Tiềm năng khai thác và phát triển không gian đô thị Long Biên theo hướng bền vững và sáng tạo

MTXD - Phát triển ngành Công nghiệp văn hóa là một xu thế phát triển mới, đồng hành những xu hướng phát triển kinh tế xã hội trên thế giới. Mức độ phát triển của các lĩnh vực ngành Công nghiệp văn hóa là một phần tiêu chí đánh giá vị thế quốc gia hiện nay. Công nghiệp Văn hóa hay Văn hóa sáng tạo được coi là động lực chính cho tăng trưởng và đổi mới, đem lại nguồn lợi về kinh tế, tạo ra việc làm có năng suất lao động cao, và ảnh hưởng tích cực tới các mặt Kinh tế – xã hội – Văn hóa – Chính trị.

MTXD - Phát triển ngành Công nghiệp văn hóa là một xu thế phát triển mới, đồng hành những xu hướng phát triển kinh tế xã hội trên thế giới. Mức độ phát triển của các lĩnh vực ngành Công nghiệp văn hóa là một phần tiêu chí đánh giá vị thế quốc gia hiện nay. Công nghiệp Văn hóa hay Văn hóa sáng tạo được coi là động lực chính cho tăng trưởng và đổi mới, đem lại nguồn lợi về kinh tế, tạo ra việc làm có năng suất lao động cao, và ảnh hưởng tích cực tới các mặt Kinh tế – xã hội – Văn hóa – Chính trị.

 

 

Vườn nông nghiệp cộng đồng

Để bắt kịp với xu thế trên thế giới, Việt Nam đã có nhiều văn bản pháp lý liên quan đến phát triển ngành Công nghiệp văn hóa. Nghị quyết số 33-NQ/TƯ ngày 9/6/2014, Hội nghị TW 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã đề ra mục tiêu và nhiệm vụ xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển Công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam. Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, phấn đấu doanh thu các ngành Công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP, đồng thời, phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành Công nghiệp văn hóa một cách bền vững, các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn các nước phát triển và tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu. Đối với Hà Nội, ngày 22/2/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Theo đó, mục tiêu tạo ra bước phát triển toàn diện cho các ngành Công nghiệp Văn hóa của Thủ đô, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có thương hiệu, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu. Đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu nằm trong nhóm các thành phố (TP) có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu, có thương hiệu, sản phẩm uy tín, khả năng cạnh tranh cao với các TP trong khu vực; là “TP sáng tạo” có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á, đóng góp khoảng 8% GRDP của thành phố. Đến năm 2045, phấn đấu trở thành “TP sáng tạo” của khu vực Châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế, đóng góp khoảng 10% GRDP.

Hiện nay chưa có khái niệm chính thức và định nghĩa cụ thể về ngành Công nghiệp Văn hóa tại Việt Nam. Tuy nhiên, khái niệm UNESSCO đưa ra đã được các nghiên cứu xã hội và các bài báo sử dụng rộng rãi: Ngành Công nghiệp văn hóa là ngành công nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dịch vụ gắn với yếu tố văn hóa, sáng tạo, nghệ thuật; là một bộ phận của nền kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, kinh tế dịch vụ, kinh tế liên kết – kinh tế số. Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD), các ngành Công nghiệp văn hóa, sáng tạo là cốt lõi của nền kinh tế sáng tạo và được định nghĩa là chuỗi sản xuất, hàng hóa, dịch vụ có sử dụng yếu tố sáng tạo, trí tuệ là tài nguyên đầu vào chính. Cơ cấu ngành Công nghiệp văn hóa tại Việt Nam bao gồm: Điện ảnh, Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và trò chơi giải trí, Nghệ thuật biểu diễn, xuất bản, truyền hình và phát thanh, Mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm, Thời trang, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Du lịch văn hóa (1 trong 10 sản phẩm du lịch)

Là một quận nằm ở phía Đông Bắc Thủ đô, Long Biên là một vùng đất có lịch sử lâu đời và giàu tiềm năng phát triển. Bên cạnh những giá trị văn hóa lịch sử lâu đời như hệ thống làng truyền thống, các nghề truyền thống như làm quạt, bện thừng, đan võng, hệ thống các công trình di tích có giá trị như Đình và chùa làng Hội Xá, những lễ hội lâu năm như hát múa Ải Lao, quận Long Biên còn là nơi chứa đựng sức sống sôi động của các khu dân cư mới như Khu đô thị cao cấp Vinhomes, Khu đô thị Việt Hưng, đặc trưng giao thoa của nhiều tầng văn hóa, giao thoa giữa khu vực làng xã cũ và dân cư đô thị mới, giao thoa của nhiều tầng lớp xã hội, đã tạo ra vùng đất tiềm năng để nuôi dưỡng các hoạt động sáng tạo. Do đó, cần thiết nhận diện và hình thành nền tảng hạ tầng không gian cho các hoạt động sáng tạo tại quận, bao gồm:

