Bảo tồn di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ từ góc nhìn môi trường văn hóa

MTXD - Quy hoạch đô thị được thừa nhận như một loại hình nghệ thuật tổ chức không gian sống cho nhóm cư dân phi nông nghiệp, cư trú với mật độ tập trung dân số cao và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tương đối nhanh.

Quần thể di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ - ảnh internet

MTXD - Quy hoạch đô thị được thừa nhận như một loại hình nghệ thuật tổ chức không gian sống cho nhóm cư dân phi nông nghiệp, cư trú với mật độ tập trung dân số cao và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tương đối nhanh. Quy hoạch đô thị phải thực hiện các mục tiêu lớn mang tính liên ngành và liên vùng, với 4 nhiệm vụ cơ bản là tạo lập không gian sống cho cư dân đô thị; Xác định các mục tiêu phát triển đô thị trong những giai đoạn cụ thể trước mắt và tầm nhìn dài hạn; Tổ chức hoặc định hướng tổ chức không gian cho phát triển đô thị; Kiến tạo các thể chế thích hợp, nhằm kiểm soát tốc độ, phương thức phát triển đô thị, đáp ứng tối đa nhu cầu phát triển của cá nhân, cộng đồng địa phương cũng như quốc gia dân tộc.

1. Vai trò của môi trường văn hoá trong điều chỉnh quy hoạch phát triển

thành phố Điện Biên

Để hiểu rõ bản chất của quy hoạch phát triển đô thị chúng ta phải xác định nội hàm và cấu trúc của một số thuật ngữ khoa học chuyên ngành có liên quan. Trước hết là nói về môi trường sống (living environment) của con người. Đó là một tổ hợp hoàn chỉnh các điều kiện: vật lý, hoá học, sinh học, xã hội bao quanh con người và có ảnh hưởng tới sự sống, khả năng phát triển của cá nhân, cộng đồng xã hội cũng như toàn bộ loại người trên hành tinh tươi đẹp của chúng ta. Môi trường sống có hai yếu tố cơ bản là: yếu tố vật chất tự nhiên và yếu tố nhân tạo. Đó là hai yếu tố có quan hệ mật thiết với nhau bao quanh con người và có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế, xã hội, sự tồn tại và phát triển của con người, của sinh vật và tự nhiên.

Môi trường tự nhiên bao gồm các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và khí hậu bao quanh con người và tác động tới đời sống của con người. Đó là nguồn tài nguyên/tiền đề tối cần thiết để con người sử dụng và thích ứng trong quá trình sinh tồn và phát triển.

Môi trường nhân tạo là loại môi trường được tạo ra bởi các hoạt động sống của con người nhằm thích ứng, điều chỉnh và kiểm soát các điều kiện môi trường cụ thể ở từng địa phương và các quốc gia khác nhau. Tạo lập nên môi trường nhân tạo, đồng thời con người cũng kiến tạo nên môi trường xã hội riêng có của mình để phân biệt giữa con người (sinh vật cao cấp, có tư duy, có văn hoá) với giới tự nhiên cũng như các loài sinh vật còn lại.

Môi trường xã hội là loại môi trường mà ở đó con người là yếu tố trung tâm vừa tham gia, vừa đóng vai trò chi phối các yếu tố môi trường khác. Ta thấy, con người và các mối quan hệ giữa con người với nhau, với tư cách là chủ thể văn hoá đã trở thành hạt nhân, tiền đề và điều kiện tiên quyết nhất cho phát triển xã hội. Môi trường xã hội đóng vai trò xác định và điều chỉnh thái độ ứng xử của con người với tự nhiên, thái độ ứng xử với xã hội, thái độ ứng xử với chính bản than (tự trọng, tự tin và nhẫn nại, kiềm chế và yêu thương …) và cuối cùng môi trường xã hội còn góp phần điều chỉnh thái độ ứng xử của con người với thần linh (yếu tố tâm linh). Theo cố GS. Trần Quốc Vượng, tổng hợp và kết nối các thái độ ứng xử xã hội như thế tạo nên cái gọi là văn hoá và văn minh của nhân loại.

