Vai trò của mô hình kinh tế tuần hoàn trong giảm thiêủ biến đổi khí hậu

MTXD - Biến đổi khí hậu đang ngày càng có xu hướng gia tăng với nhiều hiện tượng cực đoan lệch khỏi quy luật trước đây ảnh hưởng lớn đến đời sống của con người, xóa bỏ thành tựu của phát triển kinh tế trong thời gian dài. Báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu tiếp tục cảnh báo những tác động khôn lường của biến đổi khí hậu nếu không có động thái quyết liệt và mạnh mẽ hơn giảm lượng phát thải khí nhà kính

MTXD -  Biến đổi khí hậu đang ngày càng có xu hướng gia tăng với nhiều hiện tượng cực đoan lệch khỏi quy luật trước đây ảnh hưởng lớn đến đời sống của con người, xóa bỏ thành tựu của phát triển kinh tế trong thời gian dài. Báo cáo mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu tiếp tục cảnh báo những tác động khôn lường của biến đổi khí hậu nếu không có động thái quyết liệt và mạnh mẽ hơn giảm lượng phát thải khí nhà kính. Tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn trong khoảng 1 thập kỷ trở lại đây đã và đang được chứng minh là có hiệu quả trong giảm thiểu biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu. Bài viết thông qua tổng quan các nghiên đã có cũng như số liệu thống kê liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính để chỉ rõ vai trò của áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu cụ thể hơn đối với nhựa và một số điểm cần lưu ý trong chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn.

Từ khóa: Giảm thiểu biến đổi khí hậu; Kinh tế tuần hoàn.

1. Đặt vấn đề

Sự thay đổi vòng tuần hoàn nhiệt và ẩm của trái đất là nguyên nhân của ấm lên toàn cầu, mực nước biển tăng, băng tan là những xu hướng rõ rệt đã được quan sát trong vài thập kỷ trở lại đây. Nhiệt độ tăng nên lượng nước tham gia vào vòng tuần hoàn ẩm tăng lên, kéo theo mưa bão với cường độ lớn hơn, bất thường hơn, trong khi đó các khu vực khác lại chịu ảnh hưởng của khô hạn, hạn hán và cháy rừng với tần suất cao. Năm 2021, Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu như Đức đã phải trải qua những đợt mưa lớn kéo dài và lũ lụt chưa có trong lịch sử hay nhiệt độ tăng cao đạt cực trị mới ở các quốc gia Địa Trung Hải như Italia, cháy rừng thảm khốc ở Thổ Nhĩ Kỳ. Những con số thực tế này minh chứng rõ ràng hơn cho những biểu hiện ngày càng khó lường với mức độ tàn phá lớn của biến đổi khí hậu (BĐKH). Giảm phát thải khí nhà kính (KNK) là mấu chốt quan trọng nhằm giảm thiểu BĐKH toàn cầu. Do đó, cần tìm ra mô hình kinh tế phù hợp giải quyết bài toán cân bằng giữa giảm phát thải và lợi ích kinh tế. Chính vì thế, trong khoảng 1 thập kỷ trở lại đây, các nghiên cứu về giảm thiểu biến đổi khí hậu chuyển sang khai thác việc chuyển đổi mô hình kinh tế tuyến tính sang chiều kinh tế tuần hoàn (KTTH) nhằm tăng hiệu suất của các quá trình sản xuất, giảm tối đa lượng chất thải ra môi trường, từ đó giảm phát thải không cần thiết nhằm giữ vững kịch bản nhiệt độ trái đất tăng lên 1,5 độ C vào cuối thế kỷ. Để đạt được mục tiêu trên thì không chỉ cần sự nỗ lực của các ngành, lĩnh vực phát thải lớn mà phải có sự tham gia của tất cả các ngành, lĩnh vực có phát thải.

