao, môi trường xả thải không kiểm soát tốt, ảnh hưởng đến chất lượng vùng biển. Một số khu vực lấn biển tạo thêm quỹ đất đô thị, du lịch gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái ven bờ, cảnh quan, và không gian chung. Chưa có biện pháp tốt ứng phó với biến đổi khí hậu, do đó trong thời gian qua đã phải chịu nhiều tác động của thiên tai, bão lũ, do biến đổi khí hậu. Một số đô thị chưa thật sự quan tâm đến thẩm mỹ các công trình tiện ích đô thị như các công trình vệ sinh công cộng, thu gom rác, trạm kỹ thuật... Hệ thống chiếu sáng đô thị biển cũng rất quan trọng, góp phần tạo hình ảnh đô thị. Kiến trúc cầu cảnh quan trong đô thị biển chưa được quan tâm thích đáng.
Tiềm năng và thời đại kinh tế số 4.0
Với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số, Việt Nam là một trong những quốc gia được đánh giá, có sự tiếp cận và phát triển khoa học kỹ thuật thông tin số nhanh và phổ cập rộng. Hầu hết các đô thị đã được phủ sóng internet, hệ thống thiết bị thông tin được đầu tư khá nhanh trong các công trình, đặc biệt là với các đô thị du lịch. Đây là một lợi thế tiềm năng, để hỗ trợ cho các đô thị nói chung và các đô thị ven biển nói riêng, có thể phát triển theo hướng đô thị sinh thái thông minh và bền vững.
Áp dụng khoa học công nghệ số vào việc quản lý đô thị, quản lý đất đai đô thị, dự án đầu tư, các công trình xây dựng, và các hoạt động của đô thị là xu hướng tất yếu. Trong bối cảnh hiện nay, biến đổi khi hậu, nước biển dâng, đang có nhiều biểu hiện cực đoan, tác động trực tiếp nhất vào đô thị ven biển (ví dụ như trận mưa lịch sử ngày 14/10/2022 gây ngập lụt đáng kể cho TP Đà Nẵng, là thành phố biển có chức năng tổng hợp cảng, du lịch, trung tâm hành chính chính trị, trung tâm vùng miền Trung…).
Đô thị áp dụng các thiết bị công nghệ số, sẽ hỗ trợ kiểm soát và cảnh báo các biểu hiện của thời tiết, mực nước biển, biểu hiện xói lở bờ biển, sự chuyển đổi sinh thái đới bờ vv.. Các đô thị cảng hay du lịch cũng sử dụng công nghệ số để điều hành lượng hàng hoá thông cảng, hay khách du lịch hợp lý hơn, tránh tình trạng ùn tắc, gây áp lực cho đô thị.
Một số khuyến nghị về chiến lược phát triển ĐTB Việt Nam
Về Quy hoạch
Quy hoạch đô thị ven biển cần đặt trọng tâm phục vụ con người trong đó có sự cân bằng đảm bảo cho người dân bản địa (chủ thể) và khách du lịch (khách thể).
Lựa chọn và phân bố quỹ đất hợp lý hài hoà đối với các mục tiêu kinh tế. Đảm bảo hệ thống không gian công cộng các cấp, bố trí nhiều quảng trường biển lớn, nhỏ cho đô thị.
Hạn chế bố trí các công trình mật độ quá dày đặc ven biển. Tăng cường tỷ lệ cây xanh sinh thái cho đô thị ven biển, đặc biệt cần có dải cây xanh phòng hộ bảo vệ bờ biển, như một khoảng cách an toàn. Hạn chế đường giao thông cơ giới hoạt động sát biển. Các công trình giao thông và dịch vụ hậu cảng đảm bảo an toàn môi trường cho dân cư đô thị. Dành một số quỹ đất dự trữ phát triển hợp lý.
Về Kiến trúc
Cần có thiết kế đô thị cho đô thị ven biển, đặc biệt là không gian trước biển. Các công trình kiến trúc trước biển cần có thiết kế phù hợp với điều kiện khí hậu và có tính sáng tạo, ấn tượng góp phần cho hình ảnh đặc trưng của đô thị.
Xác định các điểm nhấn công trình cho đô thị, đặc biệt là các không gian cửa ngõ, gần cảng biển, trung tâm quảng trường, v.v.. đảm bảo hiện đại và phù hợp với bản sắc địa phương.
Các công trình kiến trúc hướng vào tiêu chuẩn công trình Xanh và Thông minh. Chú trọng về thiết kế các công trình tiện ích trong đô thị như đèn trang trí, nhà vệ sinh công cộng, trạm kỹ thuật, điểm thu gom rác… đảm bảo có tính mỹ thuật.
Kiến trúc cầu và cảng biển trong đô thị biển cũng rất cần được sáng tạo đóng góp cho hình ảnh đẹp và độc đáo cho đô thị biển.
