Tiếp xúc với nghệ thuật diễn dịch cấu trúc
MTXD - Diễn dịch cấu trúc (Deconstructivism), còn gọi là Giải cấu trúc, Giải toả kết cấu hay Hậu cấu trúc (Post – structuralism). Nghĩa đen của từ này là làm vỡ hoặc phá hủy một trật tự không thời gian hay hệ thống kết cấu, bố cục hình khối, kể cả một định dạng siêu hình chủ quan. Ban đầu, diễn dịch cấu trúc chưa phải là một phong cách nghệ thuật, càng không phải là một phong trào tiên phong chống lại nền văn hóa xã hội. Có lẽ vì vậy, khi tiếp xúc với nghệ thuật Diễn dịch cấu trúc, người ta dễ lầm lạc. Nguyên nhân chủ yếu là do họ không phân biệt được hình thức bề ngoài của nó với các biểu hiện kiến tạo (tạo dựng), Chủ nghĩa kết cấu Nga, chủ nghĩa vị lai, Tối thượng, Trừu tượng, siêu thực, duy lý cơ giới, dada, kể cả hiện đại – kỹ thuật cao sau này.
Trên bình diện hậu cấu trúc, nên hiểu diễn dịch cấu trúc ám chỉ các hình thức triết học và văn học nghệ thuật mà lý thuyết của chúng vừa mang tính tạo lập, vừa kèm theo bác bỏ các ý tưởng bắt nguồn từ sản phẩm trí tuệ đi trước nó – Cấu trúc (Structuralism). Các nhà diễn dịch cấu trúc thường đưa ra những phê phán khác nhau về Chủ nghĩa cấu trúc, nhưng hầu hết chủ đề trong đó đều cật vấn sự đối lập nội tại của mỗi thành tố cấu trúc và không chấp nhận tính “tự cung tự cấp” của Chủ nghĩa cấu trúc. Theo đó, Chủ nghĩa diễn dịch cấu trúc loại bỏ sự diễn giải bằng phương tiện diễn hoạ quy lệ về thế giới bên trong cấu trúc, vốn đã được mặc định về mặt xã hội. Khi ấy, một luận văn hay một tác phẩm văn học nghệ thuật diễn dịch cấu trúc sẽ nổi bật sự phê phán nhằm vào các cấu trúc thuần túy ngữ nghĩa, chẳng còn gì là độc đáo. Ngoài ra, diễn dịch cấu trúc không hề che dấu gợi ý của nó: Để xây dựng ý nghĩa trọn vẹn của cấu trúc, trước tiên nhà khoa học, nghệ sĩ cần giả thiết một cách “sai lầm” rằng mỗi định nghĩa ký hiệu cấu trúc vừa có giá trị tư tưởng cao vừa là một hình thức bất biến. Sáng tạo là khi tác giả diễn dịch cấu trúc vượt ra ngoài những giá trị và hình thức không bất biến (sai lầm, thậm chí rất sai lầm theo giả thiết của anh ta về giá trị hình thức tiền thân của diễn dịch cấu trúc). Rồi từ đó, nhà khoa học, nghệ sĩ hoàn toàn có thể đánh giá lại chúng một cách toàn diện, trọn vẹn. Tuy nhiên, họ vẫn không quên bảo lưu các khái niệm cấu trúc luận về cái thực tại đã được trung gian hóa bởi hàng loạt mối quan hệ qua lại giữa những ký hiệu cấu trúc có thể nhận biết được. Chính sự xơ cứng và lề lối phân loại chân lý phổ quát hiện lên trong tư duy cấu trúc luận là mục tiêu phê phán triệt để của diễn dịch cấu trúc, hay nói một cách khác đó là quá trình chuyển hoá hình thức có logic thẩm mỹ.
