Vai trò của sự tham gia cộng đồng trong quản lý và phát triển công viên vườn hoa công cộng đô thị
MTXD -Tóm tắt: Vườn hoa công viên cây xanh công cộng của thành phố là một không gian quan trọng trong đô thị, nó giúp phát triển sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của người dân, đồng thời đây cũng là một không gian xã hội, nơi mọi người gặp gỡ để giao lưu, chia sẻ và tổ chức các hoạt động tập thể, tạo nên một bản sắc riêng cho mỗi cộng đồng và thành phố. Do vậy sự tham gia của cộng đồng dân cư cùng với các nhà đầu tư có vai trò rất quan trọng trong đầu tư phát triển, vận hành và chia sẻ, tạo nên sức sống cho các không gian mở công cộng, công viên công cộng của các đô thị trên thế giới.
Bài viết chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm quốc tế về quản lý, phát triển hệ thống cây xanh, vườn hoa công viên đô thị và kết quả nghiên cứu tại các vườn hoa ở khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội với sự tham gia cộng đồng.
Từ khóa: Quản lý đô thị; vườn hoa, công viên, cây xanh; sự tham gia cộng đồng, kiến trúc xanh; không gian công cộng thuộc sở hữu tư nhân-POPS.
- Dẫn nhập
Thực trạng hệ thống vườn hoa công cộng khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội
Hệ thống cây xanh, công viên vườn hoa đô thị của Hà Nội được hình thành và phát triển bắt đầu từ thời Pháp thuộc, chủ yếu là các vườn hoa ở khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm và Ba Đình, lớn nhất thời đó là vườn Bách Thảo (nay là công viên Bách Thảo), nơi kết hợp nghiên cứu các loại thực vật, cây trồng. Người Pháp cũng tận dụng hài hòa những khoảng trống giữa các giao lộ và biến chúng thành một không gian xanh là những vườn hoa trong khu vực nội đô. Không chỉ cải tạo môi trường sống, kiến tạo những không gian xanh đẹp đẽ, đây còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí, nghỉ ngơi thư giãn, phục vụ cho cộng đồng. Các không gian công viên cây xanh, vườn hoa trong đô thị được coi là không gian công cộng, không gian mở, nơi tất cả mọi người có thể tiếp cận dễ dàng một cách miễn phí. Những không gian này ngoài yếu tố xã hội còn phục vụ như một biểu tượng, một thành phần có ý nghĩa phản ánh bản sắc văn hóa cũng như thể hiện kết nối thị giác mạnh mẽ nhất giữa con người với không gian môi trường xung quanh.
Việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội đã tạo nên những cơ hội phát triển, trên cơ sở khai thác thế mạnh về cảnh quan tự nhiên, nhưng cũng đi kèm với những áp lực mới trong vấn đề quản lý và khai thác không gian xanh Thủ đô. Hiện nay rất nhiều không gian công cộng tại Hà Nội, bao gồm cả các vườn hoa đã bị thu hẹp lại hoặc biến mất, nhường chỗ cho nhà ở và các công trình xây dựng do quá trình đô thị hóa xảy ra nhanh chóng, nhất là các vườn hoa trong khu vực nội đô lịch sử với phạm vi giới hạn bởi đường đê sông Hồng và đường vành đai 2, bao gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và một phần quận Tây Hồ. Chính quyền TP Hà Nội cũng đã chủ động hơn trong việc đưa ra các chính sách phát triển cây xanh công cộng, tuy nhiên vườn hoa công cộng chưa được chú trọng đầy đủ.
