Bàn về một số nguyên nhân gây ra ngập úng đô thị
MTXD – Trong nhiều ngày qua trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng ghi nhận nhiều điểm ngập úng cục bộ, gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường. Đô thị hóa và phát triển đô thị đã và đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa cũng làm gia tăng những hệ lụy xấu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, môi trường, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân như vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường đặc biệt là vấn đề ngập úng trong đô thị.
Nhìn nhận từ góc độ phân tích, nhận định có thể đưa ra một số nguyên nhân và thực trạng về vấn đề này như sau:
a/ Đô thị hóa và phát triển đô thị đã và đang trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Các đô thị hiện nay có tốc độ đô thị hóa đạt khoảng 40%. Nhiều đô thị được đầu tư hiện đại, đồng bộ về hạ tầng phục vụ nhu cầu về nhà ở và phát triển kinh tế, bộ mặt các đô thị đã có những thay đổi tích cực theo hướng văn minh, hiện đại.
Ảnh Minh họa
Tốc độ đô thị hoá cao đang diễn ra ở Việt Nam, năm 1998 có 635 đô thị, sau 10 năm (đến 2009) đã có 754 đô thị, năm 2018 là 813 đô thị. Dự báo tăng dân số đô thị cho thấy dân số đô thị năm 2020 của Việt Nam là 37 triệu người, con số này là 42 triệu vào năm 2025, 47 triệu vào năm 2030. Tỷ lệ đô thị hóa được ước tính là 40% vào năm 2020, 45% vào năm 2025, 50-52% vào năm 2030. Tỷ lệ đô thị hóa cao này góp phần vào sự chuyển dịch kinh tế và xã hội của đất nước. Song song với đó, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức đô thị cấp bách, bao gồm các vấn đề về rủi ro biến đổi khí hậu, thiếu cơ sở hạ tầng đô thị, rủi ro về lũ lụt...
Trong phạm vi bài viết này, tác giả đưa ra những thực trạng về cao độ nền và ngập úng của các đô thị thuộc vùng đồng bằng những đô thị chịu ảnh hưởng nặng nề của ngập úng. Từ đó, đề xuất một số giải pháp về công tác quản lý cốt nền và thoát nước mặt, một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giải pháp giảm thiểu ngập úng tại các đô thị hiện nay.
Một số đô thị của Việt Nam (như thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Huế, Hội An, Đà Nẵng,...) trong những năm gần đây đã phải hứng chịu những trận mưa, bão lũ có cường độ lớn, vượt xa khả năng chịu tải của hệ thống thoát nước. Rất nhiều đô thị ngoài việc chịu tác động của mưa, bão còn chịu tác động của nước biển dâng, triều cường dẫn đến ngập lụt. Hậu quả trực tiếp là hệ thống thoát nước và các công trình đầu mối chống ngập lụt (trạm bơm, hồ điều hòa, đê bao ...) bị hư hỏng, chi phí dành cho cho công tác duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp tăng lên.
Tại TP HCM, mặc dù chúng ta đã đầu tư các công trình thoát nước, kiểm soát ngập lụt với tổng kinh phí hơn 10.000 tỷ đồng, nhưng hiệu quả còn rất thấp. Thách thức đang đặt ra là các dự án chống ngập trong hiện tại chỉ mới triển khai cho khu vực trung tâm thành phố với tổng diện tích phụ trách chừng 100 km2. Trong khi đó phần diện tích đang chuẩn bị đô thị hoá càng lúc càng tăng dần và có thể đạt đến 850km2 vào năm 2025. Nếu ước tính theo kinh phí đã bỏ ra cho khu vực trung tâm thành phố, thì cần phải đầu tư thêm khoảng 7 tỉ USD cho các khu vực còn lại trong hai thập niên tới, kể cả phần thoát và xử lý nước thải.
b/ Hệ thống giao thông
Việc ngập lụt trên diện rộng tại các đô thị là nguyên nhân chính gây hư hỏng, xuống cấp bề mặt các tuyến đường giao thông.
