Tiếp cận kinh tế tuần hoàn của ISRAEL qua xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải rắn đô thị kinh nghiệm cho Việt Nam

MTXD - Tóm tắt: Quốc gia Do Thái khi lập nước năm 1948 có xuất phát điểm khó khăn và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nên luôn nỗ lực tối đa hoá hiệu quả sử dụng nguồn lực. Do đó, mô hình nền kinh tế tuần hoàn là tối ưu để Israel hướng tới. Israel đã đạt những thành tựu khả quan trong việc tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn ở hai nội dung chính:

MTXD - Tóm tắt: Quốc gia Do Thái khi lập nước năm 1948 có xuất phát điểm khó khăn và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nên luôn nỗ lực tối đa hoá hiệu quả sử dụng nguồn lực. Do đó, mô hình nền kinh tế tuần hoàn là tối ưu để Israel hướng tới. Israel đã đạt những thành tựu khả quan trong việc tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn ở hai nội dung chính: i) Trong lĩnh vực tái chế nước thải sinh hoạt được khởi động cách đây khoảng 30 năm, đến nay đã đạt những thành tựu xuất sắc, được đánh giá là mô hình quốc gia nổi bật về tái chế nước thải sinh hoạt phục vụ nông nghiệp. ii) Trong lĩnh vực tái chế chất thải rắn đô thị, Israel cũng đã chính thức bắt đầu chiến lược này, coi đó là một nhân tố cốt lõi để quốc gia trở thành một nền kinh tế tuần hoàn. Trong những năm kế tiếp, nhờ những ưu thế về khoa học công nghệ hiện đại và các chính sách hỗ trợ tốt, Israel nỗ lực đạt bướctiến vượt bậc trên bản đồ thế giới trong việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn đầy đủ. Những kinh nghiệm từ Israel về xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải rắn đô thị là rất cần thiết cho Việt Nam tham khảo, vươn tới một nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Từ khoá: Chất thải rắn đô thị; Israel; Kinh tế tuần hoàn; Nước thải sinh hoạt; Phát triển bền vững; Tái chế.

1. Đặt vấn đề

Quá trình phát triển kinh tế thường đi đôi với việc khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến đời sống con người. Vì thế, yêu cầu đặt ra là các quốc gia cần thay đổi chiến lược phát triển kinh tế, chú trọng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Mô hình nền kinh tế tuần hoàn đã được nhiều quốc gia châu Á và châu Âu thực hiện tốt. Tiêu biểu: i) Malaysia xây dựng kế hoạch sản xuất bền vững giai đoạn 2015-2030, không chôn lấp và mở rộng vòng đời rác thải. ii) Singapore đề cao khẩu hiệu “tái chế mọi thứ”, biến rác thành năng lượng từ năm 1979 - dùng nhiệt phát điện, lọc khói trước khi thải ra môi trường, số rác còn lại bồi đắp thành một hòn đảo nhân tạo. iii) Hàn Quốc ra quy định loại bỏ chất thải từ năm 2013: yêu cầu trả phí cho số rác vượt quy định (60% số tiền đó để chi trả cho xử lý chất thải), 95% rác thải thực phẩm được tái chế thành thức ăn chăn nuôi, phân hữu cơ, nước từ rác lên men thành dầu sinh học.

iv) Trung Quốc đã xây dựng một lộ trình cụ thể cho phát triển kinh tế tuần hoàn như: Ban hành Luật về Kinh tế tuần hoàn từ năm 2008, Chương trình Kinh tế tuần hoàn năm 2017, ký Biên bản ghi nhớ giữa Trung Quốc với EU về hợp tác kinh tế tuần hoàn năm 2018; và Định hình ba cấp độ tuần hoàn gồm vòng tuần hoàn lớn (toàn nền kinh tế), vòng tuần hoàn trung bình (quy mô vùng, tiểu vùng), vòng tuần hoàn nhỏ (quy mô doanh nghiệp, khu công nghiệp). v) Thuỵ Điển đã tuyên truyền mạnh mẽ để thay đổi nhận thức của công chúng, đánh thuế cao với các loại chất thải, có ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng nhiên liệu sinh học, tái chế chất thải. Israel nhận thức nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, trong đó các chất thải được quay vòng và trở thành nguyên liệu cho quy trình sản xuất kế tiếp, từ đó giảm rác thải, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người (Daskal S., 2020).

Việt Nam cũng xác định rõ vai trò của mô hình kinh tế tuần hoàn. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chủ trương phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 đạt được các mục tiêu phát triển bền vững bằng việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, tích cực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trên quy mô lớn. Định hướng đó nằm trong lộ trình thống nhất:

1) Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; 2) Đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; 3) Đến năm 2045, Việt Nam là quốc gia phát triển, thu nhập cao (Vietnam, 2021).

