Xây dựng thành phố thông minh: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

MTXD - Tóm tắt: Xây dựng thành phố thông minh đang trở thành một xu hướng trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Đây được coi là bệ phóng quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong tương lai. Vì vậy, mỗi quốc gia hoặc thành phố thường lựa chọn cách riêng để đạt được mục tiêu của mình, phụ thuộc vào bối cảnh cũng như chiến lược phát triển.

MTXD - Tóm tắt: Xây dựng thành phố thông minh đang trở thành một xu hướng trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Đây được coi là bệ phóng quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong tương lai. Vì vậy, mỗi quốc gia hoặc thành phố thường lựa chọn cách riêng để đạt được mục tiêu của mình, phụ thuộc vào bối cảnh cũng như chiến lược phát triển. Việc học hỏi kinh nghiệm của những quốc gia đi trước có ý nghĩa quan trọng giúp các nước đi sau như Việt Nam có thể vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế. Bài viết tập trung phân tích kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng thành phố thông minh nhìn từ giác độ quản trị, qua đó rút ra các bài học hữu ích cho Việt Nam.

 Từ khóa: Xây dựng, đô thị thông minh, thành phố thông minh, smart city.

1. Đặt vấn đề

 Bước sang thế kỷ 21, thế giới chứng kiến sự phát triển vượt bậc của các ứng dụng khoa học công nghệ, tạo ra những đột phá trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Từ việc thay đổi nhận thức, thể chế, cách thức tạo ra giá trị đến việc tổ chức đi lại, sử dụng năng lượng, hệ thống phân phối logistics, quản lý cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ công. Sự xuất hiện của các thành phố thông minh phản ánh sự hội tụ của nhiều yếu tố, từ nhu cầu thay đổi cho tới sự chín muồi của công nghệ và trưởng thành của thể chế, và nền tảng xã hội. Từ giác độ thị trường và xã hội, sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư và cải thiện chất lượng sống là động lực để cả doanh nghiệp, chính quyền, và người dân phải thông minh hơn. Từ góc độ công nghệ, sự phát triển của công nghệ đã và đang thay đổi cách thức quản lý sản xuất và cung cấp dịch vụ. Nhìn lại 50 năm trước, khái niệm thành phố thông minh đã từng được đề cập ở Hoa Kỳ nhưng chưa được hoàn thiện (Mark Vallianatos, 2015). Từ năm 2005 trở lại đây, khái niệm này được các công ty công nghệ lớn đề cập đến (Siemens 2004, Cisco 2005, IBM 2009). Đây là việc ứng dụng các hệ thống thông tin vào việc vận hành hạ tầng đô thị như các tòa nhà, giao thông, cung cấp điện nước và an toàn xã hội. Ý tưởng này cũng hình thành nền tảng dựa trên công nghệ thông tin cho các công tác quy hoạch, phát triển và vận hành các thành phố. Năm 2008, tập đoàn IBM đề cập đến “thành phố thông minh” như một phần của ý tưởng “hành tinh thông minh hơn”. Sau đó, khái niệm thành phố thông minh trở thành chiến lược nổi bật và xu hướng cạnh tranh giữa các nước.

