Phát triển nguồn năng lượng tái tạo
Dự án Nhà máy điện gió số 5 tại Ninh Thuận do Trungnam Group đầu tư xây dựng có tổng vốn đầu tư 1.633 tỷ đồng. (Ảnh MAI NGỌC)
MTXD - Phát triển nguồn năng lượng tái tạo không chỉ bảo đảm nguồn cung cấp điện năng cho đất nước với chi phí hợp lý, mà còn góp phần cụ thể hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050 theo đúng như Thủ tướng Chính phủ cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Theo dự báo của Viện Năng lượng (Bộ Công thương), nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng với tốc độ cao trong những năm tới. Cụ thể, khoảng 8,5%/năm giai đoạn 2021-2030 và 4%/năm giai đoạn 2031-2045. Mức tiêu thụ điện thương phẩm có thể tăng từ 216 tỷ kWh (năm 2020) lên hơn 300 tỷ kWh (năm 2030) và hơn 800 tỷ kWh (năm 2045). Đáng chú ý, để đạt được mục tiêu NET ZERO 2050, nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) sẽ đóng góp chính trong cơ cấu năng lượng điện với mức 32% vào năm 2030 và 58% vào năm 2045. Ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho biết: Tính đến nay, tổng công suất lắp đặt nguồn năng lượng tái tạo đã đạt khoảng 20,7 GW, chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện. Kết quả thực tế năm 2021, sản lượng điện phát từ nguồn điện tái tạo đạt khoảng 30 tỷ kWh. Các nguồn điện năng lượng tái tạo đã hỗ trợ tích cực cung cấp nguồn điện cho miền bắc khi thiếu nguồn, phụ tải tăng cao, góp phần bảo đảm cung ứng điện cho cả giai đoạn 2021-2025...
Tuy nhiên, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực (Bộ Công thương) Hoàng Trọng Hiếu cho rằng: Trong quá trình phát triển nguồn năng lượng tái tạo ở nước ta hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: công tác quy hoạch; vướng mắc trong quy định pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản; giải phóng mặt bằng; về cơ chế giá; kỹ thuật... Hiện nay hầu hết các dự án điện từ nguồn năng lượng tái tạo đều gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công các công trình. Khó khăn này do một số nguyên nhân chính như: Chính sách bồi thường hỗ trợ đơn giá đất thường thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế; một số quy định liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư còn thiếu dẫn đến không có căn cứ áp dụng; một số chính sách về bồi thường, hỗ trợ không kịp theo thực tế tại địa phương nên chưa tạo được sự đồng thuận của các hộ dân bị ảnh hưởng...
Trong khi đó, Phó Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Thị Thanh Tùng cho rằng: Tiềm năng để khai thác năng lượng sạch, năng lượng tái tạo ở Việt Nam là rất lớn, nhưng việc tiếp cận vốn tín dụng của các dự án năng lượng tái tạo còn nhiều khó khăn. Các dự án đầu tư năng lượng sạch, năng lượng tái tạo có thời hạn hoàn vốn đầu tư dài (khoảng 5 đến 10 năm đối với dự án điện mặt trời mái nhà, khoảng 10 đến 15 năm đối với các dự án năng lượng tái tạo khác). Trong khi đó, nguồn vốn cho vay mà các ngân hàng thương mại cho vay đối với các dự án này là nguồn vốn thông thường và phải tuân thủ tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Bên cạnh đó, năng lực quản lý của các chủ đầu tư cũng ảnh hưởng nhiều đến việc cấp tín dụng cho các dự án năng lượng tái tạo. Nhiều doanh nghiệp triển khai dự án là doanh nghiệp mới thành lập nên các tổ chức tín dụng khó khăn khi thẩm định năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai của khách hàng...
Phó Cục trưởng Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phạm Văn Tấn nêu rõ: Mặc dù là một nước đang phát triển với nguồn lực còn hạn chế trong khi phải chịu nhiều tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, Việt Nam vẫn thể hiện quyết tâm cao nhất, cam kết cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050, giảm 30% tổng phát thải khí mê-tan vào năm 2030 so với năm 2020, chuyển đổi điện than sang năng lượng tái tạo. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Biến đổi khí hậu đã xây dựng và đang hoàn thiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050, trong đó có cụ thể hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về "0", lĩnh vực năng lượng phải giảm ít nhất 32% vào năm 2030, giảm ít nhất 90% vào năm 2050 so với kịch bản phát thải trong điều kiện phát triển thông thường của Việt Nam. Để thực hiện được việc này, việc thay thế điện than bằng các nguồn điện gió, điện mặt trời, điện khí và các nguồn điện ít phát thải khác là cách đi bắt buộc phải theo...
Để có thể huy động nguồn lực năng lượng tái tạo tối ưu, chất lượng, bảo đảm mục tiêu đặt ra, Bộ Công thương hiện đang nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về chính sách và phát triển cơ sở hạ tầng như: Sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực để hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư, đấu thầu phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối. Trong đó, cơ chế phát triển năng lượng tái tạo chuyển dịch từ chính sách hỗ trợ ban đầu để thúc đẩy phát triển thị trường sang chính sách đấu thầu cạnh tranh khi quy mô, trình độ thị trường đã thay đổi để thị trường quyết định giá công nghệ, giá điện nhằm phản ánh sát và kịp thời sự thay đổi về công nghệ của thị trường thế giới...
Phó Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế Phạm Thị Thanh Tùng cũng đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, tham mưu hoàn thiện hành lang pháp lý về tiêu chí môi trường và việc xác định đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (danh mục phân loại xanh) làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá, giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh... Mặt khác, sớm xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường đến quy hoạch, chiến lược phát triển) của từng ngành, lĩnh vực đồng bộ để thu hút và phát huy được tác dụng của nguồn vốn tín dụng xanh; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường vốn để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp đầu tư dự án xanh, dự án năng lượng tái tạo. Ngoài ra, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm ban hành chính sách về giá điện, bảo đảm minh bạch, nhất quán tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.
Theo Khánh Huy-nhandan.vn
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.
TP.HCM: Trao danh hiệu Doanh nghiệp Xanh năm 2024
MTXD - Ngày 29/8/2024, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng, tổ chức Lễ trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP.HCM năm 2024”. Đây là hoạt động hướng đến Diễn đàn kinh tế thành phố lần thứ 5 diễn ra từ 24/9/2024 đến 27/9/2024.
Huyện Hải Lăng ( Quảng Trị) : Lập biên bản yêu cầu công ty CP Thiên Tân giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Ngày 20/8/2024, Ban QLDA, PTQĐ&CCN huyện Hải Lăng tổ chức làm việc với Công ty cổ phần Thiên Tân về việc tập kết sản phẩm ống cống không đúng nơi quy định; xe vận chuyển nguyên, vật liệu gây ra bụi; xe có trọng lượng lớn gây sụt lún điểm đấu nối giữa Quốc lộ 1A với tuyến đường quy hoạch RD-2 Cụm côn
Quảng Nam: Nhiều trường học dọn dẹp môi trường chuẩn bị năm học mới.
MTXD - Những ngày trước khai trường, nhiều trường học ở các địa phương tỉnh Quang Nam đã tổ chức cho học sinh đến nhận lớp, dọn vệ sinh, chuẩn bị khai giảng năm học mới.
Huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk): Chỉ đạo kiểm tra hoạt động đốt than của các hộ dân
MTXD - Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn ( Đắk Lắk ) vừa chỉ đạo, UBND xã Ea Bar kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh của người dân về hoạt động đốt lò than tự phát gây ô nhiễm môi trường.