2. Nghiên cứu lý thuyết

Kiến trúc sư Walter R. Stahel chia ba loại hình kinh tế công nghiệp gồm: kinh tế tuyến tính, kinh tế tuần hoàn, kinh tế hiệu quả (Stahel, 2016): 1) Nền kinh tế tuyến tính (linear economy) vận hành như một dòng sông, biến các tài nguyên thiên nhiên thành vật liệu và sản phẩm cơ bản rồi bán ra thông qua các bước gia tăng giá trị. Kinh tế tuyến tính được thúc đẩy bởi hội chứng “lớn hơn - tốt hơn - nhanh hơn - an toàn hơn”, với xu hướng bán càng nhiều càng tốt; nên chỉ hiệu quả trong việc khắc phục tình trạng khan hiếm, nhưng hoang phí trong các thị trường đã bão hòa.

2)Nền kinh tế tuần hoàn (circular economy) như một hồ nước, trong đó việc tái chế hàng hóa và nguyên vật liệu tạo ra công ăn việc làm, tiết kiệm năng lượng, hạn chế tiêu thụ nguồn lực, giảm rác thải. Ví dụ, làm sạch chai thủy tinh để tái sử dụng sẽ nhanh và rẻ hơn sản xuất chai mới từ quặng hoặc thay vì vứt bỏ lốp xe cũ, doanh nghiệp xử lý rác sẽ thu gom và bán lại cho ai có nhu cầu để tái sử dụng. 3) Nền kinh tế hiệu quả (performance economy) tiến một bước nữa, bằng cách bán hàng hóa như một loại dịch vụ thông qua các mô hình kinh doanh thuê, cho thuê và chia sẻ.

Nhà sản xuất vẫn giữ quyền sở hữu sản phẩm, chịu chi phí về rủi ro và loại bỏ sản phẩm. Nền kinh tế hiệu quả tập trung vào giải pháp thay thế sản phẩm, tăng lợi nhuận từ sử dụng sản phẩm hiệu quả, ngăn chặn xả rác.
Chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững đến năm 2030 cam kết đưa thế giới tiến tới phát triển bao trùm và bền vững. Trung tâm của SDGs là bộ 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững SDGs (Sustainable Development Goals), hàm chứa 169 chỉ tiêu khả thi (UNDP, 2015 a). SDGs được thực hiện trong giai đoạn 2015-2030, kế tiếp bộ Mục tiêu Phát triển Thiên niên Kỷ MDGs (The Millennium Development Goals) được thực hiện từ năm 2000-20151 (UNDP, 2015 b). Rất nhiều mục tiêu trong 17 SDGs đều hướng tới phát triển bền vững2. Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2030, nhu cầu sử dụng tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế toàn cầu sẽ tăng gấp ba lần hiện nay, vượt rất xa khả năng cung ứng. Trong đó, châu Á có tốc độ gia tăng mạnh, song hành với việc phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Đó là lý do toàn thế giới, đặc biệt là châu Á cần quan tâm đến mô hình kinh tế tuần hoàn, để vừa phát triền kinh tế vừa bảo vệ môi trường.

Việt Nam rất quan tâm đến mô hình kinh tế tuần hoàn. Tại cuộc họp của Đại hội đồng Quỹ Môi trường Toàn cầu lần thứ 6 (GEF 6) tổ chức ở Việt Nam năm 2018, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) cùng các chính phủ và tổ chức liên quan ưu tiên thảo luận về nền kinh tế tuần hoàn, mục tiêu tạo ra lợi ích kinh tế từ gia tăng hiệu quả nguồn lực, bảo vệ môi trường, tăng việc làm, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững (Cuc, 2018). (trích nguồn theo APA, tài liệu tham khảo trên đã có trong Reference,)

Như vậy, nền kinh tế tuần hoàn tận dụng tất cả những gì phát sinh trong quá trình sản xuất thông qua phân loại, tái sử dụng, tái chế... Đây là một mô hình ưu việt, loại bỏ phát sinh rác thải, mục tiêu xa hơn là phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Nền kinh tế tuần hoàn tối đa hóa giá trị tại mỗi giai đoạn trong vòng đời sản phẩm, đòi hỏi hình thành các hệ thống phụ trợ, theo đó tạo ra công ăn việc làm mới.

Có hai mô hình của kinh tế tuần hoàn đó là: 1) Mô hình 1: Khuyến khích tái sử dụng và kéo dài tuổi thọ qua sửa chữa, nâng cấp; và 2) Mô hình 2: Biến hàng hóa cũ thành tài nguyên mới bằng cách tái chế (Stahel, 2016).

Để thực hiện nền kinh tế tuần hoàn cần thông qua các hoạt động sau:
1 MDG 1: Xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực và thiếu đói; MDG 2: Phổ cập giáo dục tiểu học; MDG 3: Bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ; MDG 4: Giảm tử vong ở trẻ em; MDG 5: Tăng cường sức khỏe bà mẹ; MDG 6: Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch nguy hiểm; MDG 7: Đảm bảo bền vững môi trường; MGD 8: Thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu vì mục đích phát triển.