2. Tình hình nghiên cứu

Các nghiên cứu xác định mối quan hệ, vai trò của mô hình kinh tế tuần hoàn trong giảm thiểu BĐKH thông qua giảm lượng phát thải khí nhà kính cho thấy tính hiệu quả trong giảm KNK khi thực hiện chiến lược kinh tế tuần hoàn. Có nghiên cứu mang tính tổng hợp về cách thức kinh tế tuần hoàn ứng phó với BĐKH(EMF, 2019) trong khi một số khác tập trung vào các lĩnh vực riêng lẻ như trong xây dựng (Gallego-Schmid và cộng sự, 2020), tái chế nhựa (Liu, Z. và cộng sự, 2018), chất thải sinh hoạt đô thị (Christis, M. và cộng sự, 2019), nông nghiệp (Gallego-Schmid,A. và cộng sự, 2020). Nghiên cứu của Lauselet và cộng sự (2017) xem xét và so sánh mức độ giảm CO2 của mô hình kinh tế tuần hoàn với các mô hình xử lý chất thải ngành năng lượng; quy trình thu giữ và lưu trữ cacbon; kịch bản chôn lấp.

Nhìn chung, các nghiên cứu về mối quan hệ giữa mô hình kinh tế tuần hoàn và giảm thiểu BĐKH tập trung vào làm rõ mô hinh kinh tế tuần hoàn hữu ích như thế nào trong việc giảm phát thải KNK mà vẫn đạt được lợi ích về kinh tế. Một số các nghiên cứu khác lại so sánh hiệu quả
giảm KNK và các ô nhiễm của mô hình KTTH với một số mô hình khác trong xử lý chất thải.

Bài viết này sẽ tổng hợp và làm rõ hơn vai trò của việc thực hiện các chiến lược KTTH trong giảm thiểu BĐKH bao gồm hiệu quả trong giảm thiểu KNK và tăng cường khả năng thích ứng của hệ sinh thái.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Bối cảnh môi trường và biến đổi khí hậu

Biểu hiện của BĐKH ở cấp độ toàn cầu ngày càng được quan sát rõ rệt và có thêm nhiều bằng chứng củng cố nhận định nguyên nhân của nó phần lớn do hoạt động của con người. Báo cáo mới nhất của IPCC (2021) một lần nữa đưa ra thông số về sự ấm lên của khí quyển, đại dương, các
vùng đất và băng. Trong đó, nhiệt độ toàn cầu giai đoạn 2010-2019 tăng lên 0,8 đến 1,3 độ C so với giai đoạn 1850-1900; lượng mưa trung bình toàn cầu trên đất liền tăng nhanh hơn từ những năm 1980; Giảm diện tích sông băng và băng ở Bắc Cực từ những năm 1990; Đại dương ấm lên từ những năm 1970 do axit hóa đại dương toàn cầu; mực nước biển tăng 0,2m từ 1901 đến 2018; thay đổi khác trong sinh quyển (đới khí hậu có xu hướng di chuyển về 2 bán cầu, mùa sinh trưởng kéo dài thêm trung bình 2 ngày/10 năm kể từ những năm 50); gia tăng các hiện tượng khí hậu và thời tiết cựu đoan ở nhiều khu vực trêntoàn cầu (IPCC, 2021).

 

 Giải quyết rác thải bị bỏ sót

Phân theo nguồn phát thải KNK nói chung hay lượng CO2 quy đổi, chủ yếu từ hoạt động sản xuất của con người, trong đó, riêng CO2 phát thải từ ngành năng lượng chiếm 55% tổng lượng phát thải toàn cầu, còn lại 45% là phát thải do quá trình sản xuất các loại sản phẩm khác với 5 loại chính là thực phẩm, sắt, xi măng, nhựa, nhôm. Đơn cử như đối với sản phẩm nhựa đây là một tác nhân gây ra nhiều tác động đến môi trường sinh thái, cấu trúc và chức năng của các thành phần trong hệ sinh thái, nhất là có tác động lớn đến biến đổi đại dương và biến đổi khí hậu. Không chỉ thế, nhựa là thành phần chính trong các bãi rác thải hiện nay và ngày càng trở thành vấn đề lớn đối với môi trường và BĐKH. Hạn chế tối đa lượng phát thải khí nhà kính do quá trình sản xuất sản phẩm nhựa từ nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí nhà kính phát thải do xử lý chất thải nhựa (đốt) góp phần thực hiện mục tiêu giảm thiểu BĐKH.
Nguyên nhân chính được xác định là việc gia tăng hỗn hợp các loại KNK từ hoạt động của con người trong đó CO2 là nguyên nhân chủ yếu. Chỉ tính riêng 8 năm từ 2011 đến 2019, nồng độ các chất tăng lên trung bình 410ppm đối với CO2, 1866 ppb đối với CH4, 332 ppb đối với N2O (IPCC, 2021). Cụ thể, sự gia tăng CO2 và các loại khí nhà kính có tác động đến sự thay đổi khí hậu, biến đổi đại dương và giảm khả năng thích ứng của các hệ sinh thái trên toàn cầu.

