Phát triển những công trình kiến trúc xanh thực chất

​MTXD - Phát triển kiến trúc xanh đã đi được một chặng đường khá dài, hơn 10 năm để thể nghiệm và đánh giá rút kinh nghiệm, làm cơ sở cho việc nhân rộng đại trà góp phần mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung quốc gia.

MTXD - Phát triển kiến trúc xanh đã đi được một chặng đường khá dài, hơn 10 năm để thể nghiệm và đánh giá rút kinh nghiệm, làm cơ sở cho việc nhân rộng đại trà góp phần mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung quốc gia.

Tuy nhiên, sau 10 năm nhìn lại, có thể thấy phát triển công trình kiến trúc xanh còn khá khiêm tốn cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là những công trình xanh “thực chất” ở nhiều thể loại còn chưa nhiều, để có thể là những hình mẫu cho rộng rãi công chúng và giới nghề tiếp thu, học tập kinh nghiệm.

Một số công trình xanh được nêu tên trên báo chỉ mới đơn giản chỉ là các thể nghiệm theo các hướng riêng lẻ - thiếu tính tổng thể, hay mới dừng ở những loại hình công trình đặc biệt, khó mang tính nhân rộng đại trà.

Bài viết này đề cập đến một số nội dung giải pháp phát triển những công trình xanh thực chất để đóng góp có hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, cơ hội để định hướng phát triển xanh "thực chất"

Được xem là xu hướng của kiến trúc thế kỷ 21 đương đại nhưng thực tế xu hướng “kiến trúc xanh” đã được đề cập vào thập niên 80 của thế kỷ trước cùng với khái niệm phát triển bền vững do Liên Hợp Quốc đề xướng; đồng thời có sự phát triển biến đổi, nâng cấp liên tục trở thành xu thế phát triển của kiến trúc hiện đại.

Hiện nay xu hướng kiến trúc xanh (với các phân nhánh bao gồm kiến trúc sinh thái, kiến trúc bền vững, kiến trúc tiết kiệm năng lượng) về cơ bản có thể được hiểu là xu hướng kiến trúc thân thiện với môi trường, hiệu quả trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên trong suốt “đời sống” của công trình: từ thiết kế, xây dựng, điều hành, bảo trì, cải tạo cho đến tháo dỡ.

Kiến trúc công trình nhà cộng đồng Cẩm Thanh, thiết kế Văn phòng 1+1>2, có nhiều ưu thế tối ưu sử dùng giải pháp thông gió chiếu sáng tự nhiên và vật liệu truyền thống trên cơ sở chuyển hóa và kế thừa các giá trị kiến trúc truyền thống (nguồn ảnh: Internet).

Các công trình kiến trúc xanh được tạo dựng nên bởi những vật liệu thân thiện với môi trường, hài hòa, không phá vỡ cảnh quan xung quanh, gắn bó con người với thiên nhiên, không làm ô nhiễm môi trường sống và tiết kiệm tối đa các nguồn năng lượng…

Theo thời gian phát triển, kiến trúc xanh hiện bao gồm 6 hướng chính: Kiến trúc khí hậu phát triển ở nhiều quốc gia những năm 60; Kiến trúc bảo vệ môi trường; Kiến trúc sinh khí hậu; Kiến trúc sinh thái; Kiến trúc hiệu quả và tiết kiệm năng lượng; Kiến trúc thích ứng với khí hậu và nhu cầu sử dụng.

Tại Việt Nam, 5 tiêu chí của kiến trúc xanh Việt Nam được Hội KTSVN chính thức tuyên bố bao gồm: Địa điểm bền vững, sử dụng tài nguyên năng lượng hiệu quả, chất lượng môi trường trong nhà, kiến trúc tiên tiến bản sắc, tính xã hội nhân văn bền vững.

