Sống mòn ở xóm ốc đảo

MTXD - Gần 20 năm có phương án di dời dân đến khu tái định cư, nhưng vì còn nhiều vướng mắc và sinh kế nên nhiều hộ dân ở ốc đảo này vẫn đang phải “sống mòn” trong nỗi lo sạt lở và triều cường xâm thực.

MTXD - Gần 20 năm có phương án di dời dân đến khu tái định cư, nhưng vì còn nhiều vướng mắc và sinh kế nên nhiều hộ dân ở ốc đảo này vẫn đang phải “sống mòn” trong nỗi lo sạt lở và triều cường xâm thực.

Bên bờ xóm  lở

Xóm Lân ở xã Tịnh Long, (TP Quảng Ngãi) nguyên là một mỏm đất chìa ra sông. Những năm cuối thập niên 1970, do con nước gây xói lở chia cắt xóm thành một ốc đảo giữa sông Trà Khúc. Bắt đầu từ đó, cây cầu tre được dựng tạm mỗi khi mùa lũ đi qua và trở thành con đường độc đạo ra – vào ốc đảo này.

 Nhiều gia đình có các thế hệ chung sống trong những ngôi nhà có đất đai bị xâm thực, tuy nhiên vì phương án di dời chưa được đồng thuận nên chưa thể để người dân chuyển đi.

Mùa mưa, nước ngập đường. Nước rút, bùn lún nửa bánh xe. Bão, lũ về là người dân lại thấp thỏm chạy lũ. Chỉ trong vòng hai tuần vừa qua của mùa triều cường 2021, hàng chục ngôi nhà, hàng chục hộ dân với cả trăm nhân khẩu phải chịu những khốn khó mùa mưa lũ. Nhiều năm qua rồi, mỗi khi những con sóng ập vào, lo sợ đất tiếp tục bị cuốn theo triều cường chính quyền địa phương đã huy động cả trăm người dầm mình trong mưa sơ tán dân và đắp đê bao bảo vệ làng xóm. Nhưng tình hình vẫn đang nguy cấp, tốc độ triều cường mạnh hơn, cao hơn cộng với những con sóng lớn hơn đang lớn khoét sâu vào khu dân cư ở đây. Mỗi mùa mưa lũ về đã “ngoạm” dần ốc đảo nơi đây. Những thửa đất canh tác của người dân cứ thế cuốn dần theo dòng nước đổ ra biển mỗi khi mùa lũ đến. 

Xóm Lân vào mỗi mùa mưa bão, người dân lại nơm nớp nỗi lo phải đối mặt với những cơn gió thổi tốc trên những mái nhà cấp 4 ọp ẹp, xiêu vẹo nằm ven bờ sông. Nỗi nguy hiểm kề bên. Bão lũ trong những ngày trung tuần tháng 10 vừa qua đã làm sạt lở nghiêm trọng bờ sông xóm Lân, cuốn trôi hàng chục mét đất. Phía bên bãi, nơi những con nước lớn đang ầm ào đổ vào đất làng, một người đàn ông cấm cẳn buồn: “Sóng thì ngày càng lớn, mà bão lũ lại ào ạt đổ về, đất thì sạt, nhà thì trôi. Mà sao năm nay bão lu triều cường về dồn dập thế, chỉ tội người dân ở đây phải hứng chịu hết thôi!” người đàn ông này cũng trầm ngâm khi nhớ lại những năm trước, nơi mà vẫn ông ra ngồi với cái cọc buộc thuyền mỗi mùa bão lũ hay nước sông Trà Khúc cuồn cuộn đổ về cửa biển. Ông bảo cứ tình hình này thì chỉ nội trong một vài mùa bão lũ nữa thôi, chỗ cọc buộc thuyền này cũng chẳng còn nữa. mà chẳng cần bão lớn chỉ cỡ cấp 7, cấp 8 là bị quét hết trơn. Năm thuận trời thì bớt bão gió, bớt mất đất, còn năm nào bão gió nhiều thì sóng nó kéo đi mất, đất đâu mà ở? Tôi nhìn lão, thấy hình như có giọt nước trong mắt lão.

 Ốc đảo xóm lân nối với thế giới bằng chiếc cầu tre nối qua sông Trà Khúc.

