Xây dựng và quản lý đô thị thông minh tại Việt Nam
MTXD - Trong những năm qua quá trình đô thị hóa tại Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả tích cực. Hầu hết các đô thị trên cả nước đã thể hiện được vai trò, động lực then chốt trong tăng trưởng và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đô thị cũng dần xuất hiện những hạn chế, bất cập, đặc biệt là sự phát triển còn thiếu tính bền vững. Để giải quyết các vấn đề này các đô thị cần có những nghiên cứu, lựa chọn và chuyển hướng phát triển nhằm đảm bảo đô thị có tính kết nối, có bản sắc; giải quyết các vấn đề đô thị như ô nhiễm môi trường, ngập úng, tắc nghẽn giao thông… Xây dựng, phát triển, quản lý đô thị thông minh là phương thức quan trọng để tận dụng hiệu quả những cơ hội, thành quả của cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), phù hợp với xu hướng quốc tế và hướng tới phát triển bền vững - là sự lựa chọn chính xác nhất với các đô thị trong bối cảnh hiện nay.
Ảnh minh họa -Internet
1. Tác động của cuộc cách mạng công nghệ đến phát triển đô thị
Cách mạng công nghiệp (CMCN) là một quá trình chuyển đổi từ phương thức sản xuất thủ công sang phương thức sản xuất máy móc, dựa trên nền tảng của khoa học và công nghệ. CMCN đã tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có phát triển đô thị.
(i). Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (1760 - 1840)
CMCN lần thứ nhất được đánh dấu bằng sự phát minh ra máy hơi nước, dẫn đến sự ra đời của các nhà máy sản xuất hàng loạt. Điều này đã làm thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh và phân phối hàng hóa, dẫn đến sự phát triển của các đô thị.
Trong giai đoạn này, các đô thị tập trung nhiều nhà máy, xí nghiệp, thu hút một lượng lớn người lao động từ nông thôn đổ về. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng dân số đô thị, làm thay đổi diện mạo đô thị.
(ii). Cách mạng công nghiệp lần thứ hai (1870 - 1914)
CMCN lần thứ hai được đánh dấu bằng sự phát minh ra động cơ đốt trong, dẫn đến sự ra đời của các phương tiện vận tải hiện đại như ô tô, xe máy, tàu hỏa,... Điều này đã góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa, giúp các đô thị phát triển rộng hơn và kết nối với nhau chặt chẽ hơn.
Trong giai đoạn này, các đô thị được mở rộng, phát triển hạ tầng giao thông, điện, nước,... để đáp ứng nhu cầu của người dân. Các đô thị cũng bắt đầu phát triển các khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu thương mại,...
(iii). Cách mạng công nghiệp lần thứ ba (1945 - 1970)
CMCN lần thứ ba được đánh dấu bằng sự phát triển của công nghệ điện tử, máy tính, dẫn đến sự ra đời của các ngành công nghiệp mới như công nghiệp điện tử, công nghiệp máy tính,... Điều này đã góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ trong các đô thị, giúp các đô thị phát triển bền vững hơn.
Trong giai đoạn này, các đô thị bắt đầu ứng dụng các công nghệ mới vào quản lý đô thị, như hệ thống thông tin quản lý đô thị (MIS), hệ thống điều khiển giao thông thông minh (ITS),...
(iv). Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (2015 - nay)
CMCN lần thứ tư được đánh dấu bởi sự phát triển của các công nghệ mới, mang tính đột phá như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT),... Các công nghệ này đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có phát triển đô thị.
Trong giai đoạn này, các đô thị đang phát triển theo hướng thông minh, dựa trên nền tảng của các công nghệ mới. Các đô thị sẽ được trang bị các hệ thống như giao thông thông minh, quản lý năng lượng thông minh, quản lý an ninh thông minh,... giúp giải quyết các vấn đề và nâng cao hiệu quả quản lý đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, từ đó hình thành các đô thị Thông minh
Đô thị thông minh (tiếng Anh: Smart city) được định nghĩa là một đô thị có sử dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin và truyền thông để thu thập dữ liệu, sau đó sử dụng các dữ liệu này để quản lý tài sản và các nguồn lực một cách hiệu quả. Hiểu một cách đơn giản, đô thị thông minh là mô hình của một thành phố áp dụng những công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất để phục vụ chính quyền và cải thiện điều kiện cuộc sống của người dân về mọi mặt.
2. Xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam
2.1 Lợi ích của đô thị Thông minh
Theo bảng xếp hạng Thành phố Thông minh 2023 (Smart City Index 2023) do Viện Phát triển và Quản lý (IMD) công bố, thành phố Zurich của Thụy Sĩ đã được vinh danh là thành phố thông minh nhất thế giới, tiếp theo là Oslo (Na Uy) và Canberra (Úc).
Bảng xếp hạng này dựa trên 6 tiêu chí chính, bao gồm:
- Cơ sở hạ tầng và công nghệ: Đánh giá mức độ phát triển của cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin, truyền thông của thành phố.
- Sự bền vững: Đánh giá các nỗ lực của thành phố trong việc giảm thiểu tác động đến môi trường và phát triển bền vững.\
- Quản trị và hiệu quả: Đánh giá khả năng của chính quyền thành phố trong việc quản lý và cung cấp các dịch vụ hiệu quả.
- Tính toàn diện: Đánh giá mức độ bao trùm của các dịch vụ và tiện ích dành cho người dân.
- Sức khỏe và giáo dục: Đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các yếu tố như y tế, giáo dục, v.v.
- Chất lượng sống: Đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng cuộc sống ở thành phố.
Trong số 141 thành phố được xếp hạng, có 2 thành phố của Việt Nam là Hà Nội (hạng 100) và thành phố Hồ Chí Minh (hạng 103).
Theo báo cáo của Global Market Insights, thị trường thành phố thông minh toàn cầu được dự báo sẽ đạt 2,5 nghìn tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 22,5% từ năm 2022 đến năm 2026.
Có một số yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường này, bao gồm:
- Sự gia tăng dân số đô thị: Dân số đô thị dự kiến sẽ tăng lên 4,9 tỷ người vào năm 2030, tạo ra nhu cầu ngày càng tăng về các giải pháp đô thị bền vững và hiệu quả.
- Sự phát triển của công nghệ: Sự phát triển của các công nghệ tiên tiến như Internet of Things (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), và dữ liệu lớn đang tạo ra cơ hội mới cho các thành phố để cải thiện hiệu quả và chất lượng cuộc sống.
- Sự gia tăng đầu tư của chính phủ và doanh nghiệp: Các chính phủ và doanh nghiệp đang tăng cường đầu tư vào các dự án thành phố thông minh để giải quyết các thách thức đô thị như tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm và biến đổi khí hậu.
Thị trường thành phố thông minh được phân chia thành các phân khúc theo lĩnh vực ứng dụng, bao gồm:
- Giao thông thông minh: Phân khúc này bao gồm các giải pháp như giao thông thông minh, quản lý bãi đậu xe thông minh và điều phối giao thông.
- Cơ sở hạ tầng thông minh: Phân khúc này bao gồm các giải pháp như quản lý năng lượng thông minh, quản lý nước thông minh và quản lý rác thải thông minh.
- Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT): Phân khúc này bao gồm các giải pháp như mạng di động 5G, điện toán đám mây và dữ liệu lớn.
- An ninh và an toàn: Phân khúc này bao gồm các giải pháp như giám sát video, nhận dạng khuôn mặt và quản lý khủng hoảng.
