Yêu cầu chung về thiết kế kiến trúc trong trường mầm non theo phương pháp Montessori

​MTXD - Phương pháp Montessori đang ngày càng trở nên phổ biến và được ứng dụng trong nhiều trường và nhóm mầm non tại các đô thị lớn ở Việt Nam. Dựa trên triết lý giáo dục của phương pháp, không gian kiến trúc Montessori cũng có những đặc trưng khác biệt so với kiến trúc mầm non truyền thống.

MTXD - Phương pháp Montessori đang ngày càng trở nên phổ biến và được ứng dụng trong nhiều trường và nhóm mầm non tại các đô thị lớn ở Việt Nam. Dựa trên triết lý giáo dục của phương pháp, không gian kiến trúc Montessori cũng có những đặc trưng khác biệt so với kiến trúc mầm non truyền thống.

Tóm tắt

Phương pháp giáo dục Montessori, lấy tên theo vị bác sĩ người Ý Maria Montessori, đã được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia hơn một trăm năm nay. Phương pháp được xây dựng dựa trên năng lực tự phát triển độc lập, tự chủ của trẻ trong một môi trường được thiết kế đáp ứng theo nhu cầu phát triển của trẻ ở từng giai đoạn khác nhau. Trong 10 năm trở lại đây, phương pháp Montessori đang ngày càng trở nên phổ biến và được ứng dụng trong nhiều trường và nhóm mầm non tại các đô thị lớn ở Việt Nam. Dựa trên triết lý giáo dục của phương pháp, không gian kiến trúc Montessori cũng có những đặc trưng khác biệt so với kiến trúc mầm non truyền thống. Tuy nhiên, việc vận dụng chung các nguyên tắc thiết kế mầm non truyền thống trong môi trường Montessori như hiện nay dẫn đến không thể phát huy tối ưu hiệu quả của phương pháp. Bài báo nêu ra 8 yêu cầu thiết kế cơ bản đối với với không gian kiến trúc Montessori nhằm đảm bảo lại điều kiện học tập và phát triển tốt nhất cho trẻ.

Từ khóa: Montessori; giáo dục sớm; trường mầm non; kiến trúc Montessori.

1-Phương pháp MONTESSORI và môi trường được chuẩn bị

Từ những năm đầu thế kỷ 20, Maria Montessori đã tiên phong đề xướng một đường lối giáo dục dựa trên những quan sát và nghiên cứu kỹ lưỡng về các giai đoạn phát triển của trẻ thơ. Sự hình thành các năng lực cơ bản ở trẻ em trong những năm đầu đời cực kỳ quan trọng, không đơn thuần là học tập về kiến thức mà còn là khả năng tập trung, tính kiên trì, khả năng tự suy nghĩ cũng như khả năng tương tác tốt với mọi người. Nếu được hỗ trợ đúng cách trong những năm phát triển định hình này, trẻ em sẽ trở thành những người lớn tự mình có động lực ham học hỏi, có tư duy linh hoạt và sáng tạo.

Triết lý giáo dục của phương pháp Montessori là một hệ thống toàn diện và khoa học, khó có thể tóm tắt đầy đủ trong nội dung một bài báo. Tuy nhiên, cốt lõi của phương pháp này là mối quan hệ mật thiết của 3 yếu tố:

• Môi trường được chuẩn bị để đáp ứng các nhu cầu đặc trưng trong từng giai đoạn phát triển của trẻ.

• Người lớn có hiểu biết về các giai đoạn phát triển của trẻ và đóng vai trò người hướng dẫn, người kết nối trẻ với môi trường để từ đó thôi thúc đứa trẻ tìm ra lộ trình phát triển tự nhiên của chính mình.

• Những đứa trẻ được quyền tự do tham gia vào quá trình phát triển của chính mình theo đúng trình tự phát triển theo thời gian của riêng bản thân.

