Tiêu chí công trình xanh cần một hành lang pháp lý
MTXD - Việc nghiên cứu đề xuất, xây dựng và áp dụng tiêu chí “kiến trúc xanh” nào cho Việt Nam là câu hỏi lớn cần được giải đáp.
Biến đổi khí hậu (BĐKH) trên toàn cầu đã làm các nhà khoa học nảy sinh các khuynh hướng kiến trúc mới nhằm đưa con người trở lại với thiên nhiên, lấy lại cân bằng giữa môi trường - thiên nhiên - con người. Một trong những khuynh hướng đó là xu hướng “Công trình xanh” như là hoạt động đóng góp quan trọng, tích cực và hiệu quả nhất của lĩnh vực xây dựng để ứng phó lại BĐKH và bảo đảm sự phát triển bền vững của trái đất.
Ngày 12/5/2022 Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 385/QĐ/BXD phê duyệt kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với BĐKH giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, tập trung một số nội dung về hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về công trình xanh, vật liệu xanh...
Như vậy, việc nghiên cứu đề xuất, xây dựng và áp dụng tiêu chí “kiến trúc xanh” nào cho Việt Nam là câu hỏi lớn cần được giải đáp để các công trình kiến trúc của chúng ta trong tương lai đáp ứng được các yêu cầu của công trình “Kiến trúc xanh” dựa trên cơ sở khí hậu Việt Nam kết hợp với kỹ thuật hiện đại và truyền thống văn hóa Việt.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
- Tổng quan chung về hệ thống đánh giá “ công trình xanh”
Green Building - theo định nghĩa của Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ (USGBC) là những công trình được thiết kế và xây dựng để giảm hoặc loại bỏ tác động xấu của chúng lên môi trường và người dân trên 5 lĩnh vực: Quy hoạch địa điểm bền vững; Bảo vệ nguồn nước và sử dụng hiệu quả nguồn nước; Sử dụng hiệu quả năng lượng và năng lượng tái tạo; Bảo tồn vật liệu và tài nguyên; Đảm bảo chất lượng môi trường trong nhà. Khái niệm kiến trúc xanh được hiểu như sau: “Kiến trúc xanh là kiến trúc sử dụng các kỹ thuật thiết kế và giải pháp về công nghệ, vật liệu, nguồn năng lượng nhằm tạo ra công trình xanh, thân thiện với môi trường, sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả trong suốt vòng đời của công trình đó”.
Một số nước phát triển trên thế giới đã kế tiếp nhau đưa ra các phương pháp đánh giá môi trường kiến trúc khác nhau, trong đó hệ thống đánh giá “kiến trúc xanh” được các nước Anh, Mỹ, Canada thực hiện khá thành công, đáng được nghiên cứu học hỏi. Năm 1990, Cơ quan nghiên cứu xây dựng của Anh (British Building Reseach establishment - BRE) đề xuất phương pháp đánh giá môi trường BREEAM, là “hệ thống đánh giá công trình xanh” đầu tiên trên thế giới, có ảnh hưởng lớn tới hệ thống đánh giá của nhiều nước sau này.
Hệ thống đánh giá đầu tiên của Mỹ ra đời năm 1995 gọi là LEED (Leadership in Energy and Environment Design). Tiếp đó năm 2005, họ phát triển LEED cho các công trình cải tạo và công trình mới (LEED-NC), được nhiều nước áp dụng. “Hệ thống đánh giá công trình xanh” trở thành phổ biến và lan rộng, đi vào cuộc sống của xã hội văn minh. Sau năm 2000, “hệ thống đánh giá công trình xanh” phát triển nở rộ: năm 2002 ở Nhật Bản, năm 2003 ở Trung Quốc, Hồng Kông (theo Anh, HK-BREEAM), đến nay, trên thế giới có 30 “hệ thống đánh giá công trình xanh” chính thức.
Để đánh giá và cấp chứng chỉ các Công trình đạt các cấp độ Xanh, các nước đều sử dụng “Hệ thống đánh giá công trình xanh - The GB Rating Systems (GBRS)”. Hệ thống đánh giá đầu tiên xuất hiện tại Anh năm 1990, được gọi là “Phương pháp đánh giá môi trường “Environmental Assessment Method - BREEAM”, vì vậy, nó chưa thật hoàn chỉnh. Năm 1995 ở Mỹ đưa ra hệ thống đánh giá LEED (Leadership in Energy and Environmental Design). Cho đến nay, LEED được coi là Hệ thống có uy tín và có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Trên thế giới hiện nay có trên 30 Hệ thống đánh giá “Công trình xanh”, riêng Hệ thống LEED đã có 12 phiên bản cho các loại công trình khác nhau.
