Quy hoạch & quản lý phát triển bền vững mạng lưới đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045

​MTXD - Định hướng phát triển chung không gian đô thị cả nước cơ bản được phát triển hợp lý trong các vùng đô thị hóa quan trọng gắn với 6 vùng kinh tế - xã hội quốc gia. Có sự liên kết giữa miền Bắc, miền Trung và miền Nam; giữa phía Đông và phía Tây; gắn với

MTXD - Định hướng phát triển chung không gian đô thị cả nước cơ bản được phát triển hợp lý trong các vùng đô thị hóa quan trọng gắn với 6 vùng kinh tế - xã hội quốc gia. Có sự liên kết giữa miền Bắc, miền Trung và miền Nam; giữa phía Đông và phía Tây; gắn với việc phát triển các cực tăng trưởng chủ đạo và thứ cấp quốc gia, đồng thời bảo đảm phát triển theo mạng lưới, có sự liên kết tầng bậc theo cấp, loại đô thị.

1- Đặt vấn đề

Theo QĐ số 445/QĐ – TTg, ngày 07/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 được phát triển theo mô hình mạng lưới (Liên kết mạng), trên cơ sở kịch bản phát triển theo từng giai đoạn, phù hợp với các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng thời kỳ và hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ năm 2009 đến năm 2015, các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng đô thị lớn và các khu kinh tế tổng hợp được ưu tiên phát triển, bởi đây là các khu vực đóng vai trò là cực tăng trưởng chủ đạo cấp quốc gia. Từ sau năm 2016 đến năm 2025 ưu tiên phát triển các vùng đô thị hóa cơ bản, giảm thiểu sự phát triển phân tán, cục bộ. Giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2050 chuyển dần sang phát triển theo mô hình Mạng lưới đô thị (Liên kết mạng).
Đến nay, hệ thống đô thị quốc gia cơ bản được phân bố theo mô hình mạng lưới, phù hợp với điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa và quy luật phát triển kinh tế, là tiền đề quan trọng để hệ thống đô thị trở thành hạt nhân, động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế xã hội của từng vùng, từng địa phương và trên cả nước trong mối liên kết đa tầng bặc, có hiệu quả. Phần lớn các đô thị đã khẳng định được vai trò, vị thế, tầm quan trọng của mình trong tổng thể cấu trúc của mạng lưới.

Tỷ lệ đô thị hoá của Việt Nam đã tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020. Không gian đô thị được mở rộng; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư theo hướng ngày càng đồng bộ và hiện đại; chất lượng sống đô thị từng bước được nâng cao. Đô thị hoá và phát triển đô thị trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Khu vực đô thị có sự tăng trưởng kinh tế cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn, nhất là tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy hệ thống đô thị Việt Nam đang phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng đô thị còn thấp. Từ tầm nhìn quy hoạch đến thực tế... còn có
khoảng cách khá xa; sự phát triển không đồng bộ giữa mở rộng không gian đô thị và chất lượng đô thị; việc phân loại, nâng cấp đô thị chỉ đạt mục tiêu là tăng qui mô đất đai, dân số đô thị mà chưa coi trọng tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng sống đô thị.

Quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị vẫn còn nhiều hạn chế. Quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ đô thị hoá đạt được còn thấp hơn mục tiêu đề ra, còn khoảng cách khá xa so với tỉ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh. Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng, gây ra nhiều tác động tiêu cực trong chất lượng sống đô thị. Năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, chậm được đổi mới.

Và một câu hỏi lớn đặt ra là thời gian qua dù hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 cơ bản được phát triển theo mô hình mạng lưới (Liên kết mạng) nhưng cơ chế quản lý mạng lưới đã được hình thành chưa; ai/cơ quan/bộ máy nào là người quản lý, quản lý như thế nào để mạng lưới hoạt động tốt, có hiệu quả...?

