Tổ chức không gian bãi giữa – Kết nối trục sông Hồng: Đóng góp cho tương lai đô thị Hà Nội
MTXD - Trong phương án Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Hà Nội đến 2045, tầm nhìn 2065, trục sông Hồng được xác định là trục cảnh quan trung tâm, chính là trục quan trọng bậc nhất trong 5 trục phát triển của Thủ đô. Việc xác lập này kỳ vọng tạo nên sự đặc sắc riêng có, thể hiện đột phá mới cho quy hoạch xây dựng Thủ đô theo tinh thần Văn hiến – Văn minh – Hiện đại. Qua khảo sát hiện tại cho thấy, phần trong đê bao ngăn lũ của trục này cơ bản đã lấp đầy bằng quy hoạch được phê duyệt hoặc đã được xác lập. Phần ngoài đê, suốt tiến trình vừa qua cũng đã có rất nhiều phương án đề xuất ở các giai đoạn khác nhau, kể từ khi quy hoạch chung đô thị Hà Nội được phê duyệt theo quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/07/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Những bãi giữa dòng sông, đặc biệt là bãi dưới chân cầu Long Biên, nằm trong phạm vi hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên cũng đã có những phương án đề xuất các giai đoạn, nhưng đều chưa rõ ràng. Thời điểm này, với vai trò là một bộ phận quan trọng trong trục sông Hồng đã khẳng định với nhiều kỳ vọng, sự kết nối và phát huy hiệu quả không gian cùng trục trọng tâm là đòi hỏi cần thiết hơn bao giờ hết.
Vậy, vấn đề đặt ra cần luận giải là: Chọn bài toán nào thích ứng nhất về mặt quy hoạch và kiến trúc cho toàn cấu trúc trục nói chung và bãi giữa, bãi bồi ven sông nói riêng, để đóng góp phù hợp nhất cho tương lai phát triển của đô thị Hà Nội. Bài viết hướng tới bàn luận, góp ý kiến về vấn đề này.
Nguyên tắc ứng xử chung với toàn bộ trục cảnh quan trung tâm
Trước mắt, trên cơ sở từ năm 2021, tiếp tục cụ thể hóa Quyết định 1259/QĐ-TTg, quy hoạch phân khu R đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt, với định hướng phát triển về mặt cảnh quan, văn hóa, giao thông và khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên sông. Hình thái đô thị Hà Nội lựa chọn là quay mặt vào sông, lựa chọn trục sông
Hồng là trục trung tâm đô thị, thì việc nghiên cứu không gian cho trục cần tuân thủ một số nguyên tắc:
- Vấn đề cần đặt ra đầu tiên là: Các địa phương có vùng nằm trong quy hoạch cần triển khai rà soát báo cáo, đảm bảo theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc khoanh vùng phạm vi ranh giới khu vực hành lang thoát lũ, để làm cơ sở lập và trình duyệt quy hoạch chi tiết.