2 Các SDGs bao gồm: SDG 1: Không còn nghèo; SDG 2: Triệu tiêu nạn đói; SDG 3: Sức khoẻ và có cuộc sống tốt; SDG4: Giáo dục có chất lượng; SDG 5: Bình đẳng giới; SDG 6: Nước và vệ sinh; SDG 7: Năng lượng sạch với giá thành hợp lý; SDG 8: Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế; SDG 9: Công nghiệp, sáng tạo và phát triển hạ tầng; SDG 10: Giảm bất bình đẳng; SDG 11: Các thành phố và cộng đồng bền vững; SDG 12: Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm; SDG 13: Hành động về khí hậu; SDG 14: Cuộc sống dưới nước; SDG 15:

Cuộc sống trên mặt đất; SDG 16: Hoà bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ; SDG 17: Quan hệ đối tác vì mục tiêu.

·Nghiên cứu và sáng tạo: Nội dung này là tiên quyết và cốt lõi của nền kinh tế tuần hoàn và cần được áp dụng với mọi cấp độ, mọi lĩnh vực. Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, việc nghiên cứu và tạo ra các công nghệ thay thế, công nghệ mới, quy trình sản xuất tối ưu nhằm giảm tối đa việc sử dụng tài nguyên quá mức, thúc đẩy tái chế, từ đó tạo nhiều việc làm mới, giảm thải ô nhiễm, bảo vệ môi trường...

·Chiến lược truyền thông: nội dung này được phân tầng rõ: i) Chính phủ tuyên tuyền để các tổ chức áp dụng kinh tế tuần hoàn vào kinh doanh. ii) Các doanh nghiệp xác định cách thức sử dụng tài nguyên hiệu quả, sử dụng chất thải tái chế, dùng nguyên liệu sinh học. Cần đánh giá được lợi ích với nền kinh tế, tác động đến xã hội, tính toán được chi phí, nhu cầu tái sử dụng sản phẩm.

iii) Người dân cần tiêu dùng có trách nhiệm; chủ động tham gia phân loại, tái sử dụng, tái chế rác thải.

·Chính sách khuyến khích hoặc hạn chế: Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn qua công cụ tài chính, tín dụng…. Ví dụ: tăng thuế với doanh nghiệp khai thác tài nguyên hoặc sử dụng nguyên liệu không thể tái chế; miễn giảm thuế hoặc giảm lãi vay với hoạt động tái sử dụng, sửa chữa, tái sản xuất (Stahel, 2016).

3. Kết quả nghiên cứu chính

Những bước đi ban đầu của kinh tế tuần hoàn đã xuất hiện ở Israel trong quản lý và tái chế nước thải sinh hoạt từ cách đây khoảng hơn ba mươi năm (Avi Blau, 2020). Đến năm 2018, khi thuật ngữ Kinh tế Tuần hoàn chính thức được chú trọng ở Israel, Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel phối hợp với Bộ Bảo vệ môi trường khởi động nhiều dự án để hướng đến kinh tế tuần hoàn, bước đầu là quản lý và tái chế chất thải rắn đô thị (Daskal S., 2020).

3.1. Chính sách nền tảng cho việc quản lý chất thải sinh hoạt ở Israel để tiến tới nền kinh tế tuần hoàn

Từ năm 1984-2016, Israel đã ban hành nhiều quy định, luật về việc tái chế và quản lý chất thải, như sau: Năm 1984: Luật Duy trì Vệ sinh (Mainternain of Cleanliness Law): Cấm vứt rác, phế liệu xây dựng, mảnh vụn từ xe hỏng ra khu vực công cộng; áp phí dọn dẹp cho các hoạt động gây ô nhiễm môi trường (Taiwan, 2016).

Năm 1993: Quy định Thu gom và Xử lý rác thải để tái chế (Collection and Disposal of Waste for Recycling): ban hành các nguyên tắc và quy định khung để tái chế ở Israel. Theo đó, Bộ Bảo vệ Môi trường MoEP uỷ quyền cho các địa phương xây dựng các trung tâm tái chế.

Năm 1998: Quy định Nghĩa vụ xử lý chất thải để tái chế (The Obligation of Waste Disposal for Recycling-Regulations): Yêu cầu chính quyền địa phương giảm rác thải theo nghĩa là tăng cường tái chế, song song với việc đảm bảo mục tiêu tái chế tối thiểu: đến tháng 12/1998 đạt 10%, đến tháng 12/2000 đạt 15%, đến tháng 12/2007 đạt 25%.

Năm 1999: Quy định Đặt cọc cho Hộp đựng đồ uống (Deposit on Beverage Containers): yêu cầu các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ thu tiền đặt cọc cho các hộp đựng đồ uống (loại lớn hơn 0,1 lít và nhỏ hơn 1,5 lít), không tính túi đựng và hộp giấy. Mục tiêu để người sử dụng chú ý thu hồi chai lọ và hộp đựng để nhận lại tiền cọc, những nhà cung cấp sẽ tăng cường tái sử dụng hoặc tái chế.