Về Quản lý đô thị biển
Kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng và phát triển đô thị biển, đặc biệt là trục ven biển thông qua quy chế quản lý đô thị toàn đô thị và khu vực cụ thể.
Quản lý sử dụng đất, phân loại và phân vùng kiểm soát. Quản lý tầng cao xây dựng và kiến trúc công trình trước biển đảm bảo không gian hợp lý cho toàn đô thị.
Quản lý cây xanh công viên đô thị đảm bảo diện tích và chủng loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu và thẩm mỹ đô thị.
Quản lý môi trường sinh thái đô thị, đặc biệt là môi trường bờ biển, bãi cát và đới bờ, kiểm soát ô nhiễm chất lượng nước biển.
Quản lý hệ thống thoát nước mưa, nước bẩn đảm bảo không làm ô nhiễm vùng biển của đô thị, đặc biệt là vùng cảng biển, cần có biện pháp quản lý về ô nhiễm xăng dầu của tàu bè nơi bến cảng.
Kiểm soát các hoạt động lấn biển tự phát, và các dự án lấn biển. Kiểm soát các hoạt động dịch vụ ven biển đảm bảo văn minh hài hoà thân thiện.
Tăng cường các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin 4.0 vào công tác quản lý, quản trị đô thị, nhất là hệ thống kiểm soát giao thông đô thị, kiểm soát an ninh, an toàn, kiểm soát các biểu hiện tác động của biến đổi khí hậu, ngập lụt đô thị, xói lở bờ biển, cảnh báo trước cho cộng đồng những biểu hiện của thời tiết, dịch bệnh...
Về cơ chế chính sách và tiêu chuẩn, quy phạm
Cần thiết phải có cơ chế riêng cho dải đất ven bờ biển, bởi đây là quỹ đất đặc thù và rất hạn chế có giá trị kinh tế rất cao. (không như các đất khác trong đô thị).
Để có thể tiết kiệm đất, và tránh xây dựng dàn trải, cần có tiêu chuẩn về chiều cao công trình ven biển theo cách riêng có thể xây dựng tập trung rất cao tạo điểm nhấn trước biển, tuy nhiên, đô thị ven biển phải có nhiều khoảng cách giữa các công trình. Tiêu chuẩn cho các quảng trường biển và bãi tắm công cộng lớn, nhỏ, với các khoảng cách hợp lý. Quy định về hạn chế giao thông cơ giới đi sát ven biển gây ô nhiễm môi trường và an toàn.
Bổ sung một số quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến áp dụng công nghệ thông tin 4.0 trong xây dựng, kiến trúc và quản lý đô thị thông minh.
Bổ sung một số quy chuẩn, tiêu chuẩn trong quy hoạch, xây dựng công trình ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu và dịch bệnh...
Tóm lại, đô thị ven biển là đô thị đặc thù, có tiềm năng và cơ hội phát triển kinh tế biển đa dạng như cảng biển, đánh bắt chế biển thuỷ hải sản, du lịch… Đô thị do con người tạo lập thay đổi từ hệ sinh thái tự nhiên sang hệ sinh thái đô thị để phục vụ con người trong quá trình phát triển. Đô thị được tổ hợp từ các công trình kiến trúc phục vụ các nhu cầu của con người. Kiến trúc đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn là hình ảnh, thương hiệu cho đô thị và cũng là di sản của đô thị, do đó, việc nghiên cứu quy hoạch, kiến trúc và xây dựng cho các đô thị ven biển trong bối cảnh có nhiều tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh… đòi hỏi phải có sự sáng tạo linh hoạt thông minh, ứng dụng kịp thời sự trợ giúp của công nghệ thông tin 4.0 trong các hoạt động phục vụ cho kiểm soát và phát triển đô thị./.
PGS.TS.KTS ĐỖ TÚ LAN
Nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị
( Nguồn: TC Xây dựng số 5-2323)
Tài liệu tham khảo
1. Trịnh Minh Hiếu -“Một số loại hình đô thị biển hiện nay” 2021.
2. Đỗ Tú Lan (Ed), "Tương lai đô thị Việt Nam - Hành động hôm nay". 2012, XBXD.
3. Đỗ Tú Lan, "Nghiên cứu sinh thái đô thị cho đô thị du lịch ven biển Viết Nam", 2004 LATS.
4. Phạm Sỹ Liêm, "Nghiên cứu đô thị - Quy hoạch - quản lý - đất đai - bất động sản và nhà ở" 2010, XBXD.
5. Trần Văn Tấn. "Kinh tế đô thị và vùng", 2006. XBXD.
6. Nguyễn Hữu Thái, "Xu hướng mới Kiến trúc - Đô thị thế giới và Việt Nam thời hội nhập" 2003. XBXD.
7. UBND tỉnh Khánh Hòa "Diễn đàn Thương hiệu biển Việt Nam lần thứ III" 2011, Kỷ yếu hội thảo.
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.