Rắn hổ mang. 1920. Vladimir Tatlin
Diễn dịch cấu trúc thu hút về mình nhiều (thậm chí rất nhiều) phát minh thuộc những khuynh hướng trào lưu mỹ thuật, kiến trúc khác nhau; mà vì thế sinh chuyện lầm lạc như đã nói trên. Thực tế sản xuất tiêu dùng nghệ thuật cho thấy một tác phẩm diễn dịch cấu trúc chân chính bao giờ cũng là hiện thân sáng láng của phát minh không thời gian với chất lượng thị giác cao, có thể gợi nên cảm xúc đột biến. Có khi nghệ sĩ chỉ cần theo đuổi đến cùng một phát minh diễn dịch kiến trúc đặc thù là có thể đạt tới tác phẩm trọn vẹn. Siêu hình chính là ưu việt của diễn dịch cấu trúc, giúp tác phẩm có thể thâm nhập hay tách rời truyền thống, tách rời cái nhàm chán đơn điệu bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Khi đã tiếp xúc với tác phẩm diễn dịch cấu trúc thì công chúng và cả người có kiến văn đều khó lòng dứt khỏi những biểu hiện sinh động đầy bất ngờ, thậm chí bị chúng ám ảnh – Cái ám ảnh ngọt ngào đáng yêu. Cứ thế, diễn dịch cấu trúc dần trở thành một phong cách nghệ thuật thực sự như mọi phong cách để đời trong lịch sử nghệ thuật.
Chủ nghĩa tối thượng, Bảo tàng Nghệ thuật
Ngay từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, thuật ngữ “Diễn dịch cấu trúc” đã xuất hiện ở nước Pháp qua phát ngôn của những tên tuổi lẫy lừng như Michel Foucault, Jacques Lacan, Roland Barthes, Jacques Derrida. Trong đó, Derrida (triết gia Pháp, 1930 – 2004) được cho là người hoàn thiện lý thuyết. Ông nêu ra các khái niệm then chốt có tính nguyên tắc nhằm phân tích văn bản tác phẩm diễn dịch cấu trúc với tư cách là sản phẩm của “hậu cấu trúc luận”. Derrida tạo ra một trường ảnh hưởng sâu rộng ở nhiều nước Tây Âu. Đến những năm 70, nhất là những năm 80, lý thuyết diễn dịch cấu trúc tràn qua Mỹ, Đông Âu và Nga – Từ ngôn ngữ học, nó lấn sang nhiều lĩnh vực khác: Xã hội học, sử học, chính trị học, thần học, triết học, khoa học nhân văn và các chuyên ngành văn học nghệ thuật. Diễn dịch cấu trúc đã trở thành tư tưởng cập nhật với nhiều khái niệm phong phú, đa dạng, và không kém phức tạp. Tuy nhiên, không ít lập luận của Derrida không được nghệ sĩ nước ngoài tán thành, đáng kể là các họa sĩ, KTS Mỹ, thứ đến Hà Lan, Tây Ban Nha, Mỹ La Tinh hồi cuối thế kỷ 20. Và mặc cho những lời bàn cãi, hội họa diễn dịch cấu trúc vẫn không ngừng đơm hoa kết trái với rất nhiều tuyệt phẩm: “Quỹ đạo” – Họa sĩ Jelena Antic (Ierlan); Mùa Thu Đỏ – Họa sĩ Jeroen Molenaar (Hà Lan); “Bị phá hủy bởi Mặt trời” – Họa sĩ Liesbeth Willaert (Bỉ); “Không gian 27 – C” – Họa sĩ Luis Medina (Tây Ban Nha); “Ngõ 24” – Họa sĩ Luis Medina (Tây ban nha); “Bộ lạc kỷ hà 2018” – Họa sĩ Olivier Messa (CHLB Đức); “Nhịp điệu và Thước cầm tay / 