Di tích sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng - Ảnh Mộc Cỏ

Vài chục năm gần đây, giới báo chí và khoa học trên khắp thế giới bắt đầu bàn luận về thế kỷ 21 và coi đây là thế kỷ của văn hoá. Văn hoá được tôn vinh là một trong những thành tố quan trọng tham gia vào cấu trúc đời sống của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm “văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi”. Thực tế nêu trên chứng tỏ trình độ nhận thức của loài người đã đạt tiến bộ đến mức nhận thấy văn hoá trở thành yếu tố quan trọng cho phát triển. Do đó, từ khái niệm môi trường xã hội đã phát triển thành môi trường văn hoá với tư cách là hạt nhân và động lực của môi trường xã hội.

Môi trường văn hoá là một bộ phận hợp thành môi trường xã hội và cũng là thành tố cấu thành nên văn hoá dân tộc. Đó là sự tổng hoà những giá trị vật chất và tinh thần (di sản văn hoá phi vật thể và di sản văn hoá vật thể) tương đối ổn định trong một không gian và thời gian cụ thể mà các cá nhân và cộng đồng có thể tiếp cận và chịu tác động của môi trường văn hoá trong quá trình “hoạt động sống” của mình. Môi trường văn hoá được cấu thành từ các yếu tố cơ bản: (1) cảnh quan sinh thái nhân văn (môi trường nhân tạo); (2) các giá trị/hệ giá trị cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng và quốc gia (DSVHPVT và DSVH); (3) các sản phẩm văn hoá do con người sáng tạo ra, (4) hoạt động sống của các cá nhân và cộng đồng với tư cách là chủ thể văn hoá, chủ sở hữu DSVH, người nắm giữ, thực hành, truyền dạy, hưởng thụ giá trị văn hoá đồng thời có vai trò đặc biệt quan trọng góp phần bảo vệ và phát huy giá trị DSVH, (5) các thiết chế văn hoá (các di tích lịch sử văn hoá, bảo tàng, thư viện, trung tâm văn hoá) và các không gian công cộng trong đô thị (công viên, vườn hoa, quảng trường, tượng đài lưu niệm …).

Từ cấu trúc chung của môi trường văn hoá ta thấy có một yếu tố nổi trội đóng vai trò chủ đạo là hệ thống các thiết chế văn hoá với tư cách là hợp phần của không gian văn hoá, chúng chiếm những vị trí quan trọng trong mặt bằng tổng thể quy hoạch đô thị, đồng thời tạo ra diện mạo đặc thù cho kiến trúc đô thị.

Với thành phố Điện Biên, chắc chắn mọi người đều đồng thuận với nhận định, hệ thống các địa điểm di tích gắn với chiến trường Điện Biên Phủ ở lòng chảo Mường Thanh và các vùng phụ cận, bảo tàng Điện Biên (bức tranh tròn Panorama), đền thờ liệt sĩ Điện Biên phải là yếu tố hạt nhân, tạo nên sức sống đặc thù cho môi trường văn hoá của thành phố. Bởi vì, quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ đã trở thành “không gian văn hoá của những ký ức lịch sử hào hù ng” của Việt Nam.

Khu di tích gồm có 45 di tích thành phần với những địa điểm di tích nổi bật như: Đồi A1, đồi Độc Lập, cứ điểm Hồng Cúm, tượng đài chiến thắng, tượng đài kéo pháp, sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng… Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định, “Điện Biên Phủ” như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử”. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời, phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn”. “Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới”.

Có thể coi lời nhận định sáng suốt của Bác cũng là thể hiện giá trị đặc biệt của khu di tích Điện Biên Phủ ở tầm quốc gia và quốc tế. Đây cũng là lý do buộc các nhà quy hoạch đô thị phải đặt 45 điểm di tích chiến trường Điện Biên Phủ và Môi trường văn hoá vào trung tâm nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch phát triển thành phố Điện Biên trong tương lai.

Qua những nội dung trình bày ở trên, luận điểm được đúc rút là: Trong các quy hoạch phát triển đô thị nói chung, điều chỉnh quy hoạch phát triển thành phố Điện Biên nói riêng, khái niệm môi trường văn hoá cần được sử dụng như một loại “công cụ lý thuyết” để điều hoà và tạo lập sự cân bằng giữa các cấu trúc không gian sống trong đô thị mà không tạo ra sự xung đột giữa bảo tồn di tích lịch sử văn hoá và nhu cầu phát triển đô thị, đồng thời còn tạo ra động lực để phát triển các ngành công nghiệp văn hoá ở địa phương, trong đó có du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.

