Bão số 4 đổ bộ vào đất liền, tâm bão tại khu vực Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới
MTXD - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 4 giờ ngày 28-9, vị trí tâm bão số 4 ở trên đất liền khu vực Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117 km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 180 km tính từ tâm bão. Bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 50 km tính từ tâm bão.
Hỉnh ảnh di chuyển bão Noru từ vệ tinh
Do ảnh hưởng của bão số 4, tại đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) có gió mạnh cấp 10, giật cấp 14; đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Các địa phương Đồng Hới (Quảng Bình, Đông Hà (Quảng Trị), Quảng Ngãi, An Nhơn và Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hoà (Phú Yên) có giật cấp 7. Nam Đông (Thừa Thiên Huế), Đà Nẵng có gió giật cấp 9. Trà My (Quảng Nam), An Khê (Gia Lai) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Tam Kỳ (Quảng Nam) có gió mạnh cấp 9, giật cấp 13. Đắk Tô (Kon Tum) có gió giật cấp 6. Pleiku (Gia Lai) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 27/9 đến 4 giờ ngày 28-9 có nơi trên 220 mm như: Nam Đông (Thừa Thiê Huế) 306.2 mm, Trạm Kiểm lâm Sông Bắc (Đà Nẵng) 221.2 mm, Đầu mối hồ Việt An (Quảng Nam) 381.6 mm, Trà Phú (Quảng Ngãi) 245.4 mm…
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 28-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới cấp 6 (39-49 km/giờ), giật cấp 7.
Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25 km, suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39 km/giờ).
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Phú Yên (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 12; sóng biển cao 4-6 m, biển động dữ dội.
Vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13; sóng biển cao 3-5 m.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: ven biển khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11-12. Khu vực Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Gia Lai gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10. Khu vực Kon Tum có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, có nơi cấp 10, giật cấp 12.
Cảnh báo mưa lớn: Trong ngày 28-9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 120-200 mm, có nơi trên 250 mm. Khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 50-100 mm, có nơi trên 150 mm.
Từ ngày 28 đến ngày 29-9, khu vực Bắc Trung Bộ, có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 100-250 mm/đợt, có nơi trên 300 mm/đợt. Vùng ven biển, Đồng bằng Bắc Bộ và Hòa Bình lượng mưa phổ biến từ 70-150 mm/đợt, có nơi trên 180 mm/đợt. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trượt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Bước đầu ghi nhận nhiều ảnh hưởng
Ảnh hưởng của bão số 4: tại đảo Cù Lao Chàm có gió mạnh cấp 10, giật cấp 14; đảo Lý Sơn gió mạnh cấp 10, giật cấp 12; đảo Cồn Cỏ gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Đồng Hới, Đông Hà, Quảng Ngãi, An Nhơn, Quy Nhơn, Tuy Hòa gió giật cấp 7; Nam Đông, Đà Nẵng có gió giật cấp 9; Tam Kỳ có gió mạnh cấp 9, giật cấp 13;…
Hồi 4h ngày 28/9, vị trí tâm bão trên đất liền khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117km/giờ), giật cấp 13.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền các tỉnh Trung Trung Bộ và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Quảng Nam: Nhà tốc mái
Ghi nhận của PV tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam, thiệt hại ban đầu của cơn bão số 4 được chụp lúc 5h30 sáng nay (28/9) tại phường Hoà Hương, một ngôi nhà bị tốc toàn bộ mái; nhiều tấm tôn bay nằm trên đường.
Hình ảnh một số căn nhà bị tốc mái tại Quảng Nam
Đà Nẵng, Quảng Ngãi, TT-Huế, Quảng Trị chưa ghi nhận thiệt hại về người
5h sáng, tại điểm cầu Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tiếp tục có cuộc làm việc với các địa phương về diễn biến và ảnh hưởng của bão số 4.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện chưa ghi nhận thiệt hại về người. Trong đêm có 1 trường hợp phụ nữ trở dạ, các lực lượng đã dùng xe quân sự chở đến bệnh viện. Về thiệt hại tài sản, có 2 nhà bị tốc mái, 172 trạm biến áp mất điện (đã khôi phục lại 89 trạm), ngã đổ 75 cây xanh và một số biển hiệu.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cũng thông tin, tỉnh chưa ghi nhận thiệt hại về người. Có một số nhà dân bị tốc mái (chưa thống kê được số lượng cụ thể) và gãy đổ một số cây xanh tại huyện Lý Sơn, mất điện tại 6 huyện.
Theo đại diện tỉnh Quảng Trị, có một số nơi gió cấp 6, giật cấp 8. Ngoài thiệt hại về lốc xoáy mà Phó Thủ tướng kiểm tra chiều qua, hiện trên địa bàn có một số cây xanh gãy đổ, chưa ghi nhận các thiệt hại khác.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa 3 ngày một số nơi đã vượt 300mm), có gió giật cấp 7 đến cấp 9. Thiệt hại ban đầu ghi nhận, đã có 1 nhà bị sập, 10 nhà tốc mái, có 1 người bị thương nhẹ.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: “Giờ phải chuẩn bị ứng phó hoàn lưu bão”
Từ đầu cầu Đà Nẵng, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan lưu ý, “giờ phải chuẩn bị ứng phó hoàn lưu bão”.
Ông Hoan nhấn mạnh, cần tổ chức các đoàn công tác đến kiểm tra các địa bàn xung yếu.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường báo cáo về diễn biến bão
Nhiều nơi mưa to: Do ảnh hưởng của bão số 4, trong hôm nay, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 120-200mm, có nơi trên 250mm.
Khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai có mưa to đến rất to với lượng mưa 50-100mm, có nơi trên 150mm. Từ hôm nay đến ngày mai, khu vực Bắc Trung Bộ, có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 100-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt; vùng ven biển, đồng bằng Bắc Bộ và Hòa Bình lượng mưa phổ biến từ 70-150mm/đợt, có nơi trên 180mm/đợt. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trượt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng thấp.
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, đây là cơn bão lớn, công tác chuẩn bị tiến hành công phu, kỹ lưỡng. Đáng mừng là đến nay, thiệt hại sau bão không lớn, đặc biệt là thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ người dân.
Cần khẩn trương rà soát các điểm bị thiệt hại, nhà bị tốc mái để xuống hỗ trợ bà con. Về thiệt hại ở các khu vực cây cối đổ, ảnh hưởng giao thông, các địa phương khẩn trương khắc phục. Rà soát, kiểm tra, tổng hợp đầy đủ thiệt hại sau khi bão tan.
Phó Thủ tướng lưu ý, không được chủ quan, có trường hợp sau bão còn gây ra thiệt hại lớn hơn, ví dụ như thiệt hại do hoàn lưu bão năm 2021.
Ông Lê Văn Thành cũng yêu cầu bảo đảm thông suốt đi lại, an toàn đi lại, tránh tai nạn thương tích, đặc biệt là cho học sinh đến trường. Cần tiếp tục theo dõi diễn biến bão để tiếp tục triển khai ứng phó, hiện vẫn chưa được ngừng, nghỉ.
Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan tổ chức đoàn đi kiểm tra ở Quảng Ngãi, Thứ trưởng NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đi kiểm tại Quảng Nam. Phó Thủ tướng sẽ đi kiểm tra tại Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng.
“Tiếp tục bám sát tình hình, không chủ quan, không để bị động, bất ngờ”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Thảo Mộc
Các tin khác
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.