2. Những vấn đề cơ bản về thành phố thông minh

2.1. Khái niệm Khái niệm thành phố thông minh (TPTM) xuất hiện và được xây dựng dựa trên những sáng kiến từ đầu những năm 1970 về thành phố điều khiển học, thành phố ảo, thành phố số, thành phố tri thức, thành phố đổi mới… và giao thoa với những mô hình thành phố hiện tại như thành phố bền vững, thành phố an toàn, thành phố sinh thái, thành phố xanh, thành phố sống tốt… Mỗi quốc gia, mỗi thành phố khác nhau xây dựng TPTM theo những tiêu chí, những lĩnh vực khác nhau, tùy thuộc vào quy mô, tính chất thành phố, điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội, mức độ đầu tư mong muốn và các vấn đề thành phố phải đối mặt. TPTM không phải là một sản phẩm cụ thể theo một mẫu mô hình nào đó mà là một khung các định hướng và hành động nhằm áp dụng công nghệ thông minh vào các lĩnh vực để các chức năng của thành phố được hình thành  và hoạt động hiệu quả hơn trên quan điểm phát triển thành phố bền vững sẵn có. Hiện nay, trên thế giới tồn tại nhiều khái niệm khác nhau về TPTM được đưa ra bởi nhiều học giả, nhiều nhà nghiên cứu, với những quan điểm và cách tiếp cận riêng. Dưới đây là một số định nghĩa của các tổ chức quốc tế về TPTM: Theo Liên minh châu Âu (EU), khái niệm TPTM được hiểu là: “Thành phố thông minh là nơi các mạng lưới và dịch vụ truyền thống được thực hiện hiệu quả hơn với việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số và viễn thông vì lợi ích của cư dân và doanh nghiệp. Một thành phố thông minh vượt ra ngoài việc sử dụng tài nguyên tốt hơn và giảm phát thải gây ô nhiễm. Thành phố thông minh đồng nghĩa với mạng lưới giao thông thành phố thông minh hơn, các cơ sở cấp nước và xử lý chất thải được nâng cấp cũng như các cách hiệu quả hơn để chiếu sáng và sưởi ấm cho các tòa nhà.” Liên minh viễn thông thế giới (ITU - International Telecomunications Union) (2015) định nghĩa: “Thành phố thông minh bền vững là thành phố sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả của hoạt động, dịch vụ thành phố và khả năng cạnh tranh, đồng thời đảm bảo đáp ứng nhu cầu của hiện tại và các thế hệ tương lai liên quan đến các khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường cũng như văn hóa”. Theo Luật về Thành phố và Cộng đồng thông minh của Hoa Kỳ (2019), khái niệm TPTM được định nghĩa: “Thành phố thông minh hoặc cộng đồng thông minh là một cộng đồng ở đó được ứng dụng các công nghệ thông tin, truyền thông đổi mới sáng tạo, tiên tiến và đáng tin cậy, các công nghệ năng lượng và các cơ chế liên quan khác để: Cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân; tăng hiệu lực và hiệu quả chi phí vận hành và cung cấp các dịch vụ dân sự; thúc đẩy phát triển kinh tế; tạo ra một cộng đồng ở đó người dân cảm thấy tốt hơn về các mặt an toàn, an ninh, bền vững, có sức chống chịu, đáng sống và đáng làm việc.” Nghiên cứu về khái niệm TPTM, Albert & Manuel (2016) cho rằng: “Thành phố thông minh là thành phố sử dụng công nghệ thông minh, có cư dân thông minh và là thành phố có sự hợp tác thông minh”. Từ định nghĩa của nhà nghiên cứu Albert & Manuel có thể hiểu, Thành phố thông minh là thành phố được tích hợp đủ 3 yếu tố: Công nghệ, con người và quản trị”… Kế thừa các quan điểm, khái niệm của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học trên thế giới về TPTM và căn cứ tình hình thực tiễn, chúng tôi cho rằng: “TPTM là thành phố hoặc khu vực cư dân ứng dụng các công nghệ thông tin và truyền thông phù hợp, tin cậy, có tính đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, cung cấp các dịch vụ công, phát huy các nguồn lực của thành phố/thành phố có sự tham gia của người dân; nâng cao chất lượng cuộc sống và làm việc của cộng đồng; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo phát triển kinh tế; đồng thời bảo vệ môi trường trên cơ sở tăng cường liên thông, chia sẻ dữ liệu, an toàn, an ninh thông tin giữa các hệ thống và dịch vụ” [2]. 2.2. Đặc điểm Các quan điểm, khái niệm nêu trên chỉ ra TPTM là sự hội tụ của ba yếu tố: (i). Hạ tầng hiệu quả, (ii). Phát triển bền vững và (iii). Môi trường sống thân thiện, biểu hiện qua nền kinh tế thông minh, đi lại thông minh, cư dân thông minh, môi trường thông minh, quản lý đô thị thông minh và cuộc sống thông minh [11]. Cơ sở của sự thông minh là công nghệ thông tin và truyền thông (Information Communication Technology - ICT) giúp cho tất cả các lĩnh vực như vận hành hệ thống hạ tầng, cung cấp tiện ích đô thị, bảo vệ môi trường và an toàn cộng đồng, cung cấp dịch vụ đô thị và các nhu cầu khác một cách thông minh, giúp cho kinh tế đô thị tăng trưởng và phát triển bền vững [3]. Cơ sở hạ tầng được xây dựng và vận hành hiệu quả sẽ đem lại cuộc sống thông minh và đi lại thông minh. Quản lý đô thị thông minh và cư dân thông minh là cơ sở phát triển bền vững của cộng đồng, khu dân cư, quốc gia. Và môi trường sống thân thiện được hình thành bởi nền kinh tế thông minh và môi trường thông minh. Ngoài ra, đặc điểm của TPTM còn được thể hiện qua các khía cạnh như: TPTM sử dụng công nghệ số trong mạng lưới giao thông, cấp nước và xử lý chất thải; TPTM sử dụng CNTT-TT và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả của hoạt động và dịch vụ (ITU, 2015); TPTM sử dụng công nghệ thông minh, có cư dân thông minh và có sự hợp tác thông minh [9] … TPTM là nơi thực hiện chiến lược phát triển tổng thể, thống nhất dựa trên các công nghệ và giải pháp thông minh với thành phần gồm: công dân thông minh, năng lượng thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh, tòa nhà thông minh, di động thông minh, cơ sở hạ tầng, công nghệ và điều hành thông minh của chính quyền và giáo dục thông minh. Hay TPTM được hiểu cần triển khai ở 6 lĩnh vực: chính quyền điện tử, kinh tế thông minh, giao thông thông minh, cư dân thông minh và cuộc sống thông minh. Hình 1 mô tả khái quát về các khía cạnh của TPTM hiện nay.

Hình 1. Các khía cạnh của thành phố thông minh Nguồn:

http://kientrucvietnam.org.vn/thanh-pho-thong-minh-van-de-quantri-do-thi/

Việc lựa chọn các mục tiêu phát triển thành phố khác nhau trên nền tảng ứng dụng giải pháp TPTM sẽ dẫn đến những khái niệm mô hình TPTM tương ứng. Và việc phát triển TPTM ở mỗi quốc gia, mỗi thành phố cần lựa chọn một khái niệm cụ thể bằng việc hiểu rõ mục tiêu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có của thành phố.

2.3. Lợi ích của việc xây dựng thành phố thông minh Mô hình TPTM sẽ tối ưu hóa các dịch vụ cho người dân cũng như các doanh nghiệp và giúp đỡ tất cả các bên liên quan có được lợi ích về xã hội, kinh tế và môi trường như:

- Mô hình TPTM giúp đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu và hiệu quả hơn thông qua việc thu thập và phân tích dữ liệu thành phố.

 - Dịch vụ giao thông vận tải và đi lại cho người dân ở TPTM được thực hiện tốt hơn.

- TPTM xây dựng được một cộng đồng an toàn hơn nhờ sử dụng các tiến bộ công nghệ như nhận dạng biển số xe, camera CCTV theo dõi giao thông, tỉ lệ tội phạm trong các thành phố thông minh sẽ giảm xuống do thông tin về tội phạm được thu thập đa dạng hơn, nhanh hơn và kịp thời hơn.

- TPTM cung cấp các dịch vụ công hiệu quả hơn.

- Các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, cảm biến chất lượng không khí và các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo cho phép giảm tác động tiêu cực với môi trường.

- TPTM giúp tăng cường sự bình đẳng trong tiếp cận công nghệ số

- TPTM mang lại những cơ hội phát triển kinh tế mới

 - TPTM cải thiện và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng [2].

Việc xây dựng TPTM nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tối đa hóa các nỗ lực bền vững về môi trường và cung cấp các dịch vụ mới cho người dân. Điều này giúp các thành phố vượt qua những thách thức do sự vận hành của các hệ thống cơ sở hạ tầng truyền thống tạo ra.