2. Điều chỉnh quy hoạch phát triển thành phố Điện Biên phải phát huy

được lợi thế về môi trường văn hoá của địa phương

2.1. Lợi thế về tự nhiên và bản sắc văn hoá cần được phát huy tạo động lực mới cho phát triển

Vì sự phát triển của Điện Biên – một tỉnh miền núi xa xôi nhất của Tổ Quốc phục vụ mục tiêu hạnh phúc, ấm no của đồng bào 19 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn phải xác định rõ lợi thế về tự nhiên, bản sắc văn hoá bản địa và xem xét nghiêm túc nhu cầu và nguyện vọng của người dân để điều chỉnh quy hoạch phát triển thành phố Điện Biên đến năm 2030 tầm nhìn 2050.

Cánh đồng Mường Thanh như đồng bằng lớn nằm giữa núi rừng vùng Tây Bắc - Ảnh nguồn internet

Về vị trí địa lý, Điện Biên là 1 tỉnh miền núi cao vùng biên giới Tây Bắc của Việt Nam. Điện Biên cách Hà Nội 504 km về phía Tây, phía Tây Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với đường biên giới dài 40,86km, phía Tây Nam giáp với CHDCND Lào với đường biên giới dài hơn 360km. Điện Biên có 02 cửa khẩu được mở: Huổi Puốc và Tây Trang (với Lào) và 2 cửa khẩu: A Pa Chải và Long Phú (với Vân Nam Trung Quốc). Địa hình Điện Biên chia cắt vùng đầu nguồn bởi 3 con sông: Sông Đà, Sông Mã và Sông Mê Công. Lợi thế so sánh lớn nhất là, Điện Biên nằm ở ngã ba biên giới giáp cả 2 nước Lào và Trung

Quốc. Đây là điều kiện thuận lợi để Điện BIên trở thành đầu mối trung chuyển hang hoá của các tỉnh phía Bắc Việt Nam xuất nhập khẩu hàng hoá với thị trường các tỉnh Bắc Lào và khu vực Tây Nam Trung Quốc, Myanmar cũng như lợi thế về kết nối du lịch1.

Cảnh quan sinh thái – nhân văn cánh đồng Mường Thanh là lợi thế ít nơi có được. Mường Thanh được ví như thung lũng, đồng bằng lớn nằm giữa núi rừng vùng Tây Bắc với lời truyền khẩu từ xa xưa: Nhất Thanh (Mường Thanh Điện Biên), nhì Lò (Mường Lò Yên Bái), tam Than (Mường Than – Lai Châu), tứ Tốc (Mường Tốc – Sơn La). Mường Thanh chính là vựa lúa gạo ngon bậc nhất miền Tây Bắc. Đặc biệt hơn nữa là không gian văn hoá các bản làng phân bố ở thung lũng ven núi với kiểu dáng kiến trúc đa dạng. Nhà sàn cao ráo thoáng mát được trang trí khau cút (biểu tượng trên nóc nhà đầu hồi cửa chính của người Thái), các nếp nhà trình tường bằng đất của người H’mông rất độc đáo phù hợp với điều kiện khí hậu vùng cao...

Đồng bào các dân tộc Điện Biên đang là chủ nhân thực sự của một hệ thống các di sản văn hoá phi vật thể vô cùng đặc sắc. Các thực hành tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian… trong đó tiêu biểu nhất là các di sản đã được đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia (nghệ thuật Xoè Thái, tết Nào pê chầu của người H’mông, lễ hội đền Hoàng Công Chất, lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ hang năm v.v.

Bàn về môi trường văn hoá của thành phố Điện Biên, chúng ta không được quên 45 điểm di tích gắn với Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu”. Đây là 1 trong số hơn 100 di tích quốc gia đặc biệt của cả nước và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch của tỉnh Điện BIên. 45 di tích thành phần của cụm di tích chiến thắng Điện Biên Phủ phân bổ trài dài ở nhiều địa điểm trong long chảo Điện Biên. Tuy nhiên khi có bàn tay kết nối không gian của nhà Quy hoạch, nó sẽ trở thành không gian lịch sử, đồng thời cũng là sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, nâng cao long tự hào dân tộc, nhắc nhở cho người Việt Nam về ký ức hào hung của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Đường đến Điện Biên

2.2. Tổ chức, kết nối các dạng không gian đô thị để tạo nên giá trị gia tăng cho môi trường văn hoá của thành phố Điện Biên là yêu cầu hàng đầu đặt ra cho việc điều chỉnh quy hoạch phát triển thành phố trong tương lai.