Hiện nay hệ thống các công viên, vườn hoa của Hà Nội gồm 3 loại hình chủ yếu là công viên văn hóa tổng hợp, công viên chuyên đề và vườn hoa, vườn dạo trong đó hệ thống vườn hoa chiếm tỷ lệ khoảng 65%. Ở các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, hệ thống công viên, vườn hoa được hình thành từ lâu đời, chủ yếu là vườn hoa, vườn dạo quy mô nhỏ, phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn của người dân.[3]
2.Nôi dung khoa học
a. Quan điểm định hướng tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan vườn hoa công cộng khu vực nội đô lịch sử
Kiến tạo nơi chốn đối với các vườn hoa, làm điểm nhấn trong không gian đô thị
Với vị trí trung tâm và mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, các vườn hoa khu vực nội đô Hà Nội nên được đầu tư để kiến tạo một “nơi chốn” có sự khác biệt, đánh dấu ý nghĩa lịch sử hoặc nghệ thuật. Các vườn hoa này có thể được sử dụng cho các hoạt động giải trí, check-in, là nơi tham quan, vãn cảnh, tìm hiểu văn hóa lịch sử cho khách du lịch trong và ngoài nước. Tại đây, các câu chuyện văn hóa hay lịch sử của vườn hoa nên được giới thiệu thông qua các bảng thông tin nhỏ để vườn hoa thêm phần hấp dẫn và giữ chân người tham quan lâu hơn.
Minh hoạ thiết kế không gian vườn hoa Bác Cổ, Hoàn Kiếm với bản sắc “nơi chốn”
Khai thác giá trị không gian mở, đa năng
Với ý nghĩa mang tính cộng đồng cao, không gian vườn hoa công cộng là nơi có thể giúp thay đổi tư duy lối sống của phần đông các cư dân đô thị Việt Nam có xu hướng chú trọng tới cá nhân và gia đình, ít có khả năng hợp tác và xây dựng cộng đồng đô thị. Không gian vườn hoa công cộng giá trị của một khu vực đô thị cần là một điểm đến đa dụng. Vườn hoa công cộng đó phải là nơi thu hút người dân ở mọi lứa tuổi, nhóm thu nhập, giới tính. Đó là nơi mà người dân có thể tìm thấy sự bình đẳng - nơi mọi khác biệt về tầng lớp xã hội, kinh tế có thể được bỏ qua và các vị trí xã hội khác nhau có thể đến với nhau trong tinh thần thân ái và hòa bình. Giá trị của một không gian vườn hoa công cộng trong khu vực dân cư được thể hiện qua việc đáp ứng, thỏa mãn các nhu cầu của người dân và thuộc về họ.
Việc tổ chức vườn hoa công cộng đa năng là một nơi thú vị, đáp ứng nhu cầu của người dân ở các độ tuổi khác nhau, có thể trở thành nơi giới thiệu và quảng bá cho các sản phẩm địa phương, là nơi thể hiện lịch sử và văn hóa của cộng đồng sẽ góp phần khiến cho cộng đồng cùng tham gia xây dựng duy trì giá trị không gian vườn hoa.
Bên cạnh đó, vườn hoa công cộng cũng là những không gian mở, khơi dậy sự thích thú giúp giải tỏa căng thẳng cho người dân bởi các yếu tố của cảnh quan trong không gian mở (cây xanh, mặt hồ, đài phun nước, sinh vật sống, hoa…) sẽ khuyến khích người dùng tương tác với chúng. Cụ thể, với vị trí thuận lợi của vườn hoa Thanh Niên nhìn về phía Hồ Tây, một dạng tương tác sinh động khác là với các sinh vật và thực vật sống sẽ được hình thành. Hồ Tây là nơi lý tưởng cho các tương tác như vậy. Sự phong phú của thực vật (các loại cây, cỏ, rong rêu, hoa) và các loại sinh vật thủy sinh (cá, rùa) và ong, bướm… cung cấp cho môi trường một sức
sống và thiết lập một hệ sinh thái tự cân bằng và khiến nhiều người thích lui tới vườn hoa để cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây.
Minh họa thiết kế không gian đa năng tại vườn hoa 1-6, Đống Đa
b. Cơ chế chính sách quản lý và phát triển vườn hoa công cộng với sự tham gia cộng đồng
Nhiều ví dụ thành công tại các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Singapore trong các dự án phát triển hệ thống công viên, cây xanh, vườn hoa đều đề cập đến sự tham gia của cộng đồng dân cư. Cụ thể, vai trò sự tham gia của các bên liên quan gồm Nhà quản lý - Cộng đồng - Nhà đầu tư đều có ý nghĩa rất quan trọng với các mức độ khác nhau với sự thành công của dự án hoặc các chính sách phát triển đô thị. Trong đó Nhà quản lý đưa ra các cơ chế chính sách cụ thể đảm bảo thực hiện các chiến lược phát triển của đô thị nhằm cân bằng lợi ích của các bên tham gia gồm nhà đầu tư và cộng đồng liên quan.