Dọc bờ sóng xóm Lân dài khoảng 300m bị xói mòn nặng, nước ăn sâu vào đất liền. Nhiều cây dừa bị đổ ngã trơ gốc, nhiều ngôi nhà xây nằm chênh vênh sát mép nước có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào do triều cường đã khoét sâu vào nền móng. Có những ngôi nhà bên mép nước, như nhà bà Đỗ Thị Dung chỉ còn cách mép nước sông khoảng 30cm. Mỗi lần nghe tin bão lũ hay nước lớn từ thượng nguồn đổ về, 4 người trong gia đình bà Dung phải dời đến ở nhờ ngôi nhà bỏ hoang trong xóm Lân, trong khi đó, nơi nhà cũ bà Dung vẫn đi về để nuôi bò. Bà Dung bùi ngùi: “Mấy ngày trước nước lớn đổ về, bà con ngư dân lo lắng mất ăn mất ngủ vì triều cường bủa cao 2-3m uy hiếp nhà cửa, làng xóm. Nhà tui đã bị triều cường khoét vào đất nhà. Nếu cứ bám trụ ở đây thì quá nguy hiểm tính mạng nhưng cũng chẳng biết đi đâu. Thi thoảng nước cao quá, cả gia đình tui phải dời đi ăn nhờ ở đậu nhà hàng xóm!”.

Cuộc sống của 39 hộ dân chưa được di dời khỏi ốc đảo xóm Lân.

Không chỉ gia đình bà Dung, mà nhiều hộ dân khác cũng đang trong tình cảnh tương tự. Ngoài những ngôi nhà và các hộ dân đã được di dời, hiện có 39 hộ dân nằm ngay chân sóng có nguy cơ bị lũ và triều cường nuốt chửng. Hàng chục nhà dân ở xóm Lân cũng nằm trong vùng triều cường uy hiếp khi phần đông người dân xóm Lân đều đã gắn bó với nơi ở này từ rất lâu rồi, chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng hoa màu hoặc làm mướn, cuộc sống còn nhiều khó khăn. “An phận” vì những tưởng ít ra cũng đã có một nơi để “an cư”. Thế nhưng, cuộc sống của không ít gia đình đang bị khuấy động theo dòng nước triều cường cứ thế tràn bờ.

Mong được an cư, nhưng...

Người dân ở ốc đảo xóm Lân đây đang từng ngày mong mỏi được đến khu tái định cư để ổn định cuộc sống. Nhưng vẫn còn đó bộn bề những khó khăn. Vào năm 2019, ốc đảo xóm Lân được dự tính quy hoạch thành một khu du lịch sinh thái hàng trăm hecta và nhiều hạ tầng giao thông khác. Người dân ở đây hy vọng phát triển khu du lịch sinh thái ốc đảo, ai cũng phấn khởi vui mừng. Thế nhưng 39 hộ dân còn lại ở ốc đảo này vẫn chưa di dời được. Bởi việc di dời tái định cư cho người dân xóm Lân đã bắt đầu từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết ổn thỏa cho người dân do nhiều vấn đề phát sinh nhưng chưa tìm được cách giải quyết.

10: Người dân ở ốc đảo xóm Lân mưu sinh bằng nghề nông – ngư nghiệp.

Thấp thỏm và nhiều đêm thức trắng những mong trời được yên, nước được lặng… Thế nhưng, nước lớn mùa mưa lũ vẫn vỗ bờ không một chút hiền hòa, còn người dân chỉ biết những mong mỏi thiết tha. Chính quyền địa phương từ nhiều cấp đã quan tâm lo lắng cho sự an nguy của những người dân sinh sống nơi đây. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tịnh Long (TP Quảng Ngãi), cho biết: “Theo phương án thực hiện di dời thì phần đất xóm Lân hiện tại sẽ được thu hồi giao Nhà nước quản lý và không được đền bù như các dự án giải phóng mặt bằng nên dù có đất tái định cư, người dân vẫn không đồng ý với phương án này”.

Theo tìm hiểu, năm 2003 chính quyền địa phương đã quy hoạch di dời người dân vùng nguy cơ sạt lở vào khu tái định cư. Lúc này quỹ đất chỉ đủ bố trí 139 hộ dân của xóm được di dời vào nơi ở mới. Phương án di dời 139 hộ là giao đất tái định cư tại nơi ở mới để người dân làm nhà tránh lũ và không thu hồi đất nhà cũ tại xóm Lân. Tuy nhiên, một số hộ đã nhận đất tái định cư tại nơi ở mới không trực tiếp xây dựng nhà ở mà giao cho con cái xây dựng nhà ở, còn hộ chính vẫn còn nơi ở cũ và hoặc ngược lại, hộ chính nhận đất tái định cư còn nhà cũ thì vẫn giữ nguyên cho con sử dụng.

Chính vì việc đã bố trí đất tái định cư cho người dân nhưng không thu hồi đất cũ nên các hộ dân đã có đất tái định cư vẫn quay về xóm Lân sử dụng vào mục đích ở, làm chuồng trại chăn nuôi, sản xuất. Dẫn đến khi tái định cư cho 39 hộ còn lại về sau gặp khó khăn vì người dân yêu cầu cũng phải “được phần” như 139 hộ dân trước, dù vị trí tại khu dân cư Đồng Bến Sứ, ngay trong xã Tịnh Long. Trong khi đó, thời điểm hiện tại số lô đất tái định cư mới chỉ có 39 lô chia cho 39 hộ chính trong khi đó, số hộ mới của xóm Lân lại đã phát sinh thêm 21 hộ thuộc diện nhiều thế hệ, cũng có yêu cầu bố trí đất tái định cư để di dời.