Trong giai đoạn trước đây đã có các nỗ lực cắt giảm KNK thông qua việc chuyển đổi các nguồn năng lượng truyền thống sang nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, điều đó không đủ để giảm lượng phát thải KNK nhằm đạt mục tiêu nhiệt độ tăng lên 1,5 độ C vào năm 2100. Vì thế hướng giảm phát thải KNK cần được thực hiện đồng bộ trên tất cả các mặt để hạn chế kịch bản phát thải cao tác động xấu đến BĐKH, cần giảm thiểu tối đa lượng phát thải KNK trong nhiều ngành sản xuất kể trên.

Rõ ràng, vấn đề BĐKH đang đứng trước thách thức lớn mang tính toàn cầu cần có thêm hành động giảm phát thải KNK một cách đồng bộ không chỉ trong các ngành có lượng phát thải lớn như năng lượng mà còn cả trên các ngành sản xuất sản phẩm khác. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu BĐKH mà còn giúp tăng cường năng lực thích ứng của hệ sinh thái trước BĐKH.

3.2. Đặc điểm mô hình kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn được phát triển từ nền tảng lý thuyết về sinh thái học công nghiệp. Đây là một mô hình kinh tế tổng hợp mục đích sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng thông qua giảm tối đa lượng chất thải, duy trì lâu dài, giảm nguồn tài nguyên cơ bản và khóa chặt vòng lặp của sản phẩm, bộ phận sản phẩm, và vật liệu trong ranh giới bảo vệ môi trường và lợi ích kinh tế (EMF, 2015). Theo đó, tập trung vào việc đóng vòng lặp vật chất, kéo dài sự tồn tại của vật liệu trong vòng lặp, giữ lại tối đa lượng vật chất trong vòng lặp. Chính từ việc kéo dài lâu nhất vật chất trong vòng lặp nên giúp hạn chế việc sử dụng nguồn nguyên liệu thô vào quá trình sản xuất cũng như lượng chất thải ra môi trường. Từ đó giảm tổng lượng phát thải.

Để tối đa hóa lượng vật chất và năng lượng được giữ lại trong nền kinh tế, kinh tế tuần hoàn có một số nguyên tắc nhất định được EMF (2015) tổng hợp: thứ nhất là bảo tồn và tăng cường vốn tự nhiên thông qua kiểm soát tài nguyên hữu hạn và cân bằng dòng tài nguyên tái tạo; thứ hai là tối ưu hóa hiệu suất tài nguyên bằng tăng cường dòng tuần hoàn giữa sản phẩm, thành phần, vật liệu ở mức độ cao nhất ở mọi chu trình kỹ thuật và công nghệ; thứ ba là tăng cường hiệu suất hệ thống bằng phát hiện và thiết kế từ những điểm hạn chế (EMF, 2015).

Hoạt động cụ thể của nội dung kinh tế tuần hoàn là trong chu trình sản xuất thực hiện các nội dung về: từ chối, tái thiết kế, sửa chữa, thu gom, tái sản xuất, tái chế. Ban đầu nó chỉ là vòng 3R (giảm bớt, tái sử dụng, tái chế), sau đó dần dần được mở rộng thành vòng 4R, thậm chí là 9Rs.

