Phát triển sông Cầu thành đô thị: Xanh – sạch – đẹp

​MTXD - Sông Cầu cách TP Tuy Hòa 45km, là trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ… nằm ở cửa ngõ phía Bắc tỉnh Phú Yên – Sông Cầu còn là sự giao thoa về kinh tế, xã hội giữa hai tỉnh Bình Định và Phú Yên, sự kết nối hỗ trợ lẫn nhau trong chuỗi các đô thị trục ven biển Nam – Trung – Bộ.

MTXD - Sông Cầu cách TP Tuy Hòa 45km, là trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ… nằm ở cửa ngõ phía Bắc tỉnh Phú Yên – Sông Cầu còn là sự giao thoa về kinh tế, xã hội giữa hai tỉnh Bình Định và Phú Yên, sự kết nối hỗ trợ lẫn nhau trong chuỗi các đô thị trục ven biển Nam – Trung – Bộ.

Vịnh Hòa Phú Yên

Miền đất xanh

Năm 2009, huyện Sông Cầu phát triển lên thị xã, là đô thị loại IV, đến năm 2019 trở thành đô thị loại III, trực thuộc tỉnh Phú Yên. Đô thị này có diện tích tự nhiên 49.279ha, dân số khoảng 12,8 vạn người, có 13 dơn vị hành chính gồm 4 phường nội thị và 9 xã ngoại thị.

Với địa hình phía Tây là dãy núi cao, như núi Ông Định, núi Hòn Vung, phía Bắc là đèo Cù Mông cao 245m so với mặt nước biển, một nhánh của dãy Trường Sơn như con rồng khổng lồ trườn ra biển Đông, nơi đây có nhiều đầm vịnh lớn nên ấm về mùa đông, mát về mùa hè, cây lá xanh tươi bốn mùa.

Đầm Cù Mông có diện tích hơn 260ha, được bao bọc bởi khối núi Cù Mông chạy dài ra biển, có nhiều cảnh đẹp như Bãi Bầu, Bãi Rạng. Nhìn từ đỉnh đèo Cù Mông xuống, đầm như một dải lụa óng ả nằm xoài ra, xa xa là làng mạc ẩn hiện trong màu xanh bạt ngàn của dừa; nơi đây có miếu Công Thần, di chỉ khảo cổ Gò ốc; đồng muối Tuyết Diêm, từ hơn 250 năm về trước, muối có hạt chắc trắng tinh, vị mặn đậm đà mà không chát, xưa kia thương lái thường gọi là muối Cù Mông – Muối Cù Mông được làm nước mắm có thương hiệu Ghềnh Đỏ thơm ngon. Đầm Cù Mông còn biết đến là nơi nuôi tôm hùm, ghẹ cua và cá mực.

Sông Cầu Phú Yên

Vịnh Xuân Đài làm cho Sông Cầu nổi tiếng, là vịnh lớn có diện tích mặt nước hơn 1.300ha, cửa biển Bình Bá của vịnh quay về hướng Nam rộng hơn 4km thông ra biển Đông. Vịnh này được tạo thành từ dãy núi Cổ Ngựa dài khoảng 15km, như con kỳ lân khổng lồ chạy dài theo bờ biển, tạo nên bán đảo Xuân Hòa, Xuân Thịnh. Đứng trên đỉnh dốc Găng, quốc lộ 1 nhìn xuống, vịnh Xuân Đài như bức tranh sơn thủy hữu tình, một vùng non nước thắm đượm màu xanh, mặt nước đầm trong xanh phẳng lỳ như mặt gương, núi rừng xanh, phố phường, xen lẫn dừa xanh, bầu trời xanh thăm thẳm. Ở đây có nhiều bãi tắm đẹp như Vũng La, Vũng Chảo và nhiều đảo cực đẹp như cù lao Ông Xá, hòn Nhất Tự Sơn, mũi Đá Mài, mũi Tai Mã… Năm 2011 vịnh Xuân Đài được xếp hạng là Di tích thắng cảnh cấp Quốc gia.

Vịnh Xuân Đài là vịnh nước sâu, kín gió, vào thế chiến thứ II tàu hải chiến của phát xít Nhật tiến sâu vào vịnh, bị quân đồng minh đánh chìm. Tương lai cần có cảng du lịch, có đường cáp treo chạy bao quanh đầm, khi đó mới thưởng ngọan hết được vẻ đẹp của danh thắng này. Vịnh Xuân Đài còn biết đến là nơi nuôi tôm hùm thương phẩm nổi tiếng khu vực Nam – Trung – Bộ.