Thực tế chứng minh rằng, Việt Nam chưa tiếp cận khái niệm quản lý mạng lưới đô thị, hay đúng hơn chưa hình thành cơ chế, công cụ quản lý mạng lưới đô thị. Tuy nhiên, trong thực tế đã manh nha xuất hiện hoặc chưa làm rõ cơ chế quản lý này. Ví dụ, chúng ta đã luôn quản lý hệ thống đô thị theo cấp, loại đô thị, theo tầng bậc có chính có phụ (đô thị động lực/vùng đô thị động lực; đô thị hỗ trợ...), trên cơ sở định hướng tổng thể phát triển hệ thống đô thị cả nước, của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chương trình phát triển đô thị Quốc gia và của từng địa phương...Hay như mô hình quản lý phát triển các vùng đô thị lớn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...

2. Mạng lưới đô thị Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Để khắc phục vấn đề này, ngày 24/1/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 06- NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết 06). Nghị quyết xác định rõ vai trò, vị thế của đô thị, đô thị hóa và kinh tế đô thị trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, Nghị quyết 06 đã quán triệt nhận thức đô thị hoá là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững trong thời gian tới. Với mục tiêu tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt hơn 50%; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5-1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9 - 2,3%.

Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có tỷ lệ đô thị hoá thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và Châu Á. Xây dựng được ít nhất 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế. Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỉ trọng lớn.
Để đạt được mục tiêu trên, cần đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị, bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm. Một số vấn đề cụ thể xin được trao đổi dưới đây:

Một là, điều chỉnh, đổi mới mô hình và kịch bản phát triển hệ thống đô thị quốc gia.

Ở giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hệ thống đô thị Việt Nam được điều chỉnh, đổi mới phát triển theo Mô hình mạng lưới, xanh, thông minh và bền vững. Đây là mô hình hướng tới sự phân bố ổn định, hợp lí, bền vững hệ thống đô thị trên toàn bộ không gian lãnh thổ quốc gia. Đảm bảo sự phát triển cân đối hài hòa giữa các vùng miền, giữa khu vực đô thị và nông thôn, gắn phát triển KT – XH với đảm bảo an ninh quốc phòng. Sự phân cấp và tổ chức mạng lưới đô thị theo dạng tầng bậc cùng với sự phân bố, phân công, chia sẻ chức năng, trách nhiệm hợp lí cho từng loại đô thị trong mạng lưới, giúp giảm thiểu sự phát triển chênh lệch, tạo điều kiện phát triển cân bằng hơn giữa các vùng, giữa khu vực đô thị và nông thôn.

Mạng lưới cơ sở hạ tầng kĩ thuật, xã hội phát triển đồng bộ, hiên đại tạo điều kiện cho người dân được hưởng chất lượng đô thị hóa tốt hơn, tiếp cận chất lượng dịch vụ đô thị, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin… tốt hơn, hoàn thiện hơn. Đảm bảo hệ thống đô thị Việt Nam phát triển cân đối, bền vững, có mối liên kết chặt chẽ với khu vực nông thôn, không gây tổn hại đến môi trường, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có sức cạnh tranh cao, có vị thế xứng đáng, có mối liên kết hài hòa với hệ thống đô

 Sơ đồ hệ thống đô thị Việt Nam (VIUP)                                                                                         Vùng miền Trung

Kịch bản phát triển hệ thống đô thị được điều chỉnh theo giai đoạn (2021 – 2025 và 2026 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đảm bảo sự phát triển đô thị phù hợp với các yêu cầu phát triển KT – XH giai đoạn 2021 – 2030 của Việt Nam, là sự kết tinh chuỗi đặc điểm của quá trình đô thị hóa Việt Nam chuyển dần từ mô hình cấu trúc mạng (theo cấp, loại đô thị), gắn với các cực tăng trưởng, phân bố hợp lí theo các vùng lãnh thố quốc gia và trên địa bản cả nước giai đoạn 2021 - 2025 sang cấu trúc mạng (theo mối liên kết) và phát triển đồng đều ở giai đoạn ngoài năm 2025 (Mô hình mạng lưới – liên kết mạng).