Khái niệm “Môi trường được chuẩn bị” là một khái niệm quan trọng của phương pháp học tập lấy trẻ làm trung tâm của Montessori. Môi trường ở đây là bao gồm cả không gian kiến trúc (nội - ngoại thất) và các học cụ được trưng bày một cách khoa học và thu hút để trẻ tự do lựa chọn. Không gian kiến trúc là được coi là yếu tố nền tảng cơ bản trong việc hình thành và tổ chức môi trường Montessori.

2. Các yêu cầu chung trong thiết kế kiến trúc mầm non theo phương pháp  MONTESSORI

Xuất phát từ tính toàn diện của phương pháp, các trường Montessori ngày càng phát triển rộng khắp ở nhiều quốc gia trên thế giới và khái niệm về “Kiến trúc Montesori” được quan tâm nghiên cứu một cách cụ thể hơn. Chính thức vào năm 2017, Quỹ Arthur Waser và Hiệp hội Montessori Quốc tế (AMI) đã phối hợp chặt chẽ để khảo sát thực tế môi trường của các trường học Montessori trên khắp thế giới và đưa ra được bộ tiêu chí thiết kế không gian kiến trúc - Montessori Architecture: A Design Instrument for Schools [2] . Bài báo tóm tắt bộ tiêu chí thiết kế này thông qua 8 nguyên tắc thiết kế cơ bản sau đây:

Thứ nhất, nguyên tắc bố cục không gian tổng thể cần được kết nối với nhau, phù hợp với hoạt động và tâm lý của trẻ. Cốt lõi trong cách tiếp cận nguyên tắc này xuất phát từ tâm lý nhạy cảm của trẻ với môi trường xung quanh. Để cảm thấy an toàn, trẻ cần được bao quanh bởi “không gian có thể biết được”. Do đó, hệ thống không gian cần được phân cấp mạch lạc, có tính định hướng, các khớp nối không gian được bố trí tạo cảm giác an toàn. Ngoài ra, việc thay đổi độ cao các không gian cũng đóng vai trò giúp trẻ phân biệt các không gian khác nhau và mang lại trải nghiệm về địa hình. Khảo sát nhiều trường học Montessori, các cao độ khác nhau của sàn nhà đem lại nhiều trải nghiệm không gian làm việc khác nhau cho trẻ. Chiều cao trần nhà thấp hoặc cao, để nén hoặc mở rộng ấn tượng về không gian, tạo cảm giác thân mật hoặc rộng rãi (Hình 1).

Hình 1. Giả định mô hình phương án bố cục không gian tổng thể trên tổng mặt bằng và mặt cắt

Hình 2. Phân cấp không gian lớp học trong Trường Amsterdamse Montessori (Trường Apollo), Amsterdam, Hà Lan

Sử dụng sàn nhà là nơi làm việc chính là một điểm khác biệt cơ bản của phương pháp Montessori so với phương pháp giáo dục truyền thống. Khi quan sát hoạt động của trẻ, ta dễ dàng nhận ra trẻ lựa chọn thực hiện các hoạt động trên sàn nhà một cách tự nhiên. Các bậc thang hoặc các điểm trũng đặc biệt hữu ích khi trở thành khu vực làm việc của trẻ. Trẻ cũng có thể dùng thảm trải xuống sàn như một quy ước không gian tạm thời cho vị trí làm việc của mình. Trong kiến trúc Montessori, thiết kế trường học phải cung cấp không gian rộng rãi và các điều kiện thích hợp để làm việc trên sàn như vật liệu, độ sạch sẽ và nhiệt độ phù hợp của mặt sàn (Hình 2).

Thứ hai, nguyên tắc tiếp cận của kiến trúc Montessori cần quan tâm đến hướng lối vào, sảnh tiếp cận và hạn chế tối đa các rào cản vật lý đối với trẻ. Hướng của lối vào đón được những tia nắng sớm của ngày mới luôn đem lại một nguồn năng lượng tích cực (Hình 3). Điều này có thể không phải lúc nào cũng khả thi nên đây cũng có thể là cơ hội cho sự sáng tạo để tạo ra những không gian đặc biệt hơn. Tòa nhà không nhất thiết phải thẳng hàng với ranh giới của khu đất, lối vào tòa nhà cũng không nhất thiết phải nằm ngay trên mặt tiền công trình. Một con đường xung quanh tòa nhà đôi khi mang đến một loại trải nghiệm ấn tượng và khiến con đường vào trường trở nên thú vị hơn.