Nhóm tác giả như Kirchherr và cộng sự (2017) và nhóm của Potting và cộng sự (2017) cho rằng, tính tuần hoàn tăng lên cùng với chiến lược R. Theo đó việc sử dụng hữu ích của vật liệu với 2R là tái chế và phục hồi gần với kinh tế tuyến tính, mỗi lần mở rộng thêm một R cho đến mức độ sử dụng và sản xuất sản phẩm thông minh hơn của giảm thiểu, suy nghĩ lại và từ chối là mức độ cao nhất và gần nhất với kinh tế tuần hoàn.

3.3. Vai trò của kinh tế tuần hoàn trong giảm thiểu BĐKH

Kinh tế tuần hoàn có vai trò quan trọng trong giảm thiểu BĐKH thông qua việc giảm lượng phát thải KNK trong khi vẫn giúp các bên đạt được mục tiêu về kinh tế và xã hội. Bên cạnh việc giảm lượng phát thải KNK thì kinh tế tuần hoàn cũng có tác dụng giảm tổng lượng chất thải ra môi trường, từ đó giúp cho các hệ sinh thái tăng khả năng thích ứng với BĐKH.

Việc thực hiện kinh tế tuần hoàn thông qua vòng tuần hoàn của vật chất gúp giảm KNK thông qua 3 nội dung cơ bản: Thiết kế loại bỏ chất thải và ô nhiễm để giảm phát thải KNK xuyên suốt chuỗi giá trị; Giữ sản phẩm và vật liệu được sử dụng để giữ lại năng lượng hiện thân trong các sản phẩm và vật liệu; Tái tạo hệ thống tự nhiên cô lập Carbon trong đất và các sản phẩm (EMF, 2019).

Thứ nhất: Từ chối sử dụng các chất ô nhiễm trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất/vận chuyển.Từ chối sử dụng các chất gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất sản phẩm là rất cần thiết để loại bỏ các thành phần này trong sản phẩm. Ví dụ, trong quá trình thiết kế các sản phẩm dùng một lần, thay vì sử dụng nguyên liệu gây phát thải lớn và ô nhiễm môi trường từ hợp chất vô cơ như nhựa, xốp thì có thể sử dụng các vật liệu khác thay thế có nguồn gốc hữu cơ như hộp ép từ bã mía, tinh bột, giấy, lá cây. Việc thay thế nhựa có nguồn gốc sinh học có khả năng phát thải âm -2,2 kg CO2/1kg PE trong khi nhựa có nguồn gốc hóa thạch phát thải 1,8kg CO2 tương ứng (EMF, 2014). Ngoài ra, trong quá trình thiết kế sản phẩm nhựa, việc pha trộn thêm một số chất có thể làm cho sản phẩm nhựa không có khả năng tái sử dụng, việc loại bỏ các chất này là cần thiết giúp giảm lượng ô nhiễm và tăng giá trị của vật liệu nhựa sau quá trình sử dụng lần đầu. Khoảng 30% bao bì nhựa sẽ không bao giờ được tái sử dụng hoặc tái chế (EMF, 2019), nguyên nhân do quá trình thiết kế ban đầu có pha lẫn các tạp chất.

Thứ hai: Tái thiết kế sản phẩm đểt huận tiện cho việc tái sử dụng, tái chế, tách các thành phần. Tái thiết kế sản phẩm lần đầu để tăng cường tính tuần hoàn của bản thân sản phẩm đó hoặc các  thành phần trong sản phẩm đó là hết sức quan trọng giúp tăng khả năng giữ lại lâu nhất nguồn vật liệu trong nền kinh tế. Tái thiết kế lại các sản phẩm giúp chúng dễ dàng được tái sử dụng sau lần sử dụng đầu tiên vì các mục đích khác nhau. Ngoài ra, tái thiết kế cần thiết để giúp có thể dễ dàng tháo rời các thành phần của sản phẩm, tăng khả năng có thể sửa chữa do có thể thay thế thành phần/linh kiện của sản phẩm. Hoặc đơn giản là dễ dàng tách các thành phần vật chất khác nhau trong sản phẩm sau sử dụng cho mục đích tái chế sản phẩm khác. Tái thiết kế giúp giảm lượng chất thải, từ đó giảm tổng lượng KNK.