Trước hết cần thống nhất một số quan điểm tiếp cận di sản văn hoá (DSVH). Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) đặt ra yêu cầu tiếp cận DSVH như là một hệ thống các giá trị được tích hợp, vật chất hoá trong di sản mà không chỉ là những giá trị đơn lẻ tách biệt. Như vậy, DSVH được thừa nhận như là “túi khôn” của quốc gia dân tộc, là “kho tang trí tuệ” của nhân loại.

DSVH còn được nhìn nhận như “nguồn vốn cho phát triển” hay còn gọi là vốn văn hoá với các mặt giá trị tiêu biểu: (1) có khả năng bổ xung làm gia tang giá trị kinh tế của một sản phẩm văn hoá

với tư cách là loại “hàng hoá đặc thù” mang giá trị kép về tinh thần và kinh tế, (2) khả năng giáo dục, xây dựng nhân cách, điều chỉnh hành vi cá nhân góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thiết thực cho phát triển; (3) là một bộ phận quan trọng cấu thành môi trường xã hội/môi trường văn hoá lành mạnh – yếu tố tối cần thiết cho phát triển; (4) một sản phẩm có hàm lượng văn hoá, trí tuệ càng cao thì giá trị hàng hoá/giá trị thương phẩm càng lớn2 (Hướng tiếp cận giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hoá với phát triển knh tế. PGS.TS Đặng Văn Bài Bảo tồn di sản văn hoá từ góc nhìn phát triển, NXB Văn hoá dân tộc, 4.2022 tr11).

Điều chỉnh quy hoạch phát triển thành phố Điện Biên phải tạo ra động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu cần ưu tiên là: tạo lập những điều kiện cần thiết để biến DSVH thành nền tảng tinh thần, đồng thời tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân địa phương. Ta biết, UNESCO luôn khuyến khích các quốc gia thành viên quan tâm tới 3 mục tiêu lớn: (1) bảo vệ DSVH và khuyến khích các hoạt động sáng tạo văn hoá; (2) đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng cho mọi người với văn hoá; (3) tạo cơ hội cho tất cả mọi người tham gia vào sự sáng tạo, phổ biến và hưởng thụ văn hoá.

Các nhà nghiên cứu Việt Nam tương đối thống nhất trong việc xác định các yếu tố cấu thành động lực phát triển của một quốc gia là: (1) xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì những lợi ích cốt lõi của quốc gia; (2) xây dựng văn hoá và con người Việt Nam phát triển toàn diện với tư cách là nguồn lực cho phát triển; (3) xử lý hài hoà lợi ích giữa nhà nước – tập thể - cá nhân, đặc biệt là lợi ích kinh tế thiết thực cho con người3.

Điều chỉnh quy hoạch phát triển thành phố Điện Biên cần ủng hộ các mục tiêu phát triển du lịch bền vững trong đó có hai loại hình: du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Ta biết, du lịch bền vững có 3 mục tiêu lớn: (1) cung cấp cho du khách các sản phẩm du lịch và các tour du lịch, dịch vụ du lịch có chất lượng; (2) đảm bảo duy trì chất lượng môi trường thiên nhiên và xã hội vì lợi ích của cộng đồng; (3) cải thiện chất lượng sống của người dân địa phương gần các điểm du lịch.

Du lịch sinh thái là hình thức du lịch dựa vào các lợi thế tự nhiên, gắn với bản sắc văn hoá với sự tham gia chủ động và tự nguyện của người địa phương.

