Phát triển du lịch văn hóa tâm linh ven sông Hồng

​MTXD - Người Thăng Long – Hà Nội xưa có câu ca: “Nhĩ Hà quanh Bắc sang Đông. Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này” (Nhĩ Hà là tên gọi khác của sông Hồng). Câu ca này đã mô tả được quy hoạch đặc thù của thành phố trong sông. Với địa thế tự nhiên này, thành phố Hà Nội đã ảnh hưởng rất lớn từ con sông Hồng trong đời sống như nguồn nước phục vụ

MTXD - Người Thăng Long – Hà Nội xưa có câu ca: “Nhĩ Hà quanh Bắc sang Đông. Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này” (Nhĩ Hà là tên gọi khác của sông Hồng). Câu ca này đã mô tả được quy hoạch đặc thù của thành phố trong sông. Với địa thế tự nhiên này, thành phố Hà Nội đã ảnh hưởng rất lớn từ con sông Hồng trong đời sống như nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, cảnh quan hai bên bờ sông cũng như giao thông đường thủy… Trong quá khứ, do đặc thù của sông Hồng nên mỗi mùa nước lũ, người dân sống ven bờ phải tìm cách đối phó tác hại của dòng nước. Các nhà máy thủy điện ra đời đã chế ngự được dòng sông, tạo ra nguồn điện cho nhân dân. Khi dòng sông trở nên hiền hòa thì cũng là lúc chúng ta cần có những ứng xử đồng bộ để khai thác toàn bộ không gian sinh thái, tài nguyên thiên nhiên của sông Hồng.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/Ttg ngày 26/07/2011 đã xác định sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô. Trong đó cũng đề ra những định hướng cơ bản cho quy hoạch đô thị sông Hồng như: Đảm bảo hành lang, tuyến thoát lũ, bền vững đê điều được duyệt; xây dựng hệ thống công viên, cây xanh cảnh quan, công trình văn hóa, vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch và các tiện ích đô thị; đồng thời, cải tạo khu dân cư hiện hữu, đảm bảo chất lượng sống khu dân cư hai bên sông, di dời các khu nhà ở không an toàn và kém chất lượng và bên ngoài hành lang sông; tạo trục không gian văn hóa, cảnh quan sinh thái Hồ Tây – Cổ Loa; xây dựng các tuyến đường cảnh quan dành cho người đi bộ và xe đạp…Như vậy, việc xây dựng không gian văn hóa cảnh quan ven bờ sông Hồng là một việc làm hết sức quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa Thủ đô, đồng thời phát triển du lịch. Ven bờ sông Hồng trên địa bàn Hà Nội có không ít công trình văn hóa tâm linh tạo nên cảnh quan tôn giáo đặc sắc như đền Ghềnh, chùa Bồ Đề, đình Chèm, đền Hai Cô…Do bối cảnh địa lý mà các di tích văn hóa tín ngưỡng nằm ở khu vực ven sông Hồng thường bị ảnh hưởng của lũ lụt, có di tích còn biến dạng, thậm chí bị nước lũ cuốn trôi, chỉ còn lại nền. Khi dòng sông hiền hòa trở lại thì công tác trùng tu mới được quan tâm. Việc tôn tạo các khu di tích ven bờ sông Hồng góp phần tạo nên cảnh quan văn hóa của Thủ đô. Trong bài viết này, chúng tôi xin bàn về một trường hợp tái tạo một không gian thiêng ven bờ sông Hồng – Đó là đền Cô Bơ ở Bến Bạc. Thông qua trường hợp này, chúng ta có thể lấy đó như một mô hình để thúc đẩy xây dựng kiến tạo nên một quần thể không gian văn hóa ven sông Hồng ở nhiều khía cạnh khác nhau, những địa điểm khác nhau.

Đền Cô Bơ Bến Bạc, một không gian nay đã thiêng trở lại

1. Mối quan hệ giữa đền Cô Bơ – Bến Bạc và đình Thượng Thụy

Đền Cô Bơ – Bến Bạc là một địa chỉ văn hóa tâm linh vừa được tôn tạo lại trên nền di tích cũ. Nền di tích cũ trước đây là đền Thượng Thụy, ngôi đền cổ trước đây được khởi dựng khá sớm ở ngoài bãi. Theo các cụ trong làng cho biết vào khoảng cuối thời Lê do ngoài bãi bị nước sông xói lở sâu vào móng đền bị sụt vỡ nên nhân dân Thượng Thụy đã chuyển vào bên trong đê như vị trí hiện nay và phát triển thành đình Thượng Thụy. Đình Thượng Thụy nay thuộc ngõ 423 đường An Dương Vương, tổ 7, cụm 1 phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Ngõ này đối diện với ngõ 144 đường An Dương Vương, nơi có đền Cô Bơ – Bến Bạc vừa được tôn tạo. Sau khi đền Thượng Thụy dời vào trong bãi và phát triển thành đình Thượng Thụy thì nên di tích cũ có dựng một miếu thờ nhỏ thờ Cô Bơ, theo dân gian tương truyền thì Cô Bơ là con thứ ba của Long Vương.