Thứ ba: Tái sử dụng, tái chế các sản phẩm/linh kiện/thành phần sau sử dụng lần đầu. Tăng cường sử dụng sản phẩm và lưu giữ lâu nhất sản phẩm trong nền kinh tế giúp hạn chế việc sản xuất sản phẩm mới từ nguồn nguyên liệu hóa thạch. Hơn nữa nó cũng giúp giảm lượng chất thải
phải xử lý sau sử dụng. Ví dụ, ở cấp độ vi mô, chất thải hữu cơ từ việc nấu ăn cấp hộ gia đình, nếu được thu gom tại chỗ dùng làm nguyên liệu để sản xuất phân giúp giảm đáng kể lượng chất thải hữu cơ trong nền kinh tế, bên cạnh đó nó cũng giúp giảm nhu cầu tiêu dùng phân bón của hộ gia đình. Việc áp dụng cho cả hệ thống lớn giúp giảm đáng kể lượng KNK phát thải từ bãi rác và từ quá trình sản xuất phân bón. Hoặc việc tái chế 1 tấn nhựa có thể giảm 1,1-1,3 tấn CO2 so với việc sản xuất từ nguyên liệu hóa thạch (EMF, 2016). Thực tế việc thực hiện chiến lược kinh tế tuần hoàn cho ngành công nghiệp tái chế nhựa của Trung Quốc đã góp phần giảm đáng kể lượng KNK. Ngành công nghiệp tái chế nhựa ở Trung Quốc tái chế 50% lượng chất thải nhựa, giúp giảm lượng phát thải KNK từ 7,67 tấn năm 2007 lên 14,57 triệu tấn năm 2016 (Liu, Z. và cộng sự, 2018). Đối với quá trình tiêu dùng, áp dụng các chiến lược tuần hoàn trong tiêu dùng ở hộ gia đình tại đô thị trường hợp Brussels giúp giảm đáng kể lượng khí phát thải. Trong đó tiêu dùng có thể giảm 25% Cacbon cùng 26% Methan, di chuyển và nhà ở có thể giảm tương ứng 18% và 26%, sản xuất thực phẩm có thể giảm tương ứng 7% và 10% (Christis, M. và cộng sự, 2019). Ngoài ra, việc áp dụng các chiến lược kinh tế tuần hoàn ở các quy trình và cấp độ khác nhau giúp giảm thiểu tổng lượng chất thải nói chung bao gồm chất thải rắn và thành phần chất khí và hạt vi mô ra môi trường. Điều này có tác dụng giúp các hệ sinh thái giảm mức độ phơi nhiễm, tăng năng lực thích ứng với BĐKH. Việc áp dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đảm bảo sự tái tạo sinh học trong hệ sinh thái nông nghiệp và các hệ sinh thái xung quanh (Velasco-Munoz, J. và Gallego-Schimid, A. 2021), thậm chí là duy trì và nâng cấp hệ sinh thái (Morseletto, P. 2020). Ví dụ từ việc tăng cường sử dụng phân bón có nguồn gốc sinh học giúp phục hồi chức năng của đất.

Từ đó giúp cho đất giảm nguy cơ thoái hóa đất dưới tác động của sự kiện nhiệt và ẩm cực đoan hay nói cách khác giúp tăng khả năng thích ứng của hệ sinh thái đất. Rõ ràng, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp giúp hệ thống tự nhiên tăng khả năng chống chịu với thay đổi khí hậu. Đối với vấn đề quản lý rác thải nhựa, việc thực hiện chiến lược kinh tế tuần hoàn cho nhựa thông qua các chiến lược R như quá trình thu gom, tái chế, tái sử dụng… giúp giảm tổng lượng chất thải nhựa. Giảm lượng nhựa và các hạt vi nhưa phát thải ra môi trường đất và đại dương, giúp các hệ sinh thái đại dương, ven bờ hạn chế được tác động bất lợi. Vì thế giúp hệ sinh thái tăng khả năng chống chịu, phục hồi chức năng hệ sinh thái, đa dạng sinh học và giúp thích ứng tốt hơn trước các hiện tượng thời tiết cực đoan và BĐKH.

