Xây dựng "vùng đất Tổ" thành nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng

MTXD - Đây là khát vọng, tầm nhìn được đặt ra trong Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được công bố sáng 10/1, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, địa phương…

MTXD - Đây là khát vọng, tầm nhìn được đặt ra trong Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được công bố sáng 10/1, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, địa phương…

 

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng các trụ cột kinh tế của Phú Thọ phải khai thác thế mạnh về liên kết vùng đặc biệt là với vùng Thủ đô - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Hình thành nền tảng kinh tế - xã hội vững chắc

Tỉnh Phú Thọ có vị trí địa chính trị, địa kinh tế quan trọng: Cửa ngõ phía tây của Thủ đô Hà Nội; trung tâm kết nối tiểu vùng Đông Bắc với tiểu vùng Tây Bắc và trục hành lang kinh tế Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh (Trung Quốc); nơi hợp lưu của ba con sông lớn: sông Hồng, sông Đà và sông Lô. 

Đây là điều kiện thuận lợi để Phú Thọ liên kết không gian, mở ra triển vọng phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối liên vùng, nhất là hệ thống đường cao tốc đã và đang được đầu tư phát triển đồng bộ.

Đặc biệt, Phú Thọ là vùng đất Tổ, nơi hội tụ của hồn thiêng sông núi, của truyền thống lịch sử và là nơi lưu giữ những trầm tích văn hóa, giá trị nguồn cội của dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước, giữ nước.

Kể từ ngày tái lập tỉnh (ngày 1/1/1997), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Thọ luôn nêu cao truyền thống đoàn kết, anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Kinh tế phục hồi, phát triển nhanh với tốc độ ấn tượng 7,58% năm 2023 thuộc nhóm 15 địa phương cao nhất cả nước. Quy mô nền kinh tế (GRDP) vượt mốc 100.000 tỷ đồng, cao gấp hơn 4 lần năm 2010.

Năng lực cạnh tranh với chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), sự hài lòng của tổ chức và cá nhân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) nằm trong tốp 10. 

Các chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) nằm trong nhóm 20 trên 63 tỉnh, thành phố đã đưa Phú Thọ trở thành một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư, trong đó nguồn vốn đầu tư trong nước năm 2023 tăng 19,5%, đầu tư nước ngoài tăng 20,3%. Kết cấu hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư với 18/20 tuyến đường giao thông trọng điểm được triển khai nhanh, vượt tiến độ.

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; giáo dục-đào tạo là điểm sáng của khu vực miền núi trung du phía bắc. An sinh xã hội được chú trọng, gia đình chính sách, người có công với nước, đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm chăm lo, hỗ trợ; tỉ lệ hộ nghèo còn 4,49%.

Đây là những nền tảng vững chắc để Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía bắc, là một trong những trung tâm văn hóa, lễ hội gắn với cội nguồn dân tộc Việt Nam; một trong ba cực tăng trưởng trong trục động lực vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ; trung tâm phát triển về du lịch, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại và logistics của tiểu vùng Tây Bắc; là nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh bình quân thời kỳ 2021-2030 từ 10,5%/năm trở lên; trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt 8,5-9,0%/năm và giai đoạn 2026-2030 đạt trên 12%/năm. GRDP bình quân người năm 2030 đạt 6.000-6.200 USD/người.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao quyết định phê duyệt Quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Phú Thọ - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hiện đại, du lịch mũi nhọn

Với việc mở ra không gian phát triển mới, dựa trên những tiềm năng lợi thế riêng có; khai thác thế mạnh về liên kết vùng đặc biệt là với vùng Thủ đô, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trao đổi về định hướng phát triển một số ngành kinh tế trụ cột của tỉnh Phú Thọ.

Theo đó, công nghiệp phải bền vững, thân thiện với môi trường, sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; giữ vững vai trò là trung tâm công nghiệp của vùng trung du và miền núi phía bắc.

"Không gian, đất đai của tỉnh không có nhiều nên cần ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, đồng bộ với nguồn nhân lực, không tạo sức ép tăng dân số cơ học khi hạ tầng xã hội, kỹ thuật chưa theo kịp", Phó Thủ tướng gợi mở.

