Xót xa hàng trăm cây thông nguy cơ chết khô vì bị di dời nhường chỗ cho dự án sân gofl
MTXD - Rừng thông huyện Đăk Đoa (Gia Lai) vốn là địa điểm du lịch khá nổi tiếng ở Gia Lai, thu hút đông du khách, đặc biệt vào mùa cỏ hồng nở rộ dưới tán rừng. Rừng thông được người dân trồng từ năm 1974, nhiều cây có hình thế đẹp như bonsai được người dân bảo vệ và giữ gìn rất cẩn thận, tạo nên cảnh quan và môi sinh. Do điều kiện tự nhiên nên cây thông này lớn không đồng đều và tạo nên những thế đứng giống như thân bonsai rất đẹp. Cũng do rừng thông trồng trên đồi thoai thoải, địa hình khá bằng, nên cây cỏ hồng mọc lên phía dưới tán thông vào mùa mưa, tạo nên một thảm dày phủ mặt đất nên người dân rất dễ tham quan ngắm cảnh.
Đồi cỏ hồng trong rừng thông Đăk Đoa, nơi đã bị quy hoạch làm sân gofl.
Xung quanh rừng thông cổ thụ có đồi cỏ hồng tuyệt đẹp ở xã Glar, hiện nay chủ đầu tư sân golf là Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và đơn vị thi công quây hàng rào chắn dài hơn 1km. Sân golf Đăk Đoa là 1 trong 89 sân golf được quy hoạch theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020. Thời điểm ấy, đã có nhiều cảnh báo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) khi phản hồi với tỉnh Gia Lai cũng như ý kiến của nhiều chuyên gia liên quan đến dự án này. Việc triển khai đầu tư dự án sân golf Đak Đoa (Gia Lai) không những phải chuyển đổi hàng trăm hecta đất rừng, trong đó gần 156ha thông gần 50 tuổi với số lượng cây thông ba lá quý giá khá lớn, mà thảm thực vật tại đây sẽ biến mất... Theo các chuyên gia, việc chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn để làm sân golf phải được cân nhắc cẩn trọng, có những phân tích, đánh giá sâu hơn tác động đa chiều của việc triển khai dự án đến kinh tế, môi trường và xã hội.
Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT, quan điểm của Chính phủ khi xây dựng quy hoạch sân golf trên cả nước là chỉ sử dụng những quỹ đất không có tiềm năng sản xuất nông nghiệp để chuyển đổi qua làm sân golf. Đó là các khu vực đất lúa kém năng suất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất đồi không cho năng suất canh tác cao. Chỉ những quỹ đất hoang hóa, khó canh tác hoặc không canh tác gì được mới ưu tiên làm sân golf. GS.TSKH Đặng Hùng Võ cũng cảnh báo các địa phương cần ngăn chặn tình trạng nhiều chủ dự án sân golf lợi dụng cấp phép đầu tư sân golf để xây dựng khách sạn nhằm kinh doanh cho thuê, thậm chí xây dựng nhà ở, biệt thự để bán ngay trong khu vực sân golf.
Một góc rừng thông Đak Đoa.
Sau đó, tháng 4/2021, dự án sân golf Đăk Đoa được Chính phủ phê duyệt, do Công ty cổ phần tập đoàn FLC làm chủ đầu tư, quy mô hơn 174 ha, với 36 lỗ, tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng. Để thực hiện dự án, hơn 156 ha rừng phải chuyển đổi mục đích. dự án đầu tư sân golf Đăk Đoa tại địa phận xã Glar và xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa có thời hạn hoạt động là 50 năm kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy mô của dự án sân golf hơn 174ha với nguồn vốn đầu tư là 1.142 tỉ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu 172,912 tỉ đồng (chiếm 15,14% tổng vốn đầu tư), vốn vay 969,163 tỉ đồng (chiếm 84,86%) tổng vốn đầu tư.
Dự án khởi công quý 4/2021, dự kiến hoàn thành vào năm 2024. Một khu vực rộng lớn là bãi cỏ hồng, từng là điểm du lịch nổi tiếng ở Gia Lai bị san ủi. Vài hạng mục như đường, điện... dần hình thành, xung quanh được rào bằng tôn và thép gai. Theo báo cáo kiểm tra của Kiểm lâm huyện Đăk Đoa, đến nay FLC đã di dời hơn 2.500 cây và đã bó gốc (bó bầu) hơn 2.100 cây. Vị trí di dời đều nằm trong khu vực triển khai dự án. Thế nhưng, số cây đã di dời đã nhiều tháng nhưng chưa có dấu hiệu phục hồi và khả năng chết rất cao. Chỉ rất ít cây di thực để làm đường golf thay lá mới, có dấu hiệu còn sống. Hàng loạt cây thông sau di thực lá bị chuyển màu, ngả nâu sậm. Tại các cụm thông di thực, lá cây khô, phần gốc được bọc lại và gia cố giá đỡ chống đổ. Nhiều cây thông di thực bị bật gốc, lộ lên phần rễ cây được cắt ngắn rất sát thân, khô quắp, cây đã chết... Theo người dân địa phương, những cây thông này khó có khả năng sống. Dẫu vậy, đại diện Công ty FLC nói rằng "cây được di dời theo đúng quy trình và kỹ thuật".
