Tích hợp văn hóa trong quy hoạch đô thị - Kinh nghiệm quốc tế và gợi mở cho Hà Nội

​MTXD - Trong suốt chiều dài lịch sử, trên khắp thế giới, các nhà quy hoạch đã sử dụng văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo (VHNTST) như những công cụ đem lại sinh khí và diện mạo mới cho các đô thị. Ngày nay, các nhà quy hoạch càng nhìn nhận và đánh giá cao những tiềm năng đa dạng của VHNTST đối với các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường trong đời sống cộng đồng.

MTXD - Trong suốt chiều dài lịch sử, trên khắp thế giới, các nhà quy hoạch đã sử dụng văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo (VHNTST) như những công cụ đem lại sinh khí và diện mạo mới cho các đô thị. Ngày nay, các nhà quy hoạch càng nhìn nhận và đánh giá cao những tiềm năng đa dạng của VHNTST đối với các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường trong đời sống cộng đồng.

PGS.TS Phạm Bích Huyền tham luận tại Hội thảo Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

1. Vai trò của văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo trong quy hoạch đô thị

Văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo  

Khu vực văn hóa và nghệ thuật không ngừng phát triển và biến đổi. Giữa các địa phương và cộng đồng có thể có những cách hiểu và đánh giá về văn hóa, nghệ thuật khác nhau.

Theo Hiệp hội Quy hoạch Hoa Kỳ, quan điểm hiện đại nhìn nhận lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật bao gồm nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thị giác, mỹ thuật cũng như các loại hình nghệ thuật ứng dụng như kiến trúc và thiết kế đồ họa, thủ công, điện ảnh, phương tiện truyền thông kỹ thuật số và video, văn học, văn hóa dân gian; bảo tồn các giá trị lịch sử, nhân văn và các hoạt động sáng tạo khác.

Có quan niệm coi cốt lõi của văn hóa là nghệ thuật, nhưng nhìn một cách tổng thể, văn hóa thường được hiểu “là các niềm tin, giá trị và những thực hành mang tính phi vật thể được chia sẻ bởi một cộng đồng”. “Sáng tạo” thường được sử dụng để mô tả những thành tố chung của văn hóa và nghệ thuật, tuy nhiên, khái niệm này cũng được sử dụng trong các lĩnh vực khác.

Cơ quan Thống kê về Lao động Hoa Kỳ định nghĩa sáng tạo: “bao hàm sự phát triển, kiến thiết hoặc tạo ra những ứng dụng, ý tưởng, mối quan hệ, hệ thống hoặc sản phẩm mới, bao gồm các đóng góp nghệ thuật” (1).

Để giúp các nhà quy hoạch đô thị có được cái nhìn toàn diện về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, từ đó có thể vận dụng các chiến lược của lĩnh vực này nhằm đảm bảo thông tin và nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, Hiệp hội Quy hoạch Hoa Kỳ đã đưa ra một khung phân tích VHNTST theo 4 phương diện chính: mức độ chuyên nghiệp, loại sản phẩm - hoạt động, địa điểm - không gian và mức độ tham gia, gắn kết.

Cụ thể, về mức độ chuyên nghiệp, khu vực nghệ thuật chính thống hoặc chuyên nghiệp gồm những nghệ sĩ chuyên nghiệp trong các tổ chức văn hóa, nghệ thuật; trong khi khu vực nghệ thuật phi chính thống hoặc nghiệp dư bao gồm nhiều hoạt động đa dạng của cộng đồng và cá nhân.

Về loại sản phẩm - hoạt động văn hóa, nghệ thuật, có những sản phẩm mang tính vật thể rõ nét như các công trình điêu khắc, kiến trúc, tượng đài và những hoạt động mang tính phi vật thể đậm nét như các chương trình biểu diễn nghệ thuật, hòa nhạc, văn hóa dân gian truyền miệng...

Về địa điểm và không gian - nơi diễn ra các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, có thể bao gồm các địa điểm chuyên nghiệp như nhà hát, nhà thi đấu, bảo tàng, phòng tranh và các địa điểm ít tính chính thống hơn như các trung tâm giải trí, sinh hoạt cộng đồng, doanh nghiệp, thư viện, câu lạc bộ, công viên, nhà trường...

Về mức độ gắn kết, mọi người tham gia vào lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật với nhiều trình độ kỹ năng, mức độ tham dự và vai trò khác nhau, có những nhóm người sáng tạo, nhóm thụ hưởng, có những nhà tài trợ, nhà phê bình...(2)

Trong những thập kỷ gần đây, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ trong khu vực VHNTST đã dẫn đến sự phát triển vượt bậc của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo - “những lĩnh vực hoạt động có tổ chức với mục tiêu chính là sản xuất hoặc tái sản xuất, quảng bá, phân phối hoặc thương mại hóa các hàng hóa, dịch vụ và hoạt động có nội dung bắt nguồn từ văn hóa, nghệ thuật hoặc di sản” (3). Các ngành này trở thành lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia và là bộ phận quan trọng của nền kinh tế sáng tạo trên quy mô toàn cầu.

