Thông qua Nghị quyết về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô
MTXD - Sáng 8/12, Kỳ họp thứ 14, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Đồ án sẽ được xin ý kiến Bộ Xây dựng trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo báo cáo thẩm tra của Ban đô thị HĐND Thành phố Hà Nội, nội dung Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được nghiên cứu, các đề xuất có tính khoa học và thực tiễn, cơ bản đảm bảo phù hợp nội dung theo Quyết định số 700/QĐ-TTg ngày 16/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Về điểm mới trong Đồ án, UBND Thành phố cho biết, Đồ án có đề xuất mô hình thành phố trong Thủ đô, cụ thể là áp dụng mô hình “Thành phố trong Thủ đô” để tạo các cơ chế chính sách đặc thù vượt trội cho khu vực phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai), phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và dự kiến phía Nam (Phú Xuyên, Ứng Hòa), để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các khu chức năng về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ; logicstics; thương mại quốc tế; tài chính... hình thành các động lực, trung tâm phát triển mới của Thủ đô Hà Nội.
Theo từng giai đoạn phát triển, quy định về tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ thành lập các đơn vị hành chính cấp đô thị như Thành phố, quận để có bộ máy quản lý hành chính phù hợp với yêu cầu phát triển. Đối với Sân bay thứ 2 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam: Dự trữ không gian, hạ tầng để phát triển sân bay thứ 2 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại phía Nam là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô, vùng Thủ đô và quốc gia hướng tới phát triển cao, kết nối quốc tế.
Mô hình phát triển đô thị của Hà Nội là chùm đô thị, đa cực, đa trung tâm, gồm: Đô thị trung tâm gồm Đô thị phía Nam sông Hồng; đô thị Long Biên, Gia Lâm; thành phố phía Bắc thuộc Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn. Thành phố phía Tây gồm Đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Xuân Mai, các Đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên; thị trấn sinh thái và thị trấn. Hệ thống đô thị, phân cách bằng hành lang xanh, liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai, hướng tâm. Khu đại học quốc gia rộng 1.000ha ở Hòa Lạc với định hướng phát triển các khu nghiên cứu, đào tạo gồm: Khu đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc, huyện Thạch Thất có quy mô khoảng 1.000ha. Định hướng là trung tâm đầu não về khoa học kỹ thuật công nghệ cao, trung tâm đào tạo, giáo dục chất lượng cao, xã hội và nhân văn.
Theo Đồ án, thành phố phía Bắc sẽ gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn với tổng diện tích khoảng 633km2. Trong đó, đất xây dựng đô thị khoảng 385km2, khu vực ngoại thị khoảng 248km2 với 45 phường và 24 xã.
Thành phố phía Bắc Hà Nội sẽ là đô thị hiện đại, thông minh, năng động, khai thác phát huy tối đa tiềm năng của sân bay Nội Bài, vị trí giao thoa giữa trục kinh tế Đông - Tây và Bắc Nam của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đồng thời, đây là thành phố xanh - sạch - thông minh, làm đối trọng và bổ trợ cho đô thị trung tâm kết nối thông qua không gian trục cảnh quan sông Hồng.
Ngoài ra, với ý tưởng xây dựng động lực cho một thành phố vì hòa bình, kết nối toàn cầu, thành phố phía Bắc sông Hồng sẽ là trung tâm đối thoại, hợp tác quốc tế tầm cỡ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Khi đó, sẽ hình thành các trung tâm cầu nối đa quốc gia, trung tâm đối thoại quốc tế, phát triển mô hình kinh tế MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện) tận dụng tài nguyên, cảnh quan thiên nhiên rừng Sóc Sơn. Đồng thời, Hà Nội xây dựng thành phố phía Bắc là trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học 4.0; là trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghiệp văn hóa, trung tâm thu hút tài năng trẻ, khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa nhằm có thể xuất khẩu văn hóa đến năm 2045.
Thành phố phía Bắc cũng sẽ phát triển trung tâm logistics có quy mô lớn tại miền Bắc, trung tâm đầu mối giao thương quốc tế, phát triển cảng cạn ICD, thúc đẩy hạ tầng xuất nhập khẩu, trung tâm thương mại miễn thuế, outlet lớn tại khu vực.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ nghiên cứu phát triển các trung tâm giải trí và thương mại giải trí, kinh doanh, kinh tế đêm, cùng hệ thống sân golf sẽ hình thành chuỗi tổ hợp vui chơi giải trí, văn hóa, thể dục thể thao tầm cỡ quốc tế.
Theo Huy Trung - baoxaydung.com.vn
(https://baoxaydung.com.vn/thong-qua-nghi-quyet-ve-do-an-dieu-chinh-quy-hoach-chung-thu-do-366126.html)
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.