- Sức khỏe và giáo dục: Phân khúc này bao gồm các giải pháp như chăm sóc sức khỏe từ xa, học tập trực tuyến và quản lý tòa nhà
Nhìn chung, thị trường thành phố thông minh toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới, mang lại nhiều lợi ích cho các đô thị như:
- Đô thị Thông minh đáp ứng yêu cầu hội nhập: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, mọi quốc gia đều có sự ảnh hưởng, tương tác lẫn nhau. Việt Nam hiện đang tích cực tận dụng các cơ hội để phát triển đột phá, đưa đất nước lên trình độ mới. Đô thị Thông minh là chủ trương mà nhà nước đưa ra để tăng cường hợp tác phát triển với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
- Về mặt kinh tế: Một loại hình kinh tế mới - Kinh tế số - xuất hiện, tạo ra những kết quả khả quan như tăng trưởng GDP; thay đổi về văn hóa, con người, quy trình kinh doanh và mô hình kinh doanh; tăng kỳ vọng của khách hàng về chất lượng của sản phẩm và dịch vụ,… Đô thị thông minh có thể giúp cải thiện hiệu quả của các dịch vụ đô thị. Điều này có thể dẫn đến giảm chi phí và cải thiện chất lượng dịch vụ.
- Về mặt xã hội: Các đô thị phát triển tạo công ăn việc làm mới; tăng năng suất lao động, hiệu quả công việc; cải thiện dịch vụ an toàn và an ninh đô thị thông qua các giải pháp như giám sát video, nhận dạng khuôn mặt và quản lý khủng hoảng. Điều này có thể tạo môi trường sống an toàn hơn, từ đó giúp ổn định và phát triển xã hội.
- Về mặt môi trường: với những ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), internet kết nối vạn vật (IoT),… cũng đóng góp quan trọng vào phát triển bền vững của đô thị như cải thiện môi trường; giảm phát thải carbon, chất thải ra môi trường; tối đa hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên,…
2.2 Thách thức trong phát triển đô thị Thông minh tại Việt Nam
Đô thị hóa và phát triển đô thị là cơ hội cho mỗi quốc gia, khu vực, địa phương để có thể phát triển và tăng trưởng đột phá về mọi mặt. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, khu vực đô thị đã đóng góp khoảng 70% GDP cả nước trong năm 2022, tốc độ đô thị hóa đạt 41,7%, tăng 1,2% so với năm 2021. Tính đến tháng 6 năm 2023, Việt Nam có tổng số 898 đô thị. Theo kế hoạch, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc sẽ đạt 50% vào năm 2030.
Trong xu thế đô thị hóa ngày càng gia tăng, việc phát triển đô thị thông minh tại
Việt Nam được xác định là một hướng đi đúng đắn cho các đô thị. Tuy nhiên, phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn:
- Xây dựng và phát triển ĐTTM phải dựa trên vấn đề then chốt là quy hoạch phát triển đô thị. Tuy nhiên công tác quy hoạch đô thị tại Việt nam còn thiếu đồng bộ, thiếu tích hợp; Công tác dự báo quy hoạch thiếu tính chính xác, phải điều chỉnh thường xuyên
- Phần lớn các địa phương đang tập chung nhiều cho dịch vụ ĐTTM mà chưa quan tâm đến phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị ( hạ tầng giao thông, cấp nước, thoát nước, thu gom chất thải, chiếu sáng…). Nếu chỉ tập chung cho phát triển dịch vụ ĐTTM chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề mà chưa giải được những yêu cầu căn cơ, những bài toán lớn của hạ tầng đô thị
- Nhận thức về đô thị thông minh từ góc độ nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, giới thiệu về lợi ích, chiến lược phát triển đô thị thông minh chưa tới hết được các đối tượng.
- Hệ thống hạ tầng dữ liệu thông tin chưa đầy đủ, chưa đồng bộ dẫn tới thách thức trong việc xây dựng hệ thống định danh, định vị thống nhất về dân cư, tài nguyên của đô thị.
- Tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị thông minh và hạ tầng kỹ thuật, công trình kiến trúc thông minh chưa được ban hành đầy đủ và đồng bộ, thiếu tính liên ngành
- Việc tham gia của các thành phần kinh tế trong quá trình này cũng còn hạn chế.
- Việc xây dựng đô thị thông minh cần phát huy được lợi thế của địa phương và cũng khắc phục những điểm yếu của chính địa phương. Điều này cho thấy chính quyền đô thị cần nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng các đặc thù địa phương để xây dựng và lựa chọn mô hình ĐTTM phù hợp. Tuy nhiên quá trình triển khai, một số đô thị lại nóng vội, học hỏi một cách máy móc mô hình địa phương khác hoặc máy móc mô hình quốc tế nên tính phù hợp và hiệu quả chưa cao.