Tất cả những sản phẩm, hoạt động và các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo nói trên đã tạo nên vốn văn hóa, tài sản văn hóa của cộng đồng. Nguồn lực này đặc biệt cần thiết cho sức sống và sức phát triển của đời sống kinh tế - chính trị - xã hội, cho bản sắc của địa phương và cảm nhận về địa phương.

Vai trò của VHNTST trong quy hoạch đô thị

Trong suốt chiều dài lịch sử, trên khắp thế giới, các nhà quy hoạch đã sử dụng VHNTST như những công cụ đem lại sinh khí và diện mạo mới cho các đô thị. Ngày nay, các nhà quy hoạch càng nhìn nhận và đánh giá cao những tiềm năng đa dạng của VHNTST đối với các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường trong đời sống cộng đồng.

VHNTST cung cấp phương tiện để bảo vệ, bảo tồn, tôn vinh, thách thức và sáng tạo nên bản sắc cộng đồng; khuyến khích sự tham dự vào đời sống dân sự; trao đổi thông tin, giáo dục và học hỏi từ các đối tượng khác nhau; truyền thông vượt qua những giới hạn giữa các nhóm có đặc điểm nhân khẩu học và điều kiện kinh tế - xã hội khác biệt.

Các hoạt động VHNTST có thể được sử dụng để tăng cường sự tham dự của người dân trong các hoạt động quy hoạch như: thiết lập các tầm nhìn và mục tiêu dài hạn của cộng đồng; xây dựng quy hoạch; đánh giá, phản biện các dự án phát triển, dự án về hạ tầng; hỗ trợ phát triển kinh tế, cải thiện môi trường; khuyến khích ý thức tự quản địa phương; củng cố, tăng cường an ninh công cộng; bảo vệ các di sản văn hóa, chuyển tải, lan tỏa các giá trị văn hóa và lịch sử; kết nối những khác biệt về văn hóa, dân tộc và chủng tộc; kiến tạo bộ nhớ và bản sắc của các nhóm (4).

Cụ thể, VHNTST có thể đóng góp cho:

Di sản và văn hóa cộng đồng: Biểu hiện của một cộng đồng lành mạnh là khả năng khuyến khích hoạt động bảo vệ và sáng tạo văn hóa của nó - nghĩa là bảo tồn di sản và lịch sử của cộng đồng, đồng thời phát triển các biểu đạt văn hóa đương đại.

Hoạt động của các nghệ sĩ, nhà sử học, nhà văn hóa dân gian, nhà nghiên cứu dân tộc học cùng các chuyên gia quy hoạch và lãnh đạo cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn lịch sử và di sản của địa phương cũng như giảm bớt tình trạng xung đột, khuyến khích sự tôn trọng trong việc thay đổi không gian và cảnh quan văn hóa (5).

Bản sắc cộng đồng và cảm nhận về nơi chốn: Các chiến lược VHNTST giúp cho việc thể hiện và nâng cao bản sắc - những ý nghĩa, giá trị và đặc điểm độc đáo, duy nhất, thể hiện dưới các hình thức vật thể và phi vật thể của một cộng đồng.

Các chuyên gia quy hoạch có thể tối ưu hóa vốn văn hóa, sự đa dạng và độc đáo của cộng đồng, tôn vinh và phát huy bản sắc đặc trưng của cộng đồng trong thiết kế và quy hoạch đô thị.

Điều này đòi hỏi phải cân nhắc các mối quan tâm của cộng đồng trong quá trình ra quyết định, sự tích hợp các nguồn lực VHNTST trong một khung phát triển tổng thể và việc cân bằng bản chất cố hữu và xung đột của các giá trị xã hội quá khứ, hiện tại và tương lai (6).

Gắn kết cộng đồng: Gắn kết cộng đồng là quá trình xây dựng mối quan hệ, trong đó khuyến khích việc tìm hiểu và hành động, bày tỏ, thể hiện các ý kiến, quan điểm của các thành viên cộng đồng về các vấn đề của địa phương.

Tăng cường gắn kết cộng đồng sẽ nâng cao mức độ cam kết của cộng đồng và mở ra nhiều triển vọng cho những người ra quyết định quy hoạch. Các nhà hoạch định khuyến khích gắn kết cộng đồng thông qua nhiều công cụ truyền thống như các cuộc điều tra dư luận xã hội, hội thảo về tầm nhìn, lập kế hoạch dựa trên nguồn lực, gặp gỡ và trưng cầu ý kiến công chúng.

Ngày nay, những công cụ sáng tạo được tăng cường sử dụng để thúc đẩy gắn kết cộng đồng với các hoạt động và mục tiêu quy hoạch đô thị. Việc sử dụng các công cụ VHNTST như các hoạt động nghệ thuật thị giác, kể chuyện, festival, trưng bày, triển lãm, nhảy múa và diễn thuyết, nhiếp ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, những ứng dụng trên web... có thể mang lại hiệu quả thiết thực cho cơ chế tiếp cận - lĩnh hội - phản hồi trong quá trình phát triển các mối quan hệ với cộng đồng (7).

Sức sống của nền kinh tế: Các nhà quản lý và quy hoạch đô thị ngày càng nhận rõ mối liên kết chặt chẽ giữa các hoạt động VHNTST với cơ hội phát triển kinh tế địa phương.