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND Tp Hà Nội phê duyệt phân định rõ mức phát triển đô thị với nhiều kỳ vọng
- Cũng quan trọng không kém, trên cơ sở nghiên cứu sâu rộng truyền thống và hiện đại về vấn đề văn hóa, cần có một đề xuất định hướng tổng thể và phân khúc cụ thể cho quy hoạch tích hợp yếu tố này đầy đủ và đúng mực, vào hợp phần cơ sở lập quy hoạch và tạo dựng kiến trúc không gian, chú trọng hướng tiếp biến văn hóa;
- Trên cơ sở định hướng là “Trục cảnh quan trung tâm” của toàn tuyến, cũng cần làm rõ nội hàm những mục tiêu, yêu cầu cụ thể cần đặt ra mang tính tổng phổ toàn chuỗi cho trục này. Từ đó cũng sẽ phân định nhiệm vụ cụ thể về công năng, hình thái cho từng khu vực gắn với địa bàn cấp quận quản lý, ở phạm vi kết nối toàn trục hài hòa, thống nhất trong tạo lập. Điều đó rất cần cho sự thành công cả quá trình hình thành, khai thác, hoạt động, trên tinh thần độc lập và tương hỗ, kết hợp hài hòa;
- Tổ chức tuyến, mạng giao thông nội bộ, gắn với yêu cầu chung từ toàn thể trục cảnh quan trung tâm, kết hợp khả thi chống ngập và thích ứng điều kiện thoát lũ là khó khăn hơn nhiều so với cách tổ chức thông thường. Do đó, nội dung này cũng cần có những tiêu chí định hướng, tính toán riêng, triển khai đồng bộ cùng quy hoạch;
- Tổ chức hệ thống giao thông đối ngoại cũng cần đề xuất những hướng tiếp cận và tổ chức, nhất là cửa mở vào các vùng trung tâm thành phố phía Bắc và Nam, xuyên qua tuyến đê bao chống lũ. Với điều kiện tuyến bao này có thể hoạt động bình thường trong mọi điều kiện, kể cả khi “lòng sông” trở thành tuyến thoát lũ;
Hình ảnh panorama được xác định là vùng lõi trục sông Hồng theo phê duyệt
- Nguyên tắc cơ bản tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan ở tuyến trục trung tâm sông Hồng cần xác định là tính thích nghi và bền vững. Tức là, trong điều kiện bình thường, không gian và công trình hoạt động theo chức năng đã được tính toán, thiết lập. Ở thời điểm lòng sông phục vụ thoát lũ, công trình và cảnh quan cần có phân cấp độ quan trọng để có giải pháp ứng phó: Cấp độ không thể ngập và ảnh hưởng lớn, cấp độ có thể ngập theo chu kỳ năm lớn, cấp độ có thể ngập theo chu kỳ năm vừa, cấp độ có thể ngập khi xả lũ và lũ thông thường hàng năm. Từ đó lựa chọn phương án san ủi, tôn địa hình, lựa chọn vật liệu và công nghệ thiết kế xây dựng tương ứng. Cây trồng và cảnh quan cũng cần có sự xác lập theo cấp độ này để ứng phó và chống chọi tốt nhất;
- Những cây cầu nối hai bờ sông phải được đưa vào cùng nghiên cứu phối kết ngay từ đầu trong quy hoạch này, nhất là với vấn đề tổ chức không gian kiến trúc toàn tuyến và không gian kiến trúc từng khu vực. Cầu Long Biên cần được xem xét có đề xuất đặc biệt, đây có thể xác định là một phần lõi của điểm nhấn cảnh quan cần có cho toàn tuyến;
Những chiếc cầu bắc qua sông, yếu tố quan trọng đóng góp cho hình thái tổ chức không gian của Trục sông Hồng
- Xử lý giải pháp thu gọn mặt cắt ngang của đê ngăn lũ hiện tại ở hai bên sông, theo hướng càng nhiều càng tốt, để dành đất cho không gian hạ tầng và công trình, trong quãng địa bàn Hà Nội, cũng cần đưa ra giải pháp thích ứng. Chú ý, vẫn cần những quãng giữ nguyên hiện trạng để kết nối thành phố mới vào quá khứ. Tầm cao của đê chắn cũng là một hạn chế hiện hữu, cần có những nghiên cứu sáng tạo để thích ứng về mặt cảm nhận không bị khô cứng và che khuất.
Trong quy hoạch chung tổng thể mới đang lập điều chỉnh của Hà Nội, cần có chú trọng đặc biệt đến trục này với việc xác lập các mục tiêu, yêu cầu đầy đủ, cụ thể và rõ ràng hơn quy hoạch được phệ duyệt theo quyết định 1259/QĐ-TTg. Vì quy hoạch lần này đã xác lập rõ trục sông Hồng là trục cảnh quan văn hóa chính, nằm ở trung tâm, có tầm quan trọng nhất, mang yếu tố quyết định trong việc phát triển đô thị của hai bên sông trong thời gian tới, nhất là khi đô thị quay chiều từ quay lưng ra sông sang hướng ra sông Hồng là lõi trung tâm. Khả năng kiểm soát mức độ và thời gian ngập nước của vùng bãi đã tốt hơn nhiều, nhất là vào mùa mưa lũ nhờ hệ thống thủy điện thượng nguồn.