1 – 4”. – Họa sĩ István Jarmeczky (Hungary); “Rồi mùa thu đến, thủy triều ngừng dâng, và chúng ta đi theo con đường riêng” – Họa sĩ Indrajeet Chandrachud (Mỹ); “Và Một Khi Gió Bắt Đầu Thổi – Rõ Như Ban Ngày” – Họa sĩ Indrajeet Chandrachud (Mỹ); “Góc phòng” – Họa sĩ Patty Rodgers (Mỹ); Những bức tranh chân dung của Nicholas Chistiakov (Họa sĩ Mỹ gốc Belarusia); “Nhân viên lễ tân S07” – Họa sĩ Vick Naresh (Canadda); “Phố núi” – Họa sĩ Francisco Silva Torrealba (Chi Lê); “Tranh phong cảnh ba tấm cạnh cứng” – Họa sĩ Jessica Moritz (Israel)…
Kiến tạo
Thuật ngữ Diễn dịch cấu trúc liên can trực tiếp đến kiến trúc xuất hiện lần đầu hồi thập niên 1980, như một sự nhấn mạnh lý thuyết bởi chính Derrida. Do là, ông rất tâm đắc với những công trình của người bạn thân là KTS Peter Eisenman. Derrida đã phát triển ý tưởng “chia nhỏ, phát tán” cấu trúc một tòa nhà của Eisenman thành những khái niệm nhiều tầng, đa nghĩa. Đó là sự khám phá hình học phi đối xứng vốn có nguồn gốc từ Chủ nghĩa kết cấu Nga, Chủ nghĩa kiến tạo (còn gọi là chủ nghĩa tạo dựng), hay Chủ nghĩa tối thượng của Kazimir Malevich, kể cả trừu tượng, siêu thực, trong khi KTS tác giả vẫn đeo bám chức năng không gian kiến trúc đã định, kết hợp cảm hứng dồn dập của chủ nghĩa hiện đại và kiến trúc quốc tế hồi giữa thế kỷ 20. Kiến trúc diễn dịch cấu trúc chính thức đến với công chúng lần đầu tại Cuộc thi dự án Công viên La Villette. Công chúng đã vỡ ra nhiều điều qua bài dự thi thắng cuộc của KTS Bernard Tschumi, cũng như phương án đầy ấn tượng của Peter Eisenman. Ngay sau đó, công chúng tiếp tục dồn sự chú ý vào triển lãm Kiến trúc diễn dịch cấu trúc – 1988, trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) – Manhattan, New York, do Philip Johnson và Mark Wigley tổ chức. Triển lãm trưng bày các tác phẩm của bảy kiến trúc sư: Frank Gehry, Zaha Hadid, Peter Eisenman, Daniel Libeskind, Bernard Tschumi, Rem Koolhaas và Coop Himmelblau. Thực ra là 9 KTS vì Coop Himmelb(l)au là thương hiệu của Công ty thiết kế kiến trúc, quy họach đô thị và thiết kế nghệ thuật, đóng trụ sở tại Vienna – Áo, do ba KTS đồng sáng lập năm 1968 là Wolf D. Prix, Helmut Swiczinsky và Michael Holzer. Họ là những người đã rất nổi tiếng vào thời điểm đó với phong cách kiến trúc liên quan đến nhiều cách khác nhau để “diễn dịch cấu trúc” chủ yếu nhằm vào các quy lệ kiến trúc thông thường. “Các dự án trong triển lãm này đánh dấu một sự nhạy cảm khác lạ, trong đó giấc mơ về hình thức thuần khiết đã bị xáo trộn. Chính khả năng làm xáo trộn suy nghĩ của chúng ta về hình thức đã khiến những dự án này trở nên phi cấu trúc…” (Phillip Johnson và Mark Wigley, đoạn trích từ sách Kiến trúc diễn dịch cấu trúc).