Sông Cầu còn rất nhiều địa danh thắng cảnh du lịch như: Thác Cây Đu, hồ Xuân Bình, hầm và đèo Cù Mông, các chùa chiền miếu cổ như: Chùa Triều Tôn, chùa Phước Điền, miếu Ông Cọp, mộ và đền thờ danh nhân Đào Trí… kể sao cho hết, mỗi địa danh, mỗi vùng đất là những pho huyền thoại hấp dẫn giàu lòng nhân ái. Sông Cầu còn có lễ hội đua thuyền vịnh Xuân Đài, lễ hội sông nước Tam Giang, lễ hội Cầu Ngư, hò Bá Trạo. có đủ điều kiện xây dựng một đô thị du lịch, nghỉ dưỡng có sắc thái riêng.

Đô thị có bản sắc

UBND thị xã Sông Cầu đang tiến hành lập quy hoạch chung xây dựng thị xã giai đoạn 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 theo quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch số 35 ngày 12/1/2022 của UBND tỉnh Phú Yên. Phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ ranh giới thị xã, có ranh giới cận phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp huyện Đồng Xuân, phía Nam giáp huyện Tuy An và phía Bắc giáp tỉnh Bình Định.

Mục tiêu của đồ án là: Khai thác, phát huy các tiềm năng lợi thế nhằm xây dựng, phát triển đô thị theo từng giai đoạn, đáp ứng yêu cầu phát triển mới, hội nhập với sự phát triển của vùng Duyên hải Nam – Trung – Bộ, tạo đà thúc đẩy quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế.

Xây dựng và phát triển thị xã đồng bộ về mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tổ chức không gian và tạo lập hình ảnh đô thị mang bản sắc riêng, đảm bảo phát triển bền vững, cải thiện cuộc sống cho nhân dân ngày tốt hơn.

Đồ án quy hoạch là cơ sở để triển khai lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, xây dựng hệ thống công trình hạ tầng. Là cơ sở để phát triển đô thị Sông Cầu phù hợp với định hướng phát triển theo quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài.

Theo quy hoạch, dự kiến đến năm 2030, dân số đô thị Sông Cầu là 19 vạn người và năm 2045 là 30 vạn người, đô thị này có 9 phường nội thị gồm có phường Xuân Đài, Xuân Phú, Xuân Thành và Xuân Yên, Xuân Phương, Xuân Thịnh, Xuân Cảnh, Xuân Lộc, Xuân Hải. Khu vực ngoại thị gồm có 4 xã Xuân Bình, Xuân Lâm, Xuân thọ 1 và Xuân Thọ 2.

Vóc dáng đô thị theo dạng chuỗi, có nhiều trung tâm, là đô thị vườn, đô thị sinh thái xanh, có mật độ xây dựng thấp, phần lớn nhà ở có vườn. Đô thị có 2 nhánh chính: Nhánh quốc lộ 1 dài 54km từ xã Xuân Thọ 2 ra tới hầm đèo Cù Mông, với lộ giới rộng 48 – 52m; nhánh quốc lộ 1D dài 14,5km, từ cầu Bình Phú ra đến TP Quy Nhơn, với lộ giới rộng 30- 36m. Đây là hai đường giao thông huyết mạch Quốc gia, đồng thời cũng là trục chính toàn thành. Trong tương lai đô thị này còn có đường sắt, đường bộ cao tốc Bắc – Nam chạy qua.

Sông Cầu có nguồn nước ngọt khá đồi dào, nhà máy nước Sông Cầu lấy nước từ đập tràn Đá Vải, đập này được xây dựng từ thời Pháp trên dòng sông Tam Giang trong xanh. Ngoài ra còn có hồ chứa nước Xuân Bình không chỉ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp mà còn cho khu dân cư và khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu.

Tại Bãi Tràm vào năm 1920 của thế kỷ trước, người Pháp đã xây dựng những biệt thự để ở và nghỉ dưỡng; qua hơn 100 năm dấu tích tường đá vẫn còn đó, người dân quanh vùng vẫn gọi là nhà ông Mô-Rô (quan khâm sứ). Người Pháp không chỉ chọn Sông Cầu là tỉnh lỵ Phú Yên (1899- 1945) mà còn đặt viên đá đầu tiên cho vùng đất du lịch, nghỉ dưỡng này, hôm nay nơi đây đã và đang trở thành một địa chỉ du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng.

Sở hữu hơn 80km đường bờ biển, thiên nhiên đã ban tặng những miền cát trắng trải dài, khi lại cong như vầng trăng khuyết, với vẻ đẹp thanh khiết tươi mới của những biển đảo xanh, nơi có rừng và núi xanh, đầm vịnh xanh, những vùng đất bình dị nổi tiếng dừa xanh. Địa phương này đang quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 lên thành phố, đô thị loại II, là cửa ngõ phía Bắc tỉnh Phú Yên: Xanh – Sạch – Đẹp…

KTS Hoàng Xuân Thưởng
(Nguồn Tạp chí Kiến trúc số 10-2023)

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.