Phát triển năng lượng tái tạo và vật liệu mới là xu hướng tất yếu
MTXD - Ngày 12/11, Quỹ Vin Future đã có buổi đối thoại trực tuyến với chủ đề “Năng lượng tái tạo và vật liệu mới cho tương lai” nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân loại.
Buổi đối thoại trực tuyến đã thu hút sự tham gia của các diễn giả nổi tiếng trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và khoa học vật liệu.
Tại buổi đối thoại, các diễn giả đã cho thấy bước chuyển của nhân loại từ chỗ phụ thuộc mọi thứ hoàn toàn vào thiên nhiên, đến chỗ tận dụng các nguồn tái tạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của mình.
GS Nguyễn Thục Quyên của Đại học California, Santa Barbara (UCSB), Mỹ, cho biết: Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, như năng lượng điện mặt trời, gió và địa nhiệt, được xem là xu hướng tất yếu, trong đó nổi bật nhất là năng lượng mặt trời, hay còn gọi là quang điện. Trước đây, con người sử dụng các nguồn nhiên liệu sẵn có trong tự nhiên như than, củi, dầu… làm chất đốt cho mục đích đun nấu, sưởi ấm, chiếu sáng.
Cùng với thời gian, dân số thế giới tăng nhanh dẫn đến nhu cầu năng lượng cũng cao hơn. Lúc này, các nguồn năng lượng sẵn có đó đã không còn đủ để đáp ứng nhu cầu tăng vọt của con người. Với tri thức khoa học, tiến bộ kỹ thuật, con người đã biết cách biến các nguồn lực tự nhiên như nước, gió, ánh sáng mặt trời… thành điện năng phục vụ các nhu cầu của đời sống.
Kể từ khi điện được tạo ra, nguồn năng lượng này thực sự đã làm thay đổi cuộc sống con người theo hướng hiện đại, tiện nghi hơn, với sự xuất hiện và phát triển của rất nhiều các thiết bị sử dụng điện như TV, tủ lạnh, lò vi sóng, điện thoại, máy tính…
Cùng với đó, điện năng cũng tạo ra nhiều vấn đề, trong đó nổi cộm là biến đổi khí hậu (BĐKH).
BĐKH là sự thay đổi của khí hậu, được biểu hiện thông qua sự ấm lên toàn cầu, băng tan, và nước biển dâng. Ảnh: NASA Climate Change
BĐKH là sự thay đổi của khí hậu, được biểu hiện thông qua sự ấm lên toàn cầu, băng tan, và nước biển dâng. BĐKH xảy ra do tác động của các hoạt động của con người như việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện năng (như nhiệt điện than), giao thông vận tải và sản xuất công nghiệp, thải ra môi trường khí nhà kính (ví dụ như khí CO2).
Để ứng phó với BĐKH, chúng ta phải đạt được mục tiêu đến năm 2050, phần lớn điện năng được tiêu thụ phải đến từ các nguồn không phát thải carbon như phong điện, địa nhiệt điện, quang điện. Trong đó năng lượng mặt trời, hay quang điện, là nguồn năng lượng không phát thải carbon lớn nhất, với 100.000 tỷ tỷ Watt (Terawatt).
Theo TS Corey Hoven - nhà sáng lập và CTO của công ty công nghệ Next Energy Technologies: Các tòa nhà “ngốn” nhiều năng lượng hơn ngành công nghiệp và giao thông vận tải. Đến năm 2060, diện tích mặt sàn xây dựng trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi, tương đương với việc một thành phố New York được xây dựng thêm trên trái đất cứ mỗi 34 ngày trong vòng 40 năm tới.
Các tòa nhà thải ra khí nhà kính theo 2 cách: Phát thải carbon từ quá trình sản xuất các loại vật liệu như thép, xi măng và sắt được sử dụng để xây dựng các tòa nhà; và phát thải carbon xảy ra trong quá trình vận hành, bao gồm việc tiêu tốn năng lượng để thắp sáng, sưởi ấm và làm mát các tòa nhà.
Như vậy, chính bản thân các tòa nhà là nguồn phát thải khí nhà kính khổng lồ gây ra BĐKH. Và với tốc độ xây dựng kể trên, BĐKH sẽ ngày càng trầm trọng nếu không có biện pháp nào được thực hiện để thay đổi tình hình.
Trong bối cảnh đó, công ty của TS Hoven - Next Energy Technologies - đã thương mại hóa thành công phát minh về cửa sổ thông minh (photovoltaic window) tạo ra điện năng cho các tòa nhà cao tầng tận dụng nguồn năng lượng mặt trời.