Hình 3. Hướng lối vào đón nắng mặt trời buổi sáng của Trường Maria Montessori Hampstead, Luân Đôn, Vương Quốc Anh

Không gian sảnh đón đóng vai trò là địa điểm chuyển tiếp tâm lý của trẻ giữa không gian bên trong và bên ngoài. Tâm lý thoải mái của trẻ được tạo ra đồng thời bởi hình thái không gian và thái độ chào đón trẻ của người lớn trong môi trường. Không gian sảnh đón liền kề với các chức năng và hạn chế sử dụng hành lang quá dài. Thay vì sử dụng cửa - rào cản vật lý - để chuyển tiếp không gian, việc sử dụng các thủ pháp vách ngăn chia trong kiến trúc với các mảng tường so le, tường ngăn lửng, lỗ tường… sẽ đem lại cảm giác liên kết không gian thú vị. Trong trường hợp quy định phải có cửa, ưu tiên sử dụng các hình thức cửa trượt ẩn, cửa thấp nhỏ… để khi mở ra ít bị chú ý. Việc hạn chế cửa còn có tác dụng đem lại cảm giác mở rộng không gian lớp học, những đứa trẻ dễ dàng tản ra cho những hoạt động khác nhau và toàn bộ không gian lớp học sẽ trở nên rộng ra (Hình 4).

Hình 4. Mô hình bố trí không gian sảnh đón chung, sảnh lớp học và tường ngăn cách thay cho cửa

Thứ ba, hình thái không gian lớp học là tổ hợp của nhiều các hòn đảo tập trung trong tổng thể không gian lớp học. “Đảo tập trung” được hiểu là nhiều không gian khác nhau được tạo ra để cung cấp không gian sinh hoạt, làm việc cho các cá nhận hoặc các nhóm trẻ. Các không gian nhỏ với các đặc tính khác nhau về mặt hình thức tường, chiều cao không gian, vật liệu hoàn thiện, đồ dùng nội thất… sẽ định hướng trẻ phân biệt và lựa chọn các hoạt động riêng phù hợp với từng không gian. Sự đa dạng trong việc cung cấp không gian là rất cần thiết. Đôi lúc, các ngóc ngách hoặc các hốc tường là nơi thu hút trẻ tập trung nhiều thời gian vào hoạt động của riêng mình với sự tập trung cao độ. Tuy nhiên, các không gian nhỏ này cần liên kết hài hòa với nhau để tạo ra một không gian tổng thể mạch lạc và thống nhất. (Hình 5) (Hình 6)

Hình 5. Mô hình bố trí không gian đảm bảo việc quan sát và hạn chế can thiệp của giáo viên trong môi trường Montessori

Hình 6. Không gian đa dạng và đảm bảo khả năng quan sát trong lớp học tại Trường Montessori St. Bridget, Cô-lôm-bô, Sri Lan-ka

Làm việc tự do là đặc trưng của trường Montessori, giáo viên quan sát nhưng không can thiệp trong khi trẻ thực hiện các bài học của mình. Điều này đòi hỏi một điều kiện không gian được xử lý tinh tế để trẻ vẫn cảm thấy an toàn nhờ sự giám hộ của người lớn, vẫn cảm thấy kết nối với bạn bè cùng trang lứa nhưng vẫn có cảm giác riêng tư khi cần thiết để tập trung vào hoạt động cá nhân. Mô hình “quan sát nhưng không can thiệp” đặc biệt quan trọng khi thiết kế nhà vệ sinh cho trẻ nhỏ. Việc sử dụng nhà vệ sinh được hiểu là một phần thiết yếu của giáo dục; khả năng tự đi vệ sinh được coi là một thuộc tính của tính độc lập của trẻ.