  • Trung tâm tài nguyên số ngành Công nghiệp văn hóa cấp quốc gia
  • Các điểm/trung tâm sáng tạo của khu vực: tái sử dụng thích ứng nhà máy
  • Các không gian nông nghiệp sáng tạo
  • Các tuyến phố sáng tạo

Hình thành Trung tâm Công nghiệp văn hóa quốc gia

NCS Phan Thị Phương Thảo (ngành Quy hoạch vùng và đô thị, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội) đã nghiên cứu luận án “Quy hoạch xây dựng hệ thống kết cấu Hạ tầng cho ngành Công nghiệp văn hóa tại Việt Nam”. Luận án đã làm rõ các khái niệm liên quan đến kết cấu hạ tầng ngành Công nghiệp văn hóa và Quy hoạch xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng ngành Công nghiệp văn hóa, đề xuất giải pháp Quy hoạch xây dựng hệ thống Kết cấu hạ tầng ngành Công nghiệp văn hóa tại Việt Nam. Nghiên cứu sinh đã đề xuất 02 mô hình: Trung tâm tài nguyên số ngành Công nghiệp văn hóa và Trung tâm Công nghiệp văn hóa. Trong đó, Trung tâm Công nghiệp văn hóa được định hình là mô hình của doanh nghiệp dịch vụ phục vụ cho doanh nghiệp sản xuất của ngành Công nghiệp văn hóa; là nơi tạo lập sản phẩm công nghệ, kết nối và đào tạo nhân lực ngành Công nghiệp văn hóa, hỗ trợ khởi nghiệp; thúc đẩy tiêu thụ và xây dựng thương hiệu ngành Công nghiệp văn hóa, phục vụ cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, và vừa của ngành Công nghiệp văn hóa. Nghiên cứu sinh cũng đã đề xuất quy mô của Trung tâm Công nghiệp văn hóa: Quy mô nhỏ khoảng 15-20 ha; quy mô trung bình khoảng 20-35ha; quy mô lớn khoảng 35-45 ha, tối đa 50ha, bao gồm các khu: Khu quản lý và điều hành, khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm văn hóa, khu nghiên cứu và tạo lập công nghệ nguồn, khu đào tạo khởi nghiệp và nâng cao năng lực. Đây là những cơ sở quan trọng để bố trí quỹ đất và xây dựng Trung tâm Công nghiệp văn hóa đáp ứng thời đại công nghệ 4.0.

 

Tổ chức không gian nghiên cứu tạo lập công nghệ nguồn và đào tạo khởi nghiệp (Nguồn: Phan thị Phương Thảo, Luận án Tiến sỹ)

 

Tái sử dụng thích ứng các nhà máy thành trung tâm sáng tạo của khu vực

UNESCO từ năm 2001 đã nhận diện tầm quan trọng của di sản công nghiệp. Theo UNESCO, cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo nên những thay đổi mạnh mẽ về cảnh quan đô thị và lối sống; phương thức sản xuất hàng loạt đã tạo nên những thành tựu to lớn cũng như các công trình kiến trúc hoành tráng, là minh chứng cho sự sáng tạo của con người. Các công trình công nghiệp được nhận diện là minh chứng quan trọng cho lịch sử phát triển. Giá trị của các công trình công nghiệp được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 thể hiện ở tính cộng sinh giữa cấu trúc và kiến trúc. Tái sử dụng các công trình công nghiệp nên được định hướng là không gian tạo dựng việc làm, gắn kết cộng đồng xã hội, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của khu vực xung quanh

Hanoi Adhoc là nhóm các nhà nghiên cứu được khởi xướng bởi KTS Mai Hưng Trung cùng các cộng sự, nhà Nhân học Christina Schwenkel, KTS Lê Đức, chuyên viên nghiên cứu Võ Kim Ylan. Trong những năm vừa qua, nhóm đã tìm kiếm, tái tổ chức, hệ thống hóa các dữ liệu và bản vẽ các công trình được lựa chọn, xây dựng một nền tảng kỹ thuật số, với một trong các dự án nghiên cứu tập trung vào nhà máy. Theo đó, nhóm đã thành lập các bản đồ theo chủ đề: Các nhà máy đáng quan tâm, thể loại công nghiệp, sản xuất dưới phân nhóm, thể loại thị trường, tình trạng hoạt động, tình trạng vị trí, các nhà máy được Nhà nước chỉ định di dời. Đặc biệt, Adhoc đã chỉ ra 5 nhà máy đáng quan tâm tại Quận Long biên trên tổng số 16 nhà máy đáng quan tâm trong các quận nội thành Hà Nội, trong đó đáng chú ý là 2 địa điểm:

