Bài dự thi giải báo chí “ Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam” năm 2023: 20 năm cho một ngày thành hình giấc mơ “Quốc bảo”
MTXD - Từ một huyện nghèo được tách ra từ vùng khốn khó, hơn 20 năm qua nơi này đã có những sự đổi thay tích cực. Người dân địa phương đã có thể đổi đời bằng giấc mơ “quốc bảo” của mình.
Từ trong gian khó
Cách đây 20 năm, vào tháng 8 năm 2003, huyện Trà My được chia tách thành 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My. Trong đó, Nam Trà My có 10 đơn vị hành chính xã, diện tích đất tự nhiên hơn 82.000ha; dân số khi mới tái lập gần 20.000 người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 98%.
Huyện Nam Trà My kỷ niệm 20 năm ngày thành lập huyện 1/8/2003 – 1/8/2023.
Thời điểm huyện Nam Trà My được tái lập, cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là đời sống của người dân hết sức khó khăn. Với một nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, tự cung, tự cấp; kết cấu hạ tầng thấp kém; trụ sở làm việc các cơ quan của huyện chưa có; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp bắt đầu từ con số 0; cán bộ thiếu; tình hình an ninh trật tự, diễn biến phức tạp… Nhưng được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành của tỉnh, với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ và Nhân dân huyện Nam Trà My phát huy truyền thống quê hương Căn cứ địa cách mạng, tận dụng tiềm năng và lợi thế của địa phương đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách vừa tập trung ổn định tình hình, kiện toàn tổ chức bộ máy, vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đã phấn đấu đạt nhiều thành tựu to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực, tạo nên những dấu ấn trong hành trình khát vọng phát triển.
Một góc huyện Nam Trà My sau 20 năm thành lập.
Nếu như năm 2003, khi mới thành lập huyện Nam Trà My, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện trên 85% với 98% dân số là đồng bào DTTS thì bây giờ tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 44, 96%. Đã có thời điểm tỷ lệ hộ nghèo ở huyện giảm xuống dưới 24%, nhưng khi áp dụng theo chuẩn nghèo đa chiều mới thì tỷ lệ hộ nghèo lại tăng lên do các tiêu chí được nâng cao.
Những ngày mới tái lập huyện, với tỷ lệ 98% là đồng bào DTTS, việc áp dụng, truyền tải những kiến thức, mô hình, cây trồng, vật nuôi đến đồng bào là rất gian nan. Ngoài ý thức hệ trong sản xuất, canh tác, một rào cản khác là tỷ lệ sinh đẻ còn cao đã khiến cho nguồn lực lao động của các gia đình ngày càng suy giảm rất nhiều. Khi hỗ trợ sinh kế cho người dân, các cấp chính quyền huyện Nam Trà My cũng phải cân nhắc rất kỹ việc hỗ trợ cho họ giống gì, cây gì và hiệu quả có lâu dài. Xuất phát điểm của nền kinh tế huyện rất thấp; trình độ dân trí không đồng đều, đời sống đại bộ phận nhân dân còn khó khăn, thiếu thốn. Qua 20 năm từ ngày tái lập tới nay, huyện đã có những bước phát triển đáng kể trên nhiều lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân mỗi năm hơn 10%; cơ cấu giá trị sản xuất theo giá hiện hành tăng dần ở 2 lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và nông - lâm nghiệp.
Hiện, thu nhập bình quân đầu người của Nam Trà My ước đạt 10,5 triệu đồng/năm, tăng hơn 3 lần so với năm 2003. Mạng lưới trường, lớp của huyện không ngừng phát triển. Hiện đã có 3 trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1; duy trì phổ cập giáo dục 10/10 xã, tỷ lệ phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học đạt 99% và phổ cập THCS đạt 98,5%. Kết cấu hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ; đến nay 10/10 xã có đường ô tô về đến trung tâm xã. Nhiều trục giao thông lớn mở ra hướng kết nối huyện với các huyện, tỉnh khác như quốc lộ 40B, đường Đông Trường Sơn, Trà Vinh - Đăk Ru, Măng Lùng - Đăk Glei, Trà Leng - Phước Thành…
Cây sâm Ngọc Linh hiện đang được xem là mũi nhọn kinh tế chủ lực của Nam Trà My.
Các tiềm năng, thế mạnh của địa phương được khơi dậy, phát huy, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh, quế Trà My và các loại dược liệu. Đặc biệt, tháng 6.2017, cây sâm Ngọc Linh được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia, mở ra tiềm năng và hướng phát triển mạnh mẽ, đưa Nam Trà My thành thủ phủ cây sâm, cây dược liệu.
Đổi đời từ giấc mơ “quốc bảo”
Ngày 1/8/2003, huyện Nam Trà My được tách ra từ huyện Trà My. Ngày mới chia tách huyện, cây sâm Ngọc Linh vẫn còn là cái tên hoàn toàn xa lạ với nhiều người, thì bây giờ mỗi kg sâm mang tên dãy núi Ngọc Linh đã có giá hàng trăm triệu đồng. Khi giá trị của cây sâm này tăng lên thì tỷ lệ hộ nghèo ở Nam Trà My cũng trên đà giảm xuống đáng kể. Những lần lên với núi rừng Nam Trà My, nơi có những ngôi nhà 2 tầng khang trang ngói đỏ mà nhiều người vẫn gọi đây là “làng tỷ phú” của huyện Nam Trà My. Vào thời điểm năm 2008, khi giá trị của cây sâm Ngọc Linh bắt đầu nổi lên, người dân ở làng này đã nhanh chân vào rừng “săn” sâm và dự trữ. Đến thời điểm năm 2015-2018, khi những ký sâm tự nhiên ở Nam Trà My có trị vài trăm triệu đồng thì “làng tỷ phú” cũng hình thành từ đó.