Mật độ cao của các doanh nghiệp văn hóa, sáng tạo và nguồn nhân lực sáng tạo ở một địa phương có thể mang lại lợi thế cạnh tranh thông qua việc nâng cao chất lượng sống của cư dân, cải thiện năng lực hấp hẫn, thu hút các hoạt động đầu tư, hợp tác sản xuất, phát triển kinh tế và tạo ra bầu không khí khuyến khích đổi mới sáng tạo.

VHNTST phát triển là tiền đề quan trọng cho một thành phố hoặc địa phương trong tuyển dụng và giữ chân lực lượng lao động chất lượng cao. Sự có mặt của các sản phẩm và hoạt động VHNTST đa dạng trên địa bàn một địa phương có thể thu hút sự quan tâm của du khách và các nhà đầu tư.

Mặt khác, các hoạt động giáo dục, đào tạo về VHNTST và thông qua VHNTST có thể hỗ trợ phát triển nhiều kỹ năng cần thiết trong nền kinh tế toàn cầu như kỹ năng truyền thông bằng ngôn ngữ nói và viết, khả năng làm việc chuẩn xác và có chất lượng, năng lực làm việc linh hoạt trong đội nhóm hoặc dây chuyền, tự tin trong các tình huống thay đổi và khả năng hợp tác với những người từ các nền văn hóa khác nhau (8).

2. Tích hợp VHNTST trong các nguyên tắc và mục tiêu quy hoạch đô thị hướng tới phát triển bền vững

Quy hoạch đô thị

“Quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị” (9). Quy hoạch đô thị có thể được hiểu là một quá trình ra quyết định nhằm xác định các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường của một địa phương thông qua việc xây dựng tầm nhìn, chiến lược, đồ án quy hoạch và áp dụng các chính sách, công cụ, thể chế, cơ chế tham gia và các thủ tục quy định.

Quy hoạch đô thị có vai trò quan trọng trong kiến thiết và vận hành nền kinh tế, là công cụ hiệu quả hỗ trợ định hình hoặc chuyển dịch cơ cấu, chức năng của thành phố, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiến tạo thịnh vượng, cung cấp cơ hội việc làm cũng như đáp ứng nhu cầu của mọi thành viên trong cộng đồng, đặc biệt với các nhóm thiểu số và yếu thế.

Nguyên tắc quy hoạch đô thị hướng tới phát triển bền vững

Năm 2015, Chương trình Định cư Con người của Liên hợp quốc (UN Habitat) đã xây dựng và ban hành “Hướng dẫn quốc tế về Quy hoạch đô thị và vùng lãnh thổ” (gọi tắt là Hướng dẫn quốc tế), cung cấp một khung tham chiếu cho công tác quy hoạch, có thể áp dụng với nhiều quy mô, trong các bối cảnh vùng, địa phương, quốc gia khác nhau.

Tài liệu này giới thiệu bộ nguyên tắc giúp các nhà quy hoạch định hướng trong xây dựng, sửa đổi chính sách, hoạch định, thiết kế thông qua phương pháp tiếp cận tích hợp trong lập quy hoạch.

Di tích Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Internet)

Hướng dẫn quốc tế đã đề cập đến các nguyên tắc chung trong chính sách và quản trị đô thị cũng như trong quy hoạch đô thị hướng tới phát triển bền vững. Theo đó, quy hoạch đô thị là một quy trình ra quyết định mang tính tích hợp, có sự tham gia của tất cả các bên liên quan nhằm giải quyết những lợi ích cạnh tranh, hướng tới một tầm nhìn chung và chiến lược phát triển tổng thể.

Quy hoạch đô thị là nhân tố cốt lõi cho mô hình quản lý đô thị kiểu mới nhằm đảm bảo chất lượng không gian đô thị và quá trình đô thị hóa bền vững. Có thể coi tài liệu này như một công cụ hữu hiệu hỗ trợ việc thực hiện 17 mục tiêu trong “Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” của Liên hợp quốc (10).

Quy hoạch đô thị cần hướng tới phát triển bền vững, kết hợp chặt chẽ 3 khía cạnh: (i) phát triển và hòa nhập xã hội, (ii) tăng trưởng kinh tế bền vững và (iii) quản lý và bảo vệ môi trường. Các nguyên tắc này yêu cầu sự cam kết của chính quyền các cấp và sự tham gia của tất cả các bên liên quan như Chính phủ và các bộ ngành liên quan, chính quyền địa phương, các tổ chức quy hoạch, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng (11).

Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Nghị quyết 06-NQ/TƯ đã khẳng định quan điểm chỉ đạo: “Đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị; bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; kết hợp hài hoà giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh” (12).

(i) VHNTST trong các nguyên tắc và mục tiêu quy hoạch đô thị - phát triển xã hội

Các nguyên tắc: theo Hướng dẫn quốc tế, “mục tiêu đầu tiên của quy hoạch đô thị là để thiết lập một bộ tiêu chuẩn sống, điều kiện làm việc cho tất cả thành phần xã hội hiện tại và tương lai, đảm bảo phân phối tài chính, cơ hội, lợi ích từ phát triển đô thị một cách công bằng, thúc đẩy tính hòa nhập, gắn kết xã hội. Quy hoạch đô thị thiết lập một khoản đầu tư cần thiết cho tương lai.