  • Nhà máy xe lửa Gia Lâm (xây dựng năm 1905): Tư tưởng trên đường ray được đánh giá là một trong ba công trình đường sắt thuộc địa vĩ đại vào đầu thế kỷ 20 (theo nhà sử học Tim Doling);
  • Xưởng may Hoàng Văn Thụ (xây dựng năm 1946): Một chất liệu lịch sử hữu hình được kể lại bởi áo trấn thủ, mũ cối, quân phục và “Bức màn sắt”: Mô hình đáng chú ý bởi sự khép kín và hoàn chỉnh hiếm có trong mối quan hệ của sản xuất và tái sản xuất của nhà máy.

Các không gian nông nghiệp đô thị sáng tạo

Long Biên là quận nội đô có diện tích lớn nhất 59,82km2, chiếm 20% tổng diện tích khu vực nội đô Hà Nội, và là 1 trong 5/12 quận có ranh giới tiếp giáp với các huyện (vùng sản xuất nông nghiệp). Quận Long Biên có đặc điểm tự nhiên nổi bật với dòng chảy của sông Hồng và sông Đuống và hệ thống cảnh quan nông nghiệp bao bọc xung quanh. Tại Long Biên, diện tích đất nông nghiệp là 1.570 ha/ tổng diện tích đất của quận là 5.982 ha, chiếm 26,2% (Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, 2020), là quận có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất trong tổng số 12 quận thuộc TP Hà Nội. Cần nhận diện đây là tiềm năng để tạo dựng các không gian Nông nghiệp đô thị sáng tạo.
Sản xuất nông nghiệp đô thị trên địa bàn quận có 2 hình thức sản xuất cơ bản là trồng trọt và nuôi trồng thủy sản với diện tích đất dành cho các loại hình sản xuất nông nghiệp như sau:

 

Bảng 1: Diện tích đất nông nghiệp tại quận Long Biên

 
 

Vị trí các nhà máy đáng quan tâm theo đánh giá của Hanoi Adhoc
(Nguồn: Hanoi Adhoc, www.hanoiadhoc.com)

Như vậy, hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì tại quận Long Biên. Diện tích đất nông nghiệp còn lại tương đối lớn, trong đó. đất trồng cây hàng năm chiếm 62,9%. Không gian nông nghiệp hình thành các dạng vành đai chuyển tiếp từ ranh giới với huyện ngoại thành vào dần trong nội đô, và dọc theo hành lang sông Hồng, sông Đuống. Hình thức tổ chức không gian nông nghiệp rất đa dạng. Ở khu vực đang phát triển đô thị, cảnh quan là sự đan xen giữa những khu ruộng bỏ hoang, giữa làng xóm cũ và các khu vực xây dựng mới. Tại các khu vực còn hoạt động nông nghiệp: Khu vực sản xuất rau ngoài đê sông Đuống, có khung cảnh của vùng xanh dạng mảng; thửa ruộng dọc sông Hồng tạo thành dạng thức phân mảnh hình ống. Khả năng đóng góp vào sự phát triển kinh tế và xã hội của hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện nay khá tốt. Các mô hình hiện đang thực hiện thành công như trồng rau sạch tại bãi sông Hồng, sông Đuống, mô hình nông trại giáo dục, mô hình cắm trại, mô hình phim trường, mà điển hình là phường Giang Biên.

Các kinh nghiệm triển khai hoạt động nông nghiệp đô thị trên thế giới cho thấy nông nghiệp đô thị không chỉ mang lại những tác động tích cực ở lĩnh vực nông nghiệp mà còn cho lĩnh vực xây dựng đô thị và người dân đô thị, nhất là trong quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu, nông nghiệp đô thị nổi lên như một chiến lược quy hoạch không gian mới để gia tăng những giá trị cho các khu vực nội thị: Gia tăng giá trị sử dụng đất, gia tăng giá trị lợi ích về môi trường, giá tăng giá trị cảnh quan và phủ xanh, đa dạng hóa không gian chức năng trong đô thị, làm mới không gian đô thị, gia tăng giá trị nhân văn trong đô thị.