4. Kết luận

Kinh tế tuần hoàn có vai trò quan trọng trong giảm lượng KNK từ đó giảm thiểu BĐKH. Tuy nhiên, hiệu quả trong giảm lượng KNK là khác nhau với từng chu trình kinh tế tuần hoàn và từng ngành, từng loại sản phẩm. Do đó, cần nghiên cứu kỹ để đánh giá tác động, cũng như hiệu quả giảm KNK, chi phí lợi ích đối với từng loại vật liệu, sản phẩm, để sử dụng mô hình một cách hiệuquả nhất.

Kinh tế tuần hoàn giúp giảm thiểu tổng lượng chất thải nói chung bao gồm chất thải rắn, khí thải và các thành phần vi mô khác. Do đó nó giúp các hệ sinh thái giảm mức độ phơi nhiễm trước các tác nhân, từ đó tăng khả năng thích ứng của các hệ sinh thái trước BĐKH. Kinh tế tuần hoàn
trong nông nghiệp và kinh tế tuần hoàn cho nhựa là hai lĩnh vực cho thấy rõ nhất hiệu quả của mô hình này đối với việc nâng cao năng lực thích ứng và tăng khả năng chống chịu của hệ sinh thái tự nhiên, đất và đại dương trước BĐKH. Mô hình kinh tế tuần hoàn là cách thức đạt được cam kết
chính trị về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong khi vẫn đạt được lợi ích về mặt kinh tế. Lợi ích kép này sẽ là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp cũng như các quốc gia tích cực tham gia chuyển đổi sang mô hình kinh tế tăng cường hiệu suất, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hạn chế tối đa tác động đến môi trường.

Để chuyển đổi thành công sang kinh tế tuần hoàn nhằm đạt được các mục tiêu giảm thiểu BĐKH và đem lại lợi ích kinh tế, cần có một số lưu ý sau:

i)Tăng cường nhận thức của các bênvề tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn đối với giảm thiểu phát thải khínhà kính, cũng như lợi
ích về kinh tế khi thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn ở doanh nghiệp; ii) Có sự đồng thuận thamgia của các bên liên quan trong thực hiện các nội dung R bao gồm: từ chối, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế, tái thiết kế, tái sản xuất; iii) Xây dựng thể chế chính sách tạo thuận lợi cho việc luân chuyểnnguồn vật liệu, tài nguyên thứ cấp tăng tính tuần hoàn trong nền kinh tế; iv) Đầu tư vốn cho nghiên cứu và triển khai, nhất là công nghệ nhằm giảm lượng phát thải và tăng khả năng quay vòng của vật liệu trong nền kinh tế.

Bài viết dựa trên nguồn là các tài liệu thứ cấp đã được công bố cũng như nguồn số liệu thống kê về phát thải khí nhà kính và xu hướng BĐKH. Tuy nhiên, bài viết mới chỉ mang tính đặt vấn đề bởi không dựa trên số liệu điều tra thực tế nhất là thiếu những minh chứng cho trường hợp
nghiên cứu tại Việt Nam. Do đó, các nghiên cứu tiếp theo cần làm rõ hơn minh chứng này ở ViệtNam về hiệu quả của mô hình kinh tế tuần hoàn trong giảm thiểu biến đổi khí hậu. Đặc biệt là chú trọng đến kinh tế tuần hoàn cho nhựa do đây là vấn đề môi trường nổi bật của Việt Nam cũng như toàn cầu.

TRỊNH THỊ TUYẾT DUNG*

* Thạc sĩ, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững Vùng, email: tuyetdungsp@gmail.com.

