Phát triển đô thị và một số vấn đề cần trao đổi

​MTXD - Cùng với quá trình CNH-HĐH đất nước, tốc độ đô thị hóa của nước ta cũng ngày càng tăng nhanh, hệ thống đô thị quốc gia được quan tâm đầu tư phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều đô thị, điểm dân cư nông thôn, nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, du lịch, kết cấu hạ tầng... đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng mới, hoặc cải tạo mở rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển mới của đất nước.

MTXD - Cùng với quá trình CNH-HĐH đất nước, tốc độ đô thị hóa của nước ta cũng ngày càng tăng nhanh, hệ thống đô thị quốc gia được quan tâm đầu tư phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều đô thị, điểm dân cư nông thôn, nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, du lịch, kết cấu hạ tầng... đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng mới, hoặc cải tạo mở rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển mới của đất nước.

Khu đô thị Centre Park bên song Sài Gòn

Năm 1998, tỉ lệ đô thị hóa mới đạt khoảng 24%, năm 2013 khoảng 32%...và đến năm 2022 đã đạt khoảng 42%. Quy hoạch xây dựng đã thực sự góp phần tạo ra nguồn lực trong phát triển KT-XH của đất nước. Trong đó, kinh tế đô thị góp khoảng 70% GDP cả nước, các chỉ số thu ngân sách của các vùng tỉnh và các đô thị lớn cho thấy nhìn chung tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 đến 15%, cao gấp 1,2 đến 1,5 lần so với mặt bằng chung trong cả nước. Hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kĩ thuật đô thị, kể cả khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nhìn chung, diện mạo kiến trúc, đô thị, nông thôn Việt Nam đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, có bản sắc...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, quá trình đô thị hóa tai Việt Nam đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, trong đó có liên quan đến lĩnh vực đầu tư phát triển. Cụ thể: (1) Chất lượng tăng trưởng đô thị chưa cao, chưa thể hiện đúng vai trò tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho từng vùng và quốc gia. Năng lực cạnh tranh của đô thị chưa cao; (2) Hệ thống hạ tầng chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân và các hoạt động kinh tế. Tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường diễn ra phổ biến…Hệ thống các công trình hạ tầng xã hội như ý tê, giáo dục, văn hóa, công viên cây xanh, sân chơi cho người dân còn thiếu, tỉ lệ đạt thấp so với qui chuẩn; (3) Việc triển khai đầu tư phát triển đô thị còn dàn trải. Nhiều dự án đô thị mới có tỉ lệ sử dụng đất thấp gây lãng phí đất đai và nguồn lực. Các khu vực đô thị hiện hữu, nhất là trung tâm đô thị, chậm được cải tạo, chỉnh trang; thiếu sự quan tâm toàn diện đến công tác bảo tồn di sản; (4) Khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của các đô thị chưa cao. Việc thực hiện các cam kết của quốc gia về cắt giảm khí phát thải khí nhà kính khó khăn; (5) Nguồn lực cho phát triển tại các đô thị còn thiếu và chưa được sử dụng hiệu quả; (6) Quản lí phát triển đô thị chưa hiệu quả. Năng lực quản lí đô thị các cấp chưa đáp ứng yêu cầu phát triển…Dưới đây là một số vấn đề cần quan tâm:

 (i). Đô thị hóa gắn với quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn vừa qua nền kinh tế Việt Nam chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với mô hình CNH – HĐH đất nước, phát triển theo chiều rộng mà chưa đi vào chiều sâu là chất lượng, hiệu quả…Đô thị hóa của Việ Nam cũng vì thế bị tác động (và ngược lại)… Hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo số lượng, qui mô là chủ yếu… mà chưa đi sâu vào chất lượng hóa đô thị, cụ thể hơn là chất lượng sống đô thị…Thời gian tới khi Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế (đi vào chiều sâu), chất lượng đô thị hóa Việt Nam cũng sẽ được cải thiện đi vào chiều sâu…Và tốc độ, chất lượng đô thị hóa cũng sẽ góp phần tích cực vào quá trình chuyển đổi nền kinh tế có hiệu quả hơn… Hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo số lượng, quy mô là chủ yếu, chưa đi sâu vào chất lượng hóa đô thị

Hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo số lượng, quy mô là chủ yếu, chưa đi sâu vào chất lượng hóa đô thị

(ii). Đô thị hóa, phát triển đô thị thiếu tầm nhìn và phát triển bền vững. Đô thị phát triển nhanh nhưng mất cân đối, từ tầm nhìn quy hoạch đến thực tế... còn có khoảng cách khá xa; sự phát triển không đồng bộ giữa mở rộng không gian đô thị và chất lượng đô thị. Việc phân loại, nâng cấp đô thị chỉ đạt mục tiêu là tăng qui mô đất đai, dân số đô thị mà chưa coi trọng tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng sống đô thị; hiện tượng “phát triển ảo” (thông qua các dự án khu đô thị mới) bất chấp nhu cầu phát triển thực của đô thị với mục đích kinh doanh bất động sản đã trở thành phổ biến.

Hạ tầng kĩ thuật đô thị phát triển chưa đồng bộ. Tỷ lệ đất giao thông trong các đô thị chưa đạt yêu cầu, hầu hết đạt dưới 10% đất xây dựng đô thị; tỷ lệ dân đô thị được cấp nước, tỷ lệ thoát nước đô thị còn thấp, tình trạng ngập úng cục bộ trong mùa mưa, ô nhiễm môi trường còn nặng nề, chậm được khắc phục...; hệ thống hạ tầng xã hội thiết yếu chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; nhiều đô thị thiếu cây xanh, công viên, mặt nước, thiếu trường học, trạm y tế, sân chơi cho trẻ con, người già và các đối tượng khỏc; kiến trúc khu vực đô thị và khu vực nông thôn còn lộn xộn, thiếu bản sắc theo vùng miền và đặc trưng đô thị;

(iii). Đô thị hóa thiếu tính liên kết và tính đa ngành. Xu hướng phát triển khu biệt trong địa giới hành chính một tỉnh có nguy cơ tạo ra lỗ hổng lớn trong mối liên kết vùng mang tính chiến lược và tầm nhìn quốc gia…Ngay bản thân các đô thị trong các vùng đô thị lớn, động lực chủ đạo cũng thiếu tính liên kết (vùng TP. Hồ Chí Minh, vùng thủ đô Hà Nội là những ví dụ điển hình); sự phối hợp đa ngành trong phát triển, quản lí đô thị còn lỏng lẻo.

(iv). Đô thị hóa thiếu nguồn lực để phát triển đô thị. Nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển hạ tầng kĩ thuật đô thị lớn, nhưng việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội còn hạn chế. Chưa xác định được các dự án chiến lược để đầu tư dẫn đến việc tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kĩ thuật đô thị còn manh mún, dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả. Trong chiến lược đô thị hóa phải gắn với chiến lược thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm đô thị hóa và xây dựng các đô thị lớn, hiện đại…Đây cũng là điểm yếu, cần khắc phục.

(v). Đô thị hóa đối mặt với một số vấn đề có tính toàn cầu. Đặc biệt đô thị Việt Nam còn đang đứng trước các vấn đề lớn mới nảy sinh mang tính toàn cầu như hội nhập, cạnh tranh đô thị; biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao, phát triển bền vững. Nhất là, các vấn đề phức tạp của quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị như dịch cư, chênh lệch giàu nghèo, nhà ở, lao động, việc làm; phát triển vùng ven đô, liên kết đô thị-nông thôn (liên kết vùng), tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên...

