Sạt lở gần thủy điện Hòa Bình: EVN 'đảm bảo an toàn', chuyên gia vẫn lo ngại

MTXD - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói với các công nghệ mới, họ đảm bảo an toàn cho công trình thủy điện Hòa Bình, tuy nhiên, chuyên gia vẫn lo ngại.

MTXD - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói với các công nghệ mới, họ đảm bảo an toàn cho công trình thủy điện Hòa Bình, tuy nhiên, chuyên gia vẫn lo ngại.

   Công tác thi công tại công trình nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng đang bị đình chỉ sau sự cố sạt trượt

Theo ông Phạm Hồng Phương - Phó Tổng giám đốc EVN, sự cố sạt trượt tại dự án Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng là “hiện tượng bình thường ở các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình xây dựng thuỷ điện”.

Điều may mắn (là), hiện tượng sạt trượt xảy ra vào cuối mùa mưa, sau ngày 6/11/2021 không xuất hiện thêm trận mưa lớn nào nên sạt trượt vẫn nằm tại chỗ. EVN cũng đang báo cáo Bộ Công Thương, tỉnh Hoà Bình, các sở ban ngành theo sự phân công của Phó Thủ tướng (Lê Văn Thành) để từng bước cho phép thi công trở lại dự án Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng”, ông Phạm Hồng Phương nói.

Trước đó, trong loạt bài của VTC News, một số chuyên gia độc lập bày tỏ sự lo ngại về tính an toàn của dự án, sau khi xảy ra sự cố sạt lở trong hố móng trong các ngày 17, 20/10 và 6/11/2021, tại công trường xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng. Một số người còn cho rằng trong khi nhiều năm qua, ở nhiều thời điểm, xuất hiện tình trạng hồ Hòa Bình thiếu nước mà lại xây thêm 2 tổ máy là chưa hợp lý.

Vì sao thiếu nước vẫn xây thêm?

Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Hồng Phương cho hay: Theo nghiên cứu của EVN, trong 12 năm trở lại đây, lượng nước về hồ Hoà Bình vào mùa mưa lũ (tháng 5,6,7,8) sau khi phát điện tối đa với 8 tổ máy thì phải xả thừa khoảng 19%. Xa hơn nữa, khi chưa có thuỷ điện Sơn La, Lai Châu (từ những năm 1994), nước về Hoà Bình phải xả thừa 20-40%. “Đây là sự lãng phí tiềm năng thuỷ năng”, ông Phương nói.

Vai trò nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng, theo ông Phương: Tận dụng nước xả thừa hàng năm, đang được tính toán theo chuỗi nhiều năm khoảng 15-20%; Tăng công suất, đảm bảo số giờ phát phủ đỉnh vào thời điểm cao điểm hoặc nguồn năng lượng tái tạo không thể sử dụng do thời tiết không thuận lợi; Nhà máy thuỷ điện thông thường chỉ quy định khoảng 4.000 giờ vận hành nhưng vì nước về tốt, vì làm việc nhiều nên theo số liệu thống kê, Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình hiện hữu đang làm việc 5.400 giờ/năm, vượt thực tế 1,3 lần. Nhà máy làm việc cường độ cao, giảm tuổi thọ. Khi xây dựng dự án mở rộng sẽ giúp giảm tải, thời gian hoạt động xuống còn 4.500 giờ.

Công trình mở rộng sẽ giữ nguyên mặt đập, không tăng lượng nước về. Tất cả các hạng mục đều đẩy ra xa để tránh ảnh hưởng đến nhà máy hiện hữu trong quá trình thi công cũng như vận hành. Thiết kế nhà máy thủy điện Hoà Bình mở rộng, theo EVN, cũng đã được tính toán đến các quy định về phòng lũ, quy định cấp nước hạ lưu, quy định vận hành hồ chứa..., đảm bảo tuân thủ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.

Công trình được tính toán thiết kế về thuỷ năng với chuỗi số liệu dòng chảy thuỷ văn quan trắc hơn 100 năm, trong quá trình vận hành sẽ có năm nhiều nước, năm ít nước nhưng cả vòng đời dự án được tính toán đảm bảo. Theo kết quả vận hành hồ chưa thuỷ điện Hoà Bình trong 5 năm gần đây thì có tới 3 năm (2017, 2018, 2020) hồ chứa thuỷ điện Hoà Bình liên tục phải xả thừa, đặc biệt năm 2017 xả thừa với tổng lượng dòng chảy khoảng 11 tỷ m3, lưu lượng xả lớn nhất xuống hạ du qua đập tràn khoảng 14.000m3/s; năm 2018 xả thừa gần như liên tục từ 7/7 đến 20/9 với tổng lượng dòng chảy xả thừa khoảng 14 tỷ m3 nước. “Như vậy, việc đầu tư xây dựng dự án là cần thiết ngoài nhiệm vụ tăng khả năng phủ đỉnh hệ thống điện còn tận dụng nguồn nước xả thừa vào mùa lũ để phát điện”, ông Phạm Hồng Phương nói.