Hai là, phát triển mạng lưới đô thị quốc gia.

Mạng lưới đô thị quốc gia tiếp tục được duy trì, phát triển trên cơ sở các vùng đô thị hóa cơ bản, các vùng đô thị lớn, các đô thị lớn, cực lớn, các KKT cửa khẩu, ven biển đóng vai trò là cực tăng trưởng chủ đạo, hoặc cực tăng trưởng thứ cấp quốc gia…, các trục hành lang kinh tế - đô thị động lực chủ đạo Bắc – Nam; các trục hành lang kinh tế - đô thị động lực liên kết hỗ trợ Đông – Tây, nan quạt, hành lang vành đai biên giới, ven biển - hải đảo gắn với kinh tế biển, cửa khẩu, đảm bảo ANQP.

Cụ thể:

(i) Mạng lưới đô thị Việt Nam căn bản được phát triển và phân theo các cấp, loại đô thị, bao gồm 6 thành phố trung tâm quốc gia, khu vực và quốc tế (Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các TP Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế và Cần Thơ1, 13 đô thị là trung tâm cấp vùng (Hạ Long, Việt Trì, Thái Nguyên, Hòa Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Nha Trang, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Biên Hòa, Vũng Tàu và Long An); các đô thị còn lại là trung tâm của các vùng liên tỉnh, liên huyện, của tỉnh và huyện… Đồng thời hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh, có khả năng lan tỏa; trên cơ sở tạo lập các chuỗi đô thi thông minh khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, lấy Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ làm hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh (QĐ số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018).

(ii) Các vùng đô thị hóa cơ bản được điều chỉnh cho phù hợp với 07 vùng KT - XH quốc gia dự kiến tái cấu trúc mới là: (1) Vùng Miền núi phía Bắc gồm 10 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La; (2) Vùng Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ gồm 15 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh; (3) Vùng Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế; (4) Vùng Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh/ thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận; (5) Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng; (6) Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh/ thành phố: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh; (7) Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh/thành phố: Thành phố Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Trong đó, mỗi vùng có các khu vực đô thị hóa tập trung cao, các cực động lực, các hành lang phát triển chủ đạo đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển KT – XH giai đoạn 2021 – 2030 của đất nước.

Vùng Miền núi phía Bắc được phát triển dựa vào tiềm năng lợi thế của địa phương, trên cơ sở khai thác các guồn lợi từ đất đai (nông, lâm nghiệp), văn hóa lịch sử truyền thống và kinh tế cửa khẩu; vùng Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ được phát triển cơ bản dựa vào vùng Thủ đô Hà Nội, mà trọng tâm là vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội, trong đó Thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh là tam giác tăng trưởng và Thủ đô Hà Nội là đô thị động lực chủ đạo; Vùng Bắc Trung Bộ và vùng Nam Trung Bộ phát triển dựa chủ yếu vào vùng kinh tế Trọng điểm Trung Bộ với TP. Thanh Hóa, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn là chuỗi các đô thị động lực, trong đó TP. Vinh, Đà Nẵng là các đô thị trung tâm; vùng Đông Nam Bộ phát triển dựa vào vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực trung tâm của vùng TP. Hồ Chí Minh là vùng đô thị hóa cao, TP. Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng chủ đạo; vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển dựa vào vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, TP. Cần Thơ và phụ cận là cực tăng trưởng chủ đạo…

Trên cở sở đó cần nghiên cứu tổ chức lập quy hoạch các vùng kinh tế trọng điểm theo Luật Quy hoạch và Nghị định 37/2019/NĐ-CP làm cơ sở cho các tỉnh, thành phố trong từng vùng triển khai lập quy hoạch cấp tỉnh, thành phố thời kỳ 2021 - 2030, đảm bảo tính kết nối, đồng bộ các nội dung quy hoạch trong tổng thể phát triển của mỗi vùng. Tăng khả năng cạnh tranh cấp tỉnh và sự liên kết giữa các đô thị trong vùng, thúc đẩy sự phát triển KT – XH của từng đô thị và mỗi vùng, đóng góp tích cực vào sự
phát triển chung của đất nước.