Đó là điều kiện tiên quyết để cải thiện chất lượng sống, đem lại thành công cho tiến trình toàn cầu hóa, bao gồm việc tôn trọng, bảo tồn các di sản và đa dạng văn hóa cũng như thừa nhận nhu cầu đa dạng của các nhóm đối tượng khác nhau” (13).

Kết nối VHNTST với các mục tiêu quy hoạch: các mục tiêu trong quy hoạch đô thị - phát triển xã hội có thể là: bảo vệ các di sản lịch sử và văn hóa của địa phương; tăng cường hiểu biết và tôn trọng đa dạng văn hóa của cộng đồng; hỗ trợ gắn kết và giảm thiểu khoảng cách giữa các nhóm, giai tầng xã hội; khuyến khích niềm tự hào, tôn vinh các giá trị cộng đồng; và tăng cường ý thức, trách nhiệm quản lý địa phương của người dân.

Khi đó, VHNTST có thể được tích hợp, lồng ghép trong các chương trình hỗ trợ thực hiện mục tiêu, ví dụ: gắn kết người dân trong cộng đồng vào các dự án như Photovoice - tập hợp các bức ảnh và câu chuyện của các thành viên trong cộng đồng về những trải nghiệm của họ để nhận diện và chia sẻ các nhu cầu và giá trị chung; có thể kiến tạo những bức tranh tường hoặc các thể loại nghệ thuật công cộng khác để tái hiện và tôn vinh quá khứ; cũng có thể tổ chức các festival cộng đồng để khuyến khích đa dạng văn hóa ở địa phương; cung cấp các chương trình giáo dục VHNTST như các hội thảo, lớp học tương tác, chương trình biểu diễn để nâng cao nhận thức và hiểu biết về bối cảnh lịch sử và văn hóa của cộng đồng; sử dụng các địa điểm văn hóa để tạo điều kiện cho nhiều nhóm cộng đồng tham gia các hoạt động đổi mới sáng tạo như hội họa, điêu khắc, biểu diễn, làm mô hình trình diễn... (14)

(ii) VHNTST trong các nguyên tắc và mục tiêu quy hoạch đô thị - tăng trưởng kinh tế bền vững

Các nguyên tắc: theo Hướng dẫn quốc tế, quy hoạch đô thị là chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện, tạo dựng các cơ hội kinh tế mới, các quy định về đất đai và thị trường nhà ở, cung cấp đầy đủ cơ sở hạ tầng và các dịch vụ cơ bản. Quy hoạch đô thị tạo cơ chế đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy tính liên kết giữa các địa phương và vùng lãnh thổ.

Gắn kết VHNTST với các mục tiêu: các mục tiêu quy hoạch đô thị - tăng trưởng kinh tế bền vững có thể là: phát triển và mở rộng các cơ hội kinh tế địa phương; đảm bảo nguồn cung nhà ở có chất lượng và chi phí hợp lý cho mọi thành viên của cộng đồng; thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, công dân mới và khách tham quan; cung cấp hoặc hỗ trợ giao thông công cộng.

Khi đó VHNTST có thể được tích hợp, lồng ghép trong nhiều dự án để đạt được những mục tiêu trên. Ví dụ: tạo ra và cung cấp các bản đồ, biển hiệu và hướng dẫn giúp khách hàng nhận biết các sản phẩm và doanh nghiệp địa phương; sử dụng nghệ thuật công cộng để nâng cấp các khu phố đi bộ, tăng cường lưu lượng giao thông đối với những tuyến đường chưa được khai thác đúng mức; cung cấp các sản phẩm và dịch vụ văn hóa trong các khu NƠXH, khu công nghiệp; khuyến khích các điểm trung chuyển trong giao thông công cộng; tạo dựng những không gian sống và làm việc mang tính thẩm mỹ, sáng tạo và kết nối; kiến tạo các vườn ươm khởi nghiệp cho các doanh nhân và nghệ sỹ (15).

(iii) VHNTST trong các nguyên tắc và mục tiêu quy hoạch đô thị - bảo vệ môi trường

 Các nguyên tắc: theo Hướng dẫn quốc tế, quy hoạch đô thị cung cấp khuôn khổ hành động để bảo vệ và quản lý môi trường, cảnh quan thiên nhiên trong thành phố, bao gồm đa dạng sinh học, đất, tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo phát triển bền vững và hội nhập. Quy hoạch đô thị bảo vệ người dân thông qua công tác quản lý và các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và các vấn đề từ thiên nhiên, môi trường.

Gắn kết VHNTST với các mục tiêu: các mục tiêu quy hoạch đô thị - bảo vệ môi trường có thể là: bảo tồn và nâng cấp bản sắc và đặc trưng về không gian của địa phương; giữ gìn và bảo vệ các công viên và không gian mở của cộng đồng; phục hồi, bảo vệ và bảo tồn các nguồn nước; khuyến khích các hành vi tiêu dùng bền vững nhằm bảo vệ môi trường; tăng cường các thực hành sống lành mạnh, có lợi cho sức khỏe như đạp xe, đi bộ, vận động ngoài trời...

