Tăng cường công tác quản trị đô thị thông minh theo hướng hiệu quả, chất lượng và bền vững

​MTXD - Hiện nay, nhiều đô thị trên cả nước đã và đang tiến hành kiến tạo “đô thị thông minh”, dần hình thành mạng lưới đô thị thông minh, phát triển kinh tế số đô thị, hướng đến “tiệm cận” với các đô thị trong khu vực và thế giới. Do đó, bài toán quản trị đô thị đang đặt ra một cách cấp thiết. Bài viết sẽ tiến hành làm rõ hơn nữa nội hàm và các nguyên tắc trong quản trị đô thị nói chung,

MTXD - Hiện nay, nhiều đô thị trên cả nước đã và đang tiến hành kiến tạo “đô thị thông minh”, dần hình thành mạng lưới đô thị thông minh, phát triển kinh tế số đô thị, hướng đến “tiệm cận” với các đô thị trong khu vực và thế giới. Do đó, bài toán quản trị đô thị đang đặt ra một cách cấp thiết. Bài viết sẽ tiến hành làm rõ hơn nữa nội hàm và các nguyên tắc trong quản trị đô thị nói chung, đô thị thông minh nói riêng, để từ đó chỉ ra một số vấn đề đối với hoạt động quản trị đô thị theo định hướng chất lượng, hiệu quả, số hóa, xanh hóa và bền vững.

1-Quản trị thành phố thông minh – nội hàm và nguyên tắc

Khái niệm quản trị thành phố thông minh

Thành phố thông minh không chỉ dựa vào công nghệ kết nối và tính toán hay kiểm soát, mà còn cần hệ thống quản trị với sự tương tác các bên tham gia, nhằm mục tiêu cao nhất là tạo ra một thành phố đáng sống, có khả năng phục hồi tốt và có giá trị. Việc quản trị thành phố thông minh cần tạo dựng các nền tảng cho sự sáng tạo, khởi nghiệp, kinh tế chia sẻ, đổi mới và thích ứng một cách liên tục và thông minh hơn, chuyển đổi từ chính quyền điện tử sang chính quyền trí tuệ nhân tạo1 . Nói cách khác, quản trị thành phố thông minh là một bộ phận tổ thành quan trọng trong tiến trình xây dựng, phát triển thành phố thông minh.

Nếu như “Quản lý đô thị là quá trình tác động một cách liên tục, có tổ chức, có kế hoạch và có mục đích của chủ thể quản lý lên các đối tượng quản lý theo một quy trình nhất định, nhằm đảm bảo sự phát triển kinh tế-,xã hội đô thị một cách có định hướng, thì quản trị đô thị,và “quản trị đô thị” là chính phủ (hay chính quyền đô thị) phải là chủ thể chủ yếu, sử dụng nhiều công cụ khác nhau như: chính trị, hành chính, kinh tế, pháp luật, xã hội, giáo dục, truyền thông để giải quyết công việc chung của đô thị, hướng đến xây dựng một thành phố văn minh, hiện đại và phục vụ người dân một cách tốt nhất trên cả lĩnh vực vật chất và tinh thần"2 , thì quản trị đô thị thông minh là chủ thể quản lý đô thị sử dụng các phương tiện, công cụ thông minh để tiến hành quy hoạch, xây dựng, phát triển thành phố theo hướng thông minh bền vững.

Các công cụ thông minh, phương tiện thông minh hàm chỉ toàn bộ công nghệ, kỹ thuật ICT3 . Khi tiến hành xây dựng thành phố thông minh thì việc tích hợp hệ thống dữ liệu đô thị, phối hợp quy hoạch đô thị, thiết lập cơ sở dữ liệu mở và khuyến khích sự tham gia của người dân,...đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với hoạt động quản trị mà cụ thể là các nhà quản lý đô thị. Như trên đã đề cập, “chất liệu kỹ thuật” cơ bản của một đô thị thông minh là công nghệ ICT, do đó, quản trị đô thị thông minh không thể tách rời công nghệ ICT. Trong đó, các bộ tiêu chí, chỉ số là thước đo đánh giá khả năng, mức độ thực hiện, trình độ quản lý của chính quyền đô thị đối với đô thị thông minh. Điều đó cũng có nghĩa là, để làm tốt công tác quản trị đô thị thì chủ thể quản lý phải am hiểu về công nghệ, biết cách sử dụng các nhân tài về công nghệ để hỗ trợ chính quyền đô thị ra các quyết định trong công tác quản lý đô thị theo hướng “trực quan hóa, chính xác hóa, hệ thống hóa, thông minh hóa”.