Đề xuất một số giải pháp công nghệ kỹ thuật chung cho trục cảnh quan trung tâm
- Trên cơ sở quy hoạch phân vùng công năng tổng thể, căc cứ vào số liệu thủy văn và yêu cầu thoát lũ, thiết lập mạng lưới cao độ địa hình phù hợp, có thể theo kiểu mô hình ruộng bậc thang, tức là phân cấp ngập dựa trên cập nhật chu kỳ khác nhau để làm nền cao độ cơ sở cho mạng giao thông, kỹ thuật hạ tầng. Xác định cấp công trình và cảnh quan được xây dựng lên trên đó;
- Ngoài hệ thống cầu, nên tập trung thiết lập các tuyến giao thông ngầm, đặc biệt là đường sắt đô thị hai chiều (tàu điện ngầm) dưới lòng sông để kết nối đô thị hai bờ đa dạng với tốc độ cao, không ảnh hưởng ùn tắc do mật độ. Các tuyến này cần tính đến các ga trạm dọc trục sông Hồng với giải pháp thích ứng mùa ngập lụt. Với các tuyến cầu nổi bắc qua sông, cũng cần có lựa chọn cách kết nối linh hoạt và thuận lợi với trục sông Hồng này, kể cả tuyến đi bộ và tuyến cơ giới;
- Tổ chức các khoảnh, vành đai xanh, tổ hợp cảnh quan, cần lựa chọn hệ sinh thái khả thi với đặc điểm vùng cận sông, vùng ngập nước. Quan trọng là nếu bị ngập nước theo thời gian ngắn, thì các hệ sinh thái này có khả năng phục hồi cao, ít ảnh hưởng kinh phí đầu tư bổ trợ. Tổ chức hệ thống hồ, đầm nội bộ cần tính toán kỹ, tránh lãng phí diện tích khai thác trong điều kiện khu vực đã nằm ven sông;
- Giải pháp thay thế cơ bản tuyến đê ngăn lũ bằng đất hiện nay bằng tường chắn bê tông, với cao độ và độ bền tương ứng sẽ là giải pháp hữu hiệu để góp phần tăng diện tích cho không gian kiến trúc, cảnh quan, công trình. Giải pháp cũng cần tính toán dung hòa giữ lại một phần đê nguyên bản để lưu giữ ký ức vào tương lai trọn vẹn. Đồng thời, việc hạ “cảm giác” về độ cao tuyến đê bằng tường bê tông này cũng rất quan trọng tại nhiều khu vực, vị trí. Cách làm có thể là thay thế các loại vật liệu đa dạng, trồng cây dạng vườn treo, triển khai các tác phẩm mỹ thuật…;
- Với các loại công trình kiến trúc, nên lựa chọn giải pháp tối thiểu tầng hầm và giải phóng tầng sát mặt đất, nhất là vùng dễ ngập và có yêu cầu cao thoát lũ. Các vùng ngập chu kỳ ngắn nên lựa chọn cấu trúc như dạng nhà ven sông, đầm vùng đồng bằng sông Cửu Long chẳng hạn. Với các tầng đế, cần chú ý tổ chức không gian giao hòa khung cảnh thiên nhiên càng nhiều càng tốt;
- Mật độ xây dựng chung toàn khu vực trục cần thấp, chú ý đáp ứng đặc trưng vùng sinh thái xanh. Tuy nhiên, tại mỗi cụm, tổ hợp vẫn cần xây dựng mật độ cao để tiết kiệm diện tích đất và giảm thiểu kinh phí tôn nền;
- Tầng cao, với vùng trục cảnh quan xanh này cơ bản nên thấp tầng, các điểm nhấn cao tầng nên được tính toán kỹ lưỡng về bố cục theo tổng thể cho toàn tuyến và yêu cầu từng khu vực;
- Các cầu trên toàn tuyến, đặc biệt là cầu Long Biên cần được đưa vào nghiên cứu đồng thời như là những bộ phận tất yếu khi nghiên cứu thiết kế đô thị và không gian đô thị cận sông. Đồng thời, một số cầu phải được kết hợp khai thác về mặt công năng trong tổng thể công năng đặt ra cho trục sông Hồng. Tức là, các cầu này phải giải quyết tốt việc kết nối tuyến, phục vụ giao thông đến và đi trực tiếp cho các khu vực bãi bồi và bãi giữa tại các vị trí thích hợp;