 2.4. Xây dựng thành phố thông minh nhìn từ giác độ quản trị Xây dựng TPTM không chỉ xem xét ở giác độ công nghệ và con người, mà còn cần xem xét từ giác độ quản trị. Bản chất xây dựng TPTM là xây dựng những hệ thống xã hội rộng lớn, trong đó hệ thống quản trị chính là cầu nối đảm bảo sự tương thích với sự thay đổi của công nghệ và trình độ của cư dân [4]. Sự tương tác giữa các bên khác nhau có liên quan trong thành phố là tính năng để xác định một TPTM. Các TPTM được nhìn từ góc độ tập trung vào người dùng, tập trung nhiều hơn vào mối liên hệ giữa người dân và các bên liên quan khác. Muốn xây dựng TPTM thành công thì cần tạo thuận lợi trong sự kết nối giữa con người với nhau thông qua quản trị thông minh. TPTM nhìn từ giác độ quản trị đơn giản là việc quản trị của thành phố một cách thông minh, nghĩa là đưa ra các lựa chọn chính sách đúng đắn và thực hiện việc quản trị một cách hiệu quả; nhấn mạnh sự cần thiết của quá trình ra quyết định thông minh và thực thi các quyết định này. Việc ra quyết định trở nên sáng tạo bằng cách sử dụng công nghệ mạng. Quản trị thông minh là quá trình thu thập dữ liệu và thông tin liên quan đến quản lý công bằng cảm biến hoặc hệ thống mạng cảm biến. Các công nghệ mới được sử dụng để củng cố tính hợp lý của Chính phủ bằng cách sử dụng thông tin sẵn có, đầy đủ và dễ tiếp cận hơn cho các quy trình ra quyết định quản trị. Để xây dựng và vận hành thành công một TPTM, bên cạnh việc tập trung phát triển công nghệ thông tin và truyền thông tinh vi làm trung tâm cho hoạt động quản trị của chính quyền đô thị thì cần phải tạo ra cấu trúc quản trị chủ động và cởi mở, với tất cả các chủ thể tham gia nhằm tối đa hóa hiệu quả kinh tế - xã hội và sinh thái của các thành phố. Cụ thể, xây dựng TPTM từ giác độ quản trị cần tập trung: (i) Xây dựng một chính quyền thông minh với công cụ công nghệ thông tin và truyền thông tinh vi (Chính phủ điện tử) điều phối nhiều thành phần cấu thành khác nhau của TPTM một cách minh bạch, kết nối và hợp tác linh hoạt [4]. Nền tảng để bước vào ứng dụng thông minh ở các nước phát triển cũng có những đặc điểm riêng. Tiếp cận quản trị đô thị giúp thay đổi hệ thống hành chính cứng nhắc chỉ tập trung giải quyết những gì theo “đúng quy định” sang tiếp cận theo hướng “đáp ứng đòi hỏi xã hội” trên cơ sở khai thác sức sáng tạo và nguồn lực rộng mở [12]. Nói cách khác, quản trị thông minh không đơn giản là “chính sách công theo kịp với sự phát triển công nghệ” mà đòi hỏi chính quyền đô thị phải quan tâm đến việc nắm bắt mọi mặt về cư dân của các TPTM từ kinh tế đến con người, cuộc sống, phải gắn kết những công dân địa phương một cách hiệu quả. (ii) Xây dựng khung pháp lý và giải pháp giám sát đảm bảo an ninh thông tin và sự riêng tư cho các cá nhân và tổ chức trong xã hội [4]. Thể chế thông minh hơn và quản trị thông minh hơn sẽ giúp giảm bớt sự lạm dụng, tái phân bổ lợi ích và nguồn lực khi cần thiết, và mở rộng phạm vi tác động ưu việt của công nghệ tới các nhóm xã hội khác nhau. Sự “thông minh” về xã hội là nền tảng để phát huy ứng dụng về công nghệ. Hệ thống quy hoạch và quản lý dựa vào nền tảng dân chủ tạo cơ chế sàng lọc về xã hội để các ưu việt về công nghệ được mổ xẻ rộng rãi lựa chọn nhờ quá trình đối thoại. Mô hình “quy hoạch giao tiếp” (communicative planning) đã thay thế quy hoạch dựa vào các chuyên gia và giúp đạt tới sự hợp lý về xã hội [13]. (iii) Thiết lập hệ thống bảo vệ đối với gian lận, trách nhiệm pháp lý và cung cấp dịch vụ kém [4]. Nghiên cứu thành lập các trung tâm an toàn thông tin tại chính quyền các địa phương thực hiện việc tạo nền tảng để chính quyền đô thị ra “quyết định thông minh” trong việc thực hiện chức năng quản lý của mình. Ngoài nền tảng khác biệt, các nước đang phát triển còn phải chú ý tới những khó khăn về kỹ thuật và năng lực. Việc mua thiết bị camera giám sát; điều khiển hành trình, hay thiết kế công trình “xanh” có thể giúp một bộ phận thành phố nhanh chóng “thông minh hơn”; tuy nhiên, hệ thống kỹ thuật chỉ làm việc tốt khi các cơ sở dữ liệu được xây dựng và quản lý đồng bộ nhưng cơ sở dữ liệu đầu tư bài bản, cập nhật, và kết nối luôn là yếu điểm ở các nước đang phát triển. Vấn đề năng lực thể chế đảm bảo cho các hệ thống kỹ thuật hoạt động ổn định cũng là những mối quan ngại. Sự lệ thuộc về công nghệ từ bên ngoài cũng tiềm ẩn rủi ro bởi mua công nghệ từ CISCO, SIEMENS, HONEYWELL hay IBM thì dễ xong để đáp ứng yêu cầu thường xuyên nâng cấp phần mềm và phần cứng để đảm bảo chất lượng lại không dễ nếu ngân sách không đảm bảo [3]. Hệ thống thông minh cần cả sự tương tác đa chiều và nền tảng để khai thác là sự tương tác và giao tiếp phân tán phân quyền. Điều này đòi hỏi một cấp độ mới trong hợp tác và chia sẻ không dễ đạt được nếu thiếu nền tảng quản trị và xã hội “mở”. Quản trị thông minh là cấu trúc quản trị chủ động và cởi mở với tất cả các chủ thể tham gia, nhằm tối đa hóa hiệu quả kinh tế - xã hội và sinh thái của các thành phố, đối phó với các ngoại ứng tiêu cực và phụ thuộc vào con đường phát triển trong lịch sử. Với quan niệm quản trị thông minh này, để đạt được yêu cầu một TPTM cần phải có sự chuyển đổi các thành phần bên trong của chính quyền mà còn của các tổ chức bên ngoài.

