Quy hoạch liên kết vùng để Hà Nội phát triển xứng tầm

​MTXD - Để thực hiện tốt vai trò là trung tâm, động lực phát triển của vùng và cả nước, Hà Nội trước hết cần quan tâm, đẩy mạnh công tác quy hoạch, nâng tầm trách nhiệm, năng lực quản lý quy hoạch và tổ chức thực hiện.

MTXD - Để thực hiện tốt vai trò là trung tâm, động lực phát triển của vùng và cả nước, Hà Nội trước hết cần quan tâm, đẩy mạnh công tác quy hoạch, nâng tầm trách nhiệm, năng lực quản lý quy hoạch và tổ chức thực hiện.

Định hướng phát triển

Trong nhiều năm qua và trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 Nhà nước đã chú trọng đến phát triển theo vùng để phát huy lợi thế đặc thù của mỗi vùng về vị trí địa chính trị, nguồn nhân lực, điều kiện tự nhiên và kết cấu hạ tầng.

 Mỗi vùng có cơ chế chính sách đặc thù trên cơ sở xây dựng vùng thành một thể thống nhất, có đặc thù liên quan về địa lý, phải kể đến một số vùng: Vùng đồng bằng sông Hồng (gồm 9 tỉnh trong đó có Hà Nội), phát triển mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nội là động lực phát triển vùng và phải trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp và an toàn.

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (gồm 7 tỉnh trong đó có Hà Nội) là vùng hạt nhân phát triển, tâm điểm hội tụ nguồn lực khoa học, sẽ là vùng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế. Trong đó chú trọng xây dựng hệ thống đô thị hợp lý để phát triển vùng và giảm áp lực cho trung tâm Hà Nội, đẩy mạnh phát triển Hòa Lạc thành thành phố khoa học tầm quốc gia.

Mạng lưới đường vành đai, đường hướng tâm vùng Thủ đô. 

Ngoài các vùng kinh tế, kinh tế trọng điểm còn các vùng đặc thù trong đó có vùng Thủ đô. Vùng Thủ đô được chú trọng phát triển liên kết từ năm 2003 với 8 tỉnh: Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam và Hòa Bình. Đã có quy hoạch xây dựng vùng đến 2020 tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 490/QĐ-TTg.  Sau khi Hà Nội điều chỉnh địa giới (2008) đến 2012 vùng Thủ đô đã được điều chỉnh gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình và mở rộng thêm 3 tỉnh: Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang với diện tích hơn 24.300km2 và dân số gần 18 triệu người.

Để có định hướng phát triển và liên kết, tháng 5/2016 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 768/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2050 với mục tiêu là vùng đô thị đa cực, tập trung, vùng phát triển kinh tế tổng hợp, có môi trường sống, cảnh quan phong phú, mang đậm bản sắc dân tộc và phát triển theo xu hướng hiện đại. Quy hoạch đã xác định: Hà Nội có vị thế là Thủ đô, trung tâm đầu não hành chính, chính trị quốc gia, trung tâm văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học kỹ thuật quan trọng của cả nước, là một trong những trung tâm lớn về kinh tế, du lịch, thượng mại, dịch vụ của khu vực châu Á, Thái Bình Dương.

Mục tiêu này đang được được cụ thể hóa trong Quy hoạch Thủ đô đến 2030 tầm nhìn đến 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến 2045 tầm nhìn đến 2065 và trong Luật Thủ đô (sửa đổi) trong đó nhấn mạnh vai trò của Hà Nội: Chủ động phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng Thủ đô và cả nước thông qua mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác cùng phát triển.

Chưa thể hiện rõ vai trò

Trong những năm vừa qua, Hà Nội với vai trò là Thủ đô đã có nhiều cách làm sáng tạo, quyết liệt, nỗ lực đạt được những kết quả quan trọng khá toàn diện và có nhiều dấu ấn nổi bật. Trong đó không thể không kể đến vai trò với vùng bao gồm cả vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.

Song khách quan nhìn nhận thì chưa phát huy đồng bộ thể mạnh tiềm năng của Thủ đô. Nghị quyết 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến 2030, tầm nhìn đến 2045 cũng đã chỉ ra: "Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước”.

Trong Luật Thủ đô (2013) cũng đã xác định trách nhiệm của Hà Nội là "Chủ động phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong trong vùng Thủ đô và cả nước thông qua việc mở rộng các hình thức liên kế hợp tác cùng phát triển". Tuy nhiên, qua tổ chức thực hiện cũng như nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô cũng cho thấy việc thực hiện liên kết còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.