(iii) Các vùng đô thị lớn. Theo tổng kết UN-ESCAP, cho thấy vùng đô thị lớn/ VÐTL (Greater metropolis) hay vùng đô thị mở rộng/VÐTMR (Extended metropolis)/vươn ra dọc nhánh của hành lang lưu thông/đường cao tốc tới 50km, có thể đi làm và về trong ngày. Cũng từ góc nhìn toàn cầu hóa thì vùng đô thị cực lớn/VÐTCL (Mega Urban Region - MUR) được coi là một nút/tụ điểm trong mạng lưới các dòng lưu chuyển hàng hóa, vốn và thông tin toàn cầu, là nơi tập trung GDP và dân số đô thị cao. Vùng Thủ đô Hà Nội, vùng TP. Hồ Chí Minh của Việt Nam về cơ bản cũng hội tụ đủ các chỉ số như lưu lượng giao thông, các điểm kết nối kinh tế (khoa học – công nghệ, công nghiệp, dịch vụ/đào tạo, y tế, du lịch và nông nghiệp)… và thực sự đã trở thành các vùng đô thị lớn/đô thị cực lớn/cực tăng trưởng chủ đạo trong cấu trúc tổng thể mạng lưới đô thị quốc gia, có tác động không nhỏ trong môi trường cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Căn cứ vào các định hướng chiến lược quốc gia trong thời gian tới bổ sung thêm vùng đô thị Đà Nẵng, bao gồm Chân Mây (Lăng Cô/Thừa Thiên Huế) - Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An - Nam Hội An (2); Vùng đô thị sân bay quốc tế Long Thành, bao gồm TP Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mĩ (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), Long Thành, Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) (3). Trong đó, Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí  Minh và TP. Đà Nẵng là 03 đô thị đạt chuẩn đô thị quốc tế (khu vực châu Á – Thái Bình dương), đóng vai trò là đô thị hạt nhân của 03 vùng thành phố lớn – vùng đô thị hóa, có năng lực cạnh tranh cao, quan trọng của Việt Nam. Đô thị sân bay Long Thành đóng vai trò là cửa ngõ hàng không quan trọng khu vực phía Nam của Việt Nam và quốc tế.

Giai đoạn từ 2021 – 2030 cần cấu trúc lại trở thành các vùng đô thị năng động sáng tạo, khai thác hiệu quả không gian vùng cho các sản phẩm và nhu cầu mới, thúc đẩy hệ sinh thái kinh tế gắn với đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị lao động dựa vào tăng năng suất và hợp tác sâu rộng giữa các ngành, khu vực, và đô thị; kéo dài các chuỗi giá trị của sản phẩm quốc nội và kết nối với thị trường quốc tế.

(iv) Các cực tăng trưởng chủ đạo - Các đô thị lớn và cực lớn Đóng vai trò là các đô thị trung tâm, cực tăng trưởng chủ đạo và thứ cấp quốc gia như Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cần Thơ, Long An…

Bổ sung thêm đô thị Bắc Ninh, đô thị Vĩnh Phúc (với vai trò toàn tỉnh là đô thị) được tổ chức phát triển theo mô hình đa trung tâm, tăng trưởng xanh, thông minh và bền vững. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và một số đô thị loại I, II (là trung tâm động lực của một vùng, một tỉnh…), khu đô thị mới được phát triển đồng thời theo mô hình đô thị nén. Bên cạnh đó, do tính đặc thù Thủ đô Hà Nội cũng sẽ tiếp tục được phát triển theo mô hình chùm đô thị (mô hình thành phố trong thành phố theo Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương và QĐ 1259 của Thủ tướng Chính phủ). Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và Phú Quốc... là các đô thị đạt chuẩn quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế.