- Phát triển đô thị thông minh phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp với chủ trương chính sách pháp luật của Nhà nước, với các định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị của quốc gia và địa phương.
2.3 Định hướng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam
Hiện nay, có rất nhiều văn bản của TW về Đô thị thông minh hỗ trợ cơ sở pháp lý, hướng dẫn và định hướng cho công tác xây dựng, quản lý đô thị thông minh tại Việt Nam, có thể kể đến như:
- Công văn số 10384/VPCP-KGVX ngày 01/12/2016 của Văn phòng Chính phủ về xây dựng đô thị thông minh bền vững trên thế giới và Việt Nam;
- Văn bản số: 58/BTTTT-KHCN ngày 11/01/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn các nguyên tắc định hướng về công nghệ thông tin và truyền thông trong xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam;
- Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025;
- Quyết định 829/QĐ-BTTTT ngày 31/5/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0);
- Văn bản số 3098/BTTTT-KHCN ngày 13/9/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông Công bố bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (Phiên bản 1.0);
- Văn bản 693/BXD-PTĐT ngày 21/2/2020 của Bộ Xây dựng về việc triển khai thực hiện phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam.
- Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã đề ra mục tiêu hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh và khu vực và thế giới.
- Nghị quyết số 06-NQ/TW Bộ Chính trị đã ban hành ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng về đô thị hóa và phát triển đô thị, có ý nghĩa và vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.
- Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 33 nhiệm vụ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp, mà trước hết là nhóm nhiệm vụ nâng cao, thống nhất nhận thức về đặc thù của đô thị, vai trò, vị thế của đô thị trong sự phát triển chung, xác định phát triển đô thị gồm 3 trụ cột chính là quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị.
Đến nay, trên cả nước có 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng đề án đô thị thông minh; 30 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Đề án/Chương trình/Kế hoạch phát triển đô thị thông minh; 15 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh; 38 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp tỉnh; 21 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp đô thị, thành phố thuộc tỉnh, 17/63 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, khoảng trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị, ngoài ra còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục thông minh, y tế thông minh.
Ảnh: Quá trình xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng
Như vậy phát triển đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số quốc gia được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
3. Quản lý đô thị thông minh tại Việt Nam
3.1 Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý đô thị thông minh
Khái niệm quản lý phát triển đô thị đã được nhắc đến từ khá lâu khi các đô thị được nhận diện là động lực để phát triển kinh tế xã hội. Mặc dù vậy, khái niệm quản lý phát triển đô thị thông minh mới chỉ được nêu ra trong thời gian gần đây khi tốc độ phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Bài toán quản lý đô thị trong tương lai sẽ dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin, viễn thông và trí tuệ nhân tạo.
Trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là bộ não, trí khôn của thành phố thông minh. Với lượng dữ liệu khổng lồ được tạo ra từ các cảm biến, hệ thống giám sát và các nguồn khác, việc phân tích và trích xuất thông tin hữu ích từ dữ liệu trở nên phức tạp. Trí tuệ nhân tạo giúp các nhà quản lý đô thị tự động hóa quá trình này, từ việc nhận dạng mẫu và xuất kết quả, tạo ra cái nhìn tổng quan về tình trạng đô thị cho đến việc đưa ra các quyết định thông minh.
Trí tuệ nhân tạo còn có khả năng học và giao tiếp với con người. Qua thời gian trí tuệ nhân tạo cũng sẽ “thông minh” hơn. Đây là yếu tố đầu tiên tạo ra sự khác biệt của một thành phố thông minh với thành phố công nghệ thuần túy
Cũng bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo, quản lý đô thị có thể nâng cao hiệu suất trong việc phân bổ tài nguyên, cung cấp các dịch vụ, duy trì cơ sở hạ tầng đô thị và đảm bảo an ninh công cộng. AI có thể giúp xác định mô hình tiêu thụ năng lượng hiệu quả và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên như nước, điện và nhiên liệu. Điều này giúp giảm chi phí và tăng tính bền vững của đô thị.