Năm 2007: Bổ sung Luật Duy trì Vệ sinh (Mainternain of Cleanliness Law 2007), bổ sung vào Luật năm 1984, điều khoản quy định Thu phí chôn lấp. Tính từ ngày 01/7/2007, yêu cầu những đối tượng chôn lấp rác thải phải trả phí cho mỗi tấn rác được chôn, với mục tiêu cụ thể hoá tổng chi phí thực tế của việc xử lý và tiêu hủy chất thải.

Năm 2007: Ban hành Luật Xử lý và tái chế lốp xe (Tire Disposal and Recycling): Mục tiêu là giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoá chất từ lốp xe gây ra, tăng cường tái chế lốp. Luật yêu cầu nhà sản xuất và nhà nhâp khẩu phải có trách nhiệm với việc xử lý và tái chế lốp xe, theo lộ trình hàng năm, đến tháng 7/2013 phải tái chế toàn bộ.

Năm 2011: Ban hành Luật Đóng gói (Packaging Law): Luật nhấn mạnh vào trách nhiệm trực tiếp của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu trong việc thu hồi và tái chế các bao bì phế thải từ các sản phẩm mà họ cung cấp.

Năm 2012: Luật về Thiết bị điện, điện tử và pin (Electrical and Electronic Equipment and Batteries Law): Luật quy định việc tái sử dụng các thiết bị điện, điện tử, pin, ăc quy; giảm số lượng rác thải từ các thiết bị này ra môi trường; hạn chế chôn lấp để giảm thiểu tác hại đến sức khoẻ con người. Năm 2016: Luật Giảm thiểu sử dụng túi đựng dùng một lần (The Law for the Reduction of the Use of Disposable Carrying Bags), nhằm giảm rác thải, giảm tác động xấu đến môi trường (Daskal S., 2020).

Năm 2017, chính phủ ban hành Quy định Túi nilon (Plastic Bag Law), áp mức phí lên từng túi nilon tiêu thụ (Mức phí là 0,1 NIS/túi, tương đương 0,03 USD/túi, khoảng 3 cents). Khoản phí thu được sẽ đổ vào Quỹ Duy trì Vệ sinh (ban hành cùng Luật Duy trì Vệ sinh, do Bộ Bảo vệ môi trường quản lý). Sau khi có hiệu lực từ tháng 1/2017, Quy định Túi nilon thu được những kết quả khả quan: +) Lượng túi tiêu thụ giảm mạnh khoảng 80% so với năm trước, tương đương 7,091 tấn (Kane, 2018). Năm 2016, các siêu thị và cửa hàng cung cấp cho người mua 1,8 tỷ túi nilon, sau khi có quy định con số này chỉ là 378 triệu túi (người mua cầm theo túi vải, túi bạt thay thế). Tổng chi phí các đơn vị này tiết kiệm được khoảng 88 triệu NIS/năm. Số tiền này sẽ được tính vào chi phí để giảm giá cho người tiêu dùng. +) Lượng rác túi nilon thu được từ biển giảm một nửa.

3.2. Thực trạng tiếp cận kinh tế tuần hoàn ở Israel thông qua tái chế nước thải sinh hoạt và chất thải rắn đô thị

Thứ nhất: Quản lý và tái chế nước thải sinh hoạt

Hoạt động tái chế nước thải sinh hoạt bắt đầu khi Israel khởi công xây dựng nhà máy thu gom và thái chế nước thải quy mô lớn Shafdan vào năm 1967, hoàn thành năm 1977 (đến nay trải qua nhiều lần bảo trì và nâng cấp để tăng năng suất). Song thời điểm năm 1989 chính thức đánh dấu việc Israel hoàn thiện vòng tuần hoàn của nước thải, khi nguồn nước tái chế được dẫn xuống sa mạc Negev để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Quá trình này đã biến nước thải trở thành tài nguyên cho một quá trình sản xuất mới. Hiện nay, nước thải sinh hoạt ở Israel được tái chế qua năm vòng tuần hoàn và sử dụng hiệu quả trong nông nghiệp.


Nguồn: Tác giả tổng hợp.

