Sự thích ứng của làng nghề trước biến đổi: Trường hợp Thổ Hà – Bắc Giang
MTXD - Biến đổi văn hóa nói chung, biến đổi văn hóa làng và văn hóa làng nghề nói riêng đang là một xu hướng tất yếu của lịch sử thời đại – Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, sự biến đổi văn hóa là một trong những yếu tố làm thay đổi diện mạo của các làng nghề truyền thống ở nước ta. Mặt khác, biến đổi văn hóa chính là điều kiện để các làng nghề có thể thay đổi, tồn tại và phát triển theo quy mô, mức độ khác nhau. Đây là quy luật khách quan và diễn ra trên nhiều phương diện của đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Bắc Giang là vùng đất văn hiến là địa phương cận kề thủ đô Hà Nội, có điều kiện để phát triển, đặc biệt là việc phát triển các làng nghề truyền thống. Thực tế, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay đã và đang tạo ra những tác động, cơ hội và thách thức to lớn đến đời sống của người dân ở làng xã nông thôn nói chung cũng như ở làng nghề truyền thống tại Bắc Giang nói riêng. Quá trình này về bản chất chính là quá trình đô thị hóa nông thôn dẫn đến những hệ quả tất yếu sẽ diễn ra tại làng nghề truyền thống hiện nay.
Đề dẫn
Làng Việt truyền thống là một đơn vị tụ cư cổ truyền lâu đời ở nông thôn có tính ổn định và gắn bó trong tiến trình lịch sử dân tộc. Mặc dù quy mô khác nhau, song các làng Việt có nhiều đặc điểm chung trong bức tranh tổng thể về làng quê ở châu thổ Bắc Bộ nước ta. Trong các làng đó đã hình thành, tồn tại và phát triển các làng nghề truyền thống, là một phần không thể thiếu trong tính đa dạng của làng xã Việt Nam. Các làng nghề truyền thống biểu hiện tính năng động, sáng tạo của người nông dân làm nghề trong quá trình thích ứng với điều kiện địa lý, kinh tế xã hội nhất định, đồng thời thể hiện rất rõ yếu tố mở của xã hội tiểu nông.
Phát triển làng nghề không những tạo động lực trực tiếp giải quyết việc làm, sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn lao động ở nông thôn mà còn giúp bảo tồn, duy trì và phát triển được nhiều ngành nghề truyền thống của dân tộc, tạo điều kiện và cơ hội phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, bảo lưu và giữ gìn văn hóa dân tộc. Trong làng nghề truyền thống từ xưa đến nay, văn hóa truyền thống được biểu hiện, hội tụ và tỏa sáng qua các khía cạnh như: Thuần phong mỹ tục, sinh hoạt xóm làng, đoàn kết cộng đồng, ứng xử cộng đồng, tinh hoa nghề nghiệp và tài năng nghệ nhân…
Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa sẽ tạo ra những thay đổi khá lớn trong các làng nghề truyền thống như: Quan niệm về nghề truyền thống, thay đổi phương thức sản xuất từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn, mẫu mã sản phẩm đa dạng, quan hệ làng xóm được mở rộng đến các bạn hàng trong và ngoài nước… Tính chất truyền thống của làng nghề gắn với kỹ năng, kỹ xảo, bí quyết nghề nghiệp đang tồn tại trong nền kinh tế thị trường cùng những nhân tố đã tác động đến quá trình biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống đang diễn ra ở nhiều mức độ biến đổi khác nhau. Do vậy, văn hóa làng nghề truyền thống hiện nay đang đứng trước những cơ hội, thách thức mới cùng với các tác động không nhỏ sẽ đưa các làng nghề truyền thống này tồn tại ở nhiều tình trạng khác nhau. Song trong bối cảnh chung, bức tranh toàn cảnh về các làng nghề và văn hóa làng nghề truyền thống sẽ có nhiều biến đổi để phù hợp với thời đại và mang lại một diện mạo mới trong bối cảnh phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội ở Bắc Giang hiện nay.
Trong bài viết này, tôi phân tích sâu vào sự biến đổi tại làng nghề và sự thích ứng của người dân đối với sự biến đổi của thị trường tại Thổ Hà – Bắc Giang.
Tổng quan nghiên cứu
Tình hình nghiên cứu tại Việt Nam
Tại Việt Nam, nghiên cứu về làng đã được quan tâm thực hiện từ rất sớm. Tuy nhiên, từ sau đổi mới (năm 1986), do tính thời sự và tính cấp thiết đặt ra bởi thực tế phát triển của đất nước, nghiên cứu về nông thôn, nông dân, và nông nghiệp đã trở thành một mảng đề tài thu hút được sự quan tâm của nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước.
Đến đình Thổ Hà
Nhiều chương trình, dự án nghiên cứu ở phạm vi này đã được thực hiện dưới các góc độ chuyên ngành khác nhau (ví dụ: Văn hóa học, xã hội học và kinh tế học), ở nhiều vùng nông thôn trong cả nước, đặc biệt là khu vực châu thổ Bắc Bộ. Về các học giả nước ngoài thực hiện nghiên cứu ở Việt Nam, những người đã có kết quả được công bố và xuất bản, có thể kể đến một số học giả uy tín như Lương Văn Hy (1992) với “Cuộc cách mạng ở làng: Truyền thống và biến đổi ở miền Bắc Việt Nam”; Li Tân (1996) với “Người nông dân trong sự dịch chuyển: Di cư từ nông thôn ra đô thị ở Hà Nội”; John Kleinen (1999) với “Đối mặt tương lai, hồi phục lại quá khứ: Một nghiên cứu về sự biến đổi xã hội ở một làng Bắc Việt Nam”; và Shaun Kingsley Malarney (2002) với “Văn hóa, nghi lễ và cuộc cách mạng ở Việt Nam…”;
Hay, về phía học giả và các tổ chức uy tín tại Việt Nam có thể kể đến Viện Viễn đông bác cổ Pháp tại Hà Nội và Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (nay là Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) với 2 công trình: “Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: Vấn đề còn bỏ ngỏ” (2002), và “Làng xã đồng bằng sông Hồng (1996-1999)”; Phan Huy Lê và Vũ Minh Giang (1996) với “Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay”; Viện Văn hóa thông tin (2000) với “Văn hóa nông thôn trong phát triển”; Trần Thị Lan Hương (2000) với “Tác động của phân tầng mức sống vào quá trình phát triển văn hóa nông thôn”; Vũ Trọng Khải, Đỗ Thái Đồng, Phạm Bích Hợp (chủ biên, 2004) với “Phát triển nông thôn Việt Nam từ làng xã truyền thống đến văn minh hiện đại”; Tô Duy Hợp (chủ biên, 2000) với “Sự biến đổi của làng xã Việt Nam ngày nay ở đồng bằng sông Hồng”; Lê Quý Đức (chủ biên, 2005) với “Vai trò của văn hóa trong sự nghiệp Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa nông thôn, nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng”; Nguyễn Thị Phương Châm và Trương Thị Minh Hằng (đồng chủ nhiệm, 2010) với “Những xu hướng biến đổi văn hóa ở nông thôn và đô thị Việt Nam thập niên đầu thế kỷ 21 (2001-2010”)… Có thể nói, từ sau thời kỳ đổi mới 1986 cho đến nay số lượng các công trình nghiên cứu trong nước về làng “đã tăng lên với tốc độ chưa từng thấy” (Philippe Papin và Olivier Tessier: 2002).