Chính quyền địa phương đã thường xuyên tổ chức các phiên Chợ Sâm Ngọc Linh và hàng nông sản hàng tháng.
Cây sâm Ngọc Linh hiện đang được xem là mũi nhọn kinh tế chủ lực của Nam Trà My và liệu có mang lại những giá trị vượt bậc nhằm thay đổi hiện trạng kinh tế của huyện. Công tác quy hoạch phát triển vùng dược liệu, Sâm Ngọc linh được quan tâm, đến nay trên địa bàn huyện Nam Trà My đã tổ chức cho thuê môi trường rừng trồng Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng cho 41 nhóm hộ/513 hộ, diện tích: 469,96 ha; Tổ chức, doanh nghiệp: 19 đơn vị; diện tích: 364,52 ha. Thành tựu nổi bật đó là đưa cây Sâm Ngọc linh (Sâm đốt trúc, Sâm K5 từ cây thuốc giấu của đồng bào Xê Đăng), đã được Chính phủ công nhận tại Quyết định số 787/QĐ-TTg, ngày 5/6/2017 phê duyệt bổ sung sâm Ngọc Linh – Sâm Việt Nam vào danh mục sản phẩm quốc gia, cùng với Đề án 611/QĐ-TTG ngày 01/6/2023 Quyết định phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 với tổng diện tích là 21.000 ha thì ở Nam Trà My Quảng Nam là 8.400ha.
Với sản phẩm được mệnh danh “Quốc bảo” ấy, chính quyền địa phương đã thường xuyên tổ chức các phiên Chợ Sâm Ngọc Linh và hàng nông sản hàng tháng định kỳ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3 hằng tháng và tổ chức lễ hội sâm định kỳ hàng năm vào ngày 1/8. Tại đây bà con trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu, nông sản đưa sản phẩm đến trao đổi, giao thương. Bình quân mỗi phiên chợ có khoảng 50 ký sâm củ cùng hàng trăm mặt hàng dược liệu, nông sản đặc trưng được người dân đem tới bày bán với doanh thu hàng chục tỉ đồng. Qua đây tạo được ấn tượng với mọi người đặc biệt hằng năm thu hút hàng chục nghìn lượt khách du lịch đến tham quan mua sắm. Hiện tại, vào những chợ phiên sâm Ngọc Linh đã quảng bá, tạo sàn giao dịch mua bán, để du khách và người địa phương có cơ hội giao lưu tìm hiểu, qua đó thúc đẩy các hoạt động khác để thương hiệu sâm Ngọc Linh ngày càng gần gũi với người tiêu dùng. “Thủ phủ sâm Ngọc Linh” - Nam Trà My tiếp tục khẳng định thương hiệu và giá trị của cây dược liệu quý - sản vật của địa phương qua những kỳ hội, phiên chợ. Như một cách để người Xê Đăng trên đỉnh Ngọc Linh thêm tự hào và trân quý về “đặc ân” mà đất trời đã ban cho mình. Đã có hàng nghìn hộ dân ở Nam Trà My thoát nghèo từ cây sâm Ngọc Linh, đây là tín hiệu rất đáng mừng. Chính quyền địa phương cũng hướng tới việc đưa cây sâm Ngọc Linh trở thành mũi nhọn kinh tế, là Quốc bảo về sâm và là địa chỉ du lịch “thăm vườn sâm Ngọc Linh” có uy tín ở miền tây Quảng Nam.
“Thủ phủ sâm Ngọc Linh” - Nam Trà My tiếp tục khẳng định thương hiệu và giá trị của cây dược liệu quý.
Bên cạnh đó, các loại cây dược liệu bản địa như Đẳng sâm, Đương quy, Thất diệp nhất chi hoa, Quế Trà My được ưu tiên khuyến khích phát triển; hiện toàn huyện trồng mới được 2.597ha, nâng tổng diện tích Quế hiện có lên trên 3.600ha. Thành lập vườn ươm giống cây dược liệu tại thôn 1 xã Trà Nam nhằm cung cấp cây giống để nhân dân trồng.
Cùng với đó, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh, đã triển khai sắp xếp 57 KDC/2.588 hộ. Công tác xây dựng nông thôn mới tỷ lệ bình quân tiêu chí nông thôn mới trên toàn huyện đạt 10,5 tiêu chí/xã, có 02/10 xã đạt từ 13 tiêu chí trở lên, 08/10 xã dưới 13 tiêu chí. Xã Trà Mai đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
PCT UBND huyện Nam Trà My Trần Văn Mẫn thông tin, năm 2022 kinh tế - xã hội của huyện đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 789,39 tỷ đồng, tăng 10,07% so với năm 2021. Trong năm 2023, Nam Trà My xác định hướng phát triển kinh tế chính vẫn là phát triển các loại cây dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh, cây quế Trà My. Đi đôi với đó là làm tốt công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình quy hoạch, sắp xếp, bố trí lại dân cư theo Nghị quyết số 23 của HĐND tỉnh. Các chương trình mục tiêu quốc gia gồm xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị quyết 88 của Quốc hội sẽ được huyện lồng ghép thực hiện hiệu quả, đồng bộ.
Nhuận Mẫn – Huấn Trương - Thu Thủy
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.