Trong bối cảnh trên, để thực hiện mục tiêu phát triển Thủ đô đến 2030 tầm nhìn đến 2045 đã xác định trong Nghị quyết 15 - NQ/TW của Bộ Chính trị, Hà Nội không thể không quan tâm đến mối quan hệ với vùng. Công tác này trước hết cần xác lập trong quy hoạch với quan hệ tương hỗ hai chiều về Quy hoạch vùng và Quy hoạch Thủ đô.

Giải pháp thực hiện cần quan tâm

Trong bối cảnh Hà Nội đang điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng (phê duyệt năm 2011) đồng thời với lập Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050, các tỉnh trong vùng cũng đang xây dựng quy hoạch tỉnh, hệ thống quy hoạch quốc gia (theo Luật Quy hoạch 2017). Hơn nữa trong quy hoạch ngành kỹ thuật của Hà Nội như quy hoạch cấp thoát nước, quy hoạch giao thông vận tải, quy hoạch chất thải rắn đã được Chính phủ phê duyệt, kể cả các quy hoạch phân khu, các quy hoạch huyện cũng bộc lộ một số tồn tại mà để giải quyết phải tính đến yếu tố liên vùng. Do vậy, cùng với xây dựng Quy hoạch Thủ đô cần có liên kết để xây dựng Quy hoạch vùng (theo Luật Quy hoạch) và điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô.

Để Hà Nội phát triển và phát triển chuỗi liên kết kinh tế cũng như quản lý phân bố dân cư hợp lý và triển khai mạng lưới giao thông liên vùng, thì trong hợp tác đầu tư cần có đổi mới gắn với tăng quyền hạn cho Thủ đô để cả nước vì Hà Nội và Hà Nội vì cả nước.

Quy hoạch liên kết vùng để Hà Nội phát triển xứng tầm.

Trước hết là xác định vai trò nhiệm vụ của Hà Nội trong Hội đồng điều phối vùng (thành viên điều phối) và được áp dụng cơ chế đặc thù về sử dụng vốn ngân sách và huy động nguồn lực để thực hiện các dự án trong vùng có liên quan đến Hà Nội. Như giải quyết các dự án về hệ thống giao thông (như vành đai 4 vừa qua), xử lý chất thải rắn, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí. Đây là những dự án liên quan đến các địa phương trong vùng cần có chủ trương liên kết để giải quyết có hiệu quả và bền vững.

Vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW về phát triển bền vững đô thị Việt Nam để định hướng xây dựng mạng lưới đô thị thông minh cấp quốc gia, cấp vùng và kết nối với quốc tế. Nghị quyết 15- NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2045, cũng đã định hướng: "Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả nước cùng phát triển".

Để đạt được các mục tiêu trên, không chỉ Hà Nội mà còn cần liên kết vùng với cơ chế đổi mới để các tỉnh cùng phát triển, cùng chia sẻ lợi ích, cùng khai thác hiệu quả dữ liệu. Để phát triển các vùng liên quan, Hà Nội cần thực hiện tốt vai trò là động lực trung tâm phát triển theo định hướng đã xác định.

Khi các quy hoạch vùng được phê duyệt đều đã xác định cơ chế thực hiện và trách nhiệm các bộ, ngành, UBND các tỉnh trong vùng. Song qua thực tiễn triển khai vừa qua cho thấy vẫn cần có đổi mới mô hình cơ chế quản lý. Riêng với Hà Nội rất cần xây dựng cơ chế đặc thù để thực hiện vai trò chủ động trong vùng nhất là về quản lý dân số, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông.

Khi các vùng đều phát triển, liên kết vùng sẽ tạo thuận lợi để Hà Nội phát triển xứng tầm là Thủ đô, là thành phố "Văn minh - Văn hiến - Hiện đại". Để thực hiện cần có đồng bộ giải pháp: Từ nâng cao nhận thức về vai trò Thủ đô, phát huy tiềm năng, thế mạnh nội tại của Thủ đô và nhất là đổi mới cơ chế chính sách, xác định được đặc thù cho Thủ đô, về huy động nguồn lực phát triển, về quản lý phát triển đô thị, tái thiết đô thị, về phân cấp, phân quyền.. và bước đi cần triển khai sau Luật Thủ đô sửa đổi, Quy hoạch chung được phê duyệt là đề xuất điều chỉnh Quy hoạch vùng Thủ đô.

Hy vọng với sự quan tâm của Trung ương, quyết tâm của cả hệ thống chính trị Thành phố và của cộng đồng, thực hiện quy hoạch liên kết vùng sẽ đưa Hà Nội phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm

Nguồn: kinhtedothi.vn

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.