Để tạo sự đột phá mạnh mẽ trong phát triển KT – XH, cần tập trung đầu tư phát triển các khu kinh tế tổng hợp ven biển, cửa khẩu giữ vai trò là hạt nhân, cực tăng trưởng của vùng, hành lang kinh tế. Gồm 05 khu kinh tế ven biển: Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng); khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa); khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh); khu kinh tế Chu Lai (Quảng Nam) và Dung Quất (Quảng Ngãi); 08 khu kinh tế cửa khẩu: Móng Cái (Quảng Ninh); Đồng Đăng (Lạng Sơn); Lào Cai (Lào Cai); Cầu Treo (Hà Tĩnh); Lao Bảo (Quảng Trị); Bờ Y (Kon Tum); Mộc Bài (Tây Ninh) và Hà Tiên (Kiên Giang)...

(v) Các hành lang kinh tế - đô thị chủ đạo

+ Các hành lang theo hướng Bắc – Nam:

(1) Hành lang kinh tế - đô thị ven biển, hải đảo (bám dọc trục cao tốc đường bộ, đường sắt Bắc Nam và vùng Duyên hải, gắn với kinh tế biển; trong đó có các đô thị, các khu kinh tế tổng hợp, dịch vụ du lịch, cảng biển, sân bay quốc gia, quốc tế đóng vai trò là cửa ngõ hướng biển quan trọng); (2) Hành lang biên giới (Việt Nam – Trung Quốc; Việt Nam – Lào; Việt Nam – Cămpuchia) gắn phát triển KT – XH, kinh tế cửa khẩu với đảm bảo an ninh quốc phòng; (3) Hành lang hỗ trợ dọc tuyến đường Hồ Chí Minh… Các hành lang kinh tế - đô thị chủ đạo theo hướng Bắc – Nam đóng vai trò quan trọng trong kết nối không gian, các vùng, các cực tăng trưởng, các đô thị động lực chủ đạo và thứ cấp…tạo nên bộ khung xương sống, huyết mạch chính của quốc gia…

Do có vai trò, vị thế và tầm quan trọng của Hành lang kinh tế - đô thị ven biển – hải đảo, ở giai đoạn này Việt Nam cần ưu tiên hoàn thiện hệ thống đường cao tốc Bắc Nam, tuyến cao tốc kết nối đường xuyên Á Thành phố Hồ Chí Minh– Phnom Penh –Bangkok; thúc đẩy phát triển các đô thị: Nghi Sơn (Thanh Hoá), Vinh/Cửa Lò (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Huế/Chân Mây – Lăng Cô, Đà Nẵng, Tam Kì - Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Quy Nhơn – Nhơn Hội (Bình Định), Tuy Hoà – Vũng Rô (Phú Yên), Nhà Trang – Vân Phong (khánh Hòa), Phan Rang – Phan Thiết (Bình Thuận)...; các điểm đô thị biển đảo (Trường Sa, Hoàng Sa, Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quốc, Thổ Chu...)

+ Các trục hành lang theo hướng Đông – Tây:

(1) Trục hành lang Côn Minh – Hà Nội – Hải Phòng, Lạng Sơn); (2) Trục hành lang Đông – Tây/QL19; (3) Trục hành lang QL22…Ngoài ra còn một số trục hành lang Đông – Tây hỗ trợ khác như trục QL8, QL19, QL26…Các trục hành lang Đông - Tây có nhiều tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy các hoạt động kinh tế thương mại, tạo ra sự liên kết mạnh hay “dòng chảy” có sự lôi cuốn về nguồn lực, đầu tư trong mối quan hệ quốc gia và quốc tế, tạo ra cửa ngõ hướng biển hấp dẫn cho khu vực phía Tây… (Lào, Cămpuchia, Thái Lan, Myama…).