AI có thể tìm ra các xu hướng, dự đoán tình trạng và đưa ra các phương án tối ưu cho công tác quản lý đô thị. Ví dụ, thông qua việc phân tích dữ liệu giao thông, trí tuệ nhân tạo có thể dự đoán và điều chỉnh luồng giao thông để giảm tắc nghẽn và cải thiện hiệu suất giao thông.
Trong quá trình triển khai AI cho công tác quản lý đô thị, cần nhận ra và đáp ứng các nhu cầu thực sự của người dân thành phố. Trí tuệ nhân tạo phải được sử dụng như một công cụ để cải thiện điều kiện sống và trạng thái đô thị. Điều này đòi hỏi hiểu rõ những thách thức cụ thể mà các thành phố đối mặt, từ quản lý giao thông, tiêu thụ năng lượng đến bảo vệ môi trường và công bằng xã hội. Bằng cách điều chỉnh các sáng kiến AI theo nhu cầu của đô thị thực tế, các thành phố có thể khai thác toàn bộ tiềm năng của công nghệ này để tạo ra những ảnh hưởng có ý nghĩa và bền vững.
3.2 Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực quản lý đô thị Thông minh tại Việt Nam
Để quản lý tốt quá trình xây dựng và vận hành đô thị thông minh cần đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng lực, kỹ năng cho cho đội ngũ cán bộ quản lý đô thị trong hiện tại và tương lai; Những cán bộ quản lý đô thị cần có đạo đức nghề nghiệp tốt và nắm vững kiến thức về quản lý đô thị thông minh.
Trong chương trình đào tạo về lĩnh vực quản lý đô thị, quy hoạch đô thị, kiến trúc, xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị … cần lồng ghép các nội dung về đô thị thông minh ở bậc đại học và sau đại học để có nguồn nhân lực chất lượng cao xây dựng và quản lý đô thị thông minh.
Nâng cao bồi dưỡng năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị cho các đô thị từ loại III trở lên.
Xây dựng mạng lưới liên kết, phối hợp giữa các cơ sở đào tạo, các viện, trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp, chính quyền các đô thị để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển, chế tạo các sản phẩm phần cứng, phần mềm phục vụ đô thị thông minh.
Tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế, đẩy mạnh hội nhập, trao đổi thông tin về phát triển đô thị thông minh với các quốc gia để kịp thời nắm bắt các xu hướng mới trên thế giới.
Đẩy mạnh, thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả công nghệ giải pháp phát triển đô thị thông minh, đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh, trang thiết bị phục vụ quản lý đô thị;
Xây dựng, hoàn thiện các căn cứ pháp lý để Việt Nam phát triển các đô thị Thông minh một cách hiệu quả.
4. Kết luận:
Phát triển đô thị thông minh là một xu thế để phát triển quốc gia và phát triển nền kinh tế. Trung tâm cạnh tranh toàn cầu cho rằng, trở thành một thành phố thông minh được công nhận trên toàn cầu hiện nay rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư và thu hút nguồn nhân lực tài năng. Điều này tạo ra một chu kỳ phát triển của các nhóm thành phố tiên tiến trên thế giới.
Việc phát triển thành phố thông minh gắn liền với yếu tố phát triển con người. Những người sống ở đô thị thông minh sẽ có nhiều cơ hội để thành công. Họ được tiếp cận nền giáo dục chất lượng cao, chăm sóc sức khỏe tốt, cùng với nền tảng hạ tầng và dịch vụ phục vụ tốt hơn cho công việc. Do vậy nghiên cứu phát triển, thực hiện các giải pháp quản lý đô thị thông minh một cách hiệu quả sẽ giúp cho quá trình đô thị hoá tại Việt Nam phát triển một cách bền vững.
Ths.NGUYỄN ĐỨC TOÀN
Khoa Kiến trúc – ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.