Tọa đàm “Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh”
MTXD - Sáng 18/9, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh”. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu chào mừng, chỉ đạo tại Tọa đàm.
Quang cảnh buổi toạ đàm
Theo Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu về sự cạn kiệt của nguồn năng lượng hóa thạch, tác động bất lợi của BĐKH, sự gia tăng chất thải và ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, phương tiện giao thông, tiêu dùng… Việc phát triển công trình hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh, công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải dòng bằng không đã và đang là một trong những ưu tiên của của nhiều quốc gia trên thế giới.
Không nằm ngoài xu hướng đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, VBQPPL, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động KT-XH, trong đó có lĩnh vực xây dựng... Trong đó, đặc biệt lưu ý, phát triển công trình xanh cũng là chỉ tiêu để đánh giá, phân loại đô thị theo quy định của Nghị quyết 26/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Tọa đàm.
Công trình xanh được phát triển trên thế giới từ những năm 1990 và dần trở thành phong trào, là xu hướng đầu tư xây dựng và quản lý vận hành của các công trình ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ở Việt Nam, các công trình xanh xuất hiện đầu tiên vào những năm 2005-2010.
Qua hơn 15 năm phát triển, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện mới đạt khoảng 300 công trình với tổng diện tích khoảng trên dưới 7,2 triệu m2 sàn xây dựng. Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Hiện, Việt Nam chưa có công trình được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết, việc phát triển công trình xanh trong thời gian qua cũng đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Ngoài những tác động của đại dịch Covid-19, sự phát triển chậm lại của thị trường BĐS và nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu giảm sút, các chủ đầu tư dự án công trình xanh còn gặp những khó khăn trong tiếp cận và đảm bảo nguồn vốn đầu tư tăng thêm cho dự án, công trình để đáp ứng tiêu chuẩn xanh; thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật có đủ trình độ trong lập dự án, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý vận hành công trình xanh; chưa có quy định bắt buộc dán nhãn, đánh giá chứng nhận các sản phẩm VLXD xanh, tiết kiệm năng lượng để đưa vào sử dụng trong công trình… Từ đó đặt ra vấn đề, cần những kiến nghị, đề xuất dỡ bỏ các rào cản nhằm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công trình xanh, chuyển đổi xanh ngành Xây dựng trong thời gian tới.
Cũng tại tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Dương Đức Tuấn cho biết, TP Hà Nội đã có những chủ trương và hành động thể hiện sự quan tâm, khuyến khích phát triển công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng. Coi đây là một trong những giải pháp đột phá góp phần tạo động lực tích cực cho phát triển bền vững, ứng phó với BĐKH của Thủ đô Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Dương Đức Tuấn phát biểu tại Tọa đàm.
Tuy nhiên, công trình xanh là một khái niệm mang tính bao trùm công trình tiết kiệm năng lượng và còn tương đối mới, hệ thống pháp luật bao gồm: Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Kiến trúc và các Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn liên quan của Bộ Xây dựng, cơ bản chưa có quy định về công trình xanh.
Tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH 15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, công trình xanh, đô thị mới xanh là một tiêu chí để chấm điểm phân loại đô thị. Theo đó, đối với khu vực nội thành, nội thị và khu vực dự kiến thành lập quận cần tối thiểu 01 công trình xanh, các khu chức năng đô thị, khu đô thị mới được quy hoạch, thiết kế theo mô hình xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh.
Như vậy, nhu cầu công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng của TP Hà Nội là rất lớn, ước tính chỉ riêng đối với công trình xanh khoảng 17 công trình quy định tối thiểu, và các công trình phải gắn kết trong một chức năng đô thị, khu đô thị mới được thiết kế theo mô hình xanh, nhằm đạt hiệu quả tối ưu về không gian xanh, tiết kiệm năng lượng. Trong Kế hoạch số 216/KH-UBND ngày 21/8/2023, UBND TP Hà Nội xác định chỉ tiêu diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đến năm 2025 là 7,8 - 8,1 m2/người và đến năm 2030 là từ 12 - 14 m2/người, số lượng các đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế đến năm 2030 là 3 - 5 đô thị.
Ông Dương Đức Tuấn nêu quan điểm, chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh cần được nhìn nhận và áp dụng tổng thể trên các khía cạnh môi trường, xã hội, văn hóa và kinh tế; triển khai bao trùm cả ở đô thị, nông thôn, ở tất cả các giai đoạn của xây dựng công trình như: Thiết kế quy hoạch, thiết kế kiến trúc, VLXD, thi công công trình; gắn kết với đô thị xanh, không gian xanh; lấy trọng tâm là con người và bản sắc địa phương, hướng tới sự phát triển hài hòa của môi trường sinh thái tự nhiên…
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành nghiên cứu, ban hành các chính sách, hành lang pháp luật quy định rõ về công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng vừa có tính khuyến khích vừa có tính bắt buộc đối với các công trình, dự án đầu tư theo từng trường hợp cụ thể (liên quan đến tài chính, đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, kiến trúc...).
Quá trình xây dựng chính sách cần tham vấn rộng rãi của các tổ chức liên quan đến phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng như: Bộ Xây dựng, Hội Kiến trúc sư, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam và các tổ chức, chuyên gia quốc tế.
Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn, bộ tiêu chí hướng dẫn thiết kế công trình xanh nhằm hỗ trợ thực hiện thiết kế, thi công và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; Đưa ra các khung tiêu chí, tiêu chuẩn công trình xanh dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn chung của thế giới và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Phát biểu kết luận Tọa đảm, PGS.TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ KHCN&MT Bộ Xây dựng đánh giá cao các bài thuyết trình và thảo luận của đại biểu, qua đó cũng cho thấy việc thúc đẩy chuyển đổi xanh tại Việt Nam, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội là rất cần thiết; đồng thời chuyển đổi xanh cần có nguồn tài chính lớn, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị...
Thảo Mai
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.