Khi đó, VHNTST có thể được tích hợp, lồng ghép trong các chương trình hành động để đạt được những mục tiêu trên. Ví dụ: đưa nghệ thuật công cộng vào các công viên và không gian mở, mặt nước và các hạ tầng của thành phố; gắn kết cộng đồng trong những dự án liên ngành, thông qua các festival và chương trình biểu diễn cộng đồng để tìm hiểu về biến đổi khí hậu, suy thoái và bảo vệ môi trường; xây dựng bản đồ và đánh giá các đặc trưng VHNTST của cộng đồng; khuyến khích các thực hành “zero - rác thải” tại các festival, tụ điểm công cộng, nhà hàng, khách sạn; phát triển các không gian biểu diễn và điểm tập hợp cộng đồng trên các hạ tầng giao thông công cộng; tạo động cơ khuyến khích các thực hành xanh - thân  thiện với môi trường trong nội quy, quy định tại các địa điểm công cộng như công viên, vườn hoa; tái sử dụng phế thải một cách sáng tạo và bảo tồn các kiến trúc lịch sử (16).

3. Kinh nghiệm tích hợp văn hóa trong quy hoạch đô thị ở Ấn Độ

Kinh nghiệm quy hoạch thành phố Chennai - nơi di sản gặp gỡ phát triển

Chennai - thủ đô của Tamil Nadu, là thành phố có một sự pha trộn hấp dẫn giữa di sản lịch sử và các mục tiêu phát triển đô thị hiện đại. Chennai có bề dày lịch sử và nền văn hóa nổi bật, đầy ấn tượng. Thành phố luôn tự hào và tôn vinh quá khứ trong khi vẫn đảm bảo những lợi ích của cuộc sống đô thị hiện đại.

Các giá trị truyền thống và tiện ích hiện đại cùng tồn tại song hành mà không xung đột nhờ việc quy hoạch đô thị một cách có tính toán và suy xét cẩn trọng.

Quy hoạch đô thị của thành phố Chennai đáng được chú ý bởi hệ thống đường phố rộng mở, hệ thống giao thông công cộng đáng tin cậy và các khu vực trung tâm cho phát triển kinh tế. Các đường phố của thành phố được quy hoạch một cách chuẩn xác nhằm hỗ trợ các dòng giao thông hiệu quả và sự tiếp cận dễ dàng của người dân, từ đó giảm thiểu ách tắc giao thông.

Thành phố Chennai đã thể hiện cam kết đối với việc bảo tồn các khu vực lịch sử của thành phố bằng cách tích hợp chúng một cách khéo léo và tinh tế vào kiến trúc hiện đại của thành phố.

Bên cạnh đó, sự gắn kết của các không gian xanh và công viên xung quanh thành phố đã mang lại cho cư dân những khu vực yên tĩnh, thư giãn và thanh bình giữa những tất bật, ồn ào của đô thị, mang lại cảm giác cân bằng và hài hòa trong nhịp sống hiện đại, gấp gáp của thủ phủ Chennai.

Các nhà quy hoạch đã cân nhắc, tính toán thông minh trong quy hoạch thành phố, dẫn tới sự thành công của Chennai trong việc luôn hấp dẫn được những cư dân sống lâu dài và những cư dân mới (17).

Kinh nghiệm quy hoạch thành phố Ahmedabad - sự hợp nhất của di sản và văn minh hiện đại

Ahmedabad - một thành phố với truyền thống lịch sử sâu dày và cảnh quan đô thị sống động, gây ấn tượng sâu sắc, được coi như một ví dụ mẫu mực về quy hoạch đô thị đạt được sự cân bằng giữa truyền thống và hiện đại.

Quy hoạch đô thị của thành phố này nổi bật với hạ tầng được tổ chức tốt, hệ thống giao thông hiệu quả và bảo tồn được những danh thắng di sản. Một trong những đặc điểm nổi trội là hệ thống xe buýt nhanh (BRTS) - một hệ thống giao thông công cộng được thiết kế hợp lý và được sử dụng rộng rãi đảm bảo việc di chuyển và kết nối thuận tiện cho người dân.

Quy hoạch đô thị của thành phố Ahmedabad cũng nhấn mạnh việc sử dụng quỹ đất hỗn hợp, tích hợp không gian sống, thương mại và văn hóa, giải trí nhằm tạo ra những khu vực liên kết và sống động. Các danh thắng kiến trúc của thành phố, như Sabarmati Ashram, Jama Masjid và Sidi Saiyyed Mosque thể hiện nguồn di sản văn hóa phong phú, giàu có đã được bảo tồn một cách tỉ mỉ, kỹ càng, mang lại một sự hòa trộn liền mạch giữa nét duyên dáng lịch sử và thành tựu phát triển hiện đại.

Thêm vào đó, Ahmedabad còn là quê hương của các cơ sở giáo dục uy tín như Viện Quản lý Ấn Độ (IIM-A), Viện Thiết kế Quốc gia (NID), góp phần xây dựng vị thế của thành phố như một trung tâm giáo dục quan trọng.

Nhìn chung, quy hoạch đô thị và các danh thắng của Ahmedabad đã trở thành những minh chứng hùng hồn cho sự cam kết của thành phố về phát triển bền vững và bảo tồn văn hóa, khiến thành phố này trở thành mô hình mẫu cho nhiều thành phố khác học tập (18).