(vi) Các chuỗi và chùm đô thị.

Tùy thuộc vào đặc điểm của điều kiện tự nhiên, các mối quan hệ, nguồn lực và thực trạng phát triển, tiếp tục thúc đẩy phát triển các chuỗi và chùm đô thị như: chuỗi đô thị Móng Cái, Hải Hà, Vân Đồn, Hạ Long, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình và Nam Định (thuộc vùng duyên hải Bắc bộ); Chuỗi đô thị Thanh Hóa, Sầm Sơn, Nghi Sơn, Cửa Lò, Vinh, Hồng Lĩnh và Hà Tĩnh (thuộc vùng Bắc Trung Bộ); chuỗi đô thị Đà Nẵng, Hội An, Tam Kì, Quảng Ngãi và Qui Nhơn (thuộc vùng duyên hải trung Trung bộ); Chuỗi đô thị Tuy Hoà, Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Rang Tháp Chàm và Phan Thiết (thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ); Chùm đô thị KonTum, Playcu, Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa, Đà Lạt, Bảo Lộc (thuộc vùng Tây Nguyên); Chùm đô thị Cần Thơ, Vình Long, Cao Lãnh, Long Xuyên (thuộc vùng đồng bằng sông Cửu long)…

(vii) Phát triển đô thị trung bình và nhỏ.

Các đô thị trung bình và nhỏ cần tập trung khai thác hiệu quả và mở rộng chuỗi giá trị nông thôn – thành thị và phát triển dịch vụ. Những đóng góp của quá trình đô thị hóa ngoại vi cần được khai thác hiệu quả bằng cách tận dụng hạ tầng vùng ven đã có tại chỗ, không bê tông hóa tràn lan và phát triển theo các hướng chiến lược theo dạng nén, đồng thời phát triển các chuỗi giá trị gia tăng của các đô thị nhỏ trong vùng đô thị lớn. Các đô thị trung bình và nhỏ trong vùng khác chỉ tập trung khai thác chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, du lịch.

(viii) Quy hoạch phát triển hệ thống điểm dân cư nông thôn (xã nông thôn), tăng cường mối liê kết đô thị - nông thôn.

Trong công cuộc xây dựng Nông thôn mới, thì công tác quy hoạch có tầm quan trọng đặc biệt giúp hoạch định phát triển các không gian trên địa bàn xã một cách toàn diện, đáp ứng tốt các yêu cầu của Đảng và Chính phủ về xây dựng tam nông: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt là việc xây dựng nông nghiệp, nông thôn”. Nội dung của công tác lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới liên quan chủ yếu đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch sản xuất và quy hoạch sử dụng đất.

Bởi vậy, quy hoạch các điểm dân cư nông thôn phải gắn với quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất để có giá trị tăng cao hơn, thu nhập của người làm nông nghiệp cao hơn, góp phần thu hẹp khoảng cách về thu nhập, phát triển giữa người dân nông thôn và người dân đô thị. Cần ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp và đẩy nhanh CNH nông nghiệp, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải hướng tới phát triển bền vững. Đồng thời, việc quy hoạch các điểm dân cư nông thôn phải gắn với Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, ngày 12/3/2019 của Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021. Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp là đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/ UBTVQH13ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

TP. Đà Nẵng. Ảnh trong bài nguồn internet

3. Quản lý phát triển bền vững Mạng lưới đô thị Quốc gia.

Quản lý là một trong những hoạt động cơ bản nhất của con người, xét từ những phạm vi cá nhân, tập đoàn, quốc gia hoặc nhóm quốc gia. Quản lý đúng, khoa hoạc dẫn tới sự thành công, tồn tại vững chắc và phát triển, còn quản lý sai, thiếu khoa học sẽ dẫn đến sự thất bại, suy thoái, biến chất và đổ vỡ. Quản lý buộc con người phải biết lựa chọn giải pháp khôn khéo, xử lý đúng đắn thông tin và ra quyết định đúng, kịp thời. Theo đó, các nhà quản lý phải có đầy đủ các kiến thức về khoa học quản lý. Trong lĩnh vực quản lý để đạt được thành công thì hiểu biết và nắm vững các nội dung của hệ thống, mạng lưới và lý thuyết hệ thống, lý thuyết mạng lưới sẽ là tiền đề cơ bản để người quản lý đạt được thành công.