Tình hình nghiên cứu trên thế giới
Trên thế giới, nghiên cứu chuyên sâu về chủ đề làng, nông dân và nông thôn đã được bắt đầu từ những định nghĩa của Eric Wolf về làng như một cộng đồng nông dân tập thể khép kín và những nghiên cứu tiếp theo của ông về các dạng môi trường sinh thái chính của các xã hội nông dân trên khắp thế giới (Peasants, 1966). Công trình cuối cùng của Eric Wolf về những dân tộc ở ngoại vi của thế giới nông dân đã mở rộng các phân tích của ông ra những lĩnh vực mới. Một ảnh hưởng quan trọng khác đối với các nghiên cứu về làng, nông dân và nông thôn là công trình cộng đồng nhỏ (1967) của Robert Redfield. Cách tiếp cận của ông thường gắn với những giả định của những người theo Chủ nghĩa Tân thời, nhân học phát triển và các lý thuyết về hiện đại hóa. Những mô hình thay thế nghiên cứu về nông thôn và nông dân còn được đề xuất bởi nhiều học giả của một số nước xã hội chủ nghĩa ở châu Á và Liên Xô (cũ). Có một số lượng lớn các nghiên cứu về mội trường sinh thái làng dưới góc độ thực chứng đã được triển khai trong những năm 1960 và 1970. Như có thể thấy ở hai tuyển tập thư mục nghiên cứu về làng “Bibliography of village studies” (1976), có tới 3000 nghiên cứu về làng cho Ấn Độ và 3000 nghiên cứu nữa dành cho phần còn lại của các nước thuộc thế giới thứ 3. Những nghiên cứu này có xu hướng ngụ ý về sự tồn tại của một liên kết hữu cơ và nội tại giữa trật tự lãnh thổ trong làng và cộng đồng làng. Đây giống như là một logic của tổng thể và hợp nhất, thể hiện ở sự đối lập ví dụ như: Hiện đại phủ định truyền thống. Sau cùng, các nghiên cứu về làng có thể qui về các tranh luận liên quan tới kinh tế đạo đức của người nông dân (Scott, 1976) chống lại người nông dân duy lý (Popkin, 1983). Bắt đầu từ nửa sau của những năm 1990 trở lại đây, trọng tâm nghiên cứu về làng trên thế giới thường là quay trở lại thực hiện nghiên cứu tại chính ngôi làng đã từng được nghiên cứu nhiều năm trước đó, thu thập số liệu về các tác động bất ngờ ngoài dự báo của các thay đổi về kinh tế và xã hội. Nhiều nghiên cứu trong số đó nhấn mạnh tới các sức hút của di dân và di cư tới các vùng đô thị, hơn là các khía cạnh của sức mạnh tập thể. Trên thực tế, như các phản biện về nghiên cứu nông dân, nông thôn đã tuyên bố, chúng ta hiện tại đã đạt đến thời điểm của hậu nông dân (Kearney, 1996). Sự gia tăng của kinh tế toàn cầu và sức hút của di cư tới thành thị và xuyên biên giới quốc gia đã làm thay đổi gần như là cơ bản trong mỗi một ngôi làng trên thế giới.
Những phương pháp nghiên cứu
Một số phương pháp nghiên cứu cơ bản sẽ được chúng tôi sử dụng trong đề tài như sau:
- Tổng thuật và đánh giá những tài liệu đã công bố về văn hoá làng, biến đổi văn hóa làng nói riêng và biến đổi văn hóa nói chung. Trên cơ sở tổng luận những tài liệu này chúng tôi sẽ bối cảnh hóa vấn đề nghiên cứu và xây dựng cơ sở lý thuyết cho đề tài.
- Điền dã: Chúng tôi sẽ thực hiện nhiều đợt điền dã dài ngày tại các điểm nghiên cứu (làng Thổ Hà, Quả Cảm và Bạch Nao), trực tiếp tham dự vào cuộc sống và các hoạt động văn hóa của người dân địa phương. Trong quá trình điền dã, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành một số phương pháp để có thể thu thập thông tin như: Quan sát tham dự, tiến hành phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm. Phỏng vấn sâu đối tượng nghiên cứu sẽ là công việc chính của các thành viên trong nhóm nghiên cứu trong suốt thời gian trên thực địa. Chúng tôi sẽ tiến hành phỏng vấn người dân làng đại diện cho các nhóm xã hội khác nhau nêu trên (các nhóm xã hội liên quan đến giới tính, độ tuổi và trình độ). Trong mỗi buổi phỏng vấn chúng tôi sẽ xoay quanh các vấn đề đặt ra, tùy thuộc vào nội dung nghiên cứu ở từng địa điểm.
- Ngoài ra, một hệ thống các phương pháp như thống kê, tổng hợp, phân tích nguồn tư liệu thứ cấp, nguồn tư liệu điền dã, kiểm tra chéo,… cũng sẽ được chúng tôi áp dụng nhằm tạo ra những công cụ hữu ích để thu thập được tốt nhất nguồn thông tin phục vụ đề tài.