1) Sự tham gia cộng đồng trong kế hoạch “ReLeaf”, Cerdar Rapids, USA (2022)
Kế hoạch1 “ReLeaf” (2022) tại thành phố Cedar Rapids là một trong số đó với mục tiêu trồng lượng lớn cây xanh (669.000 cây xanh) tại thành phố sau thảm họa thiên tai bão đã tàn phá thành phố năm 2021. Chính quyền thành phố đã ngay lập tức xây dựng kế hoạch táo bạo với sự tham gia của tổ chức xã hội, chính quyền và cộng đồng dân cư Nhà quản lý thành phố Cedar Rapids[10] đã viết: “Cây xanh là một phần quan trọng tạo nên bản sắc của Cedar Rapids, và việc trồng lại và phục hồi tán cây của chúng tôi là ưu tiên của Thành phố. Tuổi thọ của cây không dễ dàng hoặc nhanh chóng bị thay thế, vì vậy nhu cầu bắt đầu phục hồi phần này là cấp thiết. Thành phố rất may mắn khi có Trees Forever, một tổ chức được công nhận trên toàn quốc, ở ngay trong cộng đồng của chúng tôi. Chúng tôi may mắn có được mối quan hệ hợp tác công tư mạnh mẽ, cùng với Trees Forever thực hiện kế hoạch toàn diện này và nỗ lực gây quỹ để chúng tôi không chỉ thay thế cây mà còn cung cấp một tán cây đa dạng có thể chống chọi với bệnh tật và thời tiết xấu. ReLeaf Cedar Rapids là một kế hoạch có tầm nhìn xa nhằm xây dựng lại 669.000 cây - 70% tán cây của chúng tôi - đã bị mất. Nó đòi hỏi một sự đầu tư đáng kể về nguồn lực, nhưng tác động của những nỗ lực của chúng tôi sẽ được cảm nhận trong nhiều thế hệ”.
Sứ mệnh của dự án ReLeaf Cedar Rapids là cam kết xây dựng lại những tán cây có khả năng phục hồi chủ yếu là cây bản địa, một tán bảo tồn sự đa dạng của thực vật trên toàn thành phố và đặc điểm riêng biệt của khu vực lân cận, đồng thời nỗ lực hạn chế biến đổi khí hậu, tăng công bằng xã hội, khuyến khích tình nguyện, phát triển nguồn nhân lực và giáo dục con cái của chúng ta.
Kế hoạch không chỉ là trồng 699.000 cây xanh mà còn là kế hoạch nâng cao ý thức cộng đồng trong trồng cây xanh, thu hút và khuyến khích sự tham gia cộng đồng, thay đổi suy nghĩ về cây xanh, sự phát triển của cây xanh, cách cây xanh phát triển trong rừng, ngoại ô, đô thị…
Cây xanh là yếu tố tạo nên cộng đồng dân cư dựa trên việc kiến tạo địa điểm đến từ “phòng khách ngoài trời” với các không gian có hình dáng đẹp với các cạnh “ưa nhìn”
Lát cắt cây xanh từ tự nhiên đến đô thị
Kế hoạch cũng tăng cường sự hiểu biết khái niệm cho cộng đồng về cảnh quan dựa trên “lát cắt” để hiểu về cảnh quan dựa trên chủ yếu là hệ thống thực vật và động vật từ tự nhiên đến đô thị, với khu vực tự nhiên sẽ có ít dấu ấn của con người và khu vực đô thị hoàn toàn do con người tạo ra và khu vực nông thôn là nơi con người quản lý thiên nhiên. Đây là cách tiếp cận đặt cộng đồng vào vai trò người ra quyết định với mức độ hiểu hiết về cảnh quan, thực vật, công viên cây xanh… từ đó nâng cao ý thức của người sử dụng, hưởng lợi từ dự án.
