Bắc Giang: Chương trình OCOP lan toả tạo sức bật cho phát triển nông thôn mới
MTXD - Được đánh giá là một trong những chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Giang đã tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp, có sức lan tỏa lớn.
Sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang tham gia các hội chợ, triển lãm.
Ngành nông nghiệp Bắc Giang những năm gần đây có những bước phát triển ổn định, theo đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai Chương trình OCOP. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Trong đó, vùng cây ăn quả gần 52.000 ha, gồm có vùng vải thiều tập trung 28.000 ha, vùng cây có múi gần 11.000 ha; ngoài ra vùng rau an toàn gần 12.000 ha, đàn lợn gần 1 triệu con, đàn gia cầm trên 20 triệu con… bên cạnh đó, Bắc Giang có 27 làng nghề đã được công nhận và nhiều sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng.
Xuất phát từ những tiền đề, lợi thế đó, các cấp, ngành, hệ thống chính trị cùng toàn dân đã có những bước thực hiện và phát triển Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh phù hợp về định hướng, chính sách. Qua đó mở ra cơ hội phát triển sản xuất, gia tăng giá trị nhiều loại sản phẩm hướng đến phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương, là một trong những giải pháp quan trọng, là động lực quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 205 sản phẩm OCOP, trong đó có 31 sản phẩm 4 sao, 174 sản phẩm 3 sao, đặc biệt tỉnh cũng đã có 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao cấp quốc gia, 01 sản phẩm điểm du lịch của gần 150 chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP. Trong đó khoảng 88,3% sản phẩm của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, 11,7% sản phẩm của các hộ gia đình; doanh thu ước tính trên 800 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân một HTX đạt khoảng 250 triệu đồng/HTX/năm.
Các sản phẩm OCOP được phát triển từ những sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của các địa phương.
Hiện nay, tỉnh Bắc Giang có nhiều chủ thể HTX có trình độ, nhiệt huyết khởi nghiệp từ nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm thể hiện sự sáng tạo của người dân. Trong đó, HTX Hồng Xuân là một ví dụ điển hình trong việc nỗ lực xây dựng quảng bá thương hiệu sản phẩm “Vải thiều Lục Ngạn”. Ngay từ những năm đầu tiên Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, HTX Hồng Xuân đã đưa sản phẩm “Vải thiều Lục Ngạn” tham gia đánh giá, phân hạng và đạt kết quả 4 sao. Đến nay HTX Hồng Xuân có 5 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, gồm 01 sản phẩm 4 sao và 4 sản phẩm 3 sao. HTX cũng là một trong những đơn vị được cấp mã số đóng gói xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc hàng năm chiếm 90% sản lượng vải thiều xuất khẩu của cả tỉnh.
Với khát khao tiếp tục nâng cao vị thế sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, tiếp tục quảng bá thương hiệu sản phẩm vải thiều Lục Ngạn, HTX Hồng Xuân đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị hoàn thiện hồ sơ nâng hạng sản phẩm OCOP từ 4 sao cấp tỉnh lên 5 sao đạt tiêu chuẩn quốc gia cho sản phẩm “Vải thiều Lục Ngạn”.
Ngoài những sản phẩm nông sản là thế mạnh của địa phương như: Gà đồi Yên Thế; vải thiều Lục Ngạn; giấm Kim Ngân; trà hoa vàng; rau quả các loại;… nhiều sản phẩm làng nghề và làng nghề truyền thống cũng được công nhận OCOP như: Mỳ Chũ, Mỳ Châu Sơn, Bún Đa Mai… các sản phẩm được công nhận có đầy đủ những minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Với 27 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận, khoảng gần 60 sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng và hàng trăm sản phẩm địa phương, tỉnh Bắc Giang đã tập trung vào phát triển các sản phẩm đặc trưng, tiềm năng; sản phẩm có lợi thế so sánh, sản phẩm làng nghề gắn với du lịch. Phát triển sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đa dạng theo hướng nâng cao chất lượng, đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu, gia tăng giá trị lớn, sức cạnh tranh cao và có khả năng xuất khẩu.
Các sản phẩm OCOP được quảng bá góp phần lan toả chương trình OCOP trên khắp địa bàn tỉnh.
Để phát triển và lan tỏa Chương trình OCOP trên khắp địa bàn tỉnh, tỉnh đã tăng cường hỗ trợ tập huấn nâng cao nhận thức cho các chủ thể tham gia chương trình. Đồng thời, hỗ trợ cho trên 100 lượt hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ thể với trên 300 lượt sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại tại các tỉnh như: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hòa Bình,… và một số điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại các huyện, siêu thị lớn và các sàn thương mại điện tử.
Mặc dù đã có nhiều kết quả khả quan, đáng khích lệ nhưng thực tế quá trình triển khai thực hiện sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm OCOP cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Hoạt động sản xuất các sản phẩm chủ lực tại hầu hết các địa phương trong tỉnh vẫn mang tính tự phát, thủ công, chưa sản xuất được nhiều, chất lượng, quy cách mẫu mã sản phẩm hạn chế, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhưng đa phần mới chỉ đạt ở cấp độ 3 sao (mức trung bình). Bên cạnh đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên về thực hiện chương trình OCOP còn hạn chế; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp để phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết, giá trị còn thấp.
Theo đó, thời gian tới tỉnh tiếp tục vận dụng cơ chế, chính sách khác nhau hỗ trợ chủ thể sản xuất bổ sung các nội dung khác về chất lượng, bao bì, nhãn mác, đảm bảo theo yêu cầu của bộ tiêu chí phân hạng các sản phẩm OCOP. Từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển sản phẩm lợi thế của địa phương. Hướng chủ thể phát triển sản phẩm của địa phương với niềm tự hào với quê hương, bản xứ. Cùng với đó tiếp tục củng cố, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, ưu tiên phát triển HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa để sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế, có khả năng cạnh tranh theo hướng liên kết sản xuất.
Đồng thời tiếp tục hướng dẫn các địa phương tập trung phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nhằm thu hút du khách, đồng thời quảng bá hoạt động du lịch, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP của tỉnh. Triển khai thực hiện từ 1 - 3 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế,...
Thanh Hà – Hương Trần
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.