Thiết kế kiến trúc cảnh quan bờ sông Hồng tại quận Long Biên – Những bài học kinh nghiệm quốc tế
MTXD - Khác với khu phía Tây, khu phía Đông, đặc biệt là quận Long Biên hội tụ đầy đủ lợi thế để trở thành một trung tâm đô thị phát triển bền vững, đảm bảo cả yếu tố kinh tế, văn hóa và cảnh quan thiên nhiên. Khu vực ven sông Hồng được định hướng phát triển thành hành lang xanh trung tâm của thủ đô theo Quyết định số 700/QĐ-TTg ngày 16/6/2023 và đoạn sông Hồng chảy qua địa bàn quận Long Biên sẽ trở thành trung tâm của không gian xanh này. Chính vì vị trí quan trọng, kết hợp với những yếu tố đặc trưng về địa hình, thủy văn và cả về dân cư, văn hóa – xã hội nơi đây, thì cần phải có những giải pháp thiết kế phù hợp để đảm bảo cho sự phát triển tổng thể của quận Long Biên nói riêng và của toàn TP Hà Nội nói chung.
Những giải pháp thiết kế thuận theo tự nhiên
Thiết kế dựa theo thiên nhiên (NBS)
Các giải pháp dựa vào thiên nhiên đề cập đến một loạt hành động hoặc chính sách khai thác sức mạnh của thiên nhiên để giải quyết một số thách thức xã hội cấp bách nhất của chúng ta, chẳng hạn như các mối đe dọa đối với an ninh nguồn nước, nguy cơ thiên tai gia tăng hoặc biến đổi khí hậu.
Những giải pháp này liên quan đến việc bảo vệ, khôi phục và quản lý bền vững các hệ sinh thái theo cách tăng khả năng phục hồi và khả năng giải quyết những thách thức xã hội đó, đồng thời bảo vệ đa dạng sinh học và cải thiện phúc lợi của con người.
Thiết kế nhậy cảm với nước
Thiết kế đô thị nhạy cảm về nước (WSUD) tích hợp việc quản lý chu trình nước với môi trường xây dựng thông qua quy hoạch và thiết kế đô thị. Đây là một khái niệm về quy hoạch đô thị dài hạn mang tính thích nghi dựa trên hệ sinh thái và mô phỏng sự cân bằng của nước trong tự nhiên.
Nó có thể tăng cường những giá trị đáng sống cho cư dân đô thị và cải thiện sự đa dạng sinh học ở đô thị. Các công cụ WSUD bao gồm thiết kế kênh dẫn nước sinh thái, đầm thủy sinh, thảm lọc nước sinh thái hoặc các hồ điều tiết, mái nhà xanh, mặt lát (đường, vỉa hè,..v..v..) thấm nước , giếng thấm nước và các thảm lọc sinh thái tuần hoàn.
Khái niệm và các công cụ của WSUD đủ linh hoạt để đưa vào trong các loại hình cảnh quan đô thị khác nhau. Những không gian mở lớn với các dòng nước, một công trình xây dựng, nơi tụ họp của người dân và các cảnh quan cứng (bãi đỗ xe và đường sá) là những giải pháp ứng dụng điển hình. Trong bất kỳ trường hợp nào, cảnh quan mềm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ, xử lý và vận chuyển nước phục vụ nhiều mục đích khác nhau: giảm thiểu ngập lụt, thu nước bề mặt và tái sử dụng, giảm nhiệt độ, và phục vụ hoạt động giải trí với giá trị gia tăng về mặt sinh thái.