2) Hệ thống tái thiết đô thị (Urban Redevelopment System[8]) phát triển công viên, vườn hoa trong dự án Midtown, Tokyo, Japan
Hệ thống tái phát triển đô thị tại Tokyo bao gồm 04 hệ thống: (1) Quy hoạch để xác định các khu vực khuyến khích tái phát triển đô thị; (2) Cụ thể hóa khối tích (3) Sử dụng đất tăng cường (4) Thiết kế toán diện. Hệ thống này được xây dựng dựa trên Tầm nhìn quy hoạch mới cho thành phố Tokyo năm 2021 nhằm thúc đẩy sự phát triển môi trường đô thị thông qua bãi bỏ các hạn chế xây dựng như hệ số sử dụng đất (FAR: Floor Area Ratio)[6][7][2], chiều cao xây dựng và góc vát tầm nhìn đối với công trình. Theo đó các công trình có thể tổ chức xây dựng cao hơn, tập trung hơn nhằm tạo nên các quỹ đất trống phát triển các không gian mở, không gian
công cộng dành cho cộng đồng theo cơ chế phát triển các không gian công cộng thuộc sở hữu tư nhân POPS.
Năm 2003, đồng thời với chính sách thiết lập các không gian mở, thành phố đưa ra sắc lệnh thúc đẩy các Khu phố thanh lịch (Elegant Neighborhoods) ở Tokyo với việc xây dựng các nhóm phát triển cộng đồng để tạo sức sống cho các không gian này thông qua các hoạt động cộng đồng, chủ động trong các hoạt động cộng đồng.
Các dự án lớn đã áp dụng hệ thống này gồm: 1) Roppongi Hills, Tokyo Midtown, 2) Shin-Marunouchi Building, Nihonbashi Mitsui Tower, 3) Harumi Triton Square, Daikanyama Address, and 4) Shinjuku Park Tower and Tennozu Isle.
Mô hình phát triển mới cho phép tăng diện tích sàn xây dựng (tăng hệ số sử dụng đất - FAR) nhằm tạo nên các không gian công cộng, không gian mở gắn với công trình xây dựng
Dự án MidTown là một dự án tái thiết đô thị tại trung tâm thành phố Tokyo, với quy mô hơn 10ha, dự án đã áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi trong chương trình tái thiết đô thị thành phố và khái niệm pháp lý về chuyển nhượng quyền phát triển (TDR, AirRight Sale) và phát triển các không gian công cộng thuộc sở hữu tư nhân POPS (Privately Owned Public Spaces)[2] để kiến tạo nên không gian mở chia sẻ cho cộng đồng gắn với công viên công cộng Hinokicho Park rộng 4ha.
Sự thành công của dự án Midtown không chỉ là chính sách tạo ra quỹ đất phát triển công viên vườn hoa, không gian mở cho cộng đồng mà còn là sự tham gia của cộng đồng ở mức độ cao nhất khi góp phần xây dựng nên đặc trưng của công viên, cộng đồng mà do chính cộng đồng đó thụ hưởng ngày từ giai đoạn thiết kế và giám sát xây dựng cũng như hoạt động của nó.
3) Cơ chế ưu đãi trong phát triển đô thị và chính sách về phát triển công trình xanh tại Singapore
Singapore là một quốc gia, một thành phố có chính sách và thực tiễn thành công phát triển công viên, vườn hoa, cây xanh trong chiến lược phát triển đô thị xanh, công trình xanh quốc gia. Sự thành công của Singapore có nhiều yếu tố nhưng một trong những thành công là những chính sách phát triển đô thị gắn với mục tiêu tạo nên hình ảnh đô thị gắn liền với cây xanh, không gian xanh, mảng xanh. Công cụ chính trong chính sách phát triển đô thị là quản lý diện tích sàn xây dựng hay hệ số sử dụng đất (FAR), thu
phí trên diện tích sàn xây dựng (còn được gọi là phí phát triển - DC: Development Charge) và URA (Cơ quan tái phát triển đô thị) cũng
đã đề xuất xây dựng các chính sách ưu đãi, miễn giảm từ chính các diện tích sàn được quản lý này.
Đối với chiến lược về phát triển công trình xanh, Singapore đã xây dựng cơ chế riêng nhằm khuyến khích phát triển các không gian xanh trong công trình và các tiêu chuẩn khắt khe khác về phát thải năng lượng của công trình xanh. Tháng 01 năm 2005, BCA (Building and Construction Authority, Singapore) phát động Đề án thúc đẩy sự phát triển bền vững môi trường xây dựng của Singapore với các tiêu chí về điểm Xanh - Green Mark (GM). Các chương trình khuyến khích việc áp dụng các phương pháp thiết kế tích hợp ứng dụng các công nghệ xây dựng công trình xanh nhằm đạt được hiệu quả năng lượng cao hơn và một môi trường xây dựng bền vững hơn cho Singapore.
Tháng 4 năm 2009, Singapore đã có các quy định Tổng diện tích sàn ưu đãi cho các dự án đạt chuẩn GM Vàng hay Bạch kim với việc cấp thêm diện tích sàn ưu đãi vượt theo quy hoạch. Chương trình “Green Mark GFA” áp dụng cho cả công trình xây mới, cải tạo và các quy hoạch xây dựng chưa thực hiện tại khu vực đầu tư tư nhân. Cụ thể, chương trình Green Mark GFA hiện tiếp tục được áp dụng đến năm 2019 theo với mức thưởng 2% diện tích sàn hoặc tối đa 5000m2 sàn cho điểm Plantium và 1% tổng diện tích sàn hoặc tối đa 2.500m2 sàn xây dựng cho điểm Gold Plus.
Đối với các không gian xanh bao gồm không gian xanh mặt đất, trên mái nhà, diện tường mặt đứng công trình cũng được quan tâm và có các chính sách gắn với các chiến lược hiệu quả trong một tinh thần “thành phố trong rừng” như phát triển không gian xanh tại tầng trệt, hướng đến ưu đãi FAR khi chủ đầu tư thực hiện xây dựng các không gian xanh tầng 1 hoặc tầng mái bằng những quy định cụ thể về việc miễn giảm thuế khi thay đổi cách tính diện tích sàn xây dựng cho các chức năng đó.
Kinh nghiệm Singapore cho thấy sự tác động của các chính sách phát triển đô thị đối với nhà đầu tư trong phát triển đô thị, đặc biệt là các công trình khu vực trung tâm đô thị. Vai trò đại diện lợi ích và sự thụ hưởng của cộng đồng đã được URA nghiên cứu đề xuất và quản lý hiệu quả đối với các nhà đầu tư phát triển bất động sản.
c. Một số thành công về sự tham gia cộng đồng trong dự án thí điểm vườn hoa Thanh Niên, TP Hà Nội
Trong nghiên cứu giải pháp tổ chức kiến trúc cảnh quan các vườn hoa công cộng khu vực nội đô lịch sử Hà Nội có sự tham gia của cộng đồng thực hiện năm 2021, nhóm nghiên cứu đã tiến hành cách tiếp cận cộng đồng trong thực hiện dự án thí điểm vườn hoa Thanh Niên (quy mô khoảng 1ha) với cộng đồng dân cư phường Yên Phụ.
Ba phương án đã được nghiên cứu đề xuất gồm: PA1: Từ Thanh niên đến Thăng Long; PA2: Vườn hoa Thanh niên gắn liền với con đường lịch sử văn hóa; PA3: Vườn hoa Thanh niên hướng tới hệ sinh thái bền vững; Kết quả lựa chọn cồng đồng là PA3.
Để có sự tham gia cộng đồng hiệu quả trong bước thiết kế, một kế hoạch triển khai với 03 bước chính đã được thực hiện gồm 1) Khảo sát hiện trạng, đề xuất giải pháp thiết kế KTCQ; 2) Tham vấn ý kiến cộng đồng đánh giá, lựa chọn giải pháp trực tiếp và online 3) Hoàn thiện giải pháp lựa chọn, thiết kế chi tiết, đánh giá kinh tế kỹ thuật.