(vi). Đô thị hóa trong tình trạng trình độ quản trị đô thị yếu. Tốc độ phát triển quá nhanh của đô thị đã vượt khả năng điều hành của chính quyền địa phương. Năng lực quản lí phát triển đô thị chưa theo kịp nhu cầu đòi hỏi của thực tế. (Tư duy/Khoa học quản lí đô thị chậm được đổi mới). Điển hình là tại các vùng đô thị hóa động lực, chủ đạo (các vùng đô thị lớn như vùng Thủ đô Hà Nội, vùng TP. Hồ Chí Minh) do không có chính quyền vùng, mặt khác bản thân các chính quyền tại các đô thị trong vùng trình độ quản trị đô thị cũng còn yếu…nên nảy sinh nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế - xã hội, quản lí, vận hành đô thị…Việt Nam hiện vẫn đang trong giai đoạn thí điểm “Chính quyền đô thị”…

Đây là những thách thức lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến diện mạo đô thị, điều kiện môi trường sống của người dân và đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, đặt ra nhiều vấn đề mới trong công tác qui hoạch, xây dựng, quản lí và phát triển đô thị hiện nay.

 Một số vấn đề cần trao đổi.

(1)Về tư duy và thực tiễn. Thông thường tư duy phải đi trước thực tiễn, tư duy phải định hướng, dẫn dắt được thực tiễn và tư duy có khả năng bao quát được những diễn biến cơ bản của thực tiễn theo “kịch bản” của tư duy... Tuy nhiên, đôi khi tư duy lại đi sau thực tiễn bởi nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong trường hợp đó sẽ kéo theo vô số điểm bất lợi và hậu quả kém tích cực mà không ai khác ngoài xã hội và bản thân từng cá nhân mỗi người chúng ta phải gánh chịu, bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp. Thực tế cho thấy, tư duy chậm hơn thực tiễn cơ bản được hiểu thông qua hai hình thái diễn biến đơn giản rất dễ nhận biết. Đó là (1) “Kịch bản” của tư duy không đủ điều kiện (như phương tiện, công cụ triển khai, quản lí...) để trở thành sản phẩm của thực tiễn (thực tiễn phủ quyết tư duy); (2) Tư duy không theo kịp thực tiễn (phó thác, chạy theo thực tiễn, hoặc tư duy không nhận biết những xu hướng, những nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn...) Qui hoạch xây dựng là một sản phẩm của tư duy. Triển khai xây dựng đô thị theo qui hoạch là việc biến “Kịch bản” của tư duy thành sản phẩm thực tiễn. Chất lượng sản phẩm qui hoạch đô thị phụ thuộc vào chất lượng tư duy của các nhà hoạch định chiến lược, qui hoạch phát triển đô thị. Còn vệc biến “Kịch bản” của tư duy thành sản phẩm thực tiễn là tài nghệ của các nhà quản lí, xây dựng, các nhà đầu tư...

Chính vì thế, để khách quan hơn, chúng ta không thể chỉ phiến diện đổ lỗi mãi cho qui hoạch về tình trạng xây dựng lôn xộn tại các đô thị bởi thiếu qui hoạch, hoặc “qui hoạch treo”. Hãy thử hỏi ngay tại nhiều đô thị của Việt Nam khi qui hoạch chung đô thị và phần lớn các qui hoạch phân khu, qui hoạch chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép, xây dựng không theo qui hoạch đã được hạn chế hoặc giảm thiểu tới mức nào? Câu trả lời là: không đáng kể! Mà ngược lại nó còn bức xúc, gay gắt hơn nhiều. Hoặc tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đất đai trong các quận qui hoạch phát triển mới đã có những biến động lớn như thế nào khi mà nhiều phương tiện thông tin đại chúng phải lên tiếng và chính quyền thành phố phải ra tay, cưỡng chế thu hồi. Vậy đâu là nguyên nhân? Phải chăng tư duy trong quản lí xây dựng cũng đã chậm hơn so với thực tiễn hoặc chưa đáp ứng được một cách tích cực những nhu cầu và đòi hỏi của thực tiễn trong lĩnh vực quản lí qui hoạch và xây dựng?

Bởi vậy, cần thiết phải thay đổi tư duy, tư duy phải đi trước thực tiễn (mang tính chiến lược và tầm nhìn, khả năng dự báo) và đổi mới phương pháp lập quy hoạch đô thị và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá về quy hoạch và đầu tư xây dựng đô thị.