Nội dung nghiên cứu
Sơ lược về Bắc Giang
Bắc Giang là vùng đất tụ cư của nhiều dân tộc cùng chung sống (Kinh, Tày, Nùng, Hoa, Dao, Sán Chay, Sán Dìu…).Vùng quê này ở vào một địa thế thuận lợi, nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ, được bồi đắp phù sa bởi các con sông lớn như Sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, có các vùng núi cao với nhiều lâm sản quý, lại có một vùng trung du rộng lớn thuận lợi cho việc phát triển cây công nghiệp. Cư dân sinh sống ở đây bằng nghề nông là chính. Họ đã hình thành nên các làng, bản với hình thức kinh tế và văn hóa riêng biệt (làng Thổ Hà – Bắc Giang, là một biểu tượng đặc biệt nhất trong các làng quê cũ của tỉnh). Từ những phương thức trồng trọt, chăn nuôi, từ nếp sinh hoạt, trang phục, phong tục, tập quán cho đến cách nghĩ, cách làm và lối sống… đã tạo nên truyền thống và đặc trưng văn hóa làng xã Bắc Giang. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, truyền thống ấy vẫn được giữ gìn và phát huy như làng Vân Xuyên (Hoàng Vân – Hiệp Hòa), vì cả làng theo cách mạng mà còn gọi là làng Đỏ; làng Sặt (Liên Sơn – Tân Yên) là làng kháng chiến; lại có làng thủ công đa nghề như làng Thổ Hà; làng rượu Vân Hà (Việt Yên); làng bún Đa Mai (TP Bắc Giang); làng mây tre đan Phúc Long, Phúc Tằng (Tăng Tiến – Việt Yên); làng rèn sắt Đức Thắng (Hiệp Hòa); làng quan họ Thổ Hà (Vân Hà – Việt Yên); làng tuồng Tân Dĩnh (Lạng Giang); làng chèo Đồng Quan (Đồng Sơn – Yên Dũng); làng Then (Thái Đào – Lạng Giang)… Lại còn có cả làng võ, làng vật ở Yên Thế, Hiệp Hòa, làng thợ ở Yên Dũng. Và đặc trưng hơn là các bản dân tộc ít người như bản Dao ở Đồng Làng (Sơn Động), bản Sán Chí ở Kiên Lao (Lục Ngạn), bản Cao Lan ở Nghè Mản (Lục Sơn – Lục Nam)…. Các dân tộc anh em sinh sống trên những bản làng này đã tạo nên bản sắc văn hóa riêng rất đa dạng và phong phú. Cuộc sống tinh thần của người Bắc Giang phong phú và đa dạng, thể hiện một đời sống, một truyền thống văn hóa cao đẹp.
Truyền thống văn hóa của nhân dân Bắc Giang biểu hiện qua các sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng tôn giáo mà sự phản ánh rõ nét nhất là các lễ hội truyền thống hàng năm có sức cuốn hút đông đảo các cộng đồng người ở các làng xã trong vùng. Hội làng đã trở thành đặc trưng riêng của mỗi làng và được tổ chức ở hầu hết các làng xã. Hội làng tồn tại hàng nghìn năm với các nghi lễ, nội dung, hình thức riêng song mục đích chính của lễ hội đều nhằm giúp cho sự thống nhất, đoàn kết trong cộng đồng làng xã, giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử, truyền thống chống ngoại xâm, truyền thống hiếu học, phát triển ngành nghề.
Bắc Giang có hàng nghìn công trình kiến trúc cổ hết sức đặc sắc với nhiều loại hình lớn nhỏ khác nhau như: Đình, đền, chùa, miếu, phủ, từ đường, văn chỉ… Mặc dù đã mất mát đi rất nhiều, song những công trình còn lại như: Đình Lỗ Hạnh (Đồng Lỗ – Hiệp Hòa ), xây năm 1576; đình Thổ Hà (Vân Hà – Việt Yên) xây dựng năm 1686; đình Phù Lão (Đào Mỹ – Lạng Giang) xây dựng thế kỷ 17; đình Cao Thượng, đình Vường, đình Hả (Tân Yên); chùa Vĩnh Nghiêm (Trí Yên – Yên Dũng); chùa Bổ Đà (Việt Yên); lăng họ Ngọ, lăng Dinh Hương (Hiệp Hòa)… với từng nét kiến trúc, các pho tượng, các di vật, đồ tế khí khác thể hiện những dấu ấn đặc sắc về kỹ thuật tạo dựng công trình và nghệ thuật hội họa, điêu khắc tuyệt tác của người Bắc Giang. Cùng với giếng nước, cây đa, những mái đình, ngôi chùa phong rêu cổ kính từ lâu đã là hình ảnh gắn bó thân thiết của mỗi làng quê, đồng thời cũng là địa điểm đã diễn ra các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh mang tính cộng cảm sâu sắc của mọi người dân trong mỗi cộng đồng làng xã Bắc Giang xưa. Bắc Giang cũng là tỉnh có kho tàng văn nghệ dân gian khá phong phú như: Truyện thần thoại, truyện cổ tích, huyền thoại, giai thoại, truyện cười, tục ngữ, ca dao, hát ví, hát trống quân, hát quan họ, chèo, ca trù và dân ca của các dân tộc thiểu số. Vừa qua, dân ca Quan họ và Ca trù được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Bắc Giang vinh dự được trao bằng công nhận cho cả hai di sản đó. Do những biến cố lịch sử từng giai đoạn, sự thay đổi chuyển biến của xã hội từng thời kỳ cùng với thời gian và tác động của thiên nhiên mà làng xã và lễ hội cũng có chung số phận thăng trầm: Thiết chế văn hóa làng bị phá vỡ, nội dung văn hóa làng cũng bị phôi pha, mờ nhạt. Nhiều ngôi đình, ngôi chùa, cây đa, bến nước… vốn là biểu tượng văn hóa của dân tộc cũng mất đi vẻ uy nghiêm, nhiều di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh bị xâm lấn mà trở thành hoang