Nước sinh hoạt được tái chế hầu hết sử dụng cho sản xuất và tưới tiêu nông nghiệp (khoảng 85%); phục vụ các mục đích cải thiện môi trường, ví dụ như tăng lưu lượng dòng chảy hoặc chữa cháy (10%); số còn lại đổ ra biển (5%) (Team, 2020). Từ những năm 2000, Israel đầu tư khoảng 750 triệu đô la vào việc tái chế nước. Hiện Israel có khoảng 67 cơ sở xử lý nước thải lớn, trong đó 10 cơ sở lớn nhất xử lý hơn 56% lượng nước thải thu gom của cả nước. Những nhà máy tái chế nước thải lớn nhất, đều nằm dưới sự điều hành của Công ty Nước Quốc gia Mekorot (Tahal, 2020) gồm: 1) Shafdan là nhà máy tái chế nước thải quy mô lớn và công nghệ hiện đại nhất Trung Đông, xử lý nước thải cho 2,5 triệu dân khu vực đô thị Tel Aiv mở rộng. Trong nhà máy, nước thải được đưa vào các hồ chứa, qua các quy trình lọc nhất định. Những cánh đồng chuối lớn được trồng sau hồ để tạo sự xanh mát, giảm thiểu bốc hơi tự nhiên. Nước qua xử lý được đưa vào Hệ thống đường ống số 3 dẫn xuống sa mạc Negev, tưới cho 60% diện tích ở đây1. 2) Tổ hợp Kishon là nhà máy tái chế nước thải lớn thứ hai, đưa nước đến vùng nông nghiệp Haifa và Thung lũng Jezreel. 3) Nhà máy Emek Hefer cung cấp nước tái chế cho nông dân vùng Emek Hefer để tưới và dự trữ trong mùa hạn. 4) Nhà máy Ashkelon cung cấp cho khu vực Ashkelon. 5) Nhà máy Karmiel cung cấp nước cho khu vực thung lũng Beit Hakerem và các hồ chứa dự trữ.

Ngoài nguồn nước tái chế nêu trên, nước sử dụng cho nông nghiệp còn được lấy từ khai thác nước mưa, xử lý nước mặn, tái chế nước thải sinh hoạt:

1) Thu nước mưa tích trữ để dùng dần: Israel là quốc gia có điều kiện tự nhiên đặc biệt khô hạn, lượng mưa rất thấp và thay đổi theo từng mùa. Lượng mưa phía Bắc Israel khoảng 800 mm/năm, ở phía Nam chỉ khoảng 50 mm/năm. Thậm chí ở sa mạc Negev lượng mưa chỉ 20-50 mm mỗi năm. Do đó nước mưa được thu vào bể chứa để dùng dần. Mùa mưa kéo dài từ tháng 11 đến khoảng tháng 3 năm sau.

2) Khai thác và cân bằng độ mặn của nước ngầm: Tại trung tâm nông nghiệp Avara, Israel xây một bể chứa nước Shizaf. Bể có kích thức rất lớn, mặt nổi 10m, đáy chìm 3,5m dưới lòng sa mạc, chia thành nhiều tầng khác nhau, dùng để tích trữ nước mưa và nước từ giếng khoan (phải khoan hơn 1 km mới đến túi nước ngầm). Bể được thiết kế để chống lại chế độ bốc hơi tự nhiên (lượng bốc hơi tự nhiên ở Israel rất cao khoảng 1.900-2.600 mm/năm). Shizaf dự trữ 150.000m3 nước sạch phục vụ sản xuất nông nghiệp. Dù đào sâu như vậy nhưng nguồn nước vẫn nóng và nhiễm mặn, nên cần được xử lý bằng phương pháp cân bằng độ mặn từ nước biển trước khi sử dụng tưới cây và chăn nuôi.

3) Cân bằng độ mặn trong nước biển: Israel xây dựng khoảng 24 nhà máy khử mặn ở Eilat, Biển Chết, sa mạc Arava, sa mạc Negev…, cung cấp 161 triệu m3 nước tưới mỗi năm. Do khử muối rất tốn kém, các nhà khoa học Israel mất sáu năm để hoàn thành dự án không tách muối, chỉ cân bằng chính xác giữa nước, muối, dinh dưỡng, ánh sáng. Nguồn nước này được dùng để: i) Tưới cây: Theo những người nông dân Israel, điều thú vị là nông phẩm được tưới nước mặn lại cho vị đậm đà và giữ tươi lâu hơn tưới bằng nước thường. ii) Nuôi các loại cá nước ấm: Sau thu hoạch cá, nguồn nước này tiếp tục dùng để tưới cây. Phương pháp “nông nghiệp nước mặn” rất thành công và tạo tiếng vang cho nông nghiệp cho Israel trên toàn thế giới.