(2) Về mô hình phát triển đô thị, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực sáng tạo của các đô thị gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế; xóa bỏ tình trạng sử dụng đất đai kém hiệu quả và sự “biến tướng” của qui hoạch. Gần đây, trong quá trình phát triển đô thị, nhiều địa phương đã lấy phương thức phát triển các dự án “khu đô thị mới” làm “chiến lược” trọng tâm. Phương thức này cũng có những ưu điểm và về cơ bản đã và đang góp phần làm tăng quĩ nhà ở (với các căn hộ có chất lượng tốt hơn các căn hộ được xây dựng trước năm 1975), góp phần thay đổi diện mạo kiến trúc, có xu hướng hướng tới các đô thị hiện đại....

Tuy nhiên, cũng cần phải nhận thức rõ hiện nay việc phát triển các dự án “khu đô thị mới” (chưa hẳn đã phải là các dự án mang tính chiến lược của một đô thị) còn đang thiếu một mô hình, một khuôn mẫu (thực tế, về bản chất, các dự án này hiện đang thiên về mô hình kinh doanh bất động sản hơn là một tầm nhìn cho phát triển bền vững đô thị. Vậy nên, nhiều địa phương còn rất hào phóng cứ đâu có đất trống, ít phải giải phóng mặt bằng là ban phát các dự án cho các chủ đầu tư mà không cần đếm xỉa đến quy hoạch chung, đến lợi ích lâu dài của đô thị, của cộng đồng...). Bởi thế, đã hình thành nhiều dự án ảo (chiếm dụng đất để kinh doanh là chính), còn các dự án được triển khai thì dường như luôn thiếu sự kết thúc, hoàn công; thiếu sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng dịch vụ xã hội và hạ tầng kĩ thuật, thiếu sự gắn kết với tổng thể đô thị (thường là đi “trệch” khỏi mục tiêu, nội dung ban đầu của quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết đã xác lập hoặc dự án đã được phê duyệt).

Đó là còn chưa kể sự biến tướng của các dự án đầu tư phát triển khu đô thị mới như tăng mật độ xây dựng, chiều cao công trình, diện tích sàn xây dựng hoặc chuyển chức năng sử dụng đất từ dịch vụ công cộng sang công trình hỗn hợp có chức năng nhà ở... so với qui hoạch ban đầu cũng đã góp phần không nhỏ làm “trệch hướng” ý tưởng không gian kiến trúc trong tổng thể chung đô thị. Vẫn biết rằng, đô thị không phải là một “phép cộng”, cộng gộp các khu đô thị mới nhỏ, lẻ, rời rạc với đủ các loại nhãn mác, đa dạng về phong cách, chủng loại và chất lượng của nhiều loại doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng với mục đích kinh doanh bất động sản nhiều hơn là nâng cao chất lượng không gian đô thị... Một “phép cộng” vô hồn để cầu mong tạo nên một đô thị có hồn và diện mạo kiến trúc, cảnh quan đô thị đẹp, có chất lượng (! ?)...

Một thực tế khác cho thấy, khi đồ án quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, lẽ đương nhiên đất đai (phần mở rộng) phát triển đô thị theo quy hoạch là đất dành để phát triển đô thị. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy, chúng vẫn là vùng đất nông nghiệp, đất ngoại thị, chính quyền có thể vẫn còn là cấp xã… Và khi nghe tin đã có qui hoạch đô thị được duyệt thế là thị trường bất động sản bùng phát sôi động (công khai hoặc ngấm ngầm). Việc chuyển nhượng, mua đi, bán lại, đầu cơ đất đai không theo qui hoạch là chuyện thường tình mà chưa có chế tài nào điều tiết. Và cho đến khi thực hiện qui hoạch thì mọi việc về đất đai, xây dựng dường như đã an bài theo qui luật thị trường tự phát…