Các nguyên tắc quản trị thành phố thông minh

Theo tinh thần Nghị quyết 06, “quản lý đô thị” và “quản trị đô thị thông minh” là nhiệm vụ, mục tiêu, sứ mệnh và quyền năng tất yếu của chính quyền đô thị. Nói cách khác, với tư cách là chủ thể quản lý, chính quyền đô thị cần phải xây dựng, nắm vững và quán triệt sâu sắc các nguyên tắc trong suốt tiến trình quản trị đô thị để không “chệch hướng”.

Một là, quản trị thành phố thông minh đảm bảo thế hệ trước không phá hủy môi trường, hệ sinh thái tự nhiên dành cho thế hệ sau theo mục tiêu tuần hoàn, sống xanh. Có nghĩa là phải đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững.

Hai là, xây dựng chính quyền thông minh điều phối nhiều thành phần cấu thành khác nhau của thành phố thông minh tạo ra kết nối đa chiều và hợp tác linh hoạt giữa các bộ phận, thành tố, lĩnh vực. Tức là đảm bảo nguyên tác hệ thống trong hoạt động quản trị đô thị.

Ba là, quá trình ra quyết định quản trị thành phố thông minh cần tập trung cao theo nguyên tắc có sự tham gia, phát huy dân chủ để tối đa hóa nguồn lực, tranh thủ sự đóng góp ý kiến và phản biện xã hội.

Bốn là, dựa trên sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông thế hệ mới như Internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo để quản lý đô thị và nhanh chóng chuyển đổi từ “chính quyền giấy tờ” sang “chính quyền điện tử” và “chính quyền trí tuệ nhân tạo”, hướng đến phục vụ và nâng cao chất lượng sống cho cư dân đô thị, đảm bảo nguyên tắc số hóa.

Năm là, nguyên tắc con người là trung tâm, đời sống thị dân là tiêu chí, nhân dân ấm no, hạnh phúc là mục tiêu. Do đó, cần công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, định hướng nền hành chính phục vụ, kiến tạo; nâng cao sức cạnh tranh đô thị, luôn đổi mới sáng tạo, áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong toàn bộ quá trình quản trị, hướng đến tăng hiệu quả.

Một số thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM đã nhanh chóng áp dụng thành quả của ICT vào quản trị đô thị, đã ban hành các chính sách khuyến khích xây dựng hạ tầng thông minh..

2-Một số vấn đề đặt ra đối với hoạt động quản trị thành phố thông minh ở Việt Nam theo hướng hiệu quả, bền vững

Cùng với tốc độ và tiến trình đô thị hóa trên thế giới gia tăng một cách mạnh mẽ, đô thị và mạng lưới đô thị của Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh chóng về quy mô, số lượng và chất lượng. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, với chủ trương phát triển thành phố theo hướng thông minh bền vững, chúng ta đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trong số hóa, thông tin hóa và thông minh hóa, trí tuệ hóa hầu hết các lĩnh vực của đời sống đô thị. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều vấn đề đô thị cũng nảy sinh (ô nhiễm môi trường, giao thông tắc nghẽn, ngập úng,...) cần được nhanh chóng giải quyết một cách hiệu quả, triệt để.

Tuy vậy, với phương thức và mô thức truyền thống sẽ khó có thể thực hiện nhiệm vụ đó một cách nhanh chóng, hiệu quả như mong đợi. Có nghĩa là cần có phương thức mới, biện pháp mới, công cụ mới và cả tư duy mới, triết lý mới để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản trị đô thị: thành phố thông minh là một giải pháp.

Quan sát thực tiễn tại các đô thị Việt Nam, nhất là một số đô thị đang tiến hành triển khai thí điểm mô hình đô thị thông minh, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề bất cập cần được khắc phục trong thời gian tới. Đó là:

Thứ nhất, chậm đổi mới quan niệm, đổi mới tư duy, đổi mới công nghệ

Như đã phân tích ở trên, thành phố thông minh là ứng dụng tổng hợp thành tựu phát triển khoa học công nghệ để “chạm khảm” vào các khía cạnh của đời sống đô thị và do đó, thể hiện trình độ phát triển, tiến bộ, văn minh của nhân loại. Đó là xu thế tất yếu của sự phát triển. Với Việt Nam, chúng ta đang trong quá trình kiến tạo, xây dựng thành phố thông minh theo mô thức của mình trên cơ sở học hỏi, vận dụng thành tựu của thế giới. Rõ ràng, mức độ nắm bắt, sáng tạo và làm chủ công nghệ, kỹ thuật mới, tân tiến để xây dựng đô thị thông minh của chúng ta còn chưa hoàn thiện, cần tiếp tục khắc phục và bổ sung.

