Tiềm năng phát triển nhà ở thân thiện môi trường cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phía Bắc sử dụng gạch đất không nung tự chèn từ nguồn đất địa phương

MTXD - Tóm tắt: Tại nhiều khu vực khó khăn thuộc miền núi phía Bắc, các hộ người nghèo sinh sống thường ở trong các ngôi nhà tạm, dột nát với điều kiện sống rất khó khăn. Bên cạnh đó, việc xây dựng khó khăn liên quan đến vận chuyển và các chi phí về nguyên vật liệu, nhân công cao tạo sự khó khăn hơn trong quá trình hỗ trợ xây dựng nhà, đặc biệt các hộ người dân tộc ở các vùng núi cao.

MTXDTóm tắt: Tại nhiều khu vực khó khăn thuộc miền núi phía Bắc, các hộ người nghèo sinh sống thường ở trong các ngôi nhà tạm, dột nát với điều kiện sống rất khó khăn. Bên cạnh đó, việc xây dựng khó khăn liên quan đến vận chuyển và các chi phí về nguyên vật liệu, nhân công cao tạo sự khó khăn hơn trong quá trình hỗ trợ xây dựng nhà, đặc biệt các hộ người dân tộc ở các vùng núi cao. Bài báo này trình bày tiềm năng phát triển nhà ở thân thiện môi trường cho người nghèo sử dụng gạch đất không nung từ nguồn đất địa phương, trong đó có tận dụng nhân lực từ các hộ gia đình nghèo. Gạch đất không nung ở dạng tự chèn và có cường độ nén đề xuất lớn hơn 3,5 MPa, giảm thiểu sự khó khăn về vận liệu xây dựng và chi phí nhân công thực hiện.

Từ khóa: nhà ở thân thiện môi trường, gạch đất không nung, vật liệu địa phương, người nghèo.

Abstract: In many areas in the Northern mountainous region, the poor often live in temporary, dilapidated houses with very difficult living conditions. In addition, construction activities related to transportation and high costs of raw materials and labor create more difficulties in the process of supporting house construction, especially ethnic households in high mountain areas. This paper presents the potential for developing eco- friendly houses for the poor using non-fired stabilized compressed earth bricks from local soil sources, including taking advantage of human resources from poor households. Non-fired compressed earth bricks are interlocking and have a proposed compressive strength greater than 3.5 MPa, minimizing difficulties in construction materials and labor costs.

Keywords: eco-friendly house, non-fired earth bricks, local materials, the poor.

1. Tổng quan

Nhà ở là một trong những điều kiện quan trọng để người dân miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số định cư và gắn với định canh, tạo lập cuộc sống ổn định, từng bước xóa đói giảm nghèo và cải thiện đời sống. Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với hơn 14 triệu người, gần ba triệu hộ, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới, chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền trung, chiếm ba phần tư diện tích cả nước… [Phùng Đức Tùng và ccs, 2017]. Đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc là thành viên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Do sống trong điều kiện địa hình núi cao, đường xá xa xôi nên nhìn chung đến nay cuộc sống vẫn còn khó khăn, và tỷ lệ người nghèo vẫn lớn. Hiện nay do sự phát triển của dân số, do điều kiện kinh tế còn eo hẹp, địa hình vùng cao đi lại chuyên chở vật liệu xây dựng còn khó khăn, nên đa số đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi đang còn phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ, thiếu tiện nghi. Những ngôi nhà này chủ yếu do bà con tự làm bằng công nghệ đơn sơ và vật liệu tại chỗ như đất làm tường bao che, mái lợp rơm rạ, lá cọ.

Trợ giúp hỗ trợ về nhà ở được các ngành, các cấp quan tâm đặc biệt như một nhiệm vụ quan trọng để góp phần giảm đói nghèo. Tuy nhiên nhu cầu cần hỗ trợ nhà ở các đối tượng nghèo và hộ dân tộc thiểu số còn rất lớn. Hiện nay các chính sách của Nhà nước đã và đang hỗ trợ được rất nhiều nhà ở cho người nghèo nói chung, đồng bào miền núi phía Bắc nói riêng, chẳng hạn như Chương trình 30a [Nghị quyết số 30a, 2008], Chương trình 135 [Quyết định số 135, 1998], Chương trình xây dựng nông thôn mới, Ðề án 79 [Quyết định số 79, 2017].

