Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành và khởi công 2 dự án giao thông tại Hưng Yên
MTXD - Sáng 7-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Lễ khánh thành tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Lễ khởi công dự án đường Tân Phúc - Võng Phan tại Hưng Yên.
Cùng dự có: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ; Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương và tỉnh Hưng Yên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng thông xe dự án đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: VGP
Tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn qua tỉnh Hưng Yên có chiều dài toàn tuyến 23,8 km với tốc độ thiết kế 80km/h. Điểm đầu của tuyến đường này là nút giao Yên Mỹ (cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) và điểm cuối là nút giao Phương Chiểu (cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình). Tổng vốn đầu tư của dự án là trên 1.770 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư công. Tuyến đường có mặt cắt thông thường từ 21,5 đến 22,5m, vận tốc xe 80km/giờ.
Dự án có 2 giai đoạn, khởi công từ tháng 8/2011 đến nay đã tiến hành thông xe. Việc kết nối 2 cao tốc này được kì vọng giúp nâng cao khả năng khai thác của 2 tuyến cao tốc, làm giảm áp lực giao thông cho Thủ đô Hà Nội, tăng cường thu hút đầu tư khu công nghiệp công nghệ cao, tăng thu ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khánh thành dự án đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: VGP
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng khi tuyến đường được khánh thành, đi vào khai thác; nhấn mạnh Hưng Yên có vị trí đặc biệt với nhiều địa danh gần Hà Nội. Trước đây do thiếu kết nối giao thông nên tuy gần, song Hưng Yên vẫn “xa” Hà Nội. Nhiều năm trước Thủ tướng từng góp ý Hưng Yên phải phát triển hệ thống giao thông kết nối với Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong vùng cùng cả nước, quốc tế để từ đó phát triển giàu mạnh lên.
Theo Thủ tướng, việc xây dựng tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình không chỉ thực hiện hiệu quả 1 trong 3 đột phá chiến lược mà Đảng, Nhà nước đã xác định, mà thể hiện sự đổi mới tư duy, tầm nhìn chiến lược của Hưng Yên. Tuyến đường có vai trò kết nối, rút ngắn khoảng cách giữa Hưng Yên với Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước; tạo không gian phát triển mới với các khu công nghiệp, dịch vụ, công nghiệp mới; giảm chi phí logistic cho doanh nghiệp, góp phần phát triển nhanh, bền vững.
Cảm ơn nhân dân đã nhường đất cho dự án và hoan nghênh, biểu dương các lực lương thi công đã rút ngắn tiến độ 8 tháng so với dự kiến, Thủ tướng chỉ rõ, kết quả này một phần do Hưng Yên đã giải phóng mặt bằng nhanh; nhà thầu tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “vượt nắng, thắng mưa”.
Khánh thành tuyến đường mới là bước một, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hưng Yên và các bộ, ngành, đơn vị tổ chức khai thác tuyến đường an toàn, hiệu quả; thường xuyên duy tu, bảo dưỡng duy trì hoạt động tốt của tuyến đường; hoàn thiện các nút giao, khai thác không gian phát triển mới do tuyến đường tạo ra; thu hút nhà đầu tư mới, đồng thời nghiên cứu nâng cấp tuyến đường lên thành đường bộ cao tốc, hoàn thành vào cuối năm 2025, góp phần phục vụ vận tải, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên và cả vùng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu khởi công dự án đường Tân Phúc - Võng Phan. Ảnh: VGP
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khởi công và tặng quà lực lượng thi công Tuyến đường Tân Phúc - Võng Phan có tổng chiều dài 29,2km, mức đầu tư 2.986,8 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương.
Tuyến đường đi qua 14 xã thuộc 3 huyện Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ, được xem là "trục xương sống" thứ 3 của tỉnh này sau tuyến Quốc lộ 39 và đường nối 2 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình. Thời gian thi công là 720 ngày.
Đường Tân Phúc - Võng Phan sẽ cắt qua đường nối Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội trên địa phận tỉnh Thái Bình với Quốc lộ 38B và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, giao cắt với Quốc lộ 38, với tuyến tránh Quốc lộ 38B và nối vào đường tỉnh 378.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, xây dựng tuyến đường Tân Phúc - Võng Phan là lựa chọn chiến lược của Hưng Yên, góp phần phá thế độc đạo cho 3 huyện nghèo nhất của tỉnh là Ân Thi, Tiên Lữ và Phù Cừ. Khi tuyến đường đi vào khai thác sẽ kết nối kinh tế các huyện này với các huyện trong tỉnh, vùng và cả nước; tạo không gian phát triển mới. Các huyện Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ dù đi sau sẽ về trước để cùng Hưng Yên, các tỉnh trong khu vực và cả nước phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng mong muốn, nhân dân, doanh nghiệp chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền các cấp của Hưng Yên tiếp tục giữ khí thế đổi mới, tạo đột phá trong phát triển hạ tầng chiến lược, với phương châm công trình sau tốt hơn công trình trước, phát triển quý sau cao hơn quý trước, năm sau cao hơn năm trước, vì sự phát triển của Hưng Yên và vì chính sự phát triển của doanh nghiệp, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên phát biểu
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa, thay mặt nhân dân, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cảm ơn sự chỉ đạo sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương trong việc triển khai dự án.
“Dự án này có vai trò quan trọng trong việc phát triển hạ tầng cũng như kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh Hưng Yên nghiêm túc thực hiện ý kiến của Thủ tướng, phối hợp với nhà thầu sẽ nâng cấp tuyến đường thành đường cao tốc, dưa dự án vào khai thác một cách tối ưu nhất. Từ đó, tạo điều kiện cho các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp được triển khai bài bản, góp phần thu hút các nhà đầu tư đến với Hưng Yên sản xuất, kinh doanh”, ông Nghĩa khẳng định.
Thủ tướng tới thăm Nhà máy Nippon Mektron của Công ty TNHH Mektec Manufacturing Việt Nam. Ảnh: VGP
Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã thăm Khu công nghiệp Thăng Long – được cho là khu công nghiệp lớn và hiện đại nhất của Hưng Yên hiện nay. Đến năm 2023, diện tích cho thuê của Khu công nghiệp Thăng Long II đạt gần 300ha; đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 70%.
Thu Thủy
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.