Người mẫu
Trước triển lãm, diễn dịch cấu trúc chưa được coi là một phong trào hay một phong cách nghệ thuật bền vững như Chủ nghĩa Lập thể hay modernism. Nhưng Johnson và Wigley đã nhìn thấu những điểm tương đồng trong những cách tiếp cận thiết kế của các KTS diễn dịch cấu trúc và kết hợp chúng dưới một mái nhà. Ở các điểm tương đồng, công chúng “đọc vị” được cách tiếp cận của Chủ nghĩa kết cấu Nga; Đó là sự khám phá không gian và khối lượng đặc trưng phát sinh do mất đối xứng hay tổn thất tính liên tục, tựa như một loại kiến trúc tự sinh kiểu như nội tiết tố sinh ra ở cơ thể người. Trong đó, trước hết các quy tắc thiết kế kinh điển bị phá vỡ và logic “hình thức tuân theo chức năng” bị lãng quên, nếu không nói là cố tình lãng quên. Thế nhưng, bằng cách nào đó, sự tinh tế và sang trọng của Chủ nghĩa hiện đại vẫn còn, và chức năng chính của tòa nhà vẫn được bảo tồn, thậm chí với tính đa năng như mong muốn; sau khi lớp vỏ cấu trúc đã được chế tác và chuyển đổi thành các dạng hình học khó lòng đoán trước. Các KTS bắt đầu cảm thấy tự tin và, thay vì tự vấn: “Liệu thiết kế của ta có tính thực tiễn không?” và họ tự thay bằng câu khẳng định: “Tại sao không?” Mặt khác, chính các KTS trong cuộc đã tự cởi bỏ cái mác “Người theo chủ nghĩa Diễn dịch cấu trúc” và có ý xa lánh phong trào. Bernard Tschumi viết, đại ý: Việc gắn cho tác phẩm của những KTS ấy cái mác “phong trào” hay “phong cách mới” là không phù hợp ngữ cảnh và chứng tỏ sự thiếu hiểu biết về ý tưởng nghệ thuật của họ. Vì, một “thương hiệu” như thế sẽ khiến công chúng hiểu lầm, cho rằng diễn dịch cấu trúc chẳng qua chỉ là một động thái thuần tuý nghề nghiệp chống lại Chủ nghĩa Hậu hiện đại. Thật không may cho các KTS, vô tình thuật ngữ lại gây được tiếng vang lớn, và từ đó, kể như họ bị đóng đinh vào danh hiệu “Nghệ sỹ theo Chủ nghĩa Diễn dịch cấu trúc”.
Xin nhắc lại, kiến trúc diễn dịch cấu trúc luôn bất tuân quy lệ xây dựng, bằng mọi cách hướng công chúng đến sự hiển thị của hồn cốt không thời gian cũng như vai trò nổi bật của nó trong môi trường là không nề hà đối lập với khuôn phép mỹ học. Người ta lập tức đặt câu hỏi: Một không gian kiến trúc như vậy sao có thể hoàn thành sứ mạng Công năng – Bền vững – Mỹ quan như lời răn dạy của Polio Vitruvius hơn hai nghìn năm về trước? Thế nhưng diễn dịch cấu trúc từ ngày ra đời đến nay luôn được tôn vinh là một trong những phong cách kiến trúc sáng giá nhất, mở thêm trang vàng bất hủ cho kiến trúc đương đại thế giới. Được vậy là nhờ phương pháp diễn dịch của các KTS đại tài, đã loại bỏ được hầu hết những phần “thừa” sản phẩm của những quy lệ xây dựng thâm căn cố đế và tiêu chí mỹ học đã trở nên bão hòa. Tức là KTS đã làm đúng công việc của nhà điêu khắc, hệt như cách giải thích của Michenlangelo về nghề này, đại ý: Công việc của nhà điêu khắc hoàn toàn tự do, thoát khỏi các hình thức phi nghệ thuật vốn có trong mỗi khối đá. Ông tin rằng, trong lòng mỗi khối đá bao giờ cũng sẵn có một pho tượng tuyệt hảo, và rằng nhà điêu khắc chỉ cần làm một việc rất đơn giản là tẩy bỏ tất cả những thứ (thừa) không thuộc về bức tượng.