Đành rằng, sự “đi trước” của nhiều đô thị trên thế giới đến hoàn thiện “thành phố thông minh” và “thành phố thông minh hơn” là bài học kinh nghiệm quý giá cho chúng ta, người đi sau. Đi sau, theo lý thuyết, có “lợi thế của người đi sau” nhưng không phải bao giờ “người đi sau” cũng biết tận dụng, phát huy lợi thế này. Bởi lẽ, “người đi sau” có cả cơ hội, lợi thế nhưng cũng có những thách thức, khó khăn. Điều này đòi hỏi chính quyền đô thị và những nhà quản lý đô thị phải năng động, tạo xung lực mạnh mẽ và không ngừng học hỏi mới nâng tầng “thông minh” trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, trong sử dụng con người, trong đổi mới cơ chế chính sách, trong phá bỏ những tư duy cũ kỹ, trì trệ, bảo thủ,… mới “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” trên con đường kiến tạo, quản trị thành phố thông minh. Như vậy, không chịu đổi mới, chậm đổi mới; chậm áp dụng thành tựu ICT vào hoạt động quản trị đô thị sẽ là một vấn đề lớn, lực cản lớn trong tiến trình xây dựng đô thị thông minh.

Đà Nẵng học kinh nghiệm xây dựng và quản lý đô thị thông minh của các quốc gia Tây, Bắc Âu. Ảnh trong bài: internet

Thứ hai, tư tưởng chủ quan, nóng vội hay bất chấp mọi giá để xây dựng thành phố thông minh khi các điều kiện cần thiết chưa hội đủ

Thành phố thông minh không phải là một “phong trào”, thông qua vài hoạt động hay thay đổi nhỏ thì tức khắc hình thành. Thực tiễn đã cho thấy, thời gian qua chúng ta đã đạt được không ít thành tựu trong xây dựng thành phố thông minh với mô hình thí điểm, thế nhưng, thật bình tĩnh mà nói, còn nhiều vấn đề bất cập, nảy sinh. Chẳng hạn, hạ tầng ICT chưa hoàn bị; kết hợp liên đới giữa dữ liệu lớn và quản trị đô thị chưa cao; mất cân bằng giữa khu vực đô thị (nhất là vùng lõi) với khu vực vùng ven và nông thôn; một số vấn đề sinh thái đô thị nảy sinh; thiếu bền vững trong phát triển,...

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề bất cập trong quản lý rủi ro đô thị, nhất là quản lý bằng công nghệ thông minh,... Do đó, không nên “dàn hàng ngang thẳng tiến” mà phải thận trọng, từng bước vững chắc. Tránh đầu tư tràn lan gây lãng phí, nhất là các đô thị chưa hội đủ các điều kiện cần thiết. Tức là người người bàn đến đô thị thông minh, đâu đâu cũng muốn xây dựng thành phố thông minh trong khi các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, con người, nguồn lực còn nhiều bất cập.

Xây dựng thành phố thông minh là nhiều điều kiện mang tính tổng hợp, cần có chương trình, kế hoạch, nguồn lực, sự quyết tâm và sự tham gia của cộng đồng. Do vậy, đầu tiên phải có kế hoạch, chiến lược rõ ràng, thống nhất của Trung ương với địa phương, giữa tỉnh và thành phố, giữa thành phố với cấp cơ sở. Không nóng vội hay mù quáng để sau này “ra sức khắc phục” những hậu quả của nó. Nói cách khác, cần có lộ trình, bước đi vững chắc.

Thứ ba, thiếu tính hệ thống, khoa học, liên kiết trong tập hợp và sử dụng hệ thống dữ liệu và dữ liệu lớn

Từ phương diện quản trị nhìn nhận, thể chế, chính sách chưa được kiện toàn, tiêu chuẩn kỹ thuật và mô thức đánh giá chưa thống nhất, ranh giới quản lý giữa các chủ thể/bộ phận không rõ ràng tạo nên những khe hở, “khoảng trống” trong thu thập, xử lý, phân tích, quản lý, điều tiết, sử dụng hệ thống dữ liệu có liên quan. Ví dụ: Trong giao dịch dịch vụ công, có trường hợp đã nhận mã xác minh trực tuyến nhưng phải xếp hàng chờ theo hình thức ngoại tuyến; Một người bị mất giấy phép lái xe phải chờ đợi thời gian khá dài (có thể đến vài tháng, kể từ ngày nộp đầy đủ các hồ sơ theo quy định), trong đó có việc xác minh đương sự có hành vi vi phạm hay không (giấy phép lái xe đang bị cơ quan thẩm quyền thu giữ, xử lý,...)4 ; Trong thời gian phòng chống COVID-19, nhiều trường hợp khai báo y tế nhiều lần, trùng lắp và không “tương thích” với các dữ liệu trước đó, bởi địa phương còn sử dụng phương pháp khai báo và lưu trữ kiểu truyền thống,...

