Tổ chức không gian kiến trúc điểm dân cư mới ngoài đê Sông Hồng tiếp cận từ yếu tố địa văn hóa

MTXD - Khu vực ngoài đê sông Hồng là vùng đất có bề dày lịch sử gắn liền với công cuộc đấu tranh chế ngự thiên tai của cư dân Việt. Trên vùng đất đó, từ sơ khai cư dân Việt cổ đã hình thành các điểm định cư ven sông, đánh dấu bước chuyển hóa từ săn bắn, hái lượm sang định cư với nghề thâm canh lúa nước. Hệ thống đê ra đời, để đối phó với điều kiện tự nhiên của sông Hồng đã phân chia vùng ĐBBB ra làm 2 phần là khu vực trong đê và khu vực ngoài đê.

MTXD - Khu vực ngoài đê sông Hồng là vùng đất có bề dày lịch sử gắn liền với công cuộc đấu tranh chế ngự thiên tai của cư dân Việt. Trên vùng đất đó, từ sơ khai cư dân Việt cổ đã hình thành các điểm định cư ven sông, đánh dấu bước chuyển hóa từ săn bắn, hái lượm sang định cư với nghề thâm canh lúa nước. Hệ thống đê ra đời, để đối phó với điều kiện tự nhiên của sông Hồng đã phân chia vùng ĐBBB ra làm 2 phần là khu vực trong đê và khu vực ngoài đê. Trong giai đoạn gần đây, công tác trị thủy sông Hồng có nhiều bước tiến bộ, đã mang lại cho khu vực ngoài đê một diện mạo mới, mở ra một vùng đất có tiềm năng về quỹ đất, về điều kiện canh tác, khoáng sản, giao thông vận tải để phát triển kinh tế của các địa phương. Trước những nhu cầu thực tế về việc xây dựng hành lang pháp lý để phát triển kinh tế cho khu vực này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành: Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình kèm theo Quyết định 257/QĐ- TTg ngày 18/2/2016. Đây là một cơ sở quan trọng để cho khu vực này có một cơ chế và định hướng phát triển.

Hình 1. Lịch sử phát triển và các trung tâm văn hóa vùng ĐBBB [1]; [2]; [3]

Lịch sử phát triển của vùng đồng bằng Bắc Bộ

Các trung tâm văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ

Hình 2. Đặc trưng cảnh quan tự nhiên khu vực ngoài đê các vùng địa hình

Vùng địa hình 1

Vùng địa hình 2

Vùng địa hình 3

Để có hướng phát triển bền vững cho vùng đất này, gìn giữ, kế thừa và phát huy các đặc điểm địa văn hóa đặc trưng, phù hợp với yêu cầu của phát triển kinh tế xã hội và các yếu tố địa lý đặc thù là một thách thức của nhiều ngành nghiên cứu, kiến trúc cũng không là ngoại lệ. Việc nghiên cứu về kiến trúc của các điểm dân cư tập trung (DCTT) của khu vực này với cách tiếp cận từ yếu tố ĐVH sẽ giúp cho chúng ta nhận biết được văn hóa ứng xử và ứng phó với môi trường tự nhiên đặc thù của khu vực thông qua những đặc điểm về quy hoạch và tổ chức không gian kiến trúc của các điểm DCTT. Điều đó sẽ góp phần trong việc xây dựng định hướng cho quy hoạch và kiến trúc các điểm dân cư mới (DCM) khu vực ngoài đê sông Hồng.

Hình 3. Cấu trúc cơ bản của làng truyền thống trong đê và ngoài đê vùng ĐBBB

Cấu trúc cơ bản của làng truyền thống vùng ĐBBB

Cấu trúc cơ bản của làng truyền thống ngoài đê sông Hồng vùng ĐBBB

Đặc trưng yếu tố địa văn hóa (ĐVH) khu vực ngoài đê Sông Hồng

1. Cảnh quan tự nhiên: Hệ thống đê sông Hồng trải dài trên 329km, từ Tây Bắc đến Đông Nam của vùng ĐBBB, đi qua nhiều vùng địa hình khác nhau. Dựa trên lịch sử hình thành vùng ĐBBB có thể nhận diện ba vùng địa hình cơ bản của vùng ngoài đê sông Hồng bao gồm: [2]