phế, nhiều lễ hội chỉ còn trong ký ức của người dân. Những năm gần đây, chính quyền các cấp tỉnh Bắc Giang đã có những biện pháp tích cực nhằm tôn tạo lại các di tích lịch sử, di tích văn hóa, khôi phục các lễ hội truyền thống với đầy đủ ý nghĩa tinh thần. Bắc Giang có lễ hội cổ truyền và lễ hội mới sáng tạo do xu hướng của thời đại. Đó là hội đình, hội đền – chùa, hội chợ, hội hát và một số lễ hội mang tính chất kỷ niệm lịch sử. Tuy nhiên, phong phú và đặc trưng nhất vẫn là hội đình, hội chùa: Hội đình Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên: Đình Thổ Hà là một công trình điêu khắc nghệ thuật có quy mô hòanh tráng và độc đáo. Đó là một ngôi đình nổi tiếng của xứ Kinh Bắc xưa. Thời Pháp thuộc, chính quyền thực dân đã xếp hạng đình Thổ Hà trong viện bảo tàng Bác Cổ Đông Dương. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ nước Việt Nam DCCH đã công nhận đó là di tích lịch sử văn hóa từ năm 1960. Là một làng nhỏ với địa bàn không rộng nhưng từ xưa, Thổ Hà có tới 4 ngày hội lớn trong năm: Hội Xuân, Hội Thượng Nguyên ở chùa Đoan Minh, Hội Thu, Hội Đình. Nhưng những năm gần đây, do điều kiện kinh tế, làng đã nhập 4 ngày hội này thành một lễ hội lớn được tổ chức trong 2 ngày (21 và 22 tháng giêng âm lịch). Cùng với việc tế lễ ở đình, ở chùa Đoan Minh, lễ hội còn tổ chức rước kiệu, các trò vui chơi giải trí: Bơi chải, chèo thuyền bắt vịt, buổi tối có diễn Tuồng cổ, hát Quan họ…
Ngoài ra còn rất nhiều hội đình như: Hội đình Phúc Long (xã Tăng Tiến – Việt Yên), hội đình Cao Thượng (xã Cao Thượng – Tân Yên), hội đình Vồng (xã Vân Cầu – Tân Yên), hội đình Thanh Lương (xã Quang Thịnh – Lạng Giang)…
Với Hội chùa: Cùng với sự du nhập văn hóa phương Bắc, phật giáo Việt Nam ngày càng phồn vinh. Phật giáo đã thay thế hoặc dung hòa hạt nhân tín ngưỡng của hội làng, từ đó hội chùa xuất hiện. Chùa là nơi thờ Phật và cũng là nơi diễn ra lễ hội của toàn dân. Điển hình là một số lễ hội chùa lớn như:
Hội chùa Bổ Đà, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên: Được tổ chức từ ngày 16 – 18 tháng hai âm lịch hàng năm tại khu vực núi Bổ Đà. Theo tài liệu của Bảo tàng tỉnh, Chùa được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng, dưới triều vua Lê Dụng Tông (1705-1728) niên hiệu Bảo Thái (1720-1729). Đây không chỉ là một danh thắng có giá trị văn hóa lịch sử mà còn là nơi hành hương thờ phụng thường xuyên của người dân vùng Kinh Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Hiện nay, tới kỳ lễ hội hoặc các ngày lễ, ngày nghỉ rất nhiều khách thập phương tới chùa để tham quan cảnh đẹp và tỏ lòng tín ngưỡng, tạo nên không khí lễ hội rất vui vẻ và mang đậm nét văn hóa. Xung quanh chùa là các kiến trúc như: Ao Miếu, Chùa Hang, Đền Ngự, Đền Núi Lùn, Đền Trung, Đền Thượng, Chùa Cao… tạo nên một quần thể di tích lịch sử văn hóa có giá trị nghệ thuật cao và thu hút nhiều khách tham quan du lịch…
Hội chùa Đức La xã Trí Yên, huyện Yên Dũng: Được xây dựng vào thế kỷ 13 với tên gọi là Vĩnh Nghiêm Tự của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, do vua Trần Nhân Tông (Pháp hiệu Đổng Kim Cương) sáng lập và dần trở thành trung tâm phật giáo của cả nước. Chùa nằm ở ngã ba Phượng Nhãn và được sông Thương, sông Lục Nam, dặng núi Cô Tiên và dãy núi Nham Biền tô điểm. Chùa được vua Trần Nhân Tông thuyết pháp và đào luyện tăng đồ, khắc in những bộ kinh quý: Hoa Nghiêm Sở, Di Đà Sở, Sao Đại Thừa Chí Quán. Xưa kia, chùa là nơi tiền trạm cho khách hành hương đến đất thánh của Thiền Phái Trúc Lâm ở Chí Linh (Hải Dương) và Đông Triều (Quảng Ninh). Năm 1822 chùa được trùng tu lớn nhất và được Vua Tự Đức đặt tên thành chùa Đức La. Hội chùa Đức La tổ chức vào ngày 14/02 âm lịch hàng năm. Các sư gọi ngày nay là ngày giỗ tổ nên cũng gọi là hội giỗ tổ Chùa La. Tiếng vang mỗi ngày một lan truyền xa rộng nên đó thu hút được khách thập phương xa gần đến dự mỗi năm một đông hơn. Qua lễ hội này, đạo phật từ – bi – hỉ – xả một lần nữa được thấm vào lòng người dân đất Bắc.
Nếu như hội đình là của các cụ ông, hội chùa của các cụ bà thì hội đền là của tất cả mọi thành viên trong cộng đồng. Hầu hết các lễ hội này đều có nguồn gốc từ các trò diễn xướng để nhắc lại một hành động, một sự kiện đáng ghi nhớ của một cộng đồng trong xã hội cổ sơ. Xuất phát từ điều kiện người Việt Nam với lòng yêu nước nồng nàn, mọi đạo đức quy về đạo yêu nước… Điển hình là hội Y Sơn (hội IA) thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa. Địa danh này từ thời Lê đã nổi tiếng là “danh lam thắng địa” lung linh huyền thoại và đầy chất thi ca. Đây cũng chính là “hành cung nhà Lê”.