Mạng lưới đô thị (Urban Network) là tập hợp các đô thị trong một không gian lãnh thổ hoặc một vùng có ranh giới xác định cùng với mối liên hệ giữa các đô thị đó với nhau. Trong mạng lưới hay hệ thống đô thị thường bao gồm những đô thị lớn, cực lớn giữ vai trò là trung tâm động lực, các đô thị vừa và nhỏ có mối liên hệ phụ thuộc tương đối với các đô thị trung tâm. Về mặt chức năng, mạng lưới gồm các đô thị có chức năng (nổi bật) khác nhau như hành chính, công nghiệp, cảng, đầu mối giao thông, dịch vụ, du lịch, hoặc tổng hợp hay chuyên ngành vv.

Mạng lưới đô thị Việt Nam căn bản được phát triển và phân theo các cấp, loại đô thị, bao gồm 6 thành phố trung tâm quốc gia, khu vực và quốc tế (Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các TP Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế và Cần Thơ, 13 đô thị là trung tâm cấp vùng (Hạ Long, Việt Trì, Thái Nguyên, Hòa Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Nha Trang, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Biên Hòa, Vũng Tàu và Long An); các đô thị còn lại là trung tâm của các vùng liên tỉnh, liên huyện, của tỉnh và huyện…Đồng thời hình thành mạng
lưới liên kết các đô thị thông minh, có khả năng lan tỏa; trên cơ sở tạo lập các chuỗi đô thi thông minh khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long, lấy Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ làm hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh (QĐ số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018).

Một câu hỏi lớn đặt ra là: Để quản lý phát triển bền vững Mạng lưới đô thị Quốc gia thì phải quản cái gì, quản như thế nào, đối tượng, cách tiếp cận và công cụ để quản lý, ai là người quản lý?

Thứ nhất, về quan điểm tiếp cận phải nghiên cứu giải quyết vấn đề một cách có căn cứ khoa học, hiệu quả và thực tế theo lý luận kinh điển của chủ nghĩa Mac – Lenin, sự vật luôn luôn tồn tại trong mối liên hệ qua lại lẫn nhau, có tác động chi phối, khống chế lẫn nhau và luôn biến động và thay đổi. Động lực chủ yếu của sự phát triển ở bên trong sự vật là chính (tất nhiên có sự tận dụng các lợi thế của môi trường). Sự tác động giữa các sự vật bao giờ cũng mang tính đối ngẫu, tính nhân quả. Điều này nói lên mối quan hệ biện chứng giữa các đô thị trong mạng lưới để tạo ra động lực phát triển chung và từng đô thị.

Thứ hai, thuyết quản lý hệ thống chú trọng tính năng động và tương tác giữa các tổ chức (các thành phần cấu tạo nên hệ thống) và nhiệm vụ quản lý. Nó cung cấp cho nhà quản lý một bộ khung để vạch chương trình hành động và dự liệu trước kết quả và hậu quả trong tương lai gần và xa. Nó cũng giúp duy trì sự cân đối giữa nhu cầu của các bộ phận chức năng trong hệ thống với nhu cầu và mục tiêu của toàn bộ hệ thống. Mỗi hệ thống có những đầu vào (inputs) bao gồm các luồng thông tin, nguyên liệu, vật tư, năng lượng và nhân lực; từ môi trường bên ngoài đi vào hệ thống và qua những quá trình biến đổi bên trong hệ thống chuyển thành sản phẩm và dịch vụ ở các đầu ra (outputs) của hệ thống. Khi hệ thống hoạt động, các thông tin được phản hồi (Feedback), và đó là chìa khóa để kiểm soát hệ thống phục vụ việc đánh giá và điều chỉnh khi cần thiết.