  • Vùng địa hình cuối vùng núi và Trung du (Vùng địa hình 1) với đặc trưng là các bãi sông hẹp, cao độ so dòng sông lớn (3m- 4m), có nhiều bãi cát rộng ăn ra dòng sông. Môi trường thực vật từ xa xưa là rừng già nhiệt đới ăn ra sát bờ sông nhưng đã bị khai thác cạn kiệt để thành đất canh tác;
  • Vùng địa hình đồng bằng trung tâm (Vùng địa hình 2) với đặc trưng là các bãi sông rộng, các bãi bồi bãi lở thay đổi theo dòng chảy, có nhiều nhánh sông chia cắt các bãi bồi tùy theo mực nước sông. Cao độ so dòng sông được hạ thấp hơn từ 0,8m – 1,5m nên dễ gây ngập lụt cho khu vực này khi mùa nước lên. Thảm thực vật chủ yếu là lau sậy xen lẫn đầm lầy;
  • Vùng địa hình cửa sông sát biển (Vùng địa hình 3) với các bãi bồi hẹp, chịu tác động của thủy triều (ngập lụt theo tác động của thủy triều) và xâm thực của nước mặn. Cao độ so với mặt sông từ 0,3m – 0,8m, thảm thực vật chủ yếu là sú, vẹt.

Các vùng địa hình đặc trưng đã tạo cho khu vực ngoài đê sông Hồng điều kiện tự nhiên đặc thù: Thường xuyên chịu ảnh hưởng của sông Hồng (nước lũ gây ngập lụt, bồi lở của bờ sông, hiện tượng thay đổi dòng); có vị trí thuận lợi về giao thông do tiếp cận 2 tuyến giao thông đường thủy (sông), đường bộ (đê); đất đai màu mỡ do được sông Hồng bồi đắp phù sa. Với các điều kiện về môi trường đã hình thành các đặc điểm môi trường sống của cư dân khác biệt so với khu vực trong đê:

2. Cảnh quan nhân tạo: Trên nền điều kiện tự nhiên đặc thù đã hình thành các làng truyền thống với những đặc điểm riêng biệt về:

  • Kinh tế: Mang đậm nét khác biệt trong PTSX nông nghiệp (canh tác theo thời vụ ngắn ngày và sản phẩm là các loại hoa màu…); phát triển giao thương, buôn bán, có các ngành nghề thủ công truyền thống và nuôi và đánh bắt thủy sản;
  • Văn hóa: Chú trọng yếu tố nước và mang đậm đặc trưng “Văn hóa nước”, đa dạng tôn giáo, tín ngưỡng; cởi mở, phóng khoáng và mềm dẻo trong cách ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội; chăm chỉ, chịu đựng gian khổ, cộng đồng tương trợ cao, có sức khỏe, bản lĩnh;
  • Xã hội: Cư dân ở đây cũng bị đối xử khác với những cư dân ở trong đê do thành phần xuất thân của họ (theo Hương ước và Lệ làng). [4]

3. Nhận diện tiểu vùng ĐVH khu vực ngoài đê sông Hồng

Dựa vào điều kiện tự nhiên, lịch sử hình thành, đặc trưng dòng chảy của sông Hồng, ảnh hưởng của các tiểu vùng văn hóa khu vực ĐBBB, đặc điểm về kinh tế, văn hóa- xã hội và yếu tố quy hoạch thủy lợi ta có thể nhận diện 4 tiểu vùng ĐVH khu vực ngoài đê sông Hồng. Trên cơ sở đó để tìm ra các đặc điểm trong tổ chức KGKT của điểm DCTT của từng tiểu vùng để làm định hướng cho tổ chức KGKT các điểm DCM.

Hình 4. Nhận diện các tiểu vùng Địa văn hóa khu vực ngoài đê sông Hồng

Tiêu chí phân chia tiểu vùng Địa văn hóa ngoài đê sông Hồng

Sơ phác phân chia tiểu vùng Địa văn hóa ngoài đê sông Hồng

Tổ chức không gian kiến trúc điểm ĐCM ngoài đê Sông Hồng tiếp cận từ yếu tố ĐVH

Để kế thừa và phát huy các đặc điểm trong tổ chức KGKT của các điểm DCTT vào kiến trúc điểm DCM trong mỗi tiểu vùng ĐVH, ta cần phải có những giải pháp cụ thể cho cấu trúc các công trình. Tuy nhiên cần có những định hướng chung để làm cơ sở cho những giải pháp.

1. Định hướng quy hoạch giao thông

Độ rộng đường đáp ứng được các quy chuẩn về Quy hoạch xây dựng nông thôn và Tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Vật liệu đáp ứng các yêu cầu về đường trục chính, đường nhánh trong quy chuẩn. Riêng đối với các tuyến giao thông phát triển thương mại, du lịch – dịch vụ khuyến khích sử dụng các vật liệu mang tính truyền thống như gạch, đá… để tăng tính thẩm mỹ và đặc trưng của không gian cảnh quan khu vực.

