17 tháng 2 – Xin đừng quên ngày biên giới súng nổ
MTXD - “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới, quân xâm lược bành trướng dã man, đã dày xéo mảnh đất tiền phương, lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp nẻo biên cương.” Khúc ca hùng tráng này đã thịnh hành trong suốt thập niên 80 và được đưa vào chương trình sinh hoạt quân đội Việt Nam.
Chiến tranh Biên giới 1979 hay chiến tranh biên giới Việt - Trung năm 1979 nổ ra vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 khi Trung Quốc đưa quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới giữa 2 nước gồm 6 tỉnh với suốt dọc chiều dài 1.200km từ Pò Hèn, Quảng Ninh đến Pa Nậm Cúm, Lai Châu.
Người Cha Lục Văn Vình cùng 5 người con trên chốt chống lại quân Trung Quốc xâm lược.
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi sau trận chiến tại mặt trận Vị Xuyên tháng 7/1984.
Cuộc chiến năm 1979 tuy chỉ chính thức diễn ra trong thời gian rất ngắn, trong vòng 30 ngày, nhưng thực tế đã kéo dài tới 10 năm. Từ khi súng nổ tới năm 1989, quân Trung Quốc vẫn tiếp tục tập trung quân đánh phá các vị trí của ta tại các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang và Lào Cai, đặc biệt cuộc chiến đã diễn ra dai dẳng tại huyện Vị Xuyên thuộc tỉnh Hà Giang kéo dài tới tháng 10 năm 1989.
Các chiến sỹ trên mặt trận Hà Tuyên. (Ảnh: Minh Lộc/TTXVN)
Một tổ hỏa lực của Trung đoàn 567 (thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng) phục kích tiêu diệt cánh quân Trung Quốc tấn công TX.Cao Bằng (nay là TP.Cao Bằng) tháng 2.1979
Ngay sau khi tiếng súng miền biên giới nổ ra, những đứa trẻ ngồi trong quang gánh đi sơ tán với những đôi mắt trẻ con như những viên sỏi, ném vào quân thù, lời hiệu triệu cho cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc đã tự lan tỏa khắp cả nước, hàng ngàn, hàng vạn thanh niên Việt Nam xung phong lên biên giới phía Bắc chiến đấu, hàng ngàn sinh viên gác bút nghiên lên đường ra trận, hàng trăm ông bố, bà mẹ nơi ruộng vườn lặng lẽ tiễn con đi. Có người mẹ đón con ngày trở về là chiếc ba lô và đôi dép cao su mòn gót cùng lá cờ Tổ quốc nhuộm đất chiến hào. Có ông bố thay bằng niềm hân hoan khi cuộc chiến kết thúc đón con bằng xương bằng thịt, thì quặn thắt nỗi đau ôm chiếc mũ có hình ngôi sao vàng cùng đôi dép tiền phong mà gần 4 năm trước đó ông mua cho con trai.
Vũ khí của địch bị bộ đội Việt Nam thu được tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, tháng 2-1979. (Ảnh: Quang Khanh/TTXVN)
Lực lượng công an vũ trang dũng cảm chiến đấu tại khu vực Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Tạ Hải/TTXVN)
Làm sao có thể quên khi không biết bao nhiêu máu xương của quân và dân ta đã đổ xuống để bảo vệ cho toàn vẹn lãnh thổ ngày ấy. Trung Quốc đã dùng hàng trăm đại pháo, xe tăng, hỏa lực bắn giết hàng vạn dân và quân ta, gây ra cái chết trên 60.000 người. Bầu trời biên giới phía Bắc đã nhuốm màu máu lửa tang thương. Vết thương chiến tranh tuy đã lành nhưng ấn chứng, di tích hãy còn đó với những tấm bia tưởng niệm hãy còn đó khắc ghi tội ác của quân thù xâm lược. 43 năm sau, những trận địa pháo, điểm cao ngày ấy giờ là đồi cọ, nương ngô xanh mướt. Song dưới tầng đất đá vẫn còn xương cốt của bộ đội và người dân. Sự hi sinh anh dũng bi tráng 44 năm trước, là bản hùng ca sáng mãi trong lòng người Việt về bài học chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bất luận dù kẻ thù là ai.