Thứ hai: Bước đầu xây dựng vòng tuần hoàn trong xử lý chất thải rắn đô thị
Bộ Bảo vệ Môi trường MoEP xây dựng Chương trình Xử lý Chất thải rắn đô thị đến năm 2030, với mục tiêu chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính tiêu tốn tài nguyên hiện tại sang nền kinh tế tuần hoàn vào năm 2050. Trong đó tập trung vào hoạt động tái chế rác thành tài nguyên, tối thiểu hoá rác chôn lấp, giảm thiểu tác hại đến môi trường. Năm 2019, Israel tạo ra 5,8 triệu tấn chất thảirắn đô thị, tương đương 1,76 kg/người/ngày, 642 kg/người/năm, nhiều hơn 30% so EU (1,4 kg/người/ngày). Theo tốc độ đó, lượng chất thải dự kiến sẽ tăng 25% vào năm 2030, lên 7,5 triệu tấn/ năm. Khoảng 80% lượng rác thải này được chôn lấp tại các bãi (con số này không thay đổi nhiều trong 20 năm qua). Tỷ lệ tái chế ở Israel là 20%, thấp hơn các nước OECD khác (là 46% vào năm 2017). Thực hiện chiến lược Xử lý Chất thải sinh hoạt đến năm 2030 nhằm đạt mục tiêu: 54% rác thải đô thị được tái chế; 100% cơ sở hạ tầng phân loại rác tại nguồn; 0% chôn lấp chất thải chưa qua xử lý; 20% chôn lấp chất thải đã qua xử lý; giảm 47% lượng phát thải khí nhà kính so với hiện nay (Protection, 2021). (bổ sung nguồn).

Các biện pháp đang được Israel thực hiện gồm:

1. Nghiên cứu và phát triển để tối ưu hoá phân loại và xử lý rác: Xây dựng các cơ sở phân loại và xử lý chất thải tại nguồn (do Quỹ Duy trì Vệ sinh tài trợ). Thực hiện năm bước trong hệ thống phân cấp là: giảm rác thải tại nguồn à tái sử dụng vật liệu à tái chế làm phân bón à đốt để thu hồi năng lượng à chôn lấp. Phân loại rác tại nguồn như sau: Đặt ba thùng thu gom ở các vị trí thuận tiện gồm: thùng màu nâu đựng rác hữu cơ; thùng màu cam đựng chất thải khô, có thể tái chế; thùng màu xanh lá cây đựng rác thải hỗn hợp, không thể tái chế. Rác hữu cơ (trong thùng nâu, chiếm 43% tổng lượng rác) sẽ được đưa đến cơ sở xử lý sinh học, tiếp tục được phân loại, chuyển đến hệ thống phân hủy kỵ khí để sản xuất khí sinh học và phân bón hữu cơ cho cây trồng.

Rác khô, có thể tái chế (trong thùng màu cam, chiếm khoảng 39%) được đưa cơ sở phân loại, tách thành các dòng khác nhau, đưa đi tái chế. Rác không thể tái chế (trong thùng xanh, chiếm khoảng 18%) được chuyển đến cơ sở phân loại, thu hồi vật liệu có thể tái chế, những thứ không thể tái chế được đưa tới nhà máy sản xuất năng lượng hoặc chôn lấp.

2. Chiến lược truyền thông: Chính phủ tập trung vào chính quyền địa phương và người dân.

Tuyên truyền khẩu hiệu “Save As You Throw”, để từng địa phương và nhân dân thấy nghĩa vụ thu gom và phân loại các dòng chất thải riêng biệt.

3. Áp dụng các chính sách khuyến khích: Chính phủ quy định rõ "người gây ô nhiễm phải trả tiền", áp trách nhiệm và chi phí xử lý chất thải lên người tạo ra chất thải. Các hộ gia đình thải ít rác hoặc phân loại rác tại nguồn tốt sẽ trả phí ít hơn1. Chính sách nếu được thực hiện tốt sẽ giảm 10% -15% lượng chất thải phát sinh, tăng 35% -50% tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn, giảm tổng chi phí xử lý chất thải cho chính quyền địa phương.

4. Đánh giá và bàn luận

4.1. Thành công

Thứ nhất: Trong lĩnh vực xử lý nước thải sinh hoạt, Israel đã tạo được một vòng quay liên kết giữa nước thải từ dân cư tới hoạt động chăn nuôi và trồng trọt. Đến nay, khoảng 87% nước thải ở Israel được tái chế, cao hơn nhiều so với bất cứ quốc gia nào trên thế giới (ví dụ Mỹ khoảng 10%).

Điều này thực sự quan trọng trong điều kiện nguồn nước ngày càng khan hiếm. Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp Israel thành công do có sự hợp tác tích cực giữa Chính phủ - Doanh nghiệp - Cộng đồng nông nghiệp.

Thứ hai: Trong hoạt động tái chế chất thải rắn đô thị, Israel đã thu được một số kết quả khả quan. Nếu thực hiện tốt Chương trình Xử lý Chất thải rắn đô thị MSW (Municipal Solid Waste), Israel sẽ tiết kiệm hàng tỷ shekel trong thập niên tới, giảm phát sinh chất thải trên đầu người, tăng tỷ lệ tái chế từ 20% lên 54%, giảm 50% nhu cầu xây dựng các cơ sở nhiệt điện (Protection, 2021).