Mặt khác, các các trận bão, lũ đã phá hỏng các công trình giao thông như cầu, đường bộ, đường sắt, sân bay, cảng biển ...
Hiện nay, các đô thị chủ yếu phát triển theo hình thức lấn dần, có nghĩa phát triển từ các đô thị cũ. Trước đây tính toán xác định cốt nền các đô thị này khá thấp ứng với tần suất thiết kế (P%) tương ứng với cấp đô thị thấp (chủ yếu là thị xã hoặc thành phố loại III, loại II). Chính vì vậy, sau khi phát triển, các đô thị được nâng cấp, các khu đô thị mới được tính toán với tần suất cao hơn, điều này dẫn tới chênh lệch cốt nền giữa đô thị cũ và đô thị mới, gây khó khăn cho công tác tổ chức thoát nước mặt đồng thời gây ra ngập úng cục bộ.
Bên cạnh đó, các dự án xây mới, cải tạo nâng cấp các trục đường giao thông trong đô thị đã xảy ra tình trạng chênh lệch giữa cốt nền xây dựng công trình và cốt mặt đường gây ra ngập úng, ảnh hưởng tới an toàn công trình, sinh hoạt của người dân và cảnh quan đô thị.
Vấn đề này xảy ra hầu hết ở các đô thị, trong đó tại các đô thị đồng bằng xảy ra khá phổ biến. Điển hình tại TP.Hưng Yên, khu đô thị trung tâm có cao độ trung bình khoảng 2,50 m đến 3,00 m nhưng các khu đô thị mới có cao độ khoảng +3.50 m.
Tại Nam Định, hiện thành phố có các “điểm đen” về ngập úng gồm: Ngã tư đường Trần Hưng Đạo - Phan Đình Phùng, đường Trần Hưng Đạo (đoạn cổng chợ Mỹ Tho, đoạn kéo dài ven hồ Truyền thống), Hàn Thuyên - Hùng Vương và chùa Cả, Hàng Tiện, Hàng Cấp, chợ Diên Hồng, đầu đường Quang Trung (Trung tâm Đăng kiểm cũ), ngã 6 Năng Tĩnh - Văn Cao, đường Bến Thóc, Ngô Quyền, Máy Tơ. Đây là những vị trí bị thấp trũng do quá trình phát triển đô thị.
Tại TP.HCM, dự án nâng cốt nền tuyến đường Kinh Dương Vương, quận Tân Bình, có rất nhiều nền nhà của các hộ dân bỗng chốc thấp hơn mặt đường 1,0 m đến 1,2 m. Nhà biến thành “hầm” gây nóng bức về mùa hè và thành bể nước mùa mưa, rất bất tiện cho sinh hoạt.
Đặc biệt, tại Hà Nội, các khu đô thị phát triển mở rộng thuộc chuỗi đô thị phía Đông vành đai 4 có cao độ cao hơn nhiều so với khu dân cư hiện hữu gây nên tình trạng ngập úng trong khu dân cư mỗi khi mưa lớn. Điển hình khu đô thị mới An Khánh, khu vực làng xóm cao độ trung bình từ +5,50 m đến +7,00 m. Khu vực xây dựng đô thị mới có cốt nền +6,50 m đến +7,30 m. Tuyến đường cao tốc Láng Hòa Lạc - Đại lộ Thăng Long sau khi hoàn thành thành có cao độ mặt đường cao hơn cốt nền các khu đô thị 2 bên đường từ 1,20 m đến 1,50 m dẫn tới làm thay đổi hướng dốc nền và lưu vực thoát nước. Hiện tại, tình hình ngập úng cục bộ tại khu đô thị diễn ra rất phức tạp. Khu đô thị Bảo Sơn, khu vực trước cổng đô thị Nam An Khánh Sudico, đô thị Lê Trọng Tấn - Geleximco, đường gom Láng Hòa Lạc là những khu vực ngập úng nghiêm trọng.