Tài liệu tham khảo
1. Christis, M., Athanassiadis, A., and Vercalsteren, A. (2019). Implementation at a city level of circular economy strategies and climate change mitigation - the case of Brussel.Journal of Cleaner Production. 218, 511-520.
2. EMF (2014). The new plastic economy: rethinking the future of plastics.
3. EMF (2016). The new plastics economy: rethinking the future of plastics.
4. EMF (2019). Completing the picture how the circular economy tackles climate change,
Ellen Macarthur Foundation.
5. Gallego-Schmid, A., Chen, H., Sharmina, M., and Mendoza, J.M.F. (2020). Link between circular economy and climate change mitigation in the built environment, Journal of Cleaner Production. 260, 121115.
6. IPCC (2021). Climate change 2021 the physical science basis.
7. Lauselet, C., Cherubini, F., Oreggioni, G.D., Serrano, G.A., Becidan, M., Hu, X., Rostad,
P., Stromman, A.H. (2017). Norwegian waste-to-energy: Climate change, circular economy and carbon capture and store.Resoources Conservation & Recycling. 126, 50-61.
8. Liu, Z., Adams, M., Cote, R.P., Chen, Q., Wu, R., and Wen, Z. (2018). How does circular economy respond to greenhouse gas emissions reductions: An analysis of Chinese plastic recycling industries.Renewable and Sustainable Energy Reviews. 91, 1161-1169.
9. Morseletto, P. (2020). Target for a circular economy. Resources, conservation and Recycling. 153, 104553. https://doi.org/10.1016/j.resconrec.2019.104553
10.Potting, J., Hekkert, M., Worrell, E., and Hanemaaijer, A. (2017). Circular Economy: Measuring Innovation in the Product Chain. http://www.pbl.nl/sites/default/files/cms/publicaties/ pbl-2016-circular-economy-measuring-innovation-in-product-chains-2544.pdf.
11. Velasco-Munoz, J., Gallego-Schmid, A. (2021) Circular economy implementation in the agricultural sector: Definition, strategies and indicators, Resources Conservation and Recycling.
170, 105618.

 

Các tin khác

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.

TP.HCM: Trao danh hiệu Doanh nghiệp Xanh năm 2024
TP.HCM: Trao danh hiệu Doanh nghiệp Xanh năm 2024

MTXD - Ngày 29/8/2024, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng, tổ chức Lễ trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP.HCM năm 2024”. Đây là hoạt động hướng đến Diễn đàn kinh tế thành phố lần thứ 5 diễn ra từ 24/9/2024 đến 27/9/2024.

Huyện Hải Lăng ( Quảng Trị) : Lập biên bản yêu cầu công ty CP Thiên Tân giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Huyện Hải Lăng ( Quảng Trị) : Lập biên bản yêu cầu công ty CP Thiên Tân giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Ngày 20/8/2024, Ban QLDA, PTQĐ&CCN huyện Hải Lăng tổ chức làm việc với Công ty cổ phần Thiên Tân về việc tập kết sản phẩm ống cống không đúng nơi quy định; xe vận chuyển nguyên, vật liệu gây ra bụi; xe có trọng lượng lớn gây sụt lún điểm đấu nối giữa Quốc lộ 1A với tuyến đường quy hoạch RD-2 Cụm côn

Quảng Nam: Nhiều trường học dọn dẹp môi trường chuẩn bị năm học mới.
Quảng Nam: Nhiều trường học dọn dẹp môi trường chuẩn bị năm học mới.

MTXD - Những ngày trước khai trường, nhiều trường học ở các địa phương tỉnh Quang Nam đã tổ chức cho học sinh đến nhận lớp, dọn vệ sinh, chuẩn bị khai giảng năm học mới.

Huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk): Chỉ đạo kiểm tra hoạt động đốt than của các hộ dân
Huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk): Chỉ đạo kiểm tra hoạt động đốt than của các hộ dân

MTXD - Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn ( Đắk Lắk ) vừa chỉ đạo, UBND xã Ea Bar kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh của người dân về hoạt động đốt lò than tự phát gây ô nhiễm môi trường.