 3. Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng TPTM và tình hình xây dựng  VÀ TTPTM tại Việt Nam  

3.1. Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng TPTM Đô thị hóa ngày càng tăng tốc trên quy mô toàn cầu. Hiện nay, dân số đô thị trên toàn thế giới đã nhiều hơn dân số nông thôn. Các thành phố đang phải đối mặt với nhu cầu về nước sạch, vật liệu xây dựng, đất đai, lương thực, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính… và tìm cách cung cấp những dịch vụ chất lượng hơn, kiến tạo một nền kinh tế cạnh tranh hơn, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, tăng hiệu quả và năng suất lao động, bảo vệ môi trường. Xu hướng xây dựng TPTM là một giải pháp được nhiều thành phố trên thế giới nhìn nhận như một lời giải cho bài toán nêu trên.

Trên thế giới hiện nay có khoảng hơn 100 thành phố đã triển khai các chương trình để hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố thông minh. Mỗi quốc gia hoặc thành phố lựa chọn cách riêng để đạt được mục tiêu của mình phụ thuộc vào bối cảnh phát triển.

Hình 2. Tình hình phát triển của các thành phố tiêu biểu trên thế giới Nguồn: http://kientrucvietnam.org.vn/thanh-pho-thong-minh-van-de-quantri-do-thi/

Nhiều thành phố trên thế giới đang xây dựng TPTM để cân bằng giữa việc theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, nâng cao chất lượng đô thị hóa, hướng đến phát triển bền vững. Sau đây là kinh nghiệm xây dựng TPTM của một số quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới:

3.1.1. Xác định động lực xây dựng TPTM Tốc độ đô thị hóa tại những thành phố tại các quốc gia đang phát triển sẽ mạnh mẽ hơn tại các quốc gia phát triển. Khoảng 70% lượng năng lượng tiêu thụ và khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu là tại các thành phố với tổng diện tích chỉ chiếm 5% diện tích toàn cầu. Bên cạnh đó, nhu cầu về nước sạch, vật liệu xây dựng, đất đai, lương thực, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường cũng gia tăng nhanh chóng. Do vậy, các thành phố đang phải đối mặt với các thách thức kể trên và tìm cách cung cấp những dịch vụ chất lượng hơn, kiến tạo một nền kinh tế cạnh tranh hơn, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, tăng hiệu quả và năng suất lao động, bảo vệ môi trường. Các thành phố đang phải đối mặt với các vấn đề chính như sự bất bình đẳng ngày càng tăng, chất lượng của các dịch vụ công suy giảm. Bên cạnh đó, các vấn đề khác cũng trở nên nghiệm trọng hơn như: ùn tắc giao thông, môi trường sống ngày càng xuống cấp, gia tăng dân số, sự quá tải của hạ tầng và sự cạn kiệt tài nguyên [2]. Xu hướng phát triển nhanh chóng của CNTT và truyền thông, của dữ liệu lớn, của Internet, trí tuệ nhân tạo đã và đang tạo ra cơ hội rõ nét, nhanh chóng và hiệu quả cho các quốc gia nói chung và các thành phố nói riêng trong việc xử lý có hiệu quả các vấn đề đặt ra ở đô thị. Xu hướng xây dựng TPTM là một giải pháp được nhiều thành phố trên thế giới nhìn nhận như một lời giải cho bài toán đặt ra bởi những vấn đề trên. Xây dựng TPTM hứa hẹn sẽ là một thành phố hiệu quả hơn, hợp lý hơn và mang tính dẫn đầu. TPTM sẽ là một thành phố đáng sống hơn. TPTM sẽ là một thành phố bền vững. Để đạt được mục tiêu trên, Malaysia đã xây dựng bản quy hoạch ở cấp quốc gia National Plan 3, trong đó cấu phần dành cho sáng kiến về TPTM là một phần của bản kế hoạch này, với ba mục tiêu chính là: (1) mở rộng và tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số; (2) tăng cường và mở rộng vùng phủ sóng băng thông rộng; và (3) tăng cường cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ cho các sáng kiến về TPTM. Riêng về chính sách cho TPTM, việc phát triển TPTM nằm trong Chính sách quốc gia về thành phố hóa của Malaysia: “Mục tiêu của Chính sách thành phố hóa quốc gia là thúc đẩy và điều phối quy hoạch phát triển thành phố bền vững, nhấn mạnh vào sự phát triển cân bằng về thể chất, môi trường, xã hội và kinh tế ở Malaysia”. Chính sách thành phố hóa quốc gia cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có một hệ thống truyền thông hiệu quả trong việc đảm bảo thực hiện xây dựng TPTM thông qua việc cung cấp băng thông rộng tốc độ cao ở các khu vực thành phố một cách toàn diện và cạnh tranh. Malaysia đã tham khảo nghiên cứu của Frost và Sullivan (2014) để xác định 8 trụ cột của TPTM bao gồm: quản trị thông minh, năng lượng thông minh, tòa nhà thông minh, di chuyển/giao thông thông minh, cơ sở hạ tầng thông minh, công nghệ thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh và công dân thông minh. Malaysia đã sử dụng cách tiếp cận từ trên xuống với một chiến lược quốc gia về thành phố hóa, trong đó có một phần dành cho TPTM [2]. Tương tự trong cách tiếp cận về xây dựng TPTM của Malaysia là trường hợp của Thái Lan. Trong xây dựng TPTM, Thái Lan sử dụng cách tiếp cận theo hai chiều: từ trên xuống thông qua việc xây dựng Ban chỉ đạo Quốc gia về xây dựng TPTM và từ dưới lên thông qua Liên minh các TPTM và các công ty phát triển thành phố. Mặc dù xác định các vấn đề đô thị đặt ra khá giống nhau giữa các thành phố của Thái Lan như: vấn đề ngập lụt thành phố, vấn đề rác thải thành phố, vấn đề an ninh thành phố, nhưng mỗi thành phố của Thái Lan lại đưa ra một mục tiêu hướng tới khác nhau khi xây dựng TPTM. Thành phố Bangkok đưa ra bốn mục tiêu cụ thể là: An toàn, Chỉ dẫn thông minh, Xanh và Chất lượng sống dành cho mọi người. Thành phố Khon Kaen lại đưa ra hai mục tiêu chính là: Cơ hội cho đổi mới sáng tạo (khởi nghiệp, vườn ươm khởi nghiệp và phòng thí nghiệm thành phố) và Chất lượng cuộc sống. Trong khi đó, thành phố Laem Chabang lại đặt ra ba mục tiêu khi xây dựng TPTM là: Cửa ngõ của hành lang kinh tế phía Đông, Môi trường trong sạch, Cân bằng công việc và cuộc sống [2]. Chính phủ Ấn Độ đưa ra sáng kiến xây dựng TPTM để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Ấn Độ. Được điều hành bởi cơ quan đại diện Chính phủ triển khai là Bộ Phát triển đô thị, nhiệm vụ chiến lược này nhằm tới mục tiêu, dẫn hướng cho sự phát triển kinh tế và cải thiện điều kiện sống của người dân bằng cách kích hoạt sự phát triển của các địa phương và khai thác khả năng của công nghệ, đặc biệt là các công nghệ thông minh. Nhiệm vụ này có phạm vi áp dụng tới 100 thành phố, tiến hành triển khai từ năm 2015 tới 2020. Theo sáng kiến này, sự phát triển địa phương có thể được củng cố bằng cách giúp chính quyền địa phương thực hiện các chiến lược TPTM, có thể tạo ra kết quả hữu ích cho người dân. Ba trong số các thành phần chính của kế hoạch chiến lược này bao gồm cải thiện thành phố, đổi mới thành phố và mở rộng thành phố [2]. Ngay từ những năm 1980, Singapore đã triển khai công nghệ thông tin nhằm phục vụ cho giao thông đi lại và dịch vụ công phục vụ cho công dân. Singapore là một điển hình về ứng dụng công nghệ vào quản trị thành phố và nâng cao đời sống của người dân. Cách tiếp cận của Singapore là cách tiếp cận từ trên xuống do đặc thù là một quốc gia - thành phố nhỏ cả về diện tích và dân cư. Singapore cũng là một thành phố có carbon thấp nhất so với bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới, chỉ khoảng 2,7 tấn carbon dioxide (CO2 )/đầu người [2]. London có mục tiêu trở thành thành phố tốt nhất trên thế giới dựa trên việc ứng dụng những đổi mới trong công nghệ số. Từ những năm 2000, thành phố này đã triển khai công nghệ camera quan sát hay camera an ninh để giám sát các không gian công cộng. Bên cạnh đó, thành phố cũng hiện đại hóa các hệ thống, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng sau khi đã tham khảo ý kiến của người dân. Thành phố triển khai một hệ thống tin học trên mạng thu thập ý kiến người dân, điều tra xã hội học về các lĩnh vực chủ chốt của thành phố. London tiếp cận kết hợp giữa định hướng của thành phố và sự tham gia của người dân trong xây dựng TPTM [2]. Thành phố Toronto - Canada được đánh giá rất cao về TPTM ở khu vực Bắc Mỹ. Để đối phó với những hệ lụy của phát triển nhanh chóng như nhà ở giá rẻ, tỷ lệ sinh thấp, thất nghiệp tăng cao, Chính quyền thành phố Toronto đã nghiên cứu áp dụng nhiều chính sách, chiến lược TPTM như xây dựng Toronto trở thành trung tâm dịch vụ tài chính toàn cầu. Ngoài ra Toronto còn là nơi cung cấp công nghệ thông tin, công nghệ ô tô của Cananda. Vào năm 2012, thành phố Toronto đã khởi động sáng kiến dữ liệu mở. Vào năm 2018, sau khi tham vấn với hơn 100 bên liên quan trong và ngoài nước, thành phố đã công bố Kế hoạch tổng thể dữ liệu mở của mình.