- Hình thái kiến trúc lựa chọn cho toàn bộ trục sông Hồng nên hướng tới có đặc thù rõ ràng, phát huy bản sắc dân tộc cao độ, với phong cách phổ cập chung là “Thuần Việt”, để tạo lập tính độc đáo riêng có, cho một vùng lõi quý giá nhất, nơi một đô thị tầm vóc toàn diện bậc nhất, có lịch sử lâu đời và giàu truyền thống văn hóa đặc sắc. Cách tạo lập này cũng là giải pháp để đáp ứng an toàn, hiệu quả mục tiêu Văn hiến – Văn minh – Hiện đại;
- Tổ chức tuyến giao thông cho vùng đô thị trục này cũng cần tránh “đao to búa lớn”, giải pháp “liên làng trong thành phố” sẽ là giải pháp tốt nhất.
Với những Bãi Giữa và Bãi Bồi ven sông đầy tiềm năng phát triển tại “trục sông Hồng” – khi kiểm soát được lũ ngập chủ động
Tuy nhiên ngập nước thời điểm xả nước đồng thời các hồ thủy điện là vẫn không bao giờ tránh được với Bãi Nổi, Bãi Bồi ở sông Hồng
- Xu hướng cảnh quan bình dị, mang hơi thở làng giàu bản sắc và giàu chất sinh thái bản địa. Tuyệt đối không thiết lập mạng giao thông theo dạng đường thẳng giao nhau, ô cờ, với nhiều làn cơ giới rộng trên cùng một tuyến;
- Tổ chức tiểu cảnh cũng là một yếu tố cần phát triển, đều khắp và xen kẽ ở các không gian thuộc tuyến trục này. Sự vào cuộc của các lĩnh vực nghệ thuật nhất là hội họa, điêu khắc trong các giải pháp tổ chức không gian ở đây cũng sẽ mang lại hiệu quả rất cao nếu được quy hoạch và tiết chế bài bản;
- Trục cảnh quan sông Hồng cũng cần chú trọng đạt được hiệu quả thực sự hợp lý, hài hòa về kinh tế tuần hoàn trong xây dựng và phát triển. Đặc biệt là, đáp ứng mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa cho thành phố – Tầm quan trọng về phát triển công nghiệp văn hóa ở vùng trục này càng phải quan tâm phát huy. Vì đây được xác định là trục cảnh quan, văn hóa đặc sắc chính, trung tâm lan tỏa kết nối của đô thị Hà Nội phát triển trong tương lai – Với thế mạnh là trên một vùng bình địa còn nhiều khoảng trống cho khả năng khai thác, tạo dựng.
Cụ thể về nguyên tắc quy hoạch – kiến trúc – cảnh quan cho các bãi giữa
Vào thế kỷ trước, mỗi năm Bãi Giữa sông Hồng đều có khả năng ngập nước toàn thể nhiều lần, do đó việc khai thác sử dụng bãi này hầu như không được đặt ra. Ở đó, giải pháp gần như duy nhất là dành cho người dân tự do canh tác trồng trọt các loại cây và hoa màu, theo mùa vụ thích ứng. Từ ngày có hệ thống thủy điện thượng nguồn, việc khống chế mực nước sông Hồng, xác định tần suất ngập và mức ngập các Bãi Giữa, Bãi Bồi triền sông cơ bản đã chủ động kiểm soát được. Qua thực tế cho thấy, kể cả lúc xả lũ đỉnh thì việc ngập hoàn toàn Bãi Giữa cũng như Bãi Bồi ven hai bên bờ sông hầu như không xảy ra. Cơ bản chỉ ngập phần trũng, chiếm khoảng 50% diện tích các khu vực. Bãi Giữa số 1 thì khả năng bị ngập có thể còn ít hơn. Hiện nay, trên quan sát thực tế, tần suất ngập Bãi Giữa và Bãi Bồi ngoài đê không nhiều. Như vậy, các bãi này sẽ đủ điều kiện để khai thác trong xây dựng và phát triển một phần diện tích đáng kể cho các khu chức năng phù hợp, phục vụ cho Thành phố. Tuy nhiên, cần thống nhất rằng: Thành phố vẫn cần sự xác nhận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với nội dung này, với cách tính toán chuẩn xác theo thực tế ở điều kiện mới.