Kinh nghiệm quy hoạch thành phố Bhubaneshwar - nơi truyền thống kết nối cuộc sống đô thị thông minh

Bhubaneshwar, thủ đô của Odisha, được coi là một ví dụ hoàn hảo về thực thi tốt quy hoạch đô thị, mang lại một sự hòa hợp hoàn hảo giữa di sản cổ kính và cuộc sống đô thị hiện đại. Được thiết kế quy hoạch bởi Koenigsberger, Bhubaneshwar đã chú trọng cấu trúc hợp lý của hệ thống đường giao thông, hệ thống phương tiện giao thông công cộng hiệu quả và các sáng kiến đô thị thông minh. Quy hoạch đô thị của thành phố nhấn mạnh việc tối ưu hóa việc sử dụng đất và sự kết nối, đảm bảo định hướng giao thông dễ dàng và quản lý hiệu quả.

Những cam kết của Bhubaneshwar về bảo tồn bản sắc văn hóa và lịch sử của thành phố được minh chứng qua việc gắn kết các ngôi đền và danh thắng cổ với những công trình xây dựng đương đại của thành phố. Sự hợp nhất độc đáo giữa cái cũ và cái mới này tạo nên một môi trường hấp dẫn, bảo tồn và phát huy được kho tàng di sản phong phú của thành phố.

Hơn nữa, các sáng kiến đô thị thông minh của Bhubaneshwar đã khai thác công nghệ để nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị như quản lý giao thông, xử lý rác thải và kết nối số hóa, định vị thành phố như một mô hình đầy tiềm năng cho phát triển đổi mới, sáng tạo và bền vững. Với sự quy hoạch kỹ lưỡng và tôn trọng các nền tảng của thành phố, Bhubaneshwar tiếp tục phát triển như một thành phố năng động, đầy sinh lực, một thành phố đã hàn gắn được khoảng cách giữa truyền thống và phát triển, một nơi đáng sống cho cư dân cũng như du khách (19).

4. Một số gợi mở cho quy hoạch Thủ đô Hà Nội

Từ những kinh nghiệm quốc tế về tích hợp, gắn kết VHNTST trong quy hoạch đô thị, trên cả phương diện lý luận và thực tiễn như đã trình bày ở trên, soi chiếu vào “Đề cương Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (gọi tắt là Đề cương) của UBND Thành phố Hà Nội và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội (20), có thể nhận thấy một số vấn đề sau:

Về nguyên tắc lập quy hoạch Thủ đô

Đề cương đã thể hiện được những nguyên tắc cơ bản trong quy hoạch đô thị hướng tới phát triển bền vững theo các khuyến nghị của Liên hợp quốc và quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 06-NQ/TW, đảm bảo mô hình quản lý đô thị hiện đại, thúc đẩy tính dân chủ, có sự tham gia, minh bạch, trách nhiệm giải trình cao, nhằm mục tiêu kiến thiết, phát triển Thủ đô toàn diện và vững mạnh.

Cụ thể, Đề cương đã chú trọng đảm bảo quy hoạch Thủ đô có tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành trên địa bàn, trong đó có ngành văn hóa. Các phân tích, đánh giá và định hướng phát triển của quy hoạch “dựa trên mối quan hệ tổng thể, có tính hệ thống, tính kết nối liên ngành, liên tỉnh và liên vùng, đảm bảo tính liên kết không gian và thời gian trong quá trình lựa chọn các công cụ”.

Đặc biệt, Đề cương đã nhấn mạnh nguyên tắc: “kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa và con người; đảm bảo quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao mức sống của người dân; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến”.

Nhà cao tầng trong khu vực nội đô. Ảnh internet

Về tư tưởng, triết lý, quan điểm phát triển Thủ đô  

Tư tưởng chỉ đạo phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” với 4 nhân tố “Văn hóa Thăng Long - Hà Nội”, “Văn hiến Thăng Long - Hà Nội”, “Văn minh Thăng Long - Hà Nội”, và “Thăng Long - Hà Nội Hiện đại” đã thể hiện sâu sắc triết lý trân trọng, đề cao giá trị và vai trò của văn hóa trong quy hoạch Thủ đô, coi nguồn lực văn hóa, con người Hà Nội và nguồn tài nguyên nhân văn là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của Thủ đô.

Đề cương cũng đã nhấn mạnh quan điểm: “giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn, phát triển văn hóa với tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại”.

Có thể thấy, Đề cương đã thể hiện đầy đủ và toàn diện quan điểm tích hợp văn hóa trong quy hoạch đô thị, góp phần phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng, lợi thế của Thủ đô Hà Nội để phát triển một cách bền vững và hội nhập, tiến cùng thời đại.

Về các mục tiêu của quy hoạch Thủ đô

Có thể nhận thấy, Đề cương đã thể hiện rõ mục tiêu phát triển văn hóa được kết hợp chặt chẽ và hài hòa với các mục tiêu quy hoạch phát triển tổng thể của Thủ đô, trong cả ngắn hạn và dài hạn. Đề cương chỉ rõ mục tiêu phát triển chung Hà Nội đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đến năm 2050 sẽ là “thành phố kết nối toàn cầu, có kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới”.