Hoặc như khi mở một tuyến đường đô thị chúng ta chỉ quan tâm đến bản thân con đường mà “vô tình” bỏ quên việc qui hoạch quản lí đất đai, không gian kiến trúc, cảnh quan dọc tuyến... Thế là lại góp phần sinh ra cái gọi là “đường hiện đại, phố nhà quê” như nhiều báo chí đã phê phán. Chính vì lẽ đó, vì do không có công cụ để quản lí kiểm soát sau khi đã có qui hoạch được duyệt, mặc nhiên một cách chủ quan trong công tác quản lí đã tạo nên nhiều kẽ hở gây biến động, lãng phí đất đai, mất đi nhiều cơ hội để có những không gian đô thị đẹp, có chất lượng. Điều này còn là minh chứng cho tính pháp lí của đồ án qui hoạch được duyệt chưa cao… Ngày nay, đề phù hợp với quá trình chuyển đổi số, trong quy hoạch đô thị cần xác định các giải pháp cụ thể thúc đẩy tăng trưởng xanh, đô thị xanh, thông minh, thích ứng với BĐKH, NBD hướng tới phát triển bền vững. Phát triển kinh tế đô thị dựa trên việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở nền kinh tế số, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao năng suất tổng hợp và khả năng cạnh tranh, đổi mới sáng tạo ngành nghề, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đặc trưng của đô thị, mang bản sắc riêng của từng đô thị và vùng, miền.

(3) Về diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị. Phần lớn kiến trúc nhà ở tại các đô thị Việt Nam được xã hội hóa, do các “KTS nhân dân” hoặc các “KTS thị trường” được tự do sáng tạo và tuỳ thuộc vào túi tiền, nhu cầu, óc thẩm mĩ của chủ đầu tư... nên rất đa dạng và phong phú về qui mô, kiểu dáng, hình khối... về vật liệu và màu sắc công trình. Kiến trúc nhà ở tại các khu đô thị mới thì đơn điệu, pha tạp do nghèo nàn trong mẫu mã sáng tác kiến trúc, do các qui định máy móc về tỉ lệ nhà cao tầng, nhà liền kế, nhà biệt thự có trong một dự án... Đó là còn chưa kể đến kiến trúc “đa chiều cạnh, đa sắc màu” tại vùng giáp ranh trên các trục đường hướng tâm, các cửa ngõ dẫn vào trung tâm đô thị. Tất cả không những đã tạo nên hình ảnh lộn xộn, sự cứng nhắc, khô cứng trong nghệ thuật tổ chức không gian mà còn tạo nên một tổng thể đô thị chắp vá, thiếu ý đồ chủ đạo...ảnh hưởng không nhỏ đến diện mạo, kiến trúc cảnh quan chung của toàn đô thị.

(4) Về phối hợp đa ngành hay quy hoạch tích hợp. Đô thị được coi là một tổ hợp không gian vật chất. Nó không đơn thuần chỉ do các nhà qui hoạch đô thị, các kiến trúc sư, kĩ sư xây dựng tạo nên. Đô thị là sản phẩm chung của xã hội mang tính đa ngành, đa lĩnh vực... Bởi vậy chúng ta hiểu vì sao lại có nhiều hoạt động xây dựng diễn ra trong cùng một không gian. Nếu không có sự phối hợp đa ngành tốt, đô thị vẫn luôn mắc phải chuyện sáng lát vỉa hè, chiều đào lên đặt ống cấp nước, mặt đường cứ vô tư được nâng cao sau mỗi lần “thảm nhựa”, mặc kệ sự úng ngập nhà dân hai bên tuyến phố do không theo kịp cốt đường. Mạng thông tin, chiếu sáng như mớ bòng bong, giăng mắc, lơ lửng giữa trời, phủ kín từ trung tâm đến tận cùng các ngõ phố. Hệ thống biển quảng cáo đủ kích cỡ, đủ sắc màu... được lắp dựng tuỳ hứng ở bất cứ đâu có thể. Đó là còn chưa kể đến các quảng cáo KCBT, gia sư, khám chữa bệnh, băng vệ sinh... Tất cả đã góp phần tạo nên sự hỗn độn, thiếu sự quản lí, ảnh hưởng lớn đến diện mạo kiến trúc, cảnh quan chung đô thị. Thiếu vắng sự phối hợp đa ngành/ hay quản lí mang tính đa ngành, đô thị như bản giao hưởng thiếu “ông nhạc trưởng” để quán xuyến chung, làm mất đi vẻ đẹp, các cung bậc tài hoa, đầy sáng tạo mà lẽ đương nhiên tự thân bản giao hưởng phải có.

(5) Về đa dạng nguồn vốn, đa dạng chủ đầu tư...và đa dạng sản phẩm. Một thực tế cho thấy, để phát triển đô thị cần phải huy động mọi nguồn lực có trong xã hội từ nhân tài, vật lực, vốn đến cơ chế chính sách... Các kết quả đạt được của Việt Nam trong thời gian qua như đẩy mạnh cải tạo, mở rộng các đô thị cũ, phát triển thêm nhiều đô thị mới, với mức tăng tỉ lệ đô thị hoá từ 24% năm 1998 lên khoảng 42% vào năm 2022 đã khẳng định hiệu quả cao của chính sách đa dạng nguồn vốn và đa dạng chủ đầu tư.

Bên cạnh đó cũng cho thấy việc đa dạng nguồn vốn, đa dạng chủ đầu tư...tất nhiên cũng sẽ dẫn đến đa dạng các loại sản phẩm. Trong nền kinh tế thị trường các sản phẩm qui hoạch đô thị, kiến trúc công trình được sinh ra từ nhiều nguồn vốn, nhiều chủ đầu tư. Trong đó có sản phẩm tốt, trung bình, nhưng cũng có rất nhiều sản phẩm xấu... Vậy, cách thức, công cụ quản lí nào để các sản phẩm có được chất lượng tốt, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển đô thị hiệu quả nhất? Chẳng hạn, khi xây mới tuyến phố Kim Liên-ô Chợ Dừa (Hà Nội), nguồn lực (vốn) trong dân rất lớn nhưng địa phương đã thiếu phương pháp, thiếu các qui định cần thiết để hướng nguồn vốn này được sử dụng có hiệu quả trong phát triển kiến trúc hai bên đường. Nên cuối cùng, thành phố đã có một tuyến phố “đường hiện đại, phố nhà quê” như báo chí đã đề cập. Lẽ ra, Hà Nội phải điều chỉnh, cấu trúc lại việc sử dụng đất kèm theo các qui định phải đảm bảo về tầng cao, hình thức kiến trúc, vật liệu, màu sắc công trình dọc hai bên tuyến đường, người dân xây dựng và sản phẩm của họ là các công trình kiến trúc sẽ được quản lí, kiểm soát theo các qui định đó... Đây cũng là bài học lớn, nhưng không mới cho việc đa dạng nguồn vốn, đa dạng chủ đầu tư... Và nhất thiết phải có công cụ (tạo hành lang pháp lí) đủ mạnh để định hướng, quản lí, kiểm soát chất lượng các loại sản phẩm đó, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển đô thị Việt Nam có chất lượng.

(6) Về năng lực quản lý phát triển đô thị. Không ai đủ dũng cảm để nhận mình yếu kém. Đó là tâm lí chung. Bên cạnh căn bệnh “nhiệm kì”, triết Khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội lí “quyền xin là của các nhà đầu tư, quyền cho là quyền năng của các nhà quản lí”... là sự buông lỏng, hay yếu kém trong năng lực của một bộ phận quản lí phát triển đô thị được giao quyền. Tại sao những vi phạm về chiếm dụng đất đai, xây dựng trái phép, cơi nới... diễn ra hàng ngày, hàng giờ ngay trên địa bàn phường, xã thuộc địa bàn mình quản lí lại khó kiểm soát, khó phát hiện, khó ngăn chặn đến vậy? Ai đó có thể cho rằng tất cả sự nhốn nháo về diện mạo kiến trúc đô thị lỗi là do “ông qui hoạch, ông kiến trúc sư”...

Vậy, hãy cứ thử quản lí tốt để thực hiện theo ý tưởng của họ cũng đủ để đô thị ngăn lắp, khang trang như phối cảnh 3D họ vẽ rồi. Còn nhớ, trong nhiều đồ án qui hoạch Thủ đô Hà Nội trước đây đều dành quĩ đất để duy trì, bảo vệ không gian xanh, mặt nước ven các con sông, hồ của thành phố... Vậy mà, theo số liệu của JICA đánh giá thì Hà Nội hiện nay chỉ còn 19 hồ (đã có 21 hồ mất tích trên tổng số 40 hồ), tương đương với 850ha bị thu hẹp xuống còn 547ha… Rồi nữa, tòa nhà 8b Lê Trực, khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, dự án phát triển khu Triển lãm Giảng Võ… Tất cả, phải chăng chúng ta đang thiếu một công cụ quản lí hữu hiệu, một đội ngũ quản lí phát triển đô thị, có tâm, có tầm?

                                                                                                 Khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội

Thay cho lời kết.

Quá trình CNH-HĐH đất nước gắn với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đang tạo cho đô thị Việt Nam nhiều cơ hội phát triển mới cũng như nhiều thách thức phải đối đầu. Để đảm bảo phát triển đô thị bền vững, trong đó có mục tiêu nâng cao chất lượng kiến trúc, phát triển môi trường cư trú bền vững, nhằm bảo tồn phát huy giá trị vốn di sản kiến trúc truyền thống của đất nước..., đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc xem xét lại nhiều vấn đề có liên quan đến quá trình đô thị hoá. Tác động (cả ưu, nhược) của quá trình này với cơ chế chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã, đang và sẽ còn làm cho chúng ta gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Nhiều ý kiến cho rằng, điều quan trọng lúc này là cần thiết phải đổi mới tư duy trong cách nghĩ, cách làm, cách quản lí... Tư duy này phải được đổi mới đồng bộ, đa ngành, mang tính hệ thống, có kỉ cương... Bởi, “trong thực tiễn ở Việt Nam, phải cân bằng giữa giá trị tinh thần và giá trị kiến trúc, nghĩa là nó chỉ có được khi xã hội chuyển đổi đồng bộ...” (Giáo sư Jah Gehl, người được Sở Qui hoạch, Kiến trúc Hà Nội mời thăm để tư vấn về qui hoạch đô thị Hà Nội). Đã đến lúc chúng ta không phải chỉ tăng cường, nâng cao năng lực, trình độ quản lí của các tổ chức, cá nhân, chính quyền các cấp, nhận thức của cộng đồng bằng lí thuyết, bằng khẩu hiệu... mà cần thiết phải “luật hóa” và “bình đẳng hóa” trước pháp luật các hành vi tham gia hoạt động trong lĩnh vực qui hoạch, xây dựng và quản lí đất đai xây dựng theo qui hoạch, quản lí “dòng chảy” bất động sản theo hướng phản ánh trung thực nhu cầu phát triển thật của đô thị... Một công cụ đắc lực nhằm tạo điều kiện để tư duy định hướng, dẫn dắt, bao quát và kiểm soát được những diễn biến cơ bản của thực tiễn theo “kịch bản” chỉ đạo của tư duy, góp phần hạn chế tình trạng tư duy chậm hơn thực tiễn hướng tới việc giảm dần, giảm hẳn những hậu quả xấu mà trong quá trình đô thị hóa lẽ ra đã có nhiều cơ hội để chúng ta tránh được.

TS.KTS. TRƯƠNG VĂN QUẢNG

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

 - Nghị Quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị vê Quy hoạch, Xây dựng, Quản lý và Phát triển bền vững đô thị Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đén năm 2045.

- “Điều chỉnh định hướng qui hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050” (Quyết định số 445/ QĐ-TTg, ngày 07/4/2009).

- QHXD bền vững đô thị Việt Nam (Dự án VIE/01/021/Dự án thí điểm).

- Qui hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (VIUP) - Đánh giá quá trình đô thị hóa ở Việt Nam giai đoạn 2021 – 2020 và định hướng mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đô thị giai đoạn 2021 – 2030, kế hoạch 5 năm 2021 – 2025/Bộ Xây dựng.

- Thực tiễn lí luận phê bình và qui hoạch đô thị, nông thôn ở Việt Nam/TS Trương Văn Quảng (VUPDA - Ask.com; Đothi.net.

 

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.