Vì sao lại xây bên vai phải?

Trong các cuộc trao đổi với VTC News, một số chuyên gia độc lập nói các chuyên gia Liên Xô từng khuyến cáo nếu muốn mở rộng nhà máy thì phải xây dựng bên vai trái đập thủy điện Hòa Bình, vì địa chất đảm bảo an toàn hơn bên vai phải.

Về vấn đề này, ông Phương nói: EVN bắt đầu có ý tưởng nghiên cứu dự án Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng từ năm 2010, năm 2015 bắt đầu lập thiết kế chi tiết và đến năm 2020 mới được phê duyệt thiết kế kỹ thuật. Như vậy, EVN mất 6 năm (2015 – 2020) làm công tác chuẩn bị.

Trong 6 năm đó, EVN nghiên cứu phương án đặt nhà máy ở khu vực suối Trì, bờ trái đập thủy điện Hòa Bình. Tuy nhiên đến giai đoạn thiết kế cơ sở, khoan khảo sát bổ sung thì phát hiện hình thái địa chất ở bờ trái là đá vôi với rất nhiều hang karst (karst là hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn-PV).

Các chuyên gia của EVN nhận thấy việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ như ảnh hưởng đến tường chống thấm của công trình hiện hữu, các vấn đề về giải pháp kỹ thuật nếu dấn sâu vào thiết kế thi công sẽ không kiểm soát được.  

Sau đó, EVN tiến hành nghiên cứu bổ sung khu vực vai phải đập thuỷ điện Hoà Bình hiện hữu và nhận thấy hình thái địa chất là đá granit với đặc tính cứng, chắc, ít bị ăn mòn và đặc biệt là tính đồng nhất (hệ khối cao). Tại khu vực vai phải, EVN nghiên cứu 3 phương án tuyến, việc bố trí nhà máy có 7 phương án, vị trí cửa nhận nước cũng có 7 phương án. “Tính toán không chỉ thuần tuý là kỹ thuật mà cả về mặt kinh tế để cho ra phương án tối ưu nhất”, phó tổng giám đốc EVN nói.

Trả lời ý kiến không có chuyên gia nào lên kế hoạch mở rộng Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình sau khi khánh thành vào năm 1994, ông Phương nói: Mỗi nhà máy ở một giai đoạn sẽ có vai trò khác nhau. Dự án thuỷ điện Hoà Bình được nghiên cứu từ những năm 1960 cho đến cuối năm 70 được phê duyệt để triển khai xây dựng. Thời điểm đó, hệ thống điện của Việt Nam cực kỳ đơn giản, từng vùng miền chưa có đường dây 500 kV để có thể kết nối 3 miền, vậy nên việc quản lý cũng rất đơn giản. Thời điểm này, chúng ta đã có hệ thống điện kết nối Bắc – Trung – Nam, có đường dây 500kV, đã bắt đầu nghĩ đến năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) cho nên việc quản lý hệ thống điện rất phức tạp. Vậy nên vai trò của các nhà máy thuỷ điện càng được nâng lên.

Ưu điểm của nhà máy thuỷ điện là từ khi máy đang nghỉ đến lúc chạy và phát điện lên đường dây chỉ mất 3 phút. So sánh với nhiệt điện, nếu đang ở chế độ nghỉ (standby) thì phải mất 8-10 giờ mới có điện, còn nếu là nhà máy ở chế độ “lạnh” (công nhân đã nghỉ) phải mất 2 tuần (hâm nóng, đốt lò). Nhà máy thuỷ điện giờ đây đóng vai trò như lính cứu hoả, khi các phương pháp sản xuất điện kia gặp sự cố thì thuỷ điện sẽ bù vào, đảm bảo sự ổn định của hệ thống. Để làm được điều này thì cần phải có nhiều tổ máy. “Trong quá trình EVN trình hồ sơ, vấn đề này được đánh giá cực kỳ cao”, ông Phương nói.

Hai tổ máy mới trong dự án, mỗi năm phát ra khoảng 500 triệu kWh điện nhưng nó sẽ giữ vai trò đảm bảo ổn định hệ thống. Bên cạnh việc sản xuất điện, còn góp phần đưa trên 260 triệu kWh điện đáng nhẽ phát vào giờ không quan trọng thì đẩy vào giờ cao điểm buổi trưa, đặc biệt là buổi tối khi không còn mặt trời”, lãnh đạo EVN giải thích.

Công nghệ mới đủ khả năng đảm bảo an toàn

PV hỏi: EVN liệu có tự tin những công nghệ mới được áp dụng tại dự án Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình mở rộng sẽ đảm bảo việc sạt lở sẽ được khắc phục?