Đặc điểm đoạn sông Hồng chạy qua quận Long Biên
Về lịch sử
Từ thời Pháp thuộc, khu vực quận Long Biên nằm sát sông Hồng và con đường thiên lý Bắc – Nam còn được biết đến với tên gọi Gia Lâm phố. Nhận thấy đây là một tiền đồn có tầm quan trọng nhất định trong việc bảo vệ thành phố Hà Nội thuộc Pháp, chính quyền thực dân đã cho xây dựng cầu Doumer (ngày nay là cầu Long Biên), phi trường Gia Lâm, đường thuộc địa số 5 (ngày nay là quốc lộ 5) đến Hải Phòng, cũng như củng cố đường thuộc địa số 1 nhằm đảm bảo liên lạc giữa Hà Nội và các tỉnh tả ngạn sông Hồng.
Về vị trí địa lý
Quận Long Biên có vị trí đặc biệt nằm giữa sông Hồng và sông Đuống, có 3 mặt giáp với bờ sông. Đoạn sông Hồng chảy qua kết nối trực tiếp với trung tâm Hà Nội. Đây cũng là nơi có lợi thế rất lớn về cảnh quan thiên nhiên khi sở hữu hai dòng sông là sông Hồng và sông Đuống. Sông Hồng và sông Đuống không chỉ là điểm cộng về cảnh quan cho vùng đất này, mà còn là dòng sông quan trọng của nền văn hóa lúa nước Việt Nam.
Nếu so sánh về vị trí địa lý, Long Biên cũng vô cùng thuận tiện khi đây là nơi có vị trí gần phố cổ nhất trong tất cả các quận ngoại thành. Long Biên chỉ cách phố cổ Hà Nội khoảng 1km, lại rất gần các khu công nghiệp lớn nhất của phía Bắc: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh
Về định hướng phát triển
Hà Nội công bố kế hoạch lập Quy hoạch giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2030 theo Luật Quy hoạch 2017, theo đồ án quy hoạch, quận Long Biên phát triển đô thị dựa vào cảnh quan thiên nhiên hiện có, kết nối khu vực hành lang xanh giữa sông Hồng và sông Đuống. Khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn. Theo quy hoạch, khu vực ven sông Hồng đoạn qua Hà Nội sẽ là nơi ở của 97.000 hộ dân trong tương lai. Khu vực bãi giữa sông Hồng thuộc đại phận quận Long Biên đang được định hướng để phát triển thành công viên, nằm trong tổng thể quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
Về kiến trúc cảnh quan
Khu vực bãi bồi, bãi giữa Sông Hồng đoạn chảy qua quận Long Biên có đặc điểm sinh học đa dạng, tạo nên một cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Một thuộc tính quan trọng của khu vực này là sự chuyển tiếp giữa không gian thiên nhiên, mặt nước cây xanh tự nhiên và không gian đô thị, giữa không gian đóng và không gian mở, giữa hệ sinh thái trên cạn và hệ sinh thái mặt nước. Bãi bồi, bãi giữa ven sông biến đổi tùy theo chu kỳ mực nước dâng.
Tổng diện tích đất tự nhiên ở các khu vực bãi sông của TP là hơn 39.756 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 20.081 ha (chiếm 50,51%), diện tích các khu dân cư hiện có là 4.557 ha (chiếm 11,46%), còn lại là đất tự nhiên. Tại khu vực bãi giữa sông Hồng tren địa bàn quận Long Biên, mặc dù là các khu vực bãi sông song mật độ dân cư tập trung khá cao, lên tới 1600 người/km². Tình trạng xâm lấn đất tự nhiên chuyển hóa dần thành các khu ở bất quy tắc đang diễn ra tại các khu dân cư ven sông.
Về đặc điểm địa chất, thủy văn
Đối với khu vực ven sông, chủ yếu là mực nước lên xuống thất thường khiến các dải thực vật bị khô hạn vào mùa cạn và ngập lụt vào mùa mưa. Tác động của sự biến đổi thất thường của mực nước sông không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hệ động thực vật, sự mất cân bằng sinh thái thiên nhiên, mà còn ảnh hưởng tời các hoạt động sản xuất nông nghiệp của cư dân ven sông.