Thứ tư, khả năng tiếp cận phù hợp cho trẻ ở các độ tuổi khác nhau. Như một phần không thể thiếu trong quá trình giáo dục, trẻ Montessori tham gia vào các hoạt động “thực hành cuộc sống” như chuẩn bị thức ăn cơ bản, cắt trái cây và rau củ, dọn dẹp, rửa tay, rửa bát đĩa, giặt giũ hoặc làm vườn... Mục đích cơ bản của các hoạt động này là hình thành các thói quen sinh hoạt trong cuộc sống phù hợp văn hóa của môi trường xã hội trẻ sinh sống.

Trong Kiến trúc Montessori, sự tiếp xúc trực tiếp giữa trẻ em và bề mặt vật liệu, cũng như việc sử dụng độc lập đồ nội thất và các trang thiết bị khác… dẫn đến yêu cầu quan trọng đối với thiết kế, vật liệu, màu sắc và công thái học của đồ nội thất và thiết bị. Ngôi nhà trẻ thơ Montessori cần đảm bảo nguyên tắc “mọi thứ đều phù hợp với trẻ em”, ví dụ như vị trí của tay nắm cửa, tay vịn và cửa sổ đều phải đều phải bố trí vừa tầm sử dụng và quan sát của trẻ. Không gian bếp dành cho trẻ được bố trí trong môi trường có lẽ là một trong những điểm khác biệt của phương pháp Montessori so với phương pháp truyền thống. Hoạt động Montessori đòi hỏi không gian để trẻ có thể thực hiện quy trình “chuẩn bị và phục vụ bữa ăn - ăn - dọn rửa” cho các phần ăn xế nhẹ. Khu vực tủ bếp thường được bố trí gọn về các góc tường để không chiếm dụng nhiều không gian chung. Tại khu vực bếp này cũng cần bố trí “bàn ăn cộng đồng” để trẻ có linh hoạt sử dụng (Hình 7).

Hình 7. Nội thất lớp học phù hợp với trẻ em tại Trường Stichting Casa Pijnacker, Rotterdam, Hà Lan

Thứ năm, bố trí nội thất vừa đảm bảo yêu cầu lưu trữ mở, trưng bày các học liệu và linh hoạt không gian hoạt động của trẻ. “Chỉ những hoạt động được lựa chọn tự do mới được thực hiện với cảm giác thích thú và đam mê”. Ngoài việc bố trí đủ không gian lưu trữ học cụ, các học cụ và học liệu cần bố trí để trẻ có thể tiếp cận một cách độc lập và không cần sự hỗ trợ của người lớn. Vì đứa trẻ được khuyến khích đặt vật liệu trở lại đúng vị trí của nó, nên một trật tự không gian dễ hiểu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ này và tăng cường quyền tự chủ và sự tự tin của đứa trẻ. Sự đơn giản, không lộn xộn và chỉ để những gì thiết yếu là những đặc điểm nổi bật của thẩm mỹ Montessori bên cạnh các đồ dùng và đồ tạo tác phù hợp với văn hóa địa phương (Hình 8).

Mô hình Montessori được đặc trưng bởi sự độc lập của trẻ em trong việc lựa chọn làm việc ở nơi chúng muốn. Điều này chỉ có thể thực hiện được nếu đồ đạc và học liệu được sắp xếp sao cho phù hợp với tinh thần độc lập của trẻ. Do đó, không có bố cục cố định và độ đạc được thiết kế để trẻ có thể tự di chuyển, sắp xếp theo nhu cầu làm việc cá nhân hoặc làm việc nhóm. Môi trường phải đủ rộng rãi để có thể thay đổi bố cục. Các yếu tố đồ nội thất phải có kích thước phù hợp để trẻ có thể tự di chuyển độc lập hoặc trợ giúp nhỏ từ người lớn.