Thời gian nghiên cứu, trình độ kỹ thuật và quan điểm vận hành hệ thống đánh giá của các nước nói trên không giống nhau, nhưng có một số điểm chung:
1. Quan điểm và mục tiêu chung: Sự đánh giá của các nước đều tiến hành trên nguyên tắc phát triển bền vững rõ ràng, để thực hiện những mục tiêu sau: Cung cấp cho xã hội một bộ tiêu chuẩn, chỉ đạo quyết sách và chọn lựa “Công trình xanh”; thông qua xây dựng tiêu chuẩn để đề cao sản phẩm bảo vệ môi trường và ý thức tiêu chuẩn hoá bảo vệ môi trường của công chúng, đề xướng và khuyến khích thiết kế “Công trình xanh”; kích thích nâng cao hiệu quả kinh tế của “Công trình xanh”; ngoài ra do các hệ thống đánh giá này đưa ra các phương pháp và khuôn khổ có thể kiểm tra khiến cho việc đề ra các chính sách và quy định về Công trình xanh hữu quan của chính phủ thêm thuận tiện.
2. Điểm quan tâm chung: Hệ thống đánh giá của các nước đều có sự phân loại và tổ chức rõ ràng, có thể liên kết giữa mục tiêu chỉ đạo là phát triển kiến trúc bền vững và tiêu chuẩn đánh giá. Các hệ thống đánh giá đều có số lượng nhất định các vấn đề mấu chốt cả định tính và định lượng để có thể phân tích, đánh giá các vấn đề, thể hiện ý tưởng và nghiên cứu sâu sắc của các nước đối với thực tiễn “Công trình xanh” về mặt kỹ thuật và văn hóa. Trong các hệ thống đánh giá đều bao gồm một số lượng nhất định các yếu tố hoặc có tính chỉ đạo cụ thể hoặc có tính tổng hợp giúp cho tiến trình đánh giá càng rõ ràng hơn.
3. Tính cộng đồng và tính chuyên nghiệp: Số liệu và phương pháp đánh giá của hệ thống đánh giá của các nước đều công khai, bất cứ ai cũng có thể tìm hiểu sử dụng, đều có thể tìm thấy từ trên mạng sổ tay đánh giá hoàn chỉnh của các nước. Số liệu và phương pháp được công khai hoá không có nghĩa là quá trình đánh giá sẽ đơn giản mà thực ra đối với tiến trình đánh giá đều có yêu cầu chuyên nghiệp rất cao.
4. Không ngừng đổi mới và phát triển: Hệ thống kiến trúc xanh phức tạp và không ngừng phát triển, vì vậy, việc đánh giá phải có thể lặp lại, để thích ứng và có phản ứng kịp thời với những thay đổi và với những tính năng không xác định.
Hiện nay, nhiều nước đang tiến hành công tác nghiên cứu của mình trong lĩnh vực đánh giá “kiến trúc xanh”: ECO QUANTUM của Hà Lan, ECO - PRO của Đức, EQUER của Pháp… mỗi nước đều có những đặc điểm khác nhau. Do hạn chế về tri thức và kỹ thuật, nhận thức của mỗi nước về quan hệ giữa kiến trúc và môi trường còn chưa đầy đủ, hệ thống đánh giá cũng tồn tại một số hạn chế, như đơn giản hóa một số yếu tố đánh giá, vấn đề là chúng ta cần cân nhắc tiêu chuẩn và vận dụng kết quả đánh giá thế nào để nâng cao, cải thiện tính năng của kiến trúc, cơ chế ràng buộc của đánh giá công trình xanh.
2. Cơ sở pháp lý về “ Công trình xanh” tại Việt Nam
Phong trào Công trình xanh ở Việt Nam đã có những bước phát triển từ những ngày đầu với xu hướng chung của thế giới, tuy nhiên, tăng trưởng còn khá chậm và hạn chế. Ngay từ những năm đầu thế kỷ XXI, việc đánh giá công trình xanh đã được Bộ Xây dựng quan tâm, Bộ Xây dựng đã giao cho Viện Kiến trúc Quốc gia, Hội Môi trường xây dựng Việt Nam xây dựng tiêu chí công trình xanh. Bên cạnh đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đã xây dựng bộ tiêu chí “Kiến trúc xanh” của Hội. Tổ chức VGBC là tổ chức công trình xanh thế giới tại Việt Nam cũng xây dựng hệ thống đánh giá công trình xanh LOTUS. Đến nay, hệ thống đánh giá “Công trình xanh” do Hội Môi trường sử dụng để đánh giá được 01 công trình, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã sử dụng bộ tiêu chí đánh giá được khoảng 40 công trình. Các tổ chức Quốc tế đã sử dụng các tiêu chí của LEED, LOTUS và EDGE đánh giá và công nhận 233 dự án “Công trình xanh” với 6.056.000m2 sàn (Theo só liệu thống kế quý II/2022 của Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC).