Đề cương cũng vạch ra mục tiêu cụ thể: “Tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội là trung tâm văn hóa đặc sắc, hấp dẫn của khu vực; có hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tầm cỡ quốc tế; là trung tâm sáng tạo hàng đầu của cả nước với nhiều lĩnh vực đạt trình độ quốc tế, là trung tâm giao dịch quốc tế hàng đầu của cả nước và giao dịch quốc tế quan trọng trong khu vực, nơi tập trung các cơ quan ngoại giao, quốc tế, văn phòng đại diện các tập đoàn xuyên quốc gia, điểm đến hấp dẫn, an toàn trong khu vực và trên thế giới”.

Việc thiết lập các mục tiêu quy hoạch như trên đã thể hiện tầm nhìn chiến lược sáng suốt và hoài bão, khát vọng phát triển Thủ đô, đồng thời thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến văn hóa và con người Hà Nội. Có thể nói, tư tưởng này đã bắt kịp những tư tưởng nhân văn và xu thế phát triển của thời đại, tạo tiền đề khoa học vững chắc cho kiến thiết và phát triển Thủ đô.

Đề xuất phương hướng và giải pháp

Để thực hiện thành công các nguyên tắc, quan điểm và mục tiêu quy hoạch Thủ đô Hà Nội nói trên, chúng tôi xin đưa ra một số đề xuất phương hướng và giải pháp: Phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo nhằm phát huy lợi thế “Thành phố sáng tạo” của Hà Nội.

Theo định nghĩa của UNESCO, thành phố sáng tạo là: “các thành phố phát huy văn hóa và sáng tạo một cách hiệu quả để đóng góp vào sự phát triển đô thị và phát triển kinh tế - xã hội địa phương” (21). Nói cách khác, đó là: “những thành phố coi sáng tạo là nhân tố chiến lược cho phát triển đô thị bền vững” (22).

Năm 2004, Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO được thiết lập nhằm thúc đẩy sự hợp tác, liên kết giữa các thành phố sáng tạo, hướng tới mục tiêu chung: đặt các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo vào vị trí trung tâm của các kế hoạch phát triển thành phố ở cấp độ địa phương và các chương trình hợp tác ở cấp độ quốc tế.

Đến nay, có gần 300 thành phố khắp thế giới gia nhập Mạng lưới này và Hà Nội đã chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới từ năm 2019. Với danh hiệu “Thành phố sáng tạo về Thiết kế”, Hà Nội đã và đang có nhiều cơ hội thuận lợi để định vị thương hiệu của Thủ đô, nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh cũng như tiềm năng phát triển, kết nối và hội nhập. Thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo (CNVHST) vừa là nhiệm vụ để thực hiện cam kết của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO, vừa là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế sáng tạo, phát huy tối đa lợi thế của một “Thành phố Sáng tạo” trong phát triển bền vững.

Xác định các nội dung chính trong phát triển CNVHST

Phát triển CNVHST một cách toàn diện, đảm bảo đồng bộ tất cả các khâu trong quy trình sáng tạo - phân phối của ngành và nâng cao năng lực tham gia chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị văn hóa, sáng tạo trên quy mô toàn cầu:

-   Củng cố, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, sản xuất, phân phối và tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ thuộc các ngành CNVHST, đặc biệt các lĩnh vực Thủ đô có truyền thống, lợi thế hoặc tiềm năng;

-   Xây dựng và củng cố các trung tâm đổi mới sáng tạo và mở rộng cơ hội cho các chuyên gia và chủ thể sáng tạo thuộc khu vực văn hóa, nghệ thuật;

-  Cải thiện khả năng tiếp cận và tham gia đời sống văn hóa của người dân, đặc biệt với các nhóm bị lề hóa và dễ tổn thương, góp phần kích cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ CNVHST;

-  Gắn kết toàn diện văn hóa và sáng tạo trong các kế hoạch phát triển bền vững của Thủ đô, tích hợp quy hoạch phát triển CNVHST vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kiến tạo các điều kiện quan trọng để phát triển CNVHST

Thủ đô Hà Nội cần kiến tạo các tiền đề và điều kiện thiết yếu, các khâu đột phá và giải pháp trọng tâm cho sự phát triển mạnh mẽ của các ngành CNVHST trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các vấn đề sau:

-  Xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển CNVHST, đặc biệt là cơ chế tài chính, cơ chế đầu tư và các cơ chế đặc thù cho Thủ đô để tạo hành lang pháp lý cần thiết cho việc phát triển thị trường các ngành CNVHST; chú trọng việc thực thi nghiêm Luật Sở hữu trí tuệ để bảo vệ lợi ích vật chất và tinh thần của những người sáng tạo và đầu tư trong CNVHST.

-  Xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và tổ chức không gian nhằm đảm bảo điều kiện tồn tại và phát triển cho các dự án văn hóa và sáng tạo. Các chủ thể sáng tạo cần những không gian có thể thay đổi linh hoạt, chi phí phải chăng và có thể kết nối với các không gian văn hóa sáng tạo khác cũng như kết nối với nơi sinh sống. Tạo điều kiện hoặc có cơ chế khuyến khích các chủ thể này sử dụng các không gian hoặc địa điểm đang trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng như các nhà máy, công xưởng đã di dời... Đồng thời cần đảm bảo các điều kiện cơ bản như các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiết yếu để đảm bảo chất lượng sống và làm việc.