Điều kiện nóng khô và cạn nước sẽ chỉ một số loài cây dại sống được. Khi nước ngập vào mùa lũ, chỉ một số loài cây thích nghi sống trong nước ngập. Một số cây cao tạo nên những điểm nhấn của không gian mặt nước. Trong mùa nước, hoạt động sản xuất và đi lại của cư dân ven sông gặp nhiều khó khăn. Những sinh hoạt vui chơi giải trí bị ngừng trệ. Tất cả đặt ra những bài toán đầy thách thức cho việc cải tạo cảnh quan bãi bồi bãi nổi ven sông tại khu vực quận Long Biên. Câu hỏi được đặt ra là:
- Làm thế nào chúng ta có thể khai thác cảnh quan thiên nhiên ven sông một cách hữu hiệu mà vẫn có thể đảm bảo thực hiện các mục tiêu về bảo vệ hệ sinh thái thiên nhiên kết hợp các hoạt động kinh tế du lịch?
- Bằng cách nào để có thể kết nối cộng sinh mối quan hệ giữa không gian tự nhiên ven sông với không gian đô thị phía trong như một không gian mở hướng từ nhà phố ra công viên sông?
- Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, việc thiết kế kiến trúc, cảnh quan cần phải được giải quyết như thế nào để có thể đáp ứng các nhu cầu rất khác nhau của hai mùa khô và mùa nước
Những kinh nghiệm quốc tế tại Việt Nam và trên thế giới ứng dụng các giải pháp thiết kế thuận theo tự nhiên.
Trên thế giới
Công viên Bishan-Ang Mo Kio, Singapore
Các giải pháp NBS đòi hỏi phải bước ra ngoài vùng an toàn, thử các giải pháp thay thế sáng tạo và kết hợp chặt chẽ giữa nhiều công đoạn. Quá trình này đầy thách thức nhưng không hoàn toàn bất khả thi, như chúng ta có thể thấy ở Công viên Bishan-Ang Mo Kio ở Singapore.
Một vài thập kỷ trước, TP đã quyết định phân luồng sông Kallang tạo ra một con kênh bằng bê tông và đi kèm là hệ thống ngăn cách làm ranh giới phân chia rõ ràng giữa công viên và cộng đồng dân cư. Khi con kênh bê tông này cần được nâng cấp, thay vì bảo trì con kênh như thiết kế ban đầu, cơ quan cấp nước quốc gia của Singapore đã quyết định tự nhiên hóa dòng sông bằng cách khôi phục lại lòng sông và vùng ngập nước như trước. Kênh thoát nước bê tông thẳng 2,7km đã bị phá bỏ và biến thành một con sông tự nhiên uốn khúc dài 3,2km.
Kết quả là một dự án cơ sở hạ tầng xanh – xanh (nước và thực vật) giúp ngăn lũ và cải thiện chất lượng nước, giúp con kênh phát huy tối ưu vai trò tự nhiên. Đồng thời, việc kết hợp vật liệu tự nhiên, kỹ thuật xây dựng dân dụng và thảm thực vật có thể lọc và hấp thụ nước giúp ổn định bờ sông và chống xói mòn hiệu quả.
ĐH Quốc gia Singapore đã thực hiện một phân tích về sự tương quan giữa chi phí và lợi ích của công viên. Báo cáo cho thấy, việc xây dựng lại kênh bê tông sẽ tiêu tốn khoảng 94 triệu USD (133 triệu SGD). Mặt khác, việc phá bỏ kênh bê tông và phát triển dòng sông tự nhiên chỉ tốn chưa đến 50 triệu USD (70 triệu SGD), có thể tiếp tục góp phần mở rộng và kết nối các khu vực công viên thiên nhiên với thành phố.
Nói cách khác, bên cạnh tất cả những lợi ích về môi trường từ việc cải thiện hệ sinh thái và môi trường sống của con người, phương pháp NBS này còn giúp tiết kiệm tài chính đáng kể so với mức chi phí của các giải pháp truyền thống, đồng thời đem lại những kết quả tốt hơn nhiều.