Ngoài các loại lễ hội kể trên, Bắc Giang còn một loại hình hội nữa đó là Hội chợ quê hay còn gọi là chợ phiên tại các làng quê, tuy không nhiều song lại có nhiều nét đặc trưng riêng ví dụ như: Chợ đình làng Cao Thượng (xã Cao Thượng, Tân Yên) được họp vào sáng mồng 2 Tết Nguyên Đán hàng năm ngay trước đình làng, cả năm chỉ có một phiên họp từ 3, 4 giờ đến 7, 8 giờ sáng là hết người. Mọi người đến chợ trong những bộ quần áo đẹp với tâm trạng hồ hởi phấn khởi chúc tụng nhau những lời tốt đẹp, người bán thì bán để lấy may, người mua cũng quan niệm mua cho có lộc. Từ em bé đến cụ già không bao giờ to tiếng trong buổi chợ. Mọi lời nói cử chỉ đều tỏ ra lịch thiệp, lễ phép, chân tình và cởi mở. Cứ như vậy, chợ đình Cao Thượng duy trì bao đời nay, không bỏ một năm nào. Hay hội chợ vùng cao, đó là ngày chợ phiên, xưa thì 10 ngày họp một kỳ, nay thì 5 ngày họp một kỳ. Ngày áp phiên, đồng bào trong các bản đi thành từng tốp, người nào cũng mặc những bộ quần áo đẹp nhất, mới nhất. Trong chợ tấp nập kẻ bán, người mua có đủ các loại mặt hàng bách hóa, nông thổ sản… Nhưng việc mua bán diễn ra thong thả mà không vội vàng gì, vì đồng bào các dân tộc ngoài việc đi chợ, còn đi tìm bạn đời qua các câu hát, những làn điệu dân ca…
Tóm lại, hầu hết ở mỗi vùng quê trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đều diễn ra những lễ hội truyền thống và văn hóa dân gian mang đậm bản sắc dân tộc được đông đảo tầng lớp nhân dân, và du khách thập phương tham gia, tạo một bước khởi sắc mới cho Bắc Giang.
Bối cảnh Lịch sử, Văn hoá, Xã hội và Kinh tế làng Thổ Hà
Có thể nói, Thổ Hà là một bảo tàng về hình ảnh làng quê đặc trưng của xứ Bắc. Thổ Hà nằm bên bờ sông Cầu, thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đến đây, người ta bắt gặp lại những cổng làng, đình chùa, bến nước, cây đa. Thổ Hà còn nổi tiếng với những kiến trúc cổ từ nhà cửa đến cổng làng, khu giếng cổ đều được làm bằng gạch nung và sành đắp nổi không tráng men. Đặc biệt nơi đây còn hiện hữu ngôi chùa cổ kính và ngôi đình bề thế – một kiệt tác của kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Cổng nằm ở ngay đầu làng phía trước đình, bên tả là hồ nước rộng, bên hữu có cây đa hàng trăm năm tuổi mang đậm dấu ấn văn hóa của cư dân đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài ra, trong làng vẫn còn lưu giữ được một số ngôi nhà cổ xây dựng cách đây trên 100 năm, tiêu biểu cho các ngôi nhà cổ thuộc đồng bằng Bắc Bộ.
Đình Thổ Hà là một ngôi đình nổi tiếng của xứ Kinh Bắc, là bông hoa của nghệ thuật chạm khắc Việt Nam và được xếp hạng là di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp Quốc gia. Đình được xây dựng vào năm 1692, thời vua Lê Hy Tông và là một công trình kiến trúc quy mô với nghệ thuật điêu khắc độc đáo từng được Viện bảo tàng Viễn Đông Bác Cổ xếp hạng. Đình Thổ Hà tiêu biểu cho không gian tâm linh, văn hóa của người Việt với nét kiến trúc đặc trưng, các mảng chạm khắc thể hiện đề tài “tứ linh, tứ quý” hoa lá cách điệu, chim thú và con người. Hiện đình còn lưu giữ được chín tấm bia cổ chứa nhiều giá trị nghiên cứu văn hóa, lịch sử.
Chùa Thổ Hà có tên là “Đoan Minh Tự” là một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Chùa xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, có quy mô lớn, bao gồm cổng tam quan, gác chuông và tiền đường. Tam quan chùa nằm sát sau đình. Gác chuông và tiền đường được chạm trổ lộng lẫy với các đề tài rồng mây, hoa lá… Trong chùa có tượng Phật tổ Như Lai to lớn và tượng Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen. Từ tòa Tam Bảo theo hai dãy hành lang vào tới Động Tiên, là một công trình kiến trúc hiếm có. Động tiên đã ghi lại đầy đủ hình ảnh Thích Ca từ lúc mới sinh ra, lúc trưởng thành và khi lìa bỏ kinh thành vào động tu hành đến đắc đạo. Tiếp theo đi qua sân rộng tới nhà Tổ. Văn chỉ làng Thổ Hà được xây dựng vào thế kỷ 17, thờ Khổng Tử, Tứ Phối và 72 vị tiên hiền… Nơi đây được coi là cái nôi của nền học thức Thổ Hà. Đây cũng là địa điểm thu hút khá đông du khách đến tham quan, nhất là vào mùa thi cử, các sĩ tử đến đây thắp hương, lễ bái với tấm lòng thành kính mong được đỗ đạt hiển vinh. Văn chỉ làng Thổ Hà được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa ngày 28/2/1999. Vẻ đẹp cổ kính, thuần Việt, sự hồn hậu, mến khách của người dân và lợi thế cách không xa trung tâm thủ đô, làng cổ Thổ Hà đã và đang tạo sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong và ngoài nước, với những người nghiên cứu về kiến trúc và mỹ thuật, những nghệ sĩ và nghệ nhân đến tham quan và tìm cảm hứng.