Các nữ chiến sĩ tự vệ Lâm trường Bản Phiệt, huyện Mường Khương, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay thuộc tỉnh Lào Cai) bám trụ chiến đấu, phối hợp với bộ đội địa phương đánh lui nhiều đợt tấn công của địch. (Ảnh: Nguyễn Trân/TTXVN)
Quân dân các tỉnh dọc biên giới phía Bắc đã kiên cường, anh dũng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền Tổ quốc.
Phố tôi, có một người thương binh, những ngày này ông vẫn được bạn bè tìm về thăm. Lúc gặp mặt ngoài nước mắt và kỷ niệm, những người đồng đội ấy vẫn hỏi nhau: “Cậu còn nhớ bài Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” không đấy?”, ông bảo: “Sao mà quên được!”, vậy là họ cùng hát cho nhau nghe dẫu tiếng tròn tiếng méo nhưng vẫn đầy hào khí như thủa nào. Mỗi lần hát, không lần nào họ không ứa nước mắt rồi khóc. Bởi lời bài hát ấy, 44 năm qua vẫn ở trong tim họ.
Dẫu lịch sử đã sang trang, sự tàn khốc của cuộc chiến đã lùi vào dĩ vãng. Nhưng mỗi năm đến ngày 17-2, quá khứ bi hùng lại ùa về trong tâm khảm triệu người dân đất Việt. Có lẽ quá khứ bi thương ấy quá đau, quá sâu khiến người ta không bao giờ quên được dù non nửa thế kỷ hay đời đời hậu sinh vẫn thế.
Nữ dân quân Việt Nam và tù binh Trung Quốc năm 1979.
Khung cảnh chiến trường biên giới phía Bắc năm 1979.
Mặt trận Vị Xuyên được ví như “Lò vôi thế kỷ”. Ảnh: Tư liệu.
Dù sách lịch sử còn ít nhắc đến cuộc chiến tranh này, nhưng có nhiều cuốn sách khác đã ra đời, như cuốn Những người đi giữ biên cương của các cựu chiến binh Quân đoàn 5 (nay là Quân đoàn 14), cuốn Hồi ức chiến tranh Vị Xuyên của Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, Nậm Ngặt mây trắng (Nhà xuất bản Văn học) là một trong những tác phẩm hiếm hoi tái hiện lại hình ảnh bất khuất của các chiến sĩ trên chiến trường Vị Xuyên, sách ảnh Nhìn lại cuộc chiến biên giới phía Bắc năm 1979 của tác giả Trần Mạnh Thường, hay mới đây là cuốn sách Tiếng vọng đèo Khau Chỉa của bác sĩ Nguyễn Thái Long, người từng tham gia chiến đấu tại mặt trận biên giới phía Bắc năm 1979... là những hồi ức về đồng đội, về những năm tháng bảo vệ biên cương, những địa danh như cầu Tà Lùng, cầu Hồng Định, bản Bó Tờ, bản Chàm, đèo Canh Man… gắn liền với những trận đánh ác liệt; là những đồng đội của tác giả, như: bố Hoan, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 chỉ huy chặn đánh kịp thời đoàn xe tăng địch; là pháo thủ Hồ Tuấn; là cậu lính trẻ Mai Xuân Quang dũng cảm chiến đấu giữa vòng vây trùng điệp của quân thù… đã có khoảng 60 cuốn sách đã được xuất bản và hàng trăm cuốn khác đang được biên soạn để lại cho thế hệ muôn đời sau một kho tư liệu vô giá về những biểu tượng bất khuất của tinh thần yêu nước.
Tiêu Dao
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.