Tuy vậy, sau một thời gian trong khoảng 10 năm thực hiện, thông qua các nhóm công trình được gắn với tiêu chí kiến trúc xanh đã được thực hiện, có thể đánh giá hiện nay vẫn còn một số quan niệm sai lầm lớn về công trình xanh trong cộng đồng và kể cả nhiều kiến trúc đang hành nghề. Bao gồm:

(1) Công trình kiến trúc xanh - sinh thái - tiết kiệm năng lượng đơn thuần một cách dễ dàng có thể được tạo ra từ cách chỉ trồng nhiều cây xanh hay sử dụng các vật liệu từ tự nhiên, áp đặt cố gắng đưa tự nhiên vào công trình.

(2) Công trình kiến trúc xanh - sinh thái - tiết kiệm năng lượng đơn giải có thể tạo ra từ việc mua sắm các hệ thống thiết bị công nghệ hiện đại đắt tiền.

(3) Công trình kiến trúc xanh - sinh thái - tiết kiệm năng lượng có thể dễ dàng tạo ra trên cơ sở copy dạng kiến trúc với các hình học trừu tượng mô phỏng của các cấu trúc tự nhiên (hang động, núi, cây…), các hình thức kiến trúc truyền thống được cho là sinh thái mà thiếu sự chắt lọc, chuyển hóa, hiện đại hóa.

Kiến trúc khu nhà ở công nhân theo hướng kiến trúc xanh tại Lào Cai. (nguồn ảnh: Internet).

Về cơ bản, các nhóm công trình kiến trúc xanh được xây dựng trên cơ sở các quan niệm “nửa vời” như trên sẽ có những biểu hiện như trông có vẻ kỳ lạ ấn tượng ban đầu, nhưng hàm lượng kiến trúc xanh - sinh thái rất ít, chi phí đầu tư xây dựng/vận hành/bảo trì công trình tốn kém, tỷ trọng sử dụng năng lượng nhân tạo là rất lớn.

Để có những lời giải thỏa đáng cho việc phát triển các công trình xanh thực chất, trước tiên cần trả lời câu hỏi lớn: “Như thế nào là công trình kiến trúc xanh thực chất?”.

Theo Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, đã nêu rõ quan điểm lớn “Kiến trúc góp phần tạo lập môi trường sống bền vững; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng; phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH”.

Theo đó, một trong những mục tiêu cụ thể chính là các công trình kiến trúc đảm bảo tiêu chí về bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái; Sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đất đai, tiết kiệm năng lượng; Có giải pháp phòng chống thiên tai và thích ứng với BĐKH.

Đối với khu vực đô thị, phát triển kiến trúc đối với mỗi đô thị phải đảm bảo giữ được bản sắc, hài hòa với điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, trình độ khoa học, kỹ thuật. Đảm bảo tính thống nhất trong việc quản lý từ không gian tổng thể đến không gian cụ thể của công trình kiến trúc; đảm bảo kết hợp hài hoà giữa quá khứ với hiện tại; có dự báo hợp lý trong tương lai, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

Đối với khu vực nông thôn, phát triển kiến trúc tại nông thôn cần đề cao sự tham gia của cộng đồng; Chú trọng bảo vệ di sản kiến trúc, thiên nhiên; Bổ sung những chức năng còn thiếu, Kết hợp hiện đại hóa kết cấu hạ tầng; Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán riêng biệt của mỗi địa phương; Phù hợp với đặc điểm thiên nhiên, con người, kế thừa kinh nghiệm xây dựng, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Khuyến khích phát triển các công trình kiến trúc có tính kế thừa kiến trúc truyền thống, phù hợp với khung cảnh thiên nhiên và điều kiện khí hậu của từng địa phương.

Đây có thể xem là những định hướng rất quan trọng để phát triển đồng bộ kiến trúc Việt Nam hiện đại - bản sắc cũng như là cơ hội lớn cho phát triển hệ thống các công trình xanh “thực chất” trong giai đoạn tới, hạn chế được các khiếm khuyết, cũng như đóng góp có hiệu quả cho phát triển kinh tế xã hội, nâng cao tiện ích - chất lượng sống cho người dân.

Phát triển các công trình kiến trúc xanh "thực chất"

Để phát triển toàn diện hệ thống công trình xanh/sinh thái/bền vững, nguyên tắc chung hiện nay chính là đảm bảo ứng dụng đồng bộ hệ thống các giải pháp chủ động và thụ động cho công trình.