Israel thực hiện tốt xử lý chất thải rắn đô thị do đã tạo mối liên kết chặt chẽ giữa Cộng đồng cư dân - Doanh nghiệp tái chế - Trường đại học. Ví dụ Kibbutz Tze’Elim - tiên phong trong tái chế rác thải sinh hoạt thành các sản phẩm nhựa do công ty UBQ Material đảm nhiệm, đã gắn kết chặt chẽ với các giáo sư chuyên ngành vật liệu, công nghệ sinh học ở trường đại học Hebrew. Hệ sinh thái Cộng đồng - Doanh nghiệp - Trường đại học nêu trên đã tạo ra hai thành công lớn: i) Về vật liệu: Tiên phong trong công nghệ vật liệu nhựa thế hệ hai (nhựa được củng cố bởi các sợi hữu cơ); ii) Về môi trường: Giảm đáng kể lượng khí mê tan - trong ngắn hạn góp phần tăng nhiệt độ toàn cầu mạnh hơn khí cacbon đioxit (Morrison & Kordona, 2019).

Thứ ba: Hoạt động tái chế phục vụ nền kinh tế tuần hoàn (gồm cả tái chế nước thải và chất thải rắn đô thị) ở Israel diễn ra trong các nông trang Do Thái Kibbutz nên có nhiều thuận lợi. Bởi đặc thù của Kibbutz là một cộng đồng cư dân sinh hoạt tập trung, nên các chính sách, phương án, cách thức thực hiện lại càng thống nhất.

4.2. Hạn chế - Nguyên nhân

Yếu tố quan trọng để đạt được kinh tế tuần hoàn là đóng kín vòng tuần hoàn xử lý chất thải rắn đô thị đã được chính phủ Israel thực hiện song chưa ráo riết. Trong nhiều năm qua, vòng tròn xử lý chất thải rắn đô thị tuy đã được chú trọng song chưa có bước cải thiện vượt bậc trong tương quan với thực trạng khoa học công nghệ hiện đại ở Israel. Trách nhiệm được đặt ra cho hai cơ quan đứng đầu gồm Bộ Bảo vệ Môi trường và Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel. Do đó, từ năm 2019, hai bộ chủ trương hợp nhất các kế hoạch để đạt được kinh tế tuần hoàn theo một lộ trình thống nhất gồm: Xây dựng dự luật à Chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng à Thúc đẩy tái chế à Tạo vòng tuần hoàn (Daskal S., 2020).

4.3. Gợi ý cho Việt Nam

Với mục tiêu tiến tới nền kinh tế tuần hoàn theo hướng tiếp cận xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải rắn đô thị, Việt Nam có thể tham khảo những kinh nghiệm từ Israel theo hướng như sau:

Một là: Xây dựng sự gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước - Trường đại học - Doanh nghiệp - Cộng đồng cư dân. Trong đó nhà nước xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các hoạt động tái chế và đầu tư cho các dự án tái chế quy mô lớn, trường đại học chịu trách nhiệm tư vấn về công nghệ, doanh nghiệp đầu tư cho các dự án quy mô nhỏ và vận hành các dự án tái chế nói chung, các cộng đồng cư dân có trách nhiệm giảm thiểu nước thải, phân loại rác thải tại nguồn…

Hai là: Việc tái chế nước thải và lưu trữ trong các bể chứa có công nghệ giảm bốc hơi tự nhiên để sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp như Israel đã làm rất có ý nghĩa cho Việt Nam. Điều này càng có ý nghĩa trong phát triển nông nghiệp ở các tỉnh khô hạn vùng Nam Trung Bộ như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận (nhất là các huyện miền núi). Ngoài ra, có thể sử dụng các sản phẩm tái chế từ rác hữu cơ trong chất thải rắn đô thị làm phân bón cho cây trồng.

Ba là: Thực hiện các chương trình tuyên truyền và huy động toàn xã hội tham gia vào lộ trình hoàn thiện nền kinh tế tuần hoàn, với mục tiêu xây dựng kinh tế tuần hoàn theo lộ trình từ cấp Quốc gia à Địa phương à Doanh nghiệp à Người dân. Quốc gia và địa phương sẽ định hướng các chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn, có chiến lược truyền thông rộng rãi, hỗ trợ bằng chính sách tài chính, tín dụng cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mô hình tuần hoàn. Trong nền kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, thực hiện theo hai mô hình kinh doanh: 1) Khuyến khích tái sử dụng và kéo dài tuổi thọ qua sửa chữa, nâng cấp. 2) Biến hàng hóa cũ thành tài nguyên mới bằng cách tái chế vật liệu, tái sản xuất. Hơn cả, ý thức của người dân thực sự quan trọng, nên cần có chiến lược truyền thông để nhân dân sử dụng nước tiết kiệm,giảm thiểu dùng sản phẩm nhựa, nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần…