Ông Phương trả lời: (Về việc này) có 2 giai đoạn. Giai đoạn thiết kế: những tiêu chuẩn, quy chuẩn về thiết kế và an toàn công trình theo quy định hiện hành của nhà nước cũng như các tiêu chuẩn trên thế giới đã được chủ đầu tư cập nhật vào dự án này. Việc này đã trình hội đồng thẩm định và được chấp thuận. Như vậy, với thiết kế của dự án đã được phê duyệt, EVN khẳng định đảm bảo an toàn.

Giai đoạn thi công xây dựng: hội đồng thẩm định yêu cầu có các giải pháp để đảm bảo trong quá trình thi công không làm ảnh hưởng đến công trình hiện hữu, trong đó quan ngại nhất là công tác nổ mìn. EVN đã tính toán theo tiêu chuẩn và xác định sóng âm ảnh hưởng của việc nổ mìn đến các công trình hiện hữu. Trên cơ sở đó, EVN đã thuê một đơn vị tư vấn độc lập là Viện Vật lý Địa cầu để quan trắc số liệu rung chấn ảnh hưởng từ thi công đến các công trình hiện hữu. Việc này được tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục 24/24 thông qua các thiết bị tự động được gắn ở những công trình có tính chất nhạy cảm (nền đập Hòa Bình hiện hữu, tượng đài Bác Hồ, trụ sở tỉnh Hòa Bình, cột đường dây 500 kV…). Các số liệu cho thấy việc ảnh hưởng đều thấp hơn nhiều so với quy định.

Khi lựa chọn các thiết bị, công nghệ có tính chất tiên tiến để đảm bảo tính hiệu quả của dự án, EVN đã tổ chức đấu thầu quốc tế, lựa chọn nhà thầu có công nghệ tốt.

Từ thiết kế, kiểm soát quá trình thi công, mua sắm thiết bị, sau này là kiểm soát quá trình lắp đặt và thí nghiệm hiệu chỉnh thiết bị thì không có lý do gì mà không có niềm tin rằng công trình đáp ứng được các tiêu chí theo đúng quy định hiện hành”, ông Phương nói.

                                                                                                                                                         NLNT V

 

Các tin khác

TP.HCM: Trao danh hiệu Doanh nghiệp Xanh năm 2024
TP.HCM: Trao danh hiệu Doanh nghiệp Xanh năm 2024

MTXD - Ngày 29/8/2024, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng, tổ chức Lễ trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP.HCM năm 2024”. Đây là hoạt động hướng đến Diễn đàn kinh tế thành phố lần thứ 5 diễn ra từ 24/9/2024 đến 27/9/2024.

Dùng phế phẩm sản xuất dung dịch tẩy rửa hữu cơ thân thiện môi trường
Dùng phế phẩm sản xuất dung dịch tẩy rửa hữu cơ thân thiện môi trường

MTXD - Nhóm bạn trẻ đã sử dụng các loại nguyên liệu từ rác hữu cơ như các loại rau xanh, vỏ trái cây và mật mía làm nguyên liệu tạo dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng an toàn cho người sử dụng và góp phần bảo vệ môi trường.

Hoàng Mai- Hà Nội: Cần quyết liệt xử lý các trạm trộn bê tông, nhà xưởng xây dựng trái phép
Hoàng Mai- Hà Nội: Cần quyết liệt xử lý các trạm trộn bê tông, nhà xưởng xây dựng trái phép

Hiện nay, tại khu vực ven sông Hồng thuộc địa bàn phường Trần Phú và phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Tp.Hà Nội hàng loạt trạm trộn bê tông, nhà xưởng hoạt động rầm rộ nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, vi phạm pháp luật về đê điều, đất đai và không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường,

Long Châu ra mắt dịch vụ vaccine ‘Mua trọn gói - trả từng phần’
Long Châu ra mắt dịch vụ vaccine ‘Mua trọn gói - trả từng phần’

MTXD - Với mong muốn góp phần giúp đỡ các gia đình có con nhỏ giảm nhẹ gánh nặng chi phí tiêm chủng, đồng thời nâng cao tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ và đúng hạn cho người dân tại Việt Nam, Tiêm chủng Long Châu cho ra mắt dịch vụ “Mua trọn gói - Trả từng phần” với nhiều ưu đãi hấp dẫn.

Tổng Công ty Điện lực miền Trung bị đề nghị xử lý vi phạm về đất đai
Tổng Công ty Điện lực miền Trung bị đề nghị xử lý vi phạm về đất đai

Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum mới ban hành Kết luận thanh tra về việc, giao đất cho Công ty Điện lực 3 Đà Nẵng ( Nay là Tổng Công ty Điện lực miền Trung) theo Quyết định số 552/QĐ-UBND ngày 26/51994 của UBND tỉnh.