Từ những nguyên nhân trên có thể đưa ra một số giải pháp thiết kế hệ thống hạ tầng kỹ thuật thích ứng và đối phó với tình trạng ngập lụt tại các đô thị.
a/ Hệ thống thoát nước và các công trình đầu mối chống ngập lụt.
a1/ Cao độ nền xây dựng:
Bên cạnh việc thiết kế cao độ nền xây dựng như quy chuẩn xây dựng quy định, để đối phó với biến đổi khí hậu, chúng ta nên tập trung nghiên cứu vào một số nội dung sau:
- Chọn cao độ nền xây dựng có tính đến cảnh báo của các kịch bản nước biển dâng. Tại các đô thị, lập bản đồ về các khu vực có cao độ an toàn, các khu vực bất lợi do ngập lụt gây ra.
- Đối với các khu vực đô thị dễ bị tác động của ngập lụt, bên cạnh các giải pháp “công trình” cần quy hoạch sử dụng đất đô thị một cách linh hoạt trên cơ sở lấy chống lũ lụt làm công cụ thiết kế đô thị, dành nhiều không gian cho nước.
Việc cân bằng giữa đào và đắp trong quy hoạch cao độ đô thị là hết sức quan trọng. Mỗi mét vuông đắp hay phủ bằng vật liệu cứng (không thấm nước) cần phải được bổ sung một mét vuông có khả năng thấm nước, hoặc diện tích hồ chứa tương ứng.
a2/ Hệ thống thoát nước
Trong QCVN 01:2008/BXD đã quy định rất rõ việc lựa chọn hệ thống thoát nước cho đô thị, đối với đô thị mới nhất thiết phải quy hoạch hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn (tách riêng hệ thống thoát nước mưa và hệ thống thoát nước thải). Đặc biệt, với mục tiêu ứng phó với tình trạng ngập lụt, thì yêu cầu quy hoạch hệ thống thoát nước riêng sẽ là yêu cầu hàng đầu, bởi các lý do sau:
+ Hệ thống thoát nước chung sẽ vận hành không tốt trong mùa khô: do kích thước đường cống lớn dẫn đến vận tốc dòng chảy trong cống nhỏ, thậm chí còn nhỏ hơn vận tốc lắng cặn, nước thải sẽ không thoát hết, gây mất vệ sinh, làm hư hỏng hệ thống thoát nước.
+ Đối với hệ thống thoát nước riêng: Hệ thống thoát nước mưa sẽ dễ dàng tăng công suất, thậm chí có thể để mở (kênh, mương, hành lang thoát lũ) và trở thành một yếu tố cảnh quan đô thị với những hồ điều hòa, kênh rạch do không bị ô nhiễm nước thải.
b/ Hệ thống giao thông
-Khi quy hoạch các các tuyến đường giao thông đô thị, hạn chế tối đa việc xây dựng các tuyến ngăn dòng chảy của lũ. Trên “tuyến đi” của lũ cần nghiên cứu xây dựng các cầu, đường vượt trên cao.Quy hoạch giao thông đô thị cần chú trọng việc “rút ngắn” khoảng cách giao thông trên cơ sở cân bằng những chức năng chính trong khu vực đô thị (ví dụ như khu ở và khu làm việc...) để giảm thiểu lượng vận tải cơ giới (chạy bằng xăng) và kết quả giảm thiểu sự phát thải khí CO2.
Với tốc độ đô thị hóa cao thì việc quản lý quy hoạch xây dựng và quản lý đô thị là hết sức cần thiết. Trong đó, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật nói chung và quy hoạch cốt nền và thoát nước mặt đô thị nói riêng cần được chú trọng từ giai đoạn lập quy hoạch đến giai đoạn triển khai xây dựng, khai thác duy tu bảo dưỡng.
THẢO MỘC (t/h)
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.