Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng: Tạo động lực phát triển cho đầu tàu kinh tế, cực tăng trưởng quốc gia
MTXD - Chiều 7/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) chủ trì Hội nghị Điều phối vùng ĐBSH lần thứ hai với chủ đề Quy hoạch vùng ĐBSH thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ hai. Ảnh: VGP
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch vùng ĐBSH thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể quốc gia, thể hiện những định hướng lớn và cơ bản của các quy hoạch ngành quốc gia về định hướng và tổ chức không gian phát triển; tạo ra các động lực phát triển, tiềm năng phát triển, không gian phát triển mới của quốc gia, của Vùng và thể hiện cụ thể trên phạm vi không gian của từng địa phương.
Bản quy hoạch vùng này có ý nghĩa quan trọng, giúp “mở đường”, chủ động kiến tạo phát triển, với tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho Vùng. Trong đó, chú trọng giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; tái tổ chức không gian phát triển Vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển Vùng nhanh, bền vững. Quy hoạch Vùng cũng là căn cứ quan trọng để đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, đặc biệt là các dự án lớn, có tính liên vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP
BSH là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước với hạt nhân là Thủ đô Hà Nội; có vai trò là 1 trong 2 “đầu tàu” kinh tế, cực tăng trưởng quốc gia; trung tâm chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ lớn nhất của cả nước. Phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSH phải trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế nổi trội của cả Vùng, cũng như từng địa phương trong Vùng để trở thành vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của cả nước; đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch vùng ĐBSH đã nghiên cứu và đưa ra những nhận diện, đề xuất các định hướng phát triển trọng tâm, có thể tóm gọn thành 6 định hướng như sau:
Một là, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại: điện tử, sản xuất phần mềm, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghiệp hỗ trợ, các dịch vụ thương mại, logistics, tài chính, ngân hàng, du lịch, viễn thông, đào tạo chất lượng cao, y tế chuyên sâu. Phát triển Vùng trở thành trung tâm dịch vụ hiện đại của khu vực Đông Nam Á. Phát huy vai trò trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao dẫn đầu cả nước, tập trung xây dựng một số ngành đào tạo mũi nhọn đạt trình độ khu vực, thế giới. Xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, đi đầu trong phát triển khoa học, công nghệ. Phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, có giá trị kinh tế cao, bền vững, sinh thái theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn.
Phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển. Phát triển khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của Vùng; chú trọng phát triển kinh tế biển khu vực Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.
Hai là, tổ chức không gian phát triển vùng hợp lý gồm: 3 hành lang quốc gia, kết nối quốc tế - 2 hành lang bổ trợ kết nối liên vùng - 1 hành lang ven biển - 2 vùng động lực phát triển - 2 tiểu vùng kinh tế - xã hội. Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Ba là, phát triển có trọng tâm, trọng điểm mạng lưới các khu vực kinh tế động lực, trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, trong đó Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh là tam giác tăng trưởng; phát triển các đô thị chủ đạo trên các tuyến hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng...
Bốn là, tập trung hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông đảm bảo kết nối hiệu quả các trung trung tâm kinh tế nội vùng, trong nước, quốc tế; mở ra không gian phát triển mới, tạo dư địa cho phát triển Vùng. Tổ chức, sắp xếp hiệu quả vận tải đa phương thức; phát huy lợi thế về cảng biển, cảng hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và các hành lang kết nối của Vùng. Đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dứt điểm một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia có tính liên kết vùng, hạ tầng số, hạ tầng đô thị...
Phát triển mạng lưới hạ tầng y tế, giáo dục, văn hoá đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của Nhân dân. Đầu tư các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tại Hà Nội ngang tầm các trung tâm chuyên sâu kỹ thuật cao của khu vực và thế giới; gắn phát triển dịch vụ y tế với du lịch khám, chữa bệnh và nghỉ dưỡng. Đầu tư, phát triển một số trường đại học lớn, đa ngành trong vùng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo, tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Vùng và cả nước. Nâng cấp, hiện đại hoá một số bảo tàng lớn, trung tâm điện ảnh, nhà hát tại Hà Nội và các đô thị lớn trong Vùng.
Ảnh: VGP
Năm là, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; tập trung giải quyết căn bản các vấn đề môi trường có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh nhất là ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, lưu vực sông; tình trạng ngập úng, rác thải, khí thải, ô nhiễm ở các đô thị lớn; cải thiện phục hồi chất lượng môi trường nước tại lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước, ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước. Tăng cường liên kết vùng trong bảo tồn, khai thác tài nguyên, đa dạng sinh học của các khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thiên nhiên cấp quốc gia gắn với phát triển du lịch. Ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học khu vực tiếp giáp các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, vùng cửa sông Hồng, sông Thái Bình, các vùng ngập nước ven biển. Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ứng phó, giải quyết các sự cố, phục hồi môi trường vùng ven biển.
Sáu là, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch, nhất là danh mục dự án liên kết vùng dự kiến ưu tiên đầu tư và các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng.
Về danh mục dự án, cần ưu tiên bố trí nguồn lực cho các các công trình động lực, có tính lan tỏa, kết nối vùng như hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng đô thị… Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đa dạng hoá các nguồn lực và hình thức đầu tư, trong đó chú trọng hình thức đối tác công - tư.
Thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Vùng và tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Nghiên cứu, ban hành và thực hiện thí điểm các mô hình, cơ chế, chính sách mới về liên vùng; phát huy vai trò và khai thác hiệu quả các hành lang, vành đai kinh tế, cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế, hệ thống đô thị để tạo đột phá phát triển Vùng.
Quy hoạch vùng ĐBSH thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành, các địa phương nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển, các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước, Vùng và địa phương trong Vùng.
Theo Hải Bình- baodauthau.vn
(https://baodauthau.vn/quy-hoach-vung-dong-bang-song-hong-tao-dong-luc-phat-trien-cho-dau-tau-kinh-te-cuc-tang-truong-quoc-gia-post147606.html)
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.