Như vậy, tại Việt Nam tồn tại song song 5 bộ tiêu chí đánh giá “Công trình xanh”, nhưng đến nay chưa có hệ thống đánh giá nào tại Việt Nam được các cơ quan quản lý Nhà nước chính thức ban hành như một công cụ có tính pháp lý để đánh giá, quản lý “Công trình xanh”. Tuy nhiên, trong các Quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam đã có những quy định đáp ứng các tiêu chí “Công trình xanh”, sau đây xin giới thiệu các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường, về quy hoạch - kiến trúc có quy định những thông số kỹ thuật cho các công trình hướng đến “Công trình xanh”.
2.1. Về việc sử dụng đất hợp lý và môi trường ngoài nhà
Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCVN 01:2021, QCVN 09:2017/BXD có các yêu cầu: Trong quy hoạch và thiết kế công trình, không được phá hoại hiện vật văn hóa, giữ gìn thiên nhiên, giữ gìn độ ẩm của đất, bảo vệ ruộng đất cơ bản, rừng cây và những khu bảo tồn khác. Khu đất xây dựng không bị ảnh hưởng do lũ lụt, đất đá trôi từ trên núi và thổ nhưỡng có chứa Radon. Trong phạm vi sân bãi xây dựng không có nguy hiểm về sóng điện từ, cháy, nổ và các chất độc hại khác. Không gây ô nhiễm ánh sáng đối với các công trình kiến trúc xung quanh, không ảnh hưởng đến nhu cầu chiếu nắng của các công trình nhà ở xung quanh. Không được có nguồn ô nhiễm lớn hơn định mức giới hạn cho phép trong tiêu chuẩn. Trong quá trình thi công phải có biện pháp bảo vệ môi trường, giám sát những ô nhiễm do thi công gây ra và những ảnh hưởng đối với khu vực xung quanh.
2.2. Về tiết kiệm năng lượng và tận dụng tài nguyên
Trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và sử dụng tài nguyên được quy định trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
+ Chỉ tiêu tính năng nhiệt của kết cấu bao che phải phù hợp với Quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD và tiêu chuẩn TCVN 4605-98.
+ Yêu cầu thiết kế hệ thống điều hòa không khí và sưởi ấm phải phù hợp với tiêu chuẩn TCVN:2008 “Thông gió điều hòa không khí và thiết bị đun nước nóng”, tiêu chuẩn TCVN 40189:2004 “Tiêu chuẩn thiết kế tiết kiệm năng lượng công trình công cộng”
+ Mật độ công suất chiếu sáng và độ rọi tại các gian phòng, trường sở không được lớn hơn định mức giới hạn cho phép trong các tiêu chuẩn TCXD 16-86; TCXD 29-91; TCVN 7114-1:2008.
2.3. Tiết kiệm nước và tận dụng tài nguyên nước
Các quy định khi lập dự án phải có phương án quy hoạch hệ thống nước có tính đến sử dụng tổng hợp các loại nguồn nước và tuân thủ các tiêu chuẩn TCXDVN 33:2006 và TCVN 4513-88. Trong đó, quy định thiết kế hệ thống cấp thoát nước hợp lý, hoàn chỉnh. Phải có biện pháp phòng chống rò rỉ trong hệ thống đường ống một cách hiệu quả. Hệ thống cấp nước vệ sinh trong công trình phải sử dụng thiết bị tiết kiệm nước. Khi sử dụng những nguồn nước mưa, nước tuần hoàn phải sử dụng các thiết bị đảm bảo an toàn nguồn nước, không được gây ảnh hưởng xấu tới môi trường xung quanh và sức khỏe dân cư.
2.4. Về tiết kiệm vật liệu và lợi dụng tài nguyên vật liệu
Quy chuẩn QCXDVN 05:2008/BXD và tiêu chuẩn TCXDVN 397:2007. Quy định lượng chất độc chứa trong vật liệu xây dựng phải đảm bảo, giảm bớt những yếu tố tạo hình kiến trúc, không dùng những cấu kiện trang trí với số lượng lớn.
2.5. Về chất lượng môi trường trong nhà
+ Công trình kiến trúc sử dụng điều hòa không khí tập trung, nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió trong phòng phải phù hợp với Quy chuẩn QCXDVN 09:2005/BXD và tiêu chuẩn TCVN 5508:2009, TCVN 13512:2022.