2. Định hướng cho kiến trúc cảnh quan

  • Các công trình trong kiến trúc cảnh quan: Tùy thuộc từng tiểu vùng ĐVH và đặc điểm bãi sông mà tổ chức các công trình – Hình thức phải khai thác và kế thừa được các đặc điểm của kiến trúc các tiểu vùng ĐVH (cấu trúc, vật liệu, trang trí…);
  • Cây xanh công cộng: Sử dụng cây xanh phù hợp với các vị trí và chức năng. Cây xanh to trồng ở các cổng điểm DC, cổng nhóm ở, khuôn viên các công trình công cộng, tín ngưỡng – tôn giáo. Cây xanh trồng theo dải để tạo khoảng cách ly giữa các chức năng, bảo vệ đê (dải cây xanh sát chân đê) và chống xói lở bãi;
  • Mặt nước công cộng: Bố trí trước các công trình cộng cộng, tín ngưỡng – tôn giáo hình dáng phù hợp với hình thức truyền thống (vuông, bán nguyệt…).

3. Định hướng cho kiến trúc công trình công cộng

Các công trình công cộng bao gồm hành chính- xã hội, văn hóa, giáo dục là thành phần bắt buộc cho các điểm DCM, xét trên góc độ kiến trúc thì các công trình này là biểu tượng kiến trúc cho các điểm DC do vậy nó cần phải phản ánh được các đặc điểm của kiến trúc của tiểu vùng ĐVH. Tùy thuộc vào đặc điểm vị trí điểm DC trên bãi sông, đặc điểm kiến trúc thể loại công trình này trong điểm DCM của tiểu vùng ĐVH mà có những giải pháp cụ thể, tuy nhiên cần tuân thủ các định hướng chung:

  • Hướng chính: Hướng ra sông, đầm, hồ tự nhiên (mặt nước lớn);
  • Bố cục tổng thể: Theo các các dạng cấu trúc chữ Đinh, chữ Công;
  • Mái và vật liệu lợp: Hình thức mái tuân thủ hình thức mái đặc trưng của các tiểu vùng ĐVH, sử dụng các vật liệu hiện đại thân thiện với môi trường;
  • Vật liệu xây dựng: Sử dụng vật liệu hiện đại, thân thiện với môi trường;
  • Kết cấu: Sử dụng các giải pháp kết cấu mới với vật liệu hiện đại để phù hợp với không gian sử dụng, các hình thức cấu kiện, mối liên kết cần cách điệu và mô phỏng các cấu trúc của hệ kết cấu truyền thống của khu vực;
  • Màu sắc: Sử dụng màu sắc đặc trưng của kiến trúc truyền thống, không sử dụng màu sắc lòe loẹt. Với các công trình có tính đặc thù (giáo dục, văn hóa…) thì cần có giải pháp kết hợp màu sắc với hình thức xây dựng, vật liệu để tăng tính hấp dẫn cho loại hình hoạt động;
  • Chi tiết trang trí: Sử dụng các motip trang trí truyền thống đặc trưng của tiểu vùng ĐVH nhưng có cách điệu cho phù hợp với từng thể loại công trình.

4. Định hướng cho kiến trúc công trình tín ngưỡng – tôn giáo

Công trình tín ngưỡng và tôn giáo là một thành phần không thể thiếu trong cấu trúc điểm DCM. Tuy nhiên, xét về các giá trị tâm linh thì các công trình này không thể so sánh được với các các công trình đã có trong điểm DCTT. Do vậy chức năng, nội dung cần được biến đổi để phù hợp, chức năng có thể chia thành 2 nhóm là công trình tín ngưỡng công cộng (đền thờ, đài tưởng niệm) và công trình tín ngưỡng nhóm cộng đồng (nhà thờ họ, nhà thờ giáo họ). Các công trình này cũng cần tuân thủ các đặc điểm của nhóm công trình công cộng, tuy nhiên cần khai thác và kế thừa các đặc điểm kiến trúc của thể loại công trình này từ các điểm DCTT trong khu vực.