Hình 8. Trưng bày học cụ thu hút sự chú ý của trẻ tại Trường Maria Montessori Hampstead, Luân Đôn, Vương Quốc Anh

Thứ sáu, kiến trúc Montessori đặc biệt quan tâm đến điều kiện âm thanh và ánh sáng đối với không gian phòng học. Trong Kiến trúc Montessori, mục đích không phải là tạo ra một môi trường im lặng mà là tạo ra một bầu không khí vui vẻ. Trong các giải pháp, kiến trúc sư xem xét dòng âm thanh và thời gian âm vang của vật liệu để xác định chất lượng âm thanh của một địa điểm. Tùy tính chất các loại âm thanh để người thiết kế đề xuất các giải pháp để hạn chế các âm thanh tiêu cực như tiếng ồn của đường phố hoặc tạo các khoảng mở ra sân vườn để đón nhận các âm thanh tích cực như tiếng chim hót, tiếng nước chảy, tiếng cành lá xào xạc…

Ánh sáng tự nhiên đặc biệt cần thiết, đặc biệt nguồn sáng ban ngày từ trên cao. Tùy thuộc vào hình dạng và chức năng không gian để đề xuất giải pháp lấy sáng có mục đích, chẳng hạn vị trí bố trí giếng trời thông thường đóng vai trò khớp nối giữa các chức năng. Ngoài chiếu sáng chung, kiến trúc Montessori quan tâm sâu hơn việc chiếu sáng có mục đích theo hoạt động cụ thể. Giải pháp chiếu sáng nhân tạo cần đề xuất dựa trên đặc điểm không gian và hoạt động. Ví dụ, nếu một hoạt động liên quan đến sự tập trung cao độ với những học cụ kích thước nhỏ, thì hoạt động đó sẽ phải được chiếu sáng tốt mà không có những góc tối bất lợi.

Hình 9. Tổ chức lấy sáng tự nhiên và chiếu sáng nhân tạo trong môi trường Montessori

Thứ bảy, thiên nhiên tràn ngập trong không gian kiến trúc Montessori. Trường học và sân trường như một môi trường sống của động thực vật. Thông qua quan sát, chăm sóc cây cối, động vật trong môi trường; trẻ học được các bài học về tự nhiên, về quy luật của vòng đời và hơn nữa là vun đắp lòng yêu thương, trắc ẩn và trách nhiệm. Cây cối quanh sân trường, vườn rau, các chậu cây nhỏ trong lớp học, hồ cá nhỏ, chuồng nuôi chim, thỏ, mèo, chuột lang, bò sát nhỏ… thường xuyên được bắt gặp trong môi trường Montessori. Mối quan hệ giữa không gian bên trong và thiên nhiên bên ngoài đóng vai trò quan trọng trong mô hình kiến trúc Montessori. Chỗ ngồi bên bệ cửa sổ là không gian hướng ngoại đặc biết hấp dẫn, đây là nơi không gian bên ngoài được đưa vào không gian tâm lý của đứa trẻ. Khoảng hiên cho lớp học vừa là không gian chuyển tiếp giữa bên trong và bên ngoài cũng là khoảng không gian làm việc trong lành mở rộng cho các lớp học và đặc biệt phù hợp cho các hoạt động có sử dụng nước hoặc các nội dụng học về tự nhiên và sinh học. Một điểm đặc biệt khác nữa là trong trường Montessori trẻ được quyền tự do tiếp cận sân vườn, môi trường thiên nhiên ngoài nhà bất cứ lúc nào, miễn trong giới hạn an toàn. (Hình 10)

Hình 10. Thiên nhiên tràn ngập trong môi trường Montessori tại Trường Stichting Casa Pijnacker, Rotterdam, Hà Lan

Thứ tám, vận động là một khía cạnh không thể thiếu của việc học. Yêu cầu đối với kiến trúc Montessori là các không gian vận động không bố trí tách biệt mà cần lồng ghép trong các không gian để trẻ có thể tiếp cận các hoạt động vận động một cách tự nhiên hoặc ngẫu hứng theo ý muốn của trẻ. Đi bộ trên vạch kẻ hình elip thon dài như quỹ đạo chuyển động của trái đất và đủ cho tầm 20 trẻ đi cùng một lúc là một hoạt động điển hình. Hoạt động đi bộ trên vạch kẻ giúp trẻ rèn luyện sự chuyển động cân bằng của cơ thể và sự tập trung. Các hoạt động vận động thô cần được được bố trí đa dạng cả ở không gian bên trong và bên ngoài (Hình 11).