Di tích Bến Bạc gần cạnh bờ sông Hồng, Hà Nội.

Căn cứ theo cuốn thần tích và sắc phong và các sử liệu còn lưu giữ tại đình thì Thượng Thụy thờ thành hoàng làng là Đức Long Vương thủy thần. Nội dung của các sử liệu có thể tóm tắt như sau: “Một đêm rằm tháng tám, viên quan cai trị lúc bấy giờ nằm mơ thấy một vị tướng dung mạo hùng vĩ, thân cao chín thước đến trước mặt ông ta và bảo rằng: “Ta là thần sấm sét trên thiên đình, dưới thủy phủ ta là Long Vương. Vâng mệnh Thượng đế giữ gìn dân nơi này”. Sau đó trời nổi cơn mưa giông người dân còn nghe tiếng đọc lệnh chỉ của Ngọc Hoàng cho dân lập đền thờ”. Đây là vị Thánh thuận ý trời hiển linh. Trong thần phả còn chép: “Có một năm nước sông Hồng lên rất to, quan giám đê của triều đình nghe nói nơi đây thờ vị Thần rất linh thiêng, vị quan này cho lập đàn cầu xin tức thì nước sông rút ngay. Sau đó mưa thuận gió hòa năm ấy dân trong vùng được mùa to”. Hàng năm nhân dân trong thôn theo lệ cũ lấy ngày mồng 5 tháng 8 hàng năm là ngày giỗ, lấy ngày mồng 5 tháng 5 là ngày tế các vị thần rất cung kính: “Đại vương là người trời, việc nhỏ việc to đều thấu suốt, ngài có sức mạnh sấm vang, chớp giật, có oai phong làm gió, làm mưa. Uy đức ấy được ghi vào sổ thiên tào. Nơi thủy phủ đứng đầu muôn loài thủy tộc, biến hóa vô cùng… Đại vương là bậc thần xưa nay được muôn dân kính yêu, mến mộ. Nay là lễ phụng nghinh, đường mây đã mở, bên chiếu xuân kính xin Đại vương tạm ghé xe loan. Dân chúng tôi thành kính dâng lên lễ mọn xin đại vương soi xét, giúp đỡ, giữ gìn muôn dân, ngài cho dân chúng con được hưởng đức lớn cho được mưa thuận gió hòa, dân yên vật thịnh. Thực là cậy nhờ sức lực công lao phù trợ của Đại vương, xin ngài thấu cho”.

Còn theo PGS.TS Bùi Xuân Đính thì làng Thượng Thụy, tên nôm là làng Bạc. Sở dĩ có tên như vậy là do làng ở ven sông Hồng, trước đây, ở bến sông đầu làng, có viên Thái thú lập một trạm thu thuế đối với những người buôn thuyền bè qua đây. Dân buôn phải đem bạc nộp thuế cho bọn đô hộ nên gọi là bến Bạc và làng cũng được gọi là làng Bạc. Làng Bạc có ngôi đình, trước đây ở vệ sông, thờ thủy thần rất thiêng. Tục truyền, hồi đầu Công nguyên, có tên Lưu Long sau khi tham gia đàn áp xong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã lập dinh cơ tại bến Bạc. Tên này rất tàn ác. Một đêm, y nằm mơ thấy vị thủy thần tự xưng là Long Vương thủy thần báo mộng sẽ bắt cả nhà y thả xuống sông. Tên Thái thú hoảng sọ kêu xin tha tội, hứa sẽ lập đền thờ thủy thần. Nhưng đến đêm 14 tháng Tám âm lịch năm đó, nước sông lên đột ngột, cuốn cả gia đình tên Thái thú gian ác. Dân làng Bạc cho là thần linh thiêng, đã trừ khử tên Thái thú nên lập đền thờ trừ họa cho dân lành nên đã lập đền thờ. Sau mở rộng thành đình. Sau khi đắp đê (giữa thế kỷ XIX), đình chuyển về trong đồng, chỗ hiện nay.

Qua các tích trên, có thể hiểu rằng đền Cô Bơ – Bến Bạc trước đây chính là đền Thượng Thụy, mà nay đền Thượng Thụy đã phát triển thành đình Thượng Thụy.

2. Tái tạo không gian thiêng đền Cô Bơ Bến Bạc

Theo các cụ trong làng kể lại thì trước đây đền Cô Bơ – Bến Bạc là một ngôi miếu bé nhỏ nằm sát sông Hồng. Do có mối liên quan đến đình Thượng Thụy như đã phân tích ở trên nên mỗi khi đình có hội, thường làm lễ rước nước từ sông Hồng đi qua miếu rồi về đình. Đền thờ Cô Bơ, là Thánh Cô thứ ba trong hàng Tứ Phủ Thánh Cô, sau Cô Đôi – Thượng Ngàn, trước Cô Tư – Địa Phủ. Tứ Phủ hiểu đơn giản là tín ngưỡng thờ Tứ Mẫu gồm Mẫu Trời, Mẫu Nước, Mẫu Rừng và Mẫu Địa. Truyền thuyết dân gian cho rằng, Cô Bơ là công chúa được lệnh Vua Thủy Tề giáng trần để giúp vua tôi nước ta thời phong kiến, đến chí kì mãn hạn thì được xe loan đến đón rước cô trở về Thủy Cung. Sau đó, Cô Bơ hiển linh giúp người dân tại vùng ngã ba sông, che chở cho thuyền bè có thể qua lại được thuận buồm xuôi gió chính vì vậy nên cô được người dân kính trọng biết ơn đặt cho danh hiệu là Cô Bơ Bông, hay các tên khác là cô Ba Hàn Sơn, cô Ba Thoải cung hay cô Bơ Thác Hàn (theo tên gọi tại vùng quê nhà cô ở chính là đất Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, ngã ba Bông bến đò Lèn). Đền thờ chính của Cô hiện nay mang tên Đền Ba Bông ngụ tại xã Hàn Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa. Ngoài Thanh Hóa, còn có các di tích văn hóa đền thờ Cô Bơ ở các địa phương khác trong đó có đền Cô Bơ ở làng Bạc cũ, nay là xã Thượng Thụy hay còn gọi là đền Cô Bơ – Bến Bạc. Đền Cô Bơ thường ở vùng ven sông nước, tín ngưỡng thờ Cô Bơ gắn với tín ngưỡng thờ thủy thần của người Việt. Cô Bơ là một trong số những Thánh Cô thường xuyên ngự đồng trong bất cứ khóa lễ nào thỉnh cô. Khi loan giá ngự đồng, Cô Bơ Thoải trong trang phục áo ngũ thân trắng, đầu đội khăn vành dây có thắt lét trắng cài ba nén hương. Khi ngự đồng Cô làm lễ tấu hương, sau đó hầu dâng cô đôi mái chèo, cô khoan thai bẻ lái dạo chơi khắp nơi, bên hông dắt túi tiền đò. Lúc chèo thuyền có khi Cô Bơ còn khoác thêm chiếc áo choàng trắng, cô chèo đò du ngoạn danh lam thắng cảnh. Chèo thuyền xong, Cô lấy dải lụa hồng đi đo nước, đo mây. Tiệc Cô Bơ chính tiệc vào ngày 12 tháng 6 âm lịch. Ở đền Cô Bơ – Bến Bạc, thực hành tín ngưỡng được diễn ra theo đúng các nghi thức của Đạo Mẫu.

Người dân trong làng truyền nhau từ lâu rằng: Đền Cô Bơ rất linh thiêng, bất kì ai hữu sự đến kêu van cửa cô với lòng chân thành, nhất tâm, dù là lễ bạc cũng đều được như ý. Bên cạnh đó, còn có những câu chuyện về việc Cô hiển linh được người dân lưu truyền càng làm cho ngôi đền trở nên kỳ bí và thiêng liêng, thu hút nhiều người đến xin được Cô ban lộc, phù hộ độ trì cho sức khỏe dồi dào và vạn sự hanh thông. Trong số những câu chuyện mà chúng tôi có dịp phỏng vấn thì là có nhiều người mắc những căn bệnh kì lạ, y học hiện đại không thể chữa được, nhưng khi đến với Cô, với đền, thì tự nhiên những bệnh đó biến mất, cơ thể bình thường trở lại. Người thủ nhang đền hiện nay cũng cho hay, bà nằm mơ được Cô chỉ định về làm ở đây, từ đó bà thu xếp công việc kinh doanh bận rộn của mình và dành thời gian cho đền. Từ khi “bắc ghế hầu thánh” mọi công việc của bà trở nên ổn định và phát triển hơn trước. Từ đó bà dốc tâm hầu thánh, tu nhân tích đức, phát tâm từ thiện cho dân làng, được dân làng yêu mến, tiếng lành đồn xa. Nhờ có bà mà khu vực đền đã, đang được mở rộng hơn nữa để đáp ứng nhu cầu thực hành nghi lễ của các con nhang đệ tử và du khách thập phương. Điều đặc biệt ở đây là nhà đền mở cửa phục vụ không thu phí với các con nhang đệ tử thực hành nghi lễ. Do vậy mà thủ nhang ở đây và nhà đền được cộng đồng Đạo Mẫu biết đến và quý mến, cảm phục.

Đền Cô Bơ – Bến Bạc được tôn tạo mở rộng ngày càng khang trang. Cổng chào uy nghi ngay lối vào ngõ 144 An Dương Vương ghi dòng chữ Bến Bạc, như một sự chỉ dẫn thú vị tới đền Cô Bơ – Bến Bạc nằm ở cuối ngõ, sát với bờ sông Hồng. Trước đây, một ngôi miếu nhỏ nằm ở vùng ngoài đê sông Hồng thường xuyên bị lũ lụt. Vào mùa lụt, ngôi miếu này bị ngập trong nước do nằm sát sông Hồng. Sau khi công trình thủy điện sông Đà được khánh thành vào ngày 24/12/1994 đến nay, vùng Đồng bằng Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội đã không còn xảy ra hiện tượng ngập lụt nữa. Chính vì vậy mà các công trình ngoài đê có điều kiện được chỉnh trang. Miếu Cô Bơ có lẽ vì thế mà cũng được dân làng quan tâm tu sửa hơn. Khoảng năm 2012-2013, miếu có được trùng tu vài lần ở quy mô nhỏ. Đến khoảng năm 2020 thì miếu được nâng cấp thành đền có quy mô khang trang hơn nhờ sự đóng góp công đức của dân làng và một số Mạnh Thường Quân.

Đền Cô Bơ – Bến Bạc hiện vẫn đang trong quá trình chỉnh trang, tu bổ và sẽ được mở rộng trong khuôn viên 2 ha. Đền chính thờ Cô Bơ đã được hoàn thành với đầy đủ các hệ thống ban bệ thờ tự thuận tiện cho người dân cũng như con nhang đệ tử đến thực hành nghi lễ. Phía trước đền nhìn ra sông Hồng là khoảng đất rộng trồng cây sinh thái, cây ăn quả và cũng là nơi sinh hoạt thực hành cộng đồng của nhà đền trong các dịp lễ lạt, hội chợ từ thiện. Vào đợt Covid, nhà đền trồng đủ loại cây rau màu, cây ăn trái trên bãi đất này và đã cung cấp cho người dân trong làng. Đằng sau đền vẫn đang được tiếp tục quy hoạch mở rộng các hạng mục để có thể đón tiếp con nhang đệ tử và du khách thập phương được chu đáo hơn. Đây là tâm huyết của thủ nhang và nhân dân trong làng.

3. Kết nối du lịch tâm linh sông Hồng với di tích đền Cô Bơ – Bến Bạc nói riêng và các di tích khác nói chung

Du lịch đường sông là một trong những trải nghiệm du lịch thú vị. Trên thế giới du lịch đường sông đã hình thành và phát triển tạo nên những biểu tượng du lịch như ở Paris, London, Vince, Florence, Amsterdam….ở Châu Á, Seoul, Thượng Hải, Quảng Châu, Bangkok, Phnom Penh, Singapore đều có những chương trình du lịch bằng thuyền rất hấp dẫn trên các con sông.

Việt Nam là một đất nước với địa hình sông ngòi dày đặc, do vậy du lịch sông nước là sản phẩm không thể thiếu trong các thiết kế tour. Ở đồng bằng sông Cửu Long là các tour du lịch trên bến Ninh Kiều nghe đờn ca tài tử Nam Bộ, du lịch bằng thuyền trên các kênh rạch và dòng sông Mê kong để ngắm cảnh miệt vườn hai bên, thăm chợ nổi Cái Răng, thưởng thức các đặc sản đôi bờ sông. Ở Huế có du lịch sông Hương qua lăng Minh Mạng, ngắm điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ. Ở Thành phố Hồ Chí Minh có chương trình du lịch bằng thuyền tại bến Nhà Rồng…Ở phía Bắc, có con sông Hồng hay còn gọi là sông Cái có chiều dài 510km. Các tour du lịch sông Hồng hiện nay bắt đầu từ Hà Nội đi qua các địa danh nổi tiếng của các vùng miền như đền Chử Đồng Tử, đền Hai Bà Trưng, đền Gióng, làng gốm Bát Tràng, chùa Bút Tháp, lăng Kinh Dương Vương…

Sông Hồng có giá trị văn hóa lịch sử sâu sắc. Dọc theo tuyến sông có rất nhiều đền chùa, thích hợp cho việc vừa ngắm cảnh vừa du lịch tâm linh. Hiện nay tour du lịch sông Hồng vẫn chưa khai thác hết các di tích hai bên bờ sông. Còn rất nhiều đền, chùa có giá trị văn hóa lịch sử chưa được đưa vào trong các chương trình của tour trong đó có đền Cô Bơ Bến Bạc.

Tác giả Norman (2012) cho rằng: Du lịch tâm linh là một hiện tượng cá nhân nhằm khám phá cuộc sống bên ngoài bản thân để cân bằng thể xác, tinh thần, linh hồn, đạt được sự tự ý thức, cải thiện tinh thần và thực hiện mục đích của cuộc sống. Tại Việt Nam, mặc dù dưới góc độ luật pháp thì không có khái niệm “du lịch tâm linh” nhưng có thể hiểu đó là một sản phẩm du lịch văn hóa có yếu tố tín ngưỡng tâm linh.

Đặc biệt, sau bối cảnh Covid, du lịch tâm linh có cơ hội phát triển bởi con người rất cần được phục hồi tâm lý do tác động của đại dịch. Trong suốt thời kì đại dịch, tình trạng kinh tế sụt giảm khiến nhiều người bị căng thẳng tâm lý, rối loạn lo âu, đặc biệt là phụ nữ. Việc đi đến các địa điểm du lịch tâm linh khiến cho họ cảm thấy cuộc sống cân bằng hơn. Các nghiên cứu trước đây cũng đã xem xét mối quan hệ giữa niềm tin/hành vi tôn giáo đã chỉ ra mối tương quan tích cực giữa việc thực hành tôn giáo và sự hài lòng trong cuộc sống. Các nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng những người theo đạo có thể đối phó với căng thẳng trong cuộc sống và có khả năng tìm thấy ý nghĩa, bài học tích cực. Người càng sùng đạo thì cuộc sống của họ càng trở nên hài lòng hơn theo thời gian.

Theo Pandey Monika (2012), thành phần du lịch tâm linh được cấu thành từ 3 thành tố:

  • Thứ nhất là môi trường tâm linh. Môi trường tâm linh là không gian bao quanh, điểm tình huống, thể chế hoặc chương trình tạo điều kiện kết nối giữa các cá nhân và một thực thể siêu việt (như Chúa, hoặc các vị thần, đấng siêu nhiên…), thiên nhiên, nhóm người, ý tưởng…;
  • Thứ hai là phong cách sống, là những niềm tin, lối sống, cách thực hành tín ngưỡng…;
  • Thứ ba là các hoạt động tâm linh như thực hành nghi lễ (như lên đồng trong đạo Mẫu), hành hương, cầu cúng, Yoga, thiền, ăn chay…;

Với vị thế ngay sát đường chính An Dương Vương và đường sông Hồng, đền Cô Bơ – Bến Bạc hoàn toàn có điều kiện phát triển du lịch cả về đường bộ lẫn đường sông. Hiện nay đền đang trong quá trình quy hoạch, mở rộng. Nếu là du lịch đường sông thì bãi đất phía trước đền có thể chỉnh trang thành bến đón khách. Khu đất này hiện đang được nhà đền trồng các loại cây trái, đây cũng có thể phát triển thành công viên sinh thái. Khung cảnh xung quanh đền chính là môi trường tâm linh tràn đầy cây cối thiên nhiên kết nối vạn vật. Mọi người đến đây hành lễ sẽ cảm thấy thư thái. Những thực hành tín ngưỡng Đạo Mẫu tại đền Cô Bơ là môi trường lý tưởng để con người “chữa lành”những vết thương tinh thần, đặc biệt là sau đại dịch Covid. Qua phỏng vấn những người đi hành lễ tại đền, họ đều cho rằng khu đền rất linh thiêng. Bà An (tên nhân vật đã được ẩn danh) làm nghề bán nem tại khu vực Phủ Tây Hồ. Tuy vậy bà lại thích đến đây hành lễ hơn khu vực tâm linh nổi tiếng gần đấy. Bà kể rằng trước đây đã có lần ốm quá, bà nghĩ rằng không thể sống nổi, thế rồi từ ngày theo đuổi thực hành tín ngưỡng Đạo Mẫu, bà bỗng dưng khỏe mạnh trở lại, yêu đời, yêu cuộc sống này hơn. Từ đó, bà hay đi khắp nơi làm lễ nhưng đặc biệt thích nơi này bởi không gian tĩnh lặng, không xô bồ như chỗ khác. Bà có kể về cô con gái làm văn phòng, trong đợt dịch Covid, bỗng dưng lên cơn động kinh, gia đình thuốc men mãi không khỏi. Vài lần bà có suy nghĩ đưa con vào trại tâm thần. Tuy nhiên sau khi đến làm lễ tại đền, mong Cô phù hộ, con gái bà dần dần hồi phục trở lại. Đây là những chuyện khó có thể giải thích bằng khoa học kĩ thuật, mà chỉ có thể giải thích về mặt tâm linh. Như vậy, với không ít người, việc thực hành nghi lễ tâm linh đem lại cho họ sự cân bằng về mặt thể xác lẫn tinh thần, làm cho cuộc sống của họ tốt lên. Việc “chữa bệnh” qua các thực hành nghi lễ Shaman giáo, đặc biệt là nghi lễ lên đồng đã được TS. Nguyễn Ngọc Mai lí giải như sau: “Trải nghiệm của các chủ thể lên đồng cho thấy thực hành nghi lễ lên đồng có tác dụng trong việc chuyển đổi trạng thái cảm xúc. Việc chữa bệnh ở các căn đồng có thể coi là quá trình định hướng niềm tin và chuyển hóa trạng thái tâm lý thông qua cơ chế diễn xướng nghi lễ. Khi đến với nghi lễ lên đồng hầu bóng, các đồng đã trực tiếp trải nghiệm và lĩnh hội được sự thanh thản, thoải mái trong và sau nghi lễ. Tất nhiên còn phải kể đến sự tham gia và hiệu quả đặc biệt vào quá trình này của các hệ thống thanh âm khiến nhiều người nhạy cảm có thể có ngay được cảm xúc tích cực ở mức độ đỉnh cao, để rồi kết thúc cuộc hầu đồng họ lấy lại được tâm thế thăng bằng, sự thanh thản thoải mái, sáng suốt và hưng phấn. Điều này có tác dụng chuyển hóa các trạng thái tâm lý tiêu cực trước khi lên đồng sang dạng tâm lý tích cực trong và sau khi lên đồng, có tác dụng mạnh trong việc củng cố niềm tin tôn giáo vốn trước đó chỉ là mơ hồ….Tóm lại, thực hành nghi lễ lên đồng không phải là một trị liệu hướng đến sự hoàn thiện tuyệt đối, song cũng là một phương cách giúp những con bệnh thay đổi nhận thức, cảm nghiệm năng lực sống mới mạnh mẽ và có ý nghĩa hơn trong cộng đồng ít nhiều chia sẻ những cảnh ngộ. Thông qua những biểu tượng tâm linh, các đồng thày có kinh nghiệm đã xác nhận lại vai trò xã hội của mình. Điều này làm nên giá trị hiện hữu của thực hành nghi lễ lên đồng”.

Như vậy, cốt lõi là tính thiêng của đền Cô Bơ Bến Bạc, cùng với khung cảnh thiên nhiên sinh thái, đền Cô Bơ Bến Bạc vẫn đang tiếp tục chỉnh trang, mở rộng hi vọng sẽ là điểm đến thú vị không thể bỏ qua trong chuỗi du lịch tâm linh. Trong toàn tuyến sông Hồng chảy qua địa bàn Hà Nội thì có rất nhiều ngôi chùa, đình, đền được xếp hạng di tích văn hóa lịch sử. Sự đa dạng và phong phú của các di tích tôn giáo là điểm đến lý tưởng cho du lịch tâm linh hiện nay, tạo nên cảnh quan sinh thái văn hóa ven bờ sông Hồng.

TS. LÊ VIỆT LIÊN

(Viện Nghiên cứu Văn hóa)

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.