Loại cửa sổ này sử dụng kính quang điện (PV), hoạt động giống như các tấm pin mặt trời thường được nhìn thấy trên mái nhà, nhưng những tấm kính thì trong suốt.
Kính quang điện của Next Energy Technologies vượt trội hơn với lớp vật liệu phát điện mỏng hơn gấp 10 lần so với các loại vật liệu hiện đang được sử dụng. Ngoài ra, các tế bào quang điện được gắn vào mỗi tấm cửa sổ là các thiết kế nhỏ nhất hiện nay, với kích thước nhỏ hơn ¼ một hạt gạo. Tuy nhỏ như vậy nhưng những tế bào quang điện này lại có thể phát sinh lượng điện nhiều gấp 10 lần (kể cả trong điều kiện ánh sáng nhân tạo) so với các tế bào quang điện hiện có.
Tại buổi đối thoại, GS Konstantin (Kostya) Sergeevich Novoselov (người được trao giải Nobel Vật lý năm 2010 khi mới 36 tuổi) phát hiện ra cách phân lập Graphene - một loại vật liệu cho tương lai.
Graphene là một lớp các nguyên tử carbon được xắp xếp thành mạng lục giác hai chiều (mạng hình tổ ong). Đây là loại vật liệu có nhiều tính chất đặc biệt như dẫn nhiệt, dẫn điện tốt, có độ cứng rất lớn (gấp hàng trăm lần so với thép) và nó gần như trong suốt. Bởi vậy, vật liệu này đã và đang được nghiên cứu mạnh mẽ cho nhiều lĩnh vực ứng dụng quan trọng như tích trữ năng lượng, pin mặt trời, linh kiện bán dẫn chủ động transistor, xúc tác, cảm biến, vật liệu polymer tổ hợp…
Mô phỏng vật liệu graphene. Ảnh: Harvard
Mặc dù các nhà khoa học biết đến tồn tại của graphene tinh thể hai chiều với độ dày bằng một lớp nguyên tử carbon, nhưng chưa ai tìm ra cách chiết xuất nó từ than chì (graphite). Phải đến năm 2004, GS Novoselov cùng với đồng nghiệp của mình tại Đại học Manchester là Giáo sư Andre Geim mới tìm ra cách phân lập graphene.
Theo TS Hoven, thách thức chính khi sản xuất và ứng dụng vật liệu graphene, là quá trình phân lập không hề dễ dàng và rất tốn kém.
AN MINH
Các tin khác
TP.HCM: Trao danh hiệu Doanh nghiệp Xanh năm 2024
MTXD - Ngày 29/8/2024, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng, tổ chức Lễ trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP.HCM năm 2024”. Đây là hoạt động hướng đến Diễn đàn kinh tế thành phố lần thứ 5 diễn ra từ 24/9/2024 đến 27/9/2024.
Dùng phế phẩm sản xuất dung dịch tẩy rửa hữu cơ thân thiện môi trường
MTXD - Nhóm bạn trẻ đã sử dụng các loại nguyên liệu từ rác hữu cơ như các loại rau xanh, vỏ trái cây và mật mía làm nguyên liệu tạo dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng an toàn cho người sử dụng và góp phần bảo vệ môi trường.
Hoàng Mai- Hà Nội: Cần quyết liệt xử lý các trạm trộn bê tông, nhà xưởng xây dựng trái phép
Hiện nay, tại khu vực ven sông Hồng thuộc địa bàn phường Trần Phú và phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Tp.Hà Nội hàng loạt trạm trộn bê tông, nhà xưởng hoạt động rầm rộ nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, vi phạm pháp luật về đê điều, đất đai và không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường,
Long Châu ra mắt dịch vụ vaccine ‘Mua trọn gói - trả từng phần’
MTXD - Với mong muốn góp phần giúp đỡ các gia đình có con nhỏ giảm nhẹ gánh nặng chi phí tiêm chủng, đồng thời nâng cao tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ và đúng hạn cho người dân tại Việt Nam, Tiêm chủng Long Châu cho ra mắt dịch vụ “Mua trọn gói - Trả từng phần” với nhiều ưu đãi hấp dẫn.
Tổng Công ty Điện lực miền Trung bị đề nghị xử lý vi phạm về đất đai
Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum mới ban hành Kết luận thanh tra về việc, giao đất cho Công ty Điện lực 3 Đà Nẵng ( Nay là Tổng Công ty Điện lực miền Trung) theo Quyết định số 552/QĐ-UBND ngày 26/51994 của UBND tỉnh.