Đồng thời tại đây cũng đã áp dụng những biện pháp thiết kế nhạy cảm với nước một cách hiệu quả khi sử dụng kè mềm tiếp xúc mặt nước đồng thời tăng tối đa khả năng tiếp cận mặt nước của người sử dụng. Kết quả đạt được đã bảo vệ hệ thống sông ngòi đô thị và nâng cao giá trị giải trí của khu vực
Công viên đầm lầy Qunli, Trung Quốc
Chiến lược của dự án này có 4 điểm quan trọng. Thứ nhất, phần trung tâm của vùng đầm lầy hiện tại được giữ nguyên, phát triển và biến đổi một cách tự nhiên. Chiến lược thứ hai là tạo ra một vòng các ao và gò bao quanh vùng đầm lầy cũ bằng cách sử dụng những kỹ thuật chia và lấp đất đơn giản, tạo ra một vùng đệm cho lõi của vùng đầm lầy. Thứ ba, thiết lập một mạng lưới đường đi và hạ tầng trên mặt đất, cho phép du khách trải nghiệm đi bộ xuyên qua một khu rừng vùng đầm lầy. Và cuối cùng là tạo ra các lối đi bộ trên cao để tham quan toàn bộ công viên.
Giải pháp “thuận theo tự nhiên” này đã biến vùng đất ngập nước thành một công viên đa chức năng – thu thập, lọc, lưu trữ nước mưa và thấm vào tầng nước ngầm, trong khi vẫn hoạt động hiệu quả để giúp nâng cao đời sống người dân, mang đến những trải nghiệm giải trí và giá trị thẩm mỹ cho TP. Công viên đã góp phần to lớn vào sự tồn tại của môi trường tự nhiên, đồng thời đóng vai trò là cơ sở hạ tầng xanh thoát nước hiệu quả cho khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ lụt từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm.
Tại Việt Nam
Dự án quy hoạch hai bờ sông Vinh của ADB
Dự án được trải dài trên phạm vi 7 phường trung tâm của TP Vinh và 4 khu vực phát triển của thành phố: Cửa Tiền, Long Châu, Vĩnh Tân, Đại Thanh. Dự án với mục tiêu chính:
- Cải thiện dòng chảy tại TP Vinh về hiệu quả môi trường, sinh thái và chức năng liên quan đến không gian công cộng đô thị, góp phần tái tạo hệ thống kênh và bờ sông, coi đây là mô hình để áp dụng với các thành phố khác tại Việt Nam;
- Cho phép tiếp cận bền vững để cải tạo dòng chảy, quy hoạch sử dụng đất và thiết kế không gian công cộng quanh dòng sông trong khu vực đô thị hiện hữu của TP Vinh;
- Tác động đến hệ thống quy hoạch trong tương lai và phục hồi hệ thống hạ tầng ở khu vực tăng trưởng phía Đông TP Vinh;
- Thể hiện cách tiếp cận thực tiễn tốt nhất cho quy hoạch hành lang sông Vinh và hồ điều hòa Hưng Hòa 2 trong TP Vinh.
Về chiến lược phát triển tổng thể
- Phối hợp giữa quy hoạch tổng thể 1:10.000 và 1:2.000;
- Xác định tầm quan trọng của vùng đệm mềm quanh mặt nước và vùng lưu vực (tối thiểu 200m);
- Mặt nước và môi trường xung quanh cần gắn liền như một hệ sinh thái và kết hợp cảnh quan xanh cho cộng đồng;
- Sử dụng Phương pháp lên bộ khung ý tưởng tổng thể thay vì lên kế hoạch chi tiết cho tổng mặt bằng.
