Bắc Trà My bảo vệ rừng gắn với sinh kế của đồng bào DTTS

​MTXD - Việc triển khai bảo vệ rừng gắn với sinh kế của đồng bào DTTS đã mở ra hướng đi mới, vừa góp phần vào việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vừa hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

MTXD - Việc triển khai bảo vệ rừng gắn với sinh kế của đồng bào DTTS đã mở ra hướng đi mới, vừa góp phần vào việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vừa hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Nguồn sống

Ở nhiều địa phương vùng cao, bây giờ rừng được xem là nguồn lợi chính giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Trên những cánh rừng Trà My, từ rừng những vườn cây dược liệu được trồng mở rộng và phát triển với môi trường thiên nhiên, cho giá trị kinh tế cao, tạo nên “bước chuyển” mới trong tư duy canh tác theo hướng bền vững.

Người dân Nóc Xa Rơ (xã Trà Bui) sinh kế giữa núi rừng Bắc Trà My.

Những đặc ân của tự nhiên giúp người dân đổi dần cách nghĩ trong tư duy phát triển kinh tế, làm du lịch. Hướng đi này, bây giờ đang được vận hành và nhân rộng, trở thành mô hình sinh kế kết hợp không chỉ giúp nhiều diện tích rừng được bảo vệ, mà ngày càng có nhiều hộ dân đổi đời, làm giàu chính đáng. Trong số những điển hình nông dân làm kinh tế giỏi ở vùng cao, tất cả đều thừa nhận, họ giàu lên là nhờ rừng. Từ trồng keo, chuối, lòn bon cho đến các loài cây dược liệu, những mô hình kinh tế vùng cao hiện nay đều gắn với câu chuyện chuyển đổi phương thức canh tác mới dưới tán rừng, đem lại giá trị kinh tế bền vững từ rừng. Điển hình như gia đình ông Bùi Văn Tới (thôn 2, xã Trà Giang, Bắc Trà My, Quảng Nam) đã trồng hơn 4.000 cây lát hoa từ năm 2001. Đến nay, vườn cây lát hoa của gia đình ông Tới đã đến kỳ thu hoạch. Mỗi cây lát hoa có giá bán khoảng 5 triệu đồng. Để nhân rộng mô hình trồng cây lát hoa tại khu vực người Mường đang sinh sống, UBND xã Trà Giang cũng đã thực hiện mô hình ươm giống để trồng cây hàng năm. Xã Trà Giang đã trồng hơn 700 cây lát hoa tại khu vực núi Bãi Kẽm của địa phương. Đây là khu vực rất cần được trồng rừng, bảo vệ nguồn khoáng sản trên địa bàn. Lát hoa là loại cây gỗ lớn có giá trị đã được người Mường (xã Trà Giang) trồng khôi phục để bảo vệ rừng.

Chị Nguyễn Thị Nữ (ở thôn 1, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My) đã cùng chồng nỗ lực học hỏi về kỹ thuật trồng, cách chăm sóc cây gỗ lớn. Sau khoảng từ 5-7 năm đủ độ tuổi thương lái đã thu mua và với giá bán hiện tại vào khoảng 10 – 12 triệu đồng/tấn, trừ hết mọi chi phí, gia đình chị đã thu về số tiền lãi lên hơn 200 triệu đồng. Cùng chị Nữ nhiều hộ dân tại huyện miền núi Bắc Trà My cũng đã từng bước tháo gỡ được nút thắt trong việc tìm hướng thoát nghèo thông qua mô hình trồng cây keo. Hiểu được giá trị kinh tế từ việc trồng rừng đem lại, gia đình anh Lê Đình Quân (trú thôn 2, xã Trà Giang) đã mạnh dạn đầu tư vào trồng hơn 20 ha keo. Kết hợp với các mô hình nuôi bò, gà vịt và trồng thêm các loại cây ăn quả như: Cam sành, bưởi da xanh tại nhà, đã giúp gia đình anh Quân thu nhập được hơn 120 triệu đồng/năm. Qua đó, không những giúp gia đình anh thoát nghèo mà còn trở thành một trong những hộ khá giả trong vùng.

Việc phát triển rừng trồng cây lấy gỗ nguyên liệu phải đi đôi với bảo vệ, khoanh nuôi hiệu quả diện tích rừng phòng hộ, trồng và khai thác các sản phẩm dưới tán rừng.

Đoàn Thanh niên xã Trà Giang cũng đã phối hợp triển khai mô hình vườn ươm cây giống gỗ lát hoa, với mục đích góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết nhu cầu gỗ làm nhà cho người dân địa phương. Đoàn viên thanh niên xã đã hưởng ứng tham gia làm nền, nhà giàn, ban đất, sàn đất, làm luống và vô đất ươm bầu, luân phiên nhau theo dõi và chăm sóc vườn ươm trên diện tích đất khoảng 100m2.

