Xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp
MTXD - Ngày 24/11, Hội thảo “Đề án xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Tầm nhìn và giải pháp” đã diễn ra tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức. Hội thảo là một trong các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.
Bãi giữa Sông Hồng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết: Hội thảo được tổ chức nhằm từng bước hiện thực hóa cam kết của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.
Các chuyên gia quốc tế và các lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, kinh tế và xã hội, các quận có liên quan cùng chia sẻ những góc nhìn về lợi thế, tiềm năng cũng như thách thức và cơ hội khi xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng, hướng tới việc khai thác hiệu quả quỹ đất, cải thiện cảnh quan, vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, phù hợp với định hướng về tổ chức không gian cảnh quan của Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
“Đồng thời, những bài học kinh nghiệm của thế giới và trong khu vực sẽ được giới chuyên môn nghiên cứu, đề xuất những giải pháp khai thác tốt các giá trị văn hóa, lồng ghép nhuần nhuyễn với kiến trúc sinh khí hậu, tạo ra dấu ấn bản sắc riêng cho sông Hồng và Hà Nội phát triển một cách bền vững và sáng tạo”, ông Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/07/2011 đã xác định sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo của Thủ đô. Quyết định cũng đề ra những định hướng cơ bản cho quy hoạch đô thị sông Hồng như: Đảm bảo hành lang, tuyến thoát lũ, bền vững đê điều được duyệt; xây dựng hệ thống công viên, cây xanh cảnh quan, công trình văn hóa, vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch và các tiện ích đô thị; đồng thời, cải tạo khu dân cư hiện hữu, đảm bảo chất lượng sống khu dân cư hai bên sông, di dời các khu nhà ở không an toàn và kém chất lượng và bên ngoài hành lang sông; tạo trục không gian văn hóa, cảnh quan sinh thái Hồ Tây - Cổ Loa; xây dựng các tuyến đường cảnh quan dành cho người đi bộ và xe đạp…
Năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) với danh hiệu Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng để Hà Nội tiếp tục khẳng định và quyết tâm hiện thực hóa khát vọng đổi mới sáng tạo trong bối cảnh thế giới phát triển không ngừng, đổi mới theo hướng xây dựng đô thị thông minh, đô thị sáng tạo… dựa trên xu thế tiến bộ của thời đại, lấy nền tảng văn hóa truyền thống và tính sáng tạo làm điểm tựa cốt lõi, vì mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Hoàng Thúc Hào - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.
Ông Hoàng Thúc Hào - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội thảo là nỗ lực chung trong hành trình dài nhiều năm, với mong muốn từng bước biến khu vực bãi giữa sông Hồng thành không gian có giá trị kinh tế, xã hội. Các ý kiến của tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học sẽ từng bước xây dựng tầm nhìn cụ thể hơn cho khu vực bãi giữa sông Hồng, là căn cứ để lập các bước quy hoạch tiếp theo.
Bên cạnh đó, Hội thảo sẽ tạo nên cơ hội khơi gợi các ý tưởng của các nhà đầu tư, các thành tố khởi nghiệp, nhằm phát huy, phát triển các giá trị văn hoá - lịch sử trong hình thành mẫu mực các không gian và mô hình hoạt động sáng tạo toàn diện, không chỉ cho Hà Nội mà còn cho cả nước.
Toàn cảnh Hội thảo.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận về thực trạng và định hướng phát triển khu vực bãi giữa và bãi nổi sông Hồng; xây dựng công viên Văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng từ kinh nghiệm thế giới và thực nghiệm ở Việt Nam; những thuận lợi và khó khăn trong việc khai thác và quản lý khu vực bãi giữa và bãi nổi sông Hồng; những vấn đề chính sách, cơ chế hoạt động để khai thác và vận hành công viên văn hóa cảnh quan khu vực bãi giữa sông Hồng trở thành không gian sáng tạo của Thủ đô; nâng cao hiệu quả quản lý của các quận Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Tây Hồ; khai thác hiệu quả các quỹ đất bị lãng quên, các công trình công cộng hoặc công nghiệp không còn phù hợp, chuyển đổi chức năng thành các không gian sáng tạo, không gian công cộng trong đô thị…
Khôi Nguyên
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.