Những nghề truyền thống mang “Thương hiệu” Thổ Hà
Với lịch sử nghề làm nghề gốm gần 800 năm, cùng với làng gốm Bát Tràng và Phù Lãng, Thổ Hà là một trong ba làng có nghề gốm nổi tiếng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Từng là làng gốm nổi tiếng sầm uất bậc nhất, người dân sống sung túc bằng nghề, thế nhưng Thổ Hà giờ đây chỉ còn sót lại những dấu ấn của một thời thịnh vượng của nghề gốm. Theo lời kể của một người dân nắm vững lịch sử nghề gốm ở trong làng thì ông tổ của nghề gốm Thổ Hà được cho là một tiến sĩ. Ông đã học được nghề gốm trên đường đi sứ Trung Quốc và truyền lại cho dân làng từ thế kỷ 14. Để có thể tạo ra được các loại sản phẩm rất bền đẹp như chum, vại, kiệu… màu nâu sẫm, màu da lươn, người ta phải mua đất sét từ Chóa (Yên Phong) cách xa gần 10 km, hoặc mua đất sét ở Xuân Lai, cách 12 km và phải chở qua sông rất vất vả. Đó là loại sét vàng “lõi mít”, sét xanh “búp ong”, ít sạn và tạp chất có đặc tính dễ tạo hình và định hình khi nung ở nhiệt độ cao. Cũng nhờ vậy mà Thổ Hà có thể tạo ra các sản phẩm cỡ lớn (dung tích đến 400- 500 lít) phục vụ nhu cầu đa dạng của đời sống nhân dân.
Lễ hội Đến đình Thổ Hà
Khác với gốm ở Phù Lãng và Bát Tràng, gốm Thổ Hà có những đặc điểm rất riêng biệt ở chỗ các sản phẩm gốm đều không có lớp men phủ, mà chủ yếu là men mộc tự nhiên màu nâu, cánh gián, bóng nhóang. Men mộc chảy ra từ nhựa đất trong quá trình nung. Gốm Thổ Hà nung ở nhiệt độ cao thành sành, gõ vào kêu coong coong như thép, mảnh gốm cạo sắc như dao… với đặc điểm này khiến ta có thể nhận biết gốm Thổ Hà một cách dễ dàng. Chúng tôi có hỏi một cụ ông đã sống lâu năm ở trong làng – người đã từng chứng kiến những thăng trầm của nghề gốm, cụ đã nói: “Ngày xưa, dân Thổ Hà nhà nào cũng làm gốm. Chợ gốm họp từ tinh mơ, gốm chất đầy mọi nơi, người mọi nơi cũng đổ về lấy đồ gốm Thổ Hà mang đi”. Dấu ấn của làng nghề gốm vẫn còn hiển hiện trên từng nếp nhà, từng con ngõ nhỏ của Thổ Hà, dẫu nghề gốm đã lụi tàn. Những con đường trong làng nhỏ hẹp và đều được lát bằng thứ gạch đỏ truyền thống đã mòn vẹt vì thời gian. Nhà cửa san sát, mái ngói nhuốm màu rêu phong. Những bức tường không trát vữa, có chỗ chỉ là những viên gạch, ngói nung hay tiểu sành được xếp chồng lên nhau theo tầng, theo lớp hết sức độc đáo. Đơn giản mà vẫn vững chãi như một bí quyết trong nghệ thuật xây dựng của người dân nơi đây. Cổng làng, đình, chùa nơi đây mang dáng dấp, màu sắc cổ xưa và hầu hết đều được xây bằng gạch thô không trát vữa phơi nắng phơi sương để tạo nên một màu nâu đỏ mộc mạc, yên bình. Một nét riêng biệt ở đây là có rất nhiều ngôi nhà được xây bằng tiểu sành – nhìn vào đây đã thấy dư âm của nghề gốm xưa kia rất rõ nét. Mục sở thị những bức tường nhà này, chúng tôi ghi nhận được rất nhiều câu chuyện thú vị, độc đáo. Vừa tới đầu làng, đập vào mắt chúng tôi là những ngôi nhà san sát, chỉ cách nhau con ngõ nhỏ, trừ những đoạn tường mới xây, những bức tường nhà cũ đều được xây bằng vật liệu chính là tiểu sành, mảnh gốm.Mỗi tiểu sành có chiều dài chừng 40cm, chiều rộng 20cm, phía bên trong rỗng hòan toàn và có hai lỗ thoáng khí. Khi dùng xây nhà, tiểu sành được úp mặt rỗng quay vào phía trong ngôi nhà. Mỗi bức tường tiểu sành dày chừng 40cm – 50cm. Bà con Thổ Hà lấy chính lớp bùn dưới sông Cầu cạnh đó để kết dính những tiểu sành và mảnh gốm với nhau. Chỉ có vậy, những bức tường dù không xây bằng xi măng vôi vữa nhưng vẫn rất chắc chắn. Những ngôi nhà, bức tường tiểu sành thách thức sự va đập, bào mòn hàng mấy trăm năm của các yếu tố ngoại cảnh.
Qua sự biến đổi của thời gian và do các điều kiện về thẩm mỹ, về diện tích, các tường này bị phá bỏ nhiều. Tiểu sành úp đầu hồi hay những bức tường nhà cổ là một nét văn hóa riêng mà không nơi nào có được. Những bức tường được dựng bằng những mảnh chõ, chum, vại, tiểu sành, kết dính bằng một thứ đất được pha trộn đặc biệt được gọi là “lầm”. Theo nhiều người dân tại địa phương, việc phá tường cổ, nhà cổ là vấn đề liên quan đến làng nghề sản xuất bánh đa nem của địa phương. Nhà cổ đa số không phơi được, người ta phải phá ra làm nhà trần. Khi người dân sửa chữa, xây lại kiểu nhà cao tầng đẹp đẽ thì toàn bộ tường tiểu sành dày 50cm được làm lại bằng tường gạch chỉ dày 20cm. Phía chính quyền địa phương chỉ tuyên truyền người dân giữ không gian cổ, tuy nhiên, vấn đề kinh tế của bà con vẫn là vấn đề chính.
Sự ứng biến của người dân trước sự thay đổi của xã hội
Giờ đây người ta nhắc tới Thổ Hà bằng cái tên mới “Thổ Hà làm bánh đa nem” chứ không phải Thổ Hà làm Gốm nữa.