Các giải pháp thiết kế cụ thể được áp dụng:
- Phủ xanh mặt nước: Tạo môi trường sống và hệ sinh thái lành mạnh hơn: Sử dụng cảnh quan kề mềm – trồng cây ven mặt nước;
- Làm chậm dòng chảy trên đất liền và làm sạch nước trước khi đổ vào sông: Sử dụng rãnh thấm – rãnh thoát nước hở;
- Tạo sự tương tác giữa con người với mặt nước: Người đi bộ có thể tiếp cận mặt nước thông qua bậc thang, sàn nổi, mép bờ kè;
- An toàn, tiện nghi và hấp dẫn: Sử dụng cảnh quan làm rào chắn (không phải lan can, rào chắn cứng);
- Quản lý ô nhiễm, rác thải và các tác động khác: Bẫy chất ô nhiễm, lồng thu rác trên mặt nước, trầm tích.
Quan điểm và nguyên tắc thiết kế kiển trúc cảnh quan bờ sông Hồng tại quận Long Biên thuận theo tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quan điểm
Từ những phân tích về đặc điểm của khu vực ven sông Hồng đoạn chảy qua quận Long Biên, kết hợp với những phân tích kinh nghiệm ứng xử trên thế giới và tại Việt Nam, có thể thấy dòng sông là cội nguồn tạo ra đô thị. Ở chiều ngược lại, đô thị cũng mang lại cho dòng sông một diện mạo văn hóa khác biệt. Do vậy, đối với khu vực này cần quan tâm ba yếu tố. Thứ nhất là liên kết yếu tố thiên nhiên từ sông vào sâu trong đô thị. Thứ hai là tự nhiên hóa ranh giới giữa dòng sông và phần xây dựng đô thị. Thứ ba là kiến trúc đô thị hai bên (hình thái, cấu trúc, mật độ, độ cao) phụ thuộc vào từng con sông (sông nhỏ hay lớn, hiền hay dữ, có đê hay không,).Ba vấn đề này cần theo triết lý chủ đạo: trên quan điểm tôn trọng nước để dòng sông là của cộng đồng, là không gian mở để người dân dễ dàng tiếp cận và kết nối thân thiện. Triết lý này có thể hiểu là cách ứng xử hài hòa giữa Đô thị (đất) và Sông (nước).
Nguyên tắc thiết kế
Từ các quan điểm nêu trên, đề xuất 3 nguyên tác thiết kế chủ đạo:
- Hạn chế tối đa bê tông và cao tầng hóa: Về mật độ xây dựng, cần thận trọng “cao tầng hóa” bám theo sông, nên tổ chức thành từng cụm cách xa nhau để có khoảng hở cho thiên nhiên đi sâu vào bên trong, tạo độ thông thoáng tránh tạo thành một bức tường bê-tông phản cảm;
- Quy hoạch cảnh quan sẽ thích ứng với cả mùa lụt và mùa không lụt: Quy hoạch cảnh quan khu vực phục vụ cho cộng đồng trong đó cần khai thác tối ưu cảnh quan môi trường tự nhiên trong các thời điểm, kịch bản khác nhau nhưng vẫn đạt được nhu cầu tiện ích sử dụng cao;
- Kiến trúc thích ứng, lắp ghép, linh hoạt, nhiều hình thức: Kiến trúc cảnh quan thích ứng nghĩa là thời tiết thay đổi thì cảnh quan cũng thay đổi thích ứng.
TS. KTS. Nguyễn Việt Huy
Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây Dựng Hà Nội
THS. KTS. Đỗ Đình Trọng
Công ty cổ phấn tư vấn thiết kế ADA và cộng sự
(Nguồn Tạp chí Kiến trúc số 09-2023)
Tài liệu tham khảo
- Ngân hàng phát triển Châu Á ADB (2019). Giải pháp thiên nhiên cho các đô thị tại Việt Nam;
- Nature based solutions initiative (2020). NBS guidline;
- Doãn Minh Thu (2022). Thiết kế cảnh quan khu vực bãi giữa sông Hồng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.