Trong lĩnh vực xây dựng nhà ở, các DTTS ở miền núi phía Bắc cũng có những nét đặc thù riêng. Từ những vật liệu địa phương thông dụng như gỗ, tranh tre, nứa lá, đất... các dân tộc ít người ở các tỉnh phía Bắc như dân tộc Tày, Nùng, Dao, HMông, Thái... đã xây dựng nhà theo kiểu riêng của mình. Những dân tộc sống ở vùng núi cao giá lạnh thường xây nhà nhỏ, thấp, kín, ít cửa, tường dày để chống rét. Những dân tộc sống ở vùng đồi núi thấp gần các con sông, suối thường xây dựng nhà to cao hơn... Việc xây dựng nhà ở của đồng bào cũng có nhiều khó khăn, hạn chế. Các kỹ thuật xây dựng của dân tộc vùng núi cao khá thô sơ, chẳng hạn người dân tộc Hà Nhì, người Mông, người Dao,... để chống chọi với điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên và tấn công của thú dữ, kẻ thù, họ đã chọn xây dựng nổi tiếng là trình tường (tường đất nện), trong đó sử dụng vật liệu đất tại chỗ để xây dựng tường đất bằng cách định hình bằng khuôn gỗ rồi nện thủ công cho đất dính kết và chặt lại.

Trong số các giải pháp để người dân vùng cao thoát nghèo bền vững, thì “nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào phục vụ phát triển bền vững vùng cao” được xem là cơ sở quan trọng cho việc thúc đẩy, tạo động lực phát triển bền vững của vùng cao… Trong số các chương trình NCKH phục vụ phát triển vùng cao thì những nghiên cứu trong lĩnh vực xây dựng đã và đang có những đóng góp nhất định.

Năm 2005, tác giả Nguyễn Trọng Khang [Nguyễn Trọng Khang, 2005] thuộc Viện Nghiên cứu Kiến trúc - Bộ Xây dựng làm chủ nhiệm đề tài Bộ Xây dựng đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu giải pháp thiết kế và công nghệ xây dựng nhà ở tái định cư khu vực miền núi phía Bắc”. Mục tiêu của đề tài là xây dựng các khu nhà ở di dân tái định cư dễ thi công xây lắp, có giá thành xây dựng hợp lý và gần gũi với cuộc sống của người dân thì các cơ quan chức năng cần phải tiến hành nghiên cứu các giải pháp thiết kế và sử dụng công nghệ, vật liệu xây dựng phù hợp với việc xây dựng nhà ở di dân tái định cư ở khu vực miền núi.

Năm 2006, Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) đã phát triển đề tài “Công nghệ xây dựng nhà ở cho đồng bào miền núi phía Bắc sử dụng vật liệu địa phương” do tác giả Cao Duy Tiến chủ trì [Cao Duy Tiến và ccs, 2003]. Mục tiêu của đề tài là kế thừa phương pháp và tập quán xây dựng nhà truyền thống của đồng bào dân tộc, nghiên cứu, đề xuất giải pháp công nghệ xây dựng nhằm khai thác và sử dụng được nguồn vật liệu, nhân lực lao động của địa phương, đồng thời tạo ra những ngôi nhà bền vững, có chất lượng ở tốt hơn.

Năm 2008, nhóm điều tra khảo sát Phòng Nghiên cứu Lịch sử và bảo tồn di sản kiến trúc - Viện Nghiên cứu Kiến trúc Quốc gia [Phòng NC LS & BT di sản KT, 2008] đã thực hiện đề tài Bộ xây dựng “ Ðiều tra khảo sát kiến trúc nhà ở truyền thống các dân tộc miền núi phía bắc và Tây Nguyên, đề xuất bảo tồn và khai thác giá trị kiến trúc nhà truyền thống” nhằm nghiên cứu nhà ở của các dân tộc, phục vụ cho công tác bảo tồn đa dạng các giá trị văn hóa truyền thống và phục vụ quá trình phát triển đời sống giá trị văn hóa truyền thống và phục vụ quá trình phát triển đời sống xã hội của các địa bàn có người dân tộc cư trú ở vùng núi phía Bắc.

Từ năm 2013, chương trình "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc" (Chương trình Tây Bắc) được triển khai ở 12 tỉnh trung du, miền núi phía bắc và 21 huyện phía tây Thanh Hóa, Nghệ An do Ðại học Quốc gia Hà Nội (ÐHQGHN) chủ trì với 58 đề tài nghiên cứu đã góp phần cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn tạo động lực phát triển bền vững của vùng Tây Bắc. Với điều kiện tự nhiên phức tạp, địa hình chủ yếu là đồi núi cao, khí hậu khắc nghiệt, trình độ dân trí còn hạn chế… đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết cần được giải quyết bởi nghiên cứu khoa học liên ngành không đơn thuần là các vấn đề của từng lĩnh vực riêng rẽ.