Hình 11. Không gian vận động trong và ngoài trường tại Trường Stichting Casa Pijnacker, Rotterdam, Hà Lan

3. Khả năng ứng dụng các nguyên tắc thiết kế kiến trúc MONTESSORI trong các trường mầm non tại các đô thị của Việt Nam

Bộ 8 nguyên tắc thiết kế kiến trúc mầm non theo phương pháp Montessori được xây dựng dựa trên hệ thống lý thuyết được nghiên cứu chuyên sâu về đặc điểm phát triển tâm sinh lý và năng lực độc lập của trẻ trong từng giai đoạn khác nhau. Do đó, để có thể vận dụng được các nguyên tắc thiết kế vào thực tiễn ở các đô thị của Việt Nam hiện nay đòi hỏi cả người thiết kế không gian giáo dục, người triển khai phương pháp, người có thẩm quyền thẩm duyệt cần thật sự hiểu các triết lý nền tảng của phương pháp Montessori. Có thể bàn luận mức độ ứng dụng các nguyên tắc thiết kế này sơ bộ như sau:

Các nguyên tắc từ 1 đến 5 là các nguyên tắc không khó để ứng dụng nếu nắm vững và tôn trọng các triết lý cốt lõi của phương pháp Montessori. Các nguyên tắc thiết kế này hoàn toàn có thể linh động điều chỉnh theo hoàn cảnh thực tế khác nhau miễn đáp ứng được yêu cầu của phương pháp. Người thiết kế cần đặt nhu cầu sử dụng và đặc điểm phát triển tâm sinh lý của trẻ là yếu tố tiên quyết, tiếp đến mới đến nhu cầu sử dụng của người lớn trong môi trường (Nguyên tắc 01, 02 và 04). Quan điểm của người thiết kế về “giới hạn an toàn” và “năng lực độc lập của trẻ” cũng là yếu tố ranh giới để tạo ra một không gian mà trẻ “được tin tưởng trao cho quyền làm chủ” (Nguyên tắc 02, 03 và 04). Ngoài ra, việc hiểu về tâm lý khám phá và đặc thù tổ chức học tập của phương pháp Montessori sẽ giúp người thiết kế tạo ra không gian lý tưởng kích thích năng lực học hỏi và sự phát triển toàn diện của trẻ (Nguyên tắc 03 và 05).

Nguyên tắc 06 về điều kiện tiện nghi của môi trường (âm thanh, ánh sáng, nhiệt độ) là nguyên tắc vật lý kiến trúc cơ bản mà tất cả các thể loại công trình nói chung và thể loại công trình mầm non nói riêng đều cần phải đáp ứng. Tuy nhiên, yêu cầu riêng của phương pháp Montessori đòi hỏi người thiết kế phải nghiên cứu sâu hơn và tâm lý của trẻ và đặc điểm học của phương pháp để có thể đưa ra giải pháp thiết kế có chủ ý và tối ưu nhất điều kiện âm thanh, ánh sáng đối với không gian học và sinh hoạt của trẻ.