Sự thành công của dự án thí điểm ở bước thiết kế là ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2, trong đó:
+ Giai đoạn 1 với sự giúp sức từ cộng đồng đã cho thấy bức tranh khác về địa điểm nghiên cứu với lịch sử, văn hóa và các yếu tố phi vật thể khác cũng như cảm nhận, mong muốn của cộng đồng thụ hưởng;
+ Giai đoạn 2 sử dụng phương pháp báo cáo các giải pháp, lấy ý kiến cộng đồng, lựa chọn giải pháp khả thi nhất. Nhóm đã có 03 phương án đề xuất ý tưởng và giải pháp kỹ thuật và đã được cộng đồng góp ý đưa ra những nhận xét về tính khả thi của từng phương án và lựa chọn phương án hiệu quả nhất. Đây là một quá trình tương tác quan trọng nhằm ra quyết định và cộng đồng đã được tham gia ở mức cao nhất.
Mặt cắt vườn hoa Thanh Niên sau khi được cải tạo
Sự tham gia cộng đồng dân cư phường Yên Phụ tại buổi báo cáo phương án [2]
Với chức năng phục vụ cho nhiều đối tượng trong cộng đồng dân cư của đô thị, các giải pháp thiết kế, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan cho hệ thống các công viên công cộng cần có tư duy đổi mới. Trong đó, cần nhấn mạnh sự tham gia tối đa và hiệu quả hơn của cộng đồng dân cư, nhằm tăng sự ủng hộ, tích cực tham gia, vận hành trong giai đoạn xây dựng và sử dụng vườn hoa.
Cách tiếp cận từ cộng đồng trong quy hoạch đô thị đã được nêu tại Luật quy hoạch đô thị, qua đó cho phép sự tham gia cộng đồng dân cư ở các bước lập nhiệm vụ đồ án và lập quy hoạch, trên thực tế đã chứng minh đây là một cách làm ngày càng hiệu quả, nâng cao chất lượng đồ án và các thiết kế cảnh quan, cây xanh vườn hoa. Đối với các vườn hoa công cộng có thể coi đây là một không gian công cộng, chức năng công cộng
đô thị và cũng cần được nghiên cứu cách tiếp cận mới trong tổ chức kiến trúc cảnh quan, trong đó nhấn mạnh sự tham gia của cộng đồng ở tất cả các bước từ thu thập số liệu, nhu cầu, mong muốn cho đến nghiên cứu đề xuất các phương án thiết kế, đóng góp lựa chọn phương án thiết kế.
3. Kết luận
Các kinh nghiệm quốc tế tại Mỹ, Nhật Bản, Singapore cho thấy sự hiệu quả và thực tiễn khi các cơ chế chính sách cần được lồng ghép vào các chính sách phát triển đô thị với các công cụ thực hiện rõ ràng nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống công viên vườn hoa cây xanh từ quy mô lớn toàn đô thị đến dự án hay các công trình trong đô thị. Các cơ chế chính sách này cơ bản theo hướng ưu đãi đối với nhà đầu tư, khuyến khích tham dự, cung cấp thông tin sự hiểu biết với cộng đồng và thúc đẩy các hoạt động cộng đồng nhằm làm cho các không gian mở, không gian công cộng như công viên vườn hoa có được sức sống cần thiết.
Kinh nghiệm thế giới và thực nghiệm ở Việt Nam cho thấy vai trò quan trọng của cộng đồng trong quản lý và phát triển vườn hoa công viên trong các đô thị. Trong đó, vai trò cộng đồng dù được thể hiện ở mức độ nào (từ tham vấn cho đến ra quyết định) trực tiếp hay gián tiếp thông qua trách nhiệm với cộng đồng của các cơ quan quản lý nhà nước cũng là một phần
rất quan trọng trong sự phát triển bền vững của hệ thống công viên vườn hoa cây xanh trong đô thị./.
NCS HÀ VĂN THANH KHƯƠNG *
TS.KTS NGUYỄN HOÀNG MINH **
*Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang
**Phó trưởng Khoa Sau Đại học, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
Tài liệu tham khảo
[1]. Arthur C. Nelson, Rick Pruetz and Doug Woodruff (2012), TDR Handbook Designing and implementing Transfer of development rights programs, Island Press.