Thứ ba, mạng lưới đô thị Việt Nam bản chất là một hệ thống được nâng cao, trên cơ sở các “nút” mạng lưới là các đô thị để tạo nên các “mắt” của toàn bộ mạng lưới (tương tự mỗi đô thị là một tổ chức trong hệ thống). Do vậy việc quản lý mạng lưới đô thị, về nguyên tắc cũng dựa vào thuyết quản lý hệ thống để vận hành nhưng có quan tâm hơn tới mối liên kết, sự tác động qua lại giữa các đô thị, có sự điều tiết, phân phối lại nguồn lực để mạng lưới luôn bền chắc về mọi phương diện, mang tính bao trùm, tổng thể.
Thứ tư, cần xây dựng Cơ chế quản lý mạng lưới đô thị quốc gia trên cơ sở Luật Quy hoạch, Xây dựng, Quản lý phát triển đô thị và hệ thống văn bản quy phạm (Luật, Nghị định, Thông tư, TCQC), các Nghi quyết, Chương trình, Quy hoạch, Kế hoạch của Đảng và Chính phủ có liên quan...trong quá trình đô thị hóa, CNH – HĐH đất nước. Đây chính là công cụ quan trọng để quản lý mạng lưới đô thị Việt Nam.

Thứ năm, quản lý lưới mạng lưới đô thị theo Mô hình tầng bậc từ cấp tỉnh, cấp vùng, liên vùng (hoặc khu vực) và ở cấp Quốc gia. Xây dựng mô hình quản lý có tính kết nối, liên thông trên cơ sở hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch xây dựng phát triển đô thị. Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Xây dựng là cơ quan thường trực để quản lý mạng lưới đô thị quốc gia từ quy hoạch, xây dựng và quản lý phát triển bền vững đô thị theo tinh thần NQ 06 cảu Bộ Chính Trị...

4. Thay cho lời kết.

Để tiếp tục đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hoá, phát triển đô thị bền vững theo tinh thần Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị, thời gian tới cần sớm cụ thẻ hóa bằng Chương trình hành động quốc gia thực hiện Nghị quyết 06, sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, văn minh, giàu bản sắc; kết hợp hài hoà giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế; Phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mô hình mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng

TS. KTS. TRƯƠNG VĂN QUẢNG

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật Quy hoạch, số 21/2017/QH14 của Quốc hội.
2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến Luật Quy hoạch, số 35/2018/QH14 của Quốc hội.
3. Nghị định số 37/2019/NĐ-CP, ngày 07/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ “Qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch”.
4. Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
5. Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm
2045/Bộ Chính trị (khóa XII).
6. Quyết định số 950/QĐ – TTg, ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030.
7. Ngiên cứu Điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 (VIUP)
8. Điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050/QĐ số 445/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ.
9. Đề tài “NC đổi mới toàn diện công tác lập Quy hoạch đô thị ở Việt Nam”. Mã số 24/15-ĐTĐL.CN –CNN/Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn Quốc gia (VIUP)
10. Thực tiễn lí luận phê bình và quy hoạch đô thị, nông thôn ở Việt Nam/TS Trương Văn Quảng (VUPDA)
11. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thì kì 2011 – 2020 và tầm nhìn đến 2050/ QĐsố 1393/QĐ-TTg.

……………………..
(1). Cần Thơ và Long An được bổ sung vào Định hướng QH hệ thống đô thị quốc gia theo Quyết định 445/QĐ-TTg nêu trên
(2) Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị, khóa XII
(3) Triển khai thực hiện QĐ số 2076/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vùng, miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; Hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới; Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật và ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá vượt trội cho phát triển đô thị bền vững, thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả./.

 

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.