 Tương tự từ năm 2013, thành phố Montreal - Canada đã đặt ra mục tiêu trở thành TPTM của người dân. Một cơ quan chuyên trách về TPTM và số hóa của thành phố đã được thành lập năm 2014. Quy trình triển khai dựa trên việc tham khảo, điều tra và đồng thuận ý kiến của người dân cũng như sự tham gia của công dân vào các dự án TPTM của thành phố. Chính việc tham khảo ý kiến rộng rãi của người dân đã giúp thành phố điều chỉnh các chính sách phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người dân [5,7]. 3.1.2. Lựa chọn trụ cột của TPTM Một câu hỏi luôn được đặt ra cho các thành phố khi triển khai xây dựng TPTM là nên triển khai xây dựng TPTM trên lĩnh vực nào và đâu là lĩnh vực ưu tiên cần thực hiện đầu tiên. Việc xác định đúng lĩnh vực ưu tiên là điều kiện cần thiết để triển khai xây dựng thành công TPTM. Việc lựa chọn xây dựng hệ thống thông minh nào đòi hỏi phải có một cách tiếp cận thông minh ấy. Một ví dụ điển hình là dự án TPTM được triển khai tại thành phố Amsterdam của Hà Lan. Thành phố Amsterdam đặt mục tiêu giảm thải khí CO2 làm mục tiêu trung tâm khi xây dựng TPTM. Qua đó, TPTM này dựa trên 5 trụ cột chính là: nhà ở, việc làm, di chuyển, dịch vụ công và dữ liệu mở. Để làm được điều này, thành phố đã mở những diễn đàn để các bên hữu quan trao đổi với nhau nhằm nắm bắt được nhu cầu và những khó khăn của mỗi bên khi triển khai các dự án TPTM, triển khai thí điểm các ý tưởng TPTM ở trong các Living Urban Labs trước khi triển khai rộng rãi ở quy mô thành phố và mở nguồn dữ liệu về thành phố. Và thành phố Amsterdam là một hình mẫu về khai thác dữ liệu lớn từ đô thị để triển khai có hiệu quả TPTM [1]. Với cách tiếp cận toàn diện hướng tới phát triển TPTM, thành phố Barcelona đã thành công và được đánh giá là một TPTM nổi bật nhất trên nhiều phương diện. Barcelona đã thực hiện rất hiệu quả các biện pháp có tính sáng tạo cao, trong đó nổi bật nhất là việc lập bản đồ không gian địa chính tài sản, chia sẻ dữ liệu giữa các công dân, cơ quan nhà nước và tư nhân, đèn giao thông thông minh, các tòa nhà xanh, bãi đỗ xe thông minh, hệ điều hành (OS) thành phố (phát triển cảm biến rộng, kiot dịch vụ công dân), chính phủ mở, mạng lưới xe buýt thông minh, dịch vụ chăm sóc từ xa (giúp đỡ khẩn cấp cho 70 nghìn người già thông qua mặt dây chuyền cảm biến),...

Trong khi rất nhiều thành phố đã phát triển các thuộc tính công nghệ cao, thì Barcelona nổi trội bởi thành phố đã thành công về mặt cung cấp dịch vụ trên phạm vi rộng. Thành phố Madrid (Tây Ban Nha) là một trong những thành phố đi tiên phong trong việc xây dựng TPTM thông qua nền tảng thông minh MINT để quản lý đồng bộ các dịch vụ khác nhau của thành phố. Các dịch vụ này bao gồm quản lý hạ tầng, thu gom, xử lý, tái chế rác thải, quản lý không gian công cộng và không gian xanh…[2]. 3.1.3. Phương thức tiếp cận xây dựng TPTM Quá trình xây dựng TPTM luôn tồn tại những khó khăn, thậm chí đã có nhiều thất bại. Có hai cách tiếp cận khi xây dựng TPTM là thông minh hóa các hệ thống hạ tầng của một đô thị đã tồn tại; hoặc xây dựng một thành phố mới hoàn toàn và ứng dụng các công nghệ thông tin nhằm quản lý vận hành các hệ thống của thành phố nhằm thu hút được người dân và các doanh nghiệp tới sinh sống, làm việc và đặt trụ sở ở thành phố mới xây dựng này. Songdo (Hàn Quốc) là một ví dụ hoàn hảo về một thành phố bền vững thông minh. Songdo là thành phố mới được xây dựng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Dự án thành phố thông minh của Songdo được chia thành sáu lĩnh vực bao gồm: vận tải, phòng ngừa tội phạm, phòng chống thiên tai, môi trường và tương tác công dân, cung cấp các ứng dụng thông minh trong đó nổi bật là quản lý mạng lưới nước sạch, nước thải và nước đã qua xử lý, nhà thông minh…. Các dịch vụ thông minh khác liên quan đến nhà ở, cửa hàng, học tập, sức khỏe,… cũng đang tích cực triển khai [5]. Tuy nhiên, việc thu hút các doanh nghiệp và người dân của Songdo  không dễ dàng.

Thực tế chỉ một phần ba dân số dự kiến đang sống tại Songdo và rất ít doanh nghiệp tìm đến thành phố này. Nguyên nhân có thể là do thành phố được xây dựng dựa hoàn toàn trên công nghệ, không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn phát triển. Tương tự, thành phố Lavasa của Ấn Độ được xây dựng mới hoàn toàn từ một vùng đất trống với định hướng trở thành TPTM. Nhưng do vị trí địa lý kém thuận lợi, nằm xa các tuyến giao thông thương mại của Ấn Độ, dân số toàn thành phố chỉ còn lại 10.000 người so với thiết kế ban đầu dành cho 250.000 cư dân. Điều này dẫn tới các dịch vụ được triển khai của TPTM không thể hoàn vốn [2]. Tóm lại, việc xây dựng mới hoàn toàn một TPTM là hết sức phiêu lưu. Điều kiện quan trọng nhất đối với một TPTM được xây dựng mới là phải có vị trí địa lý hấp dẫn về mặt kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu của cư dân và doanh nghiệp. Vai trò của CNTT và Internet chỉ là một trong những điều kiện cần thiết để phát triển TPTM mà thôi.

3.2. Tình hình xây dựng TPTM và một số vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng TPTM tại Việt Nam Tại Việt Nam, xu hướng xây dựng TPTM đang được quan tâm và thúc đẩy. TPTM được coi là lựa chọn tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới cũng như khả năng tiếp cận của Việt Nam. Tính đến tháng 3 năm 2020, trên cả nước đã có 38/63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển TPTM, trong đó có đề án, kế hoạch được ban hành cho toàn tỉnh và đề án, kế hoạch ban hành cho một đô thị thuộc tỉnh. Các đề án phát triển TPTM đã được phê duyệt chủ yếu xây dựng dựa trên mô hình của tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin, trong đó mới chỉ tập trung việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, chưa chú trọng vào việc đầu tư hạ tầng công nghệ. Các lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất trong phát triển TPTM gồm 05 lĩnh vực: Giáo dục thông minh; Y tế thông minh; Giao thông thông minh; Dịch vụ công thông minh; và Du  lịch thông minh. Ngoài ra, một số lĩnh vực khác như An toàn thông tin, Trung tâm giám sát điều hành thông minh… cũng được đề cập. Tuy nhiên, đa số các tỉnh, thành phố mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình xây dựng TPTM như ký kết hợp đồng, tạo lập đề án phát triển TPTM, triển khai thí điểm một số dịch vụ của TPTM… Một điểm chung của các địa phương trong phát triển TPTM là đều bắt đầu từ hoàn thiện Chính phủ điện tử. Các chương trình gắn với xây dựng Chính phủ điện tử đang thúc đẩy sự thay đổi trên các lĩnh vực quản lý ngân sách, thuế, hải quan và quản lý đất đai. Việc phát triển TPTM cũng được xúc tiến thông qua các chương trình hợp tác quốc tế. Nhiều đề xuất hợp tác quốc tế với Nhật Bản, Phần Lan, Hà Lan và Hoa Kỳ đã và đang thiết lập nhằm hỗ trợ Việt Nam trong việc ứng dụng phát triển TPTM. Ba năm gần đây, nhiều dự án đang được đề xuất theo một số chủ đề ở các thành phố. Ở cấp độ quốc gia, việc hình thành các tổ chức và nghiên cứu đã được xúc tiến. Chính phủ thành lập Ban Xây dựng Phát triển Hệ thống Thành phố Thông minh với sự tham gia của nhiều bộ, ngành. Mục tiêu triển khai trong giai đoạn 2006-2020 là vận động các nước, doanh nghiệp tham gia hợp tác, tư vấn, và các địa phương đăng ký tham gia mô hình sẽ xây dựng đề án triển khai. Chính phủ cũng ký kết các chương trình hỗ trợ từ các đối tác nước ngoài như IBM, Cisco, Hàn Quốc, Phần Lan chấp thuận các dự án đầu tư và đề xuất các khung chương trình liên quan đến việc xây dựng, phát triển thành phố thông minh. Tuy nhiên, việc triển khai còn nhiều việc phải làm bao gồm từ bộ khung thể chế, từ chương trình, dự án đầu tư, cơ chế thu hút và xây dựng năng lực. Kết quả của quá trình phát triển chính phủ điện tử và tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan quản lý nhà nước cũng góp phần vào xây dựng TPTM. Về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, về hạ tầng CNTT, có 17 bộ, cơ quan ngang bộ và 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai mạng diện rộng WAN, trong đó đã kết nối tới trên 80% số đơn vị thuộc, trực thuộc các bộ, ngành và trên 75% các sở, ngành, quận/ huyện các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tỷ lệ cán bộ, công chức được trang bị máy tính phục vụ công việc đạt 90,95% ở Trung ương; 97,14% ở các sở, ban, ngành cấp tỉnh và 90,87% ở UBND cấp huyện. Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai ở 100% các bộ, ngành, địa phương. Dịch vụ công trực tuyến ngày càng tăng. Cổng dịch vụ công quốc gia được thiết lập, đã có hơn 44.200 tài khoản đăng ký; hơn 13,4 triệu lượt truy cập; hơn 854.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái… Cổng Dịch vụ công quốc gia trong thời gian ngắn đã có những thành quả đáng khích lệ, đáp ứng nhu cầu người dân và xu hướng ứng dụng công nghệ thông minh trên thế giới.

Hình 3. Phát triển thành phố thông minh ở Việt Nam giai đoạn 2013-2015 Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp Việt Nam đã và đang triển khai nhiều ứng dụng công nghệ ‘thông minh’ ở khu vực đô thị.

 Các dự án theo ngành điện, nước, giao thông và công trình thông minh của khu vực tư nhân đã bắt đầu thực hiện. Tuy nhiên, sự thay đổi về quản trị ở cấp độ thành phố và liên ngành mới dừng ở mức độ đề án, thiếu các dự án nghiên cứu đánh giá và thí điểm song hành với đầu tư về mặt kỹ thuật.

4. Một số khuyến nghị về xây dựng TPTM ở Việt Nam

TPTM cần được hiểu là làm cho tổ chức xã hội đô thị thông minh hơn. Thông minh không phải là đích mà là phương tiện để phát triển bền vững, cạnh tranh, thịnh vượng và cuộc sống có chất lượng. Thông minh hơn là một quá trình diễn tiến không ngừng, không phải mới bắt đầu và không kết thúc với sự sáng tạo rộng rãi của xã hội là nền tảng. Thông minh hơn không chỉ dựa vào công nghệ kết nối và tính toán hay kiểm soát, mà còn cả hệ thống quản trị với sự tương tác của các bên tham gia với mục tiêu cao nhất là phục vụ con người. Trách nhiệm của hệ thống quản trị là xây dựng nền tảng cho sự sáng tạo và thông minh hơn. Các thành phố đi trước có nhiều bài học cần được học hỏi và tiếp thu, xong cần nhận thức sự khác biệt của “người đi sau” về cả cơ hội, lợi thế, lẫn khó khăn. Cơ cấu không gian, tổ chức quy hoạch đô thị, hệ thống quản trị, và sự khác biệt về nền tảng xã hội cần đánh giá đúng mức để nâng tầm ‘thông minh’ vượt ra các khu vực tách biệt và lĩnh vực có thể dễ dàng áp dụng công nghệ mới. Sự tiếp thu của cá thể là quá trình tự nhiên, song sự lan tỏa ở phạm vi đô thị cần có sự chủ động của chính quyền để thay đổi thể chế. Xu hướng xây dựng TPTM đang ngày càng tăng và diễn ra phổ biến không chỉ tại các quốc gia phát triển mà ngay cả tại các quốc gia đang phát triển. Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới sẽ gợi ý cho các thành phố của Việt Nam một số vấn đề cần chú ý khi xây dựng TPTM: Thứ nhất, có một số trụ cột chính để xây dựng TPTM. Chính quyền địa phương khi xây dựng TPTM cần lựa chọn xây dựng trên các lĩnh vực nào và đâu là lĩnh vực ưu tiên để thực hiện đầu tiên trong sáu lĩnh vực chính sau: (1) Công dân thông minh, (2) Giao thông/di chuyển thông minh; (3) Môi trường thông minh; (4) Kinh tế thông minh; (5) Quản trị thông minh; (6) Cuộc sống thông minh. Việc xác định đúng lĩnh vực ưu tiên là điều kiện cần để triển khai thành công một TPTM. Rất khó để có thể triển khai đồng bộ tất cả các lĩnh vực trên cùng một lúc bởi vì các vấn đề liên quan đến vốn đầu tư xây dựng TPTM rất lớn, trong khi mô hình kinh tế về TPTM lại chưa rõ ràng nên việc triển khai xây dựng các hệ thống hạ tầng thông minh thường triển khai lần lượt theo thứ tự ưu tiên của các vấn đề đặt ra trong mỗi thành phố. Tuy nhiên cần phải lưu ý rằng, việc lựa chọn trụ cột hạ tầng thông minh nào đó không có nghĩa rằng các giải pháp thông minh chỉ giới hạn trong lĩnh vực đó. Một lựa chọn hạ tầng thông minh có thể đóng góp vào một hoặc một vài mục tiêu khi xây dựng TPTM. Thứ hai, lựa chọn trụ cột ưu tiên nào để xây dựng hệ thống thông minh phải dựa trên thứ tự ưu tiên và sự khả thi về công nghệ, tài chính, nguồn nhân lực. Thứ tự ưu tiên dựa trên những yếu tố sau: nhu cầu bức thiết của người dân và những ưu tiên của thành phố; sự khả thi trong việc áp dụng công nghệ thông minh nhằm giải quyết vấn đề bức thiết đã đặt ra; sự khả thi về vốn để xây dựng hạ tầng thông minh cho lựa chọn nói trên; sự khả thi về nguồn nhân lực nhằm đảm bảo việc xây dựng, khai thác vận hành và bảo trì của hệ thống thông minh. Nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng trong xây dựng thành công một TPTM. Bởi việc triển khai, vận hành và bảo trì các hạ tầng trong TPTM phải được thực hiện đúng cách và có hiệu quả phụ thuộc vào nguồn nhân lực thông minh. Thứ ba, cần triển khai dự án hạ tầng thông minh trước hết ở quy mô nhỏ. Sau khi thành công và đúc rút kinh nghiệm đã triển khai trên thực tế mới triển khai ở quy mô rộng hơn. Thứ tư, không nhất thiết phải giới hạn những mục tiêu của việc xây dựng TPTM vào một trụ cột hạ tầng thông minh nhất định mà hoàn toàn có thể xác định một mục tiêu gắn với một vài trụ cột hạ tầng thông minh để có thể xây dựng một hệ thống thông minh đồng bộ nhằm đạt được mục tiêu này. Thứ năm, mục tiêu đặt ra của các dự án thông minh trong TPTM phải phù hợp với mục tiêu phát triển chung của thành phố đã được đặt ra trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong các quy hoạch của địa phương. Để thực hiện việc thông minh hóa công tác quy hoạch TPTM cần phải có hệ thống quản lý thông tin và cơ sở dữ liệu đô thị đảm bảo chất lượng, tin cậy và phản ánh đúng thực trạng đô thị. Hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ là nền tảng để phân tích, đánh giá và đưa ra những định hướng, giải pháp quy hoạch trên cơ sở cân nhắc các yếu tố thuận lợi, khó khăn của mỗi định hướng, mục tiêu.