5. Định hướng cho tổ chức không gian kiến trúc khuôn viên hộ gia đình

Cổng – hàng rào nên sử dụng các hình thức truyền thống đặc trưng của tiểu vùng ĐVH (có mái, không có mái…). Hàng rào sử dụng cây xanh cắt tỉa hoặc vật liệu hiện đại nhưng thoáng và kết hợp với cây xanh để tạo không gian chuyển tiếp từ đường vào nhà, mở rộng không gian cho ngõ xóm. Cây xanh trong khuôn viên cần được tổ chức theo lớp, tầng bậc cây xanh thấp ở hàng rào, cây xanh trung bình cho vườn, cây xanh cao trước nhà. Mặt nước trong khuôn viên tùy thuộc vào từng đặc điểm của tiểu vùng ĐVH (phía trước kết hợp với hệ thống kênh mương thoát nước hoặc bên cạnh, phía sau nhà chính). Các công trình phụ trợ trong khuôn viên tùy thuộc vào chức năng hoạt động mà bố trí vị trí tương quan với công trình chính, cấu trúc cần tuân thủ cấu trúc ngôi nhà chính.

6. Định hướng cấu trúc các công trình trong khuôn viên

Bố cục công trình chính – phụ trong khuôn viên theo hình “thước thợ”, nên tách rời nhau để tăng diện tiếp xúc với thiên nhiên cho khối công trình, liên kết với nhau bằng khoảng sân chung. Các không gian phụ trợ cho hoạt động kinh tế trong khuôn viên cần được ưu tiên tiếp xúc với trục giao thông để thuận lợi cho việc sử dụng và chuyển đổi công năng (cần có khoảng đệm xanh với trục giao thông), với các hoạt động kinh tế cần thêm diện tích (du lịch theo hình thức homestay, sản xuất thủ công công đoạn cuối, phục vụ SXNN công nghệ cao…) thì các hoạt động này cần tách riêng ra khỏi không gian ở (nhà chính- nhà phụ) để thuận lợi cho việc vận hành. Hình thức các công trình này cũng là một phần tạo nên không gian kiến trúc cho điểm dân cư nên phải tuân thủ hình thức kiến trúc của ngôi nhà chính. Khoảng cách từ nhà ra đến mặt đường giao thông cần phải lùi vào so với tuyến giao thông chính là 7m và giao thông nhánh là 5m (phù hợp với chiều cao của cây xanh);

Mái nhà và vật liệu lợp: Hình thức phù hợp với đặc điểm của các tiểu vùng ĐVH, sử dụng vật liệu ngói lợp kết hợp với tấm năng lượng hướng tới “cấu trúc mái xanh”.

7. Định hướng cấu trúc công trình phụ trợ sản xuất ngoài khuôn viên

Với đặc thù của khu vực là có một mặt tiếp giáp với sông Hồng nên việc khai thác không gian mặt sông cần được chú trọng. Khu vực xây dựng các công trình này cần bám sát mặt sông và tùy thuộc vào công năng phục vụ mà xây dựng trên vị trí bãi. Các công trình này mang tính “biểu tượng” cao cho các bãi sông, các điểm DCM và nhận diện những đặc trưng của tiểu vùng ĐVH, do vậy cần phải có không gian kiến trúc và hình thức khai thác được những đặc trưng của yếu tố ĐVH của tiểu vùng.

  • Công trình phục vụ hoạt động thương mại: Phục vụ các hoạt động thương mại tiếp cận từ đê và sông (chợ theo mô hình mới, điểm giới thiệu sản phẩm…) không có chức năng ở, có thể xây dựng trên các vị trí sát với mép nước của bãi sông phù hợp với đặc điểm khu vực (địa danh, sản phẩm thủ công, nông nghiệp…);
  • Công trình phục vụ hoạt động du lịch – dịch vụ: Thể loại công trình này có thể có lưu trú cho mô hình du lịch văn hóa, trải nghiệm, khám phá hoặc không lưu trú cho mô hình du lịch khám phá và trải nghiệm. Đối với một số mô hình cụ thể xây dựng trong không gian thoát lũ của bãi sông thì cần có giải pháp thích ứng (mực nước sông, hiện tượng bồi lở của các bãi…) và đảm bảo quy hoạch thủy lợi (không gian thoát lũ);
  • Công trình phục vụ hoạt động sản xuất thủ công: Các công đoạn gây ô nhiễm cần tách xa khỏi khu ở (theo quy chuẩn) để có hệ thống hạ tầng kỹ thuật xử lý chất thải tập trung, các công đoạn này cần đặt sát sông để có không gian thoáng, thuận tiện vận chuyển nguyên, vật liệu và cũng tạo dấu hiệu nhận biết các điểm DC có nghề truyền thống trên tuyến du lịch sông Hồng, các không gian này không kết hợp không gian ở. Các công đoạn hoàn thiện (ít gây ô nhiễm) có thể đưa vào không gian trong điểm DC kết hợp với không gian ở, du lịch – thương mại;
  • Công trình phục vụ hoạt động SXNN công nghệ cao: Hầu hết trên các bãi sông một số khu vực đã phát triển mô hình SXNN công nghệ cao, với mô hình này cần bộ phận phụ trợ lớn. Việc bố trí các công trình phụ trợ cho mô hình này cũng cần có sự phân chia quy trình, với các phòng thí nghiệm, vườn ươm, thí nghiệm thì có thể kết hợp với không gian ở, các không gian canh tác cần bố trí bên ngoài điểm dân cư, các nhà xưởng, nơi để máy móc, thiết bị, phân bón thì được bố trí tập trung ở khu vực này để thuận tiện cho quá trình vận hành và không làm ảnh hưởng đến chức năng trong các điểm DC.