Năm 2020, tác giả Nguyễn Tất Thắng - Chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu thiết kế mẫu nhà ở đô thị và nông thôn phù hợp các vùng, miền toàn quốc” đã bảo vệ thành công với mục tiêu của đề tài nhằm: Cụ thể hóa Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đánh giá thực trạng phát triển nhà ở đô thị và nông thôn tại các vùng, miền trên toàn quốc; đánh giá ưu, nhược điểm các mẫu nhà ở đô thị và nông thôn hiện hữu, đặc biệt là các mẫu nhà được xây dựng theo các chương trình phát triển về nhà ở đã, đang được thực hiện.

Từ các nghiên cứu tổng quan ở trên có thể đưa ra một số kết luận về đặc điểm nhà ở của đồng bào DTTS & MNPB như sau:

- Nhà có quy mô một tầng, với diện tích xây dựng phổ biến từ 35 đến 60 m2.
- Nhà được xây dựng chủ yếu từ các loại vật liệu tại chỗ, với các vật liệu xây dựng như đất, gỗ, phêu vách đất và mang đặc trưng văn hóa của từng dân tộc.

- Do điều kiện kinh tế khó khăn, địa hình phức tạp và phong tục tập quán nên rất nhiều nhà ở của đồng bào DTTS & MNPB còn tạm bợ, dột nát và không đáp ứng được yêu cầu nhà để ở.

- Nghiên cứu về xây dựng nhà ở cho đồng bào DTTS & MNPB nhận được sự quan tâm của các cơ sở nghiên cứu. Tuy nhiên việc triển khai ứng dụng những kết quả nghiên cứu vào thực tế còn hạn chế.

Bài báo này trình bày về tiềm năng phát triển nhà ở thân thiện với môi trường sử dụng gạch đất không nung với nguồn đất và nhân lực tại chỗ nhằm giảm thiểu sự khó khăn trong xây dựng về vận chuyển, chi phí vật liệu và nhân công, cụ thể là xây dựng nhà ở cho hộ người nghèo với quy mô 40 m2 tại xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

2. Vật liệu sử dụng

Vật liệu sử dụng cho xây dựng nhà bao gồm:

- Gạch đất không nung: sử dụng nguồn đất lấy tại vị trí làm nhà xóm Cò Phày, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình dạng á sét, màu xám vàng có hàm lượng sét là 7,5%, bụi là 18,33%, còn lại là cát. Đất sau khi đánh tơi và sàng có kích thước < 5 mm. Đất có giới hạn dẻo là 33,48%, giới hạn chảy là 73,66%.

- Xi măng PCB30 Nam Sơn: có cường độ nén đạt 34,6 MPa (tuổi 28 ngày).
- Nước sinh hoạt.

- Mái nhà lợp lá cọ với khung mái là khung thép hộp.

3. Thiết kế nhà

Quy mô nhà thiết kế là 40 m2 với mặt bằng, mặt cắt và hình ảnh không gian (3D) của nhà có thể thấy ở Hình 1.


Hình 1. Mặt bằng, mặt cắt và hình không gian của nhà ở quy mô 40m2

4. Quy trình chế tạo gạch đất không nung

Quy trình chế tạo gạch đất không nung gồm các bước cơ bản như sau:

(1 )Đất được khai thác tại vị trí cần làm nhà, cần bỏ lớp mặt có các rễ cây

(2) Đánh tơi đất đến kích thước < 5 mm. Trộn đất với xi măng theo hàm lượng 8-10%.


(3) Ép gạch tạo ra gạch với lực ép > 10 MPa.

(4) Bảo dưỡng gạch tự nhiên

Hình 2. Các bước chế tạo gạch đất không nung

Sản phẩm gạch đất không nung đạt được khối lượng thể tích 1800-2200 kg/m3, cường độ nén lớn hơn 3,5 MPa (tuổi 28 ngày,  Hình 3), độ hút nước nhỏ hơn 20%.

Hàm lượng xi măng, %

Hình 3. Ảnh hưởng của hàm lượng xi măng đến cường độ nén của gạch đất không nung đối với gạch có khối lượng thể tích khác nhau 1800-2200 kg/m3

5. Quy trình xây dựng nhà sử dụng gạch đất không nung

Với mục tiêu là xây dựng nhà ở thân thiện với môi trường, do đó ngoài việc sử dụng gạch đất không nung làm tường bao che, lá cọ được sử dụng để lợp mái để phù hợp với kiến trúc bản địa. Sau đây là các bước xây dựng nhà từ làm móng đến tường và mái (Hình 4).