Du lịch cộng đồng là “loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hoá của cộng đồng, do cộng đồng cư dân quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi” 4. Du lịch cộng đồng có 6 đặc trưng và phù hợp với điều kiện của thành phố Điện Biên là:

(1) Tạo điều kiện cho nhiều đối tác tham gia;

(2) Cộng đồng cư dân địa phương có quyền tham gia, ra quyết định thực hiện các dự án du lịch;

(3) Cộng đồng cư dân địa phương, các đối tác và du khách có trách nhiệm bảo vệ môi trường thiên nhiên, di sản văn hoá và môi trường văn hoá tại các điểm đến du lịch;

(4) Cộng đồng địa phương được chia sẻ lợi ích từ các hoạt động du lịch;

(5) Quy mô hoạt động du lịch cộng đồng không lớn nên tác động môi trường là tối thiểu;

(6) Các sản phẩm du lịch mang đậm sắc thái văn hoá địa phương.

Tóm lại, từ lợi thế của Điện Biên phân tích ở phần trên, việc điều chỉnh quy hoạch phát triển thành phố cần tập trung xử lý các vấn đề sau:

Thứ nhất, nỗ lực tối đa có thể để giải phóng khu vực trung tâm lòng chảo Mường Thanh khỏi chức năng là khu công sở, văn phòng hoặc chung cư cao cấp. Ngược lại, trung tâm Mường Thanh phải trở thành khu vực phục vụ phát triển du lịch và dịch vụ chung cho thành phố.

Thứ hai, Quy hoạch phải xác định mục tiêu hướng tới mô hình phát triển nông nghiệp đô thị để góp phần bảo vệ lâu dài và bền vững cho cảnh quan sinh thái cánh đồng Mường Thanh và cảnh quan hai bờ sông Nậm Rốn như một hợp phần đô thị.

Thứ ba, phấn đấu để tương lai trong đô thị Điện Biên có nhiều không gian sáng tạo (không gian văn hoá cộng đồng) tiến tới một đô thị thông minh gắn với phát triển du lịch bền vững. Với ưu tiên tạo lập hệ thống các công viên văn hoá hay công viên chuyên đề (khu tượng đài chiến thắng, đền thờ liệt sĩ Điện Biên Phủ, Bảo tàng Điện Biên với bức tranh toàn cảnh mang tính nghệ thuật cao…)

Cuối cùng, điều chỉnh quy hoạch phát triển thành phố Điện Biên phải hướng tới hai xu thế lớn: (1) sự cân bằng giữa hai yếu tố: hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa và khuynh hướng phát triển kinh tế tự do, tức là vận hành tốt nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, làm cho kinh tế tư nhân có thể vận hành tốt trong lĩnh vực văn hoá, (2) làm cho kinh tế nông nghiệp ở Điện Biên có tỷ trọng đóng góp ngày càng cao trong xã hội và phải trở thành một trong những mục tiêu lớn trong quy hoạch phát triển thành phố Điện Biên.

PGS.TS. ĐẶNG VĂN BÀI

(Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá Việt Nam)

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cổng thông tin điện tử tỉnh Điện Biên – Dienbienportal truy cập ngày 25 tháng 4/2023

2. Hướng tiếp cận giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hoá với phát triển kinh tế. PGS.TS Đặng Văn Bài Bảo tồn di sản văn hoá từ góc nhìn phát triển, NXB Văn hoá dân tộc, 4.2022 tr11

3. Tài liệu đã dẫn tr16

4. Thư viện pháp luật, Luật Du lịch, Điều 3, Khoản 15, truy cập ngày 25/4/2023

 

 

 

 

 

 

 

 

Các tin khác

Tạp chí đang tạm dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan chủ quản
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm
Yên Mô – Ninh Bình: Nâng cao chất lượng cuộc sống từ xây dựng nông thôn mới tại xã Yên Lâm

MTXD - Sau khi đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2021, cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, xóm đã tập trung mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của nhân dân đến năm 2024 xã Yên Lâm, huyện Yên Mô đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng
Hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng

MTXD - Có thể nói Hà Nội ngày nay đang hội tụ đầy đủ trong mình nhiều yếu tố gồm cả thế và lực để hiện thực hóa khát vọng, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng không gian hai bên sông Hồng trở thành “Biểu tượng phát triển mới của Thủ đô”.

Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam
Đô thị nén sự lựa chọn hình thái của các đô thị phát triển theo hướng sinh thái ở Việt Nam

MTXD - QCVN 01:2019 đã làm rõ nội dung về kiểm soát mật độ dân số trong các đồ án quy...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 3

​MTXD - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9-2024 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024.