Bảo tàng Guggenheim, Bilbao-Tây Ban – KTS Frank Giery
Sân vận động Olympic Munich. Hoàn thành 1972
Trung tâm Nghệ thuật Wexner – Đại học Artsohio – Hoa Kỳ
Bảo tàng Do Thái Berlin. 1999 – 2001. KTS Daniel – Libeskim
Công viên La Villette – Paris. 1984 – Bernard – Tshumi
Xét cho cùng, nghệ thuật diễn dịch cấu trúc không phải là sự nổi loạn chống lại một tình trạng tiến thoái lưỡng nan của văn hoá – Đó là việc giải phóng tiềm năng của những hình thức và khối lượng để tiến tới một nhất thể siêu hình lý tưởng độc nhất vô nhị thuộc về một tác phẩm nghệ thuật đơn nhất. Cái mạnh của diễn dịch cấu trúc là sự không khoan nhượng tính phổ quát, song le chính vì thế không phải nghệ sĩ nào cũng thành công khi anh ta thể nghiệm nghệ thuật diễn dịch cấu trúc. Và, từ đó dẫn đến một hiệu luỵ: Không phải bất kỳ công chúng nào cũng dễ dàng tưởng thưởng tác phẩm diễn dịch cấu trúc, nhất là bình phẩm hay nói về nó; kể cả nhà chuyên môn. Không nghi ngờ gì, Diễn dịch cấu trúc chính là sự mài giũa ngọc quý – tài năng của các nghệ sĩ đương đại. Và, những viên ngọc sáng ngời của nền kiến trúc đương đại đã xuất hiện. Đó là các KTS: Gunter Behnish (1922 – 2010, người Đức); Frank Gehry (sinh năm 1929, người Mỹ); Peter Eisenman (sinh năm 1932, Mỹ); Carl J. Handman, Mỹ); Daniel Libeskin (sinh năm 1946, KTS Mỹ gốc Ba Lan); Bernard Tschumi (sinh năm 1949, quốc tịch Pháp – Thuỵ Sỹ); Rem Koolhaas (sinh năm 1944. Hà Lan); Pieterjan Gijs (sinh năm 1983 Bỉ); Arnout Van Vaerenbergh (Bỉ); Reiulf Ramstad (Na Uy); ba KTS người Áo sáng lập Công ty kiến trúc Coop Himmelblau là Wolf D. Prix, Helmut Swiczinsky và Michael Holzer; rồi Công ty Fender Katsalidis (Úc, được thành lập bởi Karl Fender và Nonda Katsalidis); Zaha Hadid (1950 – 2016, nữ KTS vương quốc Anh gốc Iraq); Farshad Mehdizadeh (sinh 1981 tại Isfahan, Iran)… Trên thực tế, cách tiếp cận của họ đối với thiết kế đã tạo ra không ít cấu trúc mang tính biểu tượng và bản thân họ đã đoạt nhiều giải thưởng danh giá nhất thế giới. Cần ghi nhận, đối với ngành kiến trúc, một ngành kết hợp đến cùng kỹ thuật với nghệ thuật thì Diễn dịch cấu trúc là lý thuyết đầy hứa hẹn cho cả hôm nay lẫn ngày mai.
Nhà thờ Reading Between the Lines. 2011
Diễn dịch cấu trúc”. Hoạ sĩ Zeljika Paic
Nhà chổng ngược ở Rotterdam
Nhà số 8 Spruce, New York, Hoa Kỳ
Tòa nhà Uốn éo ở Ba Lan
Dự án Tổ hợp kiến trúc IBA Berlin – CHLB – KTS Zâh Hadid
Trung tâm NT đương đại Rosenthal – KTS Zâh Hadid
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc KTS Rem Kolhas
Cảm hứng Malerich KTS Zaha Hadid
KTS Đoàn Khắc Tình
(Nguồn Tạp chí Kiến trúc số 09-2023)
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.