5. Kết luận

 Bối cảnh thay đổi nhanh như hiện nay đòi hỏi các thành phố cần sớm có các nghiên cứu đánh giá tổng hợp để tìm ra các lĩnh vực đột phá nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài cho doanh nghiệp và xã hội. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần phải chú trọng cả các lĩnh vực truyền thống vì chúng ta vẫn đang mở rộng đô thị và việc đầu tiên là quản lý tích hợp. Nền tảng của “thông minh” ở cấp độ đô thị là cách thức chia sẻ và hợp tác hữu hiệu, do đó chúng ta có thể bắt đầu bằng việc mở các kho dữ liệu ra để chia sẻ. Công nghệ điện toán đám mây và kết nối diện rộng sẽ giúp các bên tham gia tối ưu hóa các lựa chọn cả ở phía sản xuất và tiêu thụ. Trong ‘thế giới nhanh’, thông tin càng chia sẻ càng có giá trị nên hệ thống quản trị cần tạo đột phá bằng việc kết nối các dữ liệu, từ không gian và môi trường cho tới chính sách đầu tư phát triển, dịch vụ hành chính và các thông tin xã hội giúp tìm kiếm cơ hội phát triển và điều chỉnh hành vi. Về lâu dài, cần phát triển năng lực quản trị để chuyển từ government sang governance - hệ thống quản trị có tính liên minh và tận dụng nguồn lực xã hội trong phát triển. Đồng thời, chúng ta cần nâng tầm công nghệ ‘thông minh’ từ cấp độ công trình và lĩnh vực lên phạm vi cấp thành phố. Điều này đòi hỏi sự chủ động của chính quyền trong kết nối theo khu vực (area based development) thay vì dự án (project based). Điều này liên quan đến kết nối giữa các bên trong quan hệ chiều ngang và dọc cũng như với bên ngoài Nhà nước. Tất nhiên các nền tảng của công nghệ như chất lượng cảm biến – hệ thống đo lường và phản biện xã hội cũng phải xây dựng; đầu tư xây dựng năng lực cho các trung tâm thu thập phân tích và xử lý dữ liệu lớn (big data). Công nghệ thuần túy với người Việt có lẽ không phải là thách thức lớn.

TS. Vũ Thị Minh Hiền - NCS.ThS. Nguyễn Lan Phương

 

Tài liệu tham khảo

Tiếng Việt 1. Nguyễn Văn Bình (2014), Ứng dụng Smart City tại thành phố Amsterdam (Hà Lan) và đề xuất giải pháp phân luồng giao thông cho Hà Nội, Viện Công nghệ Thông tin.

2. Cục Phát triển đô thị Việt Nam - Bộ Xây dựng (2020), Tài liệu tham khảo “Xây dựng và phát triển đô thị thông minh: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”, Diễn đàn cấp cao về Đô thị thông minh ASEAN 2020 ngày 22-23/10/2020.

3. Nguyễn Ngọc Hiếu - Đào Thị Bích Vân (2016), “Thành phố thông minh & vấn đề quản trị đô thị”, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, Link: http://kientrucvietnam.org.vn/thanh-pho-thong-minh-van-dequan-tri-do-thi/. 4. Nguyễn Tiến Hùng (2019), “Mô hình phát triển thành phố thông minh trên thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam”, Tạp chí Tài chính (Kỳ 1-tháng 10/2019), Link: http://tapchitaichinh.vn/nghiencuu-trao-doi/mo-hinh-phat-trien-thanh-pho-thong-minh-trenthe-gioi-va-khuyen-nghi-cho-viet-nam-314686.html.

5. Nguyễn Thị Vân Hương (2019), “Thành phố thông minh: Xu hướng phát triển trên thế giới và Việt Nam”, Tạp chí Kiến trúc (số 09-2019), Link: https://www.tapchikientruc.com.vn/chuyen-muc/thanh-phothong-minh-xu-huong-phat-trien-tren-the-gioi-va-viet-nam.html.

 6. Nguyễn Văn Khôi, Phạm Lê Cường, Hà Minh Hiệp (2017), “Mô hình đô thị thông minh và sự cần thiết xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia”, Tạp chí Khoa học công nghệ, số 5-2017.

7. Lương Thị Kim Thanh (2018), Tìm hiểu về quy hoạch thành phố thông minh tại Canada – phần 1, Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông.

8. Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018 Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếng Anh

 9. Albert Meijer, Manuel Pedro Rodrı´guez Bolı´var (2016), Governing the smart city: a review of the literature on smart urban governance, International Review of Administrative Sciences 2016, Vol. 82(2) 392–408.

10. Batagan L (2011), Smart cities and sustainability models, Informatica Economica˘ 15(3): 80–87.

11. Giffinger, R. et al. (2007), Smart cities – Ranking of European mediumsized cities, Vienna, Austria: Centre o fRegional Science (SRF), Vienna University of Technology.

 12. B.Jessop (2002). Liberal, neo-liberal and urban governance. Antipode 34, pp. 452-472.

13. P.Healey (1992). Planning throught debate: the communicative turn in planning theory. Town-Planning-Review 1992, pp. 143-162.

14. Margarita Angelidou (2014), Smart city policies: A spatial approach, Elsevier Ltd. All rights reserved, http://dx.doi.org/10.1016/j. cities.2014.06.007, 0264-2751/.

15. Pieterse, E. (2000), Participatory urban governance, Practical Approaches, Regional Trends and UMP Experiences, Nairobi, Kenya: United Nations Centre for Human Settlements (Habitat).

16. Vito Albino, Umberto Berardi and Rosa Maria Dangelico (2015), Smart Cities: Definitions, Dimensions, Performance, and Initiatives, Journal of Urban Technology, Vol. 22, No. 1, 3–21, http://dx.doi.org /10.1080/10630732.2014.942092.

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản để hoàn thiện công tác nhân sự.
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.