Bên cạnh rừng lát hoa có giá trị cao, chính quyền địa phương cho biết sẽ có khoảng 6.000ha rừng gỗ lớn sẽ được trồng tại các khu vực cần phục hồi nguồn nước, các đồi núi có công trình công cộng, khu dân cư sinh sống dưới chân đồi, các khu vực sạt lở, nguy cơ sạt lở trên địa bàn các xã, thị trấn ở huyện Bắc Trà My. Các loại cây gỗ lớn được trồng sẽ có lim xanh, giổi xanh, ươi, huỷnh, chò nâu... và các loài cây bản địa khác.

UBND huyện Bắc Trà My cũng triển khai thực hiện phương án trồng thí điểm rừng đầu nguồn tại hồ Dương Hòa, xã Trà Sơn. Đề án áp dụng đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn có tham gia các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tại khu vực cần phục hồi rừng của đề án, phù hợp theo các cơ chế, chính sách hỗ trợ hiện hành của Nhà nước. Trong các biện pháp bảo vệ rừng, ngoài xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm, huyện Bắc Trà My cũng bắt những người phá rừng trồng keo trả lại rừng. Cùng với đó, UBND huyện Bắc Trà My cũng đã tổ chức ký cam kết về công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn với những người đứng đầu từ thôn đến xã trên địa bàn huyện. Nhờ tăng cường các biện pháp quyết liệt nên đến nay tình trạng phá rừng ở các khu vực rừng giáp ranh trên địa bàn huyện Bắc Trà My và các diện tích rừng khác dần được kiểm soát. 

 Người dân Bắc Trà My triển khai dự án trồng cây gỗ lớn.

Sinh kế dưới tán rừng

Quảng Nam là một trong những tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn của Việt Nam, nằm ở trung tâm của khu vực trung Trường Sơn, là nơi giao thoa giữa hệ thực vật phía Bắc và phía Nam, nên rừng tự nhiên ở đây có tính đa dạng sinh học cao với nhiều hệ sinh thái đặc trưng. Ngay từ năm 2015, định hướng phát triển trồng rừng gỗ lớn đã được Bắc Trà My quan tâm, thúc đẩy thực hiện và đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương các cấp, công tác phát triển rừng của tỉnh  Quảng Nam đã đạt được nhiều kết quả quả quan trọng. Theo Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 31/12/2021, tỉnh có 680.249,67 ha đất có rừng (bao gồm cả diện tích đất đã trồng chưa thành rừng), trong đó có 463.356,77 ha rừng tự nhiên và 216.829,94 ha rừng trồng. Đối với rừng tự nhiên, rừng gỗ (chiếm khoảng 450.890,13 ha); rừng tre nứa (4.617,75 ha); rừng hỗn giao (7.762,43 ha) và rừng cau dừa (86,46 ha). Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), đến nay Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam đã ký kết được 81 đơn vị sử dụng DVMTR, trong đó: 29 đơn vị sản xuất thủy điện, 9 đơn vị sản xuất nước sạch, 43 đơn vị nước công nghiệp. Quỹ đã hoàn thành việc lập 15 đề án chi trả DVMTR thuộc các lưu vực sản xuất thủy điện, nước sạch. 

Cùng với đó, Bắc Trà My cũng thực hiện giao hơn 27.000 ha đất lâm nghiệp và giao rừng tự nhiên, rừng sản xuất cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng quản lý, bảo vệ. Ngoài ra, chính quyền cũng đưa ra nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích người dân đầu tư phát triển cánh rừng trồng gỗ lớn như: Chính sách ưu đãi về tiền thuế đất, vốn hỗ trợ, vốn vay cho người dân có điều kiện chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn. Huyện Bắc Trà My đã thực hiện Dự án trồng rừng gỗ lớn với tổng diện tích 106,92 ha tại các xã như Trà Đông, Trà Bui, Trà Dương, Trà Giác, Trà Giang, Trà Nú, Trà Sơn, Trà Tân và thị trấn Trà My. Bước đầu, Dự án đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân và chính quyền địa phương. Nhờ thực hiện chính sách chi trả DVMTR, đã cung cấp nguồn tài chính cho việc bảo vệ rừng. Đồng thời, mở ra cơ hội cho đồng bào miền núi của Bắc Trà My đã cải thiện đời sống, giúp cộng đồng bảo vệ rừng có trách nhiệm hơn.

Trồng rừng gỗ lớn mở ra cơ hội cho đồng bào miền núi của Bắc Trà My cải thiện đời sống, giúp cộng đồng bảo vệ rừng có trách nhiệm hơn.