Ngày 18/6, ông Nguyễn Văn Hoan – Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai cho biết, đã yêu cầu chủ đầu tư sân golf Đăk Đoa tạm dừng việc di thực cây thông được người dân trồng từ năm 1974. “Thực tế khi giao đất rừng thì toàn bộ cây thông nhiều năm tuổi đã thuộc về chủ đầu tư, họ có cam kết, thỏa thuận sẽ bảo tồn di thực cây để làm dự án”, ông Hoan nói. Chủ đầu tư là Tập đoàn FLC đã có cam kết không làm mất rừng, nếu tác động đến cây thông nào thì phải tiến hành di thực cây, trồng mới lại cây tại một vị trí khác. Đồng thời, chủ đầu tư làm dự án phải tuân thủ theo Luật Lâm nghiệp, đó là trồng rừng thay thế trên một quỹ đất khác được bố trí.
Nhiều cây thông di thực đến trồng nơi mới đã vàng lá, héo úa khó có khả năng sống.
Bên trong rừng thông được người dân trồng từ năm 1974, chỉ thấy dấu vết phương tiện xe cơ giới chở đất, san ủi để tạo con đường kéo dài như “sợi chỉ” xuyên rừng. Dưới đất đang lắp dang dở hệ thống đường dây trụ điện. Chỉ còn 2-3 bảo vệ còn đóng chốt tại hiện trường. Hoạt động thi công xây dựng sân golf cũng đã tạm dừng nhiều tháng qua do liên quan đến vấn đề về đất đai, xây dựng và chờ kết luận của Ủy Ban kiểm tra Trung ương.
Khi có thông tin về dự án, dư luận địa phương bày tỏ lo ngại diện tích rừng thông và đồi cỏ hồng thu hút đông đảo khách du lịch ghé thăm sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ngành chức năng tỉnh khẳng định, việc thực hiện dự án làm sân golf không làm mất rừng thông. Nhưng nhiều người dân xót xa khi chúng kiến cái chết của hàng trăm cây thông này, họ vẫn luôn đặt câu hỏi rằng: “Trách nhiệm thuộc về ai, khi cảnh đẹp như mơ ngày trước mà nay nhìn như cánh đồng chết!”.
Việc rừng thông và bãi cỏ hồng tuyệt đẹp, niềm tự hào của người dân Đăk Đoa bị xóa sổ, đã khiến dư luận dậy sóng một thời, còn người dân địa phương thì vô cùng bức xúc. Trước sự bức xúc của dư luận, Ủy ban kiểm tra trung ương đã vào cuộc, đã cho dừng dự án để chờ kết luận cuối cùng. Thế là cả một “đại công trường” đang hoạt động hết sức rầm rộ bỗng “chết cứng”. Khi một hệ sinh thái rừng thông-bãi cỏ hồng đang tươi tốt đã bị phá tan hoang.
Nhiều người dân nơi đây chua chát, vẫn thường nói với nhau rằng rừng thông không mất, nó chỉ “chuyển từ dạng này sang dạng khác”, tức là từ những cây thông đang sống tươi tốt chuyển thành những thân cây khô khốc mà thôi. Nói như một vị đại biểu Quốc hội đã từng phát biểu, là “rừng đang bị tàn phá nặng nề. Nhưng những báo cáo về rừng thì vẫn đẹp như mơ”.
Nhóm PV
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.
TP.HCM: Trao danh hiệu Doanh nghiệp Xanh năm 2024
MTXD - Ngày 29/8/2024, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Báo Sài Gòn Giải Phóng, tổ chức Lễ trao danh hiệu “Doanh nghiệp xanh TP.HCM năm 2024”. Đây là hoạt động hướng đến Diễn đàn kinh tế thành phố lần thứ 5 diễn ra từ 24/9/2024 đến 27/9/2024.
Huyện Hải Lăng ( Quảng Trị) : Lập biên bản yêu cầu công ty CP Thiên Tân giảm thiểu ô nhiễm môi trường
Ngày 20/8/2024, Ban QLDA, PTQĐ&CCN huyện Hải Lăng tổ chức làm việc với Công ty cổ phần Thiên Tân về việc tập kết sản phẩm ống cống không đúng nơi quy định; xe vận chuyển nguyên, vật liệu gây ra bụi; xe có trọng lượng lớn gây sụt lún điểm đấu nối giữa Quốc lộ 1A với tuyến đường quy hoạch RD-2 Cụm côn
Quảng Nam: Nhiều trường học dọn dẹp môi trường chuẩn bị năm học mới.
MTXD - Những ngày trước khai trường, nhiều trường học ở các địa phương tỉnh Quang Nam đã tổ chức cho học sinh đến nhận lớp, dọn vệ sinh, chuẩn bị khai giảng năm học mới.
Huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk): Chỉ đạo kiểm tra hoạt động đốt than của các hộ dân
MTXD - Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn ( Đắk Lắk ) vừa chỉ đạo, UBND xã Ea Bar kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh của người dân về hoạt động đốt lò than tự phát gây ô nhiễm môi trường.