[2]. Christian Dimmer, Privately Owned Public Space: The International
Perspective;
[3]. Đại học Kiến trúc Hà Nội (2020). Kết quả khảo sát vườn hoa khu vực nội đô lịch sử Hà Nội, chương trình đào tạo Thạc sĩ Pháp ngữ DPEA “Thiết kế đô thị, di sản và phát triển bền vững” khóa 2019;
[4]. Heng Chye Kiang (2017), 50 năm quy hoạch đô thị Singapore (50 Years of Social Issues in Singapore, Heng Chye Kiang - National University of Singapore, Singapore), World Scientific.
[5]. Nguyễn Hoàng Minh (2014), Kiểm soát hệ số sử dụng đất trong quy chuẩn quy hoạch Việt Nam, Tạp chí Quy hoạch xây dựng số 69/2014.
[6]. Nguyễn Hoàng Minh (2015), Chuyển nhượng quyền phát triển (TDR) một công cụ bổ sung trong quy hoạch và quản lý đô thị ở Việt Nam - Tạp chí Quy hoạch xây dựng, Bộ Xây dựng số 71-72/2015.
[7]. Shigehisa Matsumura (2013), Xác định hệ số sử dụng đất tối ưu theo kinh nghiệm quy hoạch đô thị Nhật Bản - Viện nghiên cứu Nikken Sekkei, Nhật Bản - Tạp Chí Kiến Trúc Việt Nam số 4/2013
[8]. Policy-led urban development, Chapter4 Tokyo Takes the Leap to Become a World City, Accumulating urban functions and bolstering international competitiveness (1980s-2010s) https://www.toshiseibi.metro.tokyo.lg.jp
[9]. Lê Quân, (2021), Báo cáo tổng hợp “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp tổ chức kiến trúc cảnh quan các vườn hoa công cộng khu vực nội đô lịch sử Hà Nội có sự tham gia của cộng đồng, Đề tài Nghiên cứu khoa học TP Hà Nội;
[10]. Releaf Cerda Rapids, (2022), Trees Forever và City of Cedar Rapids.
[11]. Urban Development in Tokyo, (2011) Bureau of Urban Development Tokyo Metropolitan Government
[12]. Ủy ban nhân dân TP Hà Nội, (2013) Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ - TP Hà Nội dến năm 2030 tầm nhìn đến 2050.
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.
TP.HCM: Trao danh hiệu Doanh nghiệp Xanh năm 2024
MTXD - Ngày 29/8/2024, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng, tổ chức Lễ trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP.HCM năm 2024”. Đây là hoạt động hướng đến Diễn đàn kinh tế thành phố lần thứ 5 diễn ra từ 24/9/2024 đến 27/9/2024.
Huyện Hải Lăng ( Quảng Trị) : Lập biên bản yêu cầu công ty CP Thiên Tân giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Ngày 20/8/2024, Ban QLDA, PTQĐ&CCN huyện Hải Lăng tổ chức làm việc với Công ty cổ phần Thiên Tân về việc tập kết sản phẩm ống cống không đúng nơi quy định; xe vận chuyển nguyên, vật liệu gây ra bụi; xe có trọng lượng lớn gây sụt lún điểm đấu nối giữa Quốc lộ 1A với tuyến đường quy hoạch RD-2 Cụm côn
Quảng Nam: Nhiều trường học dọn dẹp môi trường chuẩn bị năm học mới.
MTXD - Những ngày trước khai trường, nhiều trường học ở các địa phương tỉnh Quang Nam đã tổ chức cho học sinh đến nhận lớp, dọn vệ sinh, chuẩn bị khai giảng năm học mới.
Huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk): Chỉ đạo kiểm tra hoạt động đốt than của các hộ dân
MTXD - Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn ( Đắk Lắk ) vừa chỉ đạo, UBND xã Ea Bar kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh của người dân về hoạt động đốt lò than tự phát gây ô nhiễm môi trường.