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ theo hướng nâng cao tỉ trọng các sản phẩm dịch vụ chất lượng và giá trị gia tăng cao; hình thành chuỗi cung ứng, phân phối hiện đại và trở thành một trong những trung tâm thương mại, logistics của vùng, trên cơ sở quy hoạch đồng bộ, tính toán đầy đủ chi phí, lợi ích của các phương thức vận tải, tuyến giao thông đô thị, kết nối đường bộ, đường sắt cao tốc, giao thông thủy nội địa.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, du lịch phải được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. "Hình ảnh những đồi chè xanh tươi cho thấy du lịch của Phú Thọ không chỉ có thế mạnh văn hóa, lịch sử mà rất hấp dẫn, tiềm năng cho du lịch tự nhiên, sinh thái, nông nghiệp".

Phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, thông minh gắn với chuỗi giá trị, chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Tài nguyên văn hóa, lịch sử không chỉ là sức mạnh tinh thần nội sinh mà còn là nguồn lực vật chất để Phú Thọ phát triển đột phá về du lịch - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Đô thị hóa gắn với hệ sinh thái kinh tế

Trong quá trình triển khai Quy hoạch, Phó Thủ tướng đề nghị Phú Thọ nghiên cứu kỹ Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành, lĩnh vực quốc gia, quy hoạch vùng, về hệ thống đô thị, nông thôn để phát triển các đô thị kinh tế đồng bộ với các hệ sinh thái công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ.

"Phú Thọ cần có sáng kiến, ý tưởng tốt, lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực để lập quy hoạch chi tiết cho đô thị, nông thôn, phân khu chức năng công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… trên địa bàn toàn tỉnh, công khai đến người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư", Phó Thủ tướng nói và lưu ý, quá trình phát triển đô thị phải hướng tới tiêu chuẩn đồng bộ, hài hòa, xanh, hiện đại, thông minh, giữ được bản sắc văn hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu, khai thác được hết thế mạnh của tự nhiên, kết nối với hệ thống đô thị của vùng, giữa đô thị và khu vực nông thôn.

Trong phát triển công nghiệp, dịch vụ cần ưu tiên các dự án động lực có tác động lan tỏa lớn, lựa chọn các dự án dự theo các tiêu chuẩn xanh, suất vốn đầu tư lớn, công nghệ cao, sử dụng đất tiết kiệm.

Phú Thọ cần bảo tồn, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc, biểu tượng tự hào của triệu triệu con tim mang dòng máu Lạc Hồng về cội nguồn, khát vọng thống nhất, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết và minh triết độc đáo của quốc gia, dân tộc, làm nên sức mạnh Việt Nam.

"Tài nguyên văn hóa, lịch sử không chỉ là sức mạnh tinh thần nội sinh mà còn là nguồn lực vật chất để Phú Thọ phát triển đột phá về du lịch. Tỉnh cần tập trung nghiên cứu quy hoạch, đầu tư phát triển thành phố Việt Trì thành thành phố của lễ hội đặc sắc độc đáo, miền hội tụ của các di sản; Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng mang tầm vóc quốc gia.

Gắn kết du lịch văn hóa, lịch sử với du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, sinh thái, tự nhiên, nông nghiệp kết hợp chăm sóc sức khỏe; tăng cường quảng bá thương hiệu và kết nối điểm đến, sản phẩm du lịch giữa các địa phương trong tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng", Phó Thủ tướng phân tích thêm.

Từ bài học thành công của những năm qua, Phú Thọ cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực quản trị thông qua xây dựng hạ tầng số, chính quyền số.

Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến khó lường, đặc biệt là với vị trí thượng nguồn của các con sông lớn, Phó Thủ tướng đề nghị Phú Thọ cần chú trọng bảo vệ nguồn nước và phát triển rừng, tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường; quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ về thiên tai, tai biến địa chất.

Phó Thủ tướng tin tưởng: Với truyền thống lịch sử văn hóa, lòng tự hào của quê hương đất Tổ, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo và khát vọng vươn lên, phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, Phú Thọ sẽ sớm hoàn thành mục tiêu trở tỉnh phát triển hàng đầu vùng trung du và miền núi phía bắc.

Theo Minh Khôi-Chinhphu.vn

Link gốc: shttps://baochinhphu.vn/xay-dung-vung-dat-to-thanh-noi-dang-song-dang-den-an-toan-va-thinh-vuong-102240110143249586.htm

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.