Tất cả những ví dụ đó có một điểm chung: Áp dụng công nghệ ICT chưa hoàn thiện và số liệu giữa các cơ quan hữu quan chưa được liên thông.

Thứ tư, thiếu tính đồng bộ giữa quy hoạch và xây dựng, giữa sự quyết tâm với nguồn lực hiện hữu, giữa chủ thể nhà nước với các chủ thể khác

Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch chính là “kim chỉ nam” cho việc kiến tạo thành phố thông minh. Dù là hình thức nào đi nữa (truyền thống hay hiện đại, thông minh hay không thông minh) thì công tác quy hoạch là hết sức quan trọng. Như đã phân tích ở trên, việc “nặng về xây dựng, nhẹ về quy hoạch” hay “xây dựng trước, quy hoạch sau” sẽ không thể chấp nhận trong tiến trình hình thành đô thị thông minh. Thành phố thông minh thì quy hoạch và quản lý quy hoạch phải đi trước và đảm bảo nguyên tắc khoa học, hệ thống, thực tiễn.

Xây một khu dân cư thiếu định hướng quy hoạch có thể “tái định cư”, hình thành một con đường tồn tại nhiều bất cập có thể “phá bỏ”, một vòng xoay (bùng binh) có thể thu hẹp hoặc dỡ bỏ bởi xung đột giao thông giữa thiết kế và thực tiễn,... nhưng một hệ thống dữ liệu lớn không biết cách bảo lưu, xử lý, phân tích, khai thác sẽ hoàn toàn vô giá trị; một hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông đã đầu tư với nguồn kinh phí lớn nếu không đồng bộ, tương thích với các “đầu nối” của thiết bị thông minh thì cũng không thể vứt bỏ một cách tùy tiện. Hơn thế nữa, dù thành phố tồn tại với hình thức nào đi nữa thì cư dân, thị dân, cộng đồng vẫn là “hồn cốt” của đô thị. Do đó, sự tham gia và “cộng đồng hóa trách nhiệm” chính là nhân tố quyết định đến sự thành bại của mô hình thành phố thông minh.

Thứ năm, hiểu nhầm thành phố thông minh là mục tiêu cuối cùng nhưng thực chất việc kiến tạo đô thị thông minh hay mạng lưới đô thị thông minh chỉ là phương tiện, hướng đến chất lượng sống con người gắn với yếu tố công bằng xã hội và hài hòa với môi trường

“Thông minh, thông minh hơn và thông minh hơn nữa” chính là “khẩu hiệu” của quá trình xây dựng thành phố thông minh.Thế nhưng, bản thân sự “thông minh” đó không phải là mục tiêu mà là phương tiện để phát triển bền vững, cạnh tranh, thịnh vượng và cuộc sống có chất lượng. Thông minh và thông minh hơn là một quá trình diễn tiến không ngừng, không phải mới bắt đầu và không kết thúc với sự sáng tạo rộng rãi của xã hội là nền tảng. Thông minh hơn không chỉ dựa vào công nghệ kết nối và tính toán hay kiểm soát, mà còn cả hệ thống quản trị với sự tương tác của các bên tham gia với mục tiêu cao nhất là phục vụ con người. Trách nhiệm của hệ thống quản trị là xây dựng nền tảng cho sự sáng tạo và thông minh hơn.