Quan điểm của chúng tôi là nên sớm có phương án rõ ràng, dứt khoát, dựa trên cơ sở khoa học nhưng phải căn cứ theo điều kiện thực tế hiện nay bằng định tính và định lượng, xác định đúng mức ngập, để có thể khai thác, xây dựng được đúng cấu trúc không gian phù hợp, mang lại hiệu quả toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội cho Bãi Giữa và Bãi Bồi ven sông thuộc trục cảnh quan sông Hồng. Để tránh lãng phí nguồn lực quý giá nhất là đất đai, đang rất cần khai thác, sử dụng cho nhu cầu hiện tại và tương lai của thành phố.
Kỳ tích sông Hàn Seoul là mô hình tương đồng có thể học hỏi tốt nhất cho tạo lập trục sông Hồng
Cách ứng xử với phương án kiến trúc ở đây là, cần phải tối thiểu hóa mật độ xây dựng. Đồng thời cũng cần tối thiểu hóa được dạng công trình, vật kiến trúc thiết kế xây dựng theo phương án lưỡng tính, tức là phương án phải vừa có khả năng chịu ngập chu kỳ ngắn vừa không gián đoạn thể trạng khai thác, sử dụng. Vì việc xây dựng dạng công trình này tốn kém hơn rất nhiều so với công trình trên vùng đất khô, ổn định. Công năng sử dụng dạng lưỡng tính cũng dễ bị hệ số lãng phí nhiều hơn. Sự yên tâm của nhà đầu tư cũng là yêu cầu rất quan trọng.
Phân tích thể trạng và đề xuất chung cho các bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng
“Thể trạng” các Bãi Giữa sông Hồng hiện nay là đất được quản lý dạng công quỹ. Có nghĩa là việc đầu tư xây dựng rất ít cần tính toán giải phóng mặt bằng. Đó là một lợi thế rất lớn. Các bãi bồi ven sông thì lại khác, tuy Hà Nội chưa điều tra kỹ, nhưng phải có đến hơn 50% vùng đất này ở dọc triền sông trên địa bàn Hà Nội đã được “lấp đầy”. Sự “lấp đầy” này, oái oăm lại phần lớn xuất phát từ sự “chiếm đóng” và lấn chiếm tự do, tự phát của người dân. Với dạng đất này, khi quy hoạch, đầu tư mới sẽ tốn một lượng lớn về thời gian và kinh phí giải phóng, đền bù. Khi tiến hành lập quy hoạch và kiến trúc không gian ở Bãi Giữa và bãi bồi ven sông, trên cơ sở điều tra kỹ lưỡng hiện trạng, cần có những ứng xử riêng phù hợp, hài hòa với mong muốn của cộng đồng nhưng cũng cần kiên định đúng luật pháp.