Trong đó, giải pháp thụ động chính là các giải pháp tự thân của công trình (về thiết kế kiến trúc, tổ chức lớp vỏ bao che, kết cấu và vật liệu xây dựng, tổ chức không gian gắn với vật lý kiến trúc) cũng như các giải pháp chủ động như sử dụng lắp đặt các hệ thống thiết bị xanh/tiết kiệm năng lượng/thân thiện môi trường (như hệ thống thông gió điều hòa biến tần VRV, đèn LED chiếu sáng tiết kiệm năng lượng, pin quang điện áp mái, nước nóng năng lượng mặt trời…).

Công trình nhà ở nông thôn Bắc Hồng (Hà Nội)- kế thừa các giá trị sinh thái/ tiết kiệm năng lượng truyền thống cho nhà ở nông thôn Bắc Bộ đương đại - giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2019 (nguồn ảnh: Internet).

Trên cơ sở các nội dung nghiên cứu của đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Bộ: Nghiên cứu định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam do Viện Kiến trúc Quốc gia thực hiện, một số các nội dung định hướng chính để phát triển hệ thống các công trình xanh “thực chất” bao gồm:

(1) Đẩy mạnh triển khai áp dụng với hệ thống các thể loại công trình có số lượng đại trà, quy mô diện tích trung bình và lớn trên phạm vi cả nước, có tính cần thiết cao với đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân như: nhà ở thấp tầng/cao tầng, trung tâm thương mại, văn phòng, trường học, bệnh viện… không khuyến khích đầu tư phát triển các công trình có tính chất đơn lẻ, đặc thù cao để tránh tốn kém, lãnh phí nguồn lực.

(2) Công trình phải đảm bảo đa dạng về công năng sử dụng, trước hết khả năng sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt - sản xuất lâu dài, bền vững của người dân.

Hạn chế các công trình đơn chức năng. Các công trình công cộng ngoài chức năng sử dụng chính cần được nghiên cứu tích hợp thêm các chức năng phụ như tránh trúc bão, sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đồng thời, có khả năng đảm bảo an toàn, chống chịu được các ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt, thiên tai.

(3) Công trình phải có chi phí đầu tư hợp lý, cao hơn các công trình thông thường có quy mô tương đương không vượt quá 30%. Ưu tiên sử dụng các công nghệ và thiết bị phục vụ sinh hoạt đời sống và sản xuất có chi phí lắp đặt và sử dụng vận hành thấp, tiết kiệm năng lượng, đã được sản xuất và ứng dụng đại trà.

Các số liệu nghiên cứu thực tế cũng cho thấy, chỉ thông qua áp dụng một số giải pháp chủ động và thụ động thông thường, với chi phí đầu tư rất phù hợp, mức độ xanh/tiết kiệm năng lượng/bền vững thực chất của công trình đã có thể được gia tăng rất đáng kể: Với làm mát khi áp dụng giải pháp giảm nhiệt làm bên ngoài nóng công trình bằng hấp thụ hay phản xạ (mành chớp, mái hiên, chớp xoay, vải bạt và các lam chớp che nắng nhiều màu, rèm cuốn, mành chớp, rèm tấm, rèm xếp, vải và các lam chớp phải có mức độ phản xạ cao) có thể đạt được mức từ 50 - 95%.

Với chiếu sáng nhân tạo khi áp dụng các giải pháp sử dụng ánh sáng tự nhiên bằng truyền dẫn và phản xạ cao, sử dụng ánh sáng tự nhiên bằng việc điều chỉnh các lam chớp, sử dụng ánh sáng tự nhiên một cách chọn lọc, sử dụng ánh sáng tự nhiên thông qua phản xạ trực tiếp có thể đạt tới mức từ 50 - 70%.