+ Công trình kiến trúc có sử dụng điều hòa không khí tập trung, lưu lượng gió tươi phải phù hợp với tiêu chuẩn TCVN 5067:1995, TCVN 5293:1995 và TCVN 6502:1999.
+ Nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí trong phòng như An-hê-rit A tự do, Ben-zen, A-mô-niac, Ra-đon và hệ thống chất tẩy rửa TVOC phải phù hợp với tiêu chuẩn TCVN 5937:2005 và TCVN 5938:2005.
+ Mức ồn trong khách sạn và công sở phải nằm trong giới hạn cho phép của tiêu chuẩn TCXDVN 277:2002 và TCXDVN 175:2005.
+ Độ rọi, hệ số chói lóa, chỉ số truyền mầu bên trong các công trình phải thỏa mãn yêu cầu liên quan trong tiêu chuẩn TCVN 7192-1:2002.
2.6. Về quản lý vận hành
+ Đặt ra các chế độ quản lý việc thực thi tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, tiết kiệm vật liệu và xanh hóa theo quy định tại mục 9 Quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD.
+ Tập trung phân loại và xử lý phế thải, trong quá trình tập trung phân loại và xử lý không để xảy ra ô nhiễm lần thứ hai và phải tuân thủ QCVN 25:2009/BTNMT và TCVN 6772:2000.
3. Kết luận
Hiện nay, các công cụ đánh giá “Công trình xanh” phục vụ công tác quản lý Nhà nước nói chung chưa có một công cụ mang tính pháp lý, điều này dẫn đến việc chứng nhận các công trình xanh đang phát triển tự phát, các công trình được công nhận là công trình xanh sau đó cũng không được giám sát, kiểm tra cũng như duy trì thương hiệu, rất nhiều công trình gắn mác “xanh, sinh thái”, không chứng minh được các số liệu cho thấy đã đóng góp tích cực cho môi trường hay xã hội, các công trình này chỉ xanh ở bề nổi, trồng cây xanh một cách lạm dụng lên mái, hay mặt tiền mà không hề có sự chăm sóc, bảo dưỡng, vận hành hợp lý, ngoài ra, còn lạm dụng các loại thiết bị và vật liệu nhập khẩu đắt tiền, gây tốn kém nguồn năng lượng và chi phí hơn gấp nhiều lần, không hề có các giải pháp tổng thể để hỗ trợ một môi trường sống thật sự xanh hơn. Vì vậy, có một số kiến nghị sau:
+ Kiến nghị Bộ Xây dựng xây dựng tiêu chí chung về đánh giá “Công trình xanh”, ban hành các quy định quản lý công trình xanh trong vòng đời công trình nhằm phục vụ cho công tác quản lý, trên cơ sở đó các chủ đầu tư, các nhà tư vấn thiết kế có các cơ sở để phát triển “Công trình xanh” một cách bài bản, nghiêm túc, đi vào thực chất, chứ không phải “phong trào” như hiện nay.
+ Kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ KH&CN và Bộ Công thương rà soát và bổ sung các quy chuẩn, các tiêu chuẩn về Công trình xanh còn thiếu, chỉnh sửa các tiêu chuẩn lỗi thời và không còn phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay.
+ Kiến nghị bổ sung một số tiêu chuẩn, hướng dẫn thiết kế, xây dựng “Công trình xanh” về các loại nhà ở sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, công trình công cộng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các tiêu chuẩn về đánh giá môi trường trong ngoài nhà sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.v.v.
Trong khuôn khổ một bài báo không thể làm rõ được tất cả những vấn đề đang tồn tại của hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn cũng như hệ thống đánh giá công trình xanh tại Việt Nam. Hy vọng, việc phát triển công trình xanh trong thời gian tới không phải chỉ là phong trào mà đi vào thực chất, số lượng công trình xanh được cấp chứng chỉ ngày một nhiều và các nhà tư vấn, các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách cùng đồng tâm đẩy mạnh phát triển công trình xanh nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân, giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, bảo vệ môi trường bền vững cũng như tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên./.
TS.KTS.NCVCC LÊ THỊ BÍCH THUẬN*
Tài liệu tham khảo:
1. Đề tài NCKH khoa học “Nghiên cứu mô hình Kiến trúc xanh tại Việt Nam nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” - Viện Nghiên cứu Kiến trúc - TS.KTS. Lê Thị Bích Thuận.
2. Hướng dẫn thiết kế Nhà ở liền kế theo hướng kiến trúc xanh tại Hà Nội - Nhà xuất bản xây dựng 2015 - TS.KTS Lê Thị Bích Thuận và cộng sự.
3. Các báo cáo của IFC về thực hiện đánh giá CTX, các báo, tạp chí, Internets...
*Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.