-  Đào tạo nguồn nhân lực CNVHST, đặc biệt là các kỹ năng đổi mới, sáng tạo, công nghệ mới để lực lượng lao động văn hóa và sáng tạo có cơ hội thường xuyên phát triển và nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cần thiết. Cần tăng cường và đa dạng hóa các cơ hội đào tạo chính thống và phi chính thống trong nước và ở nước ngoài, tận dụng tối đa các cơ hội đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa, sử dụng công nghệ giáo dục hiện đại.

-   Xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo, bao gồm các mạng lưới xã hội, các hiệp hội chuyên môn, nghề nghiệp, các nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp, đối tác xúc tiến và các tổ chức tài chính. Hệ sinh thái này sẽ tạo những tiền đề và kết nối tương hỗ quan trọng để thúc đẩy CNVHST, từ khâu hình thành ý tưởng đến triển khai sản xuất, sáng tạo và tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường...

-  Phát huy tối đa giá trị của tính độc đáo, duy nhất - bản sắc riêng có của Thủ đô Hà Nội, bao gồm bản sắc về môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa - nhân văn để tăng cường sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực và trên thế giới.

-  Phát triển hạ tầng số để đảm bảo quá trình chuyển đổi số thành công trong lĩnh vực CNVHST, góp phần quan trọng cho việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị của nguồn tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể của Thủ đô, đồng thời tạo cơ sở để lan tỏa, quảng bá các giá trị này.

Kết luận

Văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo là nguồn lực thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch đô thị hướng tới sự phát triển lành mạnh bền vững của các thành phố và vùng lãnh thổ. Xu hướng quy hoạch đô thị hiện đại đòi hỏi sự tích hợp, gắn kết VHNTST trong mọi phương diện của quy hoạch, từ nguyên tắc, quan điểm, đến mục tiêu và các thiết kế kỹ thuật cụ thể.

Học hỏi các lý thuyết và kinh nghiệm quốc tế về tích hợp VHNTST trong quy hoạch đô thị có thể cung cấp cho các chuyên gia và tổ chức quy hoạch những gợi mở hữu ích trong xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kì 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050.

Hy vọng và tin tưởng Quy hoạch Thủ đô ra đời sẽ là đòn bẩy hiệu quả, tạo sự bứt phá trong phát triển thành phố Hà Nội, xứng đáng với vị thế của một Thủ đô ngàn năm văn hiến.

PGS.TS PHẠM BÍCH HIỀN

 (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) 

Chú thích

1, 2, 4, 14, 15, 16.  American Planning Association (2011), The Role of the Arts and Culture in Planning Practice, tại: https://www.planning.org/publications/document/9147991/

3. UNESCO, Section for the Diversity of Cultural Expressions, What do We Mean by the Cultural and Creative Industries, tại: en.unesco.org

5. American Planning Association (2011), Community Heritage and Culture - How the Arts and Cultural Sector Strengthen Cultural Values and Preserve Heritage and History, tại: https://www.planning.org/publications/document/9147998/

6. American Planning Association (2011), Community Charater - How the Arts and Cultural Strategies Create, Reinforce, and Enhance Sense of Place, tại: https://www.planning.org/publications/document/9147999/

7. American Planning Association (2011), Community Engagement - How Arts and Cultural Strategies Enhance Community Engagement and Participation, tại: https://www.planning.org/publications/document/9148000/

8. American Planning Association (2011), Economic Vitality - How the Arts and Cultural Sector Catalyzes Economic Vitality, tại: https://www.planning.org/publications/document/9148001/

9. Quốc hội, Luật Quy hoạch đô thị - số 30/2009/QH12, ngày 17/6/2009

10. United Nations (2015), The 2030 Sustainable Development Agenda, tại: https://www.un.org/sustainabledevelopment/development-agenda/

11, 13. UN Habitat (2015), International Guidlines on Urban and Territorial Planning, tại: https://unhabitat.org/international-guidelines-on-urban-and-territorial-planning

12. Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 24/01/2022

17, 18, 19. Urban Design Lab (2023), Exploring the Top 12 Planned Cities in India, tại: https://urbandesignlab.in/exploring-the-top-12-planned-cities-in-india/

20.  UBND TP Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội (2023), Đề cương Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

21.  UNESCO and The World Bank (2021), Cities, Culture, Creativity: Leveraging Culture and Creativity for Substainable Urban Development and Inclusive Growth, tại: https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000377427

22.  UNESCO, Creative Cities Network, tại: https://en.unesco.org/creative-cities/content/

Tài liệu tham khảo

1.    Thành ủy Hà Nội, Nghị quyết số 09-NQ/TU về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 22/02/2022

2.    UBND TP Hà Nội, Kế hoạch số 217/KH-UBND Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 12/08/2022

3.    Landry, Charles (2008), The Creative City: A Toolkit for Urban Innovators, 2nd ed., Earthscan Publisher, London.

 

 

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.