Đến thăm làng Thổ Hà, một trong những ấn tượng khó quên là đâu đâu cũng thấy những tấm phên bánh đa nem được người dân đem phơi. Nhằm đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của thị trường, người dân Thổ Hà đã sản xuất bánh đa nem với kích cỡ khác nhau. Bên cạnh những chiếc bánh có đường kính khoảng 40cm, đến nay đã có nhiều bánh được sản xuất theo khổ nhỏ hơn để cung cấp cho nhiều nơi. Bánh đa nem Thổ Hà vừa dẻo, vừa dai lại thơm ngon nên không những có uy tín với khách hàng trong nước mà còn được xuất khẩu sang nước ngoài. Người dân Thổ Hà vốn có truyền thống cần cù, khéo léo, nhanh nhạy, sáng tạo trong lao động, nên ngoài sản xuất bánh đa nem thì nơi đây còn nổi tiếng với sản phẩm mì gạo và bánh đa dừa… Cũng phải thừa nhận rằng, tốc độ đô thị hóa đã ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của người dân Thổ Hà. Từ bao đời nay, người dân Thổ Hà sinh sống bằng nước sông gạo chợ, tiểu thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển kinh tế ở nơi này. Đi một vòng quanh Thổ Hà, thấy người dân phơi bánh đa nem kín đường làng ngõ xóm. Phơi ở dưới lòng đường chưa đủ, họ còn tận dụng khoảng không ở bất cứ chỗ nào có thể để tranh thủ phơi hàng…
Ở Thổ Hà giá đất cao ngất ngưởng, giao động từ 10 – 12 triệu đồng/m2. Nếu đem so sánh thì giá đất ở Thổ Hà cao hơn hẳn so với các làng, xã lân cận và tương đương với giá đất ở trung tâm TP. Bắc Ninh. Mới đây, UBND tỉnh có chủ trương xây mới trường mầm non Thổ Hà đạt chuẩn quốc gia đã khiến lãnh đạo địa phương phải vò đầu, bứt tóc. Bởi, họ không biết lấy đất ở đâu ra mà xây. Sau nhiều cuộc họp, tình toán, người dân Thổ Hà đã nhất trí với phương án, phá nhà văn hóa thôn để xây dựng trường mầm non.
Ngoài ra, cũng phải nói thêm về các hoạt động nghề khác tại Thổ Hà. Tại đây 70% người dân làm bánh đa nem, 30% người dân làm bánh đa nướng, mỳ gạo và buôn bán. Các bếp than trong làng đỏ lửa quanh năm. Nhất là vào những tháng cuối năm, khi mà thị trường có nhu cầu lớn về bánh đa nem và mỳ gạo thì người dân làm việc không kể ngày đêm. Để phục vụ nhu cầu về nhiên liệu đốt, làng Thổ Hà đã hình thành 3 bãi đóng than, trong đó có bãi ở khu thuyền buồn là lớn hơn cả. Bãi này gồm 6 hộ chuyên đóng than cung cấp cho Thổ Hà. Chị Dơn, một trong 6 hộ đóng than ở đây tiết lộ, nhà chị phải thuê 2 nhân công chuyên đóng than, trung bình một ngày sản xuất ra 1 nghìn viên than tổ ong. Đó là chưa kể đến lượng than bột và số lượng than sản xuất ở các khu khác. Một số hộ ở Thổ Hà đã “đoạn tuyệt” với các lò than khi chuyển đổi mô hình sản xuất thủ công sang máy móc, thế nhưng con số đó chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Chừng nào người dân Thổ Hà còn làm nghề thì chừng đó còn đốt than”,chị Dơn nhận định. Ông Hội, một người dân xã Vân Hà cho chúng tôi biết, khoảng chục năm trở lại đây vấn đề về đất ở và môi trường ở Thổ Hà ngày càng trở nên trầm trọng. Ông cho biết, hiện tại ở làng Thổ Hà không có đất giãn dân, việc xây mới các công trình công trình công cộng, phúc lợi gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế giờ đây người ta nhắc tới Thổ Hà bởi là một làng quê đất chật người đông với nghề làm bánh đa nem chứ mấy ai nhớ Thổ Hà từng là một trong ba trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt, bên cạnh Phù Lãng và Bát Tràng.
Tóm lại, qua nghiên cứu trường hợp làng nghề Thổ Hà – Bắc Giang, chúng ta có thể thấy: Trải qua quá trình hình thành, tồn tại và phát triển, làng nghề và văn hóa làng nghề ở Bắc Giang luôn luôn có sự biến đổi theo các mức độ khác nhau, có làng nghề biến đổi nhanh, nhưng cũng có những làng nghề biến đổi chậm. Quá trình biến đổi đó đã tạo nên những kết quả tích cực, nhưng còn có những tiêu cực, ảnh hưởng tới hoạt động của làng nghề, thậm chí nhiều làng nghề phải đứng trước nguy cơ biến mất.
Những biến đổi tích cực
Biến đổi làng nghề cũng như văn hóa làng nghề truyền thống chính là sự vận mình tự nhiên để phù hợp với thời đại mới. Thực tiễn cho thấy, trong các làng nghề truyền thống ở tỉnh Bắc Giang đều diễn ra quá trình biến đổi, song từng làng nghề đó lại có những mức độ thay đổi nhanh chậm khác nhau. Song hành với quá trình biến đổi của làng nghề truyền thống, người dân làng nghề lại có điều kiện phát huy các yếu tố tốt đẹp của văn hóa làng nghề như sản phẩm truyền thống mang sắc thái địa phương, bí quyết tạo sản phẩm… Trường hợp như sản phẩm bánh đa nem Thổ Hà là ví dụ điển hình. Ở những sản phẩm này, đặc trưng văn hóa được bộc lộ khá rõ nét giúp cho người tiêu dùng có thể nhận biết được “chất” của sản phẩm trong quá trình trao đổi mua bán. Biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống cũng chính là điều kiện tốt để bảo tồn, phát huy, trao truyền và tôn vinh các tri thức văn hóa về nghề nghiệp do các nghệ nhân nắm giữ. Đồng thời, nghệ nhân dân gian, người thợ có bàn tay vàng còn nắm giữ những tri thức về văn hóa của làng nghề như các điều lệ hành nghề, kiêng cấm của nghề nghiệp, ứng xử với tổ nghề, đạo đức nghề nghiệp cùng với những phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương được biểu hiện qua lễ hội, lễ giỗ tổ nghề…
Ngày nay, việc mở rộng hoạt động sang các khu vực lân cận của các làng nghề góp phần quan trọng vào việc phát triển quy mô của làng nghề, đồng thời làm gia tăng tích lũy, tái sản xuất, thực sự đã thay đổi diện mạo của nông thôn trong quá trình đổi mới. Do đáp ứng được nhu cầu của thị trường, sản phẩm của một số làng nghề được làm ra với số lượng lớn cung cấp cho nhu cầu sử dụng của các vùng miền trong và ngoài nước. Khi đời sống kinh tế phát triển, người dân làng nghề có điều kiện để chăm lo đời sống tinh thần, quan tâm đến những việc chung của làng như lễ hội, cùng nhau tu bổ tôn tạo các công trình di tích lịch sử văn hóa.