Vừa qua, ngày 22/6/2023, HĐND huyện Bắc Trà My vừa thông qua Đề án phục hồi rừng, bảo vệ nguồn nước và bảo vệ môi trường huyện Bắc Trà My giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Cộng đồng dân cư cũng sẵn sàng vào cuộc, bởi trồng rừng, giữ rừng, bảo vệ môi trường cũng là bảo vệ sinh kế cho nhân dân. Cùng với đó, việc sử dụng hiệu quả diện tích dưới tán rừng để phát triển dược liệu, các loài cây lâm sản ngoài gỗ theo định hướng lấy ngắn nuôi dài, cải thiện sinh kế cho người dân. Nhân dân sẽ được khuyến khích chuyển đổi từ trồng keo sang trồng rừng gỗ lớn và dược liệu để được hỗ trợ bằng chính sách của Nhà nước theo quy định.

Huyện Bắc Trà My có diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 76.600 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên chiếm khoảng 28.000 ha. Đề án phục hồi rừng, bảo vệ nguồn nước và bảo vệ môi trường huyện Bắc Trà My giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được HĐND huyện Bắc Trà My (khóa XII) thông qua tại Kỳ họp thứ 12. Thực hiện chương trình tổng thể bảo vệ và phát triển rừng bền vững kết hợp phát triển kinh tế hiệu quả trên địa bản tỉnh Quảng Nam và Đề án 1 tỷ cây xanh, trong năm 2022 huyện Bắc Trà My đã triển khai trồng hơn 200ha rừng với 701.000 cây xanh. Huyện có tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 60,1%.

Hiện nay, huyện Bắc Trà My có 5 trạm tuần tra với 11 chốt chặn quản lý, bảo vệ rừng tại 11 xã, thị trấn. Việc lồng ghép các mô hình phát triển sinh kế, chăn nuôi nông hộ, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ cây giống, con vật nuôi, lấy ngắn nuôi dài, cũng góp phần làm ổn định đời sống cho người dân. Đồng thời, chính quyền huyện cũng đã tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng một cách bền vững. Việc phát triển rừng trồng cây lấy gỗ nguyên liệu phải đi đôi với bảo vệ, khoanh nuôi hiệu quả diện tích rừng phòng hộ, trồng và khai thác các sản phẩm dưới tán rừng, duy trì diện tích trồng cây nguyên liệu, đặc biệt là cây keo đã trở thành sinh kế của nhiều hộ đồng bào DTTS.

Ông Nguyễn Hồng Vương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho hay, địa phương có diện tích trồng rừng sản xuất lớn, có thể khai thác trồng lại và kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng để tạo gỗ lớn, có thể chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Các xã cũng đang tiếp tục triển khai trồng cây gỗ lớn để phủ xanh đồi trọc và tổ chức trồng tại các địa điểm đất đai khô cằn trên địa bàn. Đồng thời hỗ trợ đoàn viên thanh niên, hội viên trên địa bàn có nhu cầu trồng cây giống lát hoa và bán cho các đơn vị ngoài địa bàn xã nếu có nhu cầu mua hạt giống để ươm; duy trì ươm các loại cây, hoa để trồng trên các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn, qua đó góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân tại địa phương”.

Nhuận Mẫn – Huấn Trương

 

Các tin khác

Huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đạt chuẩn nông thôn mới
Huyện Đại Từ (Thái Nguyên) đạt chuẩn nông thôn mới

MTXD - Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn hệ thống chính trị, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 theo Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 4/5/2024.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả sự cố sạt lở đất tại Kỳ Liên (Hà Tĩnh)
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả sự cố sạt lở đất tại Kỳ Liên (Hà Tĩnh)

​MTXD - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Công điện số 45/CĐ-TTg ngày 7/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả sự cố sạt lở đất tại phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Hà Nội: Chính quyền quận Long Biên chỉ đạo, cung cấp thông tin tới cơ quan báo chí
Hà Nội: Chính quyền quận Long Biên chỉ đạo, cung cấp thông tin tới cơ quan báo chí

MTXD - Liên quan đến nội dung hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp, đất cây xanh,… có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng, ô nhiễm môi trường, UBND quận Long Biên đã có những phản hồi kịp thời.

Đắk Nông: Bàn giao phòng học cho trường ở xã khó khăn
Đắk Nông: Bàn giao phòng học cho trường ở xã khó khăn

MTXD - Ngày 7/5, Ban từ thiện Phật giáo tỉnh Đắk Nông phối hợp với Hội chữ thập đỏ tỉnh, UBND xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức cùng nhà tài trợ tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao 1 phòng học cho điểm trường tại Bản Giang Châu, Trường mần non Hoa Ban.

10 Toà nhà Đại học độc đáo và kỳ lạ nhất thế giới
10 Toà nhà Đại học độc đáo và kỳ lạ nhất thế giới

​MTXD - Khi nói về các trường đại học nổi tiếng thế giới, chúng ta thường nghĩ tới những...