8. Về quy hoạch giao thông

Hình 7. Địa văn hóa trong tiếp cận nghiên cứu văn hóa và biểu hiện của nó trong thành phần kiến trúc điểm dân cư

Mô hình quy hoạch chức năng và các công trình kiến trúc cơ bản cho điểm DCM tiểu vùng ĐVH 1

Mô hình quy hoạch chức năng và các công trình kiến trúc cơ bản cho điểm DCM tiểu vùng ĐVH 2

Mô hình quy hoạch chức năng và các công trình kiến trúc cơ bản cho điểm DCM tiểu vùng ĐVH 3

Mô hình quy hoạch chức năng và các công trình kiến trúc cơ bản cho điểm DCM tiểu vùng ĐVH 4

Giải pháp kiến trúc cho điểm DCM tiểu vùng ĐVH 1

Giải pháp kiến trúc cho điểm DCM tiểu vùng ĐVH 2

Giải pháp kiến trúc cho điểm DCM tiểu vùng ĐVH 3

Giải pháp kiến trúc cho điểm DCM tiểu vùng ĐVH 4

Kết luận

Xu hướng đa văn hóa, toàn cầu hóa đang phát triển mạnh mẽ đặt ra những thách thức cho các khu vực, cho các nền văn hóa. Thay đổi theo xu hướng hay tự tìm định hướng phát triển cho mình là một bài toán đặt ra cho cho tất cả các lĩnh vực liên quan đến văn hóa và kiến trúc cũng không là ngoại lệ. Với bản chất là sản phẩm của con người sáng tạo ra trong quá trình tiến hóa của mình, kiến trúc phản ánh cách ứng xử của con người với môi trường tự nhiên nơi họ sinh sống và được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác tạo ra “bản sắc” của văn hóa, nhất là trong những môi trường tự nhiên có tính đặc thù thì “bản sắc” càng được thể hiện phong phú và mạnh mẽ. Trong kiến trúc, văn hóa được truyền tải qua cách tổ chức không gian kiến trúc của môi trường sống và môi trường sinh hoạt của cư dân, là một yếu tố quan trọng tạo nên yếu tố ĐVH đặc trưng của mỗi khu vực.

Là khu vực giàu tiềm năng phát triển và có yếu tố ĐVH đặc thù, khu vực ngoài đê sông Hồng cần phải có một định hướng phát triển cho riêng mình để đáp ứng được những nhu cầu về phát triển văn hóa, du lịch, kinh tế và là trục xanh – văn hóa – cảnh quan cho những khu vực mà nó đi qua thì việc định hướng tổ chức không gian kiến trúc cho các điểm DCM của khu vực này cần tiếp cận từ yếu tố ĐVH. Cách tiếp cận này sẽ giúp cho “bản sắc” văn hóa của khu vực này không bị mất đi, nó kế thừa và phát huy được các đặc điểm trong tổ chức không gian kiến trúc các làng truyền thống và trên cơ sở đó xây dựng những định hướng cho việc phát triển các điểm DCM có giá trị xuyên suốt và bền vững.

ThS.KTS Lê Hồng Mạnh
Khoa Kiến trúc – ĐH Kiến trúc Hà Nội
 

Tài liệu tham khảo:
1. Huỳnh Công Bá (2019) – “Đặc trưng và sắc thái văn hóa vùng – Tiểu vùng ở Việt Nam” – Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế;
2. Lê Bá Thảo (1977) – “Thiên nhiên Việt Nam” – Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật, trang 89- 96, 289- 309,
3. Ngô Đức Thịnh (2004) – “Bản sắc văn hóa vùng ở Việt Nam” – Nhà xuất bản Trẻ, trang 74, 115- 119, 312- 314.
4. Trần Ngọc Thêm (1996) – “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” – Nhà xuất bản TP HCM.


 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.