Do sự thích ứng tốt của sản phẩm làng nghề truyền thống trên thị trường, người dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình. Điều đó được biểu hiện rõ rệt qua việc xây dựng nhà cửa, đường làng ngõ xóm, quy mô các công trình dân sinh công cộng… Vì vậy, diện mạo các làng nghề truyền thống đã có những khởi sắc đáng ghi nhận, người làng nghề đã biết cách mở rộng giao thương đưa sản phẩm đi đến các vùng miền qua các thương buôn, trực tiếp hoặc gián tiếp giao lưu văn hóa với các khu vực trong nước: Trường hợp như làng Thổ Hà, người dân đã mang sản phẩm bánh đa nem của mình đi khắp các tỉnh thành miền Bắc và cũng đã được các nơi đó ghi nhận về chất lượng sản phẩm. Đây cũng là điều kiện quan trọng để người dân làng nghề mở mang tri thức, tiếp thu tinh hoa văn hóa, làm giàu bản sắc văn hóa địa phương; đồng thời, nó cũng chính là yếu tố tác động đến sự biến đổi của văn hóa làng nghề truyền thống ở các địa phương trên hai phương diện đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Quá trình giao lưu, tiếp thu tri thức của người dân làng nghề đã để lại những kết quả tích cực trong đời sống của các làng nghề.
Nhìn chung, các biến đổi tích cực trong văn hóa làng nghề đã tác động đến sự phát triển về mọi mặt của làng nghề truyền thống, đồng thời, những biến đổi ấy cũng góp phần to lớn vào quá trình phát triển công nghiệp nông thôn của địa phương này trong giai đoạn hiện nay.
Những biến đổi tiêu cực
Bên cạnh những biến đổi tích cực, trong quá trình biến đổi văn hóa làng nghề truyền thống đã nảy sinh một số yếu tố tiêu cực làm ảnh hưởng không nhỏ đến bình diện văn hóa làng nghề truyền thống hiện nay. Nhu cầu, thị hiếu của thời đại đã làm cho các sản phẩm của làng nghề có nhiều thay đổi từ quy mô, cách làm, công cụ, vật liệu, tên gọi sản phẩm, thị trường… Làng Thổ Hà và một số làng nghề khác trước đây chỉ sản xuất một mặt hàng, song do thị hiếu của người tiêu dùng mà làng nghề đã sáng tạo và làm thêm một số sản phẩm khác hoặc làm các sản phẩm theo đơn đặt hàng. Tuy nhiên, điều cần quan tâm ở đây chính là chất lượng sản phẩm do làng nghề làm ra. Sự phát triển của kinh tế thị trường đã dẫn đến sự cạnh tranh giữa các làng nghề, giữa các gia đình trong làng nghề với nhau. Do sản xuất cùng một loại hàng hóa, các gia đình trong làng nghề thường cạnh tranh nhau trong việc thu hút khách hàng, giá cả sản phẩm, các chế độ hậu mãi…, do đó, nhiều khi đã tạo ra các hành vi ứng xử không lành mạnh trong kinh doanh buôn bán để tranh giành khách hàng của nhau. Mặt trái ấy đã ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ ứng xử của các gia đình sản xuất, kinh doanh buôn bán trong làng nghề truyền thống hiện nay.
Kết luận
Nhìn chung, cùng với những biến đổi tích cực, biến đổi tiêu cực đang biểu hiện trong làng nghề cũng như văn hóa của làng nghề đã phần nào tác động mạnh đến xu hướng vận động của đời sống văn hóa cư dân các làng nghề truyền thống. Sự biến đổi đang tạo ra bức tranh vừa mang tính đa dạng, lại vừa phức tạp về sự biến đổi đa chiều của văn hóa làng nghề truyền thống dưới sự tác động của nhiều yếu tố cùng những cơ hội, thách thức đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội hiện nay.
Nguyễn Thị Huệ
Viện Nghiên cứu Văn hóa
(Nguồn Tạp chí Kiến trúc số 2-2024)
Tài liệu tham khảo
1. Bùi Xuân Đính (1998), “Bàn thêm về mối quan hệ giữa làng và xã qua qui mô cấp xã thời phong kiến”, trong Đinh Xuân Lâm, Dương Lan Hải (chủ biên), Nghiên cứu Việt Nam, một số vấn đề lịch sử kinh tế – xã hội – văn hóa, Hà Nội, Nxb Thế Giới, tr. 97.
2. Cục Di sản văn hóa (1997), Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Tập 1, H.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Các nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
4. Đặng Văn Lung, Hồng Thao, Trần Linh Quý (1978), Quan họ nguồn gốc và quá trình phát triển, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
5. Đỗ Lan Phương (2010), Những nhân tố tác động đến biến đổi văn hóa Việt Nam thập niên đầu thế kỉ XXI (2001-2010), Đề tài cấp Bộ, Viện Nghiên cứu văn hóa, Hà Nội.
6. Lê Hồng Lý (2008), Sự tác động của kinh tế thị trường vào lễ hội tín ngưỡng, Nxb Văn hóa – Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội.
7. Lê Hồng Lý (2012), Tổng quan về một số vấn đề lí luận và thực tiễn về văn hóa Việt Nam hiện nay, Đề tài nghiên cứu cấp Bộ, Viện Nghiên cứu văn hóa, Hà Nội.
8. Lê Quý Đức chủ biên (2005), Vai trò của văn hóa trong sự nghiệp Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa nông thôn, nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng, Nxb Văn hóa – Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội.
9. Lê Thanh Sang (2008), Đô thị hóa và cấu trúc đô thị Việt Nam trước và sau đổi mới 1979 – 1999, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
10. Lê Văn Quán (2007), Nguồn văn hóa truyền thống Việt Nam, NXB Lao Động, Hà Nội
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.