Nền tảng của “thông minh” ở cấp độ đô thị là cách thức chia sẻ và hợp tác hữu hiệu, do đó chúng ta có thể bắt đầu bằng việc mở các kho dữ liệu ra để chia sẻ. Công nghệ điện toán đám mây và kết nối diện rộng sẽ giúp các bên tham gia tối ưu hóa các lựa chọn cả ở phía sản xuất và tiêu thụ. Trong “thế giới nhanh”, thông tin càng chia sẻ càng có giá trị nên hệ thống quản trị cần tạo đột phá bằng việc kết nối các dữ liệu, từ không gian và môi trường cho tới chính sách đầu tư phát triển, dịch vụ hành chính và các thông tin xã hội giúp tìm kiếm cơ hội phát triển và điều chỉnh hành vi. Về lâu dài, cần phát triển năng lực quản trị để chuyển sang hệ thống quản trị có tính liên minh và tận dụng nguồn lực xã hội trong phát triển. Đồng thời, chúng ta cần nâng tầm công nghệ “thông minh” từ cấp độ công trình và lĩnh vực lên phạm vi cấp thành phố. Điều này đòi hỏi sự chủ động của chính quyền trong kết nối theo khu vực (Area Based Development) thay vì dự án (Project Based). Vấn đề cơ chế ra quyết định cũng cần được chú ý. Hệ thống ra quyết định cần tạo nền tảng để sự thông minh vừa đạt được qua cơ chế tập trung cao độ để tối ưu hóa nguồn lực, nhưng cũng phải đủ linh hoạt để các lựa chọn của cơ chế nguồn lực với người trả tiền ‘phân tán’ phản ánh được sự đa dạng của thị trường và đặc biệt cần phát huy sự sáng tạo trong phát triển5 .

Thứ sáu, trong tiến trình xây dựng thành phố thông minh sẽ nảy sinh những vấn đề mới, cần phải thực sự bình tĩnh, sáng suốt đưa ra quyết sách giải quyết

Thành phố, bản thân nó cũng hàm chứa nhiều biến số, trong đó có những vấn đề xã hội, rủi ro xã hội. Đương nhiên, thành phố thông minh (dù ở trình độ và tính chất ra sao) thì các vấn đề xã hội, rủi ro xã hội cũng không tự mất đi, thậm chí còn nảy sinh nhiều vấn đề mới phức tạp hơn, bất xác định, khó dự báo hơn. Điều đó cũng có nghĩa là, quản trị đô thị thông minh khó khăn hơn nhiều. Điều tuyệt vời là, sức sống của một đô thị được tôi luyện thông qua những khó khăn, rủi ro bằng năng lực quản trị của nhà lãnh đạo, quản lý.

Thừa nhận rằng, khi áp dụng sự tiến bộ của khoa học công nghệ vào hoạt động quản trị đô thị thì sẽ tạo điều kiện tốt hơn, thời gian xử lý, phân tích, ra quyết định nhanh hơn; tiếp cận các thông tin thuận lợi hơn,... Nhưng không có nghĩa rằng, các vấn đề rủi ro xã hội không nảy sinh, vấn đề xã hội tự nó sẽ “tan biến”. Ngược lại, nó còn diễn biến phức tạp hơn, khó đoán định hơn. Chẳng hạn, vấn đề an ninh, an toàn trong bảo mật thông tin; vấn đề tiếp cận thông tin đối với nhóm yếu thế và nhóm dễ tổn thương trong đô thị; vấn đề tội phạm công nghệ cao; vấn đề đạo đức con người trong môi trường và không gian ảo; vấn đề rủi ro công nghệ và hệ thống vận hành đô thị thông minh,...

TS. PHẠM ĐI

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Số 06-NQ/TW ngày 24 tháng 01 năm 2022 của Bộ Chính trị Về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị việt nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 204

3. Phạm Đi, Quản lý đô thị và quản trị đô thị thông minh, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H.2021.

4. Nguyễn Ngọc Hiếu, ThS. Đào Thị Bích Vân, Thành phố thông minh và vấn đề quản trị đô thị. Tham kiến: https://baoxaydung.com.vn/ thanh-pho-thong-minh-va-van-de-quan-tri-dothi-194861.html

5. Nguyễn Văn Thành (nhiều tác giả), Xây dựng và quản trị thành phố thông minh, bảo đảm các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn trong cách mạng công nghiệp 4.0. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2020

(1) Nguyễn Văn Thành (nhiều tác giả), Xây dựng và quản trị thành phố thông minh, bảo đảm các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn trong cách mạng công nghiệp 4.0. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2020, tr.185

(2) Phạm Đi, Quản lý đô thị và quản trị đô thị thông minh, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, H.2021,tr.57 và tr.278.

(3) Information Communication Technology (công nghệ thông tin và truyền thông)

(4) Theo tinh thần của Thông tư 12/2017/ TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 về Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ

(5) TS. Nguyễn Ngọc Hiếu, ThS. Đào Thị Bích Vân, Thành phố thông minh và vấn đề quản trị đô thị. Tham kiến: https://baoxaydung.com.vn/ thanh-pho-thong-minh-va-van-de-quan-trido-thi-194861.html

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.