Dù đã được tính toán quy hoạch xây dựng bài bản, mùa lũ cao “sông Hàn kỳ tích” vẫn phải đương đầu với những vùng có thể ngập
Bài toán ngập lụt, đối với các vùng đất này vẫn đang bỏ ngỏ về mặt xác lập khoa học. Hiện nay, việc tính toán và công bố bài bản nội dung này cũng chưa được Bộ Nông nghiệp và Nông thôn thực hiện – Đây là những khó khăn rất lớn cho nền tảng thông tin cơ bản để nghiên cứu. Điểm thuận lợi đang nhìn thấy là: Ít nhất với một số nhà máy thủy điện lớn ở thượng nguồn sông Hồng, trong vài chục năm gần đây, mực nước lũ cơ bản trên sông đã được khống chế, kiểm soát. Do đó, mức ngập của các bãi giữa và bãi bồi hàng năm, thậm chí theo tháng đã rất ổn định. Có thể dựa vào sự ổn định đó làm điểm xuất phát cơ bản và quan trọng để nghiên cứu đề xuất quy hoạch kiến trúc các vùng này phù hợp.
Đề xuất chung của chúng tôi là: Với tất cả các bãi giữa nên hướng về quy hoạch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao với kết nối đặc sắc vùng miền. Việc tạo lập này chính là một cơ hội rất lớn để nội thành Hà Nội có rau xanh sạch, quả sạch, hoa tươi… các sản phẩm nông nghiệp phục vụ đời sống con người một cách chủ động và tin cậy nhất. Bên cạnh đó, cách làm này sẽ tạo nên sự hấp dẫn khác lạ trong khai thác du lịch dịch vụ, khi mà toàn tuyến bãi giữa mang lại một sắc thái “nông thôn giữa thành thị đặc biệt”, góp phần xây dựng hệ thống cân bằng sinh thái bền vững, đặc sắc cho thành phố phát triển vào tương lai.
Đồng thời, cần phải chọn giải pháp thiết kế với mật độ xây dựng ít nhất trên mặt đất của các bãi nổi giữa sông. Với các bãi bồi ven bờ, việc tạo dựng vật thể kiến trúc, nhất là loại có quy mô rộng và cao có thể mật độ đậm đặc hơn, nhưng cần có tính toán và điều tiết hợp lý. Việc phát triển cả hai không gian này trong trục lõi đô thị đã xoay về chiều hướng vào sông, càng cần được xem xét thấu đáo. Trong những giải pháp đó, những chiếc cầu bắc qua, nhất là những chiếc cầu mang yếu tố lịch sử cần được tham chiếu, tích hợp để trở thành những miếng ghép tạo lập. Vấn đề văn hóa đậm đà bản sắc Việt Nam cũng cần ưu tiên đặc biệt, nhằm tạo được cơ hội tôn vinh, thăng hoa cao nhất ở những vùng đất này.
Đề xuất riêng cho bãi giữa số 1 (vị trí có cầu Long Biên bắc qua)
Hiện nay, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã thống nhất chủ trương cho phép UBND quận Hoàn Kiếm được nghiên cứu, lập đề án phát triển khu vực Bãi Giữa, Bãi Bồi ven sông trên địa bàn quận. Sau khi nghiên cứu, UBND 4 Quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ đã thống nhất báo cáo UBND thành phố xem xét, chấp thuận lập chung một đề án nhằm phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa chức năng.
UBND Thành phố cũng đã xác định, phát triển công viên khu vực này nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, lợi thế tiềm năng, cải thiện cảnh quan, vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, cụ thể hóa phân khu đô thị sông Hồng được duyệt, phù hợp chủ trương Thành ủy tại thông báo số 2582-TB/TU ngày 07/5/2020. Khu vực bãi giữa này với diện tích nổi ước tính khoảng 23ha (mùa cạn nước), nằm ở phường Phúc Tân – Hoàn Kiếm và một phần thuộc quận Long Biên.