(4) Công trình có tính hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường sống tự nhiên. Theo đó, thiết kế các công trình kiến trúc phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, tôn trọng môi trường thiên nhiên, hạn chế các tác động thô bạo để công trình trở thành một phần hữu cơ - gắn kết hài hòa với bối cảnh xung quanh nơi công trình được xây dựng.

Điều này có nghĩa là công trình có thể diễn giải lại các nguyên tắc của tự nhiên (ví dụ như khả năng thông gió, chiếu sáng tự nhiên, tự làm mát mùa hè, ấm áp vào mùa đông, không gian linh hoạt, sự thay đổi góc nhìn, hình ảnh theo thời gian ngày hay đêm).

Các yếu tố đó được hình thành thông qua sự sáng tạo, tư duy các giải pháp thiết kế kiến trúc/kỹ thuật công trình để tạo ra các mối quan hệ nội tại và mối quan hệ qua lại giữa công trình và thiên nhiên xung quanh.

(5) Công trình kiến trúc có ưu thế về tiết kiệm năng lượng trong đó ngoài vấn đề về sự bền vững với địa điểm, kiến trúc còn mang yếu tố kỹ thuật về sử dụng vật liệu, công nghệ để giảm thiểu việc tiêu hao năng lượng trong quá trình vận hành cũng như giảm thiểu các tác hại tiêu cực vào môi trường xung quanh.

(6) Công trình có tính kế thừa một số các ưu thế về sinh thái/bền vững/tiết kiệm năng lượng của kiến trúc truyền thống, trên cơ sở có sự nghiên cứu chọn lọc, kế thừa và phát huy theo các giải pháp chuyển hóa để có sự phù hợp với kiến trúc và yêu cầu cuộc sống đương đại.

Trên cơ sở này, các ưu thế về sinh thái/ bền vững/ tiết kiệm năng lượng sẽ là một trong những yếu tố chính tham gia góp phần tạo dựng nên tính nhận diện và cao hơn là bản sắc kiến trúc cho công trình.

(7) Kiến trúc công trình không chạy theo chủ nghĩa hình thức, mà phải phát triển dựa trên thực chất với các nội hàm tiết kiệm năng lượng/hiệu quả sử dụng được kiểm định và lượng hóa bằng các tiêu chí - chỉ tiêu cụ thể, như các bộ tiêu chí đánh giá LEED, EDGE, hay LOTUS - bộ tiêu chí của Hội đồng công trình xanh Việt Nam…

Kết luận

Như vậy, phát triển công trình xanh “nửa vời”, “thiếu thực chất” sẽ không những không đóng góp cho hiệu quả chung mà còn mang đến nhiều hệ lụy lớn như phát triển kém bền vững, lãng phí nguồn lực xã hội. Ngược lại, phát triển toàn diện hệ thống công tình kiến trúc xanh thực chất chính là một trong những yếu tố tiên quyết tạo nên bước đột phá trong phát triển công trình xanh ở Việt Nam trong các giai đoạn tới đây, đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao tiện ích - chất lượng sống cho người dân.

Để triển khai thành công các công trình xanh “thực chất” với các tiêu chí trên, rất cần áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, trước tiên là hệ thống cơ chế chính sách pháp luật trong đó thiết lập đầy đủ các tiêu chí, định mức, lộ trình thực hiện, cũng như áp dụng nhiều chính sách khuyến khích phát triển như nhân rộng (thưởng diện tích sàn, giảm thuế với các công trình đạt chứng chỉ xanh) như nhiều các quốc gia phát triển đi trước đã triển khai thực hiện rất thành công.

THS.KTS PHẠM HOÀNG PHƯƠNG*

Tài liệu tham khảo:

[1]. Quyết định số 1246/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050

[2]. Viện Kiến trúc Quốc gia, (2022), Đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Bộ: Nghiên cứu định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam.

[3]. Phạm Hoàng Phương, (2019), Những cái giá của chữ “Xanh” trong Kiến trúc, Tạp chí Xây dựng.

[4]. Phạm Hoàng Phương, (2020), Công trình xanh nhà ở thấp tầng đô thị: Thách thức phát triển đại trà, Tạp chí điện tử Bất động sản.

* Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.