Ứng phó với tình trạng sụt lún đất ở Đồng bằng sông Cửu Long
MTXD - Việc khai thác tài nguyên quá mức, không được kiểm soát tại đồng bằng sông Cửu Long đã khiến khu vực trù phú này bị tổn thương nghiêm trọng, trong đó có tình trạng sụt lún, sạt lở đất.
Theo số liệu đo đạc tại 287 mốc chuẩn quan trắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong hơn 10 năm gần đây do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện cho thấy: tốc độ sụt lún đất trung bình là 0,96 cm/năm, trong khi nước biển dâng chỉ 0,35 cm/năm. Kết quả này cho thấy, tốc độ sụt lún đất nhanh hơn gấp ba lần so với mực nước biển dâng.
Sụt lở ven bờ sông Hậu tại Cần Thơ
Trong đó, kết quả quan trắc sụt lún tại các mốc chuẩn độ cao tại 4 địa phương gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Bến Tre chỉ ra rằng, tốc độ sụt lún trung bình là hơn 10 cm, trong đó Cần Thơ sụt lún nghiêm trọng nhất (15,49 cm), với tốc độ trung bình 1,31 cm/năm, thấp nhất là Bến Tre (0,55 cm/năm).
Sụt lún đất gây ra sạt lở bờ sông, bờ biển vào mùa khô, ngập lụt đô thị vào mùa mưa ở hầu hết đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long. Theo thống kê, toàn vùng có 562 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài 786 km, trong đó có 42 điểm sạt lở nguy hiểm với chiều dài gần 150 km.
Các nghiên cứu cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt lún, trong đó việc khai thác nước ngầm quá mức được xem là nguyên nhân chính. Ngoài ra, nguồn nước ngầm nhiễm mặn ngày càng gia tăng ở sông Mekong cũng là nguyên nhân làm giảm nguồn nước ngọt dưới bề mặt.
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long khai thác hơn 2,5 triệu m3/ngày, trong đó 40% phục vụ cho sinh hoạt, 40% phục vụ sản xuất nông nghiệp và 20% phục vụ sản xuất công nghiệp. Khu vực này có khoảng 2 triệu giếng khoan, với 550 nghìn giếng khai thác nước tập trung, khoảng 80% số người dân nông thôn sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt kết hợp sản xuất do hệ nguồn nước mặt ở các sông ngòi, kênh rạch bị ô nhiễm do quá trình sản xuất nông nghiệp.
Nước sinh hoạt ở các đô thị ven biển các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang đều sử dụng nước ngầm phục vụ sinh hoạt với những giếng khoan tập trung khai thác công suất lớn, làm nguồn nước dần cạn kiệt, chất lượng suy giảm.
Tác động của khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến sụt lún đất, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Vì vậy để hạn chế tình trạng này, trước mắt cần phải quản lý việc khai thác nước ngầm, sử dụng nước hiệu quả để hạn chế tình trạng sụt lún đất. Về lâu dài, cơ quan chức năng, chính quyền các cấp tăng cường sử dụng nước mặt ở các sông, kênh rạch để thay thế sử dụng nước ngầm.
Các địa phương tại khu vực có tình trạng sụt lún nghiêm trọng cần hướng đến sản xuất nền nông nghiệp giảm thâm canh, lúa vụ ba, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch, an toàn, chú trọng chất lượng hơn số lượng để giảm bớt phân bón, thuốc trừ sâu thải vào nguồn nước nhằm khôi phục dần chất lượng nguồn nước mặt ở các sông để người dân có thể sử dụng cho sinh hoạt, sản xuất như hàng chục năm trước.
Cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đánh giá khoa học trữ lượng, chất lượng nước ngầm của vùng để có kế hoạch bảo vệ, sử dụng hiệu quả. Vùng đồng bằng sông Cửu Long xác định là vùng nông nghiệp, thủy sản lớn nhất nước, vì thế không nên phát triển công nghiệp sử dụng nhiều đến nguồn nước như: Nhiệt điện, sản xuất thép, chế tạo giấy… sẽ làm cạn kiệt, suy giảm chất lượng nguồn nước.
Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, Bộ Xây dựng đang thực hiện dự án tích hợp nước an toàn cho các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long từ nguồn vốn vay 400 triệu USD của Ngân hàng thế giới. Dự án này sử dụng nước sông Tiền, sông Hậu xây dựng các nhà máy cấp nước tập trung công suất từ 100-400 nghìn m3/ngày đêm để cấp nước cho toàn vùng. Tuy nhiên, hơn 4 năm thực hiện, dự án đang trong quá trình quy hoạch, lấy ý kiến các chuyên gia, chính quyền địa phương là chậm so với tính cấp thiết về nước sinh hoạt, sản xuất của người dân trong vùng.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải kiến nghị: Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu, trong đó có quy hoạch cấp nước cho toàn vùng. Trên cơ sở quy hoạch này, Chính phủ, các bộ, ngành cần ưu tiên đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cấp nước sử dụng nguồn nước mặt các sông lớn nhằm hạn chế khai thác nước ngầm, giảm tình trạng sụt lún, sạt lở đất. Bên cạnh xây dựng các nhà máy nước tập trung, cần đầu tư các nhà máy nước phân tán ở các đô thị nhằm giảm chi phí và bảo đảm an ninh nguồn nước đề phòng khi có sự cố xảy ra.
Dưới góc độ chuyên môn, PGS, TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường đại học Cần Thơ đề xuất: Ðể đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, về lâu dài, các địa phương có kế hoạch sử dụng tài nguyên nước ngọt một cách hợp lý; thực hiện việc trữ nước ngọt vào mùa mưa tại vùng trũng như ở vùng tứ giác Long Xuyên, vùng Ðồng Tháp Mười để sử dụng vào mùa khô nhằm hạn chế sử dụng nước ngầm chứ không nên xả nguồn nước ngọt này (ngày càng ít) ra biển để kiểm soát lũ vì điều kiện tự nhiên đã thay đổi.
Các địa phương trong vùng cần đánh giá lại tính hiệu quả về kinh tế-xã hội các dự án thủy lợi trữ ngọt, ngăn mặn đang triển khai trong vùng vì nó trái với điều kiện tự nhiên, dễ gây ô nhiễm nguồn nước mặt. Cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đánh giá khoa học trữ lượng, chất lượng nước ngầm của vùng để có kế hoạch bảo vệ, sử dụng hiệu quả. Vùng đồng bằng sông Cửu Long xác định là vùng nông nghiệp, thủy sản lớn nhất nước, vì thế không nên phát triển công nghiệp sử dụng nhiều đến nguồn nước như: Nhiệt điện, sản xuất thép, chế tạo giấy… sẽ làm cạn kiệt, suy giảm chất lượng nguồn nước.
LAM HUYỀN
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.
TP.HCM: Trao danh hiệu Doanh nghiệp Xanh năm 2024
MTXD - Ngày 29/8/2024, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng, tổ chức Lễ trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP.HCM năm 2024”. Đây là hoạt động hướng đến Diễn đàn kinh tế thành phố lần thứ 5 diễn ra từ 24/9/2024 đến 27/9/2024.
Huyện Hải Lăng ( Quảng Trị) : Lập biên bản yêu cầu công ty CP Thiên Tân giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Ngày 20/8/2024, Ban QLDA, PTQĐ&CCN huyện Hải Lăng tổ chức làm việc với Công ty cổ phần Thiên Tân về việc tập kết sản phẩm ống cống không đúng nơi quy định; xe vận chuyển nguyên, vật liệu gây ra bụi; xe có trọng lượng lớn gây sụt lún điểm đấu nối giữa Quốc lộ 1A với tuyến đường quy hoạch RD-2 Cụm côn
Quảng Nam: Nhiều trường học dọn dẹp môi trường chuẩn bị năm học mới.
MTXD - Những ngày trước khai trường, nhiều trường học ở các địa phương tỉnh Quang Nam đã tổ chức cho học sinh đến nhận lớp, dọn vệ sinh, chuẩn bị khai giảng năm học mới.
Huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk): Chỉ đạo kiểm tra hoạt động đốt than của các hộ dân
MTXD - Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn ( Đắk Lắk ) vừa chỉ đạo, UBND xã Ea Bar kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh của người dân về hoạt động đốt lò than tự phát gây ô nhiễm môi trường.