Một số mô hình có thể tham khảo cho ý tưởng tổ chức công viên bãi giữa, bãi bồi
Xuất phát từ quy hoạch chung được phê duyệt, thực hiện theo chủ trương của Thành phố, kết hợp nghiên cứu cụ thể hiện trạng và đánh giá dự báo nhu cầu khả thi, việc nghiên cứu đề xuất chức năng bãi giữa phải gắn với quy hoạch khu vực phụ cận và toàn tuyến theo phân định và kết nối một cách chặt chẽ. Trong đó, quan trọng nhất là các địa điểm Cầu Long Biên, bãi bồi Phúc Tân, Bãi Giữa và bãi ven sông phía quận Long Biên – Với cách tiếp cận: Khi hình thành sẽ tạo nên một chuỗi hoạt động vừa độc lập vừa liên tuyến giao thoa, có thể nghiên cứu theo các hướng sau:
Phương án thứ nhất:
- Cầu Long Biên được tôn tạo thành không gian đi bộ kết hợp xe điện (không còn giao thông đường sắt). Không gian vốn dành cho tuyến đường sắt giữa cầu trở thành không gian có nền lát kính (để giữ nguyên cảm xúc di sản), hoặc vật liệu nhẹ và trở thành không gian linh hoạt cho trưng bày ngắn hạn, tương tác, sáng tạo. Phương án trở thành một phần bảo tàng hoặc chức năng cố định khác trên cầu cần cân nhắc kỹ về hiệu quả. Tuyến bộ hành và giao thông xanh này phải được liên thông từ nội đô lịch sử – cầu – bãi giữa -ven sông phía quận Long Biên, (chúng tôi cũng được biết: Khi Bộ Giao thông phân định tuyến đường sắt không còn qua cầu này, trả lại tuyến cho Hà Nội. Thành phố có một hướng là biến tuyến này thành đường sắt đô thị nội đô. Việc này không nên và khó khả thi vì tuyến đường sắt nội đô nên ưu tiên làm 2 chiều và tốc độ cao thì mới đáp ứng chức năng phù hợp theo mô hình TOD. Hơn nữa, kết cấu cầu Long Biên hiện tại đã khó tính toán về khả năng chịu lực tiếp tục cho chức năng giao thông đường sắt. Nếu tuyến đường sắt đô thị vẫn muốn đi qua khu vực này để sang sông thì nên làm ngầm hoặc cầu mới đơn giản tại vị trí phù hợp);
- Bãi Giữa trở thành công viên sinh thái nông nghiệp truyền thống, kết hợp công nghệ cao – Tức là dạng Vườn nông nghiệp đại diện các vùng miền Việt Nam, với đa dạng sinh học về các loại cây lương thực và ăn quả kết hợp muôn sắc. Các chủng, loài cây tạo sản lượng cao về rau xanh và hoa quả, phục vụ cho nhu cầu nội đô. Kết hợp ở đây, tổ chức nhẹ nhàng các khuôn viên cắm trại, trải nghiệm ăn uống dã ngoại. Với phương cách xây dựng tối thiểu, theo hình thức cơ động cao, cho mọi thể loại vật thể kiến trúc nhà cửa, công trình;
- Bãi bồi hai bên sông (Phúc Tân, Bồ Đề..): Tổ chức khu chức năng không gian công viên cây xanh, khu chức năng trồng cây ngắn ngày có thu hoạch, hoa cảnh theo mùa, kết hợp tạo dựng các không gian linh hoạt cho tương tác nghệ thuật thường xuyên; tổ chức hoạt động thể thao, sinh hoạt cộng đồng, gắn với không gian mặt nước, chú ý ưu tiên hướng gắn liền chủ đề lịch sử, văn hóa bản địa;
- Tổ chức kết nối giao thông: Giao thông kết nối với Bãi Giữa cần có hai hướng chủ đạo cố định: Thứ nhất là kết nối tuyến đi bộ, xe điện bánh hơi với tuyến cầu Long Biên xuống bãi; thứ hai là nghiên cứu tạo các cầu đi bộ nối từ bờ ra bãi thoáng đãng, thẩm mỹ, an toàn. Giao thông theo đường thủy (thuyền, bè…) chỉ nên là phương tiện hỗ trợ thời vụ. Giao thông bãi bồi ven bờ phát triển theo địa hình tự nhiên và linh hoạt, uyển chuyển;
- Phương thức đầu tư và khai thác: Kết hợp Nhà nước và xã hội hóa hài hòa. Trong các mục tiêu, cần phải đặt mục tiêu quan trọng là khai thác – vận hành, hiệu quả theo hướng phát triển công nghiệp văn hóa.