5. Kết luận

Israel khá thành công trong việc hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp và người dân thực hiện tốt Chương trình Tái sử dụng Tài nguyên nước, Chương trình Xử lý Chất thải rắn đô thị đến năm 2030. Thời gian tới, Israel nỗ lực hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn đầy đủ, trên cơ sở tận dụng năng lực khoa học công nghệ tiên tiến của quốc gia, theo xu hướng phát triển kinh tế bền vững của thế giới. Mục tiêu cao nhất không chỉ là tái sử dụng chất thải, mà còn là kết nối giữa các hoạt động kinh tế theo một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Những kinh nghiệm từ Israel rất hữu ích để Việt Nam có thể tham khảo, cá biệt trong việc tái chế nước thải sinh hoạt phục vụ nông nghiệp và tái chế chất thải rắn đô thị, hướng đến xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững’

TRẦN THÙY PHƯƠNG*


Tài liệu tham khảo
1. Vietnam, Đ. C. (2021). Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 1. ,https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thuxiii/nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-3663 .
2. Stahel, W. R. (2016). The Circular Economy. The Nature.
3. UNDP. (2015 a). Sustainable Development Goals.https://www.undp.org/content/undp/en/home/sustainable-development-goals.html, General Assembly Open Working Group (OWG),New York.
4. UNDP. (2015 b). Frrom MDGs to SDGs. https://www.sdgfund.org/mdgs-sdgs .
5. Cúc, T. (2018). GEF 6: Xác định cụ thể các thách thức môi trường toàn cầu. Báo Chính phủ.
6. Avi Blau, C. J. (2020). Israel Country Profile. ww.switchmed.eu.
7. Daskal S., A. O. (2020). Circular Economy - Situation in Israel. In G. S. (eds), CircularEconomy: Global Perspective. Springer, Singapore.
8. Kane, H. (2018). Israel sees 80% drop in Plastic Bag Consumption After 2017 LawImplementing Bag Free. Haaretz.
9. Team, F. N. (2020). Israel Leads World in Water Recycling. https://www.fluencecorp.com/israel-leads-world-in-water-recycling/.
10. Team, F. N. (2020). Israel leads world in water recycling.https://www.fluencecorp.com/israel-leads-world-in-water-recycling/ .

11. Jim Morrison, S. K. (2019). Revolutionary recycling? A new technology turnseverydaytrashintoplastictreasure.https://www.washingtonpost.com/graphics/2019/climatesolutions/israeli-startup-ubq-turning-trash-into-plastic-products/ .
12. Protection, M. o. (2021). Ministry unveils new waste strategy that is bothEnvironmentalandEconomic.https://www.gov.il/en/departments/news/ministry_unveils_new_waste_strategy_for_israel .
13. Taiwan, S. a. (2016). Israel's technological innovation System. https://stli.iii.org.tw/en/ article-detail.aspx?no=105&tp=2&i=168&d=6713 .
14. Tahal. (2020). Israel-wastewater collection, treatment and reuse system "shafdan" Danregion, https://www.tahal.com/project/wastewater-collection-treatment-and-reuse-system-hafdan-dan-region/.
* Tiến sĩ, Nghiên cứu viên chính, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, email: tranthuyphuong@iames.gov.vn

Các tin khác

Mối nguy hại của rác thải bị tuồn trái phép từ châu Âu vào Đông Nam Á
Mối nguy hại của rác thải bị tuồn trái phép từ châu Âu vào Đông Nam Á

​MTXD - Buôn bán chất thải bất hợp pháp từ châu Âu đến Đông Nam Á đang trở thành hoạt động trái phép có lợi nhuận cao, rủi ro thấp và tác động nguy hại đến môi trường, nền kinh tế cùng sức khỏe con người.

TP.HCM: Sắp tổ chức hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và bảo vệ, phòng chống cháy rừng
TP.HCM: Sắp tổ chức hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và bảo vệ, phòng chống cháy rừng

MTXD-UBND TP.HCM vừa có kế hoạch tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng cấp Thành phố năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Thời gian dự kiến tổ chức diễn ra trong tuần lễ cuối tháng 4/2024 tại trụ sở UBND TP.HCM.

Khởi động “Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ”
Khởi động “Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ”

MTXD - Ngày 16/4, tại TP. Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), Phái đoàn EU tại Việt Nam và AFD thuộc Nhóm châu Âu đã tổ chức hội thảo khởi động chương trình tăng cường năng lực chống chịu biến đổi khí hậu của 4 tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ.

Hà Nội yêu cầu tăng cường đảm bảo vệ sinh môi trường
Hà Nội yêu cầu tăng cường đảm bảo vệ sinh môi trường

MTXD - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ra Công điện số 03/CĐ-CTUBND (ngày 16/4/2024) về việc tăng cường đảm bảo vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn Thành phố.

Giảm rác thải nhựa – lời giải cho bài toán xanh hoá thương mại điện tử
Giảm rác thải nhựa – lời giải cho bài toán xanh hoá thương mại điện tử

MTXD - Để có thương mại điện tử xanh vấn đề cấp thiết lúc này chính là giảm thiểu tình trạng sử dụng bao bì, vật liệu nhựa trong ngành thương mại điện tử.