Ngoài ra, tổ chức không gian nông nghiệp đô thị sáng tạo sẽ tạo nên bản sắc của địa phương: Tạo cảnh quan, phủ xanh, tạo lập cấu trúc không gian đô thị bền vững. Cần thiết lựa chọn hoạt động canh tác phù hợp, thích hợp thổ nhưỡng, môi trường khí hậu, kể cả văn hóa, tạo dựng hình ảnh đô thị có bản sắc riêng. Nông nghiệp đô thị được xem là nông nghiệp phái sinh của nông nghiệp truyền thống, việc tổ chức không gian nông nghiệp đô thị cần đa mục tiêu, trong đó chú trọng giá trị cảnh quan của nơi chốn, giá trị thiết kế cảnh quan nông nghiệp đô thị đặc trưng, giá trị văn hóa địa phương, văn hóa nông nghiệp truyền thống trong môi trường đô thị hiện đại, từ đó tạo lập giá trị mới cho đô thị.

Một số mô hình nông nghiệp đô thị đề xuất cho quận Long Biên:

  • Vườn nông nghiệp cộng đồng: Tổ chức trên các khu đất thuộc khu phố, cụm dân cư hoặc những không gian trống trong đô thị, được quản lý và duy trì với một nhóm các cá nhân, trồng các loại rau, trái cây, hoa cho mục đích sử dụng tại chỗ hoặc các mục đích cá nhân khác. Người làm vườn cộng đồng có thể thúc đẩy những lợi ích từ việc đa dạng hóa việc sử dụng không gian đô thị và lợi ích về sức khỏe cộng đồng liên quan đến thực phẩm sản xuất tự nhiên, cũng như các lợi ích xã hội khác như vui chơi, giải trí, nghệ thuật làm vườn như là một phần đời sống văn hóa cộng đồng. Thực tế là tồn tại nhiều không gian trống, chờ xây dựng theo quy hoạch, đây cũng là những mảnh đất tốt trở thành vườn cộng đồng có thời hạn. Chính các hoạt động nông nghiệp đô thị linh hoạt mang lại lợi ích, hiệu quả cho công tác quản lý đất, sử dụng đất đô thị
  • Không gian nông nghiệp ven sông kết hợp với công viên ven sông và các hoạt động du lịch nông nghiệp, du lịch đường thủy. Có thể bố trí các khu vực neo đậu thuyền, các điểm vọng cảnh, lán trại quy mô nhỏ phục vụ sản xuất, kinh doanh, khai thác giá trị cảnh quan; áp dụng mô hình nông nghiệp sinh thái – hữu cơ nhằm tạo môi trường không khí có chất lượng.

Kết luận

Quận Long Biên được nhận diện là không gian giao thoa giữa các làng xóm nông nghiệp định cư truyền thống, không gian sản xuất công nghiệp phát triển những năm đầu và giữa thế kỷ 20, và không gian các khu đô thị mới sống động, hiện đại. Đặc trưng giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, quá khứ và tương lai, giữa đa tầng thời gian và văn hóa, với sức sống mới của một quận đang phát triển có lợi thế về vị trí… đã tạo nên tiềm năng để phát triển không gian sáng tạo cho quận Long Biên. Kiến nghị cần có Đề án tạo dựng mạng lưới hạ tầng không gian để nuôi dưỡng các hoạt động sáng tạo, bao gồm Trung tâm Công nghệ văn hóa mang tầm quốc gia, các điểm/ trung tâm được hình thành từ không gian tái sử dụng thích ứng nhà máy, các mảng không gian nông nghiệp sáng tạo, các tuyến đô thị sáng tạo. Tất cả các không gian này cần có định hướng bố trí về quy mô, chức năng, và các tuyến kết nối để tạo nên tổng thể thống nhất về mặt cấu trúc, cũng như cần có cơ chế huy động đầu tư và sự tham gia của các bên (cơ quan nhà nước – doanh nghiệp – cộng đồng người dân), hướng đến xây dựng quận Long Biên trở thành Trung tâm Công nghệ và Văn hóa, góp phần thực hiện Nghị quyết 09 của Thành ủy Hà Nội.

TS. LÊ QUỲNH CHI
Khoa Kiến trúc & Quy hoạch – Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
(Nguồn Tạp chí Kiến trúc số 09-2023)


Tài liệu tham khảo
1. Phan Thị Phương Thảo (2022), Luận án “Quy hoạch xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng cho ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam”, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội
2. Lê Quỳnh Chi, Trương Huyền Anh (2018), Sử dụng thích nghi quỹ di sản công nghiệp – phát triển không gian công cộng sáng tạo, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam 11.2017
3. Lê Quỳnh Chi (2017), Tính tương thích của Quận nghệ thuật trong phát triển đô thị Hà Nội, Tạp chí Xây dựng số 8-2017, trang 213-215
4. Đỗ Hậu (2023), Báo cáo tổng hợp “Mô hình và giải pháp Tổ chức không gian Nông nghiệp đô thị Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030”, Báo cáo tổng hợp Nghiên cứu ứng dụng và Phát triển công nghệ Cấp Thành phố.

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.