Phương án thứ 2 (không ưu tiên lựa chọn):
- Không chờ kết nối đồng bộ phát triển, đồng bộ khai thác không gian cầu Long Biên và bãi bồi ven bờ – Đầu tư xây dựng khai thác độc lập thử nghiệm công viên Bãi Giữa. Tại đây, xây dựng dạng công viên văn hóa đa năng, như mô hình các công viên trên thế giới. Trong đó, không ưu tiên hướng khai thác sản phẩm nông nghiệp, mà ưu tiên phát triển theo hướng đặc sắc, sinh thái, xanh tự nhiên, kết hợp khai thác hiệu suất dịch vụ tại chỗ;
- Tổ chức công viên Bãi Giữa thành nhiều loại dịch vụ du lịch có khả năng cuốn hút du khách trải nghiệm tương tác hàng ngày: Vui chơi các lứa tuổi, câu cá, trượt cỏ, hoạt động cắm trại dã ngoại, check in, bơi thuyền, ẩm thực… kết hợp ứng dụng công nghệ cao. Có thể xây dựng cả những công trình vĩnh cửu, bán vĩnh cửu quy mô vừa, có chức năng thích ứng phục vụ nhu cầu (trên cơ sở khảo sát chu kỳ lũ ngập các khu vực có độ lặp tương ứng);
- Tạo lập không gian bảo tồn, khai thác giá trị lịch sử cầu Long Biên. Nhưng được tiến hành theo chương trình độc lập, có tương tác và cộng hưởng;
- Tạo lập không gian bãi bồi ven sông theo tinh thần tương tác và cộng hưởng;
- Đầu tư mạng giao thông liên tuyến kết nối thuận lợi, có khả năng khai thác tổng thể thành chuỗi, gắn với các dịch vụ du lịch, giải trí, văn hóa trong mạng chung thành phố hình thành cả hai bên bờ sông.
Một số hướng có thể tham khảo học hỏi cho định hướng tạo lập công trình và không gian kiến trúc tại vùng nội vi trục sông Hồng
Như vậy, có thể thấy rằng, qua nghiên cứu xem xét tiềm năng và lợi thế, vai trò của hợp phần trục sông Hồng nói chung, Bãi Giữa, bãi bồi ven sông nói riêng đóng góp cho sự phát triển đô thị Hà Nội, là vô cùng to lớn, khó lường định. Nếu như sông Hàn đã tạo nên kỳ tích Seoul rực rỡ, thì sông Hồng có thể tạo kỳ tích cho Hà Nội nhiều hơn thế. Tuy nhiên, để làm điều này trước hết chúng ta cần một sự nghiên cứu kỹ lưỡng, đổi mới, vì dân sinh, vì phát triển đột phá cho Hà Nội từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, khẳng định vấn đề chống lũ và thoát lũ với những chu kỳ rõ ràng, khoa học và thực tế.
Từ đó, các cơ quan chức năng Hà Nội và các nhà tư vấn cần tiếp tục những cuộc khảo cứu kỹ lưỡng về vấn đề xã hội học, những kinh nghiệm trong nước và quốc tế, đặc biệt là nhu cầu, sở thích của cộng đồng hiện tại và tương lai, tính toán vấn đề đất đai… Đồng thời làm rõ phạm trù chung cho phát triển Thủ đô: Theo hướng Văn hiến – Văn minh – Hiện đại… để đi đến xác lập chính xác quy hoạch và tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, cho toàn thể và từng phần khu vực, theo hướng bồi đắp giàu bản sắc, tiên tiến hiện đại. Bài toán khai thác và sử dụng thật hiệu quả, theo đúng tinh thần phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế tuần hoàn vẫn còn bỏ ngỏ – Chúng ta hãy cùng nhau trả lời!
TS KTS PHAN ĐĂNG SƠN
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam
(Hội thảo khoa học Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng Tầm nhìn và giải pháp)
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.