Một khó khăn khác khiến chưa thể thực hiện việc di dời dù đã có đất tái định cư, đó là việc sinh kế của người dân. Bà Từ Thị Mẫn, người dân xóm Lân cho biết gia đình bà có 3 người con, nếu chỉ được bố trí 1 lô đất tái định cư thì không còn đất để làm rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm dẫn tới tình trạng không còn kinh tế, chưa kể cả nhà nhiều thế hệ chỉ có 1 lô đất thì con cái về sau không biết thế nào. Những trường hợp tương tự như gia đình bà Mẫn đang có rất nhiều, khiến phương án bồi thường, di dời dân khỏi vùng nguy hiểm lại gặp khó khăn.

Ngôi nhà của bà Mẫn chỉ còn cách mép sông trong gang tấc.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, người dân xóm Lân đa số làm nông nghiệp, rau màu trên bãi bồi ven sông, vì thế khi đi tái định cư mà không có đất sản xuất hoặc không được hỗ trợ bồi thường thì người dân sẽ không đảm bảo sinh kế nên họ nấn ná chưa chịu dời đi. Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng cho biết, đã đề xuất lên các cấp cao hơn việc xem xét cho người dân giữ lại đất tại xóm Lân để trồng rau màu làm kinh tế sau khi đã chuyển đến nơi ở mới. Vấn đề này đã được báo cáo lên UBND TP Quảng Ngãi tháng 9 vừa qua.

Chính vì những vướng mắc như thế, khiến việc di dời dân khỏi vùng sạt lở, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm vẫn chưa thể thực hiện triệt để dù đã hơn 18 năm qua có phương án di dời.

MINH NGỌC – NGUYỄN TRANG – HUẤN TRƯƠNG

Các tin khác

TP.HCM: Trao danh hiệu Doanh nghiệp Xanh năm 2024
TP.HCM: Trao danh hiệu Doanh nghiệp Xanh năm 2024

MTXD - Ngày 29/8/2024, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng, tổ chức Lễ trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP.HCM năm 2024”. Đây là hoạt động hướng đến Diễn đàn kinh tế thành phố lần thứ 5 diễn ra từ 24/9/2024 đến 27/9/2024.

Dùng phế phẩm sản xuất dung dịch tẩy rửa hữu cơ thân thiện môi trường
Dùng phế phẩm sản xuất dung dịch tẩy rửa hữu cơ thân thiện môi trường

MTXD - Nhóm bạn trẻ đã sử dụng các loại nguyên liệu từ rác hữu cơ như các loại rau xanh, vỏ trái cây và mật mía làm nguyên liệu tạo dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng an toàn cho người sử dụng và góp phần bảo vệ môi trường.

Hoàng Mai- Hà Nội: Cần quyết liệt xử lý các trạm trộn bê tông, nhà xưởng xây dựng trái phép
Hoàng Mai- Hà Nội: Cần quyết liệt xử lý các trạm trộn bê tông, nhà xưởng xây dựng trái phép

Hiện nay, tại khu vực ven sông Hồng thuộc địa bàn phường Trần Phú và phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Tp.Hà Nội hàng loạt trạm trộn bê tông, nhà xưởng hoạt động rầm rộ nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, vi phạm pháp luật về đê điều, đất đai và không tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường,

Long Châu ra mắt dịch vụ vaccine ‘Mua trọn gói - trả từng phần’
Long Châu ra mắt dịch vụ vaccine ‘Mua trọn gói - trả từng phần’

MTXD - Với mong muốn góp phần giúp đỡ các gia đình có con nhỏ giảm nhẹ gánh nặng chi phí tiêm chủng, đồng thời nâng cao tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ và đúng hạn cho người dân tại Việt Nam, Tiêm chủng Long Châu cho ra mắt dịch vụ “Mua trọn gói - Trả từng phần” với nhiều ưu đãi hấp dẫn.

Tổng Công ty Điện lực miền Trung bị đề nghị xử lý vi phạm về đất đai
Tổng Công ty Điện lực miền Trung bị đề nghị xử lý vi phạm về đất đai

Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum mới ban hành Kết luận thanh tra về việc, giao đất cho Công ty Điện lực 3 Đà Nẵng ( Nay là Tổng Công ty Điện lực miền Trung) theo Quyết định số 552/QĐ-UBND ngày 26/51994 của UBND tỉnh.