  1. Xây dựng móng nhà

(2).Xây tường bao sử dụng gạch đất không nung

     (3).Chuẩn bị các tấm lá cọ để lợp mái, dựng khung làm mái và lợp mái

  (5). Hoàn thiện ngôi nhà

  

 

Hình 4. Các bước xây dựng nhà mái cọ sử dụng gạch đất không nung

6. Kết luận

Việc nghiên cứu và ứng dụng vật liệu địa phương để xây dựng nhà ở cho người nghèo ở vùng núi cao phía Bắc đã được thực hiện từ các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và ứng dụng tại xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

Một số kết luận có thể rút ra như sau:

- Sử dụng gạch đất không nung và mái cọ là giải pháp hợp lý để xây dựng nhà ở thân thiện môi trường, phù hợp với kiến trúc bản địa, tiết kiệm chi phí vật liệu và nhân công khi có sự tham gia của người dân, và giảm thiểu khó khăn vận chuyển.

- Gạch đất không nung đề xuất phù hợp cho xây dựng nhà ở này có cường độ nén lớn hơn 3,5 MPa, khối lượng thể tích từ 1800-2200 kg/m3, sử dụng hàm lượng xi măng 8-10%./.

Nguyễn Trung Hiếu, Nguyễn Duy Thanh, Trần Quốc Cường, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Công Thắng, Phạm Xuân Đạt, Nguyễn Văn Tuấn*

(*Trường Đại học Xây dựng Hà Nội Email: tuannv@huce.edu.vn)


TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Cao Duy Tiến và CCS (2003), Báo cáo tổng kết dự án “Điều tra khảo sát và đề xuất công nghệ chế tạo vật liệu làm tường sử dụng vật liệu địa phương để xây dựng nhà cho đồng bào dân tộc tỉnh Lào Cai và các tỉnh miền núi phía bắc”, Viện Khoa học công nghệ xây dựng.

[2]. Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP (2008), Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.

[3]. Nguyễn Tất Thắng (2020), Nghiên cứu thiết kế mẫu nhà ở đô thị và nông thôn phù hợp các vùng, miền toàn quốc.

[4]. Nguyễn Tất Thắng (2020), Nghiên cứu thiết kế mẫu nhà ở đô thị và nông thôn phù hợp nhà ở tái định cư khu vực miền núi phía Bắc, Đề tài Bộ Xây dựng

[5]. Phòng Nghiên cứu Lịch sử và bảo tồn di sản kiến trúc - Viện Nghiên cứu Kiến trúc Quốc gia (2008), “Ðiều tra khảo sát kiến trúc nhà ở truyền thống các dân tộc miền núi phía bắc và Tây Nguyên, đề xuất bảo tồn và khai thác giá trị kiến trúc nhà truyền thống”, Đề tài Bộ xây dựng.

[6]. Phùng Đức Tùng và ccs (2017), Tổng quan thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số, Tiểu dự án Hỗ trợ giảm nghèo PRPP - Ủy ban dân tộc do UNDP và Irish Aid tài trợ.

[7]. Quyết định số 79/2017/QĐ-UBND (2017), Ban hành quy định nội dung và mức hỗ trợ kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước để thực hiện một số dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

[8]. Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 (1998), Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Các tin khác

Dai Viet IDC - Hướng đến một môi trường xanh để phát triển bền vững
Dai Viet IDC - Hướng đến một môi trường xanh để phát triển bền vững

MTXD - Ngày 26/4/2024, Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng Đại Việt (Dai Viet IDC) đã...

Hà Nội công nhận điểm du lịch Lệ Mật quận Long Biên
Hà Nội công nhận điểm du lịch Lệ Mật quận Long Biên

​MTXD - Tối 26/4 vừa qua, Quận ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Long Biên đã tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận điểm du lịch Lệ Mật - phường Việt Hưng đồng thời khai mạc Tuần lễ Văn hóa - Thương mại - Làng nghề gắn với Lễ hội truyền thống đình làng Lệ Mật.

Bộ Xây dựng họp báo thường kỳ quý I/2024
Bộ Xây dựng họp báo thường kỳ quý I/2024

​MTXD – Ngày 26/4, Bộ Xây dựng tổ chức họp báo quý I/2024 với sự tham dự của đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chủ trì cuộc họp.

Hướng dẫn về tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội
Hướng dẫn về tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội

MTXD - Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư.

Hải Phòng: Hạn chế ôtô con, ôtô tải qua phà Đồng Bài trong kỳ nghỉ lễ 30.4-1.5
Hải Phòng: Hạn chế ôtô con, ôtô tải qua phà Đồng Bài trong kỳ nghỉ lễ 30.4-1.5

​MTXD - UBND TP.Hải Phòng vừa có văn bản hỏa tốc số 922/UBND-QH2 về việc các phương án cấp bách phân luồng phương tiện giao thông qua phà Đồng Bài (huyện Cát Hải).