Nguyên tắc 07 và 08 có lẽ là nguyên tắc đặt ra nhiều thách thức đối với người thiết kế trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp ở các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay. Xem xét nguyên tắc 07 về yếu tố thiên nhiên trong môi trường, thật khó có thể đòi hỏi một khoảng vườn thật rộng với nhiều cây cối và vật nuôi ở các đô thị. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể hạn chế việc nhận tạo và bê tông hóa hoàn toàn bằng việc xen cấy thiên nhiên vào trong từng góc nhỏ trong môi trường. Các bồn cây quanh sân trường, các chậu cây nhỏ ở góc lớp, bể cá nhỏ hoặc chuồng nuôi thú cưng đảm bảo các yêu cầu vệ sinh… sẽ làm không gian cho trẻ trở nên thân thiện và gần gũi. Và ý nghĩa xa hơn của việc duy trì thiên nhiên trong môi trường Montessori là việc giáo dục và hướng dẫn trẻ cùng tham gia chăm sóc và yêu thiên nhiên nhiều hơn. Thiên nhiên sẽ là yếu tố quan trọng cùng đồng hành trong quá trình phát triển tâm lý và nhận thức của con trẻ.

Cuối cùng, nguyên tắc 08 về không gian vận động (thô) của trẻ yêu cầu người thiết kế hiểu về nhu cầu phát triển vận động của trẻ ở từng gia đoạn, giới hạn an toàn và tận dụng tối đa diện tích không gian. Đối với phương pháp Montessori, không gian vận động không chỉ đơn thuần là các sân chơi hoặc phòng chơi tập trung, mà việc tổ chức hoạt động và không gian vận động phải dựa vào nhu cầu và đặc trưng phát triển vận động của trẻ ở từng độ tuổi. Montessori chia ra làm 3 cấp độ lớp học cơ bản: Lớp Nido dành cho bé từ 6 tháng đến biết đi, lớp Infant dành cho bé biết đi đến tầm 3 tuổi, lớp Casa dành cho bé từ 3 đến 6 tuổi. Theo đặc trưng phát triển sinh học của trẻ, cấp độ lớp càng nhỏ nhu cầu hoàn thiện các kỹ năng vận động càng nhiều nên ngay trong phòng học cũng cần bố trí không gian vận động. Đối với lớp Nido, gần 50% không gian phòng học dành cho việc phát triển vận động để kích thích trẻ trườn, bò, vịn đứng, tập đi, tập đi bậc cấp… Đối với lớp Infant, trong lớp học vẫn có một góc vận động nhỏ để trẻ có thể chơi bất cứ lúc nào theo nhu cầu riêng của từng trẻ. Đối với lớp Casa thì không bố trí góc riêng dành cho vận động trong phòng học, nhưng hoạt động đi trên đường kẻ elip bố trí sẵn trong lớp cũng là một hoạt động kích thích trẻ tham gia. Ngoài ra, căn cứ vào đặc điểm nhân trắc học và kỹ năng vận động thộ của trẻ trong từng giai đoạn để lựa chọn loại hoạt động, kích thước và vật liệu của thiết bị vận động để đảm bảo giới hạn an toàn cho trẻ.

Trong thời gian gần đây, có rất nhiều nhóm lớp và trường mầm non ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đã Nẵng đã ứng dụng và từng bước hoàn thiện không gian theo định hướng của phương pháp Montessori. Phương pháp Montessori là phương pháp tiến tiến xuất phát từ phương Tây, do đó khi áp dụng tại Việt Nam cần linh hoạt điều chỉnh để phù hợp với đặc thù môi trường tự nhiên, xã hội và đặc điểm tâm sinh lý phát triển của trẻ em Việt Nam. Trong phần bàn luận ngắn này, xin giới thiệu không gian của một ngôi nhà trẻ thơ Chong Chóng Tre Montessori Children’s House tại Quận 12, TP.HCM. Tuy không phải là một hiện trạng không gian lý tưởng tuyệt đối, nhưng người vận hành phương pháp đã cố gắng để tạo ra các không gian chủ đạo phù hợp với từng độ tuổi của trẻ, trao quyền sử dụng không gian độc lập cho trẻ và kết nối trẻ với thiên nhiên.

Hình 12. Không gian phòng học tại Chong Chóng Tre Montessori Children’s House, Quận 12, TP.HCM

Hình 13. Không gian sân chơi tại Chong Chóng Tre Montessori Children’s House, Quận 12, TP.HCM

4. Kết luận  

Các nguyên tắc trên là các yêu cầu cơ bản trong thiết kế kiến trúc mầm non theo triết lý vận hành của phương pháp Montessori. Kiến trúc được định hướng đúng đắn trong giai đoạn thiết kế đóng vai trò tiên quyết để tạo ra một môi trường được chuẩn bị kỹ lưỡng, thật sự an toàn, dễ tiếp cận, thúc đẩy hoạt động tích cực của trẻ trong toàn bộ môi trường và hỗ trợ tối đa các đặc điểm phát triển của trẻ ở các nhóm tuổi khác nhau.

Tiêu chuẩn thiết kế trường mầm non (TCVN 3907: 2022) đang áp dụng ở Việt Nam hiện nay được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cơ bản của phương pháp giáo dục truyền thống. Những khác nhau về triết lý và nguyên tắc vận hành của phương pháp Montessori và phương pháp giáo dục truyền thống dẫn đến những khác nhau về đặc trưng không gian kiến trúc. Do đó, nếu chỉ dựa trên hệ thống tiêu chuẩn này, việc vận dụng phương pháp Montessori trong giáo dục mầm non ở Việt nam sẽ có nhiều điểm bất cập và không phát huy được tối đa thành tựu của phương pháp đối với trẻ. Nhu cầu cần thiết đặt ra là cần nhanh chóng xây dựng và thông qua hệ thống tiêu chuẩn thiết kế chi tiết và hoàn chỉnh để có thể áp dụng cho các trường mầm non Montessori.

THS.KTS TRẦN THỊ MAI THU

Khoa Kiến trúc - Nội thất - Mỹ Thuật ứng dụng, Đại học Nguyễn Tất Thành,

Email: ttmthu@ntt.edu.vn

 

Tài liệu tham khảo  

[1] De Jesus, Raquel, Design Guidelines for Montessori Schools, Center for Architecture and Urban Planning Research, 1987.

[2] Steve Lawrence, Benjamin Stæhli, Montessori Architecture: A Design Instrument for Schools, Park Books, 1st edition, 2023.

[3] Ngô Hiểu Huy, Phương pháp giáo dục Montessori, NXB Phụ Nữ Việt Nam, 2013.

[4] TCVN 3907: 2022, Trường Mầm Non - Yêu cầu thiết kế, Hà Nội, 2022. Website tham khảo

[5] https://montessori-architecture.org/ [6] https://montessori-esf.org/ [7] https://montessori-ami.org/

Các tin khác

Hà Nội chuẩn bị triển khai dự án đường sắt đô thị số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai
Hà Nội chuẩn bị triển khai dự án đường sắt đô thị số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai

MTXD - Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai dài 8,786km. Trong đó đoạn đi ngầm là 8,13km, đoạn hầm hở dẫn dài 0,57km, đoạn đi trên mặt đất dài 0,086km.

Phát động cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng
Phát động cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng

MTXD - Chiều 10/5, UBND 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức lễ phát động cuộc thi tuyển ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng.

Thi ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng
Thi ý tưởng quy hoạch công viên văn hóa khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng

​MTXD - Chiều 10/5, Lễ phát động Cuộc thi tuyển Ý tưởng Quy hoạch Công viên văn hóa đa...

Quảng Bình: Xây dựng Hòn La thành trung tâm kinh tế biển năng động, đa ngành, đa lĩnh vực
Quảng Bình: Xây dựng Hòn La thành trung tâm kinh tế biển năng động, đa ngành, đa lĩnh vực

MTXD – Ngày 9/5, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã chủ trì Hội nghị thẩm định Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Hòn La, tỉnh Quảng Bình đến năm 2040, tỷ lệ 1/10.000.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát các Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát các Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030

